Thạch Đạt Lang: “Hiện tượng” sư Minh Tuệ và cách hành xử của một số người dân lẫn chức sắc trong Giáo Hội Phật giáo Việt Nam

 Sư Minh Tuệ. Ảnh: Internet

Sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn, trước năm 1975 tôi đã thấy nhiều nhà sư tu khổ hạnh, đi khất thực. Họ đi lặng lẽ, ôm bình bát đến trước từng cửa căn nhà, đứng yên vài phút, mắt nhìn thẳng về phía trước. Nếu chủ nhà thấy, cúng dường phẩm vật gì đó, họ nói lời cám ơn, cúi lạy rồi đi tiếp. Nếu gia chủ thấy, làm lơ không cho gì, họ đứng khoảng 5 -10 phút rồi tiếp tục đi. Không có ai bu quanh, đi theo họ chụp hình, vái lạy hay thậm chí rải hoa, quét đường cho sạch sẽ để họ đi tới.

Thời gian gần đây, trên facebook tràn ngập hình ảnh, videoclip, bài vở viết về một nhà sư trẻ tên Minh Tuệ. Nhận xét khách quan, sư Minh Tuệ tu khổ hạnh – còn gọi là Hạnh Đầu Đà với 13 khổ hạnh – một số khổ hạnh trong đó là đi chân đất, khất thực, ngày chỉ ăn một bữa, ai cho gì ăn cái đó, y phục là do may vá thành, ngủ ở các gốc cây, trên nền đất các nghĩa trang…

Việc tu khổ hạnh của ông Minh Tuệ, nếu trước năm 1975 chắc chắn sẽ là một điều rất bình thường, không có lý do gì để trở nên ồn ào, sôi động xã hội, trở thành một “hiện tượng” như những ngày qua. “Hiện tượng” này làm loãng đi rất nhiều cuộc đốt lò đang diễn ra hào hứng với 2 trong 4 “tứ trụ triều đình” nhà Sản phải làm đơn xin được cấp chữ “nguyên”, về nhà đuổi gà, giặt quần áo cho vợ.

Chữ “hiện tượng” được bỏ trong ngoặc kép bởi nó không phải là một hiện tượng thiên nhiên (natural phenomenon) mà do con người dưới chế độ cộng sản tạo ra. Đã có một số bài viết, videoclip trên mạng xã hội đưa ra khuyến cáo ”đừng khuấy động bằng cách bu theo như ruồi, rắc hoa, quét đường, quay video, chụp hình, dâng tặng phẩm vật…hãy để yên cho sư Minh Tuệ tu tập”, hoặc chỉ trích, phê phán việc tu tập của thầy. 

Bài viết này không có mục đích phân tích việc tu tập của sư Minh Tuệ, chỉ nhận định cách hành xử của một số người Việt cho tới các chức sắc của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam.

Với người dân, đó là “hiện tượng” từng đoàn người lũ lượt đi theo bước chân của sư với máy ảnh, camera, rồi thì hoa thơm, chổi quét đường, phẩm vật cúng dường, rồi thì khóc lóc, đọc thơ…

Tin từ mạng xã hội cho biết, ở Nghệ An, một trong những tỉnh nghèo của Việt Nam, có hơn 5.000 người đã rần rần theo sau thầy Minh Tuệ. Trong số đoàn người bu theo sư có bao nhiêu người thành tâm đảnh lễ vì sùng bái, ngưỡng mộ một vị đang được coi là chân tu, bao nhiêu người muốn cầu xin giảm nghèo, xin phước báu, bao nhiêu công an chìm, YouTuber chụp hình, quay phim làm clip kiếm ăn…?

Bên cạnh hiện tượng sùng bái đó đã có những bài viết, tấn công trực diện vào sư Minh Tuệ đăng trên trang Phật Giáo Đời Sống, như bài “Nghĩ gì về tăng đoàn của Minh Tuệ” của tác giả Lý Diện Bích chẳng hạn. Những bài viết này vu khống, chụp mũ sư Minh Tuệ, lời văn bộc lộ rõ sư ganh ghét, tức tối về việc tu tập của sư Minh Tuệ (3 bài viết này hiện đã lẳng lặng bị gỡ bỏ) 

Điều này dễ hiểu. Hình ảnh việc tu tập của sư Minh Tuệ trái ngược với hình ảnh của các thượng tọa, đại đức của Giáo Hội Phật Giáo Quốc Doanh như Thích Trúc Thái Minh, Thích Nhật Từ, Thích Chân Quang…Họ sợ ảnh hưởng của sư Minh Tuệ sẽ làm bể “lọ chao” mất “nắm xôi”, “cái oản, nải chuối“…của họ.

Sự mê muội của đám đông (không kể công an chìm, YouTuber) bu theo sư Minh Tuệ cho thấy sự mê tín, lầm lạc trong tín ngưỡng của người dân – sau gần nửa thế kỷ cộng sản Việt Nam thống nhất đất nước bằng vũ lực – ngày càng nặng nề.

Người dân Việt Nam đã đi từ thái cực này sang thái cực khác sau khi chế độ Công sản Việt Nam được Mỹ bỏ cấm vận, được phép mở cửa giao thương với thế giới tư bản. Những việc mê tín, dị đoan như coi tử vi, bói toán, đốt hàng mã, xin xăm, lên đồng…trước đây bị cấm nghiêm ngặt, giờ được khuyến khích, mở rộng. Lãnh đạo, cán bộ, đảng viên cộng sản thấy có ăn, nhẩy vào dây máu ăn phần, đồng thời kiểm soát các họat động. 

Hình ảnh đơn giản, tương phản của sư Minh Tuệ làm đảo ngược giá trị tu tập, hành đạo, thuyết giảng về Phật Giáo của các sư Thích Trúc Thái Minh, Thích Nhật Từ, Thích Chân Quang…Những giá trị được họ xây dựng bấy lâu nay, những ngôi chùa hoành tráng, to, đẹp rực rỡ, những buổi lễ Phật Đản, cầu an, cầu siêu, cúng sao giải hạn…lên tới hàng ngàn người bổng chốc sụp đổ, trở nên lố bịch, vô nghĩa. 

Với sự hậu thuẫn của đảng cộng sản, họ đã cấy vào đầu người Phật Tử Việt Nam những tâm lý bệnh hoạn, những hiểu biết sai lệch về Phật giáo. Do đó việc một vài ông sư như sư Chân Quang giận dữ lên tiếng phê phán, đã kích, thậm chí vu khống sư Minh Tuệ là chuyện đương nhiên.

Sự việc sẽ không dừng lại ở chỗ bỉ bôi, chê trách, vu khống, hạ nhục sư Minh Tuệ. Trong thời gian tới, việc tu tập của sư Minh Tuệ sẽ còn gặp nhiều khó khăn, có khả năng sư sẽ bị bắt hoặc bị ép buộc phải từ bỏ việc tu tập theo hạnh Đầu Đà. Chế độ Cộng sản Việt Nam không bao giờ chấp nhận một cá nhân, tổ chức, hội đoàn, đảng phái… nào tốt đẹp, nhân bản, có ảnh hưởng đến người dân hơn họ. Vụ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ là bằng chứng rõ ràng nhất.

Tin mới nhất, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra văn bản liên quan đến sư Minh Tuệ. Văn bản do Thượng toạ Thích Đức Thiện ký ngày hôm nay 16/5/2024, trong đó có những câu hạ thấp sư Minh Tuệ như “hình ảnh người đàn ông mang hình dáng nhà sư…

Qua tìm hiểu xác minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định người đàn ông này không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam…

Người đàn ông này có tên là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình ông Lê Anh Tú sinh sống tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Ông Lê Anh Tú sau khi từ bỏ công việc đo đạc địa chính tại tỉnh Phú Yên đã thực hiện một vài lần đi bộ hành từ Khánh Hòa ra các tỉnh phía Bắc và ngược lại.

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố có thông báo tới đông đảo phật tử và nhân dân được biết để không ngộ nhận ông Lê Anh Tú là nhà sư…”

Nhìn sang Thái Lan, đất nước có tới 94,6% người dân theo đạo Phật, những khất sĩ hoặc các nhà sư tu Hạnh Đầu Đà hiện diện khắp nơi, việc cúng dường phẩm vật của người dân diễn ra rất đơn giản, trang nghiêm trên các nẻo đường, không có đám đông, không rải hoa, không ai quét dọn đường họ đi…những nhà sư được bình yên tu tập theo con đường mình đã chọn. Cũng không có “giáo hội Phật giáo” nào ra văn bản cho rằng những khất sĩ, các nhà sư tu Hạnh Đầu Đà này không phải là tu sĩ Phật giáo cả!

Chỉ có ở Việt Nam, dưới sự cai trị của đảng Cộng sản, một nhà sư tu Hạnh Đầu Đà mới có khả năng “khuấy động” xã hội làm nhiều nhà sư khác xốn xang, ăn ngủ không yên.

Qua “hiện tượng” đó, có thể nói không sợ sai lầm, cộng sản Việt Nam đã ít nhiều thành công trong việc xâm nhập, phá hoại, điều khiển, kiểm soát Phật Giáo cũng như đời sống tâm linh của người dân theo chiều hướng họ muốn. 

Thạch Đạt Lang