Song Thao: Mượn Dấu Thời Gian

Thời gian là thứ được người ta ví như vó câu, vụt một cái là biến mất, chẳng bao giờ trở lại, có muốn níu cũng vô ích. Họa sĩ Phan Nguyên không dại chi mà níu, anh ghi lại rồi mặc cho nó sổng ra chạy đi. Tôi muốn nói tới anh, một người đã âm thầm lưu giữ những mảnh vụn thời gian của giới văn học nghệ thuật bằng cách ghi lại trong “Mượn Dấu Thời Gian”, tên tiếng Pháp là “Emprunt Empreinte”. Anh tâm tình: “Là một “sân chơi” rất riêng của Phan Nguyên từ khá lâu với giới văn nghệ sĩ, thân hữu gần xa, trong và ngoài nước, không phân biệt tuổi tác, sắc tộc, tôn giáo, chính kiến gì cả, miễn là họ đã có những tác phẩm hay, đẹp để lại cho đời và cho thế hệ mai sau, miễn là họ đã đóng góp cái phần tinh túy nhất của con người, của chính mình cho văn học nghệ thuật Việt Nam hay thế giới nói chung”.

Họa sĩ Phan Nguyên (bên phải) và Song Thao (Montreal, 08/2019)

Phan Nguyên sanh ra tại Hà Nội vào năm 1952, di cư vào Nam năm 1954 lúc mới 2 tuổi. Anh đã theo học ban Triết tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Sau đó anh đi du học Pháp và tốt nghiệp Sư phạm tại Đại Học Sorbonne. Anh dạy Pháp văn và điều hành một Trung Tâm Huấn Nghiệp tại Pháp. Anh theo ngành Sư phạm nhưng lại được biết tới như một họa sĩ mặc dù anh không theo học một trường lớp nào về hội họa. Anh bắt đầu vẽ từ thập niên 1980. Tranh của anh là tranh trừu tượng mang một sắc thái rất riêng. Nhìn vào là biết tranh của Phan Nguyên. Anh vẽ tranh theo từng bộ gồm: Rythmes & Impulsion (Nhịp Điệu & Xung Lực), Espace Inconnu (Không Gian Huyền Hoặc), Fractus H (Mảnh H), Fractus 2000 (“Mảnh” năm 2000), Espace V Papyrus. Tôi không rõ cộng tất cả tranh của anh trong từng đó bộ là bao nhiêu nhưng nhiều lắm. Tháng 8 năm 2019, anh qua Montreal và có gặp anh em viết lách ở đây. Anh mang qua một số tranh để tặng anh em. Bữa đó có nhà văn Minh Ngọc từ New York qua chỉ để gặp và thỉnh tranh của Phan Nguyên. Thú thật là bữa đó, tôi hết sức bối rối khi chọn tranh. Đôi mắt mù về hội họa của tôi đành chịu trận, tôi dựa vào linh cảm và chọn bức Fractus 93 V40.

Tranh trừu tượng Fractus 93 V40 họa sĩ Phan Nguyên tặng Song Thao.

Trả lời phỏng vấn của nhà phê bình hội họa Huỳnh Hữu Ủy về cái khó hay dễ trong việc vẽ tranh trừu tượng hay hiện thực, anh cho biết: “Vẽ kiểu gì thì vẽ, dễ hay không là do cái tạng của mỗi người. Vẽ tranh trừu tượng dễ mà không dễ, coi vậy mà không phải vậy, nhiều người nghĩ rằng cứ đổ sơn lên vải rồi bôi lung tung là có trừu tượng. Sự thực tranh trừu tượng có cái nguyên lý của nó trong nhịp điệu, màu sắc, bố cục, nét vẽ v.v… Nó là thơ của không gian, là nhạc không lời, và cái chất thơ nhạc của không gian này cũng không phải đơn giản, dễ cảm nhận, nắm bắt được ngay. Những bậc thầy của phái Lập Thể khi xưa như Braque, Picasso cũng đã đứng trước cửa của Trừu Tượng nhưng phân vân không bước vào, có lẽ vì họ cho rằng, bỏ tất cả hình thể đi thì tranh không còn là tranh nữa. Nhưng hội họa cũng như âm nhạc có nhất quyết phải tượng hình hay không? Câu hỏi này đã được giải quyết từ lâu và tranh trừu tượng đã phát triển như một tất yếu lịch sử của hội họa gần trăm năm nay”.

Phan Nguyên đã gắn tên tuổi với tranh trừu tượng nhưng khi coi một bộ tranh của anh mang tên Sexus tôi nghĩ đây là một bộ tranh trừu tượng-hiện thực. Nhìn vào thấy ông vẽ cái chi liền. Ông thần Luân Hoán còn thấy rõ hơn:

Một bức trong bộ tranh Sexus.

hiển linh thần hồn diệp
ấm lạnh nguồn sinh tình
huyền bí động dục lạc
mộ địa u u minh

……

bí hiểm tòa kiến trúc
hang ổ hiền hung thần
ẩn hiện trong lồ lộ
giữa cuộc sống thế nhân

Phải chi bữa qua Montreal, anh mang theo bộ tranh Sexus thì dễ cho tôi biết mấy!

Cà phê hình như là cuộc đời của Phan Nguyên. Anh có một bộ tranh vẽ bằng muỗng và cà phê, anh còn có một loạt bài viết tản mạn mang tên “Nói Chuyện Với Tách Cà Phê”. Trong mục “Mượn Dấu Thời Gian” có một sáng kiến rất độc đáo: in dấu bàn tay của các văn nghệ sĩ bằng cách nhúng tay vào bột cà phê pha nước sền sệt. Phan Nguyên tâm tình: “Mượn Dấu Thời Gian là bộ sưu tập dấu vân tay như một “di vật” của từng tác giả, một “chứng tích” của thủ bút, một “chứng từ” của thời gian. Và nếu như những ánh sao băng có tạt ngang bầu trời mà để lại chút dấu thời gian, thì Nguyên này là người nhặt nhạnh những mẩu thời gian rơi rớt ấy”.

Bộ sưu tập gồm 630 tác giả. Tôi không đếm coi có bao nhiêu tác giả để lại dấu tay. Cỡ như các ông Phạm Quỳnh, bà Tùng Long, Dương Thiệu Tước, Đặng Đình Hưng, Đặng Thế Phong, Đoàn Phú Tứ, Đông Hồ, Hồ Dzếnh, Hoàng Ngọc Phách, Hoàng Quý, Khái Hưng, Lê Thương, Lê Văn Đệ, Lê Xuyên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Văn Tý, Nhất Linh và nhiều người khác thuộc thế hệ đi trước không thể chờ để được lưu lại dấu tay. Thế hệ chúng tôi, việc ịn tay vào giấy bằng “mực” cà phê cũng không phải lúc nào cũng suông sẻ. Như trường hợp Nguyễn Xuân Hoàng. Tác giả của “Mượn Dấu Thời Gian” kể lại: “Khoảng tháng tư  2012 mình làm trang EE cho Nguyễn Xuân Hoàng. Anh em thường liên lạc với nhau qua e-mail để chỉ dẫn cách tự in dấu tay và nhận tư liệu bài vở. Anh Nguyễn Xuân Hoàng đã được “truyền nghề”, tự in dấu tay một mình, đã thử đi thử lại nhiều lần và chốt ở ấn bản anh vừa ý nhất có ghi “tôi không còn thời gian”… Rồi Nguyễn Xuân Hoàng cũng “không còn thời gian”. Sức khỏe, bệnh tật không cho phép anh đi đứng bình thường và quên hẳn chuyện gửi dấu tay qua bưu điện mà mình cũng không tiện nhắc”.

Nguyễn Xuân Hoàng là người đầu tiên tự làm dấu tay từ xa. Có lẽ trước đó Phan Nguyên đã phải tự tay làm cho từng người khi gặp mặt nên “Mượn Dấu Thời Gian” không được bổ sung nhanh chóng. Nhất là từ khi anh quyết định về sống tại Việt Nam. Khi anh Phan Nguyên có một người quen đang ở Montreal sắp về Việt Nam, có thể mang các bản dấu tay của anh em viết lách chúng tôi tại thành phố này về, thì anh đã chỉ dẫn cặn kẽ cách làm cho chúng tôi. Giấy là giấy Canson C à grain khổ 24cm x 32cm, cà phê loại hòa tan (café instantané) trộn sệt sệt với nước. Hoàng Xuân Sơn, khá rành hội họa, lo mua giấy và cà phê. Chúng tôi hẹn nhau ra một quán ăn vắng khách, bày binh bố trận kín một bàn, lần lượt in dấu vân tay, nhộn nhịp như một lớp thủ công của con trẻ. Cũng chẳng có chi lấn cấn vì khi con trẻ ra đời, cha mẹ in dấu chân sắp đi vào cõi ta bà để giữ lại kỷ niệm. Nay chúng tôi dùng tay để viết lách, in dấu tay để anh Phan Nguyên giữ lại, cũng phải thôi. Có điều khi dấu tay được in xong, chúng xương xẩu như những bàn tay ma. Bên cạnh dấu tay là thủ bút. Hoặc thơ hoặc văn xuôi. Tôi là một thứ…vè sĩ, vậy mà bữa đó cũng thơ mới ghê chứ. Hai câu gọi là thơ của tôi như ri: “Mực đen giấy trắng đời thừa / Phóng tay ta cứ viết bừa cho vui”. Ông Luân Hoán thì thơ đứt đuôi: “Một đời vẫn giầu hoa tay / Mượn thời gian mãi đã gầy trơ xương / Gởi mười ngón khoái ở truồng / Nên chi nhân dạng bất thường vậy thôi”. Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn: “Vỗ từ lẹt đẹt bàn tay / chợt nghe bụi khẳm / luống cày nhân gian”. Hồ Đình Nghiêm: “Chiều tà lăn tay quán cà / phê ghi tội trạng thiệt thà cõi văn”. Tôi ghi lại thủ bút trên tranh lăn tay của anh em chúng tôi bữa đó tại một tiệm ăn ở Montreal. Sau khi nhận được bản in, họa sĩ Phan Nguyên đóng khung và treo tại nhà. Tôi chưa bao giờ tới thăm nhà anh nên không rõ phòng triển lãm này ra sao.

Nhà văn Trần Doãn Nho đã tới. Anh kể lại: “Sáng hôm đó, thay vì đi uống cà phê ở ngoài, Phan Nguyên rủ tôi về nhà. “Nhà”, thực ra, trông như một phòng triển lãm. Tranh sáng tác của anh treo đầy. Có bức khá lớn, choáng gần hết nửa bức tường. Trong số tranh treo, đặc biệt nhất là những bức in dấu bàn tay, được đóng khung cẩn thận. Số lượng “tranh” này khá nhiều, không thua các bức tranh khác. Nhiều bức đóng khung rồi, chưa có chỗ treo cũng như một số bức khác chưa đóng khung, được anh cất giữ cẩn thận. Có thể nói, đó là một bộ sưu tập độc đáo: “tranh” dấu bàn tay. Phan Nguyên tỏ ra rất thích thú và hào hứng khi giới thiệu với tôi loại “tranh” này. Chả thế mà, sau đó, anh đề nghị tôi thực hiện việc lấy dấu bàn tay trước khi uống cà phê. Tôi cảm thấy hơi bất ngờ vì tưởng chỉ là đến trò chuyện lang bang về văn học nghệ thuật. Không sao. Sẵn sàng thôi. Công việc đơn giản và nhanh chóng: một nhúm cà phê, loại để uống liền, hòa nước, trộn đều, đợi một lát cho sánh lại, đổ lên hai bàn tay, xoa đều rồi in hai bàn tay xuống một tấm giấy trắng loại đặc biệt, giữ một lát, chờ khô. Xong, viết vài dòng cảm hứng tùy thích để ghi nhớ ngày thực hiện dấu bàn tay, ký tên. Thế là hai bàn tay tôi đã được nằm vào bộ sưu tập. Đó là phương cách “sáng tác” loại “tranh” này của Phan Nguyên…

Dấu tay của Song Thao

Trong bộ sưu tập này, ta tìm thấy đủ dấu vân tay của những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, nhà báo, nhà giáo, điêu khắc gia, họa sĩ, kinh tế gia, nhà khảo cổ; họ ở trong nước, ngoài nước, thuộc khuynh hướng này, khuynh hướng kia, cũ, mới, tả hữu; họ còn sống hay đã qua đời, vân vân …có đủ. Nhìn dấu vân tay từng người, tưởng tượng đến những thế hệ sau, khi lần giở lại những trang quá khứ, tìm gặp một tác giả nào đó, nhìn thấy dấu vân tay của người đã khuất, hẳn phải đọng lại nhiều cảm khái, hơn là chỉ nhìn khuôn mặt hay đọc một câu văn hay một dòng thơ. Bộ sưu tập là một cuộc hội ngộ văn chương nghệ thuật thú vị. Vì thực ra, nó không chỉ gồm có dấu vân tay mà còn có thủ bút của từng tác giả: một đôi dòng cảm hứng và có khi là những câu thơ. Nhiều câu thơ làm ngay tại chỗ, nhưng đọc lên, nghe rất đậm đà và thú vị, phản ảnh đúng phong cách của từng tác giả”.

Thủ bút của anh Trần Doãn Nho để lại: “Ngẫu nhiên chữ / tình cờ dấu /đắm đuối thời gian”.

Tranh dấu tay trên tường nhà họa sĩ Phan Nguyên.

Bàn tay anh Trần Doãn Nho, bàn tay của tôi và hàng trăm người làm văn học nghệ thuật khác đã được nằm trên tường của căn nhà mà anh Nho gọi là “như một phòng triển lãm”. Chúng tôi đã cách này hay cách khác, hoàn thành phần của mình. Nhiều trường hợp khác bị lỡ một cách tức tưởi. Anh Nho sau khi làm “bổn phận”, đã được anh Phan Nguyên trao cho mấy gói cà phê nhờ về Mỹ lấy dấu tay của những người còn thiếu. Một trong những người anh tha thiết có dấu tay nhất là nhà văn Võ Phiến. Về tới Mỹ, anh Trần Doãn Nho chưa kịp vác cà phê tới thì anh Võ Phiến đã ra đi. Một cái lỡ không cách chi tìm lại được.

Tháng 4 năm 2012, anh Phan Nguyên đã nhờ Nguyễn Xuân Hoàng in dấu tay của nhà văn Nguyễn Mộng Giác khi đó đang vất vả chống chọi bệnh ung thư gan. Hoàng đã mang đồ  nghề tới nhà anh Giác nhưng nhìn anh nằm trên giường bệnh, Nguyễn Xuân Hoàng không dám ngỏ lời, sợ bạn xuống tinh thần. Ngỏ lời làm dấu tay khi đó cũng như mang bàn tay của tử thần tới. Anh thương bạn, ôm bạn lần cuối rồi ra về tay không!

Sa đà vào chuyện dấu tay vì tôi nghĩ đây là một sáng kiến độc đáo của họa sĩ Phan Nguyên. Nhưng chân dung mỗi tác giả trong bộ sưu tập vô tiền khoáng hậu này không chỉ có vậy. Mỗi người được ghi dấu thời gian đều có một bức vẽ chân dung tác giả màu vàng do Phan Nguyên thực hiện theo cách của anh, tiểu sử, bản chụp các sáng tác gồm bìa sách hoặc tranh vẽ, nội dung từng cuốn sách để người đọc có thể đọc ngay tại chỗ, các cuộc phỏng vấn và các bài viết khác.

Phan Nguyên nay đã quá thất tuần lại bị stroke phải chống gậy khi di chuyển. Ngày 2/10/2024, anh đã phải làm một chuyện chẳng đặng đừng: dừng lại cuộc chơi. Anh thông báo: “Cho tới nay đã có gần 3 triệu lượt truy cập vào Blog Emprunt Empreinte từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều nhất là từ Việt Nam với lứa tuổi từ 40 tới 70 chiếm đa số. Giới trẻ, sinh viên, giáo sư đại học, nghiên cứu sinh làm luận án văn chương cũng quan tâm không ít. Xin cảm ơn tất cả bạn đọc tiếng Việt từ khắp bốn phương trời. Nhưng “cuộc chơi” nào cũng có giới hạn về mặt Không gian và Thời gian của nó. Nay mắt đã mờ, thị lực không còn được như xưa, nên rồi cũng đến lúc mình phải kết thúc, sau khi chấm dứt việc chú thích dữ liệu cá nhân của từng trang tác giả, một công việc thật nghiêm túc và cẩn trọng đòi hỏi bởi Google photos. Vì vậy, dù biết “Mượn Dấu Thời Gian” chưa được toàn bích và còn thiếu sót, nhưng như mâm cỗ đã được dọn ra bầy sẵn, xin mời tất cả bạn đọc ghé thăm, tham khảo và góp ý vì tất cả là của các bạn. Mọi điều trên “Mượn Dấu Thời Gian” đều là sự thật và chỉ có sự thật. Giấy trắng mực đen, không thể khác! Xin đa tạ. Chúc tất cả các bạn cùng gia đình An Vui Hạnh Phúc”.

Tuy Mượn Dấu Thời Gian đã “phẹc mê bu tích” nhưng những thành quả mà anh Phan Nguyên đã khổ công thực hiện vẫn còn mãi mãi trên mạng. Các bạn muốn tham khảo chỉ cần mở Google, đánh câu “Mượn Dấu Thời Gian” là trang này sẽ hiện lên liền.

Nguyễn Xuân Hoàng đã ghi trong “Mượn Dấu Thời Gian”: “tôi không còn thời gian”. Anh đã thực sự không còn thời gian khi nhắm mắt xuôi tay vào ngày 13/9/2014. Nguyễn Xuân Hoàng thuộc thế hệ chúng tôi. Chúng tôi cũng không còn nhiều thời gian. Tuy vậy anh Phan Nguyên đã kịp để lại một công trình quý báu cho những nhà nghiên cứu mai sau. Anh đã dùng trọn thời gian của anh trước khi “tôi không còn thời gian” nữa!

Song Thao

10/2024

Website: www.songthao.com