Terry Lee: Nhân đọc bài phúng điếu Hòa Thượng Tuệ Sỹ của Sư Giác Nguyên
Mấy hôm trước, tôi tình cờ đọc được bài phúng điếu của Sư Giác Nguyên viếng Hòa Thượng Tuệ Sỹ. Tôi chưa thấy một bài phúng điếu nào hay đến như vậy.
Website toaikhanh.com, nơi lưu trữ các bài giảng cùng những đoạn trích dẫn pháp thoại giáo lý Phật giáo Nguyên thủy của Sư Giác Nguyên, cho biết Sư tên thật là Phạm Nguyên, bút hiệu Toại Khanh, sinh tại Vĩnh Long năm 1969, vào chùa từ năm 1977. Sư không có bất cứ bằng cấp nào về thế học. Sư tự nhận mình là một cánh chim di trú, mỗi năm xê dịch đôi lần để trú đông. Sư viết “Những đóng góp gì đó cho đời chỉ là từng nắm cỏ rơm kết tổ cho mình, và những lầm lỗi nào đó của bản thân thì chỉ xin đem hết mấy năm cuối đời, sau tuổi 50, tự biến mình thành nến cháy đến hơi tàn để đền bồi muôn một…”
Bài phúng điếu của Sư viếng Hòa Thượng Tuệ Sỹ rất cảm động như sau:
Một giọt sương rơi
Cho hiên chùa thêm quạnh
Một vầng trăng về tây
Cho biển tối thêm sâu
Một Tăng Triệu thời nay
Giũ áo qua cầu
Tiếng thạch sùng khuya
Gió lùa tàng kinh các
Cầm đèn tuệ chênh vênh
Sống một đời cao sĩ
Vóc hạc gầy mong manh
Hồn chứa hết tam thiên
Chí cao vợi
Cô đơn
Dặm trần không tri kỷ
Phiên chợ đời phũ phàng
Sao đắt đỏ chữ duyên
Trời nam lặng một bóng người
Vai gầy cõng đạo, một trời sở tri
Việc xong, quẳng gậy mà đi
Hổ Khê áo cỏ dặm về trăng soi
Tôi chia bài phúng điếu thành năm phân đoạn. Dưới đây là phần giải thích bài phúng điếu của tôi:
Phân đoạn 1
Một giọt sương rơi
Cho hiên chùa thêm quạnh
Một vầng trăng về tây
Cho biển tối thêm sâu
A dewdrop falls,
Intensifying the temple’s solitude.
A moon sets in the west,
Deepening the sea’s darkness
Đúng với giáo lý Phật giáo, cuộc đời dù có thọ cả trăm năm, cũng chỉ là một sát na trong cõi luân hồi, nên sự ra đi của Thầy Tuệ Sỹ như một giọt sương rơi hay như một vầng trăng lặn. Có khác chăng là giọt sương này làm sân chùa thêm quạnh quẽ, và vầng trăng lặn làm biển tối thêm sâu. Hãy lắng hồn vào chữ “thêm”. Bỏ chữ này đi thì bài thơ mất hết ý nghĩa về những đóng góp của Thầy Tuệ Sỹ trong cuộc đời này. Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị ép phải giải tán thì hiên chùa đã vắng lắm rồi, nhưng khi Thầy biết sức của Giáo hội không thể xoay ngược tình thế thì Thầy thành lập Hội đồng Phiên dịch Tam tạng (tháng 11 năm 2011), và chỉ hai năm sau, 29 tập Thanh Văn Đại Tạng Kinh đồ sộ, tổng cộng hơn 12 ngàn trang, không kể 5 cuốn Tổng lục in khổ nhỏ hơn, được xuất bản, và ngay trang bìa ghi rõ ràng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đó là chưa nhắc đến những tác phẩm khác của Thầy, như thơ, văn, những bài khảo luận, những cuốn sách Thầy soạn và dịch theo truyền thống Đại thừa.
Phân đoạn 2
Một Tăng Triệu thời nay
Giũ áo qua cầu
Tiếng thạch sùng khuya
Gió lùa tàng kinh các
A modern-day Shengzhao,
Sheds his robe as he crosses the bridge.
Midnight,
The gecko’s cry,
Wind drafts through the sacred hall.
Bài thơ so sánh Thầy Tuệ Sỹ với Sư Tăng Triệu. Sư Tăng Triệu (?-414) là cao tăng Trung Quốc sống vào đời Đông Tấn. Thủa nhỏ, sư hâm mộ Lão Trang, sau nhân đọc kinh Duy-ma-cật mà khai ngộ, liền xuất gia, sau theo học với ngài Cưu-ma-la-thập. Sư có các tác phẩm: Tông bản nghĩa, Vật bất thiên, Bất chân không, Bát nhã vô tri, Niết bàn vô danh (tất cả luận trên được người đời sau thu vào một tập, đề chung là Triệu Luận). Ngoài ra, Sư còn có bản chú giải Kinh Duy-ma-cật 10 quyển.
Triệu Luận đã có ảnh hưởng rất nhiều trong nền Phật giáo Trung Quốc. Tương truyền rằng, khi Thiền sư Thạch Đầu Hi Thiên đọc luận này đến chỗ “Bậc chí nhân trống rỗng vô hình mà vạn vật đều do tâm tạo. Ngộ được vạn vật đều quy về tự kỉ, ấy chỉ có bậc Thánh mới chứng được”, Thiền sư bỗng nhiên đại ngộ.
Sau này Sư Tăng Triệu bị vua Diệu Hưng nước Hậu Tần xử chém. Khi bị chém, sư đọc bài kệ:
Tứ đại vốn không chủ,
Ngũ ấm cũng là không
Đưa đầu nhận kiếm bén
Giống như chém gió xuân
(Khi đọc tới câu chót của bài thơ này, trong tai tôi vang lên 13 tiếng hô “Việt Nam vạn tuế”)
Sư Tăng Triệu chết có tài liệu nói là Sư mới 31 tuổi. Khi Thầy Tuệ Sỹ bị tù lần thứ nhất, lúc đó Thầy khoảng 35 tuổi. Lúc Thầy bị biệt giam nhốt trong connex, Thầy viết bài thơ bằng chữ Hán:
自心自境自成章
自对悲欢亦自賞
他日顏回坐葬偶
蠶絲割断散蒼蒼
Tự tâm tự cảnh tự thành chương
Tự đối bi hoan diệc tự thưởng
Tha nhật Nhan Hồi tọa táng ngẫu
Tàm ty cát đoạn tán thương thương
Tôi dịch:
Thơ từ tâm, cảnh mà sinh,
Tự mình thưởng thức, tự mình buồn vui.
Có yểu mệnh như Nhan Hồi,
Tơ tằm cắt vụn mây trôi khắp trời
Tơ tằm là sợi tơ kéo ra từ ruột con tằm. Vì thế, tơ tằm ở đây là thơ Thầy viết.
Tơ thì có thể cắt vụn được, nhưng thơ thì làm sao cắt? Hãy để ý Thầy nói đây là thơ, chứ không phải là bài thơ đã được in ra trên giấy. Thầy muốn cắt vụn thơ mà tung rải nó lên trời xanh, chứ không phải cắt vụn giấy.
Làm sao cắt vụn thơ mà rải lên trời xanh?
Thầy giải thích ý Thầy 45 năm sau trong di chúc của Thầy: “Nhục thân đưa đi hỏa táng. Tro bụi nhục thân đem rải ra Thái Bình Dương để được tan theo biển bốc thành mây trời, lang thang khắp cõi hư không.”
Phân đoạn 3
Cầm đèn tuệ chênh vênh
Sống một đời cao sĩ
Vóc hạc gầy mong manh
Hồn chứa hết tam thiên
Precariously cradling the lamp of wisdom,
Living a life of noble seclusion,
A frail crane-like figure,
A soul that encompasses three thousand worlds.
Tôi không có may mắn được gặp Thầy Tuệ Sỹ, nên mượn bài viết sau của thầy Nguyên Siêu ôn tưởng lại thời gian khi học lớp Triết học Tây phương của Thầy:
“Giờ học đầu tiên Thầy giảng về nền Triết học Tây phương qua các tư tưởng Henry Miller, Jean Paul Sartre, Engel, Platon… nghe sao mà khó hiểu vô cùng nhưng có gì là lạ, lý thú trong cách giảng dạy của Thầy, không cần sách vở, chỉ nói và nói. Nói như dòng thác đổ từ trên cao, vì đầu nguồn của dòng thác chứa đầy nước, được sung mãn vô kể, do vậy, cứ đổ hoài mà không bao giờ vơi.”
Thầy Phước An cũng nhắc tới những kỷ niệm với Thầy Tuệ Sỹ ở Vạn Giã:
“Thỉnh thoảng, một hoặc hai tuần, tôi lại từ Nha Trang ra Vạn Giã để thăm anh. Con đường đi đến nơi anh làm rẫy, quanh co khúc khuỷu, nên rất khó đi, mùa mưa lại càng khó đi hơn nữa, vì đường bị trơn trượt. Đôi khi tôi ở lại đêm với anh, trong túp lều tranh, do tự tay anh cất lấy. Những lúc ở lại đêm như vậy, tôi lại càng cảm phục sức chịu đựng của anh. Đêm nơi đó chẳng có gì cả, ngoài ngọn đèn dầu leo lét trong lều và bóng tối mịt mù giữa núi rừng mênh mông.”
Nhà văn Nguyễn Đạt kể lại lần đến xin Thầy Tuệ Sỹ bức vẽ chữ Nôm:
“Căn phòng đầu tiên, phía tay trái, khi vừa hết những bậc cấp dẫn lên tầng trên của một dãy phòng ốc trong chùa Già Lam, đấy là am của thượng tọa Tuệ Sỹ, được đặt tên là Thị Ngạn Am. Là Bờ.
Hồi đầu thị ngạn, quay đầu nhìn vào là bờ. Nhìn thẳng vào tâm mình.
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật
Nhìn lên vách tường Thị Ngạn Am treo trang giấy viết hai dòng thơ bằng chữ Nôm rất đẹp, thơ của thầy Tuệ Sỹ, tôi xin thầy Tuệ Sỹ một bản chép lại để mang về. Thầy Tuệ Sỹ vui vẻ thực hiện ngay. Trải trên sàn gạch tờ giấy có in ba chữ “Thị Ngạn Am” ở đầu, thầy Tuệ Sỹ gò lưng như một ông đồ thuở xưa, nắn nót viết câu thơ Thị Ngạn bằng chữ Nôm:
Năm chầy đá ngủ lòng khe
Lưng trời cánh hạc đi về hoàng hôn.”
Ở câu đầu, “chầy” là muộn, nên “năm chầy” là năm đến muộn. Dĩ nhiên khi nói năm đến muộn là nói năm mới, điểm khởi đầu của năm, đến muộn rồi. Còn ngủ mà không biết thời gian trôi qua là ngủ đông, nên tôi chọn chữ slumber. Câu này cho ta một cảm giác tĩnh lặng, như đang bước vào một Thiền viện. Thì chẳng phải vì thế Thầy treo ở Thiền phòng của Thầy đó sao?
Ở câu sau, ở lưng trời có con chim nhạn đang bay theo hướng hoàng hôn về tổ. Câu này gợi ra một cảm giác yên bình nhưng là một sự yên bình giữa khung cảnh bao la của trời đất, nên chữ “lưng trời”, tôi không dịch là “in the middle of the sky”, mà dịch là “in the vast expanse of the sky”. Thêm nữa, tôi không cho con chim nhạn này bay về nhà (fly home) mà nó bay vút về nhà (soar home). Chí của Thầy đâu phải chim sẻ, chim cưu có thể hiểu được, phải là chim hồng, chim nhạn, bay ngàn dặm cao, xa mới cảm được hay hiểu được.
Tôi dịch:
A late-arriving new year finds the stone slumbering in the crevice
In the vast expanse of the sky, a swallow soars home towards the sunset
Phân đoạn 4
Chí cao vợi
Cô đơn
Dặm trần không tri kỷ
Phiên chợ đời phũ phàng
Sao đắt đỏ chữ duyên
A lofty spirit, boundless.
Solitude, in the ocean of sorrow,
In prison and in his exiled life.
A mortal journey with no confidant.
The harsh and cruel marketplace of life,
Has marked up the price of the fate.
Khi đọc hai câu thơ dưới đây của Thầy Tuệ Sỹ,
Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn
Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về?
Thầy Nguyên Siêu giải thích:
“Đời sống như là quán trọ, con người đến rồi đi. Sanh rồi tử, muôn trùng, thăm thẳm, vô biên, vô tận. Con người đắm chìm trong cái quán trọ đó mà sinh ra đủ thứ chuyện để làm ngăn nẻo về của những bước chân phương trời viễn mộng. Vậy thì, bị ngăn nẻo về, không về được nên quay lại để sống với mình. Đóng cửa phòng, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nhịn đói, tuyệt thực. Ngày chỉ uống nước chanh pha đường. Có lúc xỉu trên bàn vì đói.”
Đời sống như là một quán trọ, nhưng Thầy Tuệ Sỹ, trong tác phẩm Tô Đông Pha, những phương trời viễn mộng, giải thích thêm quán trọ này bao gồm mọi đọa đày, gian truân, đày ải, vui, buồn, sầu, khổ của đời người, dù người đó bị giam trong nhà tù hay giữa chợ đời khắc nghiệt, phũ phàng.
Khi được ra tù, Thầy có ghé thăm một ngôi chùa nằm trên quốc lộ Bắc-Nam, và Thầy có viết tặng một đôi câu đối, nhưng Thầy biết Chùa sẽ ngần ngại không dám treo lên. Thầy cũng không nói tên Chùa. Câu đối như sau:
Vượt Trường Sơn nghìn dặm Bắc Nam, nhìn nắng đọng sân chùa, khách có biết mấy lần dâu biển?
Ngắm sông bạc một màu chung thủy, lắng chuông ngân đầu cỏ, người không hay một thoáng Vô vi?
Tôi dịch:
Crossing the Trường Sơn mountains, a thousand miles between North and South, looking at the sunlight settling on the temple courtyard, do visitors know how intangible this world changes?
Gazing at the silver river, a constant color from beginning to end, listening to the bell’s chime reverberating over the grass leaves, don’t people realize how frivolous this fleeting life is?
Ôi, Chùa vốn là nơi vô ngã, vô ưu, mà sao nhiều sợ hãi?
Tri kỷ của Thầy là ai, tôi không biết, Thầy cũng không nói. Thầy Nguyên Siêu kể “Có lúc Thầy đóng cửa phòng ở một mình cả tuần không cơm nước. Thầy chỉ uống nước chanh đường, hoặc nước lạnh, thỉnh thoảng mới thấy Thầy đi bách bộ bên ngoài. Trông Thầy gầy hẳn, nhưng trên khuôn mặt luôn luôn phảng phất một niềm riêng sầu kín, thiêng liêng qua ánh mắt. Một tâm sự, nỗi niềm dường như không thể nói cùng ai, dù thời gian ấy vẫn có Hòa thượng Viện Trưởng, Thượng tọa Giám sự, Thượng tọa Phó Viện Trưởng, cùng anh em học Tăng. Có lẽ, tất cả không ai có thể hiểu và cảm thông được nỗi lòng chất chứa, tràn đầy những tâm sự mà chẳng biết tỏ cùng ai…”
Khi Ni sư Trí Hải mất năm 2003 vì tai nạn giao thông, Thầy Tuệ Sỹ có viết một bài thơ phúng điếu, trong đó có câu “Sao trời chợt tắt giữa lòng tay”. Thế gian này có được mấy người mà trong lòng bàn tay họ là cả đại dương và cả bầu trời, Ni sư Trí Hải là một. Ni sư là Thư viện trưởng trường Đại học Vạn Hạnh khi Thầy làm giáo sư phân khoa Phật học ở đó. Chỉ một thời gian ngắn ngủi mà thư viện Vạn Hạnh được sánh hàng ngang với những thư viện nổi tiếng bên Âu Mỹ. Ông Nguyễn Lương Hải Khôi, cán bộ Cộng sản được vào kiểm kê ở viện, kể lại: “Thư viện Đại học Vạn Hạnh có hàng vạn cuốn phim quay lại bản gốc các cuốn sách cổ của các nền văn minh trong lịch sử… Sau 1975, các chiến sĩ ta dồn các phim vào thùng nhựa để lấy thùng đổ nước vào nuôi cá”. Cái chết của Ni sư khiến Thầy Tụệ Sỹ viết “Sao trời chợt tắt giữa lòng tay”. Chỉ mấy chữ mà nói lên cả một trời tiếc nuối.
Phân đoạn 5
Trời nam lặng một bóng người
Vai gầy cõng đạo, một trời sở tri
Việc xong, quẳng gậy mà đi
Hổ Khê áo cỏ dặm về trăng soi.
The southern sky,
Now devoid of a sole figure,
Thin shoulders bear the weight of the Dharma,
A universe of knowledge.
His task fulfilled, he casts aside his staff,
Returning home to Tiger Stream,
In grass robe, beneath the tranquil moon.
Trong bài ký sự Một thời truyền Luật, Thầy kể lại khi Thầy được thả ra khỏi trại giam (năm 1981, lần tù thứ nhất), Thầy chưa trở về chùa ngay, thì Hòa thượng Trí Thủ gọi về và dạy “Một ngày không thể thiếu mặt trời. Tăng chúng cũng không thể một ngày thiếu tu, thiếu học.” Vi thế, Thầy nhận lời phụ trách giảng dậy Tăng sinh tại chùa Già Lam. Thầy Nguyên Siêu kể lại: “Thầy là một trong những người nòng cốt cho sự tiếp nối chương trình cao cấp bốn năm của lớp học Tăng sinh Già Lam. Lớp học được hình thành, trải qua bốn năm vừa làm việc vừa học hành trong sự lo lắng mà nhiều đêm cả chùa chẳng ai ngủ được, vì công an soát hộ khẩu một hai giờ khuya, anh em học Tăng phải leo lên trần nhà để trốn”. Nhưng rổi lớp học bị ép đóng cửa, và Thầy bị bắt và bị xử tử hình nhưng rồi dưới áp lực quốc tế, bản án giảm xuống còn 20 năm khổ sai ở trại tù Ba Sao, Nam Hà.
Khi được thả ra, năm 1990, Thầy nhận lời làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và sau khi Hòa thượng Quảng Độ viên tịch, tháng 2 năm 2020, Thầy được ủy nhiệm làm Xử lý thường vụ Viện Tăng thống. Trong cương vị này, Thầy cùng các Hòa thượng của Giáo hội cố gắng đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhất là quyền phục hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhưng không thành.
Tự biết không còn bao nhiêu thời gian tại thế, Thầy chuyên tâm phiên dịch kinh tạng, hiệu đính các tác phẩm, tổ chức sắp xếp thư mục cho công trình phiên dịch Đại tạng kinh được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn học thuật quốc tế. Khi 29 tập Thanh Văn Đại Tạng Kinh được xuất bản như ý nguyện, Thầy yên tâm ra đi.
Truyện thứ 16 trong tập Cao tăng dị truyện kể “Sư Huệ Viễn trụ ở chùa Ðông Lâm, dưới chùa có dòng Hổ Khê. Mỗi khi tiễn khách, đến đây thì dừng lại. Niên hiệu Nghĩa Hy thứ ba (407), đạo sĩ Lục Tu Tĩnh cùng thi sĩ Ðào Tiềm vào núi gặp Sư. Sư đưa tiễn, cầm tay trò chuyện, bất giác qua Hổ Khê. Cọp bèn rống lên. Ba người quay lại nhìn nhau cười to.”
Thầy Tuệ Sỹ yên tâm ra đi, như Sư Huệ Viễn yên tâm quay về lại chùa Đông Lâm. Chùa Đông Lâm ở trên núi Lô Sơn mà Thầy Tuệ Sỹ trong tác phẩm Tô Đông Pha, những phương trời viễn mộng, mượn lời nhà thơ Tô Đông Pha, tả như sau:
“Lô sơn là một danh thắng kỳ tuyệt. Núi non hùng vĩ, cảnh trí u trầm, mây trắng và sương mù quanh năm bao phủ, từ bao nhiêu đời, nơi đó ẩn tích những cao nhân đắc đạo. Tìm đến đó, để nhìn thẳng vào chân diện mục của Lô sơn, là đã quyết tâm đoạn tuyệt với những vương vấn, buông lơi và thắt chặt, từ mấy vạn đời trước. Thấy chỗ đó, là thấy Tâm Thiền. Nhưng Tâm Thiền thì tịch mặc không nói. Một khi đưa lưỡi dao lên cắt đứt mớ tóc, đoạn tuyệt hồng trần, thì cõi thơ sẽ mất một ngọn sao trời rọi sáng, cho khách tục tử đang còn cặm cụi làm thơ. Nhà thơ phát tâm đại nguyện thượng thừa vác lên vai vô số khổ lụy đoạn trường. Đại nguyện đó sẽ làm sáng lên cái chân lý Dị và Đồng. Dị biệt và Đồng nhất là những con đường chia rẽ phân đôi; nhưng đạt tới công án hiểm hóc của tử sinh, thì đã xóa tan chân lý Dị Đồng. Đó là chỗ ta và người, tình và cảnh, đều trở thành tịch mặc Không Không. Từ đó, nhà Thơ hẹn với nhà Thiền, mở ra cánh cửa bắc, cất đầu nhìn lên 36 ngọn núi xanh kia.”
Ngày 24 tháng 11 năm 2023, Thầy Tuệ Sỹ đã thu thần, nhập tịch, ra đi khỏi thế giới này. Trong di chúc, Thầy để lại tám chữ: “Hư không hữu tận, Ngã nguyện vô cùng”
Tám chữ này trích từ bài sám Thập phương (cũng gọi là sám Quy mạng)
Hư không hữu tận
Ngã nguyện vô cùng
Tình dữ vô tình
Đồng viên chủng trí
Hư không thì có giới hạn,
Nhưng nguyện tôi thì vô cùng
Đó là cầu cho các loài hữu tình và vô tình
Tất cả đều thành chính giác.
Trong tám chữ Thầy để lại, Thầy không nói rõ nguyện của thầy là gì, theo tôi, đó là di chúc thứ hai của Thầy. Ai sẽ đọc được di chúc đó? Thầy không nói.
Trong cuốn Thắng Man giảng luận mà Thầy đã dịch và giảng, Thắng Man phu nhân có ba đại nguyện. Đó là:
1) Sẽ giúp cho chúng sinh được đời đời an ổn.
2) Sẽ không mệt mỏi giảng Pháp cho chúng sinh.
3) Sẽ xả bỏ thân mạng để hộ trì Chính pháp.
Đại nguyện thứ hai: Cũng như Thắng Man phu nhân, Thầy không mệt mỏi giảng Pháp, dịch kinh.
Đại nguyện thứ ba: Thầy kiên quyết, sẵn sàng xả bỏ thân mạng, bảo vệ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để hộ trì Chính Pháp.
So với ba đại nguyện này của Thắng Man phu nhân, thì đời Thầy chưa hoàn thành được đại nguyện đầu. Thường thường, chuyện gì mình không làm được ở kiếp này, mình sẽ nguyện làm được ở kiếp sau. Vì thế, tôi tin đây là ba đại nguyện của Thầy.
Khi đó,
Chờ mưa tạnh ta trải trăng làm chiếu
Nghìn năm sau hoa trắng trổ trên đồi
Waiting for the rain to subside, I spread the moonlight out for my sleeping mat,
A thousand years later, when I wake up, white flowers will bloom on this hill.
Terry Lee