Nguyên Việt: Tắt Đài, Nhưng Không Thể Tắt Tiếng

Một câu hỏi lớn, mang tính cấp bách và dấu ấn của lịch sử, đặt ra cho cộng đồng truyền thông Việt Nam ở hải ngoại hôm nay, khi đối diện với nguy cơ mất đi các cơ quan truyền thông quốc tế quen thuộc suốt nhiều thập kỷ như RFA, VOA hay BBC. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người trong chúng ta đang cảm thấy hoang mang hay thậm chí lo âu trước viễn cảnh này, bởi đó là những “đầu tàu” truyền thông lâu nay vẫn giúp duy trì và bảo vệ dòng thông tin tự do, đa chiều cho người Việt ngoài nước và cả trong nước. Hơn nửa thế kỷ qua, những người làm truyền thông Việt Nam ở hải ngoại đã làm hết sức mình để gìn giữ tiếng nói chung, tiếng nói độc lập phản biện, tiếng nói của lương tri và dân chủ. Tuy nhiên, thành tựu đáng ghi nhận ấy không thể che khuất thực tế nghiệt ngã rằng chúng ta vẫn còn phụ thuộc quá lớn vào nguồn lực bên ngoài, cụ thể là vào các kênh truyền thông quốc tế được hỗ trợ bởi ngân sách chính phủ Hoa Kỳ.
Thực tế này buộc chúng ta phải tự vấn một cách nghiêm túc: Điều gì sẽ xảy ra nếu những cơ quan truyền thông quốc tế này không còn nhận được sự hỗ trợ tài chính và buộc đóng cửa? Gần đây nhất, vào tháng 3 năm 2025, cộng đồng người Việt hải ngoại đã chứng kiến việc ngân sách dành cho các cơ quan truyền thông quốc tế như VOA, RFA bị cắt giảm đáng kể, một động thái xuất phát từ những tranh cãi ngân sách kéo dài trong Quốc hội Mỹ. Đầu năm nay, BBC cũng thông báo giảm quy mô hoạt động nhiều ban ngôn ngữ, trong đó có bộ phận tiếng Việt, do áp lực kinh tế và thay đổi chính sách ưu tiên về truyền thông quốc tế của Anh Quốc. Những sự kiện này là dấu hiệu cảnh báo rất rõ nét sự hỗ trợ vốn lâu nay được xem như hiển nhiên và ổn định, giờ đây trở nên hết sức mong manh.
Đối diện với câu hỏi đó, cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung và giới truyền thông nói riêng chắc chắn sẽ cảm thấy hụt hẫng và bất an. Một nguy cơ hiện rõ trước mắt là chúng ta có thể sẽ “tắt tiếng” khi mất đi chỗ dựa quan trọng nhất, vốn lâu nay vẫn tạo nên không gian diễn ngôn đa dạng, giúp tiếng nói cộng đồng vang xa khắp thế giới. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, chính chúng ta đã quen thuộc với sự hiện diện thường trực của VOA, RFA hay BBC đến mức đôi khi vô tình đánh mất nhận thức rằng mình mới là chủ thể thực sự cần chịu trách nhiệm duy trì và phát triển tiếng nói của chính cộng đồng mình.
Thực tế đã từng có nhiều nỗ lực xây dựng những cơ quan truyền thông độc lập trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Tuy nhiên, nhìn lại kết quả và thực trạng hiện nay, không thể phủ nhận sự yếu kém, rời rạc và thiếu vững bền của những hệ thống ấy. Nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng này không riêng vì nguồn lực kinh tế hay con người, mà sâu xa hơn chính là sự thiếu vắng một tầm nhìn chiến lược rõ ràng, sự đoàn kết cộng đồng và nội bộ cũng như tinh thần trách nhiệm trước sứ mệnh thông tin mà cộng đồng cần có.
Thứ nhất, nói về nguyên nhân lớn nhất chính là sự chia rẽ nội bộ, vốn vẫn luôn là trở ngại dai dẳng trong các tổ chức, hội đoàn người Việt hải ngoại suốt hàng thập kỷ qua. Truyền thông là hoạt động đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất về mục tiêu, sự nhất quán trong lập trường, nhưng thực tế đáng buồn là nhiều tổ chức truyền thông đã hình thành từ những động lực chính trị khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau, dẫn đến sự phân tán nguồn lực, cạnh tranh không lành mạnh và làm suy yếu tổng thể khả năng phát triển.
Thứ hai là thiếu tầm nhìn dài hạn và thiếu đầu tư chuyên nghiệp. Phần lớn truyền thông Việt Nam hải ngoại vận hành với tâm lý ngắn hạn, mang nặng tính thời vụ và phản ứng với các sự kiện chính trị nhất thời hơn là xây dựng nền tảng lâu dài. Các nhà lãnh đạo truyền thông cộng đồng thường thiếu tư duy chiến lược trong việc đào tạo nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất và phát triển hệ sinh thái truyền thông bài bản, dẫn tới sự phụ thuộc nặng nề vào nguồn tin, tài trợ bên ngoài.
Thứ ba, thiếu hụt thế hệ kế thừa và nhân lực có chất lượng cũng là điểm then chốt. Một hệ thống truyền thông vững bền cần sự chuyển giao thế hệ một cách liền mạch và hiệu quả. Nhưng thực tế là lớp trẻ người Việt sinh ra hoặc lớn lên ở nước ngoài phần lớn không quan tâm hoặc không cảm thấy gắn bó với hoạt động truyền thông Việt ngữ, hoặc nếu có thì chưa đủ động lực và cơ hội tham gia một cách sâu rộng và chuyên nghiệp.
Thứ tư, sự phụ thuộc lâu dài vào những cơ quan truyền thông quốc tế như RFA, VOA, BBC khiến cộng đồng rơi vào trạng thái ỷ lại, không cảm thấy cấp thiết phải xây dựng một hệ thống truyền thông độc lập. Sự “tiện lợi” từ các cơ quan truyền thông lớn khiến nhiều tổ chức truyền thông Việt Nam hải ngoại không cảm thấy bức bách phải phát triển những nền tảng riêng, dẫn đến sự trì trệ và tụt hậu.
Cuối cùng, một nguyên nhân sâu xa và tế nhị là sự thiếu vắng một văn hóa tranh luận, đối thoại cởi mở và chuyên nghiệp trong chính cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Thực trạng này khiến các cơ quan truyền thông độc lập khó hình thành môi trường lý tưởng để phát triển một diễn ngôn lành mạnh, chuyên nghiệp, khách quan và đa chiều. Thay vì trở thành nơi thúc đẩy tinh thần đối thoại dân chủ, nhiều cơ quan truyền thông cộng đồng dễ rơi vào tình trạng một chiều, thiếu thuyết phục, làm mất đi sự tin cậy của công chúng.
Nhìn kỹ hơn vào kinh nghiệm của cộng đồng Do Thái tại Hoa Kỳ, ta sẽ thấy được cách họ đã biến truyền thông thành công cụ sắc bén, hiệu quả để bảo vệ bản sắc văn hóa, quyền lợi chính trị và các mục tiêu xã hội. Hệ thống truyền thông của người Do Thái bao gồm các tờ báo lớn, đài phát thanh, truyền hình và đặc biệt là các nền tảng kỹ thuật số được đầu tư rất bài bản và kỹ lưỡng, nhằm tạo ra ảnh hưởng xã hội rộng rãi, định hình được các cuộc thảo luận công khai và chính sách tại nước Mỹ. Họ chủ động xây dựng các quỹ truyền thông riêng, không ngại đầu tư lớn để đào tạo một thế hệ phóng viên, nhà báo và chuyên gia truyền thông trẻ đầy năng lực và cam kết mạnh mẽ với các giá trị cốt lõi của cộng đồng. Chính vì thế, bất kể sự biến động nào từ các nguồn hỗ trợ bên ngoài, truyền thông của cộng đồng Do Thái vẫn luôn đứng vững, mạnh mẽ và có tầm ảnh hưởng lớn.
Tương tự, cộng đồng người Cuba tại Miami, Florida cũng là một ví dụ rất đáng để chúng ta học hỏi. Với xuất phát điểm là những người lưu vong tìm kiếm tự do, người Cuba tại Mỹ nhanh chóng nhận ra rằng để bảo vệ những lý tưởng của mình, họ phải tạo ra được một tiếng nói độc lập, mạnh mẽ, đủ sức ảnh hưởng đến công chúng Mỹ và quốc tế. Những tờ báo như “El Nuevo Herald”, các đài phát thanh truyền hình tại địa phương của họ đều trở thành các trụ cột thông tin quan trọng không chỉ trong cộng đồng Cuba mà còn trong chính trị địa phương và liên bang Mỹ. Điều đáng chú ý là họ luôn ưu tiên đầu tư vào đào tạo các thế hệ phóng viên và kỹ thuật viên truyền thông trẻ, giúp bảo đảm tính kế thừa và phát triển bền vững. Họ tự lập quỹ truyền thông, tự gây quỹ và xây dựng các mạng lưới bảo trợ tài chính cộng đồng thay vì dựa dẫm vào ngân sách bên ngoài.
Một ví dụ khác rất đáng chú ý là cộng đồng người Armenia tại California, Hoa Kỳ. Dù là một cộng đồng nhỏ, nhưng truyền thông của người Armenia lại vô cùng năng động và hiệu quả. Họ biết tận dụng các công nghệ mới như mạng xã hội, các kênh trực tuyến để tạo ra sức ảnh hưởng lớn, không chỉ trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc, mà còn trong việc đấu tranh đòi công lý cho các vấn đề lịch sử và nhân quyền của người Armenia trên trường quốc tế. Cộng đồng này có sự đoàn kết nội bộ rất cao, thể hiện rõ qua các cơ quan truyền thông độc lập như báo chí, các chương trình phát thanh, podcast, video trực tuyến, tất cả đều do chính các cá nhân và tổ chức cộng đồng tài trợ.
Bấy giờ, đây là thời điểm để cộng đồng Việt Nam hải ngoại khẳng định vị thế của mình, không chỉ là tiếng nói của những người lưu vong mà còn là một thành phần trí tuệ, văn hóa, chính trị mang tầm vóc quốc tế. Không còn thời gian để hoài nghi hay chờ đợi. Chính chúng ta, những người Việt khắp năm châu, phải bước đi bằng nội lực của mình, hành động quyết liệt, tự tin và trách nhiệm trước lịch sử. Hành động của chúng ta hôm nay sẽ không những quyết định tương lai gần, mà còn đặt nền móng vững chắc cho tương lai lâu dài của chính cộng đồng và của quê hương Việt Nam thân yêu.
Dẫu ngày mai, vì bất kỳ lý do gì, các cơ quan truyền thông quốc tế như VOA, RFA hay BBC không còn hiện diện, cộng đồng người Việt tự do vẫn không vì thế mà chìm vào im lặng. Chúng ta có thể “tắt đài,” nhưng tuyệt đối không bao giờ “tắt tiếng.” Bởi vì tiếng nói của sự thật, của lương tri và khát vọng dân chủ không bao giờ lệ thuộc vào một phương tiện hay một ngân sách nào cả. Tiếng nói ấy sẽ vẫn vang lên từ chính nội lực, lòng can đảm và sự quyết tâm của mỗi người Việt tự do trên toàn thế giới. Và điều này sẽ mãi mãi không thay đổi, bất chấp mọi hoàn cảnh lịch sử.
Yuma, ngày 31 tháng Ba năm 2025
Nguyên Việt