Terry Lee: Ba bài thơ Tết của Tô Đông Pha

Tô Thức (Tô Đông Pha, 1037–1101), tranh của Zhao Mengfu  (1254–1322)

Mở đầu: 

Tô Đông Pha (1037-1101), tên thật là Tô Thức, là một trong tám đại văn hào của thời Đường Tống, cùng với cha ông là Tô Tuân và em trai Tô Triệt. Năm nhân vật nổi tiếng kia là Hàn Dũ và Liễu Tông Nguyên, thuộc đời Đường, và Âu Dương Tu, Tăng Củng và Vương An Thạch, thuộc đời Tống.

Ngoài văn chương, Tô Thức còn là một chính khách đức độ, yêu dân. Ông đã dũng cảm chống lại chế độ độc tài, dẫn đến hai lần bị lưu đày: lần đầu tiên đến Hoàng Châu, Hồ Bắc trong năm năm, và lần thứ hai đến đảo Hải Nam trong bảy năm. Cuộc đời của Tô Thức có nhiều điểm tương đồng với Hòa Thượng Tuệ Sỹ, cả hai đều là học giả nổi tiếng, đều kiên quyết chống lại sự chuyên chế, và đều phải đối mặt với tù ngục.

Cuộc đời Tô Thức được hai văn hào người Việt kể lại trong hai tác phẩm nổi tiếng: Thầy Tuệ Sỹ viết cuốn Tô Đông Pha: Những phương trời viễn mộng do Ca Dao xuất bản năm 1973, lúc Thầy 28 tuổi, và cụ Nguyễn Hiến Lê viết cuốn Tô Đông Pha năm 1969, lúc cụ 57 tuổi. Cụ kể trong Hồi ký rằng cuốn sách này cụ đã sửa lại, viết thêm vài đoạn, trong đó có một đoạn về Tây Hồ, vào năm 1974, và nhà sách Cảo Thơm dự tính tái bản vào năm 1975 thì “Sài Gòn được giải phóng” (nguyên văn chữ của cụ). Sau 1975, cụ ao ước cuốn sách cụ đã sửa đó được “các bạn kháng chiến” (cũng nguyên văn chữ của cụ) cho phép xuất bản, nhưng không hiểu sao tôi thấy cuốn sách đang được bán ở Việt Nam, do nhà xuất bản Văn Hóa-Thông Tin cho phép in và công ty Khai Tâm phát hành năm 2003 (cụ mất năm 1984) vẫn chỉ là cuốn sách cụ viết năm 1969. Bàn về hai tác phẩm này, thi sĩ Quách Tấn đánh giá: “Nguyễn Hiến Lê chỉ mới đứng từ xa mà nhìn ngọn Lô Sơn, còn Tuệ Sỹ mới đích thực vào được thâm xứ ấy”. Thực ra thì hai cuốn sách này hoàn toàn khác nhau: Cuốn sách của cụ Nguyễn Hiến Lê giống như một cuốn lịch sử cuộc đời của Tô Đông Pha, còn cuốn của Thầy Tuệ Sỹ thì viết về tâm tư của Tô Đông Pha qua những thăng trầm trong cuộc đời ông ấy.

Nói lạc đề một chút: Có nhà phê bình cho rằng qua cuốn sách Tô Đông Pha: Những phương trời viễn mộng, “Thầy Tuệ Sỹ viết về Tô Đông Pha mà như cũng viết cho chính mình”. Điều này được nhiều người đồng ý. Thực ra hoàn cảnh thì giống nhau, như tôi đã viết ở trên, cả hai đều là học giả nổi tiếng, đều kiên quyết chống lại sự chuyên chế, và đều phải đối mặt với tù ngục, nhưng tâm sự của Tô Đông Pha khác với Thầy Tuệ Sỹ nhiều lắm. Ở đây tôi chỉ nêu một thí dụ, để tự bạn so sánh, đó là khi ông bị tù năm 1079 vì tội làm thơ chống triều đình nhà Tống tăng thuế (do Tể tướng Vương An Thạch chủ xướng ngay khi ông nhậm chức năm 1069, để giải quyết nền kinh tế trì trệ và cải thiện quân đội, vì lúc đó triều đình nhà Tống đã bệ rạc lắm rồi, phải đóng thuế và cắt đất cho Liêu và Tây Hạ. Năm 1075 Vương An Thạnh đem quân đánh Tây Hạ bị tổn thất 600 ngàn quân. Để gỡ gạc thất bại này, nhà Tống muốn thôn tính Việt Nam, nhưng chưa kịp đánh thì bị Lý Thường Kiệt đánh trước. Ông chia hai đạo quân, tấn công thẳng tới Khâu Châu và Liêm Châu (Quảng Đông) và Ung Châu (Quảng Tây), đánh cho tơi tả, giết chết cả trăm ngàn quân Tống trước khi rút về. Năm sau, 1076, nhà Tống muốn phục thù, xua quân sang đánh nước ta nhưng lại bị Lý Thường Kiệt đánh cho tan tác trên sông Như Nguyệt, bây giờ gọi là sông Cầu ở Bắc Ninh). Khi ở trong tù, Tô Đông Pha dặn con đưa cơm, rau và thịt vào, và chỉ đưa cá nếu có tin xấu. Ngày đó, con ông phải đi xa mượn tiền, nên nhờ bạn đem cơm thay mình. Người bạn này không biết lời hẹn đó nên đưa cơm và cá vào khiến Tô Đông Pha nghĩ mình sắp bị tử hình nên mới viết hai bài thơ gởi cho em Tô Triệt. Dưới đây là một bài:

聖主如天萬物春
小臣愚暗自亡身
百年未滿先償債
十口無歸更累人
是處青山可埋骨
他年夜雨獨傷神
與君世世為兄弟
又結來生未了因。

Thánh chủ như thiên vạn vật xuân
Tiểu thần ngu ám tự vong thân
Bách niên vị mãn tiên thường trái
Thập khẩu vô quy cánh lũy nhân
Thị xứ thanh sơn khả mai cốt
Tha niên dạ vũ độc thương thần
Dữ quân thế thế vi huynh đệ
Hựu kết lai sinh vị liễu nhân.

Dịch nghĩa:

Quân vương thánh thiện như trời đất, mang mùa xuân đến cho vạn vật
Quan lại tầm thường, ngu dốt và mù quáng, tự hại mình
Chưa đầy trăm tuổi, ta đã phải sớm trả nợ đời
Để lại mười miệng ăn, lại không có nhà để quay về, càng khiến cuộc sống họ khó khăn hơn
Nơi núi xanh này có thể là chốn chôn xương ta
Năm sau, chỉ có riêng hồn ta lạnh lẽo trong mưa đêm
Nguyện đời đời kiếp kiếp làm anh em với em
Mong duyên này vẫn sẽ còn trong kiếp sau

Lời thơ chất chứa đau thương và oán hận. Tâm sự phức tạp, chê bai quan lại nhưng lại ca tụng vua thánh thiện, mà quan Tể tướng Vương An Thạch là do vua Tống Thần Tôn phong. Tiếc nuối bị chết sớm, bỏ lại vợ con nheo nhóc, nghèo đói. Nhưng cảm động ở đoạn ông muốn đời đời kiếp kiếp được làm anh em với Tô Triệt.

Còn khi Thầy Tuệ Sỹ bị tù thì Thầy viết:

窄籠猶自在
散步若閑遊
笑話獨影響
空消永日囚

Trách lung do tự tại
Tán bộ nhược nhàn du
Tiếu thoại độc ảnh hưởng
Không tiêu vĩnh nhật tù.

Tôi dịch:

Thanh thản tự tại thong dong
Nhàn nhã tản bộ bên trong nhà tù
Một mình cười nói vô tư
Ngày trong lồng hẹp nhẹ như bên ngoài.

Ngay cả khi Thầy bị biệt giam trong conex (viết tắt của chữ container và express. Chữ này cũng được viết là connex. Conex hay connex là thùng sắt quân đội Mỹ và VNCH dùng để chở hàng. Cộng sản dùng nó để nhốt tù biệt giam. Vì là thùng sắt nên ban ngày rất nóng còn ban đêm rất lạnh), Thầy viết:

我居空處一重天
我界虚無真個禅
無物無人無甚亊
坐覌天女散花綿

Ngã cư không xứ nhất trùng thiên
Ngã giới hư vô chân cá thiền
Vô vật vô nhơn vô thậm sự
Tọa quan thiên nữ tán hoa miên.

Tôi dịch:

Ta nhập thiền cõi trời cao
Chân thiền: cảnh giới không vào, không ra
Không người, không vật, không ta
Ngồi xem thiên nữ rắc hoa chúc mừng [1] 

Cuối năm Nhâm Dần 1062, khi làm quan ở Kỳ Dương, Tô Thức có gửi cho em là Tô Triệt ba bài thơ: Quỹ tuế, Biệt tuế, và Thủ tuế. Ba tựa đề này là tên của ba tục lệ người dân quê hương của ông, xứ Tây Thục, ăn tết: Quỹ tuế (饋歲) là quà tết, tức là quà tặng nhau ngày tết sắp đến, Biệt tuế (別歲) là tiễn tết, tức là mời nhau ăn uống ngày sắp tết để đưa tiễn năm cũ và Thủ tuế (守歲) là đợi tết, tức là cùng nhau thức đón giao thừa, mà chúng ta gọi là trừ tịch.

Ba bài thơ viết về Tết của Tô Đông Pha:

Bài 1: Quỹ tuế

農功各已收, 歲事得相佐。
為歡恐無及,假物不論貨。
山川隨出產, 貧富稱小大。
置盤巨鯉橫, 發籠雙兔卧。
富人事華靡, 彩繡光翻座。
貧者愧不能, 微摯出舂磨。
官居故人少, 里巷佳節過。
亦欲舉鄉風, 獨唱無人和。

Nông công các dĩ thu, Tuế sự đắc tương tá.
Vi hoan khủng vô cụ, Giả vật bất luận hoá.
Sơn xuyên tuỳ xuất sản, Bần phú xưng tiểu đại.
Trí bàn cự lý hoành, Phát lung song thố ngoạ.
Phú nhân sự hoa mị, Thái tú quang phiên toạ.
Bần giả quý bất năng, Vi chí xuất thung ma.
Quan cư cố nhân thiểu, Lý hạng giai tiết quá.
Diệc dục cử hương phong, Độc xướng vô nhân họa.

Dịch nghĩa:

Công việc đồng áng đã xong, Năm hết tết đến, mọi người cùng vui.
Sợ sẽ không còn nhiều thời gian vui vẻ, Ta không coi của cải là quan trọng.
Sản vật tùy theo sông núi mà sinh ra, Người giàu người nghèo cũng khác nhau.
Cá chép lớn nằm ngang trên mâm, Đôi thỏ trắng yên ngủ trong lồng.
Người giàu sống xa hoa, Áo quần lộng lẫy.
Người nghèo xấu hổ vì không có gì, Chỉ có chút gạo xay.
Nhà quan nên có ít bạn bè, Làng xóm thì nhộn nhịp nhưng chẳng ai tới.
Muốn nâng ly chúc mừng theo tục lệ quê mình, Nhưng một mình hát, chẳng ai họa theo.

Trong Tô Đông Pha: Những phương trời viễn mộng, Thầy phân tích bài thơ này như sau:

“Thủ pháp già dặn và lời thơ điềm đạm, tạo cho thành một khí vị rất cổ kính.Cái đó không những phản ảnh một nỗi nhớ, hoài vọng quê hương, mà còn phản ảnh cái ray rứt kỳ lạ của ngày tháng trôi đi biền biệt. Cảnh đưa đón cuối năm, coi cũng có vẻ tấp nập, nhưng không che dấu nổi cái lạnh nhạt: nhà quan thì vắng bóng những người bạn cũ, mà làng xóm thì nhộn nhịp chờ đón những ngày mới sẽ đến. Tình dù có, cũng bằng không.”

Và Thầy dịch 2 câu chót của bài Quỹ tuế này thành một bài thơ bốn câu, năm chữ:

Nhà quan người thưa bóng
Thôn ấp rộn ngày vui
Quê cũ tình dẫu đượm
Tình riêng nói với ai.

Hay quá! Lời dịch gói trọn tâm tư người dịch: Tình riêng nói với ai? Đó là chưa nói đến chữ “đượm” Thầy dùng, bây giờ ít ai còn biết.

Bài 2: Biệt tuế

故人適千里, 臨別尚遲遲。

人行猶可復, 歲行那可追。

問歲安所之? 遠在天一涯。

已逐東流水, 赴海歸無時。

東鄰酒初熟, 西舍彘亦肥。

且為一日歡,慰此窮年悲。

勿嗟舊歲別,行與新歲辭。

去去勿回顧,還君老與衰。

Cố nhân thích thiên lý, Lâm biệt thượng trì trì.
Nhân hành do khả phục, Tuế hành na khả truy.
Vấn tuế an sở chi? Viễn tại thiên nhất nhai.
Dĩ trục đông lưu thuỷ, Phó hải quy vô thì.
Đông lân tửu sơ thục, Tây xá trệ diệc phì.
Thả vi nhất nhật hoan, Uý thử cùng niên bi.
Vật ta cựu tuế biệt, Hành dữ tân tuế từ.
Khứ khứ vật hồi cố, Hoàn quân lão dữ suy.

Trong cuốn sách Tô Đông Pha: Những phương trời viễn mộng, Thầy Tuệ Sỹ dịch nghĩa như sau:

Cố nhân lên đường đi xa; Lúc chia tay vẫn còn bịn rịn
Người đi còn mong có ngày trở lại; Năm tháng ra đi, làm sao đuổi theo kịp?
Hỏi thử, “năm” đi đâu? Đi xa đến một ven trời nào?
Hay đã theo dòng nước chảy xuôi về đông, Đổ ra biển và không bao giờ trở lại?
Xóm đông, rượu vừa chín; Nhà mé tây, lợn nái cũng vừa mập thêm ra
Hãy cứ vui cho hết trọn một ngày; Để bù lại trọn một năm đầy sầu héo.
Đừng quên giã từ một năm cũ, Và hãy để cho năm cũ giã từ năm mới.
Bảo nó hãy đi đi, đừng có quay đầu lại. Gởi trả lại nó tuổi già và sức yếu.

Tôi dịch bốn câu đầu bài Biệt tuế bằng bài thơ lục bát dưới đây, trong đó có mượn một câu Kiều của cụ Nguyễn Du:

Tiễn người bạn cũ đi xa,
Chia tay sao vẫn thiết tha dùng dằng.
Thời gian, tình dạ biết chăng,
Tình càng thấm thía, dạ càng ngẩn ngơ.
Năm chưa hết, đã chẳng chờ,
Chân trời, góc biển, vật vờ đầu sông,
Xuôi theo nước chảy về đông,
Rồi trôi ra biển, có, không ngày về?

Bài 3: Thủ tuế

欲知垂盡歲, 有似赴壑蛇。
修鱗半已沒, 去意誰能遮。
況欲系其尾, 雖勤知奈何。
兒童強不睡,相守夜歡譁。
晨雞且勿鳴,更鼓畏添撾。
坐久燈燼落,起看北斗斜。
明年豈無年,心事恐蹉跎。
努力盡今夕,少年猶可誇。

Dục tri thùy tận tuế, Hữu tự phó hác xà
Tu lân bán dĩ một, Khứ ý thùy năng già
Huống dục hệ kỳ vĩ, Tuy cần tri nại hà
Nhi đồng cưỡng bất thuỵ, Tương thủ dạ hoan hoa
Thần kê thư vật minh, Canh cổ úy thiêm qua
Toạ cửu đăng tẫn lạc, Khởi khán bắc đẩu tà
Minh niên khởi vô niên, Tâm sự khủng tha đà
Nỗ lực tận kim tịch, Thiếu niên do khả khoa

Dịch nghĩa:

Biết năm sắp tàn, nó giống như con rắn chui vào lỗ.
Vảy bạc của nó đã chui sâu một nửa, ai có thể níu nó lại?
Huống chi muốn nắm đuôi nó, thì phải cố gắng thế nào?
Trẻ con không ngủ, cùng nhau vui chơi đêm giao thừa.
Mong cho gà đừng gáy sáng, lại mong cho tiếng trống canh đừng đánh.
Ngồi lâu, bấc đèn đã cháy hết, đứng dậy nhìn sao Bắc Đẩu nghiêng nghiêng.
Liệu có năm sau nữa không, sợ ước mơ của mình sẽ bị lãng phí.
Thôi thì hãy cứ cố thức hết đêm nay, khi còn tự khen mình vẫn còn trẻ.

Thầy Tuệ Sỹ không dịch nghĩa bài thơ này mà chỉ góp ý như sau: “Năm cũ sắp qua đi qua, như một con rắn đang chui vào lỗ, làm sao bắt nó lại? Nắm lấy đuôi, cũng bằng vô dụng. Ngày tháng trôi đi như con rắn trườn đi; cái hoài vọng ở đó quả khắc nghiệt và độc hại.”

Có phải đây cũng là niềm hoài vọng của những người Việt tha hương? Khi bỏ nước ra đi, chúng ta mang theo quê hương. Nhưng bây giờ thì con rắn đã chui sâu vào lỗ, quê hương chỉ là niềm hoài vọng mịt mờ, hay khắc nghiệt và độc hại? Nhìn quê hương mỗi ngày mỗi lún sâu vào đầm lầy, chúng ta, ngày Tết nơi xứ người, muốn nắm lấy cái đuôi của nó thì có cố gắng cũng không biết phải làm sao hay chúng ta chỉ biết ôm mặt mà khóc một mình, nhìn đồng hồ trên tường báo giờ giao thừa mà láng giềng chẳng có tiếng pháo, nhà nhà đều đóng cửa ngủ rồi?

Terry Lee

————-

[1] Bạn đọc có thể đọc thêm gần như tất cả thơ Thầy đã viết, tôi dịch và giải thích bằng tiếng Anh, trong cuốn sách của tôi Dreams on the peak of the mountain. Có thể download bản pdf free, dầy 476 trang, ở đây

Cuốn sách này tôi đang sửa lại vài chỗ. Bản mới sẽ được upload ở đây: