Nguyễn Văn Tuấn: Miệt quê miền Tây giờ ra sao?

Thu nhập của nông dân miền Tây một năm nhiều khi không bằng chi phí khám bệnh 1 ngày. 

Tôi đi về Việt Nam thường xuyên, nhưng về quê thì không thường xuyên. Lý do công việc là chánh, chớ có ít thì giờ về thăm nhà. Hết đi chỗ này đến ghé chỗ kia, thì giờ đã eo hẹp thì mỗi chuyến về Việt Nam lại càng eo hẹp hơn. 

Nhưng mỗi lần về thăm nhà là mỗi lần tôi thành … ký giả. Tôi chỉ la cà bên ly cà phê ở chợ quê hay thăm nhà bà con là nghe nhiều câu chuyện hay. 

À không, chuyện buồn. Có lần tôi phát hiện ốc bưu vàng có giá hơn lúa, và gây một ‘cơn bão trong tách trà’ dư luận (bài đó Tuổi Trẻ đăng). Nghe nói sau bài đó, Thủ tướng ra lệnh xác minh có đúng như tôi viết. Dĩ nhiên là đúng chớ. 

Lần này, tôi ghi nhận tình cảnh bà con nông dân sống ra sao. 

Đó là một cuộc sống gian nan. Làm ruộng thì hết năm này sang tháng nọ phải chống trả với sâu rầy và đủ thứ đe doạ từ môi trường. Và, trả giá sức khoẻ cho việc phơi nhiễm thuốc trừ sâu. 

Hãy tưởng tượng một gia đình có 5 công đất. Họ có thu nhập bao nhiêu sau một mùa lúa? Chỉ tính tiền bỏ túi nghen (tức net income — nói theo Tây). 

Trả lời: chừng 20 triệu đồng (tức ~800 USD). 

Đó là thu nhập sau khi đã khấu trừ lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu, và tiền mướn drone rải phân, xạ lúa, máy gặt lúa. 

Tức là, phải ‘bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’ 3-4 tháng trời để có 20 triệu trong túi.

‘Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’ là hình ảnh tiêu biểu của nông dân. Nhưng thu nhập bình quân mỗi năm chỉ 30-40 triệu đồng mà thôi (so với bình quân 100 triệu — theo thống kê của nhà nước).

Mỗi năm có thể làm 2-3 mùa lúa. Trớ trêu là mùa sau lời ít hơn mùa đầu. Mùa Đông Xuân bỏ túi 20 triệu đồng, thì mùa sau chỉ 12-15 triệu đồng thôi. 

Mỗi năm, một gia đình 5 công đất thu nhập chỉ chừng 40 triệu đồng (1600 USD) là cao.

Tôi hỏi anh bạn Khmer bên bàn cà phê: ‘Vậy thu nhập thua công nhân ở Bình Dương hả?’ 

Anh gật gù nói thêm: ‘Bởi vậy bà con mình mới bỏ ruộng đi làm công nhân.’

Anh chỉ vào dòng người đi chợ và hỏi tôi ‘Ông có thấy đa số bà con đi chợ là người già hông? Vì bọn trẻ bỏ quê lên thành hết rồi.’

Dù ngồi trên ‘cánh đồng lúa vàng’ nhưng thu nhập của nông dân thuộc vào nhóm thấp nhứt nước.

Vì thu nhập từ làm ruộng thấp, nên bà con cho mướn đất (và làm công nhân). 

Tôi hỏi ‘Cho mướn đất thì thu nhập ra sao?’ 

Anh nói ‘Một công đất cho mướn 1 năm thì giá chừng 3 triệu đồng.’ Nếu có 5 công đất thì thu nhập mỗi năm là 15 triệu (tức chừng 750 USD). 

Thu nhập năm nay chắc không khá như 1600 USD / năm. Lí do là do giá lúa thấp. 

Giá lúa bây giờ rẻ lắm. Hiện nay, giá mỗi kilo lúa là khoảng 6000 đồng. Trước đây (năm ngoái), một kilo lúa bán được 8000-8500 đồng. 

Tức là chỉ một năm mà giá lúa giảm 25%! 

Tôi hỏi ông anh họ: ‘tại sao’. Ảnh giải thích là do Ấn Độ họ bán lúa giá rẻ hơn Việt Nam mình, nên ảnh hưởng đến giá bán ra của nông dân.

Có vẻ đó là giải thích của nhà nước. Chẳng biết có đúng? 

Nói cách khác, mình cạnh tranh không lại Ấn Độ?

Như các bạn thấy, cuộc sống của đa số bà con nông dân vẫn còn nghèo. Có khi rất nghèo.

Nhưng thử tưởng tượng nếu họ mắc bệnh thì sao? Bức tranh màu xám. 

Họ phải đi xe đò lên Sài Gòn tử 12 giờ đêm. Tới nơi, họ phải nằm chờ dật dờ 6 tiếng đồng hồ để gặp bác sĩ. 

Nếu họ gặp bác sĩ tốt, họ được khám đàng hoàng. 

Nếu không may mắn gặp bác sĩ ‘có tâm’, sau 1 phút họ bị đuổi về quê vì … thiếu hồ sơ. 

Nếu không may mắc bệnh hiểm nghèo thì thu nhập một năm của họ chỉ đủ trả tiền thuốc và xét nghiệm. Có khi không đủ.

Nếu không đủ thì phải đi vay mượn. Vậy là vướng vào nợ nần. Trong thực tế, có người vướng nợ cho tới ngày từ giã cõi trần. 

Nếu họ đi bệnh viện tư, họ có thể mất ít nhứt 10 triệu đồng! Tức là, mất toi một năm làm ruộng. 

Nếu đọc báo, chúng ta gặp những con số màu hồng. Thu nhập bình quân đầu người 4500 USD (tức 100 triệu đồng). Con số trung bình lúc nào cũng trơn tru, nhưng nó rất tốt trong viẹc lừa dối và che đậy những thực tế xấu xí.

Đối với nông dân miền Tây, con số đó có ý nghĩa ảo mà thôi. Thực tế, thu nhập trung bình (một năm) của 1 nông dân tiêu biểu chỉ 30-40 triệu đồng mà thôi. Nói cách khác, họ thuộc vào nhóm có thu nhập thấp nhứt. 

Vấn để đặt ra là nhà nước có chánh sách nào để hỗ trợ họ? Nghe nói bên Thái Lan, chánh phủ có chánh sách giúp nông dân về phân bón và thuốc trừ sâu. 

Tình cảnh của nông dân miền Tây đa số là như tôi mô tả. Họ đã nghèo và đang nghèo cả 50 năm qua. Họ là bà con tôi, láng giềng tôi, chớ chẳng ai xa lạ. 

Họ không có dịp tiếp xúc phóng viên đâu, vì có phóng viên nào mà về đây để kiên nhẫn nghe những câu chuyện của họ.

Nguyễn Văn Tuấn