Nguyễn Văn Huy : Nhìn lại những chính sách hội nhập cộng đồng người Thượng trên cao nguyên (Kỳ cuối)

Bản đồ các sắc tộc ở Đông Dương phân chia theo nhóm ngôn ngữ (Nhà xuất bản Monrocq – Paris, in năm 1917). Màu xanh lá là địa bàn của người Bahnar, Mạ, Stieng, Lạt, Koho. Màu xám là vùng của người Jarai, cùng nhóm ngôn ngữ với người Chăm, Rhadé, Raglai và Churu. Màu đỏ nhạt là vùng của người Việt.

D. Chính sách dân tộc thời cộng sản : Tây Nguyên là vùng phên dậu

Tháng 3/1975, quân cộng sản gia tăng áp lực trên cao nguyên miền Trung. Ngày 19/3, Quân đội Việt Nam Cộng Hòa rút lui khỏi thành phố Buôn Ma Thuột, phe cộng sản liền tràn vào chiếm đóng và phong đại tá Y Blok Eban (một lãnh tụ trong Mặt Trận Tự Trị Tây Nguyên) làm chủ tịch Ủy Ban Quân Quản và kêu gọi dân Thượng hợp tác.

Những lãnh tụ Thượng tại Sài Gòn, mất liên lạc với các tỉnh cao nguyên, loan báo nhiều tin khó kiểm chứng. Ông Nay Luett, bộ trưởng Bộ Phát Triển Sắc Tộc, tố cáo FULRO Dega hợp tác với cộng sản đánh chiếm Buôn Ma Thuột. Trong thực tế, quân Dega chỉ lợi dụng tình trạng hỗn độn trên cao nguyên sau khi quân đội miền Nam rút lui để chiếm một số quận huyện dọc biên giới.

Hay tin Buôn Ma Thuột thất thủ, Nay Luett thành lập Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc Cao Nguyên nhằm tập hợp tất cả lực lượng Thượng không cộng sản còn lại, kể cả những cựu thành viên FULRO Thượng, tái chiếm Tây Nguyên. Nhưng thời gian quá cấp bách để có một hành động cụ thể, một số cán bộ lãnh đạo Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc chạy theo đoàn người vĩ đại di tản sang Hoa Kỳ, số còn lại trở về cao nguyên sống lẫn trong dân.

Tại Sài Gòn, chiều ngày 30/4/1975 ông Y Chon Mlo Duon Du, tổng thư ký Bộ Phát Triển Sắc Tộc, đứng đầu Ủy Ban Cách Mạng Dân Tộc Thiểu Số do ông thành lập để bàn giao Bộ Phát Triển Sắc Tộc cho đại diện Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, rồi trở về Đắc Lắc. Thời kỳ vàng son của người Thượng trong sinh hoạt chính trị tại Việt Nam chấm dứt.

1. Người Thượng trong phong trào cộng sản

Trở lại quá khứ. Từ sau 1938, cán bộ Việt Minh thành lập nhiều mật khu trên các vùng rừng núi phía đông dãy Trường Sơn, xen kẽ với các buôn làng Thượng, để chống Pháp. Sự kề cận này buộc những cán bộ Việt Minh phải giao tiếp với cộng đồng người Thượng để được tiếp tế và che giấu, qua đó, hiểu biết phong tục, tập quán của người Thượng. Tại Bình Định, cán bộ Việt Minh còn giả làm người Thượng để che mắt quân đội Pháp trong các cuộc bố ráp. Sau 1945, cán bộ Việt Minh chính thức xuất hiện trên cao nguyên và hoạt động ngay trong các thành phố lớn.

Với khẩu hiệu “dân tộc Tây Nguyên tự trị”, phong trào Việt Minh đã thu phục toàn bộ cảm tình của thành phần ưu tú người Thượng do Pháp đào tạo. Hàng ngàn cán bộ và binh sĩ Thượng gia nhập phong trào Việt Minh và được giao những chức vụ quan trọng trong nhiều địa phương như các ông Nay Phin (đại biểu Cheo Reo), Y Wang (đại biểu Đắc Lắc), Nay Der (đại biểu Kontum, Pleiku kiêm chủ tịch Ủy Ban Sắc Tộc), Y Klam (trưởng Đoàn Thanh Niên Sắc Tộc) và các ông Y Ngô Buôn Ya, Y Thang Nie Kdam, Y John Nie Kdam là những sĩ quan cao cấp… Tiểu đoàn Cứu Quốc Quân Đắc Lắc, do ông Y Bih Aleo chỉ huy, đã tham gia nhiều trận đánh lớn trên cao nguyên.

Sau 1954, khoảng 120.000 cán bộ Việt Minh từ miền Nam ra Bắc tập kết, trong đó có khoảng 6.000 người sắc tộc, đa số là người Rhade và Jarai. Thanh niên Thượng tập kết được Chu Văn Tấn, chủ tịch Ủy Ban Dân Tộc, cho đi học tại Trường Các Dân Tộc Thiểu Số Phía Nam tại Gia Lâm. Chương trình học tập bằng tiếng Việt, trình độ tiểu học, gồm các bộ môn lịch sử và văn hóa Việt Nam. Các học viên Thượng còn được hướng dẫn sử dụng bản đồ, địa bàn và học tập chính trị (chủ nghĩa Mác Lênin và các khẩu hiệu chống Ngô Đình Diệm). Cuối năm 1959, hơn 4.000 thanh niên Thượng đã tốt nghiệp Trường Các Dân Tộc Thiểu Số Phía Nam, mỗi khóa 400 người. Trong thời gian học tập, các học sinh được nuôi ăn ở và đưa đi thăm các danh lam thắng cảnh của miền Bắc. Thỉnh thoảng các lãnh tụ đảng cộng sản đến ủy lạo tinh thần học sinh Thượng.

Từ tháng 3/1955 trở đi, những học sinh Thượng ưu tú được gởi vào Trường Sư Phạm Trung Ương để trở thành giáo viên và cán bộ sắc tộc. Thời gian học tập gồm 9 tháng, mỗi khóa đào tạo khoảng 410 cán bộ, trong đó có 120 người Thượng. Nhiều cán bộ Rhade, Jarai và Sedang ưu tú, sau khi tốt nghiệp được đưa sang Liên Xô và Trung Quốc tu nghiệp trong những trường sắc tộc. Ông Y Ngon Nie Kdam, đại biểu quốc hội năm 1956, được đưa sang Liên Xô học tập chính trị và quân sự.

Trong thời gian này, Hà Nội chuẩn bị kế hoạch đưa cán bộ vào Nam vận động tổng tuyển cử, dự trù vào tháng 7/1956 theo qui định của hiệp định Genève. Các đoàn thám hiểm đầu tiên được cán bộ Thượng tập kết hướng dẫn, đi từ Nam Lào vào Tây Nguyên, sau đó từ Tây Nguyên xuống Sông Bé rồi vào Tây Ninh. Nhưng cuộc tổng tuyển cử đã không xảy ra, tất cả ở lại nằm vùng trong các thôn xóm và vận động dân chúng chống lại chính quyền miền Nam.

Năm 1958, lợi dụng tình trạng xáo trộn trên cao nguyên sau vụ Barajaka, cán bộ cộng sản vào các làng Thượng tuyển mộ và đưa từng đợt 50 thanh niên ra Bắc học tập, sau đó đưa về Tây Nguyên hoạt động.

Để đối trọng với phong trào Bajaraka của Y Bham Enuol, tháng 10/1960 Hà Nội cho thành lập Phong Trào Dân Tộc Tự Trị Tây Nguyên, gọi tắt là Phong Trào Tự Trị, do các ông Y Bih Aleo, Y Thang Nie Kdam, Y Ngon Nie Kdam cầm đầu tại Kon Hanung. Phong trào này là một bộ phận trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (thành lập tháng 12/1960), có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn (còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh) vận chuyển người và vũ khí vào Nam.

Người H’re, Ktu, Bru Vân Kiều và Tà Ôi trên cao nguyên miền Trung được Hà Nội giúp đỡ tận tình để mua chuộc sự im lặng vì nơi sinh trú của họ nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, giữa Khe Sanh và Nam Lào. Người Stieng và Mnong trên cao nguyên miền Nam càng được chiếu cố hơn vì địa bàn sinh sống của họ (phía tây Bắc Sài Gòn) là nơi đặt bản doanh của cục R, cơ quan đầu não của phe cộng sản ở miền Nam. Sóc Bombo của người Stieng đã một thời được thổi phồng như một thành trì chống Mỹ (qua bài hát Tiếng chày trên soc Bombo). Khu vực Tam Biên (nơi giáp ranh cũ thời Pháp thuộc của ba vùng địa lý : Cambodia, Cochinchine và Annam) được coi là vùng giải phóng vì nằm ngoài tầm kiểm soát của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Qui chế tự trị được áp dụng ngay tại Dak Goklam, Ban Tăng, Ban Het, Dak Sut, Sa Thầy, Plei Ya… 40% thanh niên Thượng trong mỗi buôn làng được xung công xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh.

Mặc dù được phong nhiều chức vụ danh dự trong các tổ chức vệ tinh của Đảng cộng sản và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, như ông Y Bih Aleo là phó chủ tịch Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, chủ tịch các ủy ban sắc tộc, sĩ quan quân đội…, vai trò của những lãnh tụ Thượng rất là lu mờ. Họ không được tham gia vào bất cứ quyết định quan trọng nào liên quan tới cuộc chiến. Ban lãnh đạo cộng sản rất sợ người Thượng kết hợp lại với nhau nên đã bằng mọi cách ly gián hay gây chia rẽ các nhóm Thượng với nhau. Mọi liên lạc với các tổ chức Thượng khác, kể cả những tổ chức chống lại chính quyền miền Nam, đều bị ngăn cấm.

2. FULRO Dega và chính quyền cộng sản

Sau ngày 30/4/1975, phong trào FULRO được dịp hồi sinh đã tổ chức nhiều cuộc đánh phá chống lại chính quyền cộng sản và bị trấn áp trong bạo lực.

Lợi dụng tình trạng hỗn độn trên cao nguyên hồi giữa tháng 3/1975, dân chúng Chăm và Thượng thu nhặt vũ khí, quân trang và quân dụng do quân lực Việt Nam Cộng Hòa vứt bỏ trong các cơ quan và dọc các quốc lộ 1, 14, 19 khi rút lui khỏi cao nguyên, nộp cho lực lượng FULRO Dega. Với số lượng vũ khí đủ loại và lương thực khô thu nhặt được, bộ tham mưu FULRO Dega cảm thấy đủ khả năng đối đầu với quân đội cộng sản, liền ra lệnh cho các đơn vị FULRO địa phương chiếm đóng những đồn bót do quân lực Việt Nam Cộng Hòa bỏ đi dọc vùng biên giới và một số buôn làng trọng điểm tại Kontum, Pleiku, Đắc Lắc, Quảng Đức, Lâm Đồng và Ninh Thuận. Lực lượng FULRO Dega và FULRO Champa lúc đó có trên 12.000 tay súng và hơn 8.000 du kích.

Tại Phan Rang, giữa tháng 4/1975, Huỳnh Ngọc Sắng (từ Pháp về lại Việt Nam hồi đầu năm 1973) cùng Vạn Thanh Bình và Kiều Ngọc Quyên chỉ huy FULRO Champa quân khu V. Lực lượng Chăm, gồm 2.000 tay súng, thành lập những đội du kích bảo vệ thôn ấp. Cờ FULRO được treo khắp nơi. Khi bộ đội cộng sản tiến vào, du kích Chăm nổ súng chống lại, nhưng chỉ sau vài cuộc chạm súng các đội võ trang Chăm bị đánh bại dễ dàng, nhiều người bị thiệt mạng, một số bị bắt và một số khác trốn lên cao nguyên Di Linh hợp cùng các nhóm FULRO Dega khác tổ chức kháng chiến.

FULRO quân khu I chặn đánh các đường tiếp tế từ đồng bằng lên Kontum. FULRO quân khu II tấn công các buôn làng quanh Pleiku và Cheo Reo, sát hại nhiều cán bộ cộng sản. FULRO quân khu III chiếm các quận Lạc Thiện, Buôn Hô, Krong Pách… giết và làm bị thương hàng chục cán bộ và bộ đội, phục kích các đoàn xe quân sự và hành khách trên các quốc lộ 14 và 19. FULRO quân khu IV đánh phá các quận Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Di Linh, chặn xét xe đò trên các quốc lộ 15, 20 và 21. FULRO quân khu V, lôi kéo hàng ngàn thanh niên Chăm và Roglai vào bưng.

Tháng 6/1975, chính quyền cộng sản tung chiến dịch truy quét FULRO trên khắp Tây Nguyên. Nhiều cuộc hành quân qui mô, có chiến xa và trọng pháo yểm trợ, đánh thẳng vào những sào huyệt của FULRO tại Đắc Lắc, Lâm Đồng và Tuyên Đức. Những quận huyện và buôn làng bị chiếm đều lấy lại được, nhiều cán bộ FULRO Dega cao cấp lần lượt bị bộ đội cộng sản Việt Nam bắt (Y Chon Mlo Duon Du, Y Blieng Hmok, Y Ngue, Y Djao Nie, Nay Guh, Nay Fun, Nay Rong) và bị giam trong các trại cải tạo tại Buôn Ma Thuột và Lâm Đồng.

Hơn 2.000 quân FULRO Dega chạy sang Cambodia lánh nạn và được Khmer Đỏ tiếp nhận. Lực lượng này do đại tá Y Peng Ayun chỉ huy cùng với ban tham mưu gồm nhiều sĩ quan cao cấp như trung tá Y Hinnie, Y Bhong Rcam, Y Yon, Kpa Koi, Htlon…, trong đó có cả mục sư Budar và mục sư Kbông. Binh sĩ Dega được Khmer Đỏ giúp đỡ và trang bị thêm để tiến qua Việt Nam đánh chiếm các làng ven biên tại Lâm Đồng, Sông Bé và Đắc Lắc. Những trận đánh tại vùng biên giới và dọc các quốc lộ trong những năm 1975 và 1976 rất là dữ dội.

Tại Đắc Lắc, cuối tháng 5/1976, một số lãnh tụ Thượng bị giam (Y Djao Nie, Nay Ful, Nay Rong, Nay Guh cùng nhiều người khác) vượt ngục và ám sát ban lãnh đạo FULRO Dega cũ gồm các ông Kpa Koi, Htlon, Y Bach Eban, Y Dhe Buon Dap, Hmang Mbon… để giành quyền lãnh đạo. Tháng 7/1977, nhóm này thành lập một chính phủ mới, bộ chỉ huy đặt tại quận Lạc Dương, phía bắc Đà Lạt. Y Djao Nie (bí danh thiếu tướng Dampa Kwei) tự phong là thủ tướng và cử Ya Duk (người Koho) làm đổng lý văn phòng, Nay Guh bộ trưởng quốc phòng, Nay Rong (trung tá) bộ trưởng ngoại giao, Nay Ful bộ trưởng nội vụ (cả ba là người Jarai). Tổ chức quân sự vẫn giữ y như cũ gồm năm quân khu, nhưng chỉ Quân khu IV, do Paul Yuh (người Bahnar) làm tư lệnh, thực sự còn hoạt động. Vụ đảo chánh này làm nhiều cán bộ FULRO nản chí, một số buông súng ra đầu hàng các Ủy ban quân quản trên Tây Nguyên, một số khác bỏ về làng làm nương rẫy.

Y Djao Nie cùng Huỳnh Ngọc Sắng lập nhiều chiến khu từ Đơn Dương (Drang), Tùng Nghĩa (Laba) đến Sông Pha (Krong Pha) tấn công các đồn bót và sự di chuyển của bộ đội cộng sản trên cao nguyên Lâm Đồng. Một số đơn vị sau đó phối hợp với quân của thiếu tá Lê Xuân Phong (đại đội trưởng đại đội trinh sát 302, sau là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 204 Tuyên Đức cũ), người đã cầm chân Trung Đoàn 812 là chủ lực quân của Khu 6 và Sư Đoàn 7 của phe cộng sản để cho dân chúng Đà Lạt di tản an toàn về đồng bằng ngày 20/4/1975. Từ 1977 đến 1978, lực lượng du kích này – do Krajang Hput, người Koho, chỉ huy – đã tổ chức nhiều cuộc đột kích, đốt phá nhiều trụ sở ủy ban nhân dân xã huyện, pháo kích vào các đồn bót, phục kích và bắt giữ những đoàn địa chất và lâm nghiệp, khủng bố những người làm nghề khai thác cây rừng, chận xét xe đò, bắt cóc và ám sát cán bộ thu mua lương thực trong các xã ấp quanh thị xã Đà Lạt, các quận Đơn Dương và Lạc Dương.

Nhưng tranh chấp quyền lực giữa các lãnh tụ FULRO với nhau làm tổ chức Dega suy yếu hẳn. Y Djao Nie bị giết ngày 12/10/1978 tại Đức Trọng, Y Ghok Nie Krieng lên làm thủ tướng ngày 22/1/1979, Ya Duk làm phó thủ tướng thứ nhất đặc trách nội trị và ngoại giao kiêm phó chủ tịch thứ nhất FULRO Dega, Paul Yuh là phó thủ tướng thứ hai đặc trách an ninh và quốc phòng ; ban lãnh đạo phong trào đặt tại Đầm Ròn (Lâm Đồng).

Tổng kết từ 1975 đến 1979, khoảng 8.000 binh sĩ Dega đã bị loại khỏi vòng chiến, phần lớn bị chết dưới những trận tập kích của pháo binh và thiết giáp, số còn lại chết vì thiếu thuốc men và bệnh tật. Nhiều người chịu không nổi cảnh thiếu thốn trong rừng sâu đã ra đầu thú và đi tù. Sau 1980, phong trào kháng chiến của người Thượng, thiếu sự hỗ trợ của dân chúng, yếu dần theo thời gian, những ổ kháng cự cuối cùng lần lượt bị tháo gỡ và đến cuối năm 1982 thì phong trào FULRO trên Tây Nguyên gần như tan rã, một số bị bắt, số còn lại ra đầu hàng.

Tại Cambodia, hơn một ngàn người Thượng đã chạy qua Thái Lan tị nạn khi bộ đội cộng sản Việt Nam tiến vào Mondulkiri cuối năm 1979, hơn 200 binh sĩ Dega sau đó được sang Hoa Kỳ tị nạn và 800 người Stieng được Pháp nhận vào Guyane (Trung Mỹ) năm 1986. Lực lượng Dega còn lại phân tán thành nhiều toán nhỏ sống lẫn vào dân trong các buôn làng xa xôi.

Năm 1980, khoảng 1.500 FULRO Dega về lại Việt Nam hoạt động. Các toán du kích Thượng đột nhập vào các tỉnh Pleiku, Kontum, Lâm Đồng và Đắc Lắc khủng bố, ám sát cán bộ xã ấp rồi rút về Cambodia. Năm 1981, quân FULRO đặt mìn phá trạm biến điện tại Jarai Kontum, phục kích những toán công an tại Lâm Đồng, chặn xét xe đò, kêu gọi dân Thượng chống lại Việt Nam và bắt theo nhiều thanh niên từ 15 tuổi trở lên vào bưng kháng chiến.

Sự phản công của bộ đội cộng sản Việt Nam đã rất dữ dội : năm 1984 có 358 FULRO Dega bị giết, 1.734 bị bắt, 600 vũ khí bị tịch thu. Đến đầu năm 1985, có thể nói lực lượng chủ lực của FULRO Dega đã hoàn toàn bị loại khỏi lãnh thổ Việt Nam, toàn bộ lãnh thổ 5 tỉnh Tây Nguyên đặt dưới quyền lãnh đạo của Binh đoàn 15, được thành lập tháng 2/1985 do Thiếu tướng Nguyễn Hải chỉ huy.

Từ 1985 đến 1990, Binh đoàn 15 đã tổ chức 63 cuộc hành quân trên khắp Tây Nguyên, hạ sát 102 quân FULRO, bắt sống 167 người khác và vô hiệu hóa hơn 10.000 dân Thượng sinh sống trong những buôn làng xa xôi, tất cả được dời về gần nơi thị tứ hay cạnh các trục lộ giao thông để dễ canh chừng. Thiệt hại về phía bộ đội và cán bộ cộng sản Việt Nam cũng rất cao, con số không được tiết lộ nhưng chắc cũng bằng hoặc hơn nhóm Dega Thượng vì không quen đường đi nước bước trong rừng và thường bị phục kích bất ngờ bởi những cựu biệt kích Thượng.

Chính quyền Khmer thân Việt Nam, trong những năm 1981-1983, cũng tổ chức nhiều cuộc hành quân tấn công vào sào huyệt của lực lượng Khmer Đỏ và FULRO Dega tại Mondulkiri nhưng bị thiệt hại nặng và phải lùi về đồng bằng. Phải chờ đến năm 1986, với sự trợ lực của Binh đoàn 15 Việt Nam, đại bản doanh FULRO Thượng tại Mondulkiri mới bị phá hủy, tàn quân FULRO tản mác khắp nơi. Tháng 9/1991, lực lượng UNTAC (United Nations Transitional Authority in Cambodia) của Liên Hiệp Quốc phát hiện hơn 400 FULRO Thượng với 175 súng cá nhân sống lây lất trong rừng, tất cả được đưa sang Hoa Kỳ tị nạn năm 1992. Tháng 5/1998, một nhóm sáu người (gồm ba đàn ông, một đàn bà và hai trẻ em, trang bị bằng cung nỏ) thuộc lực lượng FULRO cuối cùng còn lẩn trốn bị bắt tại Đắc Lắc, phong trào FULRO Dega ở Việt Nam và Cambodia coi như chấm dứt.

Tuy vậy, tại hải ngoại, phong trào FULRO Dega vẫn còn hoạt động. Y Bhan Kpor, thoát sang Thái Lan và được tị nạn tại Hoa Kỳ, tiếp tục lãnh đạo phong trào Dega hải ngoại. Y Jut Buôn Tô, cựu đốc sự hành chánh, và Kok Ksor là những người đại diện phong trào trong việc ký kết hay hợp tác với các tổ chức khác. Hiện này có trên ba ngàn người Thượng sinh sống tại Hoa Kỳ, đa số cư ngụ trong bốn thành phố Raleigh, Greenboro, Charlotte và Spartanburg thuộc hai tiểu bang North và South Carolina.

3. Người Thượng dưới chế độ cộng sản

Năm 1976, Hà Nội thống nhất đất nước. Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam bị giải tán, Phong Trào Tự Trị Tây Nguyên của Y Bih Aleo cũng bị giải tán theo. Những hứa hẹn trong thời chiến tranh về quyền tự trị của người Thượng không còn được nhắc đến, thay vào đó là “chính sách dân tộc”. “Dân tộc” ở đây phải hiểu là sắc tộc thiểu số và “chính sách dân tộc” là chính sách bảo vệ biên giới thuộc lãnh vực quốc phòng chứ không phải để nâng cao mức sống của người thiểu số.

3.1. Tây Nguyên biến thành vùng đất canh tác hoang dại

Việt Nam có trên ba ngàn cây số biên giới đường bộ, một khu vực đang còn tranh chấp với các lân bang và là nơi sinh trú của các sắc tộc thiểu số. Địa bàn cư trú của người Thượng trên Tây Nguyên có một vị thế chiến lược quan trọng, đó là yết hầu của ba nước Đông Dương: làm chủ Tây Nguyên là làm chủ Việt Nam, Lào và Cambodia. Tây Nguyên chính vì vậy là một khu quân sự chiến lược, do quân đội trực tiếp quản lý qua trung gian các chính quyền dân sự địa phương do Đảng cộng sản lãnh đạo, mặt trận tổ quốc, dân quân du kích và công an biên phòng. Nhiều làng biên giới do quân đội quản lý được thành lập dọc biên giới Cambodia và Lào ; những buôn làng Thượng ven biên được di dời vào sâu trong nội địa Việt Nam.

Tùy theo mức độ phục tùng của từng nhóm Thượng mà sự kiểm soát của quân đội và chính quyền tăng hay giảm. Những lãnh tụ thời chiến như Y Bih Aleo, Y Dhon Nie Kdam, Nay Der, Nay Phin… đều đã già hay đã chết, những cán bộ và đại biểu Thượng đang còn sinh hoạt trong đảng, quốc hội và các chính quyền địa phương không có thực quyền, thành phần cán bộ trẻ không được tin cậy, mọi chức vụ quan trọng đều do cán bộ gốc Thanh Nghệ Tĩnh nắm giữ. Nơi cư trú của người Rhade, Jarai, Bahnar và Stieng bị canh chừng nghiêm ngặt, mọi ngõ ra vào Tây Nguyên đều bị kiểm soát. Từ 1975 đến 1985, đoạn đường từ Sài Gòn lên Đà Lạt có hơn 20 trạm kiểm soát. Đoạn đường từ Nha Trang lên Buôn Ma Thuột có trên 15 trạm kiểm soát. Đoạn đường liên tỉnh từ Pleiku đến Kontum cũng có hơn 10 trạm. Du kích địa phương theo dõi gắt gao quan hệ của từng người trong làng, nhất là quan hệ với các tu sĩ và người ngoại quốc.

Phần lớn người Thượng ngày nay đã định cư và định canh, chỉ còn khoảng 300.000 người vẫn còn duy trì nếp sống du canh du cư. Từ sau 1976, đất công xã của các buôn làng đều bị tập thể hóa, các định chế mẫu hệ (nhà rông, nhà tập thể) bị giải tán. Các tòa án nhân dân thay thế các tòa án phong tục, đạo Tin Lành bị cấm rao giảng. Cán bộ đảng và nhà nước lấn át vai trò của các già làng, thanh thiếu niên Thượng tại những nơi đông dân bị đoàn thể hóa. Tiếng Việt là ngôn ngữ chính giảng dạy trong các trường học, tiếng mẹ đẻ cho trẻ em ở bậc tiểu học bị cấm. Tỷ lệ thất học trên Tây Nguyên cao nhất nước, 60% trẻ em Thượng không đi đến trường vì thiếu ăn và nghèo khó. Số học sinh tốt nghiệp trung học, rất ít, thường không tìm được việc làm phải trở về buôn làng canh tác nông nghiệp. Bệnh tật nhiệt đới (cùi, lao, kiết lị, sốt rét rừng…) là tác nhân gây tử vong cao trong cộng đồng người Thượng, nhất là trẻ em. Mọi trợ giúp nhân đạo bất cứ từ nguồn gốc nào đều bị thanh lọc gắt gao.

Sự có mặt ồ ạt của di dân từ đồng bằng lên làm xáo trộn toàn bộ sinh thái trên Tây Nguyên. Do đời sống nghèo khó và không được chính quyền hướng dẫn, sự hủy hoại môi trường sinh sống của những di dân mới này rất là báo động. Hơn hai triệu hecta đất rừng trên các vùng đồi núi biến thành đồi trọc, gây hạn hán mùa khô và lũ lụt mùa mưa. Diện tích rừng từ 3,3 triệu hécta năm 1976 giảm xuống còn 2,5 triệu năm 1984 và ngày nay chưa tới một triệu. Đó là chưa kể nạn khai thác gỗ rừng bừa bãi của các công ty núp bóng quân đội và công an biên phòng tại các vùng biên giới để xuất khẩu. Thêm vào đó là nạn đào tìm kim loại và đá quí bằng hóa chất gây ô nhiễm môi sinh, nhiều loại thú quí như cọp, khỉ, công và rắn đã bị tuyệt chủng.

Tây Nguyên là “điểm nóng” phá rừng trong nhiều năm qua. Ảnh: TTXVN
Rừng Tây Nguyên suy giảm diện tích và chất lượng do tình trạng khai thác gỗ trái phép Ảnh: Báo Người Lao Động

Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên là một tai họa môi trường và tài chánh lớn trên Tây Nguyên. Trong một cơn bốc đồng, năm 2008 Bộ Chính trị quyết khai thác bô xít Tây Nguyên. Tổng số tiền bỏ ra cho hai dự án Nhân Cơ (Dak Nong) và Tân Rai (Lâm Đồng) đã lên đến hàng chục tỷ USD, kết quả thu về là con số không, chỉ có lỗ và lỗ và Nhà nước phải bơm tiền cứu nguy liên tục. Ban lãnh đạo của hai dự án này cho biết rất khó thu hồi lại vốn, nếu không muốn nói là mất trắng. Đó là chưa kể những tác động tiêu cực của dự án đối với môi trường và sinh thái vì công nghệ lạc hậu của Trung Quốc. Việc đưa lao động phổ thông Trung Quốc vào làm việc trong các dự án bô xít trên Tây Nguyên trái với Luật lao động Việt Nam. Nếu tổng số tiền bỏ ra cho hai dự án bô xít nđược dùng để đầu tư vào du lịch hay nâng cao mức sống người Thượng thì tình hình đã không như ngày nay : Tây Nguyên có thể đã không nghèo và môi trường cũng không ô nhiễm. Từ 2016 đến nay, không ai còn nhắc đến bô xít Tây Nguyên.

Dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ vẫn tiềm ẩn nguy cơ môi trường. Ảnh : Báo Tuổi Trẻ

Tây Nguyên có từ 1,5 đến 1,8 triệu hecta đất trồng trọt được nhưng hiện nay chỉ khai thác trên 400.000 mẫu. Từ 1976 đến nay, Hà Nội đã đưa hơn ba triệu người từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng và hơn 70.000 người thiểu số từ các tỉnh thượng du miền Bắc lên Tây Nguyên khai thác số đất đai còn lại. Người Thượng trở thành thiểu số trên chính quê hương của họ : 1,6 triệu (30%) trên tổng dân số 5,4 triệu người.

Theo luật sử dụng đất đai từ năm 1999 đến nay (2024), diện tích canh tác của người Thượng ngày càng bị thu hẹp lại, mỗi hộ dân chỉ được thuê tối đa ba mẫu. Cũng nên biết nhiều gia đình sống chung với nhau theo chế độ sở hữu tập thể trong một nhà sàn (được qui định là một hộ). Luật sử dụng đất đai mới này phá vỡ nếp sống cổ truyền của người Thượng, vì mỗi nhà sàn phải phân tán thành từng hộ nhỏ để có thể thuê thêm đất canh tác, nếu không sẽ bị đói. Đó là chưa kể nạn lợi dụng sự thật thà của người Thượng bởi những di dân bất hảo để chiếm đoạt những khu đất tốt dọc các con suối và các trục lộ giao thông để trồng cà phê. Tại một số nơi, do thiếu văn hóa, nhiều di dân có tiền đối xử với người Thượng như những gia nhân.

Tức nước vỡ bờ. Một cách bất ngờ, từ năm 2001 đến nay, mỗi khi có cơ hội hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn người Thượng xuống đường trong ôn hòa hay sử dụng bạo lực để đòi được tôn trọng, đòi tự do tôn giáo và đòi trả lại đất đai đã bị lấn chiếm.

3.2. Những cuộc xuống đường năm 2001

Ngày 31/1/2001, khoảng 500 người Jarai đã kéo tới trụ sở huyện Chu Prong phản đối việc bắt giam và đòi trả tự do cho hai tín đồ Tin Lành, hai ông Rahlan Pon và Rahlan Djan, bị công an huyện bắt hai ngày trước đó (29/1), nhưng không thành. Ngày 2/2, khoảng 6.000 tín hữu Jarai từ khắp nơi kéo đến trụ sở tỉnh ủy tỉnh Jarai và ủy ban nhân dân thành phố Pleiku yêu cầu thả hai tín đồ Tin Lành vừa kể, để rồi sau đó biến thành phong trào đòi trả lại đất đai đã bị người Kinh chiếm đoạt. Ngày 4/2 đoàn biểu tình lên tới 20.000 người, trong đó có cả người Bahnar, một sắc tộc theo đạo Công Giáo ở phía bắc tỉnh Jarai.

Tại Đắc Lắc, trong những ngày từ 3 đến 11/2, hàng ngàn người Rhade (còn gọi là Ê Đê) và Mnong cũng đã kéo đến các trụ sở tỉnh ủy, ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột và một số huyện lớn trong tỉnh (Buôn Alêa và Bản Đôn) ủng hộ những đòi hỏi của người Jarai và yêu cầu nhà nước trả lại đất đai. Trước đó, ngày 8/8/2000 hơn 150 người Rhade tại Đắc Lắc bị cưỡng bách di trú sang làng mới đã trở về tấn công di dân Kinh đang cư ngụ trong làng cũ (Buôn Xer) của họ.

Những cuộc xuống đường phản đối hồi đầu tháng 2/2001 vừa qua chỉ là khởi điểm nếu không một giải pháp mới nào được tìm ra để giải quyết sự thua thiệt của người Thượng trước sức ép của những di dân mới, cụ thể là để cho các hội thiện nguyện quốc tế đến giúp đỡ và trả lại những vùng đất canh tác cổ truyền cho các buôn làng Thượng.

Chính quyền cộng sản đã không coi nhẹ tầm quan trọng những cuộc xuống đường này, phản ứng của họ đã liền tức khắc. Một mặt họ xoa dịu sự căm tức của người Thượng bằng cách trả tự do cho hai tín đồ Tin Lành vừa nói và cử cán bộ đến giải thích chính sách của nhà nước về đất đai để dập tắt mầm chống đối ngày từ trứng nước. Mặt khác tin tức những cuộc xuống đường của người Thượng được loan tải nhanh chóng trên các hệ thống truyền thanh và truyền hình như để minh oan trước dư luận quốc tế. Nhưng đó chỉ là những biểu hiện bên ngoài, thực tế bên trong là của chính quyền địa phương huy động một lực lượng quân sự quan trọng, kể cả trực thăng và xe tăng, chặn các ngỏ ra vào cao nguyên để không cho phong trào đòi đất lây lang sang những tỉnh khác : người Thượng tại các tỉnh Kontum, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa bị giới hạn đi lại, các tuyến giao thông lên cao nguyên (quốc lộ 14, 19) bị chặn xét gắt gao, điện thoại của người Thượng bị cắt.

Tuy vậy tin tức và những gì đang thực sự xảy ra vẫn lọt ra ngoài : những cuộc va chạm giữa lực lượng an ninh và người Thượng đã gây thương tích cho hơn 200 người Thượng và 20 công an, hơn 600 người Thượng bị đánh đập, 20 người bị bắt và nhiều cơ sở công quyền bị đập phá.

Sau biến cố này, tình hình trên cao nguyên tạm lắng yên nhưng vấn đề Thượng vụ vẫn còn đó, chỗ đứng của cộng đồng người Thượng trong lòng dân tộc Việt Nam vẫn chưa có đáp số.

3.3. Cuộc nổ súng tại Đắc Lắc năm 2023

Hơn 20 năm sau, vào sáng ngày 11/6/2023 tại địa bàn huyện Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắc, một nhóm nhỏ người Thượng đã dùng dao và súng tấn công trụ sở công an các xã Ea Tiêu và Ea Ktur làm chết và bị thương nhiều công an và cán bộ xã.

Một câu hỏi được đặt ra là làm sao dưới sự kềm kẹp gắt gao và chặt chẽ của các lực lượng an ninh, những người Thượng này có thể tổ chức một cuộc tấn công qui mô và bất ngờ vào hai đồn công an một cách công khai mà không gặp một sự chống trả nào và rút đi an toàn. 

Vụ tấn công bằng vũ lực vào trụ sở công an này là một cú sốc lớn đối với chế độ, đặc biệt là Binh đoàn 15, cơ quan chủ quản lực lượng công an, an ninh và quân đội đông đảo trên Tây Nguyên. Phản ứng của chính quyền cộng sản đã liền tức thì. Bộ Công An, chính quyền tỉnh và các lực lượng quân dân địa phương đã tổ chức một cuộc bố ráp quy mô vây bắt hàng trăm người Thượng tình nghi có dính líu tới cuộc nổ súng này.

Sau vụ nổ súng tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắc, công an quân đội đổ quân càn quét, bắt và xét xử cả trăm người. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ

Có cái gì không bình thường trong những vụ bắt bớ này. Phải chờ tới vài ngày sau chính quyền mới huy động được một lực lượng công an và quân đội hùng hậu lên đến hàng ngàn người, với đủ loại vũ khí và khí tài, đi lùng bắt những người Thượng tham gia cuộc tấn công chớp nhoáng đêm hôm 11/6 đang trốn tản mác trong rừng. Đáng ngạc nhiên là công an Đắc Lắc bắt tất cả những người tham gia và không tham gia vào cuộc tấn công, trong đó có một người Thượng từ Mỹ về thăm gia đình. Nhưng ngạc nhiên nhất là, sau khi nhìn những video chấp cung do công an thực hiện, người ta thấy những thanh niên Thượng bị bắt này, ăn mặc chỉnh tề, mặt mũi bảnh bao, người không thương tích, đã trả lời bằng tiếng Việt một cách sành sõi và kể lại rành rọt từng chi tiết của cuộc tấn công, y như trong phim trinh thám, hay phim gián điệp chuyên nghiệp. Sự dàn dựng quá thô sơ để lộ sự hối hả chạy tội của những quan chức an ninh địa phương.

Cũng nên lưu ý là từ sau ngày 30/4/1975, những nhóm vũ trang người Thượng, với đủ loại khí giới trong tay, không bao giờ tấn công thường dân, dù là người thân cận của các quan chức địa phương như vợ con hay thân nhân của họ. Họ cũng không bao giờ đốt nhà, cướp tài sản của bất cứ một ai, kể cả những quan chức cộng sản và những đại gia đồn điền đang cướp đất và hà hiếp họ. Những cuộc bạo động của người Thượng đều có những mục đích rõ ràng : họ nhắm vào các cơ quan công quyền để đòi được đối xử công bằng, đòi được tự do sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng, và nhất là đòi được trả lại những vùng đất của tổ tiên họ đã bị chiếm đoạt để sinh sống. 

Một nhận xét quan trọng khác là những cuộc xuống đường phản đối của người Thượng không mang tính tự phát mà có sự chuẩn bị kỹ càng và được vận động một cách qui mô trên khắp cao nguyên giữa ba sắc tộc lớn : Jarai, Rhade và Bahnar. Từng đoàn người từ các buôn làng hay từ các nơi làm việc đã rủ nhau đến các trụ sở công quyền phản đối, tuy bất bạo động nhưng không sợ sệt. Riêng cuộc tấn công bằng súng ngày 11/6/2023 thì rất công khai, những thanh niên Thượng dùng xe gắn máy chạy thẳng vào các đồn công an bắn phá rồi rút đi.

Sau những cuộc chống đối, chính quyền cộng sản Việt Nam thông qua các cơ quan báo chí nhà nước đã khép tội vụ nổ súng tại Đắc Lắc là do các lực lượng phản động, thù địch ở nước ngoài đứng sau giựt dây, là âm mưu muốn ly khai của các cộng đồng người người Thượng ở Tây Nguyên… Ban lãnh đạo đảng cộng sản rất cay cú về trang web trên mạng internet của một vài nhóm Thượng tại Hoa Kỳ đã không tiếc lời thóa mạ rồi đổ mọi tội lỗi lên đầu FULRO. Bóng ma FULRO được làm sống lại để tròng lên đầu những ai chống đối.

Nhưng những thanh thiếu niên Thượng ngày nay không ai biết gì về phong trào FULRO trước đó cả, nếu có chăng là tinh thần FULRO mà các bậc cha anh truyền miệng lại. Tinh thần đó là sự chống đối các chính quyền của người Kinh, đây là một sự hiểu lầm đáng tiếc cần được xóa tan trong tâm hồn những thanh niên Thượng ngày nay qua các chính sách nâng đỡ thực sự chứ không phải là những biện pháp trả thù báo oán hung bạo mà các chính quyền địa phương thường áp dụng để chạy tội.

3.4. Nguyên nhân của những chống đối

Thấy gì qua những sự kiện này ? Có ít nhất hai nguyên nhân giải thích phản ứng công khai và đồng loạt của người Thượng, nguyên nhân này nối kết với nguyên nhân kia tạo thành một khối nhuần thể.

Trước hết là đất đai. Sự bất mãn của người Thượng trước phong trào chiếm đất người Kinh có lý do chính đáng. Người Thượng là những cư dân bản địa đầu tiên khai phá đất đai và định cư trên cao nguyên miền Trung, quyền làm chủ tự nhiên vùng đất này là hiển nhiên, nhưng ngày nay người Thượng không còn đủ đất để canh tác, trở thành thiểu số và không có tiếng nói trên chính quê hương của họ.

Trước 1940, người Kinh chỉ chiếm 1% dân số trên cao nguyên, năm 1945 là 5%, năm 1954 : 15%, năm 1975 : 32%. Năm 2000 người Kinh trở thành đa số với hơn bốn triệu dân, chiếm 72% dân số trên tổng số gần 6 triệu người trên toàn cao nguyên miền Trung. Ngày nay dân số Thượng chỉ bằng 1/3 tổng số dân trên toàn Tây Nguyên.

Dưới thời quân quản (1975-1992), quân đội đã chiếm những vùng đất đai rộng lớn, gọi là đất chiến lược, để lập căn cứ quân sự, nhưng thực tế là để thành lập những công ty khai thác gỗ, đồn điền cà phê do quân đội làm chủ. Nhiều buôn làng của người Thượng đã bị xóa sổ, chủ yếu trên địa bàn các tỉnh Đắc Lắc, Kontum và Pleiku. Từ sau 1986 trở đi, chính quyền cộng sản Việt Nam thi hành kế hoạch sản xuất cà phê xuất khẩu, nhiều công ty xuất khẩu của quân đội chiếm thêm nhiều vùng đất tốt để lập đồn điền. Người Kinh từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và một số sắc tộc thượng du miền Bắc, đông nhất là người Nùng và người Hmong, được ồ ạt đưa vào Tây Nguyên phá đất rừng, khẩn hoang để trồng cây cà phê. Đất đai cổ truyền quanh những buôn làng Thượng teo lại theo tỷ lệ di dân lên Tây Nguyên lập nghiệp, những vùng đất dọc các trục lộ giao thông, trong thung lũng hay cạnh sông ngòi lần lượt lọt vào tay những người mới đến này, nhiều buôn làng Thượng hết đất canh tác phải di dời vào những chốn rừng sâu hơn để tái định cư. Sự bất mãn và bất lực hằn sâu trong ký ức người Thượng, tất cả chỉ cần một que diêm bật lên là bốc cháy.

Kế đến là sinh hoạt văn hóa cổ truyền và tôn giáo. Người Thượng trên Tây Nguyên có đức tin riêng, họ tin vào Giàng và những thần linh tự nhiên ẩn trú trong những khu rừng nguyên sinh. Văn hóa thảo mộc của người Thượng gắn liền với rừng vì rừng là nguồn sống cho họ. Bị tách khỏi rừng, cộng đồng người Thượng trở nên vong bản cả niềm tin lẫn văn hóa. Bên cạnh tín ngưỡng có từ lâu đời này, người Thượng còn là những con chiên sùng kính Đức Chúa Trời (Thượng Đế). Nguyên do bắt nguồn từ quá khứ, cộng đồng người Thượng không có chỗ đứng trong hai tôn giáo lâu đời nhất Đông Nam Á là Bà La Môn và Phật giáo theo đắng cấp xã hội và thuyết luân hồi, số phận của họ chỉ là tôi đòi, sống để trả nợ đời. Khi đạo Công Giáo theo chân các giáo sĩ Pháp du nhập vào Tây Nguyên, cộng đồng người Thượng tìm thấy trong tôn giáo mới này sự bình đẳng trước Thiên Chúa, nhân phẩm của họ được tôn trọng.

Đạo Tin Lành được du nhập vào Tây Nguyên từ cuối những năm 1920-30 của thế kỷ trước nhưng bị cấm hay bị kềm chế sau 1975. Qua hai tôn giáo tôn thờ Thiên Chúa này mà người Thượng có những tu sĩ đúng nghĩa : linh mục và mục sư. Trong những năm 1990, đạo Tin Lành được phục hồi và phát triển nhanh trong nhiều buôn làng của người Thượng. Trên toàn Tây Nguyên chỉ có một vài nhà thờ Tin Lành trong các thành phố và thị xã lớn được cửa hành lễ mỗi chủ nhật, tại những địa phương nhỏ hơn các nơi thờ phượng vẫn còn bị niêm phong. Vì lý do địa lý và sống tản mác khắp nơi,  đa số tín đồ Tin Lành gốc Thượng sinh hoạt đạo dưới hình thức “hội thánh tư gia”, nghĩa là không trực tiếp đến nhà thờ, nên rất khó kiểm soát. Hơn nữa, những tín đồ Tin Lành Thượng là đối tượng cần theo dõi vì tình nghi là tai mắt của những thế lực ngoại bang. Năm 2020, tổng số tín đồ theo đạo Tin Lành trong 5 tỉnh Tây Nguyên là 529.410 người, trong đó 511.450 là người Thượng (gần 97%). 

Tin Lành là một yếu tố rất mới trong sinh hoạt văn hóa của người Thượng. Đối với họ, những vị mục sư và những người phụng sự đạo Tin Lành là những cấp lãnh đạo mới. Từ sau 1975 những cấp lãnh đạo cộng đồng người Thượng chống lại Đảng cộng sản đã gần như bị tiêu diệt : những người lãnh đạo phong trào FULRO thì một số đã chết, một số vẫn còn ngồi tù và một số khác trốn sang nước ngoài. Vai trò của trưởng làng trong cộng đồng người Thượng rất quan trọng. Đó là những tộc trưởng, già làng trước kia, những trí thức được đào tạo theo Tây học dưới thời Pháp thuộc, những nhân sĩ và sĩ quan thời Việt Nam Cộng Hòa đã bị hệ thống cầm quyền cộng sản phá bỏ. Ngày nay hệ thống tu sĩ Công Giáo và chức sắc Tin Lành là cấp lãnh đạo tinh thần của người Thượng, những người này phải là những người có đạo đức, có kinh nghiệm sống và có kiến thức để hướng dẫn và đủ khả năng để bảo vệ cộng đồng.

Những ấp lãnh đạo mới do đảng cộng sản đào tạo (cán bộ, đảng viên, công an, quân đội hay giáo viên) không được người Thượng kính trọng và sống tách rời với đồng hương. Trên thực tế họ chỉ là những bóng mờ, chỉ có hư vị chứ không có thực quyền vì tất cả những quyết định quan trọng đều do cán bộ cộng sản gốc Kinh định đoạt. Chính vì thế, những cán bộ Thượng cộng đã không những không dám bênh vực quyền lợi của người Thượng trước sự lấn áp của di dân gốc Kinh, mà còn thay mặt chính quyền hà hiếp đồng hương của họ để được cấp trên ban thưởng. Phần lớn những cán bộ loại này an phận với những quyền lợi vật chất nhỏ nhoi mà chế độ ban cho, uy tín của họ rất thấp, đôi khi còn là đối tượng bị khinh miệt của người Thượng.

Kính trọng những người lãnh đạo tinh thần trong cộng đồng người Thượng là điều tối thiểu mà các quan chức lãnh đạo và dân chúng gốc Kinh chưa hề được giáo dục hay ý thức. Khi những vị mục sư bị cán bộ an ninh đánh đập và bắt bớ, khi bị quan chức nhà nước cậy thế cậy quyền tìm mọi cớ để chiếm hữu đất đai… sự bất mãn và căm hờn của người Thượng ngày càng tăng theo thời gian và chỉ chực chờ một cơ hội là bùng phát.

3.5. Những nỗi bất bình của đồng bào Thượng

(Ông Nguyễn Văn NghiêmTrả lời cuộc phỏng vấn lần thứ hai của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) sáng Chủ nhật, ngày 9 tháng 22 năm 2003)

VOA : Kinh nghiệm về các sắc dân Thượng từ đâu mà có ? Ông tiếp xúc với của sắc dân Thượng trong trường hợp như thế nào ? Người dân miền núi có những đặc tính gì nổi bật ?

Nguyễn Văn Nghiêm : Tôi có kinh nghiệm về các sắc dân Thượng ở miền Bắc từ nhỏ. Quê tôi ở Sơn Tây. Quê bà nội là nơi đã sinh ra hai vị vua anh hùng cứu nước là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Vua Ngô Quyền. Cửa hàng buôn bán của mẹ tôi ở gần núi Ba Vì. Trong số khách mua hàng có nhiều đồng bào thiểu số, người Mường, người Mán, bây giờ gọi là người Dao. Một bà người Mường là vợ vị quan lang ở núi Ba Vì đã nhận tôi làm con nuôi. Mỗi lần ra mua hàng bà thường bế ẵm tôi và cho tôi nhiều quà. Bây giờ tôi vẫn thương nhớ bà. Lớn lên đi học, đến kỳ nghỉ hè, thỉnh thoảng tôi lại được lên chơi trên đồn điền bác tôi ở Tuyên Quang. Dân trong vùng toàn là người Thổ, bây giờ gọi là người Tày. Họ rất thương yêu tôi, thường cõng tôi đi rừng tìm hoa quả và các thứ củ. Tôi cũng rất thương yêu họ.

Sau năm 1954, vào Nam, tôi được bổ nhiệm làm việc ở Cao Nguyên, nhất là được làm việc trực tiếp với đồng bào Thượng, thổ dân ở trên đó, gần 20 năm, nên tôi lại có thêm nhiều kinh nghiệm về đồng bào Thượng ở miền Nam.

Đặc tính nói chung của đồng bào miền núi Việt Nam thường là chân chất, mộc mạc, thật thà, nhất là đức tính trọng sự tín nghĩa. Nếu đã hứa điều gì thì phải thực hiện điều đó, nếu hứa rồi mà không thi hành hoặc thi hành khác đi thì đồng bào Thượng bảo là “nói dối, nói láo”, họ không còn tin nữa. Đồng bào có phong tục kết anh em rất cảm động. Những người hợp nhau, thông cảm với nhau thường kết anh em với nhau. Khi đã kết anh em thì coi nhau còn hơn ruột thịt, quan tâm đến nhau, giúp đỡ nhau, và nhất là trung thành với nhau suốt đời. Tôi rất hân hạnh và rất sung sướng được kết anh em với rất nhiều đồng bào Thượng ở các bộ lạc trên Cao Nguyên.

VOA : Trong mấy năm trở lại, báo chí cả trong lẫn ngoài nước đều loan tin về vụ nổi dậy của các sắc tộc thiểu số ở Cao Nguyên Trung Phần theo một mức độ hoặc một góc cạnh nào đó. Điều này chắc chắn đã gợi lại cho ông nhớ lại những kinh nghiệm khi ông còn phục vụ trong tư cách sĩ quan cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cũ. Xin ông vui lòng thuật lại những nỗi bất bình của đồng bào Thượng mà ông đã được nghe tận tai, thấy tận mắt trong lúc làm việc với đồng bào ngày đó, và nguyên nhân vì đâu mà đồng bào lại bất bình như vậy ?

Nguyễn Văn Nghiêm : Sự bất bình của đồng bào Thượng bắt đầu từ sau tháng 3/1955, khi tổ chức Hoàng Triều Vương Thổ bị hủy bỏ, quy chế riêng biệt ban hành bới Cựu Hoàng Bảo Đại, trong đó có sự tôn trọng quyền lợi của đồng bào và dành nhiều ưu đãi cho đồng bào không còn nữa. Lúc ấy người Kinh bắt đầu lên Cao Nguyên đông đảo. Sĩ quan, công chức, trí thức Thượng rành tiếng Pháp, chưa rành tiếng Kinh, nên không được trọng dụng. Họ bị thay thế bởi người Kinh, lại thêm có chỉ thị buộc họ phải thay đổi tên họ Thượng sang tên họ Kinh, nên họ rất bất mãn. Trong trường học, tiếng Thượng không còn được dạy nữa, học sinh chỉ còn học tiếng Việt. Sách học tiếng Thượng ở trong kho các trường học được lệnh đem đốt bỏ. Tòa án phong tục Thượng ở các Tỉnh không còn được cấp ngân khoản hoạt động. Nhưng điều làm người Thượng phẫn nộ nhất lại là vấn đề quyền sở hữu đất đai. Năm 1958, Tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành một Nghị định với nội dung như sau : “Người Thượng không có quyền sở hữu đất đai mà chỉ có quyền hưởng dụng hoa màu canh tác”. Căn cứ vào Nghị định này, các chính quyền tự do lấy đất của các buôn Thượng để lập các dinh điền, chẳng cần hỏi ý kiến đồng bào cũng chẳng phải bồi thường cho các chủ đất nữa. Vì bất bình như vậy nên sĩ quan, công chức, trí thức và đồng bào Thượng mới nổi lên chống đối chính quyền.

VOA : Những bất bình đó đã có lần bùng nổ thành một biến cố suýt gây đổ máu và đáng lẽ gây thiệt hại lớn cho cuộc tranh đấu quốc cộng đang diễn ra thời bấy giờ. Diễn biến về vụ này như thế nào và nó đã được chính phủ miền Nam giải quyết ra sao ?

Nguyễn Văn Nghiêm : Biến cố này xảy ra vào ngày 20/9/1964. Năm (5) trại Lực Lượng Đặc Biệt Thượng ở hai tỉnh Quảng Đức và Đắc Lắc đã bị chính phủ Miên xúi giục nổi loạn, tàn sát một số cố vấn người Kinh, rồi kéo về chiếm đài phát thanh Ban Mê Thuột và bao vây thành phố này. Để giải quyết biến cố này, chính phủ miền Nam không dùng giải pháp quân sự để đàn áp mà dùng giải pháp chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội để giải quyết. Một mặt chính phủ công nhận và tích cực sửa chữa những sai lầm và bất công đối với đồng bào Thượng của chính phủ Ngô Đình Diệm cũ còn để lại ; một mặt ban hành một chính sách mới tôn trọng quyền công dân và quyền của con người đối với đồng bào Thượng ; đồng thời chính phủ kiên trì thảo luận và thuyết phục những người cầm đầu tổ chức Fulro Thượng trong cái tổ chức Fulro do chính phủ Miên tổ chức và tài trợ. Kết quả là sau 8 ngày thì 5 trại làm phản nói trên trở về trung thành lại với chính phủ, và đến ngày 1/2/1969 thì toàn bộ tổ chức Fulro Thượng đã trở về hợp tác với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

VOA : Đối với bất cứ chính phủ nào thì họ cũng rất sợ một nhóm người sắc tộc nổi dậy đòi thành lập một vùng tự trị hoặc ly khai thành một quốc gia riêng bởi vì điều này vi phạm đến sự toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi quốc gia. Theo nhận xét của ông thì người Thượng có thực sự mưu tìm một quốc gia độc lập hay vùng tự trị riêng cho họ hay không ?

Nguyễn Văn Nghiêm : Theo những tin tức phổ biến của nhà cầm quyền Việt Nam thì cuộc biểu tình của đồng bào Thượng ở Cao Nguyên vào tháng 2/2001 là do một nhóm người thuộc tổ chức Fulro cũ hiện ở Hoa Kỳ trong một tổ chức gọi là “Tổ chức Đê Ga”, đứng đầu là một người tên là Ksor Kơk. Tổ chức này đã móc nối với một số người Thượng khác ở Cao Nguyên để thành lập các Tổ chức Đê Ga tại các địa phương, và kích động đồng bào Thượng biểu tình gây rối nhằm thành lập ra “Một Nhà nước Đê Ga độc lập”. Tìm hiểu trên trang nhà của Hội Sáng Lập của người Thượng do Ksor Kơk làm Chủ tịch thì thấy Ksor Kơk cực lực bác bỏ lập luận của nhà cầm quyền Việt Nam mà ông ta cho là bóp méo và xuyên tạc lập trường tranh đấu của tổ chức của ông ta.

Nguyên văn lời của Ksor Kơk dịch sang tiếng Việt như sau : “Đã nhiều lần, tôi từng tuyên bố rằng tôi không hề phát biểu công khai ủng hộ sự thành lập một (Nhà nước) Đê Ga độc lập, dù là dưới tư cách cá nhân hay dưới tư cách là Chủ tịch của Hội Sáng Lập người Thượng”.

Ksor Kơk bảo rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã dịch sai danh từ “êngiê” (ê-nghi-ê) một ông ta dùng. Danh từ tiếng Thượng này có nghĩa là “tự do”, người Thượng tranh đấu cho “tự do” chứ không phải cho “độc lập”. Còn danh từ “President” có nghĩa là “Chủ tịch” của Hội Sáng Lập của người Thượng chứ không phải là “Tổng thống” của “cái Nhà nước Đe Ga độc lập” do nhà cầm quyền Việt Nam tuyên truyền. Ksor Kơk còn xác nhận, theo lời ông ta : “Chúng tôi chỉ mong muốn nhân dân chúng tôi được hưởng những quyền con người theo những tiêu chuẩn quốc tế đã được chấp thuận”.

Tôi cũng đã phỏng vấn một số đồng bào Thượng định cư ở North Carolina thì ai cũng trả lời là họ không hề có ý định mưu cầu một quốc gia độc lập, hay một vùng tự trị riêng tách ra khỏi nước Việt Nam. Một người Thượng nói vói tôi như sau : “Chúng em chỉ chống nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, vì họ đã tước đoạt nương rẫy, đất đai của ông bà tổ tiên chúng em và đã không cho dân tộc chúng em được tự do tín ngưỡng. Chúng em mong muốn đồng bào Kinh hiểu rõ là chúng em không chống đồng bào Kinh, không chống nước Việt Nam, hay dân tộc Việt Nam, vì chúng em cũng là những sắc tộc thuộc dân tộc Việt Nam. Chúng em chỉ mong đồng bào Kinh cứu chúng em ra khỏi cái ngu, cái dốt, nó làm chúng em không có khả năng cạnh tranh sinh sống được như đồng bào Kinh, và làm cản trở sự hội nhập của chúng em vào đời sống chung của đất nước”.

VOA : Theo như chỗ tôi được biết, ông vẫn có tiếp xúc qua điện thoại thăm hỏi những anh em sắc tộc thiểu số sang tị nạn tại North Carolina. Ông có nhận xét gì về sự thích ứng của họ nơi miền đất mới ? Họ có còn hoạt động để tranh đấu cho gia đình, bạn bè của họ hay không ? Nếu có, cuộc tranh đấu đó sẽ ra sao, có đạt được những bước tiến khả quan hay không ?

Nguyễn Văn Nghiêm : Tôi thấy thế hệ thứ nhất mới sang Hoa Kỳ chưa thích ứng được nhiều. Họ thiếu ngôn ngữ để giao thiệp, thiếu kỹ năng để làm được những công việc có nhiều tiền lương. Vì vậy cả vợ lẫn chồng thường phải làm hai công việc để nuôi sống gia đình và lo cho cái ăn học, và cũng vì vậy họ không có thì giờ để đi học thêm, lại cũng đã nhiều tuổi, sức khỏe cũng mau sa sút và mắc nhiều bệnh tật lắm.

Tuy nhiên sự hy sinh của họ đã không uổng phí, thế hệ thứ hai, con cái họ đã có một số người tốt nghiệp đại học, người là bác sĩ, người là kỹ sư, nhiều người khác đang là học sinh trung tiểu học và sinh viên đại học. Họ xin được nhiều loại trợ cấp để phát triển văn hóa, nghệ thuật, và làm các công tác xã hội như dạy kèm song ngữ, tiếng Mỹ và tiếng Thượng, giúp các gia đình làm thủ tục đoàn tụ, giúp người già hiểu biết luật để được hưởng trợ cấp của chính phủ theo luật định, giúp thanh thiếu niên, sinh viên học sinh phát triển đời sống lành mạnh, v.v. Tỉnh thoảng họ cũng về Việt Nam thăm viếng gia đình, cũng như cố gắng bớt ra những khoản tiền nhỏ bé của họ để chuyển về buôn làng giúp bà con bớt cảnh đói nghèo.

Họ vẫn hoạt động để tranh đấu cho quyền bình đẳng công dân và quyền sống của gia đình, bạn bè họ ở Việt Nam. Theo tôi thì tuy chỉ có 7 hay 8 ngàn người, và lại thuộc nhiều sắc tộc khác nhau nhưng họ đã biết đoàn kết keo sơn, gắn bó để tranh đấu cho một mục tiêu chung hơn là hơn một triệu đồng bào Kinh ở Hoa Kỳ này. Hoạt động của họ nặng về phương thức vận động. Họ đã vận động được cả Liên Hiệp Quốc, nhiều nước trên thế giới, nhất là Chính phủ, Quốc hội Hoa Kỳ quan tâm đến số phận đồng bào Thượng đang bị nhà cầm quyền Việt Nam bao vây, cô lập với thế giới bên ngoài để tự do đàn áp, kết án nặng nề. Cuộc tranh đấu của họ được cả đồng bào Kinh, và nhất là những cựu chiến binh Hoa Kỳ, đặc biệt là những cựu Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ giúp đỡ, ủng hộ nhiệt tình. Trong đợt gần một ngàn đồng bào Thượng được sang định cư ở Hoa Kỳ, đồng bào Kinh ở Orange County đã quyên góp được trên 20.000 đô la để gửi sang North Carolina giúp đỡ đồng bào Thượng mới tới. Ngoài phương thức vận động, biểu tình, họ còn biết sử dụng cả kỹ thuật cao như Internet, điện thoại di động để phổ biến tin tức, phổ biến lập trường tranh đấu của họ, và nhất là để liên lạc. Dù nhà cầm quyền Việt Nam có dùng cán bộ, quân đội, công an rải ra ở từng buôn, từng plei, từng gia đình Thượng trên Cao Nguyên như hiện nay cũng không thể nào tuyệt đối ngăn cản nổi họ đâu. Chứng cớ là họ vẫn lấy được tin tức chính xác từ Cao Nguyên để phổ biến trên Internet nhằm tố cáo những hành động vi phạm nhân quyền của nhà chính quyền Việt Nam với các tổ chức nhân quyền trên thế giới.

VOA : Với kinh nghiệm trước đây, với những kiến thức mà ông thu thập được trong ngành nhân chủng, ông có thể đóng góp một số ý kiến gì với hy vọng giúp chính phủ Việt Nam hiện nay giải quyết được tình trạng bất bình vẫn còn âm ỉ kéo dài từ sau năm 1975 và đã bùng nổ lớn, và được báo chí nói đến rất nhiều ?

Nguyễn Văn Nghiêm : Có một sự thật hiển nhiên là, mỗi sắc tộc thiểu số đều có một khoảng không gian sinh tồn truyền thống từ nhiều thế hệ. Họ thật sự đã làm chủ đất đai, tài nguyên ở nơi đó từ lâu đời rồi. Nhà cầm quyền trong nước hầu hết đều thuộc sắc tộc đa số, khi bành trướng sự cai trị của mình đến vùng của bất cứ sắc tộc thiểu số nào, nếu muốn tránh sự chống đối của dân chúng địa phương thì phải tôn trọng quyền lợi cố hữu của họ. Cụ thể là phải công nhận quyền sở hữu đất đai canh tác của các gia đình dân chúng. Khi khai thác tài nguyên trong vùng thì phải biết phân bố công bằng lợi tức kinh tế, phần nào dành để điều hành quốc gia, phần nào dành để giúp đỡ, phát triển đời sống của thổ dân đã từng làm chủ những tài nguyên này. Mỗi sắc tộc thiểu số lại thường có ngôn ngữ, chữ viết, tín ngưỡng, văn hóa, phong tục, tập quán riêng. Nhà cầm quyền phải biết vừa tôn trọng vừa bảo vệ sự khác biệt đó của họ, đồng thời phải có những biện pháp nâng đỡ đặc biệt để giúp họ có thể mau chóng hội nhập chung vào sinh hoạt kinh tế, văn hóa, giáo dục, quản lý hành chánh chung của cả nước. Những trí thức thiểu số một khi đã được đào tạo ra cần phải có chính sách trọng dụng với một tỷ lệ tương xứng với dân số sắc tộc thiểu số để họ có thể phục vụ nhân dân họ tại địa phương, cùng với quân nhân, công chức đa số được thuyên chuyển đến. Trong sự chung sống phải hết sức tránh nạn kỳ thị chủng tộc, những sự khinh rẻ hay ghét bỏ người thiểu số đều phải bị trừng phạt xứng đáng.

Nếu làm khác sự thật trên đây, như là không công nhận quyền sở hữu đất đai canh tác, chiếm đoạt tất cả đất đai, tài nguyên của họ, rồi đẩy họ phải di chuyển ra sinh sống bên ngoài lề khoảng không gian sinh tồn của họ, làm cho họ trở nên nghèo đi, không đủ ăn, thiếu dinh dưỡng, đói sinh bệnh tật, văn hóa tín ngưỡng mai một, dân số suy giảm nhanh chóng thì nhà cầm quyền của sắc dân đa số đã có những hành động y hệt như thực dân, đế quốc đã từng làm với dân chúng thuộc địa. Dù nhà cầm quyền có cố ý hay không cố ý, họ cũng phạm tội ác diệt chủng, mà theo danh từ luật quốc tế ngày nay thì đã phạm tội ác chống nhân loại.

Trong cuộc phỏng vấn của hãng Internet Kicon vào tháng 2/2001, tôi có kêu gọi đội ngũ các nhà khoa học nhân văn, xã hội ở trong nước nên mạnh dạn đem kiến thức hiểu biết của mình về đời sống của đồng bào Thượng ra trình bày với nhà cầm quyền Việt Nam để tìm những biện pháp giải quyết thỏa đáng những nguyện vọng chính đáng của đồng bào. Tôi đã thấy đài BBC loan tin nhà dân tộc học Bùi Văn Đạo đã đề nghị chính phủ Việt Nam nên lấy bớt những khoảnh đất trước đây tịch thu của đồng bào Thượng để lập những nông trường của đảng, nay vẫn dư thừa còn bỏ hoang chưa khai thác thì nên trả lại cho đồng bào. Đây là một ý kiến đúng đắn làm tôi rất chú ý. Tôi cũng được đọc bài “Những Buôn Um và Cánh Rừng Chư Pá” của ký giả Uông Ngọc Dậu phổ biến trên trang nhà của Đài Tiếng Nói Việt Nam. Ngoài tính nhân bản của nội dung bài viết, tôi nghĩ ý kiến của Uông Ngọc Dậu còn đáng được dùng làm tài liệu nghiên cứu để duy trì, củng cố lại Chế độ dân chủ tự trị Buôn Plei của đồng bào Thượng. Chế độ này sẽ đem lại nhiều lợi ích về mặt ổn định an ninh, đảm bảo đời sống của đồng bào, nhất là còn bảo vệ được tài nguyên thiên nhiên nữa. Lợi ích thật lớn lao.

Cuối cùng tôi thấy nhà cầm quyền Việt Nam đã công nhận có những sai lầm trong việc thực thi chính sách đối với đồng bào Thượng. Nếu đúng như vậy, nhà cầm quyền Việt Nam nên sửa chữa những sai lầm, thật tâm hòa hợp hòa giải với đồng bào Thượng, bãi bỏ những biện pháp bao vây, cô lập các buôn làng để đồng bào được trở lại sinh sống bình thường, và những tổ chức thiện nguyện quốc tế có thể được phép đến Cao Nguyên để giúp đỡ đồng bào. Những người đã bị kết án nặng nề nên được cứu xét lại bản án và trả tự do ngay cho họ. Đó là điều mong mỏi nhất của tôi.

Nguyễn Văn Nghiêm

05/11/2003

4. Nhìn lại vấn đề người Thượng

50 năm đã qua đi từ sau ngày 30/4/1975, thời điểm đã chín mùi cho việc suy tìm một dự án chính trị Việt Nam tương lai, một dự án mà những người ngày hôm nay có thể chấp nhận được và những thế hệ mai sau có thể tự hào. Đó phải là giấc mơ Việt Nam chung, trong đó mọi người và mỗi người đều có tiếng nói và chỗ đứng ngang nhau trong một nước Việt Nam hiền hòa và bao dung.

4.1. Nhân phẩm bị chà đạp

Đất đai và tôn giáo chỉ là mặt nổi của tảng băng bất mãn của người Thượng. Nguyên nhân chính là danh dự và nhân phẩm người Thượng bị chà đạp. Trong hơn 70 năm cộng cư với người Kinh, từ 1954 đến nay, chưa một chính quyền Việt Nam nào thực sự tôn trọng sự hiện hữu và thành tâm nâng cao mức sống của người Thượng bản địa. Cộng đồng người Thượng luôn bị coi là công dân hạng hai, bị khinh khi và lợi dụng ; họ vẫn còn bị gọi là “man”, là “mọi”, những ngôn từ cần phải bị xóa bỏ trong ký ức Việt Nam.

Tại sao người Thượng bị coi thường ? Tại vì người Kinh không được thông tin và giáo dục về sự hiện hữu của các cộng đồng sắc tộc thiểu số một cách lương thiện. Chỉ cần rảo mắt nhìn quanh người ta dễ dàng phát hiện sự coi thường người Thượng trong những quan hệ thường ngày. Trước các bệnh xá, không bao giờ người Kinh chịu xếp hàng chung với người Thượng, trong các trường học trẻ em gốc Kinh không chơi với trẻ em gốc Thượng, và phần lớn trẻ em gốc Thượng đều thất học vì phải ở nhà giúp đỡ cha mẹ tìm kiếm miếng ăn để sống. Trong chợ, thương gia gốc Kinh không chịu ngồi nơi nào có người Thượng đứng bán. Ngay cả khi đón xe để di chuyển, họ thường bị bỏ rơi vì bị nghi rằng không có tiền để trả. Khi vào cơ quan xin cấp giấy tờ hay bị xét hỏi ngoài đường, sự khinh miệt của những viên chức nhà nước không cần che giấu, họ cười cợt, nộ nạt và chế riễu công khai sự ngây ngô của người Thượng. Những già làng hay tù trưởng bị loại ra khỏi những nhà rông và bị tước quyền phân xử theo phong tục nên mất luôn quyền được kính trọng của chính quyền và người dân trong buôn làng.

Hàng năm sau mỗi cơn bão hay hạn hán, tỷ lệ người Thượng thiếu đói tăng cao so với toàn quốc, nhiều dân làng Thượng phải vào rừng đào củ rừng, bắt côn trùng ăn cho đỡ đói. Những nhóm Thượng sinh sống dọc dãy Trường Sơn phía tây các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên (người Pacoh, Ktu, Bru, Dje Trieng, R’mam) sống trong cảnh thiếu đói và bệnh tật triền miên ; nơi cư trú của họ quá sâu và quá xa nên ít ai biết đến, phẩm vật cứu trợ nhận được gần như không có.

Số người thực sự quan tâm đến sự sinh tồn của người Thượng rất ít, đa số là những tu sĩ Công Giáo, Tin Lành và Phật Giáo, số còn lại là những chuyên gia sắc tộc, những nhà bảo vệ nhân quyền, những tổ chức thiện nguyện quốc tế vì sức khỏe và mức sống của người Thượng xuống cấp nặng nề.

4.2. Những hứa hẹn về quyền tự trị bị hủy bỏ

Năm 1955, để tạ ơn những sắc tộc thiểu số miền Bắc đã hợp lực cùng lực lượng Việt Minh đánh bại quân Pháp trên của quốc lộ 2, 3 và 4 dọc biên giới với Trung Quốc, ông Hồ Chí Minh lúc đó là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cho thành lập ba khu tự trị trên miền Thượng du miền Bắc :

– Sắc lệnh số 230/SL ngày 29/04/1955 thành lập Khu tự trị Thái Mèo (năm 1962 đổi thành Khu tự trị Tây Bắc) gồm ba tỉnh Lai Châu, Sơn La và Nghĩa Lộ.

– Sắc lệnh số 268-SL ngày 01/07/1956 thiết lập Khu tự trị Việt Bắc, còn gọi là Cao Bắc Lạng, gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn và Lạng Sơn. Năm 1959 có thêm các tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên và Tuyên Quang.

– Sắc lệnh số 020/SL ngày 25/3/1957 thành lập Khu tự trị Lào-Hà-Yên, gồm các tỉnh Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái. Nhưng Khu tự trị này sau đó bị bãi bỏ không cho biết lý do. Tỉnh Hà Giang sau đó được sát nhập vào Khu tự trị Việt Bắc, hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái di trung ương quản lý.

Quyền tự trị này được chính thức được ghi trong Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959 :

Điều 3 quy định : “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Nhà nước có nhiệm vụ giữ gìn và phát triển sự đoàn kết giữa các dân tộc. Mọi hành vi khinh miệt, áp bức, chia rẽ dân tộc đều bị nghiêm cấm. Các dân tộc có quyền duy trì hoặc sửa đổi phong tục tập quán, dùng tiếng nói chữ viết, phát triển văn hóa dân tộc mình. Những địa phương có dân tộc thiểu số sống tập trung thì có thể thành lập khu vực tự trị. Khu vực tự trị là bộ phận không thể tách rời được của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhà nước ra sức giúp đỡ các dân tộc thiểu số mau tiến kịp trình độ kinh tế và văn hóa chung”.

Điều 78 viết thêm : “Các đơn vị hành chính trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phân định như sau : Nước chia thành tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương ; Tỉnh chia thành huyện, thành phố, thị xã ; Huyện chia thành xã, thị trấn. Các đơn vị hành chính trong khu vực tự trị do luật định”.

Tuy nhiên, sau phiên họp ngắn ngủi của Quốc hội khóa V, kỳ họp thứ 2, từ ngày 22 đế 27/12/1975, những quy định về khu tự trị đều bị bãi bỏ. Những hứa hẹn về quyền tự trị dành cho những người Thượng đã hợp tác với Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam và bộ đội cộng sản xâm nhập từ miền Nam bị quỵt một cách trắng trợn. Uy tín của những cấp chỉ huy Thượng cộng từng hợp tác với chế độ cộng sản trong cuộc chiến 1954-1975 bị mất hẳn trong lòng những người đã từng ủng hộ họ trước đó. Ước vọng được tự trị của người Thượng trên Tây Nguyên chìm trong thất vọng. Từ đó tình cảm của người Thượng dồn cho những người hô hào đấu tranh cho quyền tự trị như phong trào FULRO Dega, hoặc cho nhà người lãnh đạo tôn giáo như mục sư Tin Lành và giáo sĩ Công Giáo với hy vọng được sống theo tập tục cổ truyển hay được sinh hoạt tự do theo tôn giáo của mình.

4.3. Đất đai là nguồn gốc của những chống đối

Một sự kiện ít được nhắc tới là sự thành lập Khu tự trị Lao-Hà-Yên bị hủy bỏ không cho biết lý do. Lãnh thổ tỉnh Hà Giang được sát nhập vào Khu tự trị Việt Bắc ngày 23/03/1959 ; lãnh thổ hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái trực thuộc vào Trung ương.

Thật ra lý do chính của sự hủy bỏ Khu tự trị này là do tranh chấp đất đai trong việc thi hành chính sách cải cách ruộng đất từ 1953 đến 1956 tại miền Bắc. Dựa theo mô hình “thổ địa cải cách” của Trung Quốc (1946–1949), cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc được tổ chức với tinh thần đấu tranh giai cấp triệt để, dưới sự cố vấn trực tiếp của các cán bộ đến từ Trung Quốc. Những người bị mang ra đấu tố là giai cấp lãnh đạo cổ truyền của những sắc tộc Thái, Hmong (Mèo), Nùng và Dao sinh sống trong vùng này là những tù trưởng, thổ tri châu nắm giữ trong tay hàng trăm mẫu đất phân bổ cho dân làng canh tác. Đây là một quyền được mọi người chấp nhận theo phong tục cổ truyền và không ai phản đối. Những vị lãnh đạo cộng đồng này bị kết tội là cường hào ác bá, địa chủ phong kiến, nhiều người đã bị xử tử. Bất mãn trước sự bội ước của Đảng cộng sản Việt Nam, nhiều lãnh đạo địa phương đã liên lạc với những đồng tộc sinh sống trong lãnh thổ Trung Quốc và xin được sáp nhập vào lãnh thổ Trung Quốc để được bảo vệ. Sự kiện này đã một thời gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc dọc vùng biên giới.

Mặc dù Hiến pháp 1959 vẫn duy trì Điều 3 và Điều 78 nhưng không một khu tự trị nào được lập thêm và những khu tự trị cũ đã thay đổi cấu trúc để không một cấp lãnh đạo sắc tộc thiểu số nào có quyền tự ý thay đổi chủ quyền.

Trở lại vấn đề đất đai, gần như toàn bộ những chống đối của người dân với chính quyền cộng sản từ 1954 tới nay đều xuất phát từ đất. Đối với một nước mà 80% dân số gắn liền cuộc đời với nghề nông thì đất đai là tất cả những gì quí báu nhất trên đời. Đất đai không chỉ quí đối với người Kinh mà còn cả với người thiểu số.

Lần đầu tiên Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980 đưa vào khái niệm “sở hữu toàn dân” về đất đai, theo đó đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, nghĩa là thuộc về nhà nước. Qui chế “sở hữu toàn dân” tiếp tục được giữ nguyên trong các bản Hiến pháp tiếp theo (1992, 2013) và những lần sửa đổi Hiến pháp tiếp theo trong những năm 2001 và 2025.

Chính sách quốc hữu hóa và hợp tác hóa đất đai của chính quyền cộng sản Việt Nam đã gây ra rất nhiều thù hận giữa người dân với chính quyền. Người Kinh không có đất còn có thể ra thành phố làm công hay sống lây lất bằng những nghề vặt vãnh khác vì cùng văn hóa và ngôn ngữ. Nhưng người Thượng hay những cộng đồng sắc tộc thiểu số khác không có đất để canh tác thì chỉ có chết, họ không được huấn luyện để thích hợp với đời sống thành thị, hơn nữa vì không cùng văn hóa và ngôn ngữ, hy vọng sinh tồn của họ nơi chốn thị thành không cao, đất là nguồn sống duy nhất đối với họ.

Tội duy nhất của người Thượng cũng như những sắc tộc thiểu số khác là sinh sống trên những vùng đất cạnh dòng sông, cạnh những trục lộ giao thông hay có nhiều tài nguyên khoáng sản dưới lòng đất mà tổ tiên của họ đã nhiều đời canh tác để lại. Đây là những vùng đất có khả năng mang lại lợi lộc dưới mắt người Kinh, hơn nữa những người đang canh tác lại không có giấy tờ sở hữu, nên những kẻ đầu cơ trục lợi đã dùng mọi mánh khóe để chiếm đoạt.

Qua khái niệm “sở hữu toàn dân” trong Hiến pháp 1980, những nông dân Kinh và Thượng sinh sống trên những mảnh đất mà cha ông của họ đã nhiều đời canh tác ở thôn quê hay chốn rừng sâu bỗng dưng bị tước đoạt quyền sở hữu, một hành động mà ngay cả thực dân Pháp cũng không dám làm vì quá thất nhân tâm. Chưa hết, Luật đất đai năm 2024 còn qui định cách cấp phát giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất, vì không phải những ai đã từng canh tác nông nghiệp trên một mảnh đất cố định đều đương nhiên được cấp quyền sử dụng đất. Đó là chưa kể cách phân phát đất đai theo kiểu thôn làng miền Bắc, nghĩa là chia cắt một cách tùy tiện và manh mún rất cửa quyền, phải có vây cánh và biết đút lót mới hy vọng được cấp những mảnh đất có thể canh tác được.

Riêng về người Thượng, họ không hề chiếm đất của ai và cũng không ai hướng dẫn họ làm giấy tờ sử dụng đất. Đất đai quanh các thôn làng của họ là do công lao của nhiều thế hệ cha ông trước đó tạo ra, các đời sau cứ thế mà tiếp tục. Chính quyền không nên khuyến khích người Kinh vào những khu vực có người sắc tộc thiểu số sinh sống để giành quyền sử dụng đất của họ. Có thể lối canh tác cổ truyền của họ có phí phạm đất và năng suất không cao, hãy để cho họ tiếp tục canh tác theo truyền thống. Việt Nam còn rất nhiều đất hoang có thể trồng trọt chưa được khai phá. Thực ra cũng không người Kinh nào muốn phiêu lưu vào rừng sâu khai thác đất mới vì có đổ mồ hôi cho lắm nhà nước vẫn là chủ nhân diện tích vùng đất do họ vừa khai hoang. Các chính sách kinh tế mới áp dụng tại miền Bắc năm 1956 và tại miền Nam năm 1976 hoàn toàn thất bại vì lý do đó, những di dân bị đẩy vào chốn rừng sâu đều trốn về thành phố hay tập trung dọc những trục lộ giao thông chính để sinh sống.

Vấn đề tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền thật ra không khó giải quyết. Trả lại cho dân quyền sở hữu đất đai, chính quyền không những tranh thủ được cảm tình của mọi thành phần dân tộc mà còn giải tỏa nguồn sinh lực nông nghiệp dồi dào từ lâu bị kềm chế, đất nước chỉ có thể đi lên. Người Thượng sẽ vô cùng vui sướng khi được canh tác lại trên những mảnh đất cũ và sẵn sàng hợp tác trong mọi chính sách hội nhập bình đẳng.

Hội nhập vào xã hội Việt Nam một cách bình đẳng là ước muốn chung của mọi người Thượng, họ cũng muốn được nâng cao mức sống để chia sẻ một tương lai chung và bắt kịp đà tiến hóa chung của dân tộc. Nhưng ước mơ này khó có thể thực hiện dưới chế độ cộng sản bởi chính chủ thuyết của nó và bởi những người đại diện nó.

4.4. Chính sách chia để trị không còn thích hợp

Cao nguyên miền Trung chưa bao giờ là một quốc gia, những cư dân bản địa (người Thượng) cũng chưa bao giờ kết hợp thành một dân tộc đồng nhất. Việc một số nhân sĩ Rhade (Ê đê) đang sinh sống tại Hoa Kỳ thành lập nhiều tổ chức dân sự kêu gọi đấu tranh bạo động hay vận động thành lập nước cộng hòa Dega trên Tây Nguyên chỉ là một phản ứng tuyệt vọng, người Rhade không phải là tất cả và cũng không có quyền đứng trên tất cả. Không nên hướng dẫn dư luận vào sự kiện không đúng này để kích động thù hận hay tranh thủ sự ủng hộ. Ngày nay với kỹ thuật thông tin điện tử, không có gì che giấu mãi với thời gian. Nếu Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục sử dụng lá bài FULRO Dega để tuyên truyền hay bào chữa cho những biện pháp đàn áp người Thượng thì sẽ có ngày phải trả lời trước vành móng ngựa dư luận quốc tế và quốc nội.

Chính sách chia để trị ngày nay không còn thích hợp, nó để lộ dã tâm kích động thù hận và gây chia rẽ dân tộc, nói theo Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 2015 là “Tội phá hoại chính sách đại đoàn kết”. Một cách cụ thể, các chính quyền cộng sản địa phương dùng người sắc tộc địa phương này trấn áp người sắc tộc địa phương kia, gây chia rẽ trong giới người Thượng. Những cán bộ Rhade thuộc các làng Buôn Kdun, Buôn Aleo, cán bộ Jarai ở các làng Chư Prah, Chư Mrai hay cán bộ Bahnar trong các làng Kon Kbang, Mang Buk… được huấn luyện để trấn áp đồng hương của họ ở các những địa phương khác. Từ đầu năm 2001 trở đi, ngành an ninh đã cấp tốc huấn luyện nhiều cán bộ trẻ gốc Thượng thuộc thành phần “gia đình cách mạng” để bảo vệ chính quyền. Những cán bộ này được hưởng quyền lợi như những cán bộ Kinh và đang là yếu tố trực tiếp khủng bố đồng hương của họ.

Biện pháp “cây gậy và củ cà rốt” lúc đầu mang lại nhiều hiệu quả tốt nhưng càng về sau là một đại họa nhân chủng. Những buôn làng bị tình nghi là tụ điểm xuất phát phong trào chống đối (gần như là tất cả) đều bị bao vây, dân làng không thể ra nương trồng tỉa và cũng không thể mang hàng hóa ra chợ đổi gạo. Biện pháp này đã và đang gây nạn đói trầm trọng trong các buôn làng Thượng xa xôi trên khắp cao nguyên. Đây là một tội ác chứ không phải là biện pháp răn đe hay mua chuộc sự ủng hộ.

Biện pháp này còn khuyến khích người dân không quan tâm đến đất nước và làm mất sự sáng tạo. Những nghệ sĩ, người mẫu Thượng nếu chỉ lo sinh hoạt nghệ thuật và văn hóa thì được sinh hoạt bình thường, nhưng chỉ cần một phát biểu hay thái độ không phù hợp với những quan chức hay cán bộ nhà nước địa phương có thể bị treo giò hay bị cấm sinh hoạt.

Tây Nguyên có nhiều nghệ sĩ và ca sĩ nổi tiếng như Măng Thị Hội (Bahnar Chăm), Rơ Chăm Phiang (Jarai), Y Moan (Rhade), Y Yang Tuynh (Bahnar), Siublack (Bahnar), Bonneur Trinh (Lat), H’Wil (Jarai), Kim Nhớ (H’re), H’Benh (Bahnar), Eban Quý (Rhade), Đinh Xuân Va (Hre), Hồ Thị Kha Y (Vân Kiều) và người mẫu H’Hen Nie (Rhade)… Làn ranh giữa nghệ thuật và người máy của giới nghệ sĩ rất là mong manh.

5. Chính sách dân tộc trên Tây Nguyên

Từ 1954 đến nay, mỗi khi có biến động trên các vùng thượng du và cao nguyên chính quyền cộng sản Việt Nam liền ban hành một chính sách dân tộc mới. Cái gọi là chính sách dân tộc thật ra chỉ là chiến lược bảo vệ biên giới, mang tính quốc phòng do quân đội quản lý.

Nơi sinh trú của các cộng đồng sắc tộc dọc vùng biên giới được quan niệm như vùng trái độn, hay vùng phên dậu theo cách nói của người xưa, nghĩa là nơi xảy ra tranh chấp trực tiếp khi có va chạm, do đó phải bị kiểm soát gắt gao. Những cố gắng phát triển các vùng thượng du và cao nguyên, nếu có, chỉ nhằm củng cố chỗ đứng của chế độ và bảo vệ người Kinh và hỗ trợ những sắc tộc quy phục chế độ. Chính sách dân tộc này không mang lại lợi ích thiết thực nào cho những sắc tộc thiểu số bị tình nghi chống đối chế độ, hay sinh sống ở những vùng sâu vùng xa. Đó là chưa kể những công trình khai thác tài nguyên núi rừng man dại đang làm hủy hoại môi trường, không những có hại cho những sắc tộc thiểu số mà còn cho cả người Kinh vào mùa mưa hay mùa nắng.

5.1. Nghị quyết số 23-NQ/TW

Nội dung chính sách dân tộc đang được áp dụng trên Tây Nguyên hiện nay có thể tóm lược trong Nghị quyết số 23-NQ/TW do Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ban hành ngày 6/10/2022. Tiêu đề đầy đủ của nghị quyết này là “phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng”.

Theo nghị quyết này, Tây Nguyên được chia thành 3 tiểu vùng được xác định rõ với đặc trưng và giải pháp thực hiện phát triển. Một là Tiểu vùng Bắc Tây Nguyên (gồm Gia Lai, Kontum) tiếp tục phát triển công nghiệp, đồng thời hình thành khu du lịch sinh thái kết nối với khu vực duyên hải miền Trung. Hai là Tiểu vùng Trung Tây Nguyên (Đắc Lắc) được xem là trọng tâm của vùng, tập trung về năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông lâm sản. Ba là Tiểu vùng Nam Tây Nguyên (gồm Lâm Đồng, Đắc Nông) tập trung phát triển ngành dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, cùng với đó là nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp khai thác, chế biến nhôm gắn với nguồn tài nguyên boxit, alumin. Trong thực tế, Nghị quyết số 23-NQ/TW này chỉ là một tài liệu hướng dẫn mang tính kinh tế và xã hội chứ không phải để phát triển và nâng cao mức sống của cộng đồng người Thượng bản địa.

Từ sau biến cố 2001 người Thượng xuống đường ồ ạt trên Tây Nguyên, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam mới nhận thức ngày càng rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng đất này (qua Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng, phát huy những tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững) để từ đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan quy hoạch của 5 tỉnh trực thuộc (Kontum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng).

Phải nhìn nhận chính quyền cộng sản đã làm nhiều cố gắng để phát triển Tây Nguyên, nhưng sau hơn 20 năm thực hiện Bộ Chính trị nhìn nhận Tây Nguyên còn rất nhiều hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Theo đó, tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại ; lợi tức bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trên cả nước. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rất thấp. Giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao ; khoảng cách giàu – nghèo giữa các nhóm dân tộc chậm được thu hẹp ; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp. Tình trạng di dân tự do vào Tây Nguyên ngày càng phức tạp ; đất sản xuất, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết. Công tác xử lý đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn nhiều bất cập. Tỷ lệ che phủ rừng giảm mạnh và không đạt mục tiêu đề ra ; rừng tự nhiên suy giảm về cả diện tích và chất lượng. Nguồn nước có nguy cơ cạn kiệt, tình trạng khô hạn diễn biến thất thường. Nhiều di sản văn hóa dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp chưa được chú trọng. Chỉ số phát triển con người (HDI) thấp nhất cả nước. Giáo dục, đào tạo chuyển biến chậm ; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động thấp. Công tác chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ y tế cơ bản còn thấp so với mức trung bình cả nước. Liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược (giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng số) chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, vấn đề tôn giáo, dân tộc, tình hình khiếu kiện, tranh chấp đất đai vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp ; công tác đàm phán, phân giới cắm mốc biên giới chưa hoàn thành. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Nói chung, Tây Nguyên đứng chót bảng về quyền có chỗ đứng xứng đáng trong xã hội Việt Nam.

Để biện hộ cho những thất bại trên, Bộ Chính trị đổ lỗi cho những cấp thừa hành : Một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng ; tư duy về liên kết vùng chậm được đổi mới. Chất lượng các quy hoạch còn thấp, thiếu liên kết, đồng bộ. Nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa được quan tâm đúng mức, nhất là hạ tầng giao thông liên vùng. Quản lý đất đai, di dân, bảo vệ rừng chưa hiệu quả. Các cơ chế, chính sách cho vùng chưa có trọng tâm, trọng điểm và chưa sát với thực tiễn. Thể chế liên kết vùng chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Các địa phương chưa phát huy hết tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của mình và của vùng. Thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Phân cấp, phân quyền chưa thực sự gắn với năng lực và điều kiện thực tiễn của từng địa phương, thiếu phối hợp và kiểm tra, giám sát. Chưa phát huy, khai thác tốt giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống và con người vùng đất Tây Nguyên thành nguồn lực phát triển. Năng lực cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước ở một số nơi còn hạn chế, công tác chỉ đạo, điều hành chưa hiệu quả. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành với các địa phương chưa thường xuyên, chặt chẽ và chưa được quan tâm đúng mức.

Nói chung Bộ Chính trị thấy rõ những hạn chế của chính mình nhưng bất lực, Tây Nguyên vẫn chỉ là một vùng đất canh tác nông lâm nghiệp nghèo nàn. Lý do chính mà Bộ Chính trị không dám nhìn nhận là con người : Đảng cộng sản chỉ tin tưởng và sử dụng những người do mình đào tạo, nghĩa là chỉ cần trung thành với đảng chứ không cần người có kiến thức và trình độ để phát triển Tây Nguyên.

Quan điểm phát triển chính của Bộ Chính trị trên Tây Nguyên, có thể gọi là chính sách Thượng vụ thời cộng sản, là củng cố quốc phòng, nghĩa là phải do quân đội quản lý (hiện nay là Binh đoàn 15). Dựa vào khả năng của quân đội, Bộ Chính trị có những ước mơ viển vông như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP – Gross Regional Domestic Product) bình quân giai đoạn 2021 – 2030 sẽ tăng từ 7 đến 7,5% ; đến năm 2030, Tổng sản phẩm bình quân đầu người trên Tây Nguyên đạt 130 triệu đồng, khoảng 5.000 USD/năm, trong khi nguồn lợi duy nhất trên Tây Nguyên là sản xuất nông lâm sản cho nhu cầu nội địa. Người ta tự hỏi Binh đoàn 5 có phép mầu nào để đạt những chỉ tiêu đó ?

5.2. Binh đoàn 15

Binh đoàn 15, có tên giao dịch kinh tế là Tổng công ty 15, được thành lập ngày 20/02/1985, là một doanh nghiệp quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng với một quân số khoảng 17.000 người, trong đó khoảng 1.300 người là binh sĩ đúng nghĩa, số 15.700 quân nhân còn lại làm việc trong các công ty kinh tế do quân đội quản lý.

Binh đoàn 15 được thành lập sau khi đánh đuổi tàn quân FULRO Dega chạy sang bên kia biên giới Campuchia cuối năm 1984. Từ sau ngày đó, Binh đoàn được giao nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội kết hợp với tăng cường an ninh quốc phòng, đồng thời ngăn chặn mọi xâm nhập người và vũ khí vào Việt Nam, mà họ gọi là “làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động hòng chia rẽ mối đại đoàn kết dân tộc” (ý muốn nói là nhóm người Thượng tị nạn tại Mỹ).

Cách tổ chức của Binh đoàn 15 giống như Sơn Phòng Trấn do Ôn Khê Nguyễn Tấn (tác giả Phủ man tạp lục năm 1871) thời vua Tư Đức phụ trách : vừa làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới vừa canh tác nông nghiệp để tự túc lương thực (ngụ binh ủ nông). Với người Thượng, Binh đoàn 15 khai triển mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ gia đình người Kinh với hộ gia đình người Thượng trong mục đích giữ gìn an ninh thôn xóm, kiểm soát những liên lạc với người ngoài, loại bỏ những hội thánh Tin Lành tư gia. Một biện pháp xưa thời nhà Nguyễn đang được Binh đoàn 15 áp dụng là phủ dụ những già làng, trưởng thôn (tù trưởng cũ) để thu phục sự hợp tác. Vấn đề là chế độ đã phá bỏ hệ thống nhà sàn (nếp sống sở hữu tập trung) qua các luật đất đai nên vai trò của già làng, tù trưởng hết hiệu lực trong khi uy tín của những vị lãnh đạo tôn giáo (Tin Lành và Công Giáo) bị hạ thấp. Những cuộc xuống đường năm 2001 và nổ súng Đắc Lắc 2023 là những bằng chứng thất bại của biện pháp gắn kết hộ và phủ dụ già làng.

Về quốc phòng, Binh đoàn 15 quản lý một khu vực rộng lớn gần 55.000 km2, với một đường biên giới giáp Cambodia và Lào dài 251 km ; có nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với xây dựng thế trận an ninh quốc phòng vùng biên giới phía bắc Tây Nguyên ; giúp Lào và Campuchia xây dựng cụm bản và hệ thống chính trị cơ sở, nghĩa là đảm nhiệm nghĩa vụ quản lý trị an khu vực tam biên. Binh đoàn đã đưa gần 13.000 hộ gia đình với trên 50.000 nhân khẩu, xây dựng 266 cụm điểm dân cư mà họ gọi là pháo đài, phòng tuyến gồm 3 huyện, 13 xã, 24 thôn, làng mới trên tuyến biên giới.

Về kinh tế, Binh đoàn 15 quản lý các dự án phát triển 34.000 ha cao su ; 700 ha cà phê ; 85 ha lúa nước và khai thác gỗ rừng ; xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng như trạm giao thông, thủy lợi, đường lâm nghiệp, điện nước, đê đập, cầu cống, bệnh viện, trường dạy nghề, nhà sinh hoạt cộng đồng… Phần lớn những công ty trực thuộc Binh đoàn được tổ chức dưới dạng công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (là Binh đoàn 15) lo về cao su, cà phê ; lớn hơn là những công ty cổ phần, xí nghiệp, phân xưởng, nhà máy liên quan đến xây dựng, kiến trúc hạ tầng, khảo sát và chế biến ; hệ thống khách sạn ; ở Lào và Campuchia là các đoàn kinh tế (tổ chức theo cấp trung đoàn). Thu nhập bình quân đầu người khoảng 300 USD/tháng.

Lời kết

Người Thượng trên cao nguyên, cũng như những sắc tộc khác, là những con người yêu chuộng nếp sống tự do giữa thiên nhiên, một chính sách dân tộc cho tương lai phải tăng cường yếu tố tự do đó chứ không phải để kềm chế nó. Cũng phải loại bỏ ngay từ bây giờ tâm lý coi người Thượng là kém văn minh. Thể lực và trí năng của họ không thua kém gì người Kinh nhưng vì không được chăm sóc và quan tâm đúng mức nên sự cách biệt giữa đồng bằng cao nguyên ngày thêm sâu rộng. Đó là chưa kể tâm lý bá quyền, nhóm nào cúi đầu tuân phục thì được cho ăn, nhóm nào bất phục tùng thì bỏ đói. Chính sách phân biệt đối xử vừa thất nhân tâm vừa không mang lại hiệu quả mong muốn, thực dân Pháp đã áp dụng chính sách này và đã thất bại. Các chính quyền miền Nam cũ và cộng sản hiện nay đã và đang lập lại chính sách này và cũng đã và đang thất bại.

Chính vì thế chúng ta phải có một thái độ chính trị rõ ràng, đó là thực hiện tản quyền trên toàn lãnh thổ. Xin nhắc lại thực hiện tản quyền chứ không thành lập những vùng tự trị. Giải pháp thành lập những vùng tự trị cho các sắc tộc thiểu số, như người Pháp đã làm từ năm 1946 hay của chính quyền cộng sản miền Bắc sau năm 1954, không còn khả thi nữa vì ngày nay người Kinh đã chiếm đa số trên khắp mọi miền đất nước, nhưng tản quyền sẽ cho phép các sắc tộc có tiếng nói đáng kể trong các chính quyền địa phương.

Tản quyền khuyến khích các sinh hoạt chính trị tại mỗi địa phương, đem dân chủ tới mọi nơi cho mọi người, tránh được những thủ tục hành hành chánh nặng nề gây phức tạp cho sinh hoạt thường ngày, kích thích sinh hoạt văn hóa và báo chí địa phương, cho phép mỗi địa phương chọn lựa công thức sinh hoạt kinh tế phù hợp nhất đối với đặc tính của mỗi vùng và nhờ đó mà phát triển. Tản quyền cho phép những khuynh hướng thiểu số, các tôn giáo và các sắc tộc ít người có trọng lượng đáng kể tại những địa phương mà họ hiện diện đông đảo có diễn đàn và phương tiện thực hiện những nguyện vọng của mình, do đó làm dịu bớt những tâm trạng bất mãn và các ý đồ đòi ly khai hay tự trị. Nhưng tản quyền phải đi đôi với dân chủ, một chính sách cộng đồng đứng đắn không thể có trong một chế độ độc tài không chấp nhận những tiếng nói khác biệt.

Tổ chức xã hội Việt Nam cũng phải được điều chỉnh lại. Đại nghị là chế độ chính trị lý tưởng nhất để thực hiện tản quyền, không những có thể phát triển đất nước một cách hài hòa mà còn đủ khả năng duy trì đồng thuận chung. Làm sao cho bộ máy quốc gia chạy tốt chỉ còn là một vấn đề kỹ thuật : lãnh thổ quốc gia được chia thành bao nhiêu vùng ; mỗi vùng có bao nhiêu dân số, bao nhiêu diện tích đất đai ; chức năng kinh tế, cơ sở hạ tầng và tài nguyên của mỗi vùng phải tổ chức và sử dụng như thế nào để có thể tồn tại và không gây bất ổn trên phạm vi toàn quốc, v.v…

Về văn hóa, ngôn ngữ và tín ngưỡng của người thiểu số phải được coi là thành phần của văn hóa chung của người Việt Nam mà nhà nước có nhiệm vụ gìn giữ và phát huy thêm. Sự hiện diện của cộng đồng người Thượng trong lòng dân tộc Việt Nam còn rất mới và chính vì còn rất mới, chỉ hơn 70 năm (từ 1954 đến nay), nên văn hóa của người Thượng vẫn còn xa lạ đối với phần lớn người Kinh. Lịch sử Việt Nam cũng phải được viết lại vì lịch sử của các sắc tộc đã hợp thành dân tộc Việt Nam phải được coi như là lịch sử chung của mọi người Việt Nam.

Về kinh tế, mục tiêu dài hạn của bất cứ chính quyền Việt Nam nào là tách dần cao nguyên miền Trung ra khỏi chức năng nông lâm nghiệp để tập trung vào chức năng văn hóa và du lịch. Phong cảnh và khí hậu của các vùng cao nguyên rất thích hợp cho nhu cầu tìm nơi nghỉ mát và du lịch của người đồng bằng, các công ty du lịch quốc tế cũng đánh gia cao tiềm năng mang du khách tới cao nguyên miền Trung, vì nơi đây còn nhiều vết tích của thời chiến tranh và cảnh vật rất đa dạng. Dịch vụ du lịch sẽ huy động một khối nhân lực lớn tại chỗ sống nhờ lượng du khách đông đảo, giảm bớt áp lực tìm đất trồng cây lương thực và công nghệ. Đất đai của các buôn làng bị chiếm hữu không có lý do chính đáng phải hoàn lại cho người thiểu số nhằm tránh những hiềm khích dân tộc vô ích. Chính quyền khuyến khích phong trào di dân gốc Kinh vào khai thác những vùng đất mới chưa có chủ nhân song song với việc phát triển hạ tầng cơ sở. Cao nguyên miền Trung không thiếu đất nhưng không vì thế để cho phong trào khai hoang man dại diễn ra.

Vừa rồi là những suy nghĩ thô thiển về một chính sách dân tộc hay chính sách phát triển cộng đồng cho tương lai. Nội dung của chính sách này tùy thuộc vào quyết tâm của các chính quyền Việt Nam mai sau trong việc thực thi tản quyền.

Nguyễn Văn Huy

(Paris, tháng 4/2025)

* Nguyễn Văn Huy : Nhìn lại những chính sách hội nhập cộng đồng người Thượng trên cao nguyên

(Kỳ 1)

*Nguyễn Văn Huy : Nhìn lại những chính sách hội nhập cộng đồng người Thượng trên cao nguyên

(Kỳ 2)

*Nguyễn Văn Huy : Nhìn lại những chính sách hội nhập cộng đồng người Thượng trên cao nguyên

(Kỳ 3)