Thơ Quảng Tánh Trần Cầm, Cao Vị Khanh, Nguyễn Vĩnh Long, Hoàng Xuân Sơn

Hoài niệm  

đêm về ướp tôi trong hỗn hợp gia vị 

ninh tôi qua đêm  

bất chợt một tia chớp lóe ngang bầu trời 

nghe chừng thiên thần gãy cánh 

rơi rụng như trái chín cuối mùa 

·

tôi biết khi tôi mở mắt 

bầu trời sẽ rất xanh 

không một gợn mây 

lấp lánh tựa pha lê  ̶ ̶ ̶  

màu pha lê của đôi mắt thiên thần 

·

buổi sáng chậm rãi nhẩn nha 

mọi xếp đặt dàn dựng đêm qua   

thành và hoại tự thân luân lưu không đổi 

theo con lắc đồng hồ 

đời này qua đời khác 

·

trong tĩnh lặng nàng bước nhanh qua khung cửa 

giấu nỗi buồn trong tay áo 

giấu tay áo sau nụ cười 

buông lơi vệt nhìn của đôi mắt gây nhớ 

·

và như nàng từng nói: cuối trời là biển  

nơi chan hòa vị mặn nước mắt  

nơi ánh pha lê dàn trải cõi bao la.  

Quảng Tánh Trần Cầm

***

Ý nghĩ trong đêm 

cảm ơn chứng mất ngủ  

đưa tôi về tháng ngày lỗi nhịp 

ngả lưng trên dốc lá 

nghe tiếng sóng miên man vỗ bờ 

vỗ về bóng ma phiền não 

·

không một lần như dự định 

lời dễ hiểu tan theo mây khói 

mã hóa tiếng kinh chiều 

hạnh phúc và khổ đau tay trong tay  ̶ ̶ ̶  

thì thầm cái bóng 

·

và mưa mật ngôn đổ ập trên mái ngói 

ôm chặt vòm rêu phong 

đâm chồi trong vô thức 

từ kiếp nào mùi nước hoa tựa mai thúy 

giày cao gót rũ rượi bên thỏi son bẻ đôi 

rực rỡ từng khắc khoải phim noir 

·

có những khoảng trống trong đời 

trăn trở khôn nguôi 

có những trói buộc không lời 

trân trọng khi đã buông xuôi 

·

cảm ơn cơn mất ngủ triền miên 

đêm ở vòng xoay ngả bảy 

dường như có ai hỏi người mù chỉ đường.   

Quảng Tánh Trần Cầm

Cuối trời là biển. Ảnh: Quảng Tánh Trần Cầm

***

Dấu sông xưa 

Thuyền ngược gió đã tắp bờ bến lạ.

Góc quê xưa giờ gió đã sang mùa.

Con nước lớn đã lạc vào biển cả.

Tiếng ru hời đã tắt giọng buồn xưa.

Em đâu biết mỗi từng ngày qua mất

ở trong ta biền biệt dấu sông xưa.

Thuyền bỏ bến rồi thuyền trôi thất lạc

cuối chân trời không một áng mây đưa.

Thuyền bỏ bến bỏ luôn bờ cố thổ

bỏ vạt cầu thắc thẻo nhịp sầu riêng.

Thuyền đi rồi còn đâu là bến đổ

thân cánh diều phiêu bạt gió oan khiên.

Bến nước đó tiễn người qua Chợ Vãng.

Mẹ Tam Bình nghiêng nón đón đò trưa.

Cha đứng đợi như tiền duyên đã định

rước tình về tiếp nối chuyện ngàn xưa.

Anh lớn vội bên bờ Nam xoáy lở

ngó mê man bãi Bắc đất bồi mau.

Em có nhớ những trưa nồng tiếng thở

bạn đôi bờ hò hát rủ rê nhau ?

Thương biết mấy con sông thời tuổi dại

dắt tay người qua từng chuyến đò ngang.

Trễ chi chuyến đò xuôi mà lỡ hẹn

để người xa, xa mút tận quan san.

……..

Ôi tội nghiệp con sông dài nối biển

giấu đưa người qua bãi cạn ghềnh sâu.

Người ra đi để sầu như khói quyện

nhớ thương nhau chỉ thấy bạc mái đầu!

Cao Vị Khanh

***

Vĩnh Long – còn đó nỗi niềm

Có bữa mơ về ngang Mỹ Thuận

ngay mùa gió chướng nước tuôn tuôn.

Bên kia sông Cái, con đường lớn.

Ngó mút hàng cây… chợt thấy buồn.

Vĩnh Long còn đó, ở cuối đường,

cách mấy cầu ngang, mấy dặm sương.

Như thể dang tay là giáp mặt

sao lòng thiên lý vẫn tha hương.

Vĩnh Long sao thiếu một nụ cười.

Dường như thưa thớt một làn môi

nghe như xa vắng, như hờn tủi

như đã chờ nhau lỡ một thời.

Sao nghe như vẫn tiếng thở dài.

Ngờ trong sương khói có mây bay,

có người trắng tóc mù đôi mắt

khóc suốt mười năm cuộc đổi thay.

Em có còn qua những lối trăng!

Ðường về Tân Ngải miệt Trường An,

nhà ai bông bưởi rơi đầy ngõ

vương vướng chân quen mấy nụ vàng.

Em có về qua lối hẹn xưa?

Ðường Trương-Vĩnh-Ký nắng hay mưa,

thềm rêu mấy dấu giày thương nhớ

chắc cũng mòn theo ngọn gió lùa.

Em có về theo chuyến xe chiều

ngang cầu Thiềng Đức lạnh mùi rêu?

Xe đi có nhớ lòng gỗ mục

khi nắng mùa mưa đổ quạnh hiu.

……..

Vĩnh Long, này chút nghĩa cũ càng

không về đâu tại thiếu đò ngang.

Ba sinh cũng muốn dài hương lửa

nhưng giữa lòng ta… những mộ hoang!

Cao Vị Khanh 

***

Có hôm chợt nhớ Sài Gòn

Có hôm chợt nhớ Sài Gòn

nhớ hàng me dọc con đường lá bay

nhớ môi ngon nhớ quán đầy

nhớ bàn ghế thấp nhớ tay ngón mềm

Nhớ Sài Gòn còi giới nghiêm

tiếng rao khuya vọng nỗi niềm của đêm

nhớ bên gối mỏng hương tìm

nhớ bờ tóc xõa nằm nghiêng dáng trần

Nhớ Sài Gòn sau chiến tranh

cuộc phân ly nối những đành đoạn xưa

chia nhau điếu thuốc chiều mưa

nhớ người ở lại lòng chưa lắng lòng

Nhớ Sài Gòn nắng mong manh

qua con phố nhỏ tìm quanh dáng người

như mây trôi giữa dòng đời

nhớ mùa mưa cũ còn rơi mắt buồn

Nhớ Sài Gòn bóng người thương

đành như con nước mười phương cúi đầu

nhớ Sài Gòn cuộc bể dâu

ngàn năm treo sợi tóc màu hư không…

Nguyễn Vĩnh Long

***

Thời xám tro

Tôi chui vào giấc ngủ em
Và nghe mùi bắp nướng
Ồ không phải
Chỉ là mặt trời quá nhiệt
Hâm hấp đồi nương
Tôi nghe mùi cánh áo

Giọt mồ hôi trộm

Tôi đừng ngoài mưa nên không biết nhà dột
Lỗ thủng nào đưa anh và em lại gần nhau
Đêm cấu kết những lát nằm mát dịu
Có khi nóng hừng
Như lò ấp người sản phụ
Em còn trinh nguyên

Cả mắt môi và tóc. Nụ cười trong giấc ngủ
Tôi biết khóe trời đương nghiêng sao
Ướt rượt
Có thể khi em thức giấc mi cong hơn
Vì gã lãng du níu trộm dây đàn
Na em vào cung la trưởng
Hát mị mùa thu vai lưng
Có một chút hương
Cả một trời hương
Trong màu kín của giác độ nguy nàn
Ta yêu nhau khốn khó

Hoàng Xuân Sơn
Ngày song ngũ hai mươi bốn

***

Hằng số 

Em hãy cho ta một bội số

Khi đời lơ lửng giữa tháp chuông

Sáng chiểu rền vang màu thất thổ

Đứng nơi đâu cũng dạt vô thường

Sâu bọ thất thanh mùa trúng bệnh

Người khật khùng trên một luống khoai

Đánh vật với câu thơ nhảy toán

Nhín thở sao đâu cứ mệt nhoài

Cứ thích cứ làm điều mình muốn

Mặc ai chê nhơn tánh khật khùng

Thổ thổ hai chân còn ra đất

Hạt bụi nằm lười giữa không trung

Thì bay trong mơ du trong mộng

Ôm một câu thơ đã dậy mùi

Xác áo nùi lâu nghe thân thiết

Rịn của ta tràn ngập phía ngươi

Phía mặt trời nắng nôi như đã

Luồn hang hóc.  sáng rỡ, thiệt là

Điều giản dị này gương soi với

Cuộc trầm trồ mặc khải xương da

Em sẽ thấy cơ man tình đẹp

Mùi thơm của hoa trái sau vườn

Và cổng gọi mời vào minh ký

Khúc điều trần của nhiệm yêu thương

Cụng ý mình nghiệm nhau thuần tính

Ta vẫn ngộ không linh tánh đời

Giữa cực nhọc ngồi nghe thơ nói

Câu chữ này mãi mãi đôi mươi

Hoàng Xuân Sơn 

đầu tháng tám, 2024