Nguyên Việt: Những Tượng Đài Không Hận Thù

Trong dòng lịch sử của nhân loại, chiến tranh hầu như luôn để lại những vết sẹo đau thương – không những trên thân thể những ai sống sót, mà còn in đậm vào tâm hồn của cả dân tộc. Song, khi đặt chân đến những tượng đài chiến tranh trên đất Mỹ, chúng ta sẽ nhận ra một điều vừa dịu dàng vừa xót xa: đa số các tượng đài ở đây không hun đúc hận thù, mà thấm đẫm tinh thần nhân bản và bi cảm. Một sự chọn lựa rất Mỹ – và cũng rất nhân loại.

Tại sao lại như thế?

Có lẽ, trước hết, đó là vì truyền thống văn hóa và tư tưởng chính trị của nước Mỹ đã sớm đặt nền tảng trên giá trị nhân quyền và tự do. Từ buổi ban đầu, những người lập quốc đã tin rằng phẩm giá con người không thể bị chối từ, và chiến đấu – nếu phải chiến đấu – không phải để thỏa mãn lòng thù hận, mà để bảo vệ những lý tưởng phổ quát: quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc.

Vì vậy, khi dựng tượng đài cho những cuộc chiến, nước Mỹ không dựng để ca ngợi bạo lực hay kêu gọi phục thù. Họ dựng để tưởng niệm những con người đã ngã xuống cho những giá trị mà mình tin tưởng – và để tất cả những ai còn sống nghiêng mình, suy niệm về cái giá của tự do.

Nhưng lý tưởng ấy không đơn thuần được hình thành bởi những nguyên lý trừu tượng. Nó được tôi luyện qua những cuộc chiến đau thương, chia cắt ngay trong lòng nước Mỹ. Nội chiến Hoa Kỳ (1861–1865) vốn từng làm tan vỡ hàng triệu gia đình; và buộc người Mỹ phải đối diện với sự thật rằng kẻ thù hôm qua có thể là đồng bào hôm nay.

Sau chiến tranh, Tổng thống Lincoln, trong bài diễn văn Gettysburg bất hủ, đã không kêu gọi trả thù quân miền Nam. Ngược lại, ông kêu gọi “hòa giải, không hận thù” – một tinh thần sau này trở thành mẫu mực cho các tượng đài tưởng niệm: tưởng nhớ đau thương, không nuôi dưỡng oán hận.

Thế kỷ 20, những bài học từ Chiến tranh thế giới và Chiến tranh Việt Nam càng khắc sâu ý thức đó. Những tượng đài như Vietnam Veterans Memorial – chỉ là một bức tường đá đen, khắc hàng vạn tên người – đã thay tiếng súng, tiếng hò reo chiến thắng bằng sự im lặng thẳm sâu.

Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam tại Washington, D.C.
Một tấm bảng của Bức tường, hiển thị một số tên của các quân nhân Hoa Kỳ đã hy sinh trong Chiến tranh Việt Nam

Không còn là hình ảnh anh hùng được thần thoại hóa. Chỉ còn tên – mỗi cái tên là một bi kịch, một gia đình mất con, một dòng đời gãy đổ. Người đứng trước bức tường ấy không thể không lặng người, không thể không tự hỏi: Tại sao? Và làm thế nào để những bi kịch ấy không lặp lại?

Ngay cả những tượng đài như Korean War Veterans Memorial, vốn tưởng sẽ oai hùng để nhấn mạnh chiến thắng, cũng không đi theo lối mòn ấy. Người ta chỉ thấy những bóng hình người lính băng qua đồng hoang lạnh giá, khuôn mặt mệt mỏi, ánh mắt xa vắng, mang nặng nỗi buồn nhiều hơn lòng thù hận.

Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Chiến tranh Triều Tiên mô tả một đội hình gồm 19 bức tượng của những quân nhân di chuyển qua một địa hình gồ ghề của những bụi cây bách xù và tượng trưng cho những chiến công anh hùng của quân đội trong Chiến tranh Triều Tiên. Photo:  US Department of Defense

Tất cả đều phản ánh một tinh thần nghệ thuật hiện đại: con người được khắc họa trong sự trần trụi và yếu đuối, chứ chẳng phải biểu tượng hùng tráng của chiến thắng. Nhân loại rồi sẽ không thần thánh hóa chiến tranh, cũng không thần thánh hóa chính mình trong chiến tranh. Thay vào đó, giữ lại nỗi đau để những thế hệ mai sau khắc cốt ghi tâm rằng chiến tranh không bao giờ là một trò chơi vinh quang, và rằng cái giá của nó, dù chính nghĩa hay không, vẫn luôn là máu và nước mắt.

Có lẽ, bài học lớn nhất đọng lại qua những tượng đài ấy chính là tinh thần hòa giải và chữa lành. Nước Mỹ, sau tất cả những thương tích, hiểu rằng một quốc gia chỉ có thể trường tồn nếu biết tha thứ cho nhau – và tha thứ cho cả những kẻ từng ở bên kia chiến tuyến.

Những tượng đài chiến tranh không đơn thuần tồn tại để khơi lại những vết thương. Chúng hiện hữu như những vết sẹo – không nhằm để quên, mà để nhắc nhớ: đã một lần đau đớn như thế, thì hãy sống tốt hơn, nhân bản hơn.

Và chính nhờ vậy, những tượng đài, dù thầm lặng hay sừng sững giữa quảng trường, đều mang một ý nghĩa lớn lao: Chúng vừa tưởng niệm những người đã khuất, vừa lay động những người đang sống. Vừa gợi nhớ quá khứ, vừa thắp sáng một tương lai ít máu và nước mắt.

Không có hận thù nào có thể dựng xây được nền hòa bình thật sự. Không có tượng đài nào nuôi dưỡng căm thù mà có thể làm dịu vết thương lịch sử.

Chỉ có lòng nhân – lòng nhân đi qua nỗi đau, vượt lên trên chiến tuyến, mới là thứ ánh sáng có thể dẫn dắt con người về phía ngày mai.

Yuma, 26 tháng Tư, 2025
Nguyên Việt