Song Chi: Tổng kết về chuyến đi Mỹ của ông Tân Tổng Bí thư, Tân Chủ tịch nước Tô Lâm
Chuyến đi Mỹ cần thiết cho ông Tô Lâm
Chuyến đi Mỹ dự Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, sau đó thăm cấp nhà nước Cuba của ông Tô Lâm trên cương vị Chủ tịch nước, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam cùng phái đoàn các đại biểu cấp cao Việt Nam từ ngày 22-26.9.2024 đã kết thúc. Bỏ qua chuyến đi tới Cuba, một nước Cộng sản “anh em”, báo chí Việt Nam ở hải ngoại và dư luận chỉ chú ý phân tích nhiều đến chuyến đi Mỹ, được xem là chuyến ra “biển lớn” đầu tiên của ông Tô Lâm. Trong chuyến đi này, ông Tô Lâm cũng gặp mặt Tổng thống Biden, gặp mặt một số đại diện các tập đoàn kinh doanh Mỹ và đến phát biểu tại trường đại học Columbia.
Mặc dù báo chí truyền thông trong nước ra sức đánh bóng cho ông Tô Lâm trong chuyến đi này và việc gặp mặt Tổng thống Biden, nhưng phải nói ngay rằng, chuyến đi này quan trọng với ông Tô Lâm hơn là với Tổng thống Biden, sự góp mặt của ông tại Liên Hiệp Quốc lại càng chả có ý nghĩa gì với thế giới.
Với Tổng thống Biden, như chúng ta biết, cuộc gặp mặt này diễn ra bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và diễn ra không lâu sau dịp kỷ niệm một năm Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ vào ngày 10/9. Đáng lẽ nó phải rất là quan trọng, rất có ý nghĩa vì kỷ niệm một năm 2 nước nâng quan hệ lên mức cao nhất, và Việt Nam có lẽ rất muốn có một cuộc gặp mặt chính thức tại Tòa Bạch Ốc với ông Biden, nhưng chương trình nghị sự của Tổng thống Biden quá bận, một cuộc gặp chính thức bao giờ cũng phải lên lịch trình từ rất lâu, dù sao sắp xếp để gặp được bên lề đã là điều tích cực. Nhưng không có gì nhiều vấn đề có thể được giải quyết trong những cuộc gặp bên lề như vậy, thứ nữa là cũng chỉ còn có hơn 1 tháng nữa là tới bầu cử Mỹ, Tổng thống Biden sẽ bước xuống, mà bao nhiêu việc cần kíp ông phải giải quyết, Việt Nam không phải là ưu tiên, không có gì để phải gấp gáp bàn bạc với Việt Nam. Việt Nam chắc cũng hiểu điều đó và cũng cẩn thận khi chưa biết kết quả bầu cử sắp tới bên Dân Chủ hay Cộng Hòa thắng.
Như nhiều nhả bình luận phân tích chính trị cũng đã chỉ ra, Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là ông Tô Lâm mới chính là bên cần chuyến đi này nói chung và cuộc gặp mặt này nói riêng, nhất là với bản thân ông Tô Lâm. Với thế giới, ông cần bước ra sân khấu chính trị thế giới để cho các nước biết đến mình, coi như chào sân, sau khi nhận 2 chức vụ, và cũng có thể là sẽ không có cơ hội thứ hai gặp được cùng lúc nhiều lãnh đạo quốc tế như vậy trên cương vị Chủ tịch nước vì tháng 10 tới có thể ông sẽ phải nhường lại vị trí Chủ tịch nước. Thứ hai với bên ngoài ông cần nó để trấn an các nước, sau những hỗn loạn của chính trường Việt Nam thời gian qua thì nhiều nước cũng đang tỏ ra nghi ngại không biết đường lối chính sách của ngoại giao của Việt Nam sẽ có gỉ thay đổi hay không, và nhân vật có nhiều thành tích tệ hại về mặt nhân quyền, nhiều scandal xuyên biên giới này là con người ra sao. Nhưng quan trọng hơn, ông cần chứng minh với người trong đảng là ông có thể làm tốt vai trò của mình về mặt ngoại giao, còn với người dân thì cũng để đánh bóng bản thân. Tóm lại chuyến đi quan trọng với ông Tô Lâm và vói nhà nước Cộng sản Việt Nam hơn là với Hoa Kỳ, với thế giới.
Với thế giới, thực sự mà nói thì thế giới chả quan tâm gì đến Việt Nam bao nhiêu, lại càng không quan tâm đến ông Tô Lâm. Tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc này có bao nhiêu hồ sơ nóng của thế giới khiến các nước phải quan tâm: cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine, xung đột Trung Đông có nguy cơ lan rộng thành cuộc chiến khu vực, thảm họa nhân đạo ở Sudan do cuộc xung đột kéo dài ở quốc gia Bắc Phi này, rồi những bước đi hiếu chiến của Trung Cộng trên biển Đông v.v…Việt Nam lại càng không phải là một quốc gia có đóng góp gì nhiều cho nhân loại hay một hình mẫu về thể chế để mà thế giới phải nể trọng.
Còn về phía Hoa Kỳ, và Biden, nó chỉ là một cuộc gặp giao hảo. Tuy nhiên, có một điều khích lệ đó là trong bài diễn văn của Tổng thống Biden trước đại hội đồng LHQ ở New York hôm 24/9, mà cũng là bài diễn văn cuối cùng của ông Biden trên cương vị Tổng thống Hoa Kỳ, ông Biden đã nhắc đến Việt Nam vài lần [1]. Ông nhắc đến cuộc chiến tranh Việt Nam khi ông được bầu làm Thượng nghị sĩ của nước Mỹ năm 1972, lúc 29 tuổi, và nhắc tới chuyện Việt Nam và Mỹ đã xóa bỏ quá khứ, trở thành bạn bè, đối tác. Một ví dụ cho chuyện luôn luôn cần phải đối thoại thay vì đối đầu. Đặc biệt là khi thế giới hiện nay đang có những khu vực, những quốc gia không muốn chọn con đường đối thoại mà lại muốn sắp xếp lại trật tự thế giới theo ý mình hoặc muốn giải quyết những xung đột bằng con đường vũ lực. Đấy là điểm son cho Việt Nam khi đã không bao giờ ngắt kết nối với thế giới trong những năm qua, tất nhiên chỉ trừ giai đoạn Việt Nam bị thế giới ngắt kết nối, cấm vận do cuộc chiến Campuchia.
Quan hệ Việt-Mỹ sau 1 năm nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện, kết quả và kỳ vọng
Việt Nam luôn tự hào đã khép lại quá khứ với Mỹ, rằng quan hệ Việt-Mỹ phát triển vượt bực nhưng thực sự mà nói vẫn là quá chậm. Vì “kiêu ngạo cộng sản”, Việt Nam bỏ qua cơ hội bình thường quá quan hệ với Mỹ ngay sau khi cuộc chiến kết thúc và 20 năm sau Việt Nam mới bình thường hóa quan hệ với Mỹ, đi chậm sau Trung Quốc nhiều năm. So sánh với Trung Quốc, cuộc chiến biên giới Việt-Trung xảy ra năm 1979 nhưng trên thực tế xung đột giữa 2 nước vẫn kéo dài cho tới tận năm 1988 và cũng là năm mà Trung Cộng đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam, nhưng đến năm 1991, tức là chỉ có 4 năm sau thì Việt Nam đã bình hóa quan hệ với Trung Quốc rồi. Và bất chấp những nguy cơ tiềm ẩn lớn về an ninh, toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải, sự độc lập tự chủ của Việt Nam thì mối quan hệ bất xứng Việt Nam-Trung Quốc vẫn hết sức chặt chẽ, với Việt Nam hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát, kềm tỏa của Trung Quốc như chúng ta có thể thấy. Trong khi đó thì tiến trình quan hệ giữa Việt Nam-Hoa Kỳ sau khi bình thường hóa quan hệ vẫn rất chậm chạp, đầy những hoài nghi cảnh giác từ phía Việt Nam.
Và bây giờ, sau một năm nâng vượt cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện thì theo đánh giá chung của giới chuyên gia, bang giao Việt – Mỹ vẫn không thật khả quan, vẫn chưa có nhiều đột phá. Tất nhiên một năm thì thời gian tương đối ngắn. Và trong năm này, mỗi nước cũng có nhiều biến động về chính trị nội bộ. Việt Nam thì liên tục có những xáo trộn, khủng hoảng chính trị, người này lên người kia xuống, rồi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời. Bên Mỹ thì quá nhiều vấn đề đối nội-đối ngoại phải quan tâm, bây giờ lại bước vào mùa bầu cử. Cho nên vẫn chưa có nhiều bước tiến đáng kể. Đó là chưa kể việc quan hệ Việt Nam-Trung Quốc ngay sau đó lại nâng thêm một bước cao hơn là “cùng chung vận mệnh”, Việt Nam tiếp đón trọng thể Putin, một tội phạm chiến tranh đang bị tòa án quốc tế truy nã, rồi tình trạng nhân quyền của Việt Nam không hề cải thiện…cũng là những trở ngại, khiến phía Mỹ thiếu lòng tin và khó xử. Tổng thống Biden đã bị sức ép từ một số dân biểu, nghị sĩ, một số tổ chức xã hội dân sự về tình trạng nhân quyền của Việt Nam.
Vào ngày 1/5/2024 Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố báo cáo tự do tôn giáo 2024, tiếp tục kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại vào danh sách Quốc gia Cần quan tâm Đặc Biệt (Country of Particular Concern (CPC) vì cho rằng Việt Nam “đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng” [2]; mới đây tổ chức Human rights Watch cũng lên tiếng mà đài VOA tiếng Việt có bài dẫn lại rằng “HRW: Lãnh đạo Tô Lâm của Việt Nam ‘xưa nay vẫn là kẻ vi phạm nhân quyền’ [3] v.v…Tất cả những điều này cũng làm cho chính quyền Biden khó xử.
Nếu mà nói kỳ vọng vào mối quan hệ song phương chiến lược toàn diện này thì về phía Mỹ, chỉ có mỗi một mục đích là kéo Việt Nam ra khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc vì vị trí địa chính trị của Việt Nam. Nhưng, giả sử nếu Việt Nam nghiêng hẳn về phía Trung Quốc thì Hoa Kỳ vẫn có nhiều đồng minh khác, đáng tin cậy hơn trong vùng, từ Nhật Bản, Hàn Quốc cho tới Philippines. Trong khi đó, Việt Nam cần Mỹ về mọi mặt từ việc ngăn chặn bớt sự hung hăng của Trung Cộng trên biển Đông cho tới chuyển đổi sang kỹ thuật số, năng lượng xanh, công nghệ cao, an ninh, rồi an ninh mạng, hiện đại hóa vũ khí… Nhưng Việt Nam có lẽ chỉ dám xúc tiến trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục, công nghệ còn quân sự, an ninh, quốc phòng, thì không dám công khai xích lại gần Mỹ vì sợ sẽ chọc giận Nga, Tàu, ngay cả chuyện mua vũ khí cũng phải đắn đo đủ thứ.
Nếu chúng ta để ý thì trong mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ cứ mỗi lần 2 bên tiến lên một bước thì lại có bàn tay Trung Quốc tìm cách ngăn cản, chọc gậy bánh xe. Như trước khi ông Tô Lâm đi Mỹ cũng vậy, cũng có những vụ chọc gậy bánh xe, cố tình làm hoen ố chuyến đi này và mối quan hệ Việt-Mỹ như vụ kích động tinh thần dân tộc cực đoan giương cao cờ Đỏ tấn công cờ Vàng, vụ đại học Fulbright Việt Nam bị cáo buộc “làm cách mạng màu” [4] mà một điều đáng lưu ý là tòa Tổng lãnh sự Trung Quốc ở Đà Nẵng lại đăng lại phóng sự video với nhan đề “Không để cách mạng màu đổi màu giáo dục” mà trước đó ngày 21/8 Kênh truyền hình quốc phòng Việt Nam đã đăng và đã rút xuống.
Rồi ngay khi Tổng thống Biden đang tiếp ông Tô Lâm thì Trung Quốc lại công khai phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hướng về khu vực Thái Bình Dương, vô tình hay cố ý?
Chính vì bao nhiêu sự phức tạp, tế nhị đó, trước mắt Việt Nam có lẽ sẽ tập trung về mảng kinh tế, kêu gọi các công ty của Mỹ đầu tư vào Việt Nam. Trước đó và ngay trong chuyến đi này ông Tô Lâm và phái đoàn Việt Nam cũng cố gắng có những cuộc gặp gỡ đại diện của một số tập đoàn Hoa Kỳ, gồm Apple, Google của Alphabet và Facebook của Meta v.v…
Ông Tô Lâm phát biểu tại đại học Columbia–bao nhiêu công sức chuẩn bị phía sau nhưng có gì đáng để khen?
Báo chí truyền thông tiếng Việt trong ngoài đều nhấn mạnh đến chi tiết ông Tô Lâm là nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản đầu tiên được mời tới nói chuyện tại Đại học Columbia, một trường đại học thuộc loại danh giá của Hoa Kỳ. Nhưng phía sau câu chuyện này là gì và ông Lâm có đáng được khen hay không?
Trước chuyến đi, nhà nước Cộng sản Việt Nam đã thả trước thời hạn 2 tù nhân lương tâm nổi tiếng là kỹ sự, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức và nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Thu Hồng. Cả 2 người này đều nằm trong danh sách được các tổ chức quốc tế lên tiếng kêu gọi Việt Nam phải thả tự do vô điều kiện. Nhưng bà Hoàng Thị Minh Hồng là người đã theo học tại Đại học Columbia trước đây với tư cách là người nhận học bổng chương trình đào tạo lãnh đạo của Obama Foundation [5] Khi bà Hoàng Thị Minh Hồng bị bắt thì hàng loạt trí thức, tổ chức đã lên tiếng phản đối và yêu cầu Việt Nam trả tự do cho bà, trong đó có trường đại học Columbia. [6], Biết rằng sẽ được mời tới đại học Columbia phát biểu, giao lưu cho nên ông Tô Lâm và nhà cầm quyền Việt Nam đã thả bà Hoàng Thị Minh Hồng ra. Đó là một sự tính toán.
Người điều phối trong phần tọa đàm này là Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng, Giám đốc Viện Đông Á Weatherhead thuộc Đại học Columbia. Bà giảng dạy về lịch sử mối quan hệ Mỹ-Đông Á. Trước kia mấy cuốn sách nghiên cứu về cuộc chiến Việt Nam của bà Liên Hằng từng bị các “hội nhóm cờ đỏ” tại Việt Nam tố cáo là xuyên tạc lịch sử [7]. Tuy nhiên, bà Liên Hằng cũng là một thành viên quản trị của Đại học Fulbright Việt Nam. Trong số những thành viên ban đầu của Hội đồng Sáng lập Trường đại học Fulbright Việt Nam có vợ chồng ông Nguyễn Bảo Hoàng và bà Nguyễn Thanh Phượng–con gái và con rể ông Nguyễn Tấn Dũng [8], mà ông Tô Lâm thì từng là “đệ tử” của ông Nguyễn Tấn Dũng khi ông này còn là Thủ tướng. Như thế để thấy được những mối quan hệ chồng chéo, những sự kết nối, chuẩn bị công phu để ông Tô Lâm có thể xuất hiện tại trường này; cũng như sự đấu đá phía sau hậu trường chính trị Việt Nam. Và sự đấu đá đó cũng tiếp tục diễn ra ngay trước chuyến đi của ông Tô Lâm, qua chuyện đại học Fulbright Việt Nam bị các phe đối địch với ông Tô Lâm và cả những phe không muốn Việt Nam xích lại gần Mỹ tấn công. Còn về phía Đại học Fulbright Việt Nam, sau khi bị tố cáo “làm cách mạng màu” thì có lẽ việc để cho bà Liên Hằng thực hiện cuộc “giao lưu, phỏng vấn” này cũng là muốn ghi điểm với chính quyền Việt Nam.
Mọi chi tiết về chuyến đi cho tới buổi phát biểu, giao lưu tại đại học Columbia đều là cả một sự sắp xếp, tính toán, trình diễn, tuy nhiên vẫn khá là lộ liễu. Các sinh viên Việt Nam đặt câu hỏi thì giọng Bắc, có vẻ thuộc thành phần lý lịch được chọn lựa trước, phải nhìn vào điện thoại để đặt câu hỏi, ông Tô Lâm thì cầm giấy trả lời…Nhưng ngay từ câu hỏi đầu của bà Liên Hằng về vấn đề hòa giải hòa hợp giữa những người Việt Nam với nhau có nhắc đến cân nói ngày 30/4 là một sự kiện có triệu người vui, triệu người buồn của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì ông Lậm né, không đề cập gì đến vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc mà chỉ nói đến sự hòa giải hòa hợp trong mối quan hệ giữa Việt Nam-Hoa Kỳ [9]
Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy có sự phản đối của nhiều cá nhân, nhiều tổ chức xã hội dân sự ở Mỹ về chuyện trường đại học Columbia mời ông Tô Lâm đến nói chuyện, mặc dù trường này đã phân bua là họ mời các diễn giả khác nhau tới trường để tôn trọng quyền tự do ngôn luận [10], nhưng rõ ràng chuyện này cũng đánh bóng hình ảnh một lãnh đạo của một đảng và nhà nước Cộng sản có hồ sơ tệ hại về mặt nhân quyền nói chung và quá khứ đàn áp nhân quyền, triệt hại các đồng chí khác của ông Tô Lâm nói riêng.
Cũng cần nhắc lại vài chi tiết liên quan đến trường đại học Columbia, Trong năm học 2007-2008, trường đã mời và sau đó tiếp đón ông Mahmoud Ahmadinejad – tổng thống Iran khi đó, một nhân vật độc tài của một chế độ độc tài vô cùng hà khắc [11]
Khi cuộc chiến Israel với tổ chức Hamas nổ ra, Đại học Columbia đã trở thành trung tâm của các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine do sinh viên lãnh đạo, đưa tới phong trào biểu tình rộng rãi tại các trường đại học trên khắp Mỹ và nước ngoài. Columbia là một trong các trường đại học mà người đứng đầu phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ (các trường kia gồm toàn những trường đại học danh giá như Harvard University, University of Pennsylvania and MIT– Massachusetts Institute of Technology) vì cách xử lý các cuộc biểu tình. Một mặt đã để cho những cuộc biểu tình ủng hộ Palestine do sinh viên tổ chức đi quá đà, có những biểu hiện bài Do Thái, khiến các sinh viên Do Thái trong trường cảm thấy không an toàn, mặt khác sau đó lại gọi cảnh sát tới giải tán các cuộc biểu tình. Sau cuộc điều trần này một thời gian, Hiệu trưởng trường Đại học Columbia, bà Minouche Shafik, đã phải từ chức vào tháng 8/2024 [12] (các Hiệu trưởng khác phải từ chức bao gồm bà Liz Magill–University of Pennsylvania), Claudine Gay–Harvard University, Martha E. Pollack—Cornell University)
Nhắc lại vài chi tiết để thấy ở một số trường đại học, giới sinh viên trí thức, nghệ sĩ các nước dân chủ phương Tây thường hay có xu hướng chính trị mà họ cho là cấp tiến, nhưng đôi khi lại ngây thơ trong việc có thiện cảm đối với những cá nhân hoặc các quốc gia độc tài, các tổ chức khủng bố. Cho nên việc họ mời ông Tô Lâm cũng chả có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng nếu thực sự tôn trọng tự do ngôn luận, trường Đại học Columbia và cá nhân bà Liên Hằng không nên sắp đặt trước mà nên để cho cuộc giao lưu này diễn ra hoàn toàn tự nhiên, kể cả đặt ra những câu hỏi về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam nói chung và bản thân ông Tô Lâm nói riêng, hay việc đại học Fulbright bị tấn công trước đó; còn bản thân ông Tô Lâm nếu có đủ tự tin thì cũng nên trả lời trực tiếp với mọi đối tượng.
Cũng như thế, nếu đã đối thoại, hãy đối thoại với hàng chục GS Mỹ kí tên kiến nghị trả tự do cho nhà báo Huy Đức, hãy đối thoại trực tiếp (không chuẩn bị câu hỏi sẵn, không cầm giấy trả lời, không cẩn thận lựa chọn người hỏi) với các tổ chức xã hội dân sự, các nhà bất đồng chính kiến, báo chí truyền thông độc lập…về mọi vấn đề của đất nước.
Đừng quên từ cách đây hơn sáu thập niên, vị Tổng Thống đầu tiên của VNCH Ngô Đình Diệm đã có bài phát biểu bằng tiếng Anh đầy tự tin trước lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ vào năm 1957 [13]; sau đó Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng có những lần trả lời phóng viên nước ngoài khi thì bằng tiếng Anh, khi thì bằng tiếng Pháp, không cầm giấy, không né tránh mọi câu hỏi khó, có tính chất chọc ngoáy của phóng viên [14]
Cho nên không có gì đáng khen trong mà trình diễn này cả. Những người cộng sản từ thời ông Hồ Chí Minh cho tới giờ lúc nào cũng “sắm vai”, lúc nào cũng mỵ dân. Phần lớn người dân Việt Nam và cả quốc tế, thường mau quên và dễ bị dẫn dắt bởi nghệ thuật tuyên truyền, mị dân của các chế độ độc tài, còn những người sống ở các chế độ dân chủ phương Tây lắm khi lại vô tình (hay hữu ý?) tiếp tay đánh bóng cho những cá nhân, những chế độ này.
Số đông người Việt Nam, khát khao, trông chờ sự thay đổi
Cứ mỗi lần có một ông lãnh đạo mới lên, cứ mỗi lần ông lãnh đạo đảng, nhà nước đi Mỹ hoặc tổng thống Mỹ đến Việt Nam là nhiều người lại tràn đầy hy vọng. Báo chí truyền thông chính thống dưới sự chỉ đạo của bộ máy tuyên giáo, tuyên truyền của nhà nước thì tô vẽ, đánh bóng cho nhân vật đó và cho chuyến đi đó. Rồi dưới sự dẫn dắt lèo lái này đại đa số dân chúng cũng lên đồng theo. Soi từ trang phục, từng câu nói, rồi bàn bạc, hy vọng. Chẳng hạn, có một cái hình ông Tô Lâm bắt tay Tổng thống Ukraine Zelensky cũng hồ hởi vui mừng cho là Việt Nam ủng hộ Ukraine đấy chứ v.v…
Sống dưới chế độ độc tài toàn trị do đảng Cộng sản cai trị bao nhiêu năm, lẽ ra chúng ta cần phải tỉnh táo để hiểu rằng một vài hành động làm màu, những lời nói hoa mỹ không có ý nghĩa gì cả. Nếu ông Tô Lâm và đảng Cộng sản Việt Nam thực sự muốn thay đổi, muốn cải thiện hình ảnh của họ, thực sự nghĩ đến tương lai của dất nước, dân tộc, họ còn cả núi việc thực chất để làm và hãy bắt đầu bẳng những việc cụ thể, đơn giản (mà vẫn là quá sức đối với họ) như: 1. Thả toàn bộ tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, tù án oan sai. 2. Sẵn sàng chấp nhận mọi cuộc đối thoại. 3. Tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người dân. 4. Thực hành tự do báo chí. 5. Thông qua luật cho phép biểu tình v.v…
Hãy bắt đầu thay đổi và cải thiện hình ảnh bằng những việc cụ thể, ngay trong nước như vậy, thay vì mặc com-lê, thắt cà-vạt cố gắng đi quảng bá hình ảnh của nhà nước Việt Nam ở nước ngoài, nói những từ hoa mỹ, đao to búa lớn.
Có thể hiểu tâm lý của số đông người Việt Nam vì khao khát thay đổi quá nên cứ mỗi lần có một ông lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng sản mới lên là lại có tâm lý mong chờ một “minh quân”, hết hy vọng vào Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng lại đến Tô Lâm, nhưng những người này và cả cái đảng Cộng sản chưa thay đổi được đâu, chừng nào chưa có một lý do hay sức ép nào đủ lớn để buộc họ phải san sẻ hay từ bỏ quyền lực cả. Mà sức ép đó phải đến từ phía nhân dân là chính.
Song Chi
—————–
Chú thích:
[1] FULL SPEECH: Biden delivers final U.N. address as President amid global turmoil as election nears
[2] USCIRF lại đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách Cần quan tâm Đặc biệt
[3] HRW: Lãnh đạo Tô Lâm của Việt Nam ‘xưa nay vẫn là kẻ vi phạm nhân quyền’
[4] Đại học Fulbright Việt Nam và cáo buộc ‘cách mạng màu’
[5] Người phụ nữ Việt ‘truyền cảm hứng’ cho Obama
[6] University Statement on the Arrest of Hoang Thi Minh Hong
We Demand Vietnam Release Climate Champion Hoang Thi Minh Hong
[7] Đừng nhân danh khoa học để xuyên tạc lịch sử
Đại học Fulbright: GS Nguyễn Thị Liên Hằng xuyên tạc lịch sử Việt Nam:
[8] 8 doanh nhân hiến tặng 40 triệu USD cho Trường ĐH Fulbright VN
[9] Ông Tô Lâm tại Đại học Columbia: Ông đã nói gì? Đâu là điểm đáng chú ý?
Tô Lâm ‘né’ trả lời về hòa giải qua câu ‘triệu người vui, triệu người buồn’ của Võ Văn Kiệt
[10] Đại học Columbia giải thích lý do mời lãnh đạo Đảng Cộng sản Tô Lâm đến nói chuyện
[11] Iran: Ahmadinejad Delivers Controversial Speech At U.S. University
Columbia President Defends Invitation to Ahmadinejad to Speak at School
[12] A look at college presidents who have resigned under pressure over their handling of Gaza protests
Exclusive: U.S. lawmakers demand Harvard, MIT, Penn remove presidents after antisemitism hearing
[13] Toàn văn phát biểu của Tổng Thống Ngô Đình Diệm trước lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ năm 1957
[14] Một vài video trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh, tiếng Pháp của cố Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu