Thanh Hà CH: Những cuộc “thăm viếng không mời” lúc nửa đêm thay đổi số phận gia đình tôi*
Kính thưa quý văn hữu và quý độc giả,
Từ đây cho đến hết tháng 5/2025, bên cạnh việc chuẩn bị bài vở cho chủ đề “30/4/1975-30/4/2025. Việt Nam 50 năm nhìn lại”, DĐTK mở chuyên đề “Người Di Tản và Những Hồi Ức 1975-2025”, để người viết có thể chia sẻ lại những câu chuyện của mình, của gia đình hay của những người khác mà mình chứng kiến.
Rất mong sẽ nhận được sự hưởng ứng tham gia của quý văn hữu và quý độc giả.
Dưới đây là bài viết của tác giả Thanh Hà CH.
DĐTK.
*****
Rất hiếm ai có may mắn từ lúc sinh ra, trưởng thành, lập nghiệp, lập gia thất, vui thú điền viên tuổi hưu.. cho đến thời khắc trở về cát bụi mà cuộc đời phẳng lặng êm ả như mặt hồ thu, an cư một nơi duy nhất không hề dời đổi bao giờ.
1.
Ba tôi là con trưởng trong gia đình địa chủ thuộc một làng nổi danh nghề dệt chiếu ở miền Nam, đẹp trai học giỏi nói năng lịch sự nhẹ nhàng nên nhiều cô gái đem lòng yêu thương. Sợ ba “lạc lòng” trước bao cám dỗ, phần như bao người ở giữa thế kỷ 20 mong mau có cháu nối dõi nên mới 21 tuổi ông bà nội đã cưới vợ cho ba.
Ông bà ngoại tôi chỉ có má là người con độc nhất, sống cách làng ba khoảng 5 km. Những năm 1930–1940, dù hai người là nông dân thuần phác, nhưng tư tưởng tiến bộ cho má đi học đến năm 16 tuổi khi ông bà nội mang trầu cau sang cưới má về làm dâu thì má mới ngưng học.
Làm dâu trưởng tuy khá vất vả vì phải lo quán xuyến việc nhà, cơm nước giặt giũ cho gần chục thành viên bên chồng, phải thức khuya dậy sớm nấu ăn phục vụ thợ ruộng nhưng bù lại má tôi được ông bà nội thương yêu như con ruột, nhất là bà nội. Tiếc thay, hơn một năm sau bà nội chưa kịp ôm cháu nội nào vào lòng thì đã ra người thiên cổ dưới lằn đạn của lính Lê Dương (Légion Étrangere). Ngày hôm ấy chúng vào làng càn quét tìm bắt Việt Minh. Đàn ông, đàn bà, trai gái, trẻ con ai chạy được đều chạy ra đồng hay sang làng khác lánh nạn. Tưởng người già hay phụ nữ lớn tuổi ở lại trông nhà thì không sao, ngờ đâu chúng lục soát từ nhà, bắn giết tất cả người chúng gặp không chừa một ai. Nên mỗi năm ngày giỗ bà nội cũng là ngày giỗ nguyên cả làng, nhà nhà đều vang tiếng dao thớt làm giỗ cúng người đã mất.
Bà nội mất hai năm thì chị hai tôi ra đời, chỉ ông nội được bế bồng cháu nhưng cũng không bao lâu. Vài tháng sau, nửa đêm nọ Việt Minh đến kêu cửa bắt ông đem vào bưng, gán cho là Việt gian đấu tố tội dám chở lúa đem bán ra ngoài thành mà không xin phép, rồi đem xử tử bằng cách cột hai ngón tay trỏ treo lên cây lủng lẳng cho chết dần trong đau đớn man rợ.
Lúc ấy ông mới 46 tuổi.
Có một người cháu họ rất gần với ông nội chứng kiến buổi xử án, về kể lại nên anh em ba tôi căn cứ lời bác mà cúng giỗ vào ngày tháng đó. Và xây ngôi mộ gió trên phần đất hương hoả cho con cháu tưởng nhớ mà tề tựu, chứ không bao giờ tìm được nơi Việt Minh đã vùi thây ông dù đã đi tìm nhiều lần!!!
2.
Khi 27 tuổi, ba tôi nhậm chức Quận trưởng quận Thới Bình thuộc cuối bản đồ Việt Nam, nơi Cộng Sản trà trộn ẩn náu dầy đặc đã ám sát hụt ba mấy lần. Được khoảng hai năm, má lo sợ nên nhân dịp quận Đông Yên (ông Quận trưởng hơi lớn tuổi) đang thiếu chức Phó quận, má khuyên ba nên nhận dù phải tụt xuống làm phụ tá. Nơi ấy tương đối gần quê nhà hơn tuy cũng là vùng xôi đậu ban ngày Quốc Gia ban đêm Cộng Sản. Thập niên 1950’s phương tiện đi lại bằng đường bộ còn khó khăn hạn chế, muốn ra tỉnh phải dùng đò nhỏ luồn lách qua nhiều kinh rạch đổ ra sông Cái, chạy thêm nhiều cây số nữa mới về tới nhà. Tôi còn nhớ thỉnh thoảng chú tuỳ viên lái chiếc “bo-bo”–Bord-à-Bord– chở ba, má, chị em tôi về thăm ông bà ngoại, các chú cô dịp tết, giỗ ông bà nội… Chiếc tàu nhỏ bằng chất liệu nhẹ chứa khoảng chục người, mà vận tốc thật nhanh băng băng lướt sóng để lại vệt nước rẽ hai bên đuôi tàu cuộn bọt, đám trẻ con chúng tôi rất thích thú.
Khi chị hai được chín tuổi, chị ba sáu, tôi bốn, em gái kế lên hai, em trai vừa ra đời được vài tháng, gia đình chưa thoả mừng vui vì nhà toàn con gái giờ mới có cậu trai quí tử thì ba gặp nạn lần thứ nhất, vào tù oan bởi Cộng Sản dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà.
Một đêm khuya mọi người đang ngon giấc bỗng nghe có nhiều tiếng chân rầm rập vang trên con đường độc đạo dẫn vào dinh Quận, rồi giọng một người đàn ông hô to lời lẽ xấc xược rằng họ thuộc đoàn quân của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đến đây để giải phóng đồng bào thoát ách đô hộ của chính quyền Diệm Nhu. Tìm bắt “những tên ác ôn nợ máu với nhân dân”, rồi họ nêu một loạt tên rất nhiều người gồm có Quận trưởng, Phó quận trưởng, Cảnh sát trưởng, Chỉ huy lính Bảo An v..v..
Tôi còn quá nhỏ nên không nhớ gì, chỉ lúc lớn nghe ba mẹ và chị hai kể lại, tuy lính bảo vệ dinh quận ít hơn nhưng vẫn oanh liệt chống trả. Cuối cùng gần sáng thì đẩy lui Cộng quân, chúng rút đi để lại nhiều xác chết rải rác trên đường, máu chảy đọng vũng khiến chị hai sợ không dám đến trường phải nhờ chị Út đưa đi học. Phía Quốc gia nhiều chiến sĩ hy sinh, đáng buồn trong số ấy có ông Quận trưởng. Gia đình chúng tôi không sinh sống trong dinh nên ba tôi thoát chết. Nhưng ba cùng với toàn thể viên chức hành chánh quận đều bị bắt giam vì tình nghi nội tuyến.
Thế là má con tôi thu dọn đồ đạc bồng bế nhau về nương nhờ cạnh ông bà ngoại. Nhà ngoại gồm hai căn: một nhà sàn cao cách mặt đất hơn 1 mét, cất theo kiểu vùng Cao Lãnh ngăn ngừa ngập lụt – nguyên quán ông ngoại– vách, cột, sàn toàn bằng gỗ quí. Tuy nhiên mái nhà bằng lá dừa nước là vật liệu lợp nhà rất phổ biến thời ấy, lúc nào bên trong cũng mát mẻ (sau này ngoại thay bằng tole fibro). Các cánh cửa chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo. Phần trên cửa chánh có khắc năm cất nhà 1940.
Căn thứ nhì vách cũng bằng gỗ nhưng không phải nhà sàn mà nền lót gạch tàu chung vách nhà ngoại, thông nhau bằng cánh cửa hông. Nhà này là ba má được ngoại cho đất cất để mỗi khi đưa chị em tôi về thăm có nơi rộng rãi chạy nhảy vui chơi. Chung quanh hai căn nhà bao bọc bởi hàng rào dâm bụt. Mảnh sân phía trước trồng xoài, lý, me, ổi, hoa lài, hoa sứ. Phía sau và hai bên chái có hàng dừa bụi chuối trĩu nặng trái quanh năm. Bà ngoại còn dựng giàn trầu lá xanh mơn mởn, kế cạnh hàng giậu mồng tơi quấn quýt với nhau, nhiều ăn không hết chỉ để làm cảnh. Tôi nhớ có cả nhánh dây tơ hồng cho hoa nho nhỏ xinh xinh màu đỏ rất dễ thương.
Nhờ vậy mà khi ba gặp nạn, mẹ con tôi về có sẵn chỗ trú thân êm ấm.
Để nuôi đàn con dại, má xin đi dạy lớp tiểu học cách nhà 5 cây số. Được một thời gian thì tôi mắc bịnh thương hàn rất nặng, các bác sĩ đều đầu hàng nên má nghỉ dạy để tiện bề chăm sóc tôi. Má bèn mở các lớp dạy học tại nhà vừa nhận may thêm quần áo cho láng giềng. Má khéo tay may được đủ kiểu quần áo nam nữ nên lúc nào cũng đắt hàng.
Lớp lúc đầu chỉ vài em bé trong xóm đã quá tuổi đi học mà cha mẹ không hiểu sao không cho đến trường, dù thời ấy vào trường công lập được miễn phí. Má chỉ lấy tiền tượng trưng vì biết đa số đều nghèo. Nhờ phương pháp dạy chữ dễ hiểu, kèm thêm dạy lễ nghĩa nên các trẻ mau biết chữ và lễ phép theo đúng câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Tiếng lành đồn xa dần dần những làng bên mang con sang học, hơn năm mươi cô cậu từ lớp vở lòng đến lớp nhứt (tức lớp năm bây giờ). Chị hai chị ba ngoài giờ đến trường thì phụ má viết chữ bằng bút chì cho lớp vở lòng tô lại bằng mực tím, chấm bài v..v..
Tuy thiếu vắng ba, cuộc sống thanh bần, nhưng nhờ có ông bà ngoại phụ giúp (ngoại sở hữu vài mẫu ruộng) hết lòng yêu thương chăm sóc nên chị em chúng tôi vẫn được hưởng một tuổi thơ vô tư hạnh phúc. Đây là nơi ký ức thời niên thiếu tôi in đậm nhất mà không lớp bụi thời gian nào có thể xoá nhoà. Bây giờ hơn nửa thế kỷ trôi qua, thỉnh thoảng tôi vẫn mơ thấy mình sống trong căn nhà cũ thân yêu ấy.
Ba tôi và các bác bị bắt chung phải chịu tù không án (vì không bằng chứng).
Tuy nhiên trong thời gian bốn năm ở khám Chí Hoà- Saigon, ba có may mắn sống cùng phòng với các ông giáo sư, được họ trau dồi đàm thoại thêm Anh ngữ nên sau này ba giao tiếp với các cố vấn Mỹ, Phi Luật Tân mà không cần qua người thông dịch. Trong khốn khổ ba cũng học được điều tốt đẹp.
Đến năm 1964 vào một buổi chiều nắng vàng còn vương trên ngọn chuối cành
dừa bên chái nhà, gió từ sông thổi mát rượi, có chiếc xe chở khách ngừng xéo trước cổng nhà ngoại. Từ trên xe bước xuống là bóng dáng thân yêu quen thuộc của ba hiện ra một cách bất ngờ. A ba về, ba về. Cả nhà mừng vui khôn xiết, khóc cười ôm ba vì xúc động. Láng giềng hay tin đổ xô đến chúc mừng tận khuya mới giải tán. Hôm sau họ hàng bạn hữu ở xa hay tin lần lượt kéo đến thăm viếng kéo dài đến nhiều ngày sau mới ngớt.
Chính quyền sau thời ông tổng thống Diệm trả tự do cho nhiều người bị tình nghi không án.
3.
Ra tù, ba an phận muốn tìm việc để nuôi thân và vợ con không dính líu đến công quyền nữa. Nhưng có lẽ số mệnh ba vẫn còn nặng nợ Công Hầu Khanh Tướng nên sau thời gian lao đao tìm việc làm “tay chân” mà không nơi nào phù hợp thì một người bạn chí cốt là thiếu tá Ch. thuyết phục ba tham chính, đích thân bác Ch. giới thiệu ba với vài Ty, Sở đang cần người có khả năng ra giúp.
Lúc đầu ba chối từ. Bác Ch. không bỏ cuộc, thỉnh thoảng ghé thăm nhẫn nại nhắc lại lời đề nghị.
Thời gian cứ trôi. Biết không thể tiếp tục làm Khương Tử Nha ngồi câu cá với chiếc cần không lưỡi không mồi bên bờ sông Vị chờ thời, trút gánh nặng cơm áo cho cha mẹ vợ và vợ mãi nên cuối cùng ba chấp nhận đời công chức trở lại. Lần này đảm trách chức vụ Trưởng Ty Thông Tin tỉnh.
Nhà thêm cô em út ra đời.
Cuộc sống gia đình tôi tưởng đâu bình yên phẳng lặng không còn gì phải lo lắng, ai ngờ lần nữa tai ương ập xuống không chỉ với gia đình tôi mà cho toàn thể dân miền Nam hiền hoà no ấm.
Cuối tháng tư năm 1975, miền Nam bị chiếm đóng bởi quân đội Bắc Việt trong sự hãi hùng hoang mang tuyệt vọng của bao nhiêu người từ quân nhân, công chức, tầng lớp tu sĩ trí thức, sinh viên học sinh, cho đến thương gia, chủ nông trại và tất cả người dân yêu chuộng tự do hoà bình.
Ba tôi lại khăn gói vào trại cải tạo, mà thực chất là tù khổ sai lao lực nặng nhọc trong rừng U Minh muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh tựa bánh canh.
Chị hai bị nghỉ việc làm thư ký ty Thông Tin, bắt đi “học tập tư tưởng 3 ngày”. Chị ba và tôi không được tiếp tục đến giảng đường đại học. Cô em thứ năm chưa kịp thi tốt nghiệp tú tài đôi cũng chung số phận. Cậu em thứ sáu hết lớp 10 rồi bỏ dở chạy xe ôm, làm công nhân phụ giúp gia đình. Em út chín tuổi tiếp tục học đến lớp 12, thi đậu hạng cao nhưng bị từ chối đơn thi vào đại học, chấm dứt mộng theo ngành y.
Chi em tôi xin đi dạy học, thậm chí một công nhân quèn nhưng đều bị từ chối khi họ xem tờ khai lý lịch.
Để mưu sinh, chị em tôi đặt vài cái bàn trong sân nhà bán cà phê nước giải khát thu nhặt vài đồng sống tạm qua ngày. Thời gian đầu ruộng chưa bắt vào Hợp Tác Xã nên ngoại còn có vài mẫu đất canh tác, khi lúa vào mùa gặt chị em tôi ra đồng phụ ngoại cùng thuê thêm vài thanh niên khoẻ mạnh giúp nên chưa đến nổi đói ăn. Như thế đã là may mắn hơn hàng triệu người miền Nam.
Những chiếc áo dài tha thướt của má, của chị em tôi lần lượt được má cắt sửa lại thành áo ngắn mặc cho hợp với tình cảnh.
Những ước vọng hoài bão về tương lai từ nay thôi khép lại.
Mỗi tháng má chắt chiu mua thức ăn chất vào một chiếc giỏ đan bằng mây, theo các bà vợ tù đi chiếc đò nhỏ (gọi là tắc ráng) từ 5 giờ sáng chạy đến khoảng 9 giờ thì cặp vào bờ kinh. Từ đó đoàn phụ nữ rồng rắn men theo con đường đắp đất lở lói gồ ghề có chỗ bùn sình, thêm 6,7 cây số đưa vô rừng U Minh gọi là Kinh Làng Thứ Bảy, nơi hàng ngàn sĩ quan, công chức… đang lao động khổ sai không biết ngày về, để thăm ba. Có nhiều lần má cho chị em tôi tháp tùng đi theo nên tôi biết mỗi chuyến đi thăm nuôi người cải tạo gian khổ thế nào.
Cuộc sống lây lất như vậy cho đến Giáng Sinh cuối năm 1977, tai ương lại tiếp tục giáng xuống gia đình tôi đến “tận cùng bằng số” mới thôi. Một đêm khuya cả nhà đang ngon giấc bỗng nghe tiếng gõ cửa dồn dập, tiếng chân người lao xao hoà cùng tiếng hét :
–Mở cửa, chủ nhà mở cửa nhanh lên cho công an vào xét nhà.
Má tôi ra mở, giật mình thấy chừng vài chục công an lố nhố trước sân, họ hùng hổ xô má qua bên tràn vào đi từ trước ra sau, từ ngoài phòng khách vào tận phòng ngủ lùa tất cả chị em tôi dậy bắt ra ngồi im một chỗ trên salon. Họ lục soát tung tủ, bàn, nhà bếp, gầm giường, mọi ngóc ngách, bắt ghế leo cả vào bồ lúa đựng mấy trăm giạ ở gian nhà sau.
Má tôi cố gạt sợ hãi hỏi:
—Các ông làm gì nửa đêm vào lục soát nhà tôi vậy?
Một người có vẻ chỉ huy nói:
—Có tin báo nhà thím chứa vũ khí âm mưu chống phá “Cách Mạng”.
—Trời ơi các ông thấy nhà tôi có hai ông bà già, đàn bà con gái trẻ nít, chống các ông thế nào, lấy gì mà chống?
Họ gầm gừ : Thím im đi, rồi sẽ biết ngay thôi.
Lát sau, một trong vài công an bươi móc xào xạc trên bồ lúa, la lên:
– Đây rồi, tìm được súng giấu lẫn trong lúa đây rồi!
Như màn ảo thuật, hắn cầm khẩu súng nhỏ giơ lên cao vẻ mặt đầy vênh váo đắc thắng.
Súng? Súng ở đâu mà tự nhiên có trong bồ lúa nhà chúng tôi?
Thế là mấy mẹ con mỗi người được cho mang thêm hai bộ đồ, lướt thướt kéo
nhau lên xe chở thẳng vào tù, kể cả đứa cháu 11 tháng con chị ba.
Ông bà Ngoại hơn 70 tuổi và cô em út lúc ấy 10 tuổi không phải đi tù nhưng cũng bị tống cổ ra khỏi nhà xua vào túp lều hoang mục ruỗng, siêu vẹo tưởng chỉ lấy tay đẩy nhẹ cũng đủ đổ sụp, cách căn nhà khang trang của chúng tôi chỉ một khoảnh sân vài mét.
4.
Lấy cột mốc từ năm 1954, ở miền Bắc có hàng trăm ngàn người bị đấu tố chết vì gán tội danh địa chủ. Hàng triệu người phải bỏ nhà cửa ruộng vườn, lìa nơi
chôn nhau cắt rốn, người thân… vào miền Nam trốn hiểm hoạ Cộng Sản.
Sau năm 1975, lại lần nữa để chạy trốn Cộng Sản, một cuộc đại di tản của triệu dân tìm đường ra biển, vượt biên giới Lào, Cam Bốt.. bất chấp nguy nan cướp bóc, giết hại, tù tội, hãm hiếp, hay bị vùi thây dưới lòng biển. Ngay cả giờ đây đất nước hết chiến tranh, vẫn còn nhiều người tìm cách ra đi, chết ngạt trong container đông lạnh.
Gia đình ông bà tôi nhiều đời dân miền Nam chính gốc. Ông nội cả đời không hề biết Saigon là đâu–có khi ông tưởng miền Bắc là một đất nước xa lạ nào đó– chỉ lo lam lũ làm việc đầu tắt mặt tối tạo dựng chút cơ ngơi cho con cháu thế mà ông đã chịu cảnh đấu tố rùng rợn ngay từ năm 1951. Cách xử tử không theo kiểu bị đào hố chôn phần thân thể chừa đầu ló trên mặt đất, mà “hưởng” một cái chết man rợ khác: treo hai đầu ngón tay trỏ từ không trung lơ lửng chân không chạm đất, lịm dần mòn trong đau đớn lúc 46 tuổi!
Đến đời ba mẹ chị em tôi không phải chạy giặc xa xôi nghìn dặm như người từ miền Bắc, miền Trung gồng gánh qua những đại lộ kinh hoàng đầy xác người, bom rơi đạn lạc. Không phải mất nhiều ngày tháng trường lang thang đói khát, tìm đường xuống tàu hay bất cứ phương tiện nào để vào Nam. Mà chỉ cần bước vài bước từ mảnh sân nầy qua mảnh sân kia, từ chỗ buổi tối còn quây quần cùng nhau thì sáng hôm sau hơn hai phần ba thành viên trong gia đình thấy mình ngồi thu lu trong trại tù, một phần ba còn lại thành kẻ vô gia cư, ngơ ngẩn lạc hồn trong căn chòi hoang rách nát, bàng hoàng không hiểu vì sao ?!
Mẹ con tôi bị ở tù hơn ba tháng, nhốt trong trại giam tỉnh chen chúc chung phòng cả trăm người can tội vượt biên, chính trị, hình sự… cháu trai 11 tháng con của chị ba bị bịnh nặng tưởng gởi xác thân trong trại, thì sau tết âm lịch vì không tìm ra bằng chứng để kết tội âm mưu chống “Cách Mạng” nên công an thả đàn bà con gái cho về với tội danh vượt biên (?). Còn cậu em trai 18 tuổi bị biệt giam trong phòng kín hơn 1 năm trường. Sau chúng chuyển em vào trại U Minh nơi ba tôi đã ở đó từ năm 1975 nhưng khác trại. Thật nực cười. Chẳng qua vì họ muốn chiếm tài sản nên giấu súng vào bồ lúa làm lý do đoạt hai căn nhà do mồ hôi nước mắt của ông bà và ba má tôi tạo dựng.
Chế độ Cộng Sản muốn dìm gia đình chúng tôi xuống tận cùng nấc thang xã hội -như hàng triệu gia đình miền Nam khác- nhưng nhờ sự độ trì của đấng thiêng liêng, nghị lực, ý chí, sự đoàn kết thương yêu của bốn thế hệ “tứ đại đồng đường” dần dần chúng tôi cũng vượt qua mọi khốn khổ.
Năm 1979 em trai được tha về, trong giấy tạm tha ghi “vượt biên có vũ khí”!
Cái đêm họ đến khám xét nhà thì em trai tôi đang ngủ canh gác máy trong hãng nước đá cách nhà 150 mét nơi em xin làm công nhân được mấy tháng. (Nhắc lại là sau tháng tư 75 em nghỉ học, tình nguyện dùng chiếc xe Honda 67 của ba chạy xe ôm phụ giúp gia đình. Chưa được bao lâu thì ngưng, bởi với gương mặt học sinh 16 tuổi còn non choẹt nên một hôm em bị một người đàn ông trung niên lừa, dụ em chở ông ấy đi từ quận ra ngoại ô xa 10km đến đầu đường tắt, kêu em chờ ông vào trong xóm có việc, em chở ông luôn chuyến về sẽ thanh toán tiền cả hai lượt.
Trưa nắng nóng em đứng chờ mãi chẳng thấy tăm dạng ông khách đâu. Về nhà kể lại với vẻ mặt vừa đói mệt thất vọng vừa tức tối khiến má đau lòng kêu em đừng chạy xe ôm nữa. Em muốn chia sớt gánh nặng áo cơm lại xin vào làm công nhân cho hãng nước đá. Đêm công an đến khám nhà, em tôi đang trực máy ở hãng, không hề có bất cứ bằng chứng nào em ấy xuống bãi, lên ghe tàu..v..v…thế mà họ vẫn cố tình gán ghép tội danh như ý họ bịa ra).
Được tạm tha về nhà (tưởng cần nhắc lại là trong tất cả các giấy thả tù nhân, họ luôn viết là Giấy Tạm Tha. Nghĩa răn đe rằng: “tao chỉ tạm tha cho mầy thôi và có thể bắt lại bất cứ khi nào”) em tôi bị loại tên trong sổ gia đình, không còn quyền công dân, bị quản chế việc đi đứng.
Không có tên trong sổ gia đình, nghĩa là không được mua bất cứ nhu yếu phẩm gì do nhà nước Cộng Sản bán ra theo tem phiếu.
Vẫn chưa yên thân. Hơn tháng sau, lúc nửa đêm–lại cũng nửa đêm– có tiếng người láo nháo tự xưng công an đứng trước túp lều lá gia đình tôi dựng tạm bợ trên mảnh vườn trồng rau của gia đình (sau khi bị đuổi khỏi nhà phải tá túc trong căn nhà bỏ hoang sắp rã nát của hàng xóm vài tháng) kêu mở cửa.
Cũng má tôi là người ra mở cửa. Mấy tên công an trong có trưởng công an quận– chúng sửa lại là huyện–kêu em trai tôi theo họ lên đồn “làm việc”.
Cái danh từ “làm việc” nghe có vẻ trịnh trọng, thực ra là để điều tra, hỏi cung người mà chúng cho là phạm tội.
Má tôi hỏi :
–“Làm việc” gì các ông có thể cho biết được không?
Tên đồn trưởng trả lời:
–Làm việc gì thì con trai thím lên đồn sẽ biết.
Họ dẫn em trai tôi đi, ngăn cản không cho má tháp tùng, má trả lời cứng rắn:
–Tôi phải đi theo để biết vì sao các ông nói là “làm việc” mà tới bắt con tôi đi vào giữa đêm chứ không phải ban ngày? Là mẹ thì tôi lo cho con tôi, các ông định làm gì với nó lúc giữa đêm, ai hay ai biết chứ.
Thấy sự cương quyết của má, đám công an đành để yên cho má tôi đi cùng.
Cần nói thêm rằng: Sau khi đã bị ở tù oan ức, bị cướp hết nhà cửa tài sản, sẵn đà cướp luôn căn nhà cổ khang trang của ông bà ngoại thì tinh thần chúng tôi bỗng trở nên mạnh mẽ, không còn sợ hãi như lúc đầu. Đã bị dồn vào ngõ hẹp tương lai tối ám, cuộc sống chìm xuống tận đáy, chúng tôi đâu còn gì để mà sợ mất nữa.
Gần sáng, má và em trai mới trở về nhà. Má kể là chúng kêu em tôi đi làm công tác thuỷ lợi, đào kinh vét mương vài tháng ở vùng kinh tế nào đó xa lắc lơ. Trơ tráo nói đó là một danh dự cho gia đình có người cống hiến cho đất nước v..v..
Má tôi đối đáp với lý lẽ đanh thép:
–Từ lúc con tôi ở tù về thì các ông quản chế cấm không cho đi khỏi xóm, cắt tên khỏi sổ gia đình, sống bất hợp pháp không còn chút quyền công dân nào. Thế mà khi cần sức lao động nặng nhọc cực khổ thì các ông bắt con tôi đi là sao? Các ông vừa nói lao động là vinh quang, là danh dự cho gia đình thì các ông “mời” những người nào có tên trong sổ gia đình đi phục vụ để được hãnh diện vinh quang ấy. Thêm một điều, là muốn kêu con tôi đi làm thuỷ lợi thì ít ra các ông phải gởi giấy tới nhà công khai chớ sao lại nửa đêm tới kêu cửa bắt đi lén lút như thể tội phạm vậy?
Họ không trả lời được bèn giở giọng hăm doạ:
–Bây giờ tôi kêu con bà đi làm công tác thuỷ lợi mà bà định chống đối a?
Má nói:
–Tôi không chống đối. Con tôi sẵn sàng thi hành lệnh nhưng trước hết yêu cầu các ông phục hồi quyền công dân cho nó, và gởi giấy chính thức như các ông làm với những người khác chứ không phải theo cái cách nửa đêm đến kêu cửa bắt đi như thể bắt tội phạm.
Sau một hồi tranh luận mà vẫn không làm cho má tôi sợ sệt, họ đành hậm hực cho má và em trai tôi về nhà.
Thời gian sau cũng không thấy động tĩnh gì.
5.
Biết không thể tiếp tục sống dưới chế độ Cộng Sản được, nhân nhà người bạn của em trai có chiếc ghe nhỏ đề nghị với em và mươi bạn trẻ hùn nhau mua dầu, lương thực bất chấp mùa biển động liều chết ra đi đúng mùa bão tháng 9, Má gom vét số tiền ít ỏi đưa em. May mắn sau đó nhóm em gặp được tàu đánh cá lớn vớt đã đến được bến bờ tự do sau khi trải qua hiểm nguy hai lần hải tặc và một cơn bão táp. Hơn 46 năm nay, em có cuộc sống an lành nơi xứ lạnh tình nồng.
Mấy năm sau, Ba tôi được tha về.
Chương trình H.O mở ra. Má không nỡ bỏ Ngoại đã già yếu không người chăm sóc lúc cuối đời để ra đi. Ba không sống nơi nào thiếu má, nên rốt cuộc đành gác lại chương trình H.O. Các chị em tôi lần lượt lấy chồng, an phận.
Phần tôi thời gian sau cũng đạt ước mơ thời đi học là được sống trên xứ sở bình yên hiền hoà, phong cảnh hữu tình đẹp như tranh Thuỵ Sĩ. Tôi đã đúng khi chọn nơi nầy là quê hương thứ hai để sống cho tới cuối đời.


Với bao biến cố mà gia đình tôi đã trải qua, tôi nhận ra một điều:
–Việt Minh vào bắt ông Nội chúng tôi mang đi đấu tố vào lúc nửa đêm.
–Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tấn công vào dinh quận vào đêm tối trời khiến ba tôi bị oan phải rơi vào vòng lao lý.
–Khoảng bốn mươi công an ập vào nhà, lén chôn vũ khí trong bồ lúa, bắt mẹ con tôi bỏ tù để lấy cớ chiếm nhà cửa tài sản cũng vào nửa đêm mịt mùng.
–Một toán công an nửa đêm đến dẫn em trai tôi vào đồn, nếu má tôi không đi theo có thể họ sẽ tạo cớ giả mạo nào đó để bắt em tôi vào tù lần nữa.
Sao họ chỉ toàn lợi dụng bóng đêm để giở tấn trò bắt bớ dân trong lén lút vậy?!
Thanh Hà CH
Tháng 03/ 2025
*Tựa do DĐTK đặt.
Bài cùng chủ đề “Người Di Tản và Những Hồi Ức 1975-2025”:
*Dương Vân Nguyệt: Những năm tháng ở Saigon sau 1975
*Nguyễn Thao: 50 năm đã trôi qua, gia đình tôi là những người tỵ nạn may mắn hơn nhiều người khác*