Nguyễn Văn Tuấn: Dân Khí

 Biểu tình ở bên ngoài tòa nhà Quốc hội sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật vào tối 3/12/2024.

Sự kiện đã và đang diễn ra ở Nam Hàn có lẽ nói lên cái ‘Dân Khí’ mà cụ Phan Châu Trinh đã đề cập đến 100 năm trước. 

‘Dân Khí’, cụ Phan Châu Trinh định nghĩa, là ‘sức mạnh tinh thần của người dân.’

Sức mạnh này giúp chúng ta phụng sự xã hội trong hai tình huống: 

Một là can đảm từ bỏ điều ác ẩn bên trong tâm trí của mỗi chúng ta để hành động theo thiện tâm; 

Hai là can đảm chống lại điều ác phát xuất từ các thế lực đen, thế lực độc quyền tham ô, thế lực làm tay sai cho ngoại xâm.

Trước lệnh thiết quân luật của tổng thống, phản ứng của người dân Nam Hàn rất nhứt quán với định nghĩa ‘Dân Khí’ trên của cụ Phan.

Biểu tình nổ ra ở Hàn Quốc kêu gọi luận tội Tổng thống vì tuyên bố tình trạng thiết quân luật

Nhiều năm trước, người Nam Hàn sống trong nghèo khổ và họ mơ được đi làm mướn ở nước ngoài. 

Theo hồi ức của ông đại sứ VNCH ở Nam Hàn, vào thập niên 1970, người Nam Hàn xếp hàng dài trước toà đại sứ để xin visa được làm lao công ở Việt Nam. 

Người Nam Hàn đi khắp nơi, làm những việc khổ cực nhứt như thợ hầm mỏ. 

Lãnh đạo của họ nhìn thấy đó là một nỗi nhục. 

Chuyện kể rằng ông Phác Chánh Hy, trong một chuyến thăm chánh thức ở Âu châu, ông tổ chức một buổi gặp các đồng hương đang làm thợ mỏ. Ông nói rất cảm động: 

“Những khuôn mặt đen sạm của các anh chị làm tim tôi đau nhói. Tất cả các anh chị đánh đổi mạng sống của mình để đi sâu xuống hàng ngàn mét để kiếm sống. Các anh chị nghèo quá! Các anh chị đang đi qua giai đoạn thử thách này chỉ vì Nam Hàn còn quá nghèo.

Mặc dù chúng ta đang ở trong giai đoạn thử thách này, chúng ta không nên để lại cái nghèo này cho con cháu mai sau. Chúng ta phải làm phần của mình để chấm dứt cái nghèo ở Nam Hàn, để sao cho thế hệ kế tiếp không kinh qua những gì chúng ta đang kinh qua.”

Ông giơ tay lên trời như là thề và hứa rằng ông sẽ xây dựng một nước Nam Hàn giàu mạnh để người khác đến làm mướn cho mình. (Dịch theo lời kể của Giáo sư Kwon Yi-chong) 

Sau lời nói chân tình đó, gần như tất cả 400 thợ mỏ gốc Nam Hàn ở đó đều khóc. Ông Phác Chánh Hy cũng khóc sướt mướt.

Sau này, nói chuyện trước sinh viên Đại học Quốc gia Seoul, Phác Chánh Hy tuyên bố rằng: 

Park Chung Hee (1917 –1979), Tổng thống thứ ba của Nam Hàn từ năm 1962-1979.

“[…] Làm cách nào trong vòng 10 năm, chúng ta tạo được một nền kinh tế đứng đầu ở Đông Nam Á, và sau 20 năm, chúng ta sẽ trở thành cường quốc kinh tế thế giới. Chúng ta sẽ bắt thế giới ngưỡng mộ chúng ta. Hôm nay, có thể một số đồng bào bất đồng ý kiến với tôi. Nhưng xin những đồng bào ấy hiểu rằng tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân. Tôi không muốn mị dân. Tôi sẽ cương quyết ban hành một chính sách khắc khổ. Tôi sẽ đem bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ 1 đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng đã đề ra”. (Việt Dương: Park Chung Hee xây dựng kinh tế Đại Hàn).

Ông ấy đã thực hiện được lời hứa. 

Trớ trêu thay, chính dân khí của Nam Hàn đã góp phần vào cái chết của ông Phác Chánh Hy. 

Ngày nay, dân khí của người Nam Hàn còn mạnh mẽ hơn thời xa xưa. 

Thanh niên, sinh viên, giới khoa bảng, quan chức, sĩ quan quân đội, thường dân, tất cả đồng lòng phản đối lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol. 

Rất có thể ông tổng thống sẽ bị ‘đàn hạch’. 

Đó là chuyện bên Nam Hàn, còn chuyện ‘phe ta’ thì sao? 

Nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động chính trị Phan Châu Trinh (1872 – 1926) có câu nói nổi tiếng “Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh”

Một trăm năm trước, cụ Phan nhận xét về dân khí của người Việt như sau: ‘Than ôi! Nước Nam bây giờ dân khí yếu hèn, dân trí thì mờ tối, ví với các nước châu Âu, châu Á cách xa không biết bao nhiêu dặm đường.’ 

Ngày nay, câu nói đó của cụ Phan Châu Trinh vẫn còn mang tính thời sự.

Nguyễn Văn Tuấn 

___

PS: Tôi thường hay được mời giảng trong các hội nghị y khoa ở Nam Hàn, và lần nào đi tôi cũng thấy … nhục. Nhục là vì ngày xưa họ xếp hàng sang Việt Nam làm công, còn nay thì dân mình xếp hàng đi làm công (và làm dâu) cho họ. Một sự thay đổi 180 độ. Tôi đoán — chỉ đoán thôi — người Nam Hàn ngày nay nhìn chúng ta như là một dân tộc lạc hậu, nghèo đói, và yếu. Nghĩ vậy, tôi cố gắng làm tất cả những gì một cá nhân có thể làm để bù vào nỗi nhục.