Nguyễn Văn Tuấn: Tháng Tư Nhớ Anh Hai
Nhiều lần tôi muốn viết về anh Hai tôi, người đã vĩnh viễn nằm dưới lòng Biển Đông 44 năm trước, nhưng cứ ngồi xuống viết thì thấy buồn buồn, nên thôi. Nhưng lần này thì tôi viết lại câu chuyện như là một nhựt kí và tư liệu cho những ai nghiên cứu về ‘Thuyền Nhân.’
Gia đình tôi có 7 anh chị em, 3 trai và 4 gái. Thật ra, chúng tôi có đến 9 anh chị em, nhưng người chị cả đã qua đời lúc mới sanh ra, và một người em trai qua đời lúc 6 tuổi trong một tai nạn trên sông. Ngày xưa ở miệt quê tôi, mỗi gia đình có 8-10 người con là bình thường. Do đó, đại gia đình tôi (tức kể cả những người tính từ ông bà cố trở xuống) có hơn 1000 người ở trong làng. Thời đó, một làng chưa tới 5000 dân, mà ít nhứt 1/5 là người trong đại gia đình!
Anh Hai tôi là một ngôi sao, một tấm gương về học hành trong đại gia đình. Anh là người đầu tiên trong làng đậu tú tài toàn phần và tốt nghiệp kỹ sư hoá học. Nói đúng ra, đại gia đình tôi còn có một ngôi sao khác và người đó là em họ tôi (nữ) cũng thi đậu tú tài toàn phần, nhưng nó không lên đại học. Thời đó, thập niên 1960, chỉ có 10-15% học sinh trung học thi đậu tú tài toàn phần mà thôi, và chỉ có 5-10% thí sinh dự thi tuyển được chọn vào học đại học. Có thể nói rằng hệ thống giáo dục thời đó thuộc loại ‘elite’, có nghĩa là chỉ chọn những người ưu tú và giỏi thật sự. Do đó, những người thi đậu đại học là một niềm vinh dự cho gia đình và cho cả làng xã.
Với tôi, anh Hai tôi cũng là một người thầy hơi đặc biệt. Ngày tôi lên trung học, tôi ở cùng nhà trọ với anh, và có thể nói đó là những ngày ‘khó khăn’ mà tôi khó quên được. Anh bắt tôi phải học, phải đọc sách nhiều. Bất cứ lúc nào anh ấy không thấy tôi cầm quyển sách là anh la rầy ngay: ‘Mày làm gì mà không đọc sách? Mày muốn đi hốt rác hả? Tôi đâu dám cãi. Tôi học không đến nỗi tệ, nhưng dưới mắt anh thì tôi lúc nào cũng chưa đạt yêu cầu. Tôi còn nhớ anh dạy tôi giải phương trình bậc hai, tôi lúng túng chưa giải xong thì anh quát: học hành ngu như mày thì mai mốt làm được cái gì?! Lúc đó, tôi cũng ức lắm, nhưng không dám cãi lại. Có lần tôi đem bằng tưởng thưởng về để ngay trên ghế bố (hồi đó còn ngủ ghế bố), anh tôi đi ngang thấy và nói: Mày chỉ giỏi trong đám mù thôi, chứ mày hơn ai. Nói tóm lại, anh không bao giờ khen thằng em khốn khổ này. Nhưng đương nhiên, đó là một cách anh ấy đặt tiêu chuẩn cao hơn để tôi phải phấn đấu, chứ không cho tự mãn. Anh đặt ra những cái bậc cao hơn để tôi nhảy, chứ không hẳn là chê bai gì.
Sau ngày 30/4/1975, anh Hai có thời gian làm kỹ sư kiểm nghiệm cho một công ty quốc doanh, nhưng chỉ một thời gian ngắn anh nghỉ việc. Không ai hỏi tại sao, nhưng tôi đoán chắc anh ấy không chịu nổi môi trường làm việc mới. Anh về quê sống với ngoại tôi. Khác với tôi và anh Ba là những người có thể làm nghề nông và cày cuốc, anh Hai chỉ quen với cuộc sống thị thành và không bao giờ đụng đến việc đồng áng. Có người gọi anh là ‘công tử’, vẫn còn xe Honda đi lại và ăn mặc ‘bảnh tỏn’ (thời đó hay bị gán cái nhãn ‘tiểu tư sản’). Ngoại tôi rất cưng anh hai, nên anh ấy được đặc quyền đặc lợi trong ngôi nhà cũ kĩ đó. Anh hay lái xe Honda ra Rạch Giá cà phê cà pháo với bạn bè cùng cảnh ngộ và tôi cũng hay gặp anh ngoài đó.
Những lúc nhìn tôi hăng say với công việc, anh ấy chỉ lắc đầu nói với Ba Má tôi là ‘thằng này bị tẩy não rồi’. Tôi nhớ có lần anh giới thiệu tôi với bạn của anh trong quán cà phê và phán một câu: ‘Thằng này nó là em tao, nhưng nó không cùng ý thức hệ với tao, vì nó rất ư là left wing!’
Lúc đó tôi đâu còn nhỏ nữa, mà anh ấy hình như vẫn xem tôi như thời trẻ con, nên mới có cách giới thiệu sốc hông đó. Nhưng biết vai vế mình nên tôi cũng không muốn cãi lại.
Thật ra, sau này tôi mới biết là những ngày anh la cà ở Rạch Giá là để tìm đường … vượt biên. Một hôm, anh chủ động tới gặp tôi và nói là anh sẽ đi vượt biên nay mai, rồi hỏi: ‘Mày đi hông?’ Tôi hơi sốc về câu hỏi.
Thú thiệt là lúc đó tôi còn lí tưởng lắm và nghĩ đất nước rồi sẽ ok thôi, nên không nghĩ đến chuyện vượt biên. Tôi đã từng thấy bạn bè từ Sài Gòn về Rạch Giá tìm đường vượt biên. Ở chỗ làm, hễ không thấy ai đó vài ngày thì xác suất cao là người đó đã đi vượt biên. Có người đi thoát qua tận các nước trong vùng Đông Nam Á, rồi Mỹ và họ gởi thư về báo tin mừng. Nhưng cũng có không ít người bị bắt và giam trong các trại giam ở vùng U Minh Thượng. Những người bị giam một thời gian ngắn (vài tháng) rồi được thả ra, và họ lại tìm đường vượt biên vì không thể sống với xã hội mới. Tôi có những người bạn vượt biên và bị bắt đến 7 lần!
Khi thấy tôi không trả lời, anh Hai nói ‘Vậy là mày không đi?’ Nói rồi, anh giao cho tôi cái xe Honda và chiếc đồng hồ Seiko, và dặn về nhà báo cho Ba Má biết rằng anh đã quyết định đi vượt biên. Anh nói chuyện vượt biên nhẹ như đi … Sài Gòn.
Không ngờ hôm đó là lần cuối cùng anh em gặp nhau.
(Cũng xin mở ngoặc nói thêm rằng chính vì chiếc xe Honda và đồng hồ này mà sau này tôi bị đồng nghiệp kiểm điểm ‘lên bờ xuống ruộng’ đến nỗi không còn chịu được nữa nên tôi cũng ra đi).
Anh Hai tôi đi trên một cái tàu đánh cá mà ông chủ chẳng ai khác hơn là ông già vợ tương lai của anh. Lúc đó, anh đã đính hôn nhưng chưa làm đám cưới. Ông là người có trên 30 năm kinh nghiệm đi biển, và từng tự hào là nhắm mắt cũng lái từ biển về tới bến tàu Rạch Giá. Chuyến đi chỉ có 20 người, và toàn là người trong gia đình bên vợ tương lai của anh Hai tôi. Tôi không biết chính xác ngày anh Hai tôi rời Việt Nam, chỉ biết là cuối năm 1980.
Tất cả 20 người trên tàu đều mất tích.
Mất tích trên biển thì chỉ có thể nói là tất cả đều qua đời. Nhưng không ai biết nguyên nhân của sự mất tích. Do tai nạn? Do bão táp? Do cướp biển? Không ai biết. Má tôi thậm chí còn mời ‘thầy’ về xem để biết anh Hai tôi qua đời vào ngày nào, nhưng tất cả đều vô vọng. Cứ mỗi lần nhắc đến anh Hai là Má tôi khóc.
Sau này khi đến trại tị nạn Thái Lan, tôi đi đăng tin tìm anh nhưng hoàn toàn vô vọng. Tôi tìm đến Hội Hồng Thập Tự, các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, các tổ chức thiện nguyện, những người đi cùng thời gian để tìm tung tích, nhưng tất cả đều không có thông tin.
Có lẽ anh Hai tôi đã vĩnh viễn nằm trong lòng biển cùng với hàng trăm ngàn người Việt Nam khác trong thập niên 1970-1980.
Theo Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, trong thời gian 1975-1995, có chừng 800,000 người Việt vượt biên bằng đường biển và chừng 100,000 bằng đường bộ [1]. Đa số là xảy ra trong thời gian 1975-1985 vì đó là ‘cao trào’ của làn sóng vượt biển. Theo một nghiên cứu trên những thuyền nhân tới Thái Lan thì đa số (trên 50%) thuyền tới Thái Lan bị hải tặc Thái Lan tấn công.
Vẫn theo Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, có ít nhứt 10% người vượt biển bỏ mạng ngoài khơi, ‘vĩnh viễn không bao giờ tới miền đất hứa’. Dựa vào đó, chúng ta có thể ước tính rằng có ít nhứt 100,000 người Việt đã nằm trong lòng Biển Đông; trong số này có anh Hai tôi. 100,000 người là bằng dân số của 10 xã ngày nay cộng lại.
Tiến sĩ Carina Hoàng [2], tác giả cuốn sách ‘Boat People’, nhận xét về thảm cảnh của người vượt biển như sau [3]: “Nỗi đau, vết thương của thuyền nhân Việt Nam sẽ không bao giờ lành. Một số những gia đình có người thân chết trên biển khơi hoặc chết trong trại tị nạn mà không được một nắm mồ. Nhưng đau khổ nhất là những người bị bắt cóc đi mà đến hôm nay gia đình cũng không biết nên để tang cho con cho vợ hay vẫn tiếp tục hy vọng tìm được họ. Có nhiều chuyện mà mỗi câu chuyện cho mình thấy những khía cạnh của thảm cảnh thuyền nhân Việt Nam. Oanh nghĩ không bao giờ mình sang trang được, trang lịch sử này sẽ tồn tại mãi mãi.”
Nguyễn Văn Tuấn
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thuy%E1%BB%81n_nh%C3%A2n_Vi%E1%BB%87t_Nam