Song Chi: Đáng lẽ không một ai trong số họ phải vào tù!
Kỹ sư, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, một trong những tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị nổi bật của thế hệ đấu tranh sau ngày 30/4/1975 đã ra tù ngày 21/9/2024. Tin tức được gia đình thông báo trên trang Facebook mang tên anh, đã lan truyền rất nhanh, khắp trang mạng xã hội tràn ngập những lời chúc mừng, và các đài, báo tiếng Việt ở bên ngoài nước đã kịp thời nhanh chóng đưa tin.
Nếu theo đúng bản án 16 năm phi nhân – sẽ hết hạn vào tháng 5/2025 – mà nhà cầm quyền tròng lên cổ Trần Huỳnh Duy Thức, thì anh đã được thả sớm hơn khoảng 8 tháng. Cùng được thả với anh là nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng, bị khởi tố vào tháng 6/2023 và bị kết án ba năm tù giam với tội danh trốn thuế vào tháng 9/2023, cũng được thả sớm hơn thời hạn 21 tháng.
Cần phải nói ngay rằng, việc thả một vài tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm ngay trước chuyến đi Mỹ lần này là nhu cầu của đảng cộng sản Việt Nam và của ông Tô Lâm, Tổng Bí thư đảng cộng sản, Chủ tịch nước.
Với đảng, nhà nước cộng sản Việt Nam, là nhằm xoa dịu chính phủ Mỹ về tình trạng đàn áp nhân quyền ngày càng tồi tệ tại Việt Nam, là “món quà” để thương lượng, đổi chác lấy những lợi ích về kinh tế. Còn đối với chính bản thân ông Tô Lâm, là nhằm làm giảm bớt những ấn tượng xấu xí về một ông cựu Bộ trưởng Bộ Công An với những “thành tích” chà đạp nhân quyền và các vụ scandal vượt khỏi biên giới: bắt cóc người ngay giữa thủ đô nước khác, ăn uống xa hoa khi đang công du ở nước ngoài v.v…Đó là nhu cầu của nhà cầm quyền, không phải nhu cầu của các tù nhân, một khi họ đã chấp nhận ở tù vì lý tưởng của mình. Cho nên chúng ta cũng đừng vội cho rằng đó là những dấu hiệu thay đổi, cởi mở từ phía nhà cầm quyền.
Chừng nào nhà nước này thả cùng lúc cả trăm tù nhân lương tâm, thì mới có thể coi là một dấu hiệu bước đầu của ý muốn thực sự thay đổi.
Trong bài viết đầu tiên đăng trên Facebook sau khi ra tù, anh Trần Huỳnh Duy Thức cho biết trước đó đại diện của trại giam thông báo cho anh là Chủ tịch nước muốn quyết định đặc xá cho anh và đề nghị anh phải viết đơn xin đặc xá. Tất nhiên là anh Thức không chịu, vì bao nhiêu năm qua anh vẫn khẳng định mình không có tội gì để mà phải ở tù, phải xin được đặc xá. Thuyết phục anh không được, hơn 20 người của Trại giam sau đó đã xông vào buồng giam đọc thông báo rằng Chủ tịch nước đã ký Quyết định đặc xá số…ngày…cho anh, vì vậy anh trở thành người tự do và không có quyền tiếp tục ở lại trại giam. Khi anh Thức cương quyết sẽ không đi đâu cả, thì họ cưỡng bức, khiêng anh ra khỏi cổng nhà tù, đưa lên xe ra sân bay Vinh, từ đó buộc anh phải đáp chuyến máy bay vào Sài Gòn. Anh gọi đó là “đặc xá cưỡng bức”—thêm một từ mới được cập nhật trong từ điển tiếng Việt dưới chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản lãnh đạo!
Nhìn những hình ảnh đầu tiên của anh, gầy gò, trắng xanh, tóc đã bạc, có người cảm thán: “16 năm trường, đầu đã bạc và biết bao nhiêu nước đã chảy qua cầu!”. Còn nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ thì viết:
16 năm một đời người trắng xóa
Vào tóc xanh giờ đã phai mờ
Bao nhiêu năm thương nhớ con người
Làm sao biết đang cười hay khóc
Khi anh về trời mưa tang tóc
Ở ngoài kia nước lũ dâng tràn
Đất cũng chảy theo trời giông bão
Thế giới gào chưa hết thương đau
Cũng như Nelson Mandela
Bất bạo động không ngừng
Tôi không chúc mừng anh
Chỉ cầu mong anh khỏe
Cầu mong anh bước qua bóng tối
Đời còn bao lâu cho một giấc mộng dài.
Lại chạnh lòng nhớ đến bài thơ Ta về của nhà thơ Tô Thùy Yên viết năm 1985, sau mười năm tù cải tạo, bài thơ với những câu ngậm ngùi, nhưng vẫn tràn đầy một tâm hồn cao thượng, nhân văn:
…
Ta về – một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai…
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ?
Mười năm, đá cũng ngậm ngùi thay
Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm, mặt xạm soi khe nước
Ta hoá thân thành vượn cổ sơ
Ta về qua những truông cùng phá
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay
Chỉ có thế. Trời câm đất nín
Đời im lìm đóng váng xanh xao
Mười năm, thế giới già trông thấy
Đất bạc màu đi, đất bạc màu…
Ta về như bóng chim qua trễ
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa
Ai đứng trông vời mây nước đó
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ
….
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi
…
Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này
…
Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thuở trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta
7-1985
Ngẫm lại gần tám mươi năm cầm quyền ở miền Bắc và gần nửa thế kỷ giành độc quyền lãnh đạo trên toàn quốc Việt Nam, đảng cộng sản đã thủ tiêu, ám sát, kết án, đày đọa trong lao tù bao nhiêu người con ưu tú, tinh hoa của đất nước này? Từ những nhân sĩ, trí thức, thủ lĩnh tôn giáo, đối thủ của các đảng phái chính trị đối lập giai đoạn 1930-1945; các văn nghệ sĩ trí thức bất đồng chính kiến, giai cấp bị gọi là địa chủ phong kiến, tư sản, tiểu tư sản giai đoạn 1945-1975 ở miền Bắc; hàng trăm ngàn dân quân cán chính, trí thức, văn nghệ sĩ, các khuôn mặt nổi bật của các tổ chức tôn giáo…của chế độ VNCH sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc; tiếp theo là những người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động xã hội dân sự, dân oan…lớn lên dưới chế độ XHCN Việt Nam, trong đó có cả các cựu binh từng chiến đấu dưới lá cờ của đảng cộng sản, các đảng viên lão thành…
Không thể kể hết bao nhiêu con người tài năng, đầy nghị lực, đầy tâm huyết với đất nước, dân tộc đã bị giết hoặc bị mất đi những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời trong lao tù. Chỉ tính từ sau ngày 30/4/1975, có những con người mà nhân cách, trí tuệ cao vời vợi cả trăm năm mới có một như Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát) cũng từng bị tù 14 năm (1984-1998) và suýt bị tử hình; ngoài ra còn có Hòa thượng Thích Quảng Độ tuy chỉ ở tù khoảng 4 năm (1995-1998) nhưng cả đời bị quản thúc tại chùa, không được thuyết pháp, Hòa thượng Thích Không Tánh bị nhà nước cộng sản giam cầm 3 lần, tổng cộng 15 năm tù, linh mục Nguyễn Văn Lý 3, 4 lần bị tù, tổng cộng khoảng 22-23 năm, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt 2 lần ở tù tổng cộng 20 năm…Cho tới những người không nổi tiếng bằng như Đại úy quân đội VNCH Nguyễn Hữu Cầu–người từng được đặt biệt danh là “người tù thế kỷ” vì bị giam lâu nhất ở Việt Nam với tổng cộng 37 năm; ông Trương Văn Sương, cựu sĩ quan VNCH bị án tù chung thân, ở tù 33 năm sau đó được cho về một năm để chữa trị bệnh tật và qua đời chỉ hai mươi lăm ngày sau khi trở lại vòng lao lý v.v…
Cho tới thập niên 90 của thế kỷ XX và đầu những năm 2000, internet, mạng xã hôi chưa thịnh hành ở Việt Nam, thông tin về những tù nhân chính trị bị bắt và hoàn cảnh của họ trong tù còn bị bưng bít, chỉ thỉnh thoảng mới lộ ra ngoài, từ hồi ký của những người đã mãn hạn tù chẳng hạn, nhưng cũng có thể mường tượng phần nào mức độ khắc nghiệt, phi nhân của chế độ lao tù cộng sản. Nhất là vì giai đoạn đó nhà nước cộng sản còn đầy lòng căm thù đối với bên thua cuộc cũng như sự kiêu ngạo của những kẻ chiến thắng. Nên họ không chỉ giam cầm, đày đọa tù nhân chính trị về mặt thể xác, mà còn hành hạ, lăng nhục, khủng bố về mặt tinh thần, nhằm tiêu diệt lòng tự trọng, phẩm chất con người và bẻ gãy ý chí của tù nhân, và điều này mới là sự tàn ác lớn nhất. Nó để lại trong lòng tù nhân những cơn sang chấn tâm lý, những vết thương lâu dài, cho dù sau này họ đã ra tù.
Và tiếp theo lại đến thế hệ các anh Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm đã ra tù, nhà hoạt động Nguyễn Đình Lượng 20 năm còn trong tù, nhà báo Phạm Chí Dũng 15 năm, nhà báo Nguyễn Tường Thụy 12 năm, nhà thơ Trần Đức Thạch 12 năm…tất cả vẫn còn trong tù v.v…Không thể đếm xuể lớp lớp người phải vào tù, hoặc phải bỏ nước ra đi sống lưu vong chỉ vì đã lên tiếng phản biện một cách ôn hòa và mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước.
Lịch sử của đảng cộng sản Việt Nam là một lịch sử đầy bạo lực, đầy tội ác. Trong quá trình đó, họ không chỉ tiêu tiệt, loại trừ những nhân vật đối lập kiệt xuất, mà họ cũng loại trừ luôn những nhân vật có trình độ, có đầu óc cởi mở, cấp tiến hơn trong đảng, chỉ còn lại những nhân vật xuất thân từ bên tuyên giáo, nặng vể lý thuyết, lý luận Mác Lênin kiểu như Nguyễn Phú Trọng hay từ bên công an như Tô Lâm, Phạm Minh Chính hoặc bên quân đội. Thành ra nếu muốn thay đổi thì những con người như vậy cũng không có đủ dũng khí, trí tuệ, viễn kiến, tầm nhìn để mà hành động.
Điều tích cực duy nhất, nếu có, là thế hệ lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam bây giờ không còn dính líu trực tiếp đến cuộc nội chiến Nam-Bắc Việt Nam nên thù hận trong lòng có lẽ cũng không quá nặng nề, và vì không còn lý tưởng như thế hệ cha anh nên cũng thực tế, thực dụng hơn. Nếu sức ép từ phía nhân dân và từ phía bên ngoài đủ mạnh thì họ sẽ phải thay đổi.
Dân tộc này đã quá đủ bạo lực, chia rẽ, hận thù, chiến tranh. Chỉ bằng tình thương, sự hiểu biết, thái độ thành tâm học hỏi từ những bài học đau thương, lầm lạc của quá khứ và niềm khao khát mãnh liệt một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau mới có thể giúp người Việt, dù ở bất cứ thế đứng, vị trí nào, quyết tâm cùng nhau tạo ra những sự thay đổi thực sự cho đất nước, dân tộc.
Song Chi