Song Thao: Ôi Khánh Trường
Tôi đặt bút bắt đầu viết bài này vào chiều ngày vọng Giáng Sinh. Khánh Trường vẫn đang hôn mê trong nhà thương từ hơn tuần nay. Chàng vẫn còn đang bám vào cõi ta bà này.
Trận đấu giữa Khánh Trường và anh Thần Chết đã qua tới phút 89. Phần thắng nghiêng hẳn về anh thần trang bị bằng chiếc lưỡi hái. Cô cháu Hòa Bình nhắn tin cho tôi vào lúc 3 giờ 45 phút chiều ngày 24/12/2024, giờ Montreal: “Chú vẫn không tỉnh. Chắc gia đình sẽ rút ống soon”. Vậy là tên thần vênh váo chuyên bắt người đang ở thế thượng phong. Tôi phôn cho Thành Tôn bên Cali. Anh không biết chi. Anh cho biết sẽ tìm cách tới thăm Khánh Trường. Sáu giờ chiều, Lê Hân phôn cho biết đang ở nhà thương nhưng chưa tìm thấy phòng của Khánh Trường. Hân hỏi tôi tên thật của Khánh Trường để nhân viên tìm giùm. Tôi quớ. Từ trước tới giờ chỉ biết Khánh Trường, đâu có bao giờ nhớ tới cái tên cúng cơm của chàng. Vội lục cuốn “Tác Giả Việt Nam” của Luân Hoán ra tìm. Hóa ra chàng rất thành thật, bút hiệu cũng là tên thật: Nguyễn Khánh Trường. Một chặp sau Hân mail lại: vẫn không tìm ra, không biết có lộn nhà thương không. Thôi để ngày mai.
Ngày mai tức ngày Chúa sanh ra đời. Có một người đi ngược lại con đường của Chúa. Hòa Bình nhắn cho biết: “Sáng mai tụi cháu sẽ đưa các thầy Tây Tạng vào đọc kinh cho chú. Rồi sau đó chị Oanh ready để bác sĩ rút ống khi nào xong thủ tục”. Vài phút sau Hòa Bình nhắn tin tiếp: “Buồn quá chú ơi!”. Các bạn Thành Tôn, Lê Hân, Cung Tích Biền chắc sẽ có mặt ở phút 90 này. Trận đấu kết thúc.
Khánh Trường vốn dân Nhảy Dù, chiến đấu tới cùng, dù phải tham chiến trong thế yếu. Anh có đủ lý do để thua. Ba lần tai biến trong ba năm liền, từ 2001 đến 2003, không tính những lần bị nhẹ. Suy tim, loét bao tử, ung thư cuống họng và nhiều món ăn chơi khác. Ông bạn mới thân thiết của chàng là chiếc xe lăn. Nhà thơ Phạm Hiền Mây, thân tình nhưng chưa bao giờ gặp mặt, đã ngưỡng mộ: “Chà! Bệnh lung tung, ra vô nhà thương như cơm bữa. Anh sống đến bi chừ, chính anh còn thấy lạ. Mấy tay bác sĩ điều trị cho anh cũng lắc đầu…Một tuần ra vô bệnh viện tới ba lần để lọc máu. Trên người không còn chỗ nào không có kim đâm. Chưa kể, nhiều lúc bị kháng thuốc, ói mửa. Chưa kể, những lần té lên té xuống, trong phòng ngủ, ngoài phòng khách, ngay cả trong phòng tắm. Đủ thứ gian nan. Đủ thứ vất vả”. Ngô Thế Vinh bảo: “Y khoa phải xét lại”. Lần anh loét bao tử, máu ra nhiều, chỉ còn 10/4, Ngô Thế Vinh nói: “Bình thường như vậy, nếu còn thở thì não đã chết, sẽ sống thực vật, vậy mà anh vẫn tỉnh queo, trí óc vẫn minh mẫn, có khi còn sáng hơn. Kỳ chưa? Chuyện khó tin nhưng có thiệt. Đúng là phép lạ”.
Một tay đại lý bệnh tật như vậy nhưng vẫn ngáp ngáp sống. Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc nhướng mắt: “Tay Khánh Trường này thật kỳ vĩ, bệnh hoạn như vậy mà vẫn viết được nhiều và hay. Đúng là một trường hợp hiếm có trong sinh hoạt văn học ở hải ngoại”.
Tay này thiệt coi tật bệnh như pha. Không ham sống nhưng vẫn muốn sống. Sống để nhả tơ. Trong bài tựa cuốn “Cùng Nhau Đất Trời”, Phạm Hiền Mây viết: “Tôi ghẹo ảnh, hay là đặt tên cuốn truyện này là “Cuốn Tiểu Thuyết Cuối Cùng”đi, cho hấp dẫn, cho thu hút, cho gợi óc tò mò, cho đặc biệt, cho xúc động bà con chơi. Khánh Trường cười ha hả một tràng dài, chắc nịch, chưa đâu, phải thêm hai, ba cuốn nữa rồi anh mới chịu ngỏm củ tỏi”. Gia tài văn học của anh, ngoài không biết bao nhiêu tranh, ngoài tờ Hợp Lưu, còn các tác phẩm viết sau ngày khốn khó: Truyện ngắn Khánh Trường (2016), Chuyện Bao Đồng (tạp bút, 2018) và các tiểu thuyết: Tịch Dương (2019), Dấu Khói Tàn Tro (2020), Bãi Sậy Chân Cầu (2020), Có Kẻ Cuồng Điên Khóc (2020), Xuyên Giấc Chiêm Bao (2021), Đừng Theo Dông Bão (2021). Nắng Qua Đèo (2021), Năm Tháng Buồn Thiu (2023), Cùng Nhau Đất Trời (2024) và cuối cùng là tập Thơ Khánh Trường (2024). Cần kể thêm cuốn truyện vừa “Phỉnh” chưa kịp in. Tuy nhiên Khánh Trường đã vẽ bìa cho cuốn này. Ông thần bìa mà!
Tôi và Khánh Trường thường bắn tin nhắn cho nhau. Lúc thì chàng chán sống, muốn đứt bóng cho rồi. Lâu lâu buồn gửi message cho tôi càm ràm chút đỉnh. Tôi nhắn lại thổi cho chàng lên tinh thần. Đại loại như ngày 6/10/2023, tôi viết: “Còn chán đời không? Ngài coi cuộc đời như con củ xê thì để ý tới nó làm chi. Cứ coi như pha”. Ngày 4/8/2024, chàng message: “Chán bỏ bu, tay càng ngày càng lọng cọng vẽ mãi không được, tức muốn khùng!”. Có message chàng xụi lơ: “Vừa lọc máu về, mệt tắt thở!”. Trên Facebook ngày 6/7 năm nay chàng post: “Tui ghét than thở, chả ra thể thống chi. Nhưng mà tay trái mỗi tuần 6 mũi kim to tổ chảng lụi vào, đã ngót mười năm, hàng nghìn mũi, giờ càng ngày càng tệ, tối trăn qua trở lại, tê cứng, nhức bạo, ngủ hổng yên. Ban ngày thèm làm việc, khổ nỗi ngồi vào bàn, gõ được vài dòng là cánh tay đau buốt, phải bỏ đi nằm. Chán!!!!!!!!!”.
Nhưng mệt thì mệt, gặp chuyện bất bình lại dở thói dzango. Năm rồi, nhân một anh bạn văn thân tình nằm xuống, tôi có viết một bài tưởng nhớ. Gia đình không vui vì một đoạn tôi viết tình thực. Họ làm dữ, đòi kiện về tội phỉ báng. Vì thương cảm bạn đã bất ngờ xuôi tay, tôi nín nhịn cho qua chuyện. Không biết vì sao Khánh Trường biết chuyện, anh tức khí nhắn tin cho tôi: “Nghe bạn bị tai nạn rất ruồi bu về một bài viết cho bạn bè, bạn gửi tôi bài viết và mọi sự kiện liên quan, tôi sẽ viết bài quạt lại. Rất bực!”. Tôi phải vuốt nhẹ ông Trương Phi đang mặt đỏ phừng phừng cho qua chuyện.
Khánh Trường ba đầu sáu tay từ ngày còn khỏe như vâm tới khi bị bệnh tật hành cho tá hỏa vẫn tỉnh queo đường ta ta cứ đi. Khi còn tờ Hợp Lưu anh đã ngang nhiên theo con đường đã vạch để giữ vững tay chèo. Khi tài chánh kiệt quệ, anh không ngần ngại đội danh Tống Ngọc viết cuốn truyện dâm tình “Qua Khe Hở” kiếm vài chục ngàn nuôi tờ báo văn học có lối trình bày thiệt mát mắt. Vậy mà tờ báo khỏe mạnh được tới 82 số trong hơn 13 năm. Khi liệt người, ngồi xe lăn, tay hầu như bất khiển dụng, vẫn anh dũng đánh computer bằng một ngón trật vuột, vẽ bằng cây cọ cột vào tay. Mặc, đường ta ta cứ đi. Khiếm khuyết thân thể tuy có lúc làm chàng chán nản nhưng nhất định không quy hàng. Tháng 4 năm nay, chàng dở dói, ra một tập thơ rất bề thế. Đã chắc tay trong họa, trong văn, thơ chàng cũng ra trò.
sáng nay nhìn giọt sương hồng
đậu trên một ngọn cỏ bồng đong đưa
hỏi lòng này đã vừa chưa
cái ta mãn cuộc dư thừa sân si?
Chàng nhắn tin: “Không ngờ tui võ vẽ thơ thẩn vẫn có nhiều bạn văn OK. Cũng lạ”. Lạ hơn là khi tập thơ được ra mắt tại nhà sách Tự Lực, số người tham dự đông đảo, chàng mặt mày tươi rói vui như tết. Vui hơn nữa là thơ dắt tranh của Khánh Trường đi một đoạn đường vui. Số là trong buổi ra mắt thơ, một số tranh được mang ra treo để trang trí. Tưởng tranh chỉ đóng vai trò khiêm nhường làm vui mắt nhưng nhiều người có mặt đã muốn thỉnh tranh về. Cuộc bán đấu giá bột phát. Tranh đi cái vèo đem về cho tác giả một số tiền không nhỏ. Tưởng vậy là xong nhưng chuyện này dắt díu chuyện kia, tranh còn đọng tại nhà cũng có người tới thỉnh đi hết. Chàng lại message cho tôi: “Nhờ buổi ra mắt sách, qua Hòa Bình và Đinh Quang Anh Thái, tôi bán được một số tranh. Từ lúc cầm cọ tới nay, gần 60 năm, lần đầu tiên tôi bán được tranh với số tiền…không tưởng như thế. Coi như hết sạch tranh lâu nay mốc meo trong nhà kho. Nghĩ, già còn hấp lực quá mạng”. Chàng cho tôi biết số tiền. Đúng là…không tưởng!
Số tranh đó, tôi đã dược hưởng ké. Ngồi đếm lại số sách trên kệ, tôi thấy có tới 28 cuốn bìa Khánh Trường. Giao tình của tôi với anh dính khá nhiều tới bìa sách của tôi. Khánh Trường không đợi tôi. Tôi cũng không đợi anh. Nhiều khi bất ngờ, anh nhắn tin: “Cần bìa sách chưa? 30 giây!”. Tôi biết anh chẳng mần một cái bìa mỹ thuật như vậy trong 30 giây nhưng anh như cố làm nhẹ công khó của anh. Anh luôn dành cho tôi những ưu ái nhất bằng cách dùng những tranh anh mới hoàn thành. Tháng 9 vừa qua, anh có trò mới: vẽ chung một bức tranh với họa sĩ Ann Phong. Anh rất thích bức tranh phải hai người mới hoàn tất này. Anh dùng tranh làm bìa cho tôi ngay tuy tôi chưa cần. Tôi để đó. Khi nhận được cuốn tiểu thuyết “Cùng Nhau Đất Trời” của anh, tôi thấy bìa y chang bức tranh anh đã dùng cho tôi. Message cho anh biết. Anh trả lời ngay: “Xin lỗi, tôi quên. Sẽ có ngay bìa mới trong 40 bức đang vẽ cho triển lãm Phục Sinh 2. Đẹp không kém”. Hơn 30 giây sau, anh gửi cái bìa mới với lời nhắn: “Nhất ngài, tranh đầu tiên của loạt tranh này dành cho ngài”. Vậy là cuốn Phiếm 32 có cái bìa của bức tranh mới ra lò. Sách in xong, anh nhận được, nhắn tin: “Đã nhận Phiếm 32 do Thành Tôn chuyển. Đẹp! Bao giờ cần bìa cho Phiếm 33 cho tôi biết. 30 giây!”. Tôi ỡm ờ: “Lúc nào ngài có 30 giây thì cho tôi xin. Merci!”. Cũng phải hơn 30 giây sau, tôi nhận được bìa. Cũng một bức tranh mới toanh. Và còn treo đó. Tôi chưa viết xong. Mai mốt, khi cuốn Phiếm 33 được in, sách sẽ có một cái bìa…mồ côi!
Lê Hân mail cho biết đã tìm được phòng Khánh Trường. Tên trong nơi chốn ngụ cư chót của chàng không phải là cái tên cúng cơm Nguyễn Khánh Trường. Là Alex Nguyen! Cái tên xa xứ. Chàng nằm bất động, nhỏ thó như một sinh vật tội nghiệp bị treo giữa hai cõi. Nhìn hình chàng nằm, buồn vô hạn, mở cuốn “Thơ Khánh Trường”, nhặt được một bài thơ.
đèn lu, ngõ vắng, thân gầy
đông hàn sương giá trùng vây bốn bề
một mình đối bóng sầu tê
quán khuya, rượu cạn, nẻo về lạnh căm.
Song Thao
12/2024
Website: www.songthao.com
*Hình do tác giả cung cấp