Nguyễn Văn Tuấn: Đêm Nhớ Phạm Duy 15/1/2025

Tối ngày 15/1/2025, tại Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy, trên con đường nhỏ mang tên Phan Kế Bính, giữa lòng Sài Gòn nhộn nhịp, tôi may mắn được tham dự buổi họp mặt văn nghệ ‘Nhớ Phạm Duy’. 

Căn phòng trên lầu 1 của quán cà phê nhỏ nhắn, ấm cúng, nhưng đầy ắp khán giả – những người yêu nhạc và mến mộ tài năng của Phạm Duy. 

Đây cũng là một dịp để tưởng nhớ và tri ân một người nghệ sĩ lớn, người đã để lại một di sản vô giá trong nền văn hóa âm nhạc Việt Nam.

Bước vào khán phòng, tôi đã cảm nhận được không khí đầy ấm áp và thân tình. Đa số khán giả là những người lớn tuổi. Họ tới đây không chỉ để nghe nhạc, mà còn để sống lại những kí ức xưa cũ, khi những giai điệu của Phạm Duy từng vang lên, đồng hành cùng cuộc đời họ. 

Nhưng đáng chú ý là vẫn có nhiều gương mặt trẻ trung trong khán phòng. Sự hiện diện của họ là minh chứng rằng nhạc của Phạm Duy, dù mang đậm dấu ấn thời gian, vẫn vượt qua mọi rào cản thế hệ để chạm đến trái tim của những người trẻ hôm nay.

Điều hợp chương trình là Lê Ngọc Hân. Với giọng nói nhỏ nhẹ nhưng đầy cảm xúc, cô đã tái hiện lại cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Duy qua những tư liệu quí giá từ sách của GS Trần Văn Khê, bài viết của BS Ngô Thế Vinh, và bộ sách “Nhìn lại âm nhạc miền Nam 1954-1975” của nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên. Và nhắc nhớ Phạm Duy là nhạc sĩ ngàn lời ca, nhạc công, ca sĩ và còn là nhà nghiên cứu âm nhạc lớn của Việt Nam với những công trình giá trị như Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu, Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam.

Cô MC Lê Ngọc Hân giới thiệu chương trình. Người ngồi là Nghệ sĩ Lan Chi. 

Qua những câu chuyện ấy, hình ảnh của một Phạm Duy – vừa là một người nghệ sĩ tài hoa, vừa là một con người sống trọn vẹn với những đam mê và lỗi lầm – hiện lên đầy sống động, chân thực.

Chương trình có những lời chia sẻ từ khán giả và đan xen các tiết mục biểu diễn sống động, khiến khán phòng không ngừng rung động. 

Các ca sĩ Thanh Trúc, Hải Vân và Lê Tình đã đưa khán giả trở về với những bài ca bất hủ như Tình CaKỷ NiệmNhớ Người Thương BinhNghìn Trùng Xa CáchTìm NhauĐưa Em Tìm Động Hoa Vàng, và Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà

Những ca khúc đó, cùng với tiếng đàn piano tinh tế của giảng viên-nghệ sĩ Nguyễn Lan Chi, khiến tôi cảm nhận được một sức sống khác biệt – một cảm giác mà chỉ có âm nhạc sống, trong không gian gần gũi, mới có thể mang lại.

Đặc biệt, hai ca khúc phổ thơ của Hàn Tấn Quang, Em Hát và Nỗi Nhớ Vô Thường, mà tôi nghe lần đầu tiên. Những giai điệu mới mẻ này đã chứng minh rằng âm nhạc Phạm Duy không chỉ dừng lại ở quá khứ mà vẫn tiếp tục sống và phát triển trong hiện tại.

Một phần rất đặc biệt của buổi sinh hoạt là sự tương tác giữa khán giả và chương trình. Nhiều người đã đứng lên chia sẻ những câu chuyện, kỉ niệm của họ với nhạc sĩ Phạm Duy. Có người xúc động kể về lần đầu tiên được nghe ông hát, có người kể về một lần gặp gỡ tình cờ, và cả những câu chuyện nhỏ nhưng đầy ắp tình cảm.

Riêng tôi, tôi cũng có cơ hội chia sẻ những lần tôi gặp ông ở Mĩ và Việt Nam. Tôi đã bị ‘phơi nhiễm’ nhạc Phạm Duy từ năm Đệ Tứ qua những bài mang âm hưởng dân ca như Gánh Lúa, Tiếng Hò Miền Nam, và đặc biệt là bài Nhớ Người Thương Binh vì bài đó rất hợp với hoàn cảnh của Ba tôi, người thương binh đã để lại một cánh tay trong chiến trường chống Pháp thời 1945. 

Tôi yêu nhạc Phạm Duy không chỉ vì ông viết cho những người như Ba tôi, mà còn là tiếng Việt trong nhạc của ông. 

Tôi nhớ mãi lần cuối cùng gặp Phạm Duy, trong bệnh viện, khi ông chỉ còn vài ngày để sống. Ông nắm lấy tay tôi, ánh mắt vẫn sáng và tràn đầy nghị lực, như muốn nhắn nhủ điều gì đó mà tôi chưa thể hiểu hết.

Nhạc sĩ Dương Thụ, một người từng có thời chịu ảnh hưởng của âm nhạc Phạm Duy, đã có những chia sẻ sâu sắc. Ông nhắc đến những khó khăn hậu trường trong việc phổ biến nhạc Phạm Duy và Cung Tiến ở Việt Nam, vì những rào cản chánh trị và định kiến khiến hai người nhạc sĩ tài hoa này bị đặt vào vòng nghi vấn.

Nhạc sĩ Dương Thụ nói về những khó khăn hậu trường trong việc phổ biến nhạc của Phạm Duy và Cung Tiến. 

Dương Thụ đã nói một câu mà tôi nghĩ sẽ mãi khắc sâu trong lòng mình: ‘Làm nghệ thuật, trước hết anh phải là người tự do.’ Và ông khẳng định Phạm Duy chính là hiện thân của sự tự do đó. Ông sống thật với chính mình, không giấu giếm cả những lỗi lầm, và chính sự trung thực ấy đã làm nên một Phạm Duy không thể thay thế.

Nhạc sĩ Dương Thụ đã đề xuất hai ý tưởng rất hay trong tương lai: thành lập một Viện Âm Nhạc Phạm Duy và soạn một cuốn Từ điển nhạc Phạm Duy. Những ý tưởng này, nếu thành hiện thực, sẽ là cách tuyệt vời để bảo tồn và lan tỏa giá trị của một di sản âm nhạc đồ sộ, để thế hệ mai sau có thể tiếp cận và hiểu sâu hơn về những gì Phạm Duy đã để lại cho nền văn hóa Việt Nam.

Buổi sinh hoạt ‘Nhớ Phạm Duy’ đã khép lại nhưng những giai điệu và câu chuyện vẫn còn đọng lại trong tâm trí tôi. Đây không chỉ là một buổi tâm tình mà còn là một hành trình tìm về quá khứ, nơi những giá trị nghệ thuật chân thực và đẹp đẽ nhất được tôn vinh. 

Tôi ra về với lòng vừa đầy cảm xúc, vừa ngậm ngùi. Nhạc sĩ Phạm Duy, với tất cả tài năng và con người của ông, mãi mãi là một biểu tượng không thể phai mờ trong trái tim của những người yêu âm nhạc Việt Nam. Nhưng cái tên và di sản âm nhạc của ông vẫn long đong trên quê hương mình, ngay cả sau khi ông đã đi về bên kia thế giới 12 năm.

Nguyễn Văn Tuấn