Niệm Từ: Sư Minh Tuệ: Niềm Tin và Chính Kiến Tôn Giáo

Đoàn sư Minh Tuệ rời đất Lào sang Thái Lan ngày 31/12/2024. Hình trên FB Võ Hồng Ly.

“Con không phải là sư, là thầy gì cả. Con chỉ là một công dân Việt Nam đang học tập theo con đường của Phật. Con không có học trò, cũng không thuyết pháp vì bản thân con học chưa xong. Chỉ khi nào con thành tựu chánh đẳng, chánh giác thì lúc đó con mới dám hoá độ cho mọi người. 

Con không mời ai đi theo con mà cũng không xua đuổi ai cả, ai đi cùng là việc của họ mà không đi tiếp cũng là việc của họ!”  (Lời sư Minh Tuệ)

Hình ảnh một nhà sư mặc y phục nhiều màu chắp vá, cạo đầu, ôm ruột nồi cơm điện, đi chân trần độc hành trên những con đường Bắc-Nam của Việt Nam đã thu hút nhiều sự ngưỡng mộ của Phật tử trên mạng xã hội. Khoảng đầu tháng 5, 2024 hàng trăm rồi hàng ngàn người dân từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Trị, Thừa Thiên… tạo thành một làn sóng người dân ngưỡng mộ, sùng bái cuộc bộ hành của sư Minh Tuệ và cả tăng đoàn. Dọc theo những con đường đoàn bộ hành sư Minh Tuệ đi qua, Phật tử, người dân đủ mọi thành phần tuổi tác đã quỳ lạy để đảnh lễ và dâng cúng thức ăn chay cho cuộc khất thực của đoàn. Chính quyền địa phương phải huy động một số đông cảnh sát, công an để tránh những ùn tắt giao thông và an ninh trật tự cho những đoạn đường đoàn bộ hành sư Minh Tuệ đi qua. Mạng xã hội Việt Nam đã có nhiều tán thán, danh xưng dành cho sư Minh Tuệ như bậc chân tu, A La Hán, Phật sống… gây nhiều tranh cãi và dư luận trái chiều, thậm chí phỉ báng, mỉa mai của các nhà sư trong các chùa, hàng giáo phẩm chỉ trích cách tu của sư Minh Tuệ!

Ngày 16-5, 2024 Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ cùng chính thức có văn bản về trường hợp “sư Thích Minh Tuệ” [1]. Trong đó: 

“… khẳng định người đàn ông này không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

… Người đàn ông này có tên là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình ông Lê Anh Tú sinh sống tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Ông Lê Anh Tú sau khi từ bỏ công việc đo đạc địa chính tại tỉnh Phú Yên đã thực hiện một vài lần đi bộ hành từ Khánh Hòa ra các tỉnh phía Bắc và ngược lại.”

Văn bản khuyến cáo:

“… Tuy nhiên, lần này một số người dùng mạng xã hội đã sử dụng hình ảnh đi bộ của ông Lê Anh Tú tạo sự hiếu kỳ, thu hút nhiều người dân đi theo, tạo nên hiệu ứng câu views và có nhiều bình luận xuyên tạc đời sống tu hành của tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam…

… Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố có thông báo tới đông đảo phật tử và nhân dân được biết để không ngộ nhận ông Lê Anh Tú là nhà sư;

Liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

Điều gì đã đưa hình ảnh nhà tu độc hành, ngày ăn chay một bữa, đêm ngủ nghĩa địa nhà hoang, không tiền, không chùa, không đệ tử, cũng không dùng mạng truyền thông nào… nhưng đã có ảnh hưởng lớn đến đám đông quần chúng và mạng xã hội đến như vậy? Phải chăng những ngôi chùa hoành tráng, uy nghi, những buổi thuyết giảng Phật pháp trên mạng có trăm Phật tử kính cẩn ngồi nghe bên dưới, những hình ảnh bao vị “cao tăng” với áo cà sa vàng mướt óng ánh… đã dần mờ nhạt trước vị tu sĩ “ba y một bát chân trần”, lang thang trên nhhững nẻo đường đất nước? Sự phủ nhận sư Minh Tuệ không phải là một nhà sư thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam không những không giảm sự ngưỡng mộ mà còn tăng thêm lòng sùng bái, tôn kính của người dân, Phật tử. Từng đoàn người chờ đón, theo sau tăng đoàn sư Minh Tuệ lên đến hàng trăm, hàng ngàn người tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên… cho thấy tiếng nói của tổ chức tôn giáo của giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không thuyết phục được lòng tin của quần chúng Phật tử. 

Đến trưa ngày 3 tháng 6, 2024 ban tôn giáo chính quyền Việt Nam ra thông báo ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân nên tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực.

Sư Minh Tuệ và đoàn người đi bộ khất thực đã được bí mật giải tán ngay trong đêm 2 tháng 6, 2024 tại thôn Hải Cát, xã Hương Thọ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên, trong đó có cả các Youtuber, Tiktoker. Cuộc bộ hành xuyên Việt của sư Minh Tuệ và tăng đoàn thật sự chấm dứt bằng sự phủ nhận của giáo hội Phật giáo và tiếp tay can thiệp của chính quyền Việt Nam. 

Tuy không kéo dài nhưng đám đông ngưỡng mộ, sùng bái đã lên đến con số mà chính quyền phải dùng đến biện pháp cưỡng bức để giải tỏa mối “đe dọa, nguy cơ an ninh trật tự xã hội” này!

Hiện tượng sư Minh Tuệ ngoài phản ứng của “hiệu ứng đám đông” trên mạng xã hội, còn cho chúng ta thấy được một vấn đề mấu chốt, quan trọng hơn trong đời sống tinh thần của người dân. Đó chính là sự khủng hoảng và khao khát niềm tin của quần chúng suốt 70 năm (1954-2024) trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa trên đất nước Việt Nam. Họ không còn tin tưởng vào những chủ trương, đường lối bằng khẩu hiệu, độc đoán, bất công chỉ xoay quanh việc bảo vệ cho quyền lợi và sự lãnh đạo độc quyền của đảng. Họ đã quá nhàm chán, thất vọng với những bài giảng, thuyết pháp của các vị sư trên các tòa bục giảng lộng lẫy, trong những ngôi chùa hoành tráng bằng tiền từ thiện, đóng góp của bá tánh Phật tử. Họ đã quá chịu đựng niềm tin bị cưỡng chế, lãnh đạo bởi ban tuyên giáo của đảng, nhà nước và mục tiêu chính trị của giáo hội Phật giáo Việt Nam “vì tổ quốc xã hội chủ nghĩa” hành đạo. 

Nhân dân, Phật tử Việt Nam khao khát một niềm tin thật sự dựa vào lòng từ bi, nhân ái đi ngoài mọi giá trị vật chất tầm thường, mọi lời thuyết pháp hoa mỹ… bằng một hình tượng có thật tầm thường, giản dị nhưng mang một giá trị tâm linh, tín ngưỡng cao. Sư Minh Tuệ và hạnh tu của ông đã đáp lại những khao khát này của người dân, Phật tử Việt Nam. Sự đố kỵ, ganh ghét của giáo hội Phât giáo và sự lo lắng sức ảnh hưởng xã hội của chính quyền Viêt Nam là điều tự nhiên và dễ hiểu. Phải chăng sư Minh Tuệ chỉ là một hiện tượng xã hội, sự khủng hoảng và lòng khao khát niềm tin của quần chúng Phật tử Việt Nam mới là bản chất của vấn đề? 

Nhưng cho dù thế nào, ở góc cạnh nào trong mọi đối nghịch của cuộc sống con người, hình ảnh giản dị đơn thuần của sư Minh Tuệ như lột trần những hình thức giả tạo của một số tu sĩ Phật giáo lợi dụng sống bám vào niềm tin của bá tánh, rao giảng những lời pháp thoại đầy mê tín. Giản dị đến không còn giản dị hơn, kham khổ để không có kham khổ hơn, kiên nhẫn để có được cái người thường khó đạt tới… là kết quả học tập theo lời Phật dạy.

Để áp dụng mọi nguyên lý của hiện tượng mạng xã hội, của hiệu ứng đám đông, chính quyền Việt Nam (và cả ban trị sự giáo hội Phật giáo) áp tải sư Minh Tuệ và các thành viên trong tăng đoàn về quản lý tại địa phương. Trong một thời gian dài, “sự ẩn tu tự nguyện” của sư Minh Tuệ vẫn tiếp tục thu hút sự tò mò, ngưỡng mộ của người dân trong cả nước kéo về Gia Lai, khiến kế hoạch dập tắt hiện tượng sư Minh Tuệ không thành công như ý định… Vào ngày 12 tháng 12, 2024 sư Minh Tuệ xuất hiện tại cửa khẩu Lào với một tâm nguyện “bộ hành về đất Phật”, Ấn Độ! Đi cùng đoàn có 5 vị sư nhỏ, 2 hộ tống là ông Đoàn Văn Báu và Youtuber Lê Khả Giáp. Ông Đoàn Văn Báu là cựu thượng tá công an có bằng tiến sĩ xã hội tội phạm và từng giảng dạy tại trường công an nhân dân Việt Nam. Lê Khả Giáp là một Youtuber khá nổi tiếng đã từng bộ hành một mình qua nhiều quốc gia đông nam Á như Lào, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan,…   

Hiện nay đoàn “về đất Phật” của sư Minh Tuệ đang bộ hành tại Thái Lan, có thêm vài thay đổi nhân sự gồm 8 vị sư và 3 hộ pháp (Báu, Giáp và Lê Quang Hà một cựu trung tá trong quân đội nhân dân Việt Nam). Nói về vai trò của mình trong đoàn bộ hành, ông Báu đã cho biết qua cuộc phỏng vấn với đài BBC Tiếng Việt [2] rằng ông là trưởng đoàn “Thứ nhất là do sự ủy quyền của sư Minh Tuệ. Thứ hai, là từ các cơ quan chức năng, họ cũng đã ghi nhận bằng biên bản. Đồng thời, họ có văn bản đề cử trưởng đoàn”.  

Khi được hỏi ông có coi bản thân mình là một người bảo vệ chính thức của sư và chịu trách nhiệm cho sự thành công của chuyến bộ hành này hay không, ông Báu trả lời: 

“Tôi đã phát nguyện và nhận được sự đồng ý của sư, bố mẹ sư, các cơ quan chức năng ở Việt Nam.

Tôi cũng đã phát nguyện rằng, bất kỳ điều gì không hay xảy ra với sư Minh Tuệ, tôi đều chịu trách nhiệm.

Ngay cả khi phải hy sinh tính mạng thì tôi vẫn bảo đảm cho sự thành công của chuyến bộ hành. Sư còn, tôi còn. Sư mất, tôi mất” [3]

Như vậy ngoài sự ủy quyền của sư Minh Tuệ, ông Đoàn Văn Báu còn chính thức được cơ quan chức năng chính quyền Việt Nam đề cử làm trưởng đoàn có văn bảng xác nhận! Có lẽ đây là lần đâu tiên trong nhiều năm lịch sử, một tăng đoàn Phật giáo bộ hành ra khỏi Việt Nam đến Ấn Độ có sự “hộ tống” của chính quyền: một cựu thượng tá công an và một trung tá quân đội nhân dân! Mặc dù cả hai đều “tự phát nguyện” bằng văn bản đồng ý, xác nhận của chính quyền Việt Nam. Điều này nói lên sư quan trọng của đoàn bộ hành hay sự áp tải do hiệu ứng đám đông cộng đồng mạng, lòng khao khát niềm tin của quần chúng Phật tử đi ngoài sự kiểm soát của ban tuyên giáo đảng và phủ nhận của giáo hội Phật giáo Việt Nam? Có lẽ còn quá sớm để có được câu trả lời thỏa đáng… 

Còn sư Minh Tuệ, trong cuộc phòng vấn của đài BBC, sư cho biết quyết định sang Ấn Độ vì 

“Tất cả đều do duyên. Đủ duyên thì đi. Chưa đủ duyên thì chưa đi. Nhưng cho đến thời điểm này, con thấy, đã đủ duyên rồi….

… Đi ra nước ngoài, thế giới, thì sẽ học được nhiều hơn. Đi nhiều, học nhiều…Có đi mới mở mang được, mới có thêm kinh nghiệm được. Chớ ở nhà, trong lũy tre làng, chẳng thể thoát được”. 

Khi được hỏi đủ duyên là như thế nào, sư Minh Tuệ trả lời:

“Lúa chín rồi thì mình gặt kẻo lúa rụng. 

Mình đang trẻ khỏe, ở Việt Nam thì mình đi rồi. Và đi lại ở Việt Nam, thì cũng hơi khó khăn. Nếu có cơ hội ra ngoài thoải mái hơn, và mình đủ điều kiện thì mình nên đi. Mai mốt già, sức khỏe không cho phép, hoặc như vừa rồi, bệnh dịch tới, lại khó để đi. Nếu đã đủ duyên, hợp thời, mình nên đi khi sức khỏe mình đang tốt nhất…”

Cũng theo lời của ông Báu, khi đoàn đến Ấn Độ thành công an toàn, ông sẽ trở về Việt Nam và sư Minh Tuệ sau khi viếng thăm bốn thánh tích lịch sử của Phật, sẽ ẩn tu tại núi Himalaya, nhưng khi phóng viên BBC hỏi sau khi đến Ấn Độ, sư có dự định gì tiếp theo, thì sư Minh Tuệ không khẳng định sẽ ở lại, sẽ ẩn tu hay sẽ trở về. Sư chỉ nói: 

“… Con chưa biết. Đi đâu, đến đâu, con không nói trước. 

Quay về Việt Nam cũng tốt đẹp, nhưng cần hữu duyên. Quay về hay không quay về Việt Nam, cũng đều tốt đẹp. Việc ấy, không nhất thiết. Vẫn còn duyên thì quay về.

Việc bộ hành thế giới cũng thế, phải đủ điều kiện, và không nhất thiết. 

Ngày hôm nay, bộ hành cái đã. Ngày mai, nếu mà mình còn thở thì tiếp tục” [4]

Chuyến bộ hành của đoàn sư Minh Tuệ còn dài. Nhiều sự biến đổi, đối diện với hoàn cảnh hiện thực qua từng quốc gia khác nhau vẫn còn trước mắt. Mục đích thật sự của chuyến đi vẫn còn là câu hỏi chưa có câu trả lời ở đích đến. Trong nền công nghiệp hiện đại, hình ảnh bộ hành, sinh hoạt hằng ngày của đoàn sư Minh Tuệ đều được ghi nhận, đăng tải cập nhật hằng ngày trên các mang truyền thông xã hội bởi những Youtuber, Tiktoker… Quần chúng, Phật tử quan tâm, ngưỡng mộ đều đang dõi theo đoàn bộ hành về đất Phật của sư Minh Tuệ. Những phản ứng khác biệt về ý niệm tôn giáo, thành kiến và mục tiêu chính trị vẫn sẽ còn tiếp tục lên tiếng trên mọi phương tiện truyền thông trong và ngoài nước. Đoàn bộ hành sư Minh Tuệ vẫn tiếp tục “ăn lúa xong ta lại lên đường / mặc cho kẻ thợ săn than khóc” (Tiểu Bộ Kinh – Khuddaka Nikaya). 

Cuộc bộ hành dài đến đất Phật cho niềm tin, sự an lạc, buông bỏ tham sân, si… tìm đến chánh pháp, sư giác ngộ qua hình ảnh của tăng đoàn sư Minh Tuệ giữa thế kỷ công nghiệp hiện đại, vật chất tiện nghi là nhu cầu không thể thiếu của con người. Hay đây chỉ là hiện tượng ngẫu nhiên và hiệu ứng đám đông của cộng đồng mạng xã hội đã đáp ứng được sự khủng hoảng, khao khát niềm tin của quần chúng, Phật tử?

Hình ảnh đoàn bộ hành sư Minh Tuệ được chính quyền nhà nước Việt Nam vinh quang với sự yểm trợ và hộ tống của hai cán bộ cấp tá công an, quân đội nhân dân trong sứ mệnh tìm về đất Phật. Hay chỉ là cách hành động nhằm xoa dịu quần chúng, Phật tử trong chiến dịch đưa tăng đoàn sư Minh Tuệ lưu vong về vùng đất Phật, hoặc bất cứ nơi đâu trên thế giới ngoài Việt Nam? Mọi sự quan tâm, phỏng đoán của người yêu quý hoặc đả kích hình ảnh đoàn bộ hành sư Minh Tuệ vẫn đang đặt nhiều nghi vấn, bàn luận, ca ngợi, phỉ báng… trước bao nhiêu dữ kiện hoạt động của chuyến đi dài được đăng tải hằng ngày hằng giờ trên nhiều phương tiện truyền thông mạng xã hội. 

Hành trình còn đang tiếp diễn ở Thái Lan. Đất nước kế tiếp, Myanmar đang có cuộc nội chiến khói lửa chờ đơi bước chân đi qua của đoàn bộ hành. Không gian vẫn mở rộng và thời gian không có giới hạn, mong mọi tốt đẹp nhất cho đoàn bộ hành sư Minh Tuệ… 

Niệm Từ

——————-

[1] Trung ương GHPGVN thông báo người được gọi là “Sư Thích Minh Tuệ” không phải là tu sỹ Phật giáo. Phật Sự 

[2] Ông Đoàn Văn Báu: vì sao đi cùng sư Minh Tuệ và đi để làm gì?, BBC

[3] Ông Đoàn Văn Báu nói gì về những đồn đoán trên mạng?, BBC[4] Sư Minh Tuệ trả lời BBC: ‘Họ hoan nghênh hay đánh đập, bắt nhốt thì con cũng thấy như nhau’, BBC