Nguyên Việt: 50 Năm Thắng Cuộc Nhưng Không Thắng Nổi Lòng Người

Năm mươi năm. Một đời người. Một nửa thế kỷ trôi qua kể từ cái ngày được ghi vào sử sách là “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.” Nhưng mỗi độ tháng Tư về, câu hỏi vẫn rì rầm trong tâm trí bao người Việt: Ai đã giải phóng ai? Và ai đang chờ được giải phóng?

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập. Lịch sử gọi đó là ngày đất nước sạch bóng quân thù. Nhưng với nhiều người khác – đó là ngày mất nước, ngày đánh dấu một cuộc di cư lịch sử, ngày rời bỏ quê hương trong hoảng loạn, đau đớn và tuyệt vọng. Biển Đông mở ra như một nghĩa địa khổng lồ. Biên giới rừng sâu thành chốn sinh tử. Những con tàu vượt biên không mang theo vàng bạc, mà mang theo một ý niệm rất cũ mà rất mới: tự do.

Phải chăng, ngay chính trong dòng người bỏ xứ ra đi ấy – đang chất chứa một câu trả lời ngầm lặng cho câu hỏi “giải phóng”? Bởi nếu đã được giải phóng, ai còn phải liều mạng vượt biển? Nếu đã thống nhất, vì sao người trong nước vẫn chia rẽ tận trong tâm khảm? Nếu đã hòa bình, sao lương tri vẫn bị trói buộc, tiếng nói vẫn bị chặn lại và nỗi sợ vẫn len lỏi trong từng lời nói thường nhật?

Lịch sử được viết bởi người chiến thắng, nhưng ký ức thì không ai có thể chiếm đoạt. Trong ký ức của hàng triệu người Việt, 30 tháng 4 không chỉ là một cột mốc – mà là một vết cắt. Và như mọi vết cắt sâu, nó không liền miệng, không theo thời gian mà lành. Trái lại, nó hóa thành một vết thương âm ỉ, cứ mỗi tháng Tư lại mưng mủ, lại nhức nhối, lại khiến người ta tự hỏi: thắng một cuộc chiến, có đồng nghĩa với thắng được lòng người?

Nửa thế kỷ sau, đất nước đã khác. Những tòa nhà chọc trời mọc lên thay cho làng quê nghèo đói. Điện thoại thông minh, xa lộ, máy bay, phố thị… Việt Nam đã mở cửa, đã hội nhập. Nhưng giữa tất cả ánh đèn ấy, có một điều vẫn tối: quyền được nói thật, quyền được sống như một con người có tư cách công dân tự do. Không phải như một “thần dân mới” trong một xã hội được cai trị bằng sợ hãi.

Và thật nghịch lý, trong khi hàng triệu người từng bị gọi là “ngụy quân ngụy quyền” đã xây dựng được những cộng đồng mạnh mẽ ở hải ngoại – những cộng đồng có báo chí độc lập, có quyền biểu tình, có tự do tôn giáo – thì trong nước, người dân vẫn phải cúi đầu khi nói về “chính trị”, vẫn phải cân nhắc từng dòng viết trên mạng xã hội, và vẫn có thể bị bắt chỉ vì kêu gọi dân chủ. Phải chăng, chính những người ra đi mới là người đã tự giải phóng mình?

Lịch sử không nên là một bản án, càng không phải là một tấm huân chương. Lịch sử là một lời nhắc, một ký ức phải được đào xới, gạn lọc, đối thoại. Nhưng bao năm qua, người ta chỉ nói một chiều, chỉ cho phép một loại “chân lý” tồn tại. Trong cái bóng của chiến thắng, không ai dám nhìn lại những oan khiên, những sai lầm, những linh hồn bị chôn vùi không mộ chí – từ cải tạo, đánh tư sản, chiến tranh biên giới, thuyền nhân, đến cả những nhà văn, nhà sư, nhà báo bị bịt miệng vì không cùng hệ tư tưởng.

Có một nỗi đau lớn hơn cả mất mát – đó là không được quyền đau. Có một sự tủi nhục sâu hơn cả thất bại – đó là bị buộc phải gọi đó là chiến thắng.

“Giải phóng” – từ ngữ ấy từng chói lọi như một lời hứa. Nhưng năm mươi năm sau, nó đã phai màu, trở nên đáng ngờ, thậm chí đáng sợ. Nó không còn là hành động thiêng liêng nữa, mà là một lời tự vấn. Bởi nếu thực sự có giải phóng, thì sau nửa thế kỷ, vì sao người ta vẫn không được tự do ứng cử, vẫn không có báo chí tư nhân, vẫn không có một cuộc bầu cử thật sự? Vì sao những người yêu nước vẫn phải yêu trong lặng lẽ, những tiếng nói phản biện vẫn phải ra tòa, và lòng tự trọng của một dân tộc vẫn bị trấn áp bởi một bộ máy tuyên truyền?

Sự “giải phóng” thật sự – nếu có – phải đến từ sự thức tỉnh. Từ khi con người dám nói không với bạo quyền, dám sống thật với lương tâm, dám nhìn thẳng vào lịch sử mà không cúi đầu hay giận dữ. Giải phóng không đến từ súng đạn. Nó đến khi người ta dám buông bỏ hận thù, dám gỡ lớp mặt nạ tuyên truyền và dám trả lại cho quá khứ những gì thuộc về nó – trong ánh sáng của sự thật, không phải trong cái bóng của quyền lực.

Vậy, sau 50 năm, ai giải phóng ai?

Có lẽ chính dân tộc này, trong từng con người biết đau đáu, biết dằn vặt, đang âm thầm tự giải phóng chính mình – khỏi sự sợ hãi, khỏi sự ngộ nhận, khỏi một thứ lịch sử đã từng chỉ biết khép miệng những người khác chính kiến.

Và có lẽ, chỉ khi nào tất cả người Việt – dù ở đâu – đều có quyền sống với chính ký ức và khát vọng của mình, thì ngày 30 tháng 4 mới thật sự được giải phóng khỏi những dằn vặt và chia rẽ.

Nguyên Việt 

Yuma, ngày 14 tháng Tư, 2025

Quê hương. Tranh Đinh Trường Chinh