Song Chi: Trước mắt, sẽ chưa có một sự đổi mới chính trị nào ở Việt Nam

Qua việc bắt giữ 2 nhân vật nổi tiếng là nhà báo Huy Đức và luật sư Trần Đình Triển – hai con người dù có những ý kiến, bài viết phản biện sắc sảo trước mọi vấn đề của đất nước, xã hội, nhưng vẫn được xem như người trong hệ thống, phản biện để góp phần xây dựng đảng, xây dựng đất nước tốt đẹp hơn chứ không phải là người của “các tổ chức, thế lực thù địch”; và việc “quản lý” sư Minh Tuệ – một người tu hành không quan tâm đến chính trị và vì vô tính mà trở thành nổi tiếng chứ không muốn thế, nhà nước cộng sản Việt Nam đã cho người dân trong nước và thế giới thấy rõ một điều:

Trước mắt, sẽ không có một sự khoan dung, đổi mới nào về chính trị cả. Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo sẽ càng bị siết chặt, tình hình nhân quyền sẽ càng tệ hại đi ở Việt Nam.

Thực tế cho thấy Việt Nam càng “mở cửa” làm ăn với thế giới, càng đa phương hóa trong chính sách ngoại giao thì đối nội càng gia tăng ngăn chặn, đàn áp mọi tiếng nói phản biện, mọi cá nhân, tổ chức có thể có ảnh hưởng với đám đông. Những năm gần đây tình hình càng tệ hơn. Nhà cầm quyền đã “bắt nguội, bắt vét, truy cùng diệt tận” cả những nhà bất đồng chính kiến, những nhà hoạt đã tạm ngừng hoạt động một thời gian vì những lý do cá nhân như bận việc gia đình, sức khỏe… như kỹ sư, blogger Nguyễn Lân Thắng, kỹ sư, nhà hoạt động Trần Bang, cựu admin của trang Facebook Nhật ký yêu nước Phan Tất Thành v.v…Không chỉ giới blogger, nhà báo, luật sư nhân quyền, mà cả những nhà hoạt động môi trường, những người ở trong hệ thống như ông Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội), ông Nguyễn Văn Bình (Vụ trưởng Vụ pháp chế thuộc Bộ Lao động Thương binh Xã hội), Ông Vũ Minh Tiến (Trưởng ban Pháp chế và Chính sách của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) …Và mới đây nhất, như vừa nói, là nhà báo Huy Đức và luật sư Trần Đình Triển.

Tại sao lại như vậy?

Có nhiều lý do để không gian tự do vốn đã vô cùng chật hẹp đối với người dân Việt Nam, nay càng bị siết chặt hơn. Ngoài nỗi ám ảnh thường trực của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam về các “thế lực thù địch”, về “diễn biến hòa bình”, thì tình trạng bất ổn, khủng hoảng chính trị ở thượng tầng với những cuộc đấu đá, triệt hạ lẫn nhau vô cùng khốc liệt đã không còn che giấu được ai, là một lý do. Khi thượng tầng càng bất ổn, thì nhà cẩm quyền càng phải gia tăng đàn áp để giữ vững chế độ.

Thứ hai, yếu tố phe nhóm, địa phương trong những cuộc tranh giành quyền lực khiến không chỉ các doanh nghiệp “sân sau” thuộc về phe này, phe khác, mà cả những cá nhân vô tình được sự ủng hộ của một phe nào đó, cũng sẽ bị phe khác “ngứa mắt” triệt luôn. Và nếu theo cách lý giải đó thì nhà báo Huy Đức, suốt một thời gian dài được cho là ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng (cho tới hai bài viết mới nhất, chỉ trích cả ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lẫn ông Tân Chủ tịch nước Tô Lâm) có thể bị ông Tô Lâm lệnh cho Bộ Công An bắt; hoặc theo người khác thì cả hai ông Huy Đức và Trần Đình Triển đều gốc Hà Tĩnh, mà nội bộ “cung đình” thì có các cuộc đầu đá giữa phe Nghệ An-Hà Tĩnh với phe Hưng Yên, nên các ông bị vạ lây? (Nhân tiện, không biết có quốc gia nào khác như Việt Nam hay Trung Quốc, mà yếu tố phe nhóm địa phương trong tranh giành quyền lực lại mạnh đến vậy?)

Chúng ta không có câu trả lời chính xác. Như từ bao nhiêu năm nay vẫn vậy, đảng Cộng sản Việt Nam che giấu mọi thông tin từ nội trị cho tới ngoại giao, người dân chỉ có thể suy đoán mà thôi.

Nguyên nhân thứ ba khiến nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng mạnh tay đàn áp, chà đạp nhân quyền là bởi vì không có sức ép nào đáng kể từ cả quốc tế cho tới công luận trong nước. Và chính vì vậy họ cứ ngang nhiên, công khai ngồi xổm lên luật pháp trong nước, luật pháp quốc tế.

Với những trí thức nổi tiếng như nhà báo Huy Đức, luật sư Trần Đình Triển, bắt họ có khi còn là để có những đầu mối dẫn đến người khác, chúng ta biết Huy Đức là người có quan hệ rộng, và trong suốt quá trình làm báo anh có rất nhiều tư liệu liên quan đến bao nhiêu người. Hay có khi chỉ là để chứng tỏ quyền lực mạnh đang lên của một cá nhân, một nhóm nào đó.

Dù không phải là bi quan nhưng với việc gán cho hai người tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, dự đoán là bản án sẽ không dưới 5 năm.

Chuyện nhà báo Huy Đức, luật sư Trần Đình Triển bị bắt là như vậy, còn chuyện sư Minh Tuệ, cũng không có gì lạ nếu nhìn lại chính sách đàn áp tôn giáo xuyên suốt bao nhiêu năm của đảng Cộng sản. Bất cứ một cá nhân, tổ chức nào muốn nằm bên ngoài hê thống tôn giáo quốc doanh do nhà nước kiểm soát chặt chẽ thì đều không được phép, huống chi sư Minh Tuệ, dù chỉ xuất hiện trên mạng xã hội một tháng nay nhưng sức ảnh hưởng, lan tỏa lại mạnh mẽ không ngờ, khiến nhà cầm quyền phải dẹp ngay.

Trong một chế độ độc tài toàn trị như ở Việt Nam, tuyệt đối không có chỗ cho các  đảng phái đối lập, những tiếng nói phản biện, hay bất cứ một thần tượng nào ngoài ông Hồ Chí Minh. Bất cứ ai có thể có ảnh hưởng tới đám đông là phải bị dập, bất cứ ai đứng ngoài hệ thống là không được phép. Đơn giản như vậy.

Nhưng đối với sư Minh Tuệ, có mấy điều khiến những chúng ta có thể tạm yên tâm:

Sư Minh Tuệ chỉ là một cá nhân tự tu tập, không thuộc về bất cứ tổ chức giáo hội nào, sư là người sinh ra và lớn lên dưới chế độ này, từng là bộ đội, công chức cán bộ của chế độ, sư không quan tâm đến chính trị, chuyện thế sự v.v…Hoàn toàn khác với những trường hơp như Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, hòa thượng Thích Quảng Độ, và những người thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất – một tổ chức Phật giáo được thành lập từ năm 1964 và không chấp nhận chịu sự kiểm soát của đảng Cộng sản Việt Nam. Các ngài như Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, hòa thượng Thích Quảng Độ, Thiền sư Lê Mạnh Thát là những người có kiến thức, trí tuệ cao vời về Phật học, triết học nhưng đồng thời cũng là những người rất hiểu rõ chế độ độc tài cộng sản là gì, và không bao giờ chấp nhận thỏa hiệp trước cường quyền, vì vậy đảng và nhà nước cộng sản phải tìm mọi cách để cô lập, kết án tù hàng chục năm, thậm chí họ từng kết án tử hình Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ và thiền sư Lê Mạnh Thát…Nhưng còn sư Minh Tuệ thì không quan tâm đến chính trị, có lẽ trước mắt nếu người dân không bu quanh, không đưa tin liên tục, không ngưỡng mộ quá mức mà chỉ chắp tay đứng bên đường chào khi sư đi qua thì có lẽ nhà cầm quyền sẽ để cho sư Minh Tuệ tiếp tục bộ hành dưới sự “quản lý” của họ, còn nếu lại có chuyện ồn ào vây quanh thì họ lại tách sư ra, đưa về lại một chỗ, hoặc sư lại phải “ẩn tu” (như tình hình mới nhất ngày 14/6), nhưng chuyện tù đày trước mắt chắc là không có. 

Muôn vàn thủ đoạn, biện pháp để ngăn chặn, tiêu diệt

Gần tám thập niên cầm quyền ở miền Bắc và gần nửa thế kỷ độc quyền lãnh đạo trên toàn quốc, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam có muôn vàn biện pháp, thủ đoạn để ngăn chặn từ xa mọi mầm mống phản kháng, mọi khát khao thay đổi, mọi hình ảnh, biểu tượng, ảnh hưởng tốt đẹp có thể tạo ra sự liên tưởng, so sánh, đối chiếu với sự sai lầm, tổi dở của đảng và cái hệ thống nhà nước XHCN.

Chúng ta đã thấy, bất cứ khi nào bắt một người có liên quan đến yếu tố chính trị thì nhà cầm quyền cô lập người đó suốt trong thời gian tạm giam cho đến khi ra tòa không cho tiếp xúc với bạn bè, người thân để bẻ gãy ý chí của người đó, tầm thường hóa, kể cả bôi nhọ, vu khống người bị bắt với những tội danh hình sự…Còn đối với các nhân vật tôn giáo thì cũng cô lập khỏi tín đồ, bình thường hóa, tầm thường hóa họ. Việc báo đài nhà nước liên tục nêu tục danh sư Minh Tuệ, nhắc đi nhắc lại việc sư không phải là một tu sĩ của bất cứ chùa nào, bắt sư lăn tay làm căn cước công dân…đều nằm trong thủ đoạn này. Nếu ai có xem cái video do công an Gia Lai đưa lên về việc sư Minh Tuệ đến nhận Căn cước công dân thì hiểu. Công an liên tục gọi tên công dân Lê Anh Tú, nhắc đến việc có Căn cước công dân thì có lợi ra sao, tức là nhằm giải thiêng, bình thường hóa, rằng đây chỉ là một công dân đi lang thang không có giấy tờ nay được nhà nước cấp giấy tờ cho. Cũng trong video đó, nét mặt sư Minh Tuệ không hề tỏ ra vui vẻ gì như công an nói, bởi vì với sư, một người đã từng có Chứng minh nhân dân, có công ăn việc làm, cha mẹ nhà cửa rộng rãi khang trang, nhưng đã bỏ hết để đi tu thì cần gì một cái thẻ Căn cước công dân nữa?

Thậm chí có ý kiến bên dưới cái video được đưa lên mạng này cũng nói rằng “Ngài có lần nói “thế danh con bỏ rồi, không hỏi thế danh con nữa”!

Bên cạnh đó, báo chí nhà nước mấy ngày nay cũng liên tục có những đòn đáp trả dư luận trong ngoài nước về 2 vụ việc trên. Với trường hợp Huy Đức, báo quốc doanh nhấn mạnh ông từng là nhà báo nhưng đã bị cho thôi việc, không còn là nhà báo nữa, cũng giống như sư Minh Tuệ không phải là tu sĩ vì không thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tất cả những điều này rất khôi hài và vô nghĩa, Bởi vì là một nhà báo hay không là dựa trên năng lực, kiến thức, nghiệp vụ của người đó, chất lượng của những bài báo người đó viết chứ không phải dựa trên việc có còn làm việc trong 1 tòa soạn, có thẻ nhà báo hay không; biết bao nhiêu nhà báo có thẻ mà từ nặng lực, tay nghề, cho tới lương tâm nhà báo là vứt đi, như trường hợp cô phóng viên VTV đưa tin vụ Đồng Tâm theo quan điểm của nhà cầm quyền và làm 2 cái video lắp ghép, dối trá về sư Minh Tuệ bị dân mạng chỉ ra bao nhiêu sơ hở. Cũng như vậy có là tu sĩ, nhà sư hay không trong mắt phật tử là do phẩm hạnh, đạo đức, trí huệ của nhà sư đó chứ không phải là do thuộc về 1 tổ chức phật giáo hay không; biết bao nhiêu người gọi là sư mà tham lam sân si trần tục, sống một cuộc sống phủ phê hưởng lạc, miệng rao giảng những lời nhảm nhí, góp phần làm băng hoại nền phật giáo Việt Nam, làm ngu dân người Việt Nam…Một vài nhân vật ma tăng này mấy hôm nay cũng liên tục lên tiếng chê bai sư Minh Tuệ, chỉ trích nặng nề truyền thông ngoài lề và mạng xã hội vì đã lật mặt họ là những giả sư như thế nào…

Bất chấp việc báo đài của nhà nước nói sư Minh Tuệ “tự nguyện” ẩn tu hoặc trong video clip của VTV nói rằng “khi đi hết các địa phương trên cả nước thì ông sẽ dừng chân ở 1 nơi nào đấy, hoặc khi nào thuận lợi vài năm mới đi 1 lần chứ không phải lúc nào cũng bộ hành…”, sư Minh Tuệ không hề khẳng định sẽ ẩn tu. Bởi vì như sư đã từng nhiều lần nói ước nguyện của sư là được tiếp tục thực hành tu tập theo hạnh đầu đà, đi bộ hành khất thực từ nơi này sang nơi khác cho đến chết. Trả lời phỏng vấn báo Người Lao Động ngày 10/6, sư cho biết từ ngày 10/6 lại đi khất thực, vì nếu chỉ ngồi một chỗ nhận cơm nước do gia đình đem đến là không đúng với lối tu khắc khổ của hạnh đầu đà.

Một điều ai cũng thấy là sự xuất hiện của sư Minh Tuệ đã có những ảnh hưởng tích cực cho xã hội, giúp nhiều người dân nhận chân đâu là một vị chân tu, đâu là những ma tăng, thấy rõ hơn sự biến tướng, biến chất của Phật giáo Việt Nam khi bị chính trị hóa, thương mại hóa suốt một thời gian dài. Và cũng từ việc dư luận lên tiếng so sánh, chỉ trích mà “đại đức” Thích Nhuận Đức, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã bị cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức trong một năm vì liên quan đến những video thuyết giảng bị cho là phản cảm; “thượng tọa” Thích Chân Quang thì bị Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị thẩm tra và báo cáo về các phát ngôn, việc làm và thuyết giảng lan truyền trên mạng xã hội thời gian qua, vì bị cho là “không đúng với giáo lý, giáo luật, truyền thống văn hóa của Phật giáo và lịch sử của dân tộc Việt Nam; sửa đổi giới cấm trong chứng điệp quy y Tam bảo của Phật giáo”…Rõ ràng là những nhân vật này hay như Thích Trúc Thái Minh, Thích Nhật Từ đều có những hành vi, lời nói không phù hợp với 1 người tu hành suốt 1 thời gian dài, nhưng chính nhờ sự xuất hiện của sư Minh Tuệ và phản ứng của dư luận mà Ban Tôn giáo chính phủ, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phải làm những việc chấn chỉnh này.

Tuy nhiên, việc chấn chỉnh một vài nhà sư sẽ không thay đổi được gì, cũng như việc thanh lọc Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ không thể thực hiện được khi không có tự do tôn giáo, bản thân Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì từ lâu đã trở thành một tổ chức độc quyền về phật giáo, bị chính trị hóa, thương mại hóa thành ra lệch lạc, biến tướng, suy thoái như vậy.

Khủng hoảng chính trị, có hy vọng gì cho Việt Nam?

Khi phải sống quá lâu trong một chế độ độc tài và không nhìn thấy lối thoát, nhiều người trong chúng ta có tâm lý hy vọng vào một sự thay đổi từ bên ngoài hoặc từ trên xuống. Nhớ lại giai đoạn trước đây với ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, từng có quan điểm cho rằng ông Dũng và phe ông Dũng có vẻ thân với phương Tây, con gái ông Nguyễn Tấn Dũng lại lấy con trai của một viên chức VNCH, trong khi phe ông Nguyễn Phú Trọng bị cho là thân Tàu. Vì vậy nên ủng hộ ông Dũng để khi ông ấy nắm được quyền lực, sẽ làm những cuộc cải cách, thay đổi. Kết cục như chúng ta thấy trong suốt thời gian ông Dũng làm Thủ tướng, Chính phủ của ông tuy có đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, mở cửa thị trường nhưng lạm dụng quyền lực, tham nhũng nặng nề, đã tạo ra những tập đoàn kinh tế Nhà nước tham nhũng, làm ăn thất bại như Vinashin, Vinalines… để lại phía sau những khoản nợ công lớn, thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, rồi đại dự án Bôxít Tây Nguyên lợi ít, hại nhiều, đã ngốn của Nhà nước những nguồn lực lớn v.v…

Khi ông Nguyễn Phú Trọng mới nhậm chức, cũng vô số lời khen ngợi, có những bài báo gọi ông Nguyễn Phú Trọng là kẻ sĩ Hà Nội, là người cộng sản cuối cùng, người “đốt lò” vĩ đại…và kêu gọi người dân ủng hộ công cuộc “đốt lò” chống tham nhũng của ông Trọng. Kết cục như thế nào?

Tham nhũng càng hoành hành ở mức độ ngày càng lớn, trở thành những đại án, siêu đại án. Bản thân ông Trọng còn giữ chức vụ Trưởng Tiểu ban Nhân sự nhưng việc chọn người của ông đã chứng tỏ sự sai lầm khi hàng loạt quan chức lãnh đạo cấp cao do chính ông chọn lựa đều bị khui ra có tham nhũng, vi phạm pháp luật và phải từ chức. Rồi việc ông cứ lập đi lập lại yêu cầu về đạo đức cách mạng, dùng đức trị thay cho pháp trị càng không hiệu quả.

Bây giờ lại có những ý kiến về Tô Lâm như thể một người mạnh tay quét sạch các quan tham, rằng nếu ông Tô Lâm có quyền lực cao hơn, thậm chí có thể nhập cả hai chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước làm một, thì có thể sẽ chuyển đổi từ mô hình độc tài cộng sản, độc tài tập thể thành độc tài cá nhân, nhà nước công an trị, hay thậm chí theo hướng dân chủ hóa?

Thực tế Việt Nam cho thấy, trong quá trình lâu dài tranh giành và bám giữ quyền lực, những người cộng sản không chỉ tiêu diệt các đảng phái đối lập, những người bất đồng chính kiến mà cũng tiêu diệt cả những người ưu tú có khuynh hướng cởi mở, tiến bộ trong đảng. Từ tướng Trần Độ, nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch… trước kia cho tới mới đây Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng là một khuôn mặt sáng sủa, có trình độ… Rốt cuộc, những kẻ chiến thắng trong những cuộc tranh giành quyền lực này hoặc là những người theo chủ nghĩa Mác Lenin giáo điều – những người thuộc bên tuyên giáo, hoặc bên công an. Họ chỉ tập trung vào việc bảo vệ chế độ hơn là đi theo con đường dân chủ hóa. Mà cho dù có muốn, họ cũng không làm được. Không một ai trong số những quan chức lãnh đạo cao cấp hiện nay có đủ uy tín, tầm nhìn xa, kiến thức rộng, có lòng yêu nước thương dân, biết đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc lên trên quyền lợi của đàng, của phe nhóm. Còn nếu trở thành độc tài cá nhân, công an trị thì chẳng có gì tốt đẹp hơn.

Vận mệnh Việt Nam vì vậy không thể trông chờ từ phương Tây, từ sự sụp đổ của Trung Cộng, từ sự nghĩ lại thay đổi của các quan chức lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam. Sức ép phải từ người dân. Mỗi người làm hết sức việc của mình. Cộng với thời cơ đến có khi bất ngờ.

Điều lạc quan, đáng hy vọng là người dân Việt Nam bây giờ nhờ có internet đã nhận được nhiều thông tin đa chiều hơn, họ không còn hoàn toàn tin vào những lời nói của đảng và nhà nước, họ cũng nhìn thấy hiên tình xã hội, đất nước, nạn tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo, sự bất công, không có tự do dân chủ ra sao. Người dân khát khao sự tử tế – từ một vị chân tu cho tới những quan chức trung thực; khát khao được sống trong một xã hội văn minh, nhân bản, luật pháp công bằng, con người được tự do, được tham gia góp ý, phản biện những chính sách của nhà nước, được là người chủ thật sự của đất nước chứ không phải bị gạt ra ngoài lề chỉ đứng nhìn những tấn tuồng chèo trên sân khấu chịnh trị như lâu nay. Và khi cơ hội đến chắc chắn đa số người dân sẽ muốn biến sự khát khao ấy thành hiện thực.

Song Chi.