Phúc Lai G.B: Một tuần tăng mức phạt
Sau hai ngày áp dụng Nghị định 168, tôi có viết một bài nhìn sơ sơ về những gì quan sát được trên đường phố tại đây:
Đáng nhẽ ra tôi phải viết ngay được một bài tiếp theo, nhưng cũng để thêm vài ngày để quan sát thêm xem tình hình thế nào. Phải công nhận, cũng thu được nhiều tiền phạt nhưng có vẻ không quá nhiều. Theo thượng tá Lê Văn Hải, phó trưởng phòng CSGT Công an thành phố Hồ Chí Minh, chỉ trong 5 ngày đầu thực hiện nghị định, CSGT thành phố đã xử lý hơn 6000 trường hợp, tiền phạt thu được trên 10 tỉ đồng.
Nếu tính dân số thành phố Hồ Chí Minh chiếm 9% dân số cả nước (8,9 triệu so với 98,86 triệu) thì chúng ta có thể tính toán như sau.
– Riêng quý 1 năm 2024, toàn quốc xử lý 1 triệu trường hợp vi phạm luật giao thông, xử phạt 2000 tỉ đồng. Với tỉ lệ này, thành phố Hồ Chí Minh chiếm 90.000 trường hợp, nghĩa là 1000 trường hợp 1 ngày. Tương ứng với nó là mỗi ngày thu 2 tỉ đồng, trung bình 2 triệu đồng 1 trường hợp.
– Trong 5 ngày thực hiện Nghị định 168, mỗi ngày thành phố Hồ Chí Minh xử lý 1200 trường hợp, tương ứng với nó là mỗi ngày thu 2 tỉ đồng, trung bình 1 triệu 670.000 đồng/trường hợp.
+ Từ so sánh trên có thể cho rằng, số lượng ca vi phạm tăng lên do lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra, chốt… trên đường (cả tăng quân số và thời gian làm việc trên đường) dẫn đến số trường hợp bị xử lý tăng; tuy nhiên số tiền bình quân trên mỗi vụ giảm đi. Tôi cho rằng nhận xét của tôi trong bài trước là đúng, tức là về tổng thể số tiền thu được khi tăng mức phạt lên rất cao theo Nghị định 168 sẽ giảm. Người dân tham gia giao thông sẽ hết sức cẩn thận với những hành vi vi phạm có mức phạt rất cao, nhưng vẫn lơ là với những hành vi có mức “bình thường hơn.”
Vài ngày tiếp theo sau khi lên bài về những quan sát ban đầu, tôi tiếp tục nhận thấy về tổng thể tác động của nó là tích cực: hầu hết người tham gia giao thông dừng phương tiện trước vạch ở nút giao nghiêm túc và không có hiện tượng vù ga đi trước khi đèn chuyển sang xanh. Đặc biệt ở Hà Nội, điều này tôi nghĩ sẽ là phấn khởi hơn với những người tham gia giao thông quen chấp hành luật và tôn trọng sự an toàn của bản thân và người khác. So sánh với trước đây, chắc nhiều người còn nhớ vụ “xe điên” ngày 5/4/2023 ở ngã tư Xuân La – Võ Chí Công, người đàn ông 63 tuổi lái chiếc ô tô 5 chỗ, đâm vào 17 người đi xe máy… (hình chụp từ clip).
+ Hình.
Từ một góc camera quay vuông góc với hướng ô tô chạy, thấy rất nhiều người đi xe máy đứng sẵn ở giữa đường, và khi đèn chưa chuyển xanh thì đã đi sớm từ 3 đến 4 giây. Khi xem lại chúng ta có thể đoán được người đàn ông này là tăng ga để cố đi qua ngã tư trước khi đèn chuyển sang đỏ, nhưng những người đi xe máy tràn ra quá sớm và quá nhanh khiến ông ta cuống, nhầm chân phanh với chân ga và hậu quả xảy ra.
Hiện tượng như vậy là cực kỳ phổ biến ở Hà Nội trong thời gian vừa qua. Khi tôi ngồi trên xe buýt, mà loại xe này ở Hà Nội thì đúng là “hung thần đường phố,” khi thấy lái xe thường xuyên rẽ trái bằng cách tạt sang phải rồi vào cua với tốc độ cao, cái mũi xe lướt qua một hàng xe máy đứng nhô hết cả lên, không chỉ chèn vạch mà còn – có lẽ là lấn đến gần một nửa mặt đường dành cho chiều kia đang lưu thông. Tôi nghĩ, sao mà họ liều, à chính xác, là họ dại thế nhỉ. Cái xe buýt nó cua nhanh như thế, chỉ cần rủi ro mất phanh, mất lái một cái thôi là đi hàng chục mạng người. Nhẽ ra phải tránh thật xa nguồn nguy hiểm đó, thì dân Việt Nam đứng thật sát cho đảm bảo quyền lợi.
Cũng sau khi đọc những comment vào bài trên của tôi, tôi nhận thấy nhiều nhận thức sai về pháp luật. Chẳng hạn một bác viết: “Vừa phạt nặng, thu bằng, giam xe thì phương tiện đâu người ta đi kiếm tiền nộp phạt? Vậy cướp cạn chứ răn đe gì?” hay bác khác “…Thu nhập bình quân của dân đâu đó chỉ loanh quanh 8-10tr/ tháng.Với mức phạt phi mã như trên, nếu một ngày đẹp trời bạn lỡ dính, thì toàn bộ cuộc sống sẽ ngừng tồn tại trong 3 tháng, kéo theo con cái bạn hoặc gia đình bạn cũng đăng xuất luôn trong những tháng đó…” đặc biệt cái bác thứ hai này chê bai những người ủng hộ là “trí thức mà vẫn ủng hộ cái nghị định này…”
Tôi thì lại thấy cái bác này, trí thức mà hiểu luật như vậy, thì mới là đáng buồn. Cần xem xét kỹ, chẳng hạn mức phạt 20 triệu đồng dành cho hành vi vượt đèn đỏ, là với người lái ô tô, còn đã là lái xe ô tô chuyên nghiệp ở Việt Nam (lái xe thuê) thì không bao giờ có thu nhập 8 – 10 triệu đồng, mức lương đó không ai đi làm lái xe luôn, đặc biệt là lái taxi. Còn với thu nhập trên, xem xét trường hợp người lái xe máy còn là hợp lý, và vượt đèn đỏ theo Nghị định 168 có mức phạt 5 triệu đồng.
Hôm đó tôi có trả lời như thế này: cần chú ý, nhu cầu của ra luật, cụ thể trong trường hợp này là Nghị định 168 là củng cố tính nghiêm minh của pháp luật. Bác có mong muốn chính đáng là đảm bảo mặt nhân đạo của pháp luật, vậy mặt nghiêm minh thì sao?
Tôi đưa ví dụ mấy ông nông dân tôi quen, cứ đi ra đường là phạm luật. Hỏi, sao anh đi như vậy? Tôi không biết luật, coi như tôi không vi phạm. Hỏi tiếp: Sao anh có suy nghĩ như vậy? Tôi xem phim Bao Thanh Thiên thấy quan hô: Không biết thì không có tội! Ô hô, anh sống trong xã hội có pháp luật hiện đại hay ở thời Tống vậy? Nếu anh không biết luật, thì anh đừng tham gia giao thông. Còn nếu anh tham gia giao thông, thì pháp luật bắt buộc anh phải biết, là đèn xanh thì đi và đèn đỏ thì dừng lại.
Như vậy với những người đang mưu sinh với thu nhập vài triệu 1 tháng đang được xem xét, hoặc tự tin không phạm luật thì hẵng mưu sinh, nếu không thì chọn cách mưu sinh khác, đừng có dại trèo lên xe đi ra đường mà cố rồi khóc với lóc. Lại nhắc đến khóc, trên mạng hôm nay xuất hiện clip 1 cô gái đi ngược chiều hay trên vỉa hè gì đó, còn quên cả bằng lái, đăng ký xe máy ở nhà và bị xử lý tổng hợp các hành vi đến 8 triệu đồng, còn nếu có bằng lái thì xuống 6 triệu đồng. Tôi xem các comment ở dưới, phần lớn là họ… chửi chính sách, kiểu như… vô nhân đạo.
Tôi cũng không rõ tại sao lại có những tâm lý kỳ dị như vậy. Người quen của tôi có ông bố, một ông cụ 80 tuổi bị một người đi xe máy ngược chiều trên vỉa hè đâm vào, ngã và chết ngay tại chỗ. Vậy ở đây ai là nhân đạo ai là vô nhân đạo?
Một cái hiểu sai về luật nữa, là có bác cứ khăng khăng: Phạt nặng như thế là không được, đây là LỖI, chứ có phải là TỘI đâu. Cũng thật tình cờ, có một câu chuyện khác tôi nói với em trai chính hôm đó. Tôi bảo cậu ta thế này:
Khi mình vi phạm luật giao thông, anh công an sẽ bảo: “Anh vi phạm 1 lỗi, 2 lỗi… gì đó” làm cho mình hiểu sai khái niệm, rằng trong lĩnh vực giao thông thì là LỖI, còn ở đâu đó thì là TỘI. Thật ra, TỘI ở đây là TỘI PHẠM, khái niệm trong luật hình sự, những hành vi xâm hại cho xã hội được quy định trong Luật hình sự mới là tội phạm. Còn trong lĩnh vực giao thông chẳng hạn, người ta phải gọi là HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, vượt đèn đỏ là hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ. Xây nhà vượt số tầng, là hành vi vi phạm hành chính trong quản lý xây dựng đô thị…
Điều đáng nói là cả “tội phạm” và “hành vi vi phạm hành chính” đều phải có yếu tố LỖI. Lỗi là gì – bố thằng tây cũng không biết, hay chính xác, đọc trong sách giáo khoa luật thì bố thằng Tây cũng không hiểu được. Đây nhé: “Lỗi là thái độ tâm lý bên trong của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả nguy hiểm cho xã hội của mình cũng như khả năng gây ra hậu quả từ hành vi đó.” Ai hiểu xin giơ tay! Hiểu chết liền. Tui học luật mấy chục năm nay cũng không hiểu. Các chú công an đi học luật tại chức còn mù tịt hơn nữa.
Đây, khái niệm lỗi của Luật hình sự Cộng hòa dân chủ Đức (cũ): LỖI là sự lựa chọn của một người không bị hạn chế năng lực nhận thức, năng lực hành vi (không dở hơi); tự do lựa chọn (không bị thằng nào gí súng vào đầu ép buộc) và đã lựa chọn hành vi phương hại cho xã hội. Đảm bảo trẻ con cũng hiểu. Tôi bảo ông: nhớ luộc rau, mải chơi quên béng, là hành vi vi phạm, ông đã lựa chọn không luộc rau, là có lỗi. Trong trường hợp này hành vi là không hành động. Tôi bảo ông không được tháo cái đồng hồ báo thức ra! Ông vẫn tháo, tức là lựa chọn tháo thay vì không tháo, có hành vi vi phạm, là có lỗi. Ở đây hành vi là hành động.
Hiểu về khái niệm LỖI trong luật rất quan trọng, nó giúp chúng ta giảm khả năng vi phạm pháp luật đi rất nhiều. Chẳng hạn, hôm trước ông đi xe máy bị công an tóm được, vì “lỗi không có gương chiếu hậu.” Vậy trước khi cưỡi cái xe đó đi ra đường, ông đứng trước các sự lựa chọn: (1) Kiếm hai cái gương lắp vào (2) đi xe khác (3) đi xe buýt (4) không đi nữa (5) vẫn đi ra đường và hi vọng không gặp công an… Cuối cùng, ông chọn phương án (5). Đó chính là LỖI. LỖI ở đây là sự lựa chọn của ông đi cái xe không có gương ra đường, chứ không phải là LỖI KHÔNG GƯƠNG. Chúng ta hiểu sai ở chỗ đó, nên vi phạm hết lần này đến lần khác.
Người Việt Nam ta có tính hay đổ lỗi – bất cứ chuyện gì cũng cứ coi như là mình vô can và tất cả mọi chuyện là do lỗi của những người xung quanh. Tôi nói tiếp với cậu em: ông có biết việc các lái xe phàn nàn trên diễn đàn rằng, công an Hải Dương đánh bẫy lái xe, bằng cách cho một xe tải đỗ ở vệ đường, chỗ đó có vạch liền mà phương tiện muốn đi qua, phải đè cái vạch đó và công an đứng ở trên túm luôn, đè ra phạt không? Vậy theo ông, gặp trường hợp như thế ông sẽ đi ra sao?
Ông em thừ người nghĩ, rồi nói: Khéo phải đỗ lại! Tôi trả lời: Chính xác, phải đỗ lại. Trước đây khi dạy và học lái xe ô tô ở Việt Nam còn nghiêm túc, các thày dạy rất cẩn thận với nguyên tắc đầu tiên của người lái xe là không đảm bảo an toàn, thì không được đi chứ không phải cố đi (nguyên tắc đi chậm lại, hoặc thậm chí dừng hẳn lại khi không thấy đủ điều kiện an toàn). Vậy làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của người tham gia giao thông? Nhiệm vụ của cán bộ điều khiển giao thông (Cảnh sát giao thông, thanh tra ngành giao thông vận tải, người điều tiết giao thông nơi có công trường…) là phải đảm bảo giao thông trật tự, an toàn, thông suốt; chứ không phải chức năng chính là… xử phạt. Vì thế nếu gặp trường hợp BẪY như phản ánh, thì việc đầu tiên là đỗ lại, sau đó quay phim, chụp ảnh… gọi điện đến số đường dây nóng của công an địa phương, đề nghị người ta hỗ trợ để mình đi qua an toàn. Nếu phát hiện tổ phục kích của các chú công an, đàng hoàng đề nghị họ giải tỏa cái xe “bẫy” để đảm bảo giao thông thông suốt.
Người Việt Nam thì lại suy nghĩ: Ai bảo nó đỗ xe sai như thế, nên tao mới vi phạm. Ơ hay, nó vi phạm là việc của nó, còn anh thì lại LỰA CHỌN ĐI QUA, THAY VÌ ĐỖ LẠI, anh bị phạt là đúng rồi, kêu ca cái gì.
Vụ một ông lùi xe trên đường cao tốc, bị một ông lao vào đâm và chết mấy người nước ngoài trên xe đang lùi cũng thế. Tôi hỏi ý kiến các lái xe, 10 ông thì cả 10 nói: Ông đâm xe bị oan. Tại sao oan? Vì thằng kia lùi xe sai. Tôi hỏi: Thế nó sai thì ông có quyền đâm vào gây chết người à? Cứng lưỡi luôn. Tôi bảo: Nó sai là việc của nó, còn ông thì đang điều khiển ô tô, trong luật quy là MÁY MÓC TÀU XE, hay nguồn nguy hiểm cao độ, tức là ông phải ý thức được rằng mình có thể gây nguy hiểm cho tính mạng cả bản thân và những người xung quanh. Trong trường hợp pháp luật (tòa án) họ chứng minh được rằng người lái xe tải kia có thể tránh được nhưng vẫn cố tình không tránh mà đâm vào xe đang lùi (lùi sai) kia, thì anh dính tội hình sự là cố ý giết người rồi còn gì. Tôi nói với mấy cậu lái xe: Các cậu mà cứ suy nghĩ như thế rồi có ngày đi bóc lịch đấy. Ngày xưa thày dạy lái xe người ta dạy kỹ lắm, nhất là về đạo đức. Lại một lựa chọn sai lầm nữa, thay vì chọn phanh lại thì chọn đâm vào người ta. Người quen của tôi được đọc hồ sơ vụ án nói: Giám định tốc độ, dấu vết mặt đường… đều bất lợi cho lái xe tải, tất cả đều có thể dẫn đến việc chứng minh được rằng hành vi đâm xe là cố ý. Chạy vào đâu được nữa.
Nhân tiện nói đến CỐ Ý. Nghị định 168 quy định mức phạt cao, làm cho người không chuyên luật dễ tối mắt vào số tiền. Thực chất khi đọc nó, thì đối tượng của nó là hành vi vi phạm do LỖI CỐ Ý. Ví dụ, điều 6 của nghị định quy định: “Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không thắt dây đai an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường…” (điểm k, khoản 1) – hành vi là không hành động, nhưng lỗi là lỗi cố ý. Còn trong trường hợp người ta đang lo sợ với đèn tín hiệu hoạt động không thông suốt, là LỖI VÔ Ý, không bị xử phạt.
Khi hỏi ý kiến của các bạn bè và người quen, hầu hết là những người tuân thủ pháp luật, có chung nhận xét tích cực: Ít nhất nó tạm thời đảm bảo hơn chút ít về tính công bằng. Trước đây dân tình đi quá bát nháo, đến mức tệ hại mà không bị xử lý. Tuy vậy có một điều ai cũng rõ: mức phạt tăng cao với một số hành vi, đảm bảo không giảm ùn tắc, vì vấn đề của ùn tắc trong quan hệ vi phạm pháp luật giao thông, là lấn làn. Tôi nghĩ với điều kiện giao thông quá đông như ở Việt Nam hiện nay, việc xử lý hành vi này quá khó, chứ không phải chính quyền không ý thức được nó.
Hiện tại, nhiều lái xe phản ánh di chuyển bị chậm hơn, vì tốc độ thông xe giảm, chủ yếu do xe máy không dám phi qua nút giao trước khi có đèn xanh. Thôi thì phải chấp nhận đi sớm hơn, nghĩa là sống chậm lại. Còn tôi thì để ý, nhiều lái xe run cầm cập chủ yếu là lâu nay… không hiểu rõ luật giao thông, còn chưa hiểu hết ý nghĩa của biển báo, thì đảm bảo không biết luôn cả vạch kẻ đường.
Như tôi viết trong bài trước, cá nhân tôi không ủng hộ biện pháp cực đoan trong thi hành pháp luật – tăng nặng chế tài là một biện pháp cực đoan. Đúng như bác nào nói: Cực chẳng đã thì mới phải tăng lên như thế. Nhưng mà tôi rất sợ mấy cái người, bạ cái gì cũng chửi, như chuyện này chẳng hạn. Nói xin lỗi, các vị có người nhà bị thiệt mạng vì tai nạn giao thông do thằng khác đi ẩu hay không, hay cứ thấy chính quyền có cái này, cái kia thì nhặng xị hết cả lên như thế. Thỉnh thoảng tôi cũng phê bình chính quyền, nhưng cái gì cần phải làm cũng phải ủng hộ, là như vậy. Trước mắt tôi thấy được an toàn hơn – như tôi đã viết: từ từ dừng trước vạch khi có đèn đỏ, cảm thấy an toàn hơn vì không có xe khác đâm vào đít.
—————
Nguồn tham khảo: