Nguyễn Tiến Cường, Võ Văn Tạo: “Người tù thế kỷ” Nguyễn Hữu Cầu qua đời
Ông Nguyễn Hữu Cầu (1947–2022) cựu sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa, thường được gọi là “người tù thế kỷ” vì đã phải trải qua 37 năm trong ngục tù của chế độ cộng sản, đã từ trần ngày 19.12.2022 tại Rạch Giá, Kiên Giang. Được biết, ông bị đột quỵ cộng với thân thể mang nhiều bệnh tật lâu ngày do hậu quả của lao tù.
Trải qua nhiều năm bị giam cầm, ông luôn giữ vững lập trường, cương quyết không nhận tội, không xin ân xá trước một bản án mà ông cho là vô lý. Dưới áp lực của quốc tế và do sức khỏe của ông ngày càng suy giảm nghiêm trọng, cuối cùng nhà cầm quyền Việt Nam buộc phải thả ông ra vào tháng 3.2014.
Sau khi ông mất, trên facebook rất nhiều người đưa tin, viết bài về cuộc đời, tính cách, về sự ra đi của ông. Dưới đây là 2 trong số những bài viết đó, của tác giả Nguyễn Tiến Cường từ Đức và nhà báo Võ Văn Tạo từ Việt Nam.
Diễn Đàn Thế Kỷ
Nguyễn Tiến Cường: Tưởng niệm người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu.
Tôi được tin anh Nguyễn Hữu Cầu – một người bạn tù của tôi ở trại 3 tù binh Hiệp Đức, thuộc tổng trại 1 tù binh do trung tá cộng sản Trần Tốc là giám đốc tổng trại – đã qua đời qua bài viết của nhạc sĩ Tuấn Khanh. Thành thật chia buồn cùng gia đình anh, cầu mong anh được an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.
Có những câu chuyện nhỏ về anh Nguyễn Hữu Cầu, tôi muốn kể lại đây cho mọi người cùng biết. Anh là một nhạc sĩ phục vụ trong khối chiến tranh chính trị, phòng tâm lý chiến của sư đoàn 3 bộ binh quân lực VNCH, cấp bậc trung úy. Tháng tư năm 1975, khi Đà Nẵng thất thủ, tôi gặp anh lần đầu ở một trại lính cũ ở Hòa Cầm, nơi các sĩ quan QLVNCH bị cộng sản tập trung sau khi trình diện tại Đà Nẵng.
Hàng tuần, cộng sản cho vệ binh dẫn chúng tôi ra sông Cầu Đỏ tắm, giặt 2 lần. Sông Cầu Đỏ là một nhánh nhỏ của sông Thu Bồn, cách trại khoảng một cây số. Một lần đi tắm, giặt chung, anh Cầu đã ngẫu hứng làm bài thơ sau đây:
“Tôi ở bên này sông Cầu Đỏ
Em ở bên kia sông….
Đứng ở bên này… ngó thấy bên kia
Bơi qua bên kia…ngó thấy bên này…
Bơi ra giữa dòng…ngó thấy hai bên…
Lặn xuống dưới nước…chẳng thấy bên nào…”
Bài thơ lan truyền trong nội bộ tù tạo nên những nụ cười nhẹ nhàng, giảm bớt âu lo, căng thẳng trong lúc tương lai của miền Nam ngày càng đen tối. Là nhạc sĩ, có máu khôi hài, anh Cầu còn có những câu hát chế diễu quân đội CS như:
“Theo bên anh có cái đài kè kè, theo bên anh có cây súng AK”…hoặc “Còn trời còn nước, còn non, còn quân cộng sản thì còn chiến tranh…”
Tháng 05.1975, chúng tôi, khoảng 2.000 tù binh đủ mọi quân binh chủng từ cấp thiếu úy đến đại tá ở Hòa Cầm được đưa đi Hiệp Đức – một quận lỵ nằm sâu trong rừng thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cách quốc lộ 1 khoảng 25-30 cây số – tập trung ở 5 trại, thuộc quyền cai quản của tổng trại 1 tù binh.
Tôi và anh Cầu về trai 3, trại 3 có 10 khối, đánh số từ 1 tới 10, mỗi khối khoảng 50 người, chia làm 2 nhà, mỗi nhà khoảng 25 người. Tôi khối 1, anh Cầu khối 3. Khối 1 chúng tôi toàn sĩ quan không quân, dân pilot từ quan sát L-19, U-17…tới trực thăng UH-1, A-37, Skyraider A-1 cũng như dân kỹ thuật, tình báo… đa số biết nhau từ trước nên sinh hoạt thoải mái – hơn các khối khác gồm đú các binh chủng, kể cả dân hồi chánh VC – khối tôi do đó không sợ bị ăng ten theo dõi, báo cáo tội…”phát biểu linh tinh”.
Có một “sự cố” xẩy ra với anh Cầu mà tôi được biết trong thời gian tù chung với anh.
Đó là chuyện mất chiếc đồng hồ Seiko 5 có 2 ô chỉ ngày, thứ trong tuần. Một vệ binh của trại biết anh Cầu có chiếc đồng hồ Seiko 5 mới, có “2 cửa sổ, không người lái” nên có ý chiếm đoạt. Một buổi tối, anh vệ binh này hỏi mượn anh Cầu chiếc đồng hồ để xem giờ đổi phiên gác. Anh Câu không nghi ngờ gì – vì 2 người đã biết nhau qua những lần vệ binh này dẫn tù đi lao động – nên đưa ngay.
Đến sáng hôm sau không thấy người vệ binh trả lại chiếc đồng hồ, anh Cầu trình bày sự việc với ban quản giáo trại. Họ lập tức bắt anh đưa lên ban an ninh trại, uy hiếp, hăm dọa anh không được phổ biến câu chuyện cho người khác biết, đồng thới kết tội anh Cầu vu không cách mạng chiếm đoạt tài sản nhưng chỉ cảnh cáo anh thay vì trừng phạt nếu thật sự anh cáo gian cách mạng theo lời họ. Phần anh vệ binh “mượn tạm” cái Seiko 5 của anh Cầu thì mất dạng, không còn thấy xuất hiện trong trại hay dẫn tù đi lao động nữa.
Sau đó, theo lời một vệ binh khác thì ban giám đốc trại đã thuyên chuyển vệ binh này đi trại khác để tránh tai tiếng. Cũng may chuyện đó xẩy ra trong thời gian tù nhân còn chịu sự quản trị của quân đội CS. Chuyện nếu xẩy ra khi công an cai quản tù nhân, chắc chắn anh Cầu sẽ bị tra tấn tàn bạo tội vu khống, nói xấu cách mạng.
Cuối năm 1984, khi đã định cư ở Đức, được tin anh Cầu bị tòa án cộng sản ở Kiên Giang kết án tử hình vì tham gia vào tổ chức kháng chiến của ông Trần Văn Bá, tôi không tin khi nhớ lại chuyện anh mất chiếc đồng hồ Seiko 5. Tôi không lạ gì thủ đoạn hèn hạ, đê tiện, chụp mũ, vu khống của cộng sản. Những diễn tiến sau vụ án đó đã được nhạc sĩ Tuấn Khanh nói hết trong bài viết trên, xin không nhắc lại.
Nhắc lại vài chuyện nhỏ để tưởng nhớ đến một người bạn tù đã sống trung thực, kiên cường, không sợ hãi bạo quyền. Anh Nguyễn Hữu Cầu giờ đã yên nghỉ. Cầu chúc cho anh được tiêu diêu nơi miền cực lạc.
Nguyễn Tiến Cường
***
Võ Văn Tạo: NGƯỜI TÙ THẾ KỶ ĐÃ VỀ MIỀN MÂY TRẮNG
Mùa Hè đỏ lửa 1972, hai chúng tôi đều tham chiến Quảng Trị “cối xay thịt” khốc liệt, nhưng ở hai bên chiến tuyến.
43 năm sau, gặp nhau giữa Sài Gòn, Người tù thế kỷ – đại úy QLVNCH Nguyễn Hữu Cầu – ngậm ngùi: “Thật chua xót và bất hạnh cho người Việt. Trong cuộc chiến tàn khốc nồi da xáo thịt đằng đẵng hai mươi năm ấy, mọi quyết định quan trọng nhất không đến từ Hà Nội hay Sài Gòn, mà từ Maxcova, Bắc Kinh, Washington.
Cùng dòng giống Lạc Hồng, những đứa con chung một mẹ Việt Nam, vốn chẳng oán chẳng thù gì nhau, vô cớ lao vào bắn giết nhau như những con thiêu thân, chỉ vì cái ý thức hệ dở hơi, xa lạ…”.
Từng chĩa súng vào nhau, những người lính giờ đây đã biết đẩy nỗi đau dân tộc lùi vào quá khứ, để yêu thương và đi tới. Lẽ nào chóp bu cổ cồn, không hề biết mùi thuốc súng, lại không thể học theo?
Võ Văn Tạo
Nghe thêm: Facebook Nghê Lữ–Nghê Lữ Channel: “2 Con Của Người Tù Thế Kỷ Nói Gì Về Sự Ra Đi Của Anh Nguyễn Hữu Cầu”