Nguyễn Tường Thiết: Câu chuyện về Giáng Sinh đầu tiên trên đất Mỹ

Giáng Sinh 1975, Tacoma

Chuyện kể về một em bé chào đời.

Cha mẹ em bé đã vượt một khoảng cách thật xa để đến một một vùng đất  lạ, nơi mà có một số người nói ở đây không có chỗ dung thân cho họ.

Họ mang theo mình mớ hành trang ít ỏi có thể dễ dàng đặt trên lưng của một con lừa.

Trên vùng đất xa lạ đó một em bé chào đời.

Không một người chăn chiên nào rời bỏ bầy cừu của mình để có mặt tại nơi chào đời của nó.

Và cũng không có một nhà chiêm tinh nào đi từ xa tới để đánh dấu sự ra đời: ngoại trừ phóng viên của một tờ nhật báo đang săn tìm một câu chuyện để kể vào ngày lễ Giáng Sinh.

Đó là sự ra đời của bé Nguyễn Tường Thi, đứa con gái mới tinh của ông Nguyễn Tường Thiết và người vợ trẻ tên Vân.

THI, tên bé trong tiếng Việt có nghĩa là THƠ, hãy còn ở trong bụng mẹ trong những ngày tàn của cuộc chiến tranh Việt Nam. Đứa bé chưa ra đời ấy đã rời khỏi Sài Gòn cùng với người mẹ và người anh của nó vào ngày 28 tháng Tư.

Ngày sinh của con bé, ngày 16 tháng Chạp, tại Lakewood General Hospital đã đặt dấu ấn cuối trên con đường sống mới mà bố mẹ nó đã  chọn.

“Tôi rất vui mừng”. Thiết, bố của đứa bé nói. “Tất cả những người cha đều vui với đứa con của mình”.

“Tôi rất vui được biết con gái tôi có quốc tịch Mỹ”.

“Thầy dậy Anh văn của tôi nói đùa: Bà ta bảo con tôi bây giờ là người bảo trợ của  tôi”

Thiết, 35 tuổi, ngồi trong một gian apartment nhỏ, đơn sơ vùng Lakewood, với giọng Anh ngữ còn gượng, ông ta kể về nỗi sợ hãi trong quá khứ và niềm hy vọng ở tương lai.

“Khi mới đến Mỹ tôi rất lo vì tiền nong không có”. Thiết nói. Nhưng ông ta bây giờ đã được chính phủ trợ giúp trong lúc còn đang theo học. 

“Tôi có mang theo tiền Việt Nam”. Thiết nói. “Nhưng nửa triệu bạc nay đã trở thành mớ giấy lộn”.

Thiết, một hoá học gia, bây giờ đang theo học trở lại để hy vọng trong tương lai sẽ trở thành một hoá học gia ở Hoa Kỳ.

“Tôi hy vọng trong tương lai tôi sẽ tìm được một công việc tốt. Tháng trước tôi đã thử làm nghề rửa chén. Một công việc rất cực nhọc”.

Thiết phải bỏ dở công việc này vì nó cản trở việc học hành của ông. 

“Mai mốt có thể tôi sẽ tìm một công việc bán thời gian”. 

Thiết  nói ông ta vững tin con cái ông trong tương lai sẽ có một đời sống tốt trong xứ sở này.

“Chúng tôi sẽ trở thành công dân Mỹ, bởi vì chúng tôi không thể trở về quê hương cũ”.

“Chúng tôi sẽ sống ở đất nước này suốt đời”.

Đối với Thiết và gia đình ông, lời hứa Giáng Sinh bao hàm trong cuộc đời của đứa bé mới sinh, trong cuộc sống mới trước mắt, và trong  niềm hy vọng mới mà họ cùng nhau ấp ủ trong mình.

John Ellingson

TNT Staff Writer

*

Bé Thi của chúng tôi một ngày nào – với câu chuyện về sự ra đời của nó được trang trọng in trên trang nhất của nhật báo The News Tribune thành phố Tacoma số đặc biệt Christmas ngày 25 tháng 12 năm 1975 – hôm nay vừa tròn 48 tuổi.

Thi Tuong Nguyen là tên của cháu ghi trên mặt báo, bây giờ cháu mang tên Thi Tuong Ream sau khi kết hôn với Tyler Ream và mang họ chồng. Chúng tôi bây giờ có hai cháu ngoại, cháu trai, mang tên Rylan Tuong Ream và Paxton Tuong Ream. Cháu Thi nhất định giữ nguyên tên lót “Tuong” cho mình và hai con vì cháu rất hãnh diện và muốn duy trì dòng họ Nguyễn Tường của bố cháu cho các thế hệ sau. 

Hôm nay thay cho lời chúc mừng sinh nhật tôi kể câu chuyện trên đây Story retold – a babe is born đánh dấu một Giáng Sinh đầu tiên chúng tôi đến nước Mỹ năm 1975. Tôi cũng xin thuật lại – dưới hình thức lá thư gửi con – chuyến đi mới đây của chúng tôi trở lại thành phố Đà Lạt để làm sống lại tuần trăng mật của chúng tôi tại đây đúng 50 năm về trước.

Thi, con thân mến của bố,

 Trước đây mấy hôm vào một buổi tối con nhờ bố mẹ đến nhà con vài giờ để trông nom hai cháu Rylan và Paxton trong khi con và Tyler có việc bận vắng nhà. Hai năm trước Tyler may mắn tìm được việc làm ở Everett, hai con đã mua nhà ở Edmonds, chỉ cách nhà bố mẹ ở Shoreline có 10 phút lái xe. Thật là một niềm vui rất lớn cho bố mẹ ở tuổi già khi thấy hai con đã dọn vể ở gần, sau hơn hai mươi năm phải sống xa cách, do Tyler vì công việc phải luân chuyển ở nhiều tiểu bang xa khác nhau. Thế là bây giờ cả ba gia đình con, anh Thao con, và bố mẹ đều có nhà riêng ở gần nhau, nằm trên một hình tam giác, cách nhau chỉ 10 phút lái xe. Cảm ơn thượng đế. Đây là diễm phúc lớn mà không phải gia đình nào cũng có được. 

 Bây giờ giữa mùa Giáng Sinh. Buổi tối trên đường lái xe đến nhà con bố thấy có rất nhiều nhà đã giăng đèn trước mặt tiền và ở trong xe hễ mở đài thì nhạc Giáng Sinh nổi lên, vui tươi và đầm ấm. 

Khung cảnh ấm cúng theo bố vào trong nhà con: giữa phòng khách một cây thông Giáng Sinh cao gần chạm trần nhà, với đèn thắp sáng lấp lánh những quả bóng nhiều màu treo trên cành. Bố nghĩ đây hẳn là công trình của Tyler, người con rể Mỹ của bố cao 6 feet 8. Với khổ người ấy Tyler đã gắn những đồ trang trí ở tít trên cành thông cao một cách dễ dàng thoải mái.

Nhìn xuống dưới, trên một mặt bàn thấp, cạnh một đĩa hát cũ – đĩa hát của thập niên 1950 – bố lặng người nhìn khung ảnh một tờ báo cũ, in hình bố mẹ và hai con, phiá dưới có ghi hàng chữ: “Babe Thi brightens refugee family’s holiday”. Bố chắc chắn việc trưng bầy tấm ảnh này trong mỗi mùa Giáng Sinh ở nhà con với tấm ảnh đi kèm bài viết nhan đề “Story retold – a babe is born” trên số báo cũ mà con đã lồng khung và cất giữ suốt 48 năm nay là công trình của con, bởi vì bố biết con có biệt tài về trang trí nội thất rất mỹ thuật, có lẽ thừa hưởng tài hoa của ông nội con, vừa là một nhà văn, vừa là một hoạ sĩ …

Kirkland Jan 7, 2023

Con nhớ không? Con đã thể hiện khiếu thẩm mỹ ấy một cách hoàn hảo khi con đứng ra tổ chức, đạo diễn và trang hoàng cho buổi tiệc kỷ niệm 50 năm ngày cưới của bố mẹ tại nhà hàng Anthony’s HomePort Kirkland, vào ngày 7 tháng Giêng năm nay 2023. 

Như bố đã viết trong cuốn hồi ký của bố “Nhất Linh, Cha Tôi”, trong bài Người học trò của hoạ sĩ (ông ngoại con là học trò của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí) đám cưới của bố mẹ được tổ chức trên lầu cao chót của nhà hàng Majestic ở Sài Gòn vào ngày mồng 7 tháng Giêng năm 1973.

Là người tổ chức con quyết định chọn ngày 7 tháng Giêng năm 2023, tức đúng 50 năm sau ngày cưới, để thực hiện buổi tiệc. Rất may ngày ấy năm nay lại rơi vào Thứ Bẩy, một ngày cuối tuần rất thuận lợi cho việc mời khách tham dự.

Khi gửi email thiệp mời – tấm thiệp trông rất mỹ thuật – con đã khéo léo chọn bức hình bố mẹ chụp tại Đồi Cù thành phố Đà Lạt trong tuần trăng mật của bố mẹ vào mùa Hè 50 năm trước để làm nền cho tấm thiệp mời với hàng chữ 50th Anniversary.

Đồi Cù Đà Lạt 1973 

Chính tấm thiệp này đã gợi ý cho bố mẹ trở về thành phố Đà Lạt vào mủa Thu năm nay, thuê lại đúng khách sạn Ngọc Lan nhìn xuống hồ Xuân Hương, nơi mà 50 năm trước trong tuần trăng mật bố mẹ đã từng ở.

Khi biết bố mẹ có ý định trở lại thành phố Đà Lạt con có nói với bố nhớ chụp tấm ảnh ở Đồi Cù nơi bố mẹ đã chụp 50 năm trước in trên tấm thiệp và thuật lại chuyến đi về thành phố này 50 năm sau.

Con thân mến,

Trở lại Đà Lạt bố đối diện với một thành phố mới có quá nhiều thay đổi. Đà Lạt ngày nay không còn là một Đà Lạt trầm lặng với vẻ đẹp u hoài trong tâm tưởng của bố khi xưa. Nửa thế kỷ đã trôi qua rồi còn gì. Đà Lạt bây giờ đã khác, đã bị đô thị hoá rất nhiều, có vẻ mới hơn, trẻ hơn và cũng xô bồ hơn. 

Tuy nhiên bố không để vì lòng hoài niệm hình ảnh một thành phố cũ dấu yêu đã mất mà quên đi không nhìn thấy một thành phố tuy khác xưa nhưng không phải là không có những nét đẹp riêng, vì vậy mà sự thi vị của chuyến đi trăng mật thứ hai này đã không vì thế mà bị mờ đi.

Khách sạn ngày nay bố mẹ ở, xưa kia, vào thập niên 1950 của thế kỷ trước khi bố còn là một cậu học sinh của thành phố Đà Lạt, là rạp xi-nê Ngọc Lan, nơi bố đã từng xem nhiều phim ở đây vào tuổi mới lớn, chẳng hạn những phim Waterloo Bridge, Roman Holiday, On the Waterfront… bố đều xem ở rạp hát này. 

Năm mươi năm trước, sau ngày cưới, bố mẹ lên Đà Lạt thì rạp xi-nê bị phá đi để xây khách sạn, cũng mang tên Ngọc Lan. Hồi ấy khách sạn này còn nhỏ, không đồ sộ như bây giờ.

Ngọc Lan ở vị trí trung tâm thành phố nên rất thuận tiện cho việc đi lại. Đến Đà Lạt trong màn đêm, khi xe đến gần khách sạn, ánh đèn màu từ cổng chào, bảng quảng cáo, hàng quán, cửa hiệu… biến khu trung tâm thành một quang cảnh rộn rã, trông như một khu hội chợ về đêm. Ngay trước sảnh khách sạn là bực thang dẫn xuống hồ, nơi có chợ đêm tấp nập du khách, hàng quán rực ánh đèn, một bên là những quán ăn, một bên là những gian bán quần áo, nằm dọc hai bên con đường nối từ chợ Đà Lạt ra phía đập nước của hồ Xuân Hương.

Buổi sáng đầu tiên, sau khi ăn sáng xong ở khách sạn – phòng ăn trên lầu thượng của Ngọc Lan có view rất đẹp trông xuống toàn cảnh hồ Xuân Hương – bố mẹ thả bộ đi dạo một vòng quanh hồ, mặc dù sáng hôm đó trời đầy mây xám báo hiệu sắp mưa. Vì có chủ đích, bố mẹ đi về hướng Đồi Cù cốt để chụp một tấm ảnh giống như tấm ảnh 50 năm trước in trên tấm thiệp, nhưng than ôi, Đồi Cù nay đã bị cấm vào, có hàng rào bao vây.

Trong ký ức bố Đồi Cù, nhìn từ tầm cao xuống làn nước hồ lấp lánh thấp thoáng dưới kia qua những rặng thông xanh thưa lá, có lẽ là cảnh quan đẹp và thơ mộng nhất của thành phố Đà Lạt, nơi đã chứng kiến và ghi dấu bao kỷ niệm êm đềm của không biết bao nhiêu thế hệ những cặp uyên ương. Thảo nào mà con đã chọn bức ảnh bố mẹ chụp trên Đồi Cù này 50 năm trước để in trên tấm thiệp mời trong lễ kỷ niệm 50th Anniversary.

Không lên được Đồi Cù bố mẹ đành đi dọc theo một vỉa hè khang trang mới được xây sau này tiến về phiá vườn Bích Câu cuối hồ Xuân Hương, nơi bố nhớ có chụp nhiều tấm ảnh 50 năm trước. Nhìn qua bên kia hồ cảnh trí vẫn y nguyên như xưa: nhà Thủy Tạ, khách sạn Palace và tháp cao của ngôi trường Yersin. Cũng trong khung cảnh này bố nhớ lại sáu mươi bẩy năm trước có lần bố tản bộ ở đây cùng với ông nội con, ông nội chỉ vào cái tháp cao và cái khách sạn kia nói với bố chính tại ngôi trường Yersin ấy mười năm trước ông đã cầm đầu phái đoàn sơ bộ Pháp-Việt và ở mặt tiền khách sạn Palace kia ông vẫn thường ngồi uống rượu giải lao sau những giờ phút căng thẳng của hội nghị.

Đi gần đến cuối hồ có một cầu gỗ xây chìa ra sát mặt hồ cho du khách thưởng ngoạn phong cảnh bố nhờ một cặp tình nhân trẻ chụp cho bố mẹ dăm ba tấm hình. Khi về Mỹ bố vui mừng khi soát lại đống hình cũ có một bức  chụp ở đúng chỗ này trong trong tuần trăng mật thứ nhất – cây cầu gỗ cũ đã gẫy thay thế bằng một cầu khác lớn hơn – và bây giờ bố có thể gửi con hai bức ảnh chụp ở cùng một nơi cách nhau 50 năm, thay thế cho bức ảnh trên Đồi Cù mà con muốn bố chụp.

Hồ Xuân Hương Đà Lạt 1973 
Hồ Xuân Hương Đà Lạt 2023

Cuối hồ Xuân Hương có một cái đảo nhỏ có cầu bắc qua có cả chòi vọng cảnh mà xưa kia bố không thấy có, nhưng bố mẹ không ghé vào đảo, vì trời bắt đầu đổ cơn mưa to. May quá tối hôm trước bố mẹ đã mua hai cái poncho ở chợ Hoà Bình nên vội vàng mặc vào người rồi “đội mưa mà đi” qua ngã Thủy Tạ đến đập Xuân Hương cho hết một vòng hồ. Tối hôm đó bố mẹ lại đi dạo hồ một lần nữa vào ban đêm và quả là thích thú nhìn thấy đèn màu thắp sáng cả một Đồi Cù, đèn chuyển từ màu này sang màu khác, và du khách ngồi ở nhà Thủy Tạ ban đêm nhìn sang phía bên kia hồ lung linh màu sắc, một cảnh tượng khó quên của thành phố Đà Lạt bây giờ.

Nhà Thủy Tạ Đà Lạt 2023

*

 Thi, con yêu của bố,

Bốn mươi tám năm trước “babe Thi brightens refugee family’s holiday”, như báo Tacoma News đã ghi lại dưới bức ảnh gia đình ta đăng trong ngày Giáng Sinh đầu tiên khi bố mẹ và các con đặt chân lên đất Mỹ.

Bốn mưới tám năm sau, hôm nay ngày sinh nhật con, trong không khí  đón mừng Giáng Sinh, con đã toả sáng không kém niềm vui và  hạnh phúc của gia đình con. 

Sinh nhật Thi, Dec 16, 2023.

Lời nói của bố với phóng viên nhà báo lúc bố mới chân uớt chân ráo đến vùng đất mới này rằng con cái của bố “trong tương lai sẽ có một đời sống tốt trong xứ sở này” hôm nay chứng minh là đã ứng nghiệm.

Bố mừng cho con,

Happy Birthday & Merry Christmas

Nguyễn Tường Thiết

Seattle, December 16, 2023