Nguyễn Văn Tuấn: Sức mạnh của ngôn từ

Tôn Tử từng nói: “Tặng người lời nói, quí như châu báu, hại người bằng lời, hơn cả kiếm giáo”. Ngẫm đi lại, tôi thấy câu đó rất đúng.

Tôn Tử (Sun Tzu), vị tướng quân đội, nhà chiến lược, triết gia và nhà văn Trung Quốc sống vào thời Đông Chu (771–256 TCN).

Chuyện thứ nhứt: văn minh cõi mạng 

Vài năm trước, Microsoft có làm một cuộc khảo sát về mức độ văn minh trên không gian mạng (DCI) từ nhiều quốc gia trên thế giới. Kết quả không quá bất ngờ: Việt Nam nằm trong ‘top 5’ quốc gia có chỉ số về văn minh mạng thấp nhứt. Phản ứng trước kết quả này, rất nhiều người Việt (trong nước) trèo lên cõi mạng và chửi bới Microsoft bằng những chữ rất ư là khó đọc, nếu không muốn nói là những chữ vô giáo dục. 

Cũng những người này, khi đề cập đến những người Việt ở hải ngoại có quan điểm khác với chánh phủ Việt Nam, họ dùng những chữ như ‘đu càng’, ‘ba que’, ‘nail tộc’, ‘khát nước’, ‘phản động’, v.v. Một số người thậm chí không biết họ nói gì. Nhưng những chữ đó, được thốt ra từ những người ăn lương của chánh phủ Việt Nam, nó có một tác động rất tốt: làm giãn cái khoảng cách giữa bà con ở hải ngoại và nhà cầm quyền trong nước. 

Chuyện thứ hai: thầy bói 

Vài tháng trước, tôi có xem một video clip, mà trong đó một vị linh mục kể rằng ông bị dằn vặt gần như cả đời vì một câu nói của ông thầy bói. Vị linh mục cho biết hồi còn nhỏ, gia đình dẫn ông đến một thầy bói để biết tương lai ra sao. Ông thầy bói cầm tay cậu bé xem một hồi, và phán rằng cậu bé sẽ không bao giờ học lên cao được vì đường vân tay không tốt! Có vẻ gia đình tin như vậy, nên cậu bé không được cho đi học đến nơi đến chốn. 

Đến khi ông (bấy giờ đã là thanh niên) vượt biên sang Mỹ, và xin đi tu. Trong tu viện, bề trên nhứt định cho ông đi học, nhưng ông không chịu vì nghĩ rằng số mình không thể học cao được. Chuyện dài thành ngắn: cuối cùng thì ông cũng phải đi học và trở thành linh mục. Vị linh mục kết luận rằng những câu nói, những lời phán xét [vô trách nhiệm] sẽ ở lại trong tâm tưởng của người ta rất lâu.

Chuyện thứ ba: thầy cúng 

Một ông thầy cúng mang danh Thượng Toạ rất đình đám chẳng hiểu vì lý do gì mà ông tỏ ra thù hằn với đạo Công Giáo. Trong vài video clip, ông tỏ ra hằn học khi người ta vui chơi trong ngày lễ Noel, ngày lễ tình nhân Valentine. Cứ mỗi khi có dịp là ông chỉ trích Công Giáo bằng những từ ngữ rất khó nghe. Ông dùng những chữ dơ bẩn như “Sự dễ giải của Tăng Ni Phật tử dẫn đến tình trạng người ta ỉa trên đầu Phật giáo, ỉa trên đầu Tăng Ni, ỉa trên đầu cái sự tu học Phật pháp”, và “Tôi thấy thầy trò chùa Ba Vàng này đó, tự mình đạp cứt rồi đổ lỗi cho người khác. Lẽ ra khi đạp cứt phải đi rửa chưn”. Ông lấy đâu ra thông tin sai lệch rồi dùng nó để xuyên tạc Công Giáo: “Valetine là biến thể của chuyện tình vụng trộm giữa linh mục và giáo dân, là phương tiện để xâm lược của phương Tây”. Điều kinh ngạc hơn là có hàng ngàn người chẳng những tin mà còn ngưỡng phục những gì ông ấy nói! 

Chuyện thứ tư: làm cha 

Trong một video clip của anh kỹ sư Mohammed Qahtani (người Saudi Arabia), anh kể một câu chuyện thú vị về ngôn từ như sau: 

“Tôi có một đứa con trai 4 tuổi, và nó có thói quen xấu là viết lên tường bằng bút màu. Một buổi tối kia, tôi bước vào phòng của nó và thấy nó đang viết và vẽ lung tung lên tường. Tôi nói, “Này, này, này! Mày ngu hả? Đừng bao giờ làm vậy nữa!” Và bạn đoán xem chuyện gì đã xảy ra? Nó tiếp tục vẽ lung tung. 

Không ai thích bị đe dọa. Không ai thích bị hăm dọa. Lòng tự trọng của nó không cho phép điều đó. Nó tiếp tục có thói xấu đó chỉ để thách thức tôi. Một tuần sau, tôi bước vào phòng của nó và lần này, nó vừa nhìn tôi vừa hý hoáy viết lên tường. 

Tôi tiến lại gần nó và nói “Con yêu, lại đây! Đừng vẽ lung tung nữa, con lớn rồi.” Và nó không bao giờ làm điều đó nữa, vì lòng tự trọng của nó muốn nó trở thành ‘cậu bé lớn’.”

Sức mạnh của lời nói 

Thuật lại mấy câu chuyện trên chỉ để nói lên sức mạnh của lời nói. Như anh Qahtani nói, chữ và lời nói, khi được thốt ra và truyền đạt đúng cách, có thể thay đổi suy nghĩ của người khác. Lời nói có thể thay đổi niềm tin của một người. Bạn có thể dùng sức mạnh của lời nói để vực dậy một người từ đáy của cuộc đời lên người thành công. Bạn cũng có thể phá hoại hạnh phúc của họ chỉ bằng chữ và lời nói. 

Hàng ngày, trong các mạng xã hội, có biết bao lời bình luận tích cực và tiêu cực, thậm chí bình luận kiểu ‘gas lighting’. Chẳng hạn như phản ứng trước cái note của tôi về Maria Trần, một người nhắn cho tôi rằng: “Ông không biết gì về cô ấy”, “Cô ấy có vấn đề”, và kèm theo câu “Cô ấy nói là cô ấy bị bắt thì chỉ có cô ấy mới biết”. Hoàn toàn không có chứng cớ gì cả, chỉ vu vơ như thế. Đó là loại phát ngôn ‘gas lighting’, chẳng những rất ư là kém chuyên nghiệp, mà còn là một cách để gieo nghi ngờ hoàn toàn vô cớ. Điều đáng buồn là người Việt hay dùng cách nói này. 

Cách phản hồi trên có làm tôi chú ý? Không bao giờ. Nên nhớ rằng chỉ đơn giản qua cách chọn chữ thôi, bạn có thể tạo ra sự khác biệt; bạn có thể giúp cho người khác chấp thuận hoặc bác bỏ thông điệp của bạn. Bạn có thể có một điều gì đó rất đẹp để nói, nhưng nếu dùng sai chữ thì thông điệp của bạn sẽ bị biến mất. 

Người mình có câu rất hay: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Đúng như thế, ngôn từ là miễn phí. Tuy miễn phí, nhưng là vô gía. Chẳng những vô giá mà còn là sức mạnh của chúng ta. Lời nói có sức mạnh. Lời nói là sức mạnh mà bạn có được.

Bàn phím của bạn và miệng của bạn có thể tung/phun ra nọc độc hoặc có thể hàn gắn một tâm hồn tan vỡ. Chỉ một lời nói thiện ý có thể giúp người sa cơ thất thế đứng dậy đi tiếp, nhưng một câu nói thiếu thiện ý có thể đẩy người ta đến đường cùng. 

Nhạc sĩ Vũ Thành An viết đúng: ‘lời anh nói sẽ còn mãi đấy.’ Chữ mà chúng ta dùng có thể nâng cao một ai đó, nhưng cũng có thể dìm họ xuống bùn đen. Người nhận những chữ tiêu cực sẽ không bao giờ quên, y như vị linh mục mà tôi đề cập ở trên. Trong thế giới mạng, lời nhạc này càng ứng nghiệm hơn. Chúng ta có thể tự tạo ra hạnh phúc bằng cách dùng chữ cẩn thận và tích cực. Nên nhớ rằng chúng ta sẽ có ngày hối hận những con chữ gây tổn thương cho người khác.

Lời nói phản ảnh cái tâm của một người. Những người có cuộc sống hạnh phúc họ không có thì giờ nói xấu và phán xét ai; họ biết được giá trị của con chữ vậy. Ngược lại, khi cái tâm đen tối thì phát ngôn cũng đầy tiêu cực. Cũng có thể suy đoán ngược: những lời nói ‘gas lighting’ phản ảnh cái tâm thù hằn. 

Nghĩ lại thấy cái miệng khá là lợi hại. Lợi thì ai cũng biết. Còn hại? Cái miệng là một ‘thụ thể’ của bệnh tật, vì nhiều bệnh chúng ta mắc là qua nó. Cái miệng cũng là một phương tiện để tích đức, nhưng cũng có thể gây thù chuốc oán. Người ta có thể dùng cái miệng để có thu nhập và cuộc sống thoải mái, nhưng nếu dùng sai, nó cũng có thể hại người khác. Bởi vậy Tôn Tử mới nói: “Tặng người lời nói, quý như châu báu, hại người bằng lời, hơn cả kiếm giáo”. 

Chữ và lời nói là một công cụ mạnh mẽ nhứt mà con người có được. Do đó, chúng ta có bổn phận sử dụng chữ nghĩa một cách có trách nhiệm. 

Hình minh họa: Liza Summer

**

Ghi thêm: Trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư có câu chuyện nhan đề “Cái Lưỡi” như sau: 

“Một hôm, người chủ bảo người đầy tớ rằng: ‘Mày ra bắt con lợn đem làm thịt, và xem cái gì ngon hơn cả thì đem về đây cho tao’. 

Tên đầy tớ vâng lời, bắt lợn giết và lấy cái lưỡi đem vào hầu chủ. 

Mấy hôm sau, người chủ muốn thử tên đầy tớ, lại bảo nó đi làm thịt con lợn khác và dặn rằng: ‘Xem cái gì không ngon hơn cả thì đem vào’. 

Tên đầy tớ làm lợn xong, lại đem cái lưỡi vào cho chủ.

Người chủ hỏi: ‘Thằng này láo! Sao lần này mày lại đem cái lưỡi vào cho ta như lần trước?’

‘Thưa ông, cũng một cái lưỡi, khi tử tế ra thì không có gì tốt cho bằng, nhưng khi độc ác, thì lại không có gì xấu bằng’.” 

Câu chuyện trên nói về ‘cái lưỡi’, nhưng trong thực tế là nói về lời nói, về con chữ. Lời nói độc ác thể hiện cái tâm tánh ác độc. Ngược lại, cái tâm thiện của một người cũng thể hiện qua lời nói tử tế.

Nguyễn Văn Tuấn