Phương Nam: Ukraine và thế giới 3 năm sau ngày Nga đưa quân xâm lược Ukraine.

World Leaders Rally for Ukraine: High-Stakes Forum Calls for ‘Just Peace’ on War Anniversary

Hôm nay là đúng 3 năm ngày quân đội Nga theo lệnh của “Sa Hoàng” Putin tràn sang biên giới Ukraine, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện quốc gia này: 24/2/2022–24/2/2025.

Trong 3 năm chúng ta đã chứng kiến sự tàn bạo vô nhân tính của quân Nga khi không hề tôn trọng các quy ước, luật lệ về chiến tranh, công khai tấn công những khu vực dân sự như trường học, bệnh viện, các khu nhà ở của dân chúng, tấn công vào hệ thống năng lượng, điện, kho chứa lúa mì…của Ukraine; giết hại thường dân, hãm hiếp phụ nữ, bắt cóc hàng ngàn trẻ em, thiếu niên Ukraine sang Nga để “tẩy não” biến thành người Nga…Chúng ta chứng kiến đất nước Ukraine bị tàn phá kinh hoàng, có những thành phố, khu vực gần như đổ nát toàn bộ. So sánh với cuộc chiến Việt Nam kéo dài 20 năm cũng không có những thành phố, khu vực gần như bị phá hủy toàn bộ như thế. Số người Ukraine phải ngã xuống trên chiến trường hay ngay hậu phương, tại nhà mình… không ai biết được chính xác là bao nhiêu, bên cạnh hàng triệu người phải bỏ nước ra đi lánh nạn.

Nhưng ngược lại, chúng ta cũng chứng kiến số lượng xe tăng, máy bay, thiết bị quân sự lẫn nhân mạng của lính Nga bị thương vong là kinh hoàng, lên đến hàng trăm ngàn người, gấp nhiều lần so với 10 năm cuộc chiến của Nga ở Afghanistan, ngay cả so với số lính Mỹ bị chết trong cuộc chiến Việt Nam (58, 000 người). Điều đó cho thấy một quân đội trước đó được xem là hùng mạnh thứ hai thế giới, thực ra chỉ dựa vào số lượng nhưng về độ chuyên nghiệp, tinh thần chiến đấu, tính kỷ luật, phương pháp chiến đấu lại rất kém, nhất là nó cho thấy sự coi thường sinh mạng của binh lính, sinh mạng con người của Putin – thật ra mọi chế độ độc tài đều giống nhau, cộng sản Trung Quốc hay cộng sản Bắc Việt đều như thế, đánh theo kiểu nướng quân, nên con số thương vong bao giờ cũng cao hơn phía bên kia.

Quan trọng hơn, thế giới đã được chứng kiến tinh thần dũng cảm, không khuất phục của người Ukraine dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Zelenskyy quyết tâm đánh lại Nga-Putin để bảo vệ đất nước, bảo vệ quyền được tồn tại như một quốc gia độc lập chứ không phải bị xóa sổ, sáp nhập vào Nga như ý muốn của Putin.

Những ai hiểu lịch sử của Ukraine, hiểu những tội ác mà Liên Xô trước đây và nước Nga sau này đã thi hành đối với đất nước, dân tộc Ukraine sẽ hiểu được vì sao người Ukraine quyết tâm chiến đấu chống lại quân Nga chứ không chịu đầu hàng. Nó là mối thù có những ân oán lịch sử, giống như mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc vậy.

Không ai muốn chiến tranh, những nước nhỏ sống bên cạnh nước lớn, càng không hề muốn. Nhưng mọi quốc gia độc lập, có chủ quyền hoàn toàn có quyền chọn lựa hướng đi, chọn lựa mộ hình thể chế nào là tốt nhất cho đất nước, dân tộc mình. Putin không thể lấy lý do vì Ukraine muốn đi theo mô hình dân chủ, tiến bộ của các nước châu Âu thay vì đi theo con đường chư hầu của Nga như Belarus để tấn công xâm lược Ukraine.

3 năm, đất nước Ukraine tiếp tục bị tàn phá hàng ngày.

Trái: Odessa sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào sáng ngày 28 tháng 1 năm 2025. Một số tòa nhà dân cư bị hư hại, 10 chiếc ô tô bị thiêu rụi, 4 người bị thương; phải: Ngôi nhà ở khu vực Kyiv sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào ngày 23 tháng 1 năm 2025. 4 ngôi nhà và một quán cà phê bị hư hại.

Mặt khác, trong lịch sử, con người đã từng đánh nhau hàng vạn lần để giành đất, chiếm dân, chiếm tài nguyên khoáng sản. Biên giới giữa các quốc gia đã được vẽ đi xóa lại không biết bao nhiêu lần, cho tới khi nó có một hình dạng như hiện tại. Không thể nào lấy lý do một quốc gia, khu vực đã từng thuộc về mình trước đây, để đòi vẽ lại biên giới. Luật pháp quốc tế và lương tri nhân loại không cho phép bất cứ quốc gia lớn, mạnh nào lại sử dụng vũ lực để làm điều đó. Hãy tưởng tượng nếu bây giờ các đế quốc cũ trong quá khứ như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, và trước đó nữa, Ba Tư, La Mã, Omeyyad, Mông Cổ v.v…cũng đòi lại các thuộc địa cũ của mình?

Là người Việt, thấu hiểu thân phận nhược tiểu của Việt Nam, thấu hiểu những bài học cay đắng của lịch sử Việt Nam trong mối quan hệ với Mỹ hay Trung Quốc trong quá khứ và ngay cả hiện tại, đối với Trung Quốc, thì sẽ đứng về phía Ukraine. Đó là sự chọn lựa của lương tri. Không thể ủng hộ Nga, cũng như không thể bênh vực cách chính quyền Trump giải quyết hồ sơ Ukraine theo kiểu bán rẻ Ukraine, hoàn toàn đứng về phía Putin như vậy.

Những người đang muốn đấu tranh dân chủ cho Việt Nam, đang muốn làm chính trị, thì lại càng phải có một thế giới quan, nhân sinh quan nhất quán dựa trên những giá trị đúng đắn như tôn trọng tự do, dân chủ, nhân quyền…của con người, tôn trọng quyền tự quyết, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của từng quốc gia. Không thể có những tiêu chuẩn đánh giá đúng sai theo kiểu “nước đôi” áp dụng được cho một chế độ, quốc gia, lãnh đạo này lại không thể áp dụng cho một quốc gia, lãnh đạo khác.

Người viết vẫn tin rằng nếu người Ukraine giữ vững tinh thần, nếu châu Âu một lòng đoàn kết ủng hộ Ukraine, Ukraine sẽ chiến thắng, một chiến thắng công bằng hơn chứ không phải một giải pháp kết thúc chiến tranh (thật ra chỉ là ngừng bắn tạm thời) với quá nhiều thiệt thòi, bất công, và nguy hiểm cho an ninh lẫn tài nguyên khoáng sản của Ukraine trong tương lai.

Hình: LukasJohnns

Nhưng Ukraine và cả châu Âu có lẽ cũng đã nhận ra thế giới đã thay đổi, nước Mỹ dưới thời Trump đã thay đổi hướng đi, chính sách, thay đổi mọi giá trị, mọi mối quan hệ…Không còn lý tưởng phải bảo vệ và “xuất khẩu” những giá trị về tự do, dân chủ, nhân quyền, không còn những mối quan hệ đồng minh cùng sát cánh bên nhau để chống lại các quốc gia độc tài.

Nước Mỹ bây giờ thậm chí đang đi theo xu hướng trở thành một quốc gia độc tài hơn, một chế độ đầu sỏ (oligarchy), và mọi mối quan hệ là dựa trên tiền bạc, quyền lực, pay-to-play/pay-for-play (sòng phẳng, thực dụng, trả tiền để chơi…).

Có một câu nói lóng, ẩn dụ của người Mỹ, mà nhiều cá nhân có xuất thân khác nhau đã sử dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau: If you are not at the table then you’re probably on the menu. (Nếu không ngồi ở bàn ăn, có lẽ bạn đang nằm trong thực đơn, còn trong ngôn ngữ ngoại giao, chính trị thì sẽ là: Nếu bạn không có mặt tại bàn (đàm phán), bạn sẽ nằm trong thực đơn). Hay nói cách khác, nếu bạn có sức mạnh, bạn sẽ nuốt chửng những người khác trên bàn đàm phán; nếu bạn thiếu sức mạnh, bạn sẽ trở thành con mồi trên thực đơn. Nó tuân thủ hoàn toàn luật rừng (jungle law), nơi mà quyền lực và địa vị, chứ không phải chuẩn mực đạo đức hay pháp lý, quyết định hành động. Nhìn vào cách chính quyền Trump giải quyết hồ sơ xung đột Israel—Hamas hay hồ sơ Ukraine, một lần nữa, rất đúng với câu nói này.

Trong suy nghĩ, tư duy của các nhân vật lãnh đạo như Trump, Putin, Tập Cận Bình thật ra có rất nhiều điều giống nhau, đó là cùng cho rằng chỉ các nước lớn mới có quyền quyết định vận mệnh các nước khác, có quyền chia chác lại bản đồ thế giới. Nhưng thời đại bây giờ là thời đại đa cực, không phải như thời Chiến tranh Lạnh chỉ có hai khối đương đầu nhau.

Sau khi nhận ra thế giới đã thay đổi, nước Mỹ đã thay đổi, không còn có thể tin tưởng vào mối quan hệ từng gắn bó suốt 8 thập kỷ với Mỹ nữa, các nước châu Âu chắc chắn sẽ phát triển quốc phòng để bảo vệ chính mình, bảo vệ châu lục, dần dần tách khỏi ảnh hưởng của Mỹ. Không loại trừ Đức có thể xây dựng vũ khí hạt nhân. Các nước châu Á như Nam Hàn, Nhật…đang lệ thuộc vào cái ô bảo vệ của Mỹ, cũng sẽ “lạnh gáy” mà phải nghĩ đến giải pháp gia tăng đầu tư quốc phòng, cũng sẽ không loại trừ cả vũ khí hạt nhân (khi Nam Hàn phải đối phó với mối đe dọa thường xuyên từ Bắc Hàn và Nhật phải nghĩ đến mối nguy hiểm trong tương lai gần từ Trung Quốc). Có nghĩa là các nước sẽ đua nhau gia tăng quốc phòng, quân sự và thế giới sẽ trở nên bất ổn hơn.

Từ giã giai đoạn ca ngợi chủ nghĩa toàn cầu hóa, đa văn hóa, xu hướng bảo thủ, đề cao tinh thần dân tộc chủ nghĩa đang nổi lên với chiến thắng của các đảng trung hữu, cực hữu gần đây trong hàng loạt các quốc gia phương Tây (trừ Vương quốc Anh), mà mới nhất là trong cuộc bầu cử Quốc hội ở Đức ngày 23/2 với chiến thắng của Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo bảo thủ (CDU/CSU) thuộc cánh hữu đưa đến việc ông Friedrich Merz sẽ là Tân thủ tướng Đức, và về nhì là đảng cực hữu AfD (Alternative für Deutschland), đạt được gấp đôi tỷ lệ phiếu bầu (hơn 20%) so với hồi tháng 09/2021. Tuy nhiên, đảng Dân chủ Cơ đốc giáo đã tuyên bố sẽ không minh với đảng cực hữu, vì thế, AfD sẽ vẫn chỉ là đảng đối lập, còn CDU/CSU sẽ phải tìm kiếm liên minh từ các đảng cánh tả khác, trong đó có đảng Dân chủ Xã hội (SPD) vừa bị đánh bại của thủ tướng Olaf Scholz.

Theo nhận định từ nhiều tờ báo quốc tế, Friedrich Merz có xu hướng cứng rắn hơn so với cựu Thủ tướng Angela Merkel, và cam kết sẽ đưa nước Đức mạnh mẽ hơn và châu Ầu độc lập hơn đối với Mỹ.

Còn Việt Nam, không biết những người lãnh đạo đảng Cộng sản sẽ chọn hướng đi nào? Tiếp tục trung lập, ngoại giao đa phương, là hướng đi khôn ngoan, nhưng nếu phía sau “hậu trường chính trị” vẫn tiếp tục bám chặt vào Trung Quốc, ngoan ngoãn chịu thiệt thòi để tránh chiến tranh bằng mọi giá thì lại chưa hẳn đã là tốt. Liệu Việt Nam có thực sự bừng tỉnh, nỗ lực xây dựng đất nước trở thành một quốc gia hùng mạnh, để nếu quốc gia nào có âm mưu xâm lược, bá quyền thì cũng ngần ngại trước cái giá phải trả quá đắt? Mà muốn như vậy thì phải cải tổ mạnh mẽ về chính trị, tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế” (“Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn“, Tạp chí Kinh tế & Dự báo) như chính ông Tổng Bí thư Tô Lâm thừa nhận, đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc lên trên hết để lựa chọn mô hình thể chế, hướng đi tốt nhất, học những bài học sai lầm trong quá khứ để sửa sai, đoàn kết dân tộc, tựa vào dân mà tiến tới.

Phương Nam