Nhật Hiên: Những người đón cái Tết đầu tiên xa quê hương
Năm 2023 như nhiều người đánh giá, là một năm tiếp tục tình trạng nhân quyền u ám của Việt Nam. Báo cáo Nhân quyền Việt Nam 2022-2023 của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHR), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại California – Hoa Kỳ, cho biết, chỉ riêng trong năm 2023 (và chỉ tính đến ngày 15/10/2023) số tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo bị bắt là 36 người, trong đó bao gồm các nhà báo, blogger, YouTuber, nhà hoạt động xã hội, nhà hoạt động môi trường, tín đồ của các tổ chức tôn giáo độc lập…Còn theo báo cáo của Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), Việt Nam nằm trong số năm quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nhất thế giới trong năm 2023 với tổng số 19 nhà báo, chỉ đứng sau các nước Trung Quốc, Myanmar, Belarus và Nga. Đó là nguyên nhân vì sao tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) đã xếp hạng tự do báo chí của Việt Nam năm 2023 gần “đội sổ” – 178/180 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, chỉ trên Trung Quốc và Triều Tiên. Còn về tự do tôn giáo thì Việt Nam tiếp tục bị Bộ Ngoại giao Mỹ liệt vào danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) năm thứ hai liên tiếp.
Trước tình trạng chế độ độc tài ngày càng trở nên hà khắc, một số người bất đồng chính kiến, luật sư nhân quyền đã phải tiếp tục bỏ nước ra đi. Có người như luật sư Võ An Đôn, hai vợ chồng cựu tù nhân lương tâm/tù nhân chính trị Huỳnh Anh Tú – Phạm Thanh Nghiên ra đi chính thức theo diện tỵ nạn chính trị đến Hoa Kỳ từ phi trường tại Việt Nam; có người như nhà hoạt động, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển được đưa thẳng từ trại giam Gia Trung, Gia Lai đến phi trường Tân Sơn Nhứt sau đó lên đường đi tỵ nạn ở Đức, nhờ sự lên tiếng của các tổ chức xã hội dân sự người Việt ở nước ngoài và nhiều tổ chức quốc tế. Nhưng cũng có những người phải tìm cách đào thoát sang Thái Lan để tránh bị bắt sau đó mới được chấp nhận tỵ nạn ở nước thứ ba như Thạc sĩ Công nghệ thông tin, cựu tù nhân chính trị Nguyễn Tiến Trung hiện đang ở Đức, 3 luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Đào Kim Lân hiện đang ở Hoa Kỳ…
Tâm trạng của tất cả những người mới đặt chân đến một đất nước xa lạ có lẽ đều giống nhau – vui buồn lẫn lộn, vui vì an toàn, tự do ở nước người, buồn vì phải xa Việt Nam.
Luật sư Võ An Đôn tâm sự: “Thú thật, từ nhỏ đến lớn tôi chưa bước chân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam…Khi đặt chân đến nước Mỹ tâm trạng của tôi rất hồi hộp, lo âu, không biết những ngày tháng tới cuộc sống của tôi và gia đình sẽ thế nào? Nhưng rất may mắn, tôi được tổ chức Canopy của chính phủ Hoa Kỳ lo cho mọi thứ từ đi lại, nhà ở, thực phẩm, khám sức khoẻ và làm các loại giấy tờ, tất cả mọi thứ đều miễn phí hoàn toàn”.
Gia đình thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung từ lúc đặt chân đến nước Đức vào tháng 12/2023 cho đến nay đang ở trong trại tị nạn của thành phố Cologne. Mọi nhu yếu phẩm đều được chính phủ Đức cung cấp, không phải tốn tiền.
Nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển chưa hết niềm vui được đoàn tụ với vợ, chị Bùi Thị Kim Phượng, sau hơn 6 năm cầm tù, thì lại có thêm một niềm vui “bất ngờ” khác. Trước đây khi còn ở Việt Nam, ngày 18/2/2014 lẽ ra là ngày đám cưới của hai anh chị nhưng ngày 9/2/2014, anh bị bắt. Sau khi người cuối cùng trong vụ án ra tù vào tháng 2/2017, các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế và thân hữu muốn tổ chức lại đám cưới cho hai người vào tháng 8 hay 9/2017 nhưng anh lại bị bắt lần hai vào ngày 30/7/2017, và ngồi tù từ đó cho đến khi sang Đức tỵ nạn. Khi hai vợ chồng đi dự Hội nghị Cấp bộ trưởng về Tự do Tôn giáo hay Niềm tin tại Prague, Séc, nhân có buổi tiệc của tổ chức xã hội dân sự BPSOS chiêu đãi các khách mời, một số người thân thiết, quen biết với hai người đề nghị cùng làm lễ “ra mắt hai họ” cho anh Truyển và chị Phượng. Thế là “buổi lễ diễn ra rất lạ lùng và vui vẻ”, theo lời anh.
Và cái Tết Giáp Thìn 2024 này là lần đầu tiên họ đón Tết trên xứ người. Luật sư Nguyễn Văn Miếng nói: “Đây là lần đầu tiên tôi và gia đình ăn Tết xa quê hương. Rất nhớ không khí Tết nơi quê nhà. Ngày Xuân là ngày sum họp, ai đi xa cũng quay trở về”. Luật sư Võ An Đôn cũng tâm sự rất buồn và nhớ về quê nhà, vì “Nơi tôi đang ở rất ít người Việt sinh sống, không có một chút gì gọi là không khí ngày tết.” Nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển lại có tâm trạng khác: “Đã từ rất lâu tôi không còn háo hức chờ đón Tết. Do đặc thù công việc kinh doanh trước đây, tôi vẫn phải làm việc khi mà nhân viên đã về quê ăn Tết.
Sau này khi gặp vợ tôi, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thuần chay tại vùng châu thổ sông Cửu Long, thì việc đón Tết quá đơn giản. Chuẩn bị một vài món bánh mứt uống nước trà khi có Quý đồng đạo và bạn bè đến thăm, trồng bông trong sân nhà…Gần 10 năm sống trong tù, tôi đã đón những cái Tết rất bình thường”.
Nói về việc chuẩn bị và có kế hoạch gì cho ngày Tết, luật sư Võ An Đôn: “Ở đây mọi thứ đồ trong siêu thị đều là món ăn tây, không có món ăn truyền thống Việt Nam, không bánh chưng, bánh tét, không kẹo mứt Việt Nam. Do đó, gia đình tôi cũng không chuẩn bị Tết nhất hay có kế hoạch gì, mọi thứ đều như ngày thường, ngày tết chỉ diễn ra trong tâm trí và nỗi nhớ về quê nhà”. Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung: “Tết này gia đình tôi sẽ đi Berlin để thăm và gặp gỡ một số người bạn, cũng như cảm ơn Bộ Ngoại Đức đã hết lòng giúp đỡ gia đình tôi đến được Đức tị nạn trong thời gian sớm nhất, rời xa chỗ nguy hiểm là Thái Lan và Việt Nam”.
Còn hai vợ chồng nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển thì đi dự tiệc tất niên với đồng bào người Việt tị nạn tại một ngôi trường dạy tiếng Việt, thành phố Offenbach (bang Hessen, Đức).
May mắn được đến ngụ cư tại những quốc gia tự do, dân chủ, những người ra đi đều nặng lòng ưu tư khi nghĩ đến tương lai của đất nước, dân tộc Việt Nam, nhất là hoàn cảnh của những tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị trong lao tù của chế độ. Chính vì vậy bên cạnh việc ổn định cuộc sống, hội nhập xã hội trên vùng đất mới, ai cũng muốn có thể tiếp tục những công việc, hoạt động dân chủ, nhân quyền đã làm khi còn ở trong nước. Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung: “Chắc chắn là tôi vẫn tiếp tục công cuộc vận động dân chủ hóa Việt Nam bằng cách này hay cách khác. Dân tộc Việt Nam không bao giờ có thể phát triển bền vững và tôn trọng nhân quyền dưới chế độ độc đảng toàn trị”. Luật sư Võ An Đôn: “Tôi đang kêu gọi các luật sư tị nạn tại Mỹ thành lập Đoàn luật sư Việt Nam hải ngoại, với mục đích tư vấn pháp luật, soạn thảo đơn từ miễn phí cho người dân trong nước, đồng thời thành lập “phiên toà nhân dân” để xét xử tội ác của các quan chức cộng sản theo luật hình sự Việt Nam”.
Cũng như vậy, các luật sư Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng đều cho biết mặc dù không có ý định tiếp tục hành nghề luật sư tại Hoa Kỳ, nhưng với kinh nghiệm nghề nghiệp họ vẫn tiếp tục hỗ trợ những nhà hoạt động trong nước trong khả năng, tiếp tục dấn thân để thực hiện lý tưởng và những giá trị đã từng theo đuổi.
Xin chúc tất cả những người bất đồng chính kiến phải rời đất nước đón cái Tết đầu tiên ấm cúng trên xứ người và mau chóng ổn định cuộc sống mới…Nhưng câu hỏi đọng lại nhức nhối là bao giờ, biết đến bao giờ, Việt Nam mới là nơi “đất lành chim đậu”, với dòng người đổ về theo chiều ngược lại?
Nhật Hiên.
——————
- https://www.vietnamhumanrights.net/viet/documents/Baocao_2022_2023_net.pdf
- https://cpj.org/reports/2024/01/2023-prison-census-jailed-journalist-numbers-near-record-high-israel-imprisonments-spike/
- https://rsf.org/en/index