Nguyễn Văn Thà: Ngày Xuân Nhớ Song Thân

*Hai hình này là hình mạ và bọ tôi chụp với các cháu.

Theo lời mạ tôi kể:

Từ làng Mỹ Hoà, Quảng Bình bọ mạ tôi chèo một ghe mắm ngược lên mạn ngược sông Gianh bán và sau đó mua một thuyền cam chở về bán tết.

Trên chiếc thuyền đầy cam vòng về, mẹ tôi sinh ra tôi vào lúc gà gáy canh hai, đêm 16, Tháng Chạp, Năm Giáp Ngọ, tức 2 giờ sáng, đêm 9.01.1955. Khi trốn Cộng sản mà vào Nam, thì cán bộ tiếp cư ghi đại là 02.10.1954.  Đêm đó là đêm 16, trăng rất sáng và đêm trăng thì rất lạnh. Mạ tôi tự sinh. Sinh được tôi là con trai đầu, sau 3 chị gái, bọ mạ tôi mừng quá sức. Khi về tới bến, bà nội nghe kêu, lấy mền chạy ra trùm cho cháu mới lọt lòng mẹ và bồng vào nhà. Cả nhà đều mừng.

Có lẽ vì tôi được sinh trên sông trăng, nên suốt đời, tới nay, tôi vẫn cứ hay mơ mộng, nhưng vì là sinh ra trên một chiếc thuyền chở mắm, chèo ngược, rồi chở cam chèo xuôi, có lẽ vì thế mà tôi phải cố gắng rất nhiều để có cái ăn, cái mặc, để làm người, để có chút ít thời giờ làm văn làm thơ góp chút hương cam cho đời.

Tôi cảm ơn bọ mạ tôi, nhà nghèo, nhưng vẫn nỗ lực nuôi tôi ăn học tới mức kha khá, so với dân thường ở Việt Nam, so với dân nghèo xứ đạo tôi. Hôm được tin tôi đậu tú tài 1, bọ tôi sung sướng nói cho mọi người bọ gặp: “Thằng T đậu tú tài rồi!” dù ông ngày thường là một người rất kín đáo và khiêm tốn. Mạ tôi cứ mỉm cười suốt ngày, lăng xăng nấu nướng ăn mừng.

Mạ (bọ) tôi sẵn sàng cho tôi tiền để mua sách, nên hồi đó tôi có mấy tủ sách khá lớn, khoảng 300 cuốn, sách giá trị tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tàu. Tôi có tất cả các tác phẩm của Giáo sư triết gia Kim Định, có cả cuốn Bible de Jerusalem, Kinh Thánh do viện nghiên cứu Kinh Thánh của Pháp ở Jerusalem dịch, rất giá trị, in trên giấy quý, mà mãi tới bây giờ 2023, ở Na Uy, tôi chưa mua nổi vì mắc quá; cuốn Khang Hi Đại Từ Điển, có ghi tên sở hữu chủ là Nguyễn Hiến Lê vì tôi có thấy tên cụ và triện son trên trang nhất mà tôi mua được ở chợ trời; sách tiểu thuyết Pháp cũng cả trăm cuốn; và còn nhiều nữa…

Có chuyện vui về đọc sách: Bọ tôi là người tốt hết cỡ, nhưng nổi nóng dữ dội khi đụng tới chuyện cày cấy làm không đúng ý ông. Ông la lớn tiếng mấy chị. Mấy chị rất sợ. Mỗi lần như thế, mấy chị lại thì thầm với tôi: “Mi lấy sách ra mà đọc đi.” vì mấy chị biết là tôi lấy sách ra đọc là ông dù có lớn tiếng đến mấy, cũng im ngay. Trọng chữ nghĩa đến cỡ đó!

Hồi có nạn Việt Cộng tịch thu sách, tôi đang phải ở tù, bọ tôi dồn hết các sách vào bao ni lông phân u rê vác ra khe có tre rậm rạp và có lòng cát, gấp gáp đào lổ và chôn xuống. Khi mùa mưa đến, chờ đêm khuya bọ lại phải lôi lên, chất lên xe kéo, kéo cả mấy trăm ký sách lên nhà chị tôi xa nhà tôi để giấu tạm. Được mấy năm, khi nạn tịch thu sách để đốt đã dịu xuống, thì bọ lại trong đêm tối kéo sách về nhà tôi để chờ tôi về đọc.

Mạ tôi không biết chữ, vậy mà rất thích khi nghe tôi ôm đàn hát bài Huế, Sài Gòn, Hà Nội; Lại Gần Với Nhau của Trịnh Công Sơn, lần nào cũng cứ bảo tôi hát lại cho bà nghe lần nữa, trong khi bà nhai trầu lắng nghe, và khen ”Bài hát hay hè!” khi tôi hát xong.

Một chuyện khác về mạ:

Hồi đầu thập niên 60, biển làng Bầu Dòi của tôi có rất nhiều cá, nhiều vô số kể như thủa khai thiên lập địa, đến độ có khi cá bị sóng đánh dạt cả vào bờ. Dân làng họp nhau làm những vàng lưới rùng (có lẽ lưới dài và khi kéo có dáng như con rùng; người Quảng Bình gọi con rồng là con rùng) kéo cá ven bờ biển. Đánh được rất nhiều cá, dân làm ngư được nhiều tiền. Mạ tôi được bạn lưới rùng nhờ làm thủ quỹ giữ tiền. Đến ngày chia tiền cuối mỗi mùa nồm, mùa bấc, họ họp nhau mổ lợn ăn mừng tại nhà tôi, rượu thịt phủ phê, rồi trước khi ra về nhận phần tiền mà mạ tôi đã tính toán, sau khi trừ các chi phí như tiền mua lưới, tiền mua dây chạc kéo lưới và tiền mua lợn ăn mừng. Ai cũng vui vẻ nhận mà không thắc mắc chi, lại còn cảm ơn mạ tôi. Có một lần, hồi tôi mới học lớp ba, biết tính toán cộng, trừ, nhân, chia, mạ có vẻ sung sướng và tin tưởng giao cho tôi tính toán phần chia của mỗi người vì, đối với mạ tôi, tôi là người có chữ có nghĩa hơn mạ. Khi giao cho mạ bảng kết quả, mạ có vẻ không tin vào đáp số của tôi, nhưng mạ không nói gì, mạ bốc ra nắm bắp khô, rồi tính tính toán toán bằng cách châm vào các ô khác nhau những hạt bắp khô đó, rồi lấy ngón tay giữa khẩy khẩy các hột bắp qua lại các ô; mạ tính ra phần chia cho mỗi người còn nhanh hơn tôi tính với giấy bút. Rồi mạ giao tiền chia cho những người bạn lưới rùng. ”Con tính sao mà thiệt phần của họ vì tính như con, sau khi phát, tiền còn dư.” – Mạ tôi nhẹ nhàng nói với tôi. Tôi chẳng xấu hổ chút nào, mà còn vui vì mạ tôi giỏi quá dù mạ mù chữ (nhưng biết đọc tiền).

Lại một chuyện khác về mạ:

Hôm trước Lễ Phục Sinh của một năm xưa, sau 1975, đói nghèo quá sức, dân lưới trủ, loại lưới như lưới rùng, nhưng ngắn hơn, ở ấp Bầu Dòi bỗng trúng lớn cá cơm. Hôm sau là lễ Phục Sinh, lễ buộc phải nghỉ ngơi, ai đi làm sẽ mắc tội trọng, mà lệ thường cá cơm áp bãi phải mấy ngày mới rút, thế là tôi rủ các em ngày Lễ Phục Sinh cứ đi đánh lưới trủ, các em nghe lời anh T ngay, nhưng mạ tôi cứ sợ tội, không dám đi, nhưng anh em tôi cần có mạ để rải cá phơi trên cát, vì mạ có tài rải cá cơm rất đều. Hôm đó bọn tôi trúng lớn cá, được tới một tạ cá cơm sau khi đã phơi khô. Có cá, bán được tiền để mua thêm cả tháng gạo, dù chúng tôi cũng là dân nhà nông, làm ra lúa, tính ra dư sức ăn, nhưng bị bọn cường hào đỏ bóc lột bằng cách định mức thuế rất cao, nếu không cho chúng nhậu; bọ mạ tôi thì không làm được chuyện này. Trong những năm sau vụ “phạm tội” làm việc ngày Lễ Phục Sinh, mạ cứ than: “Tau nghe lời mi, e Chúa phạt chết.” Tôi nói đến chuyện Chúa Lòng Lành cho mạ yên lòng, nhưng mạ vẫn cứ áy náy mãi.

Và biết bao nhiêu gian khổ, bao nhiêu hi sinh của bọ mạ cho đàn con mười đứa, và đặc biệt cho tôi trong suốt 20 năm chiến tranh và phải chạy loạn mấy lần. Mỗi lần như thế lại phải đào hầm tránh đạn, chặt cây, cắt tranh làm nhà, rồi phá rừng làm rẫy ngay vì phải có cái ăn trong vòng ba tháng sau…, mà tôi chưa từng nghe bọ, mạ tôi buông một lời than thở: ”Ôi, mệt quá!”, ”Ôi, khổ quá!”. Rồi những năm sống dưới ách Cộng sản, khốn khổ trăm bề.

Ông bà, suốt thời gian từ lúc tôi có trí khôn cho tới lúc lớn, tôi không hề thấy ông bà cãi nhau một lần, xin cho phép tôi nhấn mạnh, một lần. Do đâu mà được như thế? Do thương nhau, do truyền thống đạo đức ngàn đời có nhiều trong lòng bọ mạ tôi?

Hôm bọ mất, hôm mạ mất, tôi không về được, thiệt buồn hết sức, khóc cả một ngày, đến nay còn khóc, khóc trong lòng mỗi ngày, đặc biệt những ngày xuân tết đến, khi nhớ mạ tôi gói bánh tét, viên bánh trụng thật tròn, thật đều, thật mướt, thật ngon. Và bọ tôi ngồi canh để châm nước, thêm củi cho nồi bánh tét suốt đêm ba mươi, vừa canh vừa thầm thì đọc kinh, và chỉ lúc đó mới thấy mặt bọ thanh thản, an vui nhất.

Người xưa có hai câu thơ thật đẹp:

Đêm đêm thắp sáng sao trời

Cầu cho cha mẹ sống đời với con

Tôi làm thơ tình cho/về các “ẻm” thì có số trăm, nhưng thơ về bọ mạ thì không có lấy một bài.

Thiệt là tệ!

 Oslo, Tết Con Mèo 2023

Nguyễn Văn Thà

……………..