Phúc Lai G.B: Syria ở đâu trong ván cờ địa chính trị của Putin?
(Về cuộc chiến tranh của Putin ở Ukraine – ngày 6/12/2024)
Lịch sử can dự của người Nga vào Trung Đông, nếu mở rộng ra đến tận… Afghanistan thì có rất nhiều chuyện để nói. Riêng khu vực Địa Trung Hải, quan hệ Nga – Syria mà trước đây là Liên Xô đã mang lại cho người Nga một điểm tựa vững chắc trên đường ra biển. Riêng về điểm này, những hậu duệ của Piotr Đại đế đã vượt được ông ta. Vị Sa Hoàng có tư tưởng cách tân này mới chỉ tìm đường ra biển Baltic và sau đó, đặt nền móng cho những cuộc chinh phục biển Đen, chứ chưa đi xa quá được cửa ải của người Thổ Nhĩ Kỳ, ra được đến Địa Trung Hải.
Trong thập niên 1970, Assad bố bắt đầu xây dựng quân đội Syria với sự hỗ trợ của Liên Xô. Cũng trong thời gian này, Liên Xô bắt đầu vận hành căn cứ hải quân ở Tartus năm 1971, ngoài ra có thể có những căn cứ khác mà việc đi sâu vào tìm hiểu chúng tạm thời tôi xin phép gác lại. Đồng thời, tôi còn có một phần so sánh giữa các quốc gia được gọi là ‘cường quốc đại dương,’ trong đó đúng nghĩa chỉ có Hoa Kỳ. Anh Quốc, là cường quốc đại dương quá khứ. Pháp, là một cường quốc đại dương khu vực, không đủ năng lực có hành động mức độ toàn cầu.
Trong cách tiếp cận này, Liên Xô là một cường quốc có thể cho rằng năng lực cao hơn Pháp (số lượng tàu sân bay bằng nhau, số lượng tàu ngầm Liên Xô hơn hẳn, nhất là tàu có năng lực tác chiến vùng biển xa và khả năng mang theo vũ khí hạt nhân). Tuy nhiên với nghĩa độc chiếm đại dương và triển khai sức mạnh tổng hợp về quân sự, cả hai quốc gia này chưa đủ năng lực đó.
Với quân cảng Tartus, người Nga đã có căn cứ hải quân của mình bên bờ Địa Trung Hải. Nghe thì tưởng là xa, nhưng máy bay bay từ Krasnodar Krai đến Tartus chỉ có 1200 ki-lô-mét với điều kiện Thổ Nhĩ Kỳ cho bay qua không phận nước mình (điều mà đến nay máy bay Nga vẫn làm được).
Năm 1991 đánh dấu sự sụp đổ của Liên Xô, và sức mạnh hải quân của Nga bị thua sút đáng kể do sự chia tách giữa 2 quốc gia độc lập mới: Nga và Ukraine. Hơn thế nữa sự khó khăn về kinh tế thời kỳ Yeltsin cũng dẫn tới tình trạng xuống cấp thê thảm của hải quân cả hai nước. Hải quân Ukraine còn bán luôn chiếc tàu sân bay được chia của mình cho Trung Quốc, vì không đủ kinh phí duy trì nó. Chiếc Variag nay đã thành Liêu Ninh và từ đó, Trung Quốc nhân bản ra thêm thành mấy cái nữa. Còn tàu sân bay Đô đốc Kuzhnetsov của Nga thì luôn trong tình trạng giống cái bếp lò Samova bị đổ nhầm hắc ín vào củi, chạy khói mù.
Trong bản thảo tạm gọi là “Nước Nga: những vấn đề địa chính trị và cuộc chiến tranh ở Ukraine” tôi so sánh khá chi tiết những số lượng về hải quân, và cho rằng mặc dù có các hạm đội khá mạnh, có thể so sánh được với cả lực lượng Hải quân của một số nước nhỏ (không có Lào và Hungary trong số đó) nhưng Nga vẫn là cường quốc lục địa. Trong hoàn cảnh đó, biển Đen là yếu tố sống còn để Nga được đánh giá là nước đang quay lại vị thế cường quốc hải quân. Như vậy căn cứ Hải quân Tartus của Nga ở Địa Trung Hải, không chỉ là điểm dừng chân quan trọng cho rất nhiều tàu thuyền Nga trên hướng hoạt động Đại Tây Dương, sau đó mở rộng sang Ấn Độ Dương và lên Biển Bắc, mà nó còn là cây cầu về nghĩa bóng bắc từ khái niệm cường quốc lục địa sang khái niệm cường quốc đại dương của Nga.
Nếu Putin muốn trở thành Đại Đế, hoặc Sa Hoàng (và đã tự so sánh mình với Piotr Đệ Nhất) thì hắn phải đưa nước Nga thành cường quốc đại dương, nếu không thì quân sự Nga vĩnh viễn không tuổi gì so với Hoa Kỳ. Năm 2014 được đánh dấu là một chiến thắng huy hoàng với Putin và nước Nga bá quyền: chiếm được bán đảo Crimea mà không mất một viên đạn, đồng nghĩa với có thêm quân cảng Sevastopol mà không phải trả tiền, cũng như tăng gấp đôi (cứ cho là gấp đôi) sức mạnh của hạm đội Hắc Hải. Khó có thể so sánh các con số, nhưng có một điều rất quan trọng là gần như tất cả các sĩ quan có kinh nghiệm của hạm đội này, đều phản bội Ukraine gia nhập quốc tịch và quân đội Nga cả.
Được mất của Nga về vụ chiếm Crimea, tôi viết bài tại đây:
Một năm nhìn lại: Putin mất gì khi sáp nhập Crimea?
Từ đó, Biển Đen trở thành cái ao của Nga, và hệ thống các căn cứ Hải quân trong cái biển gần kín đó, kết nối với Tartus thành thế ỷ dốc, đầu đuôi hỗ trợ được cho nhau miễn là… Thổ Nhĩ Kỳ không ngăn cản.
Về quan hệ Nga – Thổ tôi có một số bài viết:
Vụ bắn hạ máy bay SU-24 và quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ
bài trên Tuần Việt Nam tại đây:
Sau ‘phát súng cảnh cáo’, Putin thề sẽ trừng phạt
Bài trên blog:
Bỏ “con mã” SU-24, Putin có “chiếu bí” được Phương Tây?
và trên Soha tại đây:
Su-24 là quân mã giúp Nga “chiếu bí” NATO như thế nào?
Khách quan mà nói, tức là không phải dìm hàng gì cả, thì việc duy trì được một tình thế địa chính trị ở nước ngoài kiểu như Nga ở Syria và Mỹ ở rất nhiều nơi khác trên thế giới, là một cuộc chơi không dành cho nhà nghèo. Bản thân Nga khi can dự vào tình hình Syria, cũng không đủ sức giúp cho chính quyền Bashar Al-Assad giành thắng lợi hoàn toàn mà chỉ giữ được một ưu thế đáng kể so với từng nhóm “phiến loạn” nhưng không đủ mạnh vượt trội so với tất cả các nhóm nếu tập hợp lại.
Nếu nhìn lại lịch sử, thì khi phong trào Anh em Hồi giáo tiến hành một cuộc nổi loạn ở Hama vào năm 1982, Assad (bố) khi đó là Tổng thống Syria đã đàn áp tàn nhẫn với cái giá phải trả là khoảng 20.000 sinh mạng và gần như phá hủy thành phố này. Khi đó, Syria đang trên con đường trở thành thế lực của khu vực hay nói cách khác Assad bố đã cố gắng đưa Syria trở thành một nhà lãnh đạo của thế giới Ả-rập. Một liên minh mới với Ai Cập đã lên đến đỉnh điểm của sự khăng khít và kết quả của nó là một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel tháng 10 năm 1973. Nhưng sau đó, việc Ai Cập bất ngờ ngừng, rút khỏi chiến tranh đã khiến Syria phải chịu thất bại về mặt quân sự và dẫn đến việc tổng thống Ai Cập Anwar Sadat trở thành kẻ thù lâu dài của Assad bố.
Chưa hết, Syria của Assad bố còn có thù oán với Iraq. Sự đối đầu của ông với phe cánh Iraq của Đảng Baʿath là nền tảng cho mối thù lâu đời của Assad đối với nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein. Do vậy, Assad ủng hộ Iran trong cuộc chiến tranh Iran – Iraq (1980 – 1988). Khi nổ ra Chiến tranh vùng Vịnh 1991, Assad bố đã sẵn sàng tham gia liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo chống lại Iraq. Hoàn cảnh này giải thích về mối quan hệ có phần thân thiện hơn của chính quyền Syria khi đó với các chính phủ phương Tây, những nước trước đây đã lên án việc Assad bố hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Assad bố đã tìm cách thiết lập quan hệ hòa bình với Israel vào giữa những năm 1990, nhưng các cuộc đàm phán vẫn bế tắc về tình trạng của Cao nguyên Golan. Năm 1998, ông ta đã vun đắp mối quan hệ chặt chẽ hơn với Iraq trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược ngày càng phát triển của Israel với Thổ Nhĩ Kỳ. Assad qua đời năm 2000 và người kế nhiệm ông là Bashar, người vẫn bị buộc tội về nhiều hành động có tính khủng bố, và Syria vẫn tiếp tục chìm sâu trong nội chiến.
Về nguyên tắc với chiến lược địa chính trị của mình, Putin không thể bỏ Syria. Với hắn và nước Nga nói chung, Ukraine là lịch sử từ quá khứ đến hiện tại và là tương lai. Syria là hiện tại, luôn luôn là hiện tại nhưng về tương lai, nó là sự hoàn thiện của chiến lược. Putin không thể bỏ cái nào. Vì vậy, nếu quan sát những động tác của Putin và quân đội Nga, chúng ta có thể thấy được nhiều điều thú vị:
– Lần đầu tiên Putin rút quân ở Syria về để đưa vào Ukraine, là khi cuộc chiến được 15 ngày.
– Ngày 22/3/2022, tôi báo cáo trong bài viết: “Do bị tổn thất nhiều, Bộ chỉ huy lực lượng xâm lược để cải thiện tình hình ở mặt trận, tiếp tục tập trung và di chuyển thêm các đơn vị của lực lượng vũ trang Liên bang Nga đến biên giới Ukraine. Theo thông tin có được, để khắc phục tổn thất của Sư đoàn bộ binh cơ giới 144, Tập đoàn quân 20 của Quân khu phía Tây tăng cường các biện pháp tuyển mộ lính theo hợp đồng trong các ủy ban quân sự khu vực Smolensk. Những cựu chiến binh sau khi công tác ở Syria về cũng đang được tái tuyển dụng để bổ sung cho các đơn vị xâm lược.”
– Ngày 7/5/2022: “Trong một diễn biến khác, có tin chưa kiểm chứng: Putin ra lệnh rút toàn bộ quân Nga ở Syria về nước. Được biết sự can thiệp quân sự của Nga vào Nội chiến Syria bắt đầu vào ngày 30 tháng 9 năm 2015, với 4.000 quân nhân Nga đang đóng quân tại Syria. Lực lượng Nga cũng bao gồm 25 máy bay ném bom chiến lược, 20 máy bay ném bom chiến thuật, 12 máy bay ném bom tấn công, 8 máy bay chiến đấu, 16 máy bay trực thăng tấn công và nhiều loại máy bay khác.”
– Sau sự kiện binh biến của Wagner bất thành (mùa hè 2023), trong khi bọn dư luận viên Pro-Nga háo hức tung tin rằng, Nga đã phục hồi được sức mạnh quân sự vô song vì đang trang bị cho… HAMAS, thì hóa ra là Nga đã phải tịch thu tài sản của Wagner ở Syria rồi đưa cho HAMAS.
Nhưng không chỉ có Putin hành động, mà còn có những bên khác tham gia, có thể là gián tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine:
– Ngày 22/7/2022: “Trong một diễn biến khác, Israel “chia lửa” bằng cách không kích nhà máy sản xuất UAV của Iran gần… Damascus, thủ đô Syria.”Lần này, những diễn biến ở Syria đã cho thấy chiến lược địa chính trị của Nga – Putin ở Syria đi xuống thê thảm. Bất chấp những bài báo của #BMZ tức bọn lều báo xứ phía đông nước Lào ca ngợi… “máy bay Nga tàn sát phiến quân” nhưng không hiểu bằng cách nào đó, họ vẫn chiếm phứt luôn thêm một thành phố nữa, thành phố lớn thứ ba đất nước (Hama), sau khi Aleppo lọt vào tay họ chỉ sau 2 ngày khởi binh.
Ngay khi những sự kiện này bắt đầu, tôi nói với một người bạn: Thổ Nhĩ Kỳ đặt cửa nặng tay quá. Là người theo dõi từ trước (cách đây gần chục năm) tôi gần như ngay lập tức cho rằng, chuyện này phải có người Thổ đứng sau. Quan hệ Thổ với Nga luôn luôn đầy những điều ẩn ý, không rõ ràng: dù sao Nga vẫn là cường quốc khu vực, có vũ khí hạt nhân và thành viên Hội đồng bảo an, không những thế hai nước này có quan hệ mua bán vũ khí thông thường… Nhưng Thổ lại đang trên con đường lớn mạnh trở thành cường quốc quân sự quan trọng không kém với quân đội hạng nhất trong các nước châu Âu của NATO. Với những sự kiện ở Syria này, tôi cho rằng phiến quân, nhất là lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dừng lại cho đến khi Chính phủ Assad sụp đổ, và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thay thế Nga trên bàn cờ địa chính trị khu vực Địa Trung Hải.
Tôi còn cho rằng sự kiện mất Syria, lại thêm cái đinh nữa đóng lên nắp quan tài của Putin.
Phúc Lai GB