Phạm Tín An Ninh: Từ Sương Biên Thùy đến Lê Mai Lĩnh

Năm đang học lớp Đệ Nhị C trường Trung học Võ Tánh Nha Trang, bọn tôi nghe bạn bè xầm xì có một “ông” học trò mới chuyển từ trường Nguyễn Hoàng, Quảng Trị vào học lớp Tam C. Thời ấy đặc biệt ở các lớp Ban C có nhiều giai nhân, nên đám nam sinh thường hay ngắm nghé. Nghe nói gã từ miền giới tuyến Đông Hà hay Gio Linh gì đó mới trôi dạt vào đây. Không biết tên là gì, nhưng thấy gã lúc nào cũng ăn mặc “à la mode”, choàng áo vest, mang giày da bóng loáng có cái đế kêu cộp cộp, trong lúc hầu hết bọn tôi chỉ mang sandal hay dép Nhật. Đã vậy gã lại thường vào lớp trễ, nên học trò trong lớp đang ngồi chờ giáo sư, đều nhổm đứng lên chào, bởi nghe tiếng đế giày thong thả nện xuống nền ciment ngoài hành lang, cứ tưởng là thầy giáo đến! Chắc có nhiều tiếng rủa thầm trong miệng. Đã vậy gã ta lúc nào cũng ngước mặt nhìn trời, xem mấy lớp đàn anh cứ như cỏ rác.

Cùng năm ấy, còn có một “ông” khác, không biết vì sao bỏ “sào huyệt” từ cố đô Huế vào học lớp đệ Tứ, chuyên “xách động” bãi khóa biểu tình chống chế độ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tình nguyện đứng dưới trướng một cô cùng lớp Tam C của ông Quảng Trị, rất phong độ nên sau đó cô nàng nổi tiếng với cái tên “Nữ Hoàng Xuống Đường”.  Ông gốc Huế này, mới nghe cái tên, ai cũng biết. Đó là ông Trần Mậu Tý (sau này bị chính ông anh đồng chí Nguyễn Đắc Xuân bắn chết trong biến cố Mậu Thân 1968). Nhưng ông thần Mậu Tý này là đồ bỏ, chỉ “quậy” một năm chẳng tới đâu, rồi biến, trở về Huế (hình như bị trường đuổi học vì lý do kỷ luật). Chỉ còn có ông học trò gốc Quảng Trị là nổi đình nổi đám.

Bọn tôi đang ghét cay ghét đắng, chưa kịp “hỏi thăm sức khỏe”, thì bất ngờ gã được thầy hiệu trưởng Lê Nguyên Diệm “mời” thuyết trình trước toàn trường đề tài “Giới Hạn Tự Do Của Học Sinh Ở Trường Học”.  Ghê gớm hơn, chỉ vài tháng sau đó, gã lại được tuyển chọn để thuyết trình một đề tài “đẳng cấp hơn” mang tính văn học xã hội: “Thân Phận Người Đàn Bà Qua Ca Dao Việt Nam” tại rạp ciné Minh Châu bề thế!

Mọi người bắt đầu nhìn gã với con mắt khác, và dường như gã cũng biết chọn thời cơ để làm cho thiên hạ thấy mình “dễ thương” hơn. Sau này chính gã tự thú: không biết vì sao mà lúc ấy không bị ăn đòn…mới lạ!

Đùng một cái, mới vào đầu niên học mới, không những chỉ trường Võ Tánh mà gần như cả thành phố Nha Trang “dậy sóng”: một tập thơ mới toanh của một ông nhà thơ cũng mới toanh được ra mắt trình làng (thời ấy hiếm lắm). Tập thơ với cái tựa “Nỗi Buồn Nhược Tiểu” nghe đầy tính triết lý nhân sinh quan thời cuộc, và với cái tên tác giả “Sương Biên Thùy” đượm mùi chinh chiến, làm nhiều người nghĩ tác giả phải là một kẻ gió sương, từng trải, giờ gác kiếm dừng bước giang hồ, theo cụ Nguyễn Bá Trạc “vỗ tay mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường.” Nhưng không, cả thiên hạ ngạc nhiên khi nhận ra thi nhân Sương Biên Thùy này chính là ông học trò lớp đệ Nhị C mà năm trước cả trường đều gai con mắt khi hắn ta từ Quảng Trị nhập gia nhưng không thèm tùy tục.  Cũng từ ấy chẳng ai thèm nhớ cái tên gã học trò Lê Văn Chính mà tất cả đều gọi hắn là Sương Biên Thùy (có tiếng xầm xì: cái tên nghe cải lương bỏ mẹ!)

Tập thơ tuy rất “đẳng cấp” từng vang tiếng một thời ở thành phố biển, vì quá lâu (nhưng không quá xưa) nên hiếm ai còn nhớ sau thời gian dài với những thăng trầm biến đổi, bao nhiêu rong rêu lũ dữ cũng đã chảy hết xuống sông ra biển. Giờ chỉ xin ghi lại một vài bài tiêu biểu:

CHÂN DUNG TỰ HỌA

Cha tôi còn, nhưng người theo kháng chiến
Phung phí một đời cho ảo tưởng hôm qua
Sống, chết đến nay, tôi không còn biết 
Dư ảnh lu mờ, kỷ niệm phôi pha.

Từ cha tôi lên đường kháng chiến
Mẹ tôi về lo việc bán buôn
Mang tuổi thơ, tôi đã biết buồn
Không lúc cười, dù hoạt kê trước mặt


Mắt không vui, dù đời không buộc chặt 
Tôi ngủ nhoài vào vùng lớn suy tư
Mang niềm đau nhược tiểu ưu tư
Tôi chối từ mọi tơ vương vị ngã


Đi vào đời bằng Tân nhân bản
Xin kéo cờ các ngõ hồn nhân dân 
Tung hô tình thương, suy tôn thánh thần
Danh sáng yêu thương, khai hoa nở nhụy


Cho cuộc đời tròn thêm nghĩa lý
Cho bom đạn xâm lăng, bi kịch kéo màn
Bắc lại nhip cầu, san bằng lòng huyệt
Cho người người yêu nhau da diết 


Đến khi chết
Xin làm cây cổ thụ
Đứng giữa đất trời
Cười với thiên nhiên.

***

BẢN CÁO TRẠNG

Tuổi trẻ hậu chiến
Loài ác điểu cướp mất
Chừ lớn lên
Mất bản tính con người.

Chúng tôi lớn lên
Ngôn ngữ phát âm 
Là tiếng kêu kim khí
Con chim họa mi không hót lời thanh xưa
Con chim đại bàng không lời oang oắc.

Rừng cây danh từ bạc màu biến sắc
Khuynh hướng nhân bản lệch lạc từ đầu 
Tầm tay chúng tôi, chừ nay yếu đuối
Trước lưởi lê quân thù

Chúng nó tiến hậu tả hữu
Phi lý chúng ta đơn côi kéo dài
Hỡi thợ thuyền, lao động, sinh viên
Những bàn tay xây nền mới
Hãy kết lên, Vạn lý thành 

Vẻ vang phải trở lại
Lịch sử đất nước này
Bất khuất dòng Lệ Lợi
Việt nam, muôn năm đây

Anh hùng Nguyễn thái Học
Tạ thu Thâu, Trần Cao Vân 
Các anh là thần thánh
Thành tự do muôn năm

Việt nam muôn năm
Việt nam muôn năm

Sương Biên Thùy 

(1961)

Khi Sương Biên Thùy đang “làm mưa làm gió” ở trường Võ Tánh thì tôi đã bỏ thành phố biển vào Sài gòn, rồi chẳng thuộc dòng hào kiệt gì đâu tôi cũng phải “xếp bút nghiên theo việc kiếm cung”. Được bổ nhậm về một đơn vị tác chiến lưu động tận vùng núi rừng Hoàng Triều Cương Thổ, năm tháng cùng đồng đội miệt mài với chiến trường, súng đạn. Mãi bốn năm sau cả đại đơn vỉ chuyển xuống đặt bản doanh tại Sông Mao, thành phố Nùng, nơi có ông lính ĐPQ, nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn dám qua mặt bọn tôi hô hào: “Mai ta đụng trận ta còn sống/ Về ghé Sông Mao phá phách chơi/ Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm/ Vung tiền mua vội một ngày vui”.

Tôi từng dẫn quân dẫm nát Mật Khu Lê Hồng Phong, từng bị thương và cũng từng: “Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát /Nghe súng rừng xa nổ cắc cù /Chợt thấy trong lòng mình bát ngát/ Nỗi buồn sương khói của mùa thu”, nhưng không có cơ hội nào tao ngộ với ông thiếu úy Chiến tranh Chính trị (CTCT) Lê Văn Chính, để nhìn mặt Sương Biên Thùy bấy giờ dễ ghét đến đâu. Bởi vì sau khi toàn bộ đại đơn vị tôi di chuyển lên Kontum vào Mùa Hè Đỏ Lửa, chặn Cộng quân từ Dakto tràn xuống, ông quan một CTCT Lê Văn Chính mới về trình diện TK Bình Thuận, và làm mưa làm gió ở vùng Ma Lâm, Tà Dôn, Nora này. Chàng ta cũng không kịp gặp ông bạn nhà văn Y Uyên bị Việt Cộng phục kích bắn bị thương rồi đâm chết ngay bên ngoài căn cứ Nora? Nơi chính tôi có nhiều kỷ niệm, khi chỉ huy đại đội bảo vệ cho đơn vị Công Binh Chiến Đấu xây dựng căn cứ này để kịp cho một pháo đội Pháo Binh đến đồn trú, yểm trợ trực tiếp cho đơn vị tôi hành quân giải tỏa Mật khu Lê Hồng Phong (tháng 9/1966). Sau này khi nghe ông thiếu úy Lê Văn Chính dám đơn thân độc mã ra ứng cử dân biểu tại đơn vị Bình Thuận này, tôi còn sợ ông hơn cái thời ông dẹp sang một bên mấy nhà thơ đàn anh đàn chị ở Nha Trang:  Duy Năng, Sao Trên Rừng, Cao Hoành Nhân, Thanh Nhung…ra mắt tập thơ “Nỗi Buồn Nhược Tiểu”. Mới là quan một mà ông dám “giỡn mặt” với ông đại tá tỉnh trưởng, từng là trưởng Phòng Nhì nổi tiếng của Quân Đoàn! Biết ông…ngông, nhưng tôi cũng phải ngã nón bái phục!

Rồi gãy súng, tan hàng, rồi tù đày, vượt biển… Hơn mấy chục năm sau, trôi dạt xứ người, bỗng đọc được những bài chính luận, bài thơ của ông Lê Mai Lĩnh nào đó. Những bài thơ khẩu khí, ngang tàng nhưng cũng đầy nhân bản, lãng mạn. Tôi buột miệng:  Lại thêm một ông Quảng Trị nữa! Bởi cái tên Mai Lĩnh, cùng với Triệu Phong, Gio Linh, Đông Hà…luôn làm tôi nhớ tới những địa danh đẫm máu của vùng giới tuyến Quảng Trị ngày nào, nơi có biết bao đồng đội của tôi đã ngã xuống và dưới đáy sông Thạch Hãn vẫn còn xương cốt của hàng vạn những người trai trẻ ở phía bên kia!

Khi ấy tôi đâu có biết Lê Mai Lĩnh chính là hóa thân từ Sương Biên Thùy của Võ Tánh ngày xưa, nên một lần nữa tôi lại ngán thêm một ông nhà thơ Quảng Trị. Ưa triết lý trong những cơn say và tự nhận mình là “khùng thi sĩ” mà yêu nước (và yêu cả giai nhân) nồng nàn chẳng kém thua ai:

Ký tên dưới đây là tôi
Lê Mai Lĩnh
Thi sĩ
Yêu quê hương như yêu chính bản thân mình
Và Tổ quốc, trong trái tim tôi hằng đêm thao thức
Bụi và lãng mạn
Thêm một chút khùng
Khi trái trời đổi gió biến thành điên
Có máu hiệp sĩ
Thích trừ gian diệt bạo

(Bản cáo trạng…)

Ở trong tù mà dám viết thư chất vấn Tổng Bí Thư Đảng, chửi cả Hồ Chí Minh và lên án chế độ:

Cha tôi là Lê Văn Thông,
Từ người kháng chiến yêu nước trước năm 75
Biết nói tiếng Pháp như gió
Sau trở thành đảng viên CS, chỉ biết cầm súng cắc –bụp-xòe
Giờ đã 80, nằm một chỗ chửi ông
và tập đoàn lãnh đạo đảng cộng sản Việt nam
Bởi theo các ông mà thân tàn ma dại

Thêm một điều tôi muốn nói với ông
Là, hiện nay nhân dân đang nguyền rủa ông quá đỗi.

Họ nguyền rủa ông làm tay sai cho CS Quốc Tế
Đem chủ nghĩa phi nhân, ngoại lai về giết hại dân lành
Họ nguyền rủa ông đã bần cùng hóa nhân dân
Đưa dân tộc vào tận cùng rách nát.

(Bản cáo trạng…)

Trông lên thấy cờ đỏ chói chang
Biểu ngữ, huy chương nghĩa chữ mập mờ
Ngó xuống, thấy dân đời điêu đứng
Máu đỏ, thây phơi hàng nối hàng

(Thời đại Hồ Chí Minh)

Và Lê Mai Lĩnh cũng đa tình, lãng mạn không ai bằng:

Nửa trái tim tôi em cất giữ từ lâu
Nhớ cẩn thận đừng để rơi để rớt
Tôi sống được, nhờ nửa trái tim đó
Em để mất tiêu, là đời tôi mất tiêu.


(Hãy giữ giùm nửa trái tim khú đế)

Hơn 60 năm tìm lại được cô láng giềng
Mừng khắp khởi, hạnh phúc đếm từng giây từng phút
Đêm đêm ôm nỗi nhớ cô với lòng trai chết điếng
Cô láng giềng nằm bên ngoan như con mèo con



Ngăn tim tôi cũng là lâu đài tình ái
Những gì cô muốn không thiếu một chi
Tôi, thi sĩ, nào đâu dám để cô thiếu thốn
Hễ thấy cô buồn, là tim tôi héo hon.

(Buồn cô láng giềng)

Mỗi sáng mai, lời chào gởi em như thường lệ
Là một bài thơ tỏ tình như thuở mới đôi mươi

Thuở cùng nhau đến trường ngày hai buổi
Em bên kia, anh lẽo đẽo bên
 này

(Mỗi sáng mai)

70 tuổi thấy mình còn sung độ
Cơm ba bữa, quà vợ tháng ba lần
Gạo lức, muối mè, thiền và thơ
Cứ tàn tàn, có tháng vượt chỉ tiêu.

(Khai bút đầu năm)
Dù hết lòng yêu nước, thủy chung với đồng đội bạn bè cùng “những giai nhân”, nhưng cuộc đời Lê Mai Lĩnh cũng đã có lúc không tránh khỏi phong ba dông bão:

Một mùa dông bão đã đi qua
Dông bão ngoài trời, dông bão trong lòng
Ta đi trong tả tơi rách nát
Rách nát gia đình, rách nát tình yêu
Tả tơi cuộc đời, tả tơi nhân thế

(Bão ngoài trời, bão trong lòng)

Thôi thì, phải có tơi tả thì cuộc đời mới có tròn ý nghĩa, thi vị, để thi nhân còn khóc gió thương mây, viết nên những vần thơ tuyệt tác bằng những gió mưa được thổi ra từ chính trái tim mình.

Tôi là người may mắn được đọc thơ Sương Biên Thùy khi anh còn là người bạn đồng môn ở tuổi 16, 17 và sau này lại được đọc thơ Lê Mai Lĩnh với tuổi 80. Nếu thơ là tiếng lòng, thì Lê Mai Lĩnh đã thực sự trang trải hết lòng mình với quê hương đất nước và bè bạn, tha nhân. Với một phong thái ngay thẳng bộc trực có chút ngang tàng cùng những vần thơ khí khái, lãng mạn, đa tình, anh đã để lại trong tôi niềm mếm mộ.

Viết mấy dòng này, ngoài tình bạn đồng môn, còn với tấm lòng “tằm trả nghĩa dâu”, ghi lại chút tình thanh khí, niềm đồng cảm giữa người yêu thơ và thi nhân đất Quảng (Trị), vùng địa đầu một thời mịt mờ lửa đạn.

Tháng 5/ 2023

Phạm Tín An Ninh