Thái Hạo: Giáo dục: Không thể cứ tiếp tục làm thí nghiệm và cải cách trên đống rác
Trường THCS Minh Nghĩa (xã Minh Nghĩa, Nông Cống, Thanh Hóa) tổ chức thi thử đối với lớp 9 và thu 300 nghìn mỗi em, em nào không nộp thì không được thi. Đó là thông tin do phụ huynh trường này chia sẻ với tôi (xem hình 1).
Phụ huynh còn cho biết, ngay từ đầu năm nhà trường đã thu hơn 4 triệu đồng, sang học kỳ 2 thu thêm hơn 1 triệu nữa, tổng thu là 5.5 triệu đồng (năm triệu rưỡi). Trong đó có những khoản như học thêm 1.560.000 (sang học kỳ 2 thu thêm 700 nghìn), gửi xe 180 hoặc 360 nghìn (nếu là xe đạp điện), tiền cơ sở vật chất 300 nghìn (“năm nào cũng thu”)… (xem hình 2). Như vậy mặc dù Thông tư 29 đã có hiệu lực từ đầu học kỳ 2 nhưng trường này vẫn tiến hành dạy thêm thu tiền như chẳng có chuyện gì (?).
Rõ ràng, đã có nhiều khoản thu sai quy định hoặc thu sai nguyên tắc (thu vượt quy định, thu những khoản không được thu, thu trái với nguyên tắc tự nguyện…). Và bên cạnh đó, ở hầu hết các nhà trường, việc thu tiền thường không phát phiếu, không có biên lai, không minh bạch về chi tiêu. Phụ huynh chỉ nhận được thông báo nộp tiền và không hiểu vì sao mình phải nộp, không biết tiền ấy đã đi về đâu…
Như chúng ta biết, học phí chính quy là từ 180.000 đến 540.000 VNĐ, nhưng mỗi năm, như trường THCS Minh Nghĩa này, phụ huynh phải đóng 5.5 triệu đồng, tức gấp từ 10 đến 30 lần học phí. Nó cho thấy, chính các khoản phí này mới là gánh nặng khủng khiếp nhất với người dân, chứ không phải học phí. Và một phần trong chúng, như đã nói là thu sai quy định hoặc trái nguyên tắc. Phải chăng nên gọi chúng là một thứ “hàng rào thuế quan trong giáo dục” như câu chuyện đang nóng rực cả thế giới về thuế bây giờ?
Số tiền 5.5 triệu đồng là gần 1 tấn lúa. Dù Nông Cống là “thủ đô lúa gạo” của tỉnh Thanh Hóa, nhưng nếu gia đình nào có 2 – 3 con đi học thì đã đủ điêu đứng vì các khoản thu như “cắt cổ” này. Và chắc chắn rồi, không phải chỉ riêng trường THCS Minh Nghĩa, mà rất nhiều nơi ở Thanh Hóa và trên cả nước vẫn đang tiếp tục lạm thu, loạn thu như thế. Chúng đang gây ra gánh nặng kinh tế rất lớn cho người dân, khiến phụ huynh bất bình, xã hội ngày càng mất niền tin, môi trường giáo dục hiện lên với hình ảnh như chợ đen “gác cổng thu tiền”.
Việt Nam đang tiến hành một cuộc cải cách lớn với mục đích đưa đất nước vào quỹ đạo phát triển mà ở đó giáo dục sẽ đóng một vai trò quan trọng. Cũng vì lý tưởng này mà Bộ Chính trị đã quyết định miễn học phí cho học sinh phổ thông từ năm học 2025 – 2026. Nhưng như ta đã thấy, học phí chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong một rừng các khoản thu sai trái và thiếu minh bạch đang tràn lan trong môi trường giáo dục. Nếu không ra tay dẹp bỏ những “BOT bẩn” này trong giáo dục, thì những nỗ lực và khát vọng lớn kia sẽ gặp phải những trở ngại mang tính phá hoại và nguy hiểm.
Đối với trường THCS Minh Nghĩa, đề nghị Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục và các cơ quan ban ngành có liên kiểm tra, xác minh và có câu trả lời cho phụ huynh cùng người dân được biết. Phải xử lý hiệu trưởng và các cá nhân liên quan nếu phát hiện sai phạm. Nếu việc thu tiền này đúng như phụ huynh phản ánh thì phải kỷ luật hiệu trưởng cùng Ban giám hiệu, đình chỉ và cho thôi chức. Cần thiết hơn và để giải quyết tận gốc vấn đề, cần chiếu theo luật để xử lý hình sự về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ hoặc tội tham ô tài sản. Nếu không nghiêm minh, tình trạng lạm thu, loạn thu như suốt hàng chục năm qua sẽ không thể được loại bỏ, mà chỉ ngày càng biến tướng và trở nên tồi tệ hơn.
Năm nào cũng từng ấy điệp khúc kêu ca rầm rộ khắp mặt báo và mạng xã hội, và rồi kết quả chỉ là “đá ném ao bèo”, con bệnh đã nhờn thuốc và ngày càng tác quái hơn.
Đây là việc mà từ cấp cao nhất của nhà nước đã phải làm từ lâu, làm đồng bộ, làm triệt để, để lập lại kỷ cương, trả lại sự lành mạnh, trong sáng và tử tế cho môi trường giáo dục. Giáo dục không thể phát triển tốt lành nếu những tệ nạn đang biến các nhà trường thành các BOT bẩn này vẫn ngang nhiên thu tiền như bảo kê cứ tiếp tục hoành hành như chốn vô pháp. Trước khi hô hào những cải cách và áp dụng những lý thuyết tiến bộ như các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đang làm, thì việc trước mắt, cần kíp và phải thực hiện ngay, là “dọn vệ sinh nền giáo dục”. Không thể cứ tiếp tục tiến hành thí nghiệm và cải cách trên đống rác như thế mãi được.
Thái Hạo

