Nguyễn Văn Tuấn: Đọc sách “Sài Gòn không phải ngày hôm qua”

Sài Gòn. Hai chữ thân thương đối với biết bao thế hệ người Việt. Nhưng ít ai biết được những câu chuyện xưa, những dấu vết lịch sử và những ‘bí mật’ thành phố đã và đang lưu giữ. May mắn thay, vài năm gần đây đã có một số tác giả đi tìm lại những dấu vết xưa của Sài Gòn và viết nên những cuốn sách hay. Một trong những cuốn sách đó là ‘Sài Gòn không phải ngày hôm qua‘ của tác giả Phúc Tiến [1]. 

Từ ngày 2/7/1976, Sài Gòn đã bị đổi thành ‘Thành phố Hồ Chí Minh’. Nhưng đa số người dân miền Nam vẫn quen với cái tên thân thương Sài Gòn, và điều này có khi làm cho vài quan chức khó chịu. Tác giả kể rằng khi xin giấy phép in ấn cuốn sách, đã có quan chức gay gắt hỏi ‘Tại sao không là Thành phố Hồ Chí Minh, mà là Sài Gòn?’ Nhưng tác giả giải thích rằng: “Sài Gòn là cái tên cao niên nhất và cũng có nhiều câu hỏi nhất … Tôi xin phép dùng cái tên Sài Gòn thân thương để gọi thành phố này qua nhiều thời kỳ khác nhau.” Cách giải thích hợp lí đã thuyết phục các vị ấy.

Tiêu đề ‘không phải ngày hôm qua’ gợi lên một cảm giác hoài niệm ray rứt nhưng chơi vơi. Có lẽ đó là nỗi niềm mà tác giả, một người con của Sài Gòn (sanh ra và lớn lên ở chợ Bàn Cờ) muốn gởi gắm qua 5 chương sách: Trăm năm thăng trầm; Nỗi đau bia đá; Biến động cuộc đời; Sài Gòn nơi xa; Sài Gòn, mẹ và tôi.

Ngược về quá khứ

Tôi đọc cuốn sách một cách ngấu nghiến, vì những dữ liệu hấp dẫn và mới (đối với tôi) và những hình ảnh mà tác giả đã dày công sưu tầm. Có những địa danh và bức hình làm tôi dừng lại rất lâu để tìm về kí ức của cả nửa thế kỉ trước. Nhưng quan trọng hơn là cuốn sách đã ‘khai sáng’ cho tôi những góc khuất của lịch sử của thành phố. Chẳng hạn như qua cuốn sách, tôi mới biết Chúa Nguyễn Ánh xây dựng Thành Gia Định ngày 4/2/1790 tại làng Tân Khai, nay là khu vực xung quanh Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà và vườn Tao Đàn. 

Một chi tiết thú vị là có người Anh đề cập đến Sài Gòn là ‘Sai-gong‘. Thời 1792-1793, có một người Anh tên John Barrow trong một cuốn sách du hành gọi nơi Chú Nguyễn mới thành lập là “Sai-gong”, nơi ông mô tả là một thương cảng nhộn nhịp. Cần nhắc lại rằng trước đó, Việt Nam đã có hai thương cảng lớn là Hội An và Qui Nhơn, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau thì Sài Gòn đã thay thế hai cảng này và trở thành một trung tâm thương mại sầm uất trong vùng Đông Nam Á.

Sài Gòn hiện đại được thành lập qua một sắc lệnh của Tổng thống Pháp kí ngày 15/6/1865. Sắc lệnh gọi Sài Gòn là ‘Ville de Saigon’ (Thành phố Sài Gòn). Thật ra, ý tưởng là các quan chức thực dân muốn xây dựng một Sài Gòn đẹp hơn cả Paris! Sau 40 năm, người Pháp đã xây dựng Sài Gòn thành một đô thị hoàn chỉnh theo mô hình Âu châu, sánh vai cùng các đô thị bậc nhứt trong vùng.

Hòn Ngọc Viễn Đông

Chúng ta từng nghe qua danh hiệu ‘Hòn Ngọc Viễn Đông’ và tưởng là chỉ dùng cho Sài Gòn, nhưng đó là cách hiểu chưa đủ. Vào đầu thế kỉ 20, người phương Tây đã xem các đô thị xinh đẹp như Bangkok (Thái Lan), Penang (Mã Lai), Rangoon (Miến Điện), Manila (Phi Luật Tân), Hương Cảng, Thượng Hải (Trung Quốc), Tokyo (Nhật) cũng là những ‘Hòn Ngọc Viễn Đông’. 

Cái thời mà Sài Gòn được mệnh danh là ‘Hòn Ngọc Viễn Đông’ thì Tân Gia Ba / Singapore chỉ là một làng chài của Mã Lai Á. Lúc đó, Singapore chỉ là một dấu chấm vô danh trên Thái Bình Dương. 

Sau này, Singapore và Sài Gòn đã có một cuộc cạnh tranh ngầm. Cả hai thành phố với mẫu tự S đều chịu sự giám sát của nước ngoài: Sài Gòn từ Paris / Ba Lê, Singapore từ London / Luân Đôn. Nhiều công trình kiến trúc của hai thành phố đều được nhập từ Pháp (Sài Gòn) hay Anh (Singapore). Thật ra, để xây dinh Norodom ở Sài Gòn, chánh quyền thuộc địa Pháp đã phải nhập khẩu các khung gỗ từ Singapore. Có vẻ như người Anh muốn cạnh tranh với người Pháp trong việc xây dựng Singapore thành một Tiểu Luân Đôn, nhưng công bằng mà nói thì Sài Gòn đã đi trước Singapore khá xa về mức độ hiện đại, trù phú và duyên dáng. 

Thế nhưng những gì xảy ra sau 1975 đã làm cho Sài Gòn lạc hậu hơn và nhếch nhác hơn Singapore. Tác giả viết: “Trong lúc Singapore phát triển vũ bão như thế thì 10 năm đầu sau chiến tranh, sân bay Tân Sơn Nhứt và cả Sài Gòn chuyển thành một ‘ga xép’ với nhiều ký ức buồn. Sau 1975, Sài Gòn được vận hành bởi một cơ chế chung, quản lý sai và duy ý chí, thiếu vắng hình bóng của thị trường và ý nguyện của người dân.”

Sử bằng ảnh

Cái hay của sách là những dữ liệu lịch sử được trình bày hoặc minh hoạ qua hình ảnh một cách sống động. Cuốn sách dài 320 trang, nhưng có hơn 100 hình ảnh! Đó không chỉ là hình ảnh bình thường, mà là những tư liệu quí báu do tác giả sưu tầm từ những cuốn sách và báo từ những năm đầu thế kỉ 20, nhưng một số là do tác giả chụp được trong những chuyến du khảo.

Ngay cả cách chọn màu nền của các bức hình này cũng rất tinh tế. Chẳng hạn như những bức hình miêu tả trận hoả hoạn xảy ra ở Trung tâm Thương xá Quốc tế (ITC) năm 2016, tác giả dùng màu đen làm màu nền. Còn những bức hình thời xa xưa thì tác giả dùng màu vàng nhạt làm màu nền. Rất thích hợp. Xem những bức ảnh mang tính lịch sử này tôi thấy bồi hồi cho một thời đã qua, và thấm câu ‘Không ai bước vào một dòng sông hai lần’.

Sài Gòn ngày nay vẫn còn lưu giữ nhiều cổ vật trong những tu viện và toà nhà xưa. Chẳng hạn như Tu viện Saint Paul (ở đường Tôn Đức Thắng, gần nhà máy Ba Son) là một trường hợp tiêu biểu. Tu viện này là một kiến trúc phương Tây cổ điển, đã hơn 150 tuổi, và điều thú vị là người thiết kế và chỉ huy xây dựng chính là Nguyễn Trường Tộ, tác giả những bản điều trần thúc giục triều Nguyễn canh tân đất nước. Tu viện St Paul vẫn còn lưu giữ lại những chứng từ và tài liệu về hoạt động của dòng tu St Paul trong việc xây dựng bệnh viện và trường học tại Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác. Ngoài ra, Tu viện còn có những “đồ vật xưa đẹp chưa từng thấy có mặt trong bảo tàng thành phố, xứng đáng thuộc về danh sách những đồ cổ quý hiếm … kho báu lưu giữ ký ức của không chỉ một dòng tu mà hơn thế nữa là lưu giữ ký ức của Sài Gòn và nhiều vùng đất.”

Thế nhưng râm ran có tin rằng một đại học của Nhà Nước đang định phá một phần trong quần thể kiến trúc này để xây một trung tâm thực tập về du lịch. Tương lai của Tu viện St Paul sẽ rất bấp bênh trước sự chi phối của thương mại và phát triển bất động sản. Do đó, tác giả cho rằng cần “phải lên tiếng và ngăn chận ngay những cơn lốc dữ tợn đã và đang xoá bỏ ký ức hay đẹp của Sài Gòn và tất cả những vùng đất yêu dấu của người Việt.” 

Một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhứt của Sài Gòn là Dinh Độc Lập, nhưng ít ai biết rằng Dinh này suýt bị phá huỷ vào ngày 30/4/1975. Chuyện kể rằng vào ngày đó, viên sĩ quan chỉ huy chiếc xe tăng mang biển số 843 ra lệnh nã đạn vào cổng của Dinh, nhưng lạ lùng thay, hai lần bắn thì cả hai lần đạn không nổ. Sau đó, xe tăng 843 tiếp tục húc vào cổng, nhưng bị chết máy. Khi chiếc xe tăng mang biển số 390 đi sau và húc sập cổng Dinh Độc Lập, m

ột nhà báo Thuỵ Sĩ khi biết chuyện đã tự hỏi “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu đại bác xe tăng bắn vào Dinh.” 

Sách còn có một tiết lộ thú vị về mô hình thống nhứt Việt Nam sau 1975 qua hồi kí của bà Nguyễn Thị Bình: “Có nên duy trì trong một thời gian hai chính quyền với những chế độ chính trị khác nhau, miền Bắc là XHCN, còn miền Nam là chế độ dân tộc, độc lập, trung lập theo cương lĩnh của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam? Lúc ấy, theo bà Bình, có ý kiến cho rằng nên để miền Nam tiếp tục trung lập, vì như thế có thể tranh thủ sự viện trợ và hợp tác rộng rãi của các nước XHCN, các nước dân tộc và cả các nước tư bản. Ý kiến này đã không được thông qua. Và nước CHXHCNVN mau chóng ra đời năm 1976 với mô hình quản lý theo kiểu quan liêu, bao cấp, kéo dài đến 10 năm sau. Đến năm 1986, chính sách Đổi Mới thắng thế và được thừa nhận thì mô hình XHCN theo kiểu cũ mới được loại bỏ.” 

Những ai từng sống ở Sài Gòn trước 1975 sẽ thấy nhiều cái tên quen thuộc trong sách, đặc biệt là phần giải thích những địa danh và người nổi tiếng. Những nhân vật (như Nguyên Sa, Tổng Đốc Phương, Tổng thống Dương Văn Minh, v.v.), những đường nổi tiếng (Catinat, Charner, Bonard, Đồng Khánh, Duy Tân, v.v.), địa danh (Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi, Rạp Rex, v.v.), hãng kinh doanh (Viện Bào Chế Neopharma, Thương Xá Tam Đa, Máy cày VINAPRO, VINATEX, v.v.) đều được đề cập trong sách. 

Các chiến dịch sau 1975 như Đánh Tư Sản, Lý Lịch Thi Đại Học, Ba Lợi Ích cũng được miêu tả ngắn gọn. Trong phần giải thích về Lý Lịch Thi Đại Học, tác giả viết: “… Sau 30/4/1975, thí sinh thi đại học đều phải khai lý lịch chi tiết. Nhà nước phân chia 4 nhóm lý lịch, bao gồm nhóm 1 (gia đình liệt sĩ), nhóm 2 (gia đình cách mạng), nhóm 3 (gia đình công nhân viên, không phải con em viên chức, sĩ quan chế độ cũ), nhóm 4 (gia đình viên chức, sĩ quan chế độ cũ). Điểm trúng tuyển của nhóm 1, nhóm 2 thấp hơn nhiều nhóm 3 và nhóm 4. Khoảng 1987 – 1988, chế độ tuyển sinh với điểm chuẩn theo nhóm lý lịch bị bãi bỏ sau khi báo chí và xã hội kiên trì lên tiếng đấu tranh.” 

Nhiều người Việt ở hải ngoại ắt hẳn tìm thấy mình trong những dòng chữ trên. 

Phát triển hay huỷ hoại văn hoá? 

Sài Gòn và kiến trúc Sài Gòn là một chủ đề của khá nhiều nghiên cứu khoa học ở nước ngoài. Một trong những người dành nhiều thì giờ để nghiên cứu về các công trình kiến trúc ở Sài Gòn là nghiên cứu sinh ở Anh tên là Philippe Peycam. 

Năm 1995, anh Peycam viết cho tác giả Phúc Tiến, cảnh báo rằng có 3 công trình sắp xây dựng ở trục đường Lê Duẩn và Phạm Ngọc Thạch sẽ phá đi cảnh quan lịch sử – văn hoá của thành phố. Nhưng người ta nhân danh hiện đại và phát triển cho xây dựng như chúng ta thấy ngày nay.

Anh Peycam cho biết cứ mỗi lần anh nêu vấn đề xây dựng làm mất những đặc trưng của thành phố thì có người hỏi lại “Thế ông không muốn chúng tôi phát triển sao?” Và, anh lúc nào cũng trả lời rằng vấn đề không phải là không phát triển, mà là phát triển một cách hài hoà để giữ lại bản sắc văn hoá của thành phố và dân tộc.

Sài Gòn đã trải qua nhiều cuộc ‘bể dâu’ và nhiều di tích quan trọng đã vĩnh viễn mất. Những Công viên Chi Lăng, Cư xá Art Deco, Quán cà phê Givral và La Pagode, Rạp hát Eden, Nhà sách Xuân Thu, Lăng Cha Cả, v.v. ngày nay chỉ còn là kí ức. Lăng Cha Cả, một kiến trúc thế kỉ 19 ở bùng binh Cộng Hoà (nay là Hoàng Văn Thụ) được thay thế bằng một tượng đài thô kệch. 

Người Pháp vào Việt Nam, khi họ có ý tưởng xây dựng một công trình kiến trúc nào, họ cũng nghiên cứu và xem xét đến những nét văn hoá dân tộc. Do đó, chúng ta thấy những kiến trúc tuy mang dáng dấp Âu châu nhưng lúc nào cũng có những đặc điểm Việt Nam. Chẳng hạn như Trường Đại Học Đông Dương (nay là Đại Học Quốc Gia Hà Nội), nằm trên đường Lý Thường Kiệt, do Ernest Hébrard thiết kế có dáng dấp Đông Phương. Bưu điện Sài Gòn với lối kiến trúc Đông Dương rất phù hợp với khí hậu Việt Nam. Peycam viết: “Chúng ta không thể đánh đổi bản sắc văn hoá dân tộc lấy hiện đại hoá.” Một người nước ngoài mà còn nghĩ đến đó, nhưng có bao nhiêu người Việt nghĩ như anh ấy.

Hành trình về miền dĩ vãng

Đối với bà con xa xứ, Sài Gòn chỉ còn là hoài niệm, vì ‘Ta mất người như người đã mất tên … như người đi cách mặt xa lòng‘ (Nguyễn Đình Toàn). Nhưng Sài Gòn vẫn là một thành phố của “… yêu dấu, mặt trời thắp sáng ước mơ, ánh trăng soi rõ kỷ niệm. Mỗi vỉa hè là một giải chiêm bao. Mỗi đoạn đường là một cơn hạnh phúc. Đã thấm niềm tưởng tiếc rồi đó, sau mười năm lưu lạc. Có chỗ nào tuyệt diệu hơn Sàigòn? Thành phố ấm quanh năm. Thành phố lá tương tư nhạc gió. Những đêm mưa, bụi khói khóc hư vô. Cổ tích ướp hơi thơ. Tình ái ngát hương thu nghìn cũ. Sài Gòn dệt thơ làm nắng.” (Duyên Anh). 

Trong bối cảnh tinh thần trên, cuốn “Sài Gòn không phải ngày hôm qua” là một hành trình đi về miền dĩ vãng. Tác giả đã dẫn dắt độc giả đi về những ngày đầu của Sài Gòn – Gia Định đến những ngày của TP Hồ Chí Minh. Trên hành trình đó, độc giả sẽ tìm lại những địa danh quen thuộc nhưng đã mất (‘ta mất người như người đã mất tên‘), những hình ảnh đã đi vào quá khứ mà ít ai còn nhớ: “Thấm ướt hồn ta trên thềm quá khứ / Phố vẫn còn nhưng thời gian đi ngược” (Trúc Hồ). Chúng ta may mắn được một ‘tour guide’ điêu luyện kể chuyện nên khi gấp lại cuốn sách mà lòng mình như vẫn nặng trĩu về những gì đã mất.

Ngoài nội dung phong phú, văn phong của tác giả rất lôi cuốn, y như cách nói của anh ấy ngoài đời vậy. Văn phong của sách thể hiện tác giả là một nhà báo có kinh nghiệm viết và … lách. Câu văn không dài làm cho độc giả dễ theo dõi. Cách chọn chữ trung tính làm cho độc giả không cảm thấy quá nặng nề trước những mất mát. Chẳng hạn như viết về công viên Chi Lăng, về sự biến mất của Thương xá Tax, tác giả dùng một cái tiêu đề rất cảm xúc: “Nỗi đau bia đá”, làm cho chúng ta nhớ đến câu của Trịnh Công Sơn: “Làm sao em biết bia đá không đau”. Độc giả còn gặp nhiều chữ trong phương ngữ Nam bộ trong cuốn sách.

Nếu có một góp ý thì tôi đề nghị tác giả thêm phần index / danh mục trong lần tái bản sau. Sách loại này đề cập đến nhiều địa danh và danh nhân, nên một danh mục ‘từ khoá’ là rất cần thiết cho những ai làm nghiên cứu.

Gần đây, tôi có đọc loạt sách của tác giả Cù Mai Công và Phạm Công Luận viết về Sài Gòn rất thú vị. Đó là những cuốn sách bổ sung tuyệt vời cho cuốn “Sài Gòn không phải ngày hôm qua” của Phúc Tiến. Đây là những cuốn sách nên hiện diện trên kệ sách của các bạn muốn biết về Sài Gòn.

Nguyễn Văn Tuấn

____

[1] Tác giả Trần Hữu Phúc Tiến sanh năm 1962 tại xóm Bàn Cờ, Sài Gòn. Anh từng theo học trường Petrus Ký, Đại học Tổng hợp TPHCM, và làm báo Tuổi Trẻ, Sàigon Times, Thế Giới Mới.

Một số hình ảnh trong cuốn sách: