Nguyễn Văn Tuấn: Viếng mộ Trương Vĩnh Ký

Hôm về dự hội nghị ở Sài Gòn, tôi có dịp thăm mộ Học giả Trương Vĩnh Ký, và đọng lại trong tôi một cảm giác buồn. Tình trạng có vẻ ứng nghiệm với câu ‘Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời’.

Học giả Trương Vĩnh Ký (1837-1898). Ảnh: internet.

Một học giả lừng danh

Nhiều người ngày nay không biết Trương Vĩnh Ký là ai, nên vài dòng nhắc nhở tưởng không thừa. Ông là một người con xuất sắc của miền Tây Nam Bộ. Ông là một nhà văn hoá lớn, một bậc thầy về ngôn ngữ học, ‘ông tổ’ của nền báo chí tiếng Việt. Ông thông thạo 26 ngoại ngữ. Vào thế kỉ 19, ông là người Việt duy nhứt được vinh danh như là một trong 18 nhà bác học trên thế giới. Nói ngắn gọn, ông là một ‘Crème de la Crème’ của Việt Nam từ cổ chí kim.

Ông sanh ngày 6/12/1837, tức vào thời Vua Minh Mạng trị vì, tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay là tỉnh Bến Tre). Thân phụ ông là Trương Chánh Thi, làm chức Lãnh Binh, và thân mẫu là bà Nguyễn Thị Châu. Lúc còn nhỏ (chừng 8-10 tuổi) ông theo đạo Công Giáo và lấy tên thánh là Jean-Baptiste Pétrus Trương Chánh Ký. Sau này, người ta viết tắt tên ông là Petrús Ký.

Ông từng theo học ở Nam Vang (Cam Bốt), Ai Lao (Lào), Miến Điện, Penang (Mã Lai Á). Qua những chuyến du học này, ông có dịp học thêm các tiếng Anh, Tây Ban Nha, Hi Lạp, Ấn Độ, Nhựt, Mã Lai, Thái, v.v.

Năm 1858, sau khi xong chương trình học, ông về nước. Lúc ông về nước cũng là lúc người Pháp xâm chiếm Việt Nam. Những năm sau đó, ông làm việc cho người Pháp trong vai trò thông ngôn. Ông từng làm thông ngôn cho phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp đòi lại 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ. Từ 1866 đến 1868 (tức chỉ 2 năm) ông được bổ nhiệm chức vụ Giáo sư của trường Thông Ngôn Sài Gòn. Những năm sau đó, ông là một quan chức giáo dục, và từng có lần ra Hà Nội. Năm 1883, ông được Hàn Lâm Viện Pháp trao tặng danh hiệu ‘Officier d’Académie’, tức giống như Viện Sĩ.

Năm 1887 ông nghỉ hưu ở tuổi 50!

Đọc qua tiểu sử như trên, có lẽ đa số các bạn trẻ nghĩ rằng ‘Oh, ông này chỉ là một thông ngôn viên’. Nhìn bề ngoài thì như vậy, nhưng trong thực tế, ông để lại cho đời rất nhiều tác phẩm và công trình khảo cứu. Các tác phẩm của ông được chia thành 6 thể loại: nghiên cứu về địa lí và lịch sử; nghiên cứu về khoa học xã hội; biên soạn từ điển; dịch sách chữ Hán; phiên âm truyện Nôm và các tác phẩm cổ Việt Nam; và sáng tác thơ văn.

Cách tôi mô tả trên là không công bằng cho ông. Một nhân vật cùng thời với ông là Nguyễn Văn Tố nhận xét về các tác phẩm của Pétrus Ký như sau:

“Người đọc phải bối rối khi đọc danh sách các tài liệu [do Trương Vĩnh Ký biên soạn], chúng làm cho ta gần như hoảng sợ bởi số lượng và sự đa dạng của chúng. Trong số những tập sách nhỏ đôi khi rất ngắn, trong số những tài liệu chưa được khai thác đầy đủ và được liệt kê tựa đề trong danh mục do chính tay ông viết ra, có những cuốn nói về ngôn ngữ và văn học An Nam, về các ngôn ngữ Ấn Độ và Đông Dương, về các tác giả kinh điển Trung Hoa. Những cuốn liên quan đến văn học dân gian không hiếm; nhưng trong danh mục đồ sộ này đó chỉ là những ngoại lệ cho chúng ta thấy trí tò mò của nhà bác học họ Trương rất là mãnh liệt, và tri thức mà ông lĩnh hội đã được trang bị rất hùng hậu để có thể đi tìm kiếm những điểm đối sánh và những thông tin bổ sung trên những vùng đất bên ngoài lĩnh vực riêng của mình.”

Về già sống trong nghèo khổ

Có ai ngờ rằng một học giả lừng lẫy như thế mà lại sống trong túng quẫn vào những ngày cuối đời! Sau khi nghỉ hưu, ông bị đồng nghiệp trong trường thông ngôn chèn ép và làm khó. Ông phải từ chức giáo sư, và cuộc sống trở nên khó khăn, nợ nần, và bệnh hoạn. Sách in ra thì bán không bao nhiêu. Làm báo chỉ được một thời gian ngắn thì đình bản. Những khó khăn được ông ghi lại trong nhựt kí như sau:

“[…] Bị hai cái khánh tận, nhà in … nơi mà … mất hơn sáu ngàn đồng bạc. Phần thì sách vở bán không chạy, mắc nợ nhà in Rey và Curiol, phần thì bị … phải bảo lãnh nợ cho nó hết, hơn … lại than phát đau hư khí huyết …”

Có lẽ trong lúc khó khăn, ông nhìn thấy trò đời, và đã hạ bút viết lời di huấn: “Người đời sanh ký tử quy, đàng đi nước bước vắn vỏi lắm. Nhưng ai cũng có phận nấy, hể nhập thế cuộc bất khả vô danh vị, cũng phải làm vai tuồng mình cho xong đã, mới chun vô phòng được. Sự sống ở đời tạm nầy, đỏ như hoa nở một hồi sương sa; vạn sự đều chóng qua hết, tan đi như mây như khói. Nên phải liệu sức, tùy phận mà làm vai tuồng mình cho xong.”

Ngày 1/9/1898, ông qua đời, thọ chỉ 62 tuổi.

Ông được an táng tại nơi ông nghỉ hưu, nay là góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng. Chỗ này sát bên cạnh Nhà thờ Chợ Quán. Tuần trước, tôi có dịp ghé qua mộ ông, và tiện ghi lại đôi dòng để gọi là ‘nhựt kí’.

Dù đã được cảnh báo trước, tôi vẫn thấy sốc trước cảnh hoang lạnh chung quanh nơi ông an nghỉ ngàn thu. Đó là một căn nhà hình bát gíac với diện tích chỉ chừng 50 m2, được xây theo phong cách Pháp. Có ba cạnh có cửa vào, còn 5 cạnh còn lại chỉ có mấy ô thông gió. Phía trong nhà được trang trí bằng các hoạ tiết Đông và Tây khá hài hoà. Trên nóc nhà mồ có chạm dòng chữ: “Decembre 1898” (tháng 12 -1898) cũng là năm ông mất. Nghe nói chính ông Pétrus Ký đã thiết kế nhà mồ này.

Phía ngoài, ở cửa nhà mồ có dòng chữ Latin “Miseremini Mei Saltem vos Amici Mei”, có nghĩa là “Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi“.

Trên một cửa nhà mồ có ghi dòng chữ Latin: “Fons Vitae Eruditio Possidentis”, tạm dịch là “Tri thức là nguồn sống cho ai sở hữu nó“.

Phía trong nhà mồ có 3 ngôi mộ. Mộ bên trái là nơi an nghỉ của người con trai ông là Trương Vĩnh Thế. Mộ bên phải là mộ phần của vợ ông là bà Vương Thị Thọ (qua đời năm 1907). Mộ ông Pétrus Ký nằm ở giữa; trên mộ có tấm đá màu vàng nhạt khắc dòng chữ:

Ci-git J.B Truong Vinh Ky Professeur de Langues Orientales Décédé J le 1er Septembre 1898 dans sa 62 année

Dịch: Nơi an nghỉ J.B Petrus Trương Vĩnh Ký, Giáo sư ngôn ngữ Đông phương. Mất ngày 1/9/1898, thọ 62 tuổi.

Phía ngoài nhà mộ là một khu đất rộng chừng 2000m2 còn có nhiều mộ phần khác (chắc cũng 50 mộ). Đó là mộ của những người trong dòng họ. Ngoài các ngôi mộ là nhà của những người cháu chắt của ông. Sân trước của khu đất được tận dụng làm hai quán cà phê bình dân. Những người cháu chắt của ông rất nghèo, sinh kế của họ chỉ dựa vào hai quán cà phê và buôn bán nhỏ.

Nhìn cảnh hiu quạnh tại nơi an nghỉ của một học giả lừng danh Trương Vĩnh Ký, tôi không khỏi xót xa trong lòng. Tôi chợt nhớ đến câu nói rằng những người vĩ đại thường là người cô đơn (Great men are often lonely), và câu này có vẻ hợp với học giả lẫy lừng của chúng ta. Công danh lừng lẫy cỡ nào đi nữa thì cũng quay về với cảnh đìu hiu. Chẳng thế mà trước khi qua đời, ông viết:

Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai,

Xô đẩy người vô giữa cuộc đời.

Học thức gửi tên con mọt sách,

Công danh rốt cuộc cái quan tài.

Dạo hòn, lũ kiến men chân bước,

Bò xối, con sùng chắt lưỡi hoài!

Cuốn sổ bình sanh công với tội,

Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.

Gần nhà mộ Trương Vĩnh Ký là Nhà thờ Chợ Quán, với kiến trúc đẹp. Nhà thờ Chợ Quán được xây dựng từ năm 1722. Nhà thờ này từng bị phá hủy nhiều lần, và ‘phiên bản’ hiện nay được xây vào năm 1896.

Nguyễn Văn Tuấn

—————— 

NVT: Ít ai biết rằng ông Trương Vĩnh Ký mới là người đầu tiên làm báo tiếng Việt. Tờ “Gia Định Báo” ra mắt công chúng Sài Gòn ngày 15/4/1865 là tờ báo đầu đầu tiên của Việt Nam. Tờ Gia Định Báo ra hàng tuần, và tồn tại đến 44 năm, đình bản vào ngày 1/1/1910. Gia Định Báo dùng chữ Quốc Ngữ và do đại học giả Trương Vĩnh Ký làm tổng biên tập. Như vậy, cũng có thể nói rằng ông Trương Vĩnh Ký là kí giả đầu tiên của Việt Nam.

Học giả Trương Vĩnh Ký là người — nói theo tiếng Anh là — controversial. Người nể phục ông thì nhiều, trong đó có tôi, nhưng cũng có không ít người nói rằng ông là người theo Pháp. Người ta trích vài câu ông ấy viết rồi diễn giải một cách gán ghép đầy ác ý. Ngạc nhiên là có cả những người có học cũng có những nhận xét quá đáng về ông Trương Vĩnh Ký. GS Nguyễn Văn Trung từng nói “chỉ những người cỡ như cụ Nguyễn Văn Tố mới có khả năng phê bình Trương Vĩnh Ký về Nho học, văn học cổ Việt Nam.” Einstein cũng từng nói rằng “Những người có khối óc vĩ đại luôn phải đối mặt với những chỉ trích kịch liệt từ những kẻ mang đầu óc tầm thường”.