Quyết Hồ: Phá rừng và sạt lở đất*
Tại sao ở Tây Bắc lại sạt lở đất và mưa lũ gây ra hậu quả kinh hoàng đến như vậy? Nói ra lại bảo là ác.
Tôi đã đi Tây Bắc, Tây Nguyên, Đông Bắc, dễ đến hàng trăm lần, phượt Bắc-Nam rồi lại Nam-Bắc cũng vài ba gì đó, ô tô xe máy đều đủ cả. Nhưng đi tới đâu, dù cảnh sắc có hùng vĩ tới bao nhiêu thì trong lòng tôi vẫn canh cánh một điều. Đó là sự sốt ruột trước việc mất rừng.
Có nhiều người dẫn con số “mật độ che phủ rừng” của Việt Nam tăng liên tục trong nhiều năm qua để biện minh cho ý kiến, nói mưa lũ là do mất rừng là không đúng, hoặc đại khái là do “thế lực thù địch” dựng chuyện mà thôi, chứ làm gì có chuyện đó?
Nhưng mật độ che phủ rừng có lớn tới bao nhiêu, có tăng bao nhiêu mà chất lượng rừng không đa dạng, không tăng thì cũng như không. Bởi nếu một trận mưa diễn ra trong rừng tự nhiên nó sẽ khác, đó là cảm giác của tuổi thơ khi đi tìm trâu cả ngày trong rừng những hôm mưa gió. Còn một trận mưa ở rừng keo, rừng cây công nghiệp nó khác hoàn toàn. Nước tuôn xuống xối xả và ộc thẳng ra suối, rồi ra sông và tống về xuôi. Rừng một tán lá, một giống cây thì làm sao mà đủ sức cản trở nước mưa, giữ nước mưa trong nó bằng rừng đa tán, đa tầng?
Những bức ảnh bên dưới, tôi chụp ở gần điểm giao giữa QLl6 và QL37, chỗ gần tượng đài Cò Nòi. Kể từ đây, nếu chạy QL37 sang tới Đèo Chẹn, đứng từ đây, nhìn xuống sâu lòng vực thẳm thì thấy hùng vĩ thật đấy. Nhưng bên cạnh cái hùng vĩ đó là sự sợ hãi, bởi vì làm gì còn rừng? Lúc đứng ở đây là vào Tháng Ba, mới sau tết, tôi mơ hồ đặt câu hỏi trong lòng là: nếu mưa to thì ở đây sạt lở chết kinh hoàng tới thế nào? Và cuối cùng là sạt lở ở mạn Yên Bái, Lào Cai nhiều hơn. Nhưng như thế không có nghĩa là điều tôi lo lắng đã không đến. Nó đến, nhưng ở một nơi khác. Mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là mất rừng, sau đó mưa to lâu ngày và xả lũ từ thủy điện mới là những yếu tố hội đủ cho thảm họa xảy ra. Tôi dùng từ “thảm họa” bởi nhìn ảnh đăng cảnh đường phố Yên Bái trên tường vài người bạn nó có khác gì chiến tranh đâu?
Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, rồi vòng lên Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng…vòng vào miền Trung là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…chạy theo Quốc Lộ 14 đâu đâu cũng thấy cảnh đốt rừng trồng keo.
Mưa bão qua rồi! Giờ là lúc khắc phục hậu quả. Nhưng sẽ khắc phục bao nhiêu lần nữa? Tôi đã nói về rừng rất nhiều, bởi không phải lợi lộc gì cho tôi. Mà là lớn lên ở bìa rừng, tuổi nhỏ nghịch cát, hái sim cạnh rừng, chơi đùa với những cơn mưa và những giòng nước từ rừng chảy ra. Tôi đau đớn khi chứng kiến rừng tự nhiên mất hằng ngày trước mặt mình, mà nói thì không ai nghe. Ai cũng tặc lưỡi vì lợi ích tiền bạc từ rừng keo rừng gỗ, rừng cây công nghiệp Quế, Hồi…mang lại. Đừng phá rừng rồi lại trồng rừng và kêu đó là yêu môi trường. Hãy giữ rừng, đừng phá nữa, thay đổi chính sách phát triển kinh tế đi, đừng dựa vào rừng gỗ giấy, rừng công nghiệp nữa. Phải quy hoạch lại các vùng cấm tuyệt đối không cho khai thác, không xâm lấn vào nơi ở của rừng nữa…
Quan sát vậy, bực dân buồn dân 1 nhưng buồn nhà nước, chính quyền và thể chế 10. Trong chiến lược phát triển quốc gia, đáng lý ra họ phải nhìn ra những điều trên và phải có chính sách sao đó, mà giữ lại rừng, phục hồi rừng. Làm thế nào, thì là trách nhiệm của họ. Nếu không làm được, thì đừng có ôm khư khư quyền lực nữa.
Chừng nào dân ta mới thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn mà nhìn xa, nhìn sâu hơn. Giá trị con người, dân tộc, quốc gia không chỉ là tiền bạc, nó còn là những giá trị vô hình. Tiếp tục chấp nhận hiện tại, mỗi năm chúng ta lại đón lũ, chống lũ rồi lại cãi nhau, chửi nhau, cấu xé, đấu tố nhau vì từ thiện. Hay là bắt tay vào sửa lại nước nhà, bắt đầu từ việc giữ rừng?
*Tựa do DĐTK đặt.