Nhã Duy: Kamala Harris và các vấn đề Việt Nam
Trái: Kỹ sư, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, phải: Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng. Cả hai vừa được ra tù trước thời hạn ngay trước chuyến đi Mỹ của ông Tổng Bí thư đảng CSVN, Chủ tịch nước Tô Lâm. Nguồn ảnh: internet.
Việc nhà hoạt động dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức được nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do trước thời hạn có lẽ là một trong những vấn đề đã được nội các chính quyền Biden-Harris quan tâm và vận động từ năm 2021.
Dù đã có một số tù nhân lương tâm đã được trả tự do, được cho phép xuất cảnh đến Hoa Kỳ hoặc một số nước phương Tây trong vài năm qua, có thể thấy là việc thương lượng riêng cho trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức đã không có kết quả cho đến khi Chủ tịch Tô Lâm chuẩn bị sang Mỹ sắp tới.
Để chứng minh cho nhận định này, có lẽ cần quay lại chuyến công du của Phó Tổng Thống Kamala Harris, phó tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên sang Việt Nam kể từ sau bang giao giữa hai quốc gia vào tháng 8 năm 2021.
Trước khi bà Kamala Harris sang Việt Nam, tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã đăng tải thông cáo về quan hệ đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trên trang mạng của mình, trong đó vấn đề về nhân quyền và xã hội dân sự được viết theo sau:
(Trích)
Nhân quyền và Xã hội Dân sự:
“Chính quyền Biden-Harris coi nhân quyền là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Theo đó, trong thời gian thăm Việt Nam, Phó Tổng thống Harris đã nhấn mạnh vai trò thiết yếu của xã hội dân sự đối với sự phát triển toàn cầu.
Thúc đẩy xã hội dân sự và vận động chính sách cấp cơ sở: Hoa Kỳ ủng hộ xã hội dân sự của Việt Nam và vận động cho quyền tự do ngôn luận, tín ngưỡng và lập hội ở Việt Nam – quan điểm mà Phó Tổng thống Harris đã bày tỏ tại các cuộc gặp với lãnh đạo Chính phủ. Ngoài ra, Phó Tổng thống Harris sẽ tổ chức một cuộc gặp mặt vào ngày 26 tháng 8 với đại diện của các nhóm vận động cấp cơ sở, tại đây bà sẽ nhấn mạnh vai trò quan trọng của xã hội dân sự như một động lực của phát triển bền vững và thịnh vượng toàn diện.” (https://vn.usembassy.gov/vi/to-thong-tin-tang-cuong-quan-he-doi-tac-toan-dien-hoa-ky-viet-nam/)
Vấn đề nhân quyền là một cản trở lớn trong việc nâng cấp quan hệ hai bên, được Giáo sư Carl Thayer chỉ ra trong chuyến đi của Phó Tổng thống Kamala Harris rằng: “Một trong những vấn đề là nhân quyền, vì bà Harris thuộc Đảng Dân Chủ và bà là một người cấp tiến. Tôi được những viên chức quốc phòng Hoa Kỳ cho biết rằng vấn đề nhân quyền đã được Bộ trưởng Austin nêu lên.” (Chú: Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin công du Việt Nam vào tháng 7 năm 2021.)
Và bà Harris đã không ngần ngại trao đổi về các vấn đề được xem là “tế nhị” này ngay tại Việt Nam. Theo bản tin trên đài RFA đăng ngày 26/08/2021, RFA tường trình và dẫn lời bà Harris theo sau: “Tại cuộc họp báo vào chiều ngày 26/8 ở Hà Nội, bà Harris khẳng định: “Tôi cũng nêu vấn đề nhân quyền trong các cuộc họp của mình và nói rõ tầm quan trọng mà Hoa Kỳ đặt ra đối với nhân quyền. Chúng tôi sẽ luôn sống đúng với giá trị của mình và sẽ không né tránh lên tiếng ngay cả khi những cuộc trò chuyện đó có thể khó thực hiện và có lẽ khó nghe.” (RFA)
Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam hay với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói chung thì vấn đề nhân quyền và dân chủ luôn được các nội các phía đảng Dân Chủ đặt ra và vận động, thương lượng trong các mối quan hệ song phương.
Đồng thời phía Dân Chủ cũng lên tiếng mạnh mẽ trong vấn đề tự do hàng hải, lên án thái độ hiếp đáp của Trung Quốc trong khu vực, thay vì chỉ chú trọng riêng vấn đề giao dịch thương mại.
Trong cùng thông cáo từ Đại Sứ Quán Hoa Kỳ đã dẫn, Hoa Kỳ cũng tuyên bố thông qua chuyến công du của bà Kamala Harris rằng, “Mối quan hệ an ninh giữa hai nước đã mở rộng mạnh mẽ trong khi Hoa Kỳ ủng hộ nền độc lập và chủ quyền của Việt Nam, nhất là ở lĩnh vực hàng hải…Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam tăng cường khả năng thực thi pháp luật và an ninh biển của mình.”
Tại Việt Nam, bà Harris thẳng thắn bày tỏ quan điểm về Trung Quốc rằng, “Chúng ta cần tìm cách gây áp lực và gia tăng áp lực một cách thẳng thắn rằng, Bắc Kinh phải tuân thủ công ước quốc tế về luật biển, đồng thời thách thức hành vi bắt nạt và yêu sách hàng hải quá đáng của họ.”
Cam kết về vấn đề dân chủ và nhân quyền, cùng các yêu cầu và áp lực phía Việt Nam trao trả tự do cho các tù nhân lương tâm của bà Kamala Haris đã được Trần Huỳnh Duy Thức tái xác nhận. Trên trang facebook Trần Huỳnh Duy Thức, thông điệp của anh được gia đình đưa lên mạng vào ngày 15 tháng 9 năm 2024, chỉ vài ngày trước khi anh được trả tự do, được viết nguyên văn theo sau:
(Trích) “HOA KỲ RẤT QUAN TÂM TÙ CHÍNH TRỊ VIỆT NAM
Ngày 28/8 vừa rồi, một phái đoàn của chính phủ Mỹ đã bay trực tiếp từ thủ đô Washington DC để vào Trại 6 gặp tù nhân lương tâm Bùi Văn Thuận.
Phái đoàn Đại sứ quán Mỹ sẽ quay trở lại gặp Thức, thông báo là Thức cần gặp gấp.
Ngày 3/11/2021 đại diện Tòa đại sứ Mỹ ông MATHERN STANNARD đã vào Trại 6 thăm Thức theo lệnh của bà Phó Tổng Thống Kalama Harris, hôm đó hai bên đã có những trao đổi thú vị.
Mỹ đang tấp cập triển khai để hoàn thành các đích nhắm của chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và cởi mở trong một đích nhắm trong đó là thúc đẩy để Việt Nam bước thành công vào quỹ đạo dân chủ để liên minh quốc phòng vì hòa bình và thịnh vượng cho cả hai nước và trên thế giới. Trong đích nhắm nầy hẳn là Mỹ sẽ phải chú tâm đến mục tiêu hỗ trợ cho lực lượng đối lập ôn hòa.” (hết trích) (https://www.facebook.com/tranhuynhduythuc).
Với một vài điều đã dẫn bên trên, nếu đắc cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 tới đây, có thể thấy là Phó Tổng Thống Kamala Harris sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách ngoại giao với Việt Nam tương tự như các nội các đảng Dân Chủ tiền nhiệm.
Bên cạnh việc giúp đỡ, viện trợ về y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân Việt Nam, tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng với chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trước thái độ bá quyền của Trung Quốc trong khu vực, Hoa Kỳ đồng thời vẫn sẽ tiếp tục sử dụng các quy chế thương mại để thương lượng, thúc đẩy vấn đề dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.
Những điều này hoàn toàn có lợi cho người dân Việt Nam và phong trào dân chủ tại Việt Nam.
Nhã Duy