Tiểu thuyết của Nguyễn Viện: Những con mèo lang chạ giữa lưng chừng ngọn gió (Chương 16–20)

16.

Tôi gặp lại Đồng Xanh như một phao cứu sinh giữa biển. Nàng biết tôi không ổn nhưng không hỏi gì. Đồng Xanh chăm sóc tôi hơn như bản chất của một phụ nữ với một đứa bé đáng thương. Lòng đầy biết ơn, tôi cũng cảm thấy mình gần gũi Đồng Xanh hơn. Nàng đưa tôi trở lại gặp ông thày và chúng tôi cùng đi vào rừng. 

Ông thày dẫn đường. Tận heo hút, một ngôi nhà gỗ khang trang lẫn trong cây cỏ. Ở đó, một cặp vợ chồng già tận hưởng thiên nhiên hoang dã. Họ vui mừng khi thấy chúng tôi. 

Người chồng nói với ông thày, mấy hôm nay mưa quá, chúng tôi gần như cạn hết thực phẩm. Tuy nhiên, gà thì vẫn đầy chuồng. 

Ông thày cười ha ha, chúng tôi cũng chỉ cần có thế thôi. 

Ông thày mang vào một bao khoai, nói mưa thì đã có khoai cho ông bà nướng đây. 

Mỗi lần đến thăm họ, ông thày đều mang theo một bao đầy, củ quả và rượu. Sau khi uống một tuần trà nóng, Đồng Xanh vào bếp phụ bà vợ làm gà. Phụ nữ cũng có những chuyện riêng của họ.

Một nồi cháo gà thơm phức. Bản chất cao ngạo và cô độc không làm cho Đồng Xanh quên chăm sóc mọi người. Nàng cũng giục tôi ăn. Giữa những câu chuyện về mùa màng thời tiết, ăn uống là một lạc thú, nhất là giữa những người làm ra thức ăn này, trực tiếp từ bàn tay của họ, việc ăn không chỉ là thụ hưởng thành quả lao động, mà nó hòa quyện cuộc sống, ý nghĩa và hạnh phúc một cách tự nhiên nhất. Cũng chưa bao giờ tôi thấy việc tiết chế, ăn chay hay coi thường chuyện ăn uống lại đần độn đến thế. Thưởng thức món ăn bao giờ cũng là một nghệ thuật, nó cũng không khác gì nghệ thuật uống rượu, cà phê hay trà đạo. Sự tinh tế hay triết lý từ nghệ thuật pha chế, nấu nướng đến khuôn phép thưởng thức chẳng phải đã là công phu góp nhặt từ bao đời đó sao. Tu là đạo, ăn cũng là đạo. Sự tao nhã cũng như phong cách tận hưởng ăn uống là một nghệ thuật sống, đẳng cấp của văn minh. 

Tôi nhớ đến Đồng Cỏ. Nhìn Đồng Cỏ ăn, tôi thấy sự sung sướng thỏa mãn của một người biết giá trị của lạc thú trần gian. 

Bên cạnh tôi, lại là một Đồng Xanh khoan thai nhỏ nhẹ. Cho dù rất trái ngược, nhưng tôi lúc nào cũng thấy Đồng Xanh và Đồng Cỏ là một. Tôi yêu Đồng Xanh cũng như Đồng Cỏ. Họ là một phụ nữ của tôi, cho dù Đồng Xanh chưa bao giờ yêu tôi, Đồng Cỏ đã bỏ tôi. Ăn và yêu là trần gian thiết tha của tôi. 

Ăn xong, tôi và Đồng Xanh ra ngoài đi dạo. Lòng tôi hân hoan, tôi như rừng cây lao xao gió, Đồng Xanh như mặt đất bao dung. Tôi như có cả bốn mùa xuân hạ thu đông đang ôm lấy. Đồng Xanh như tất cả thời gian độ lượng. Chưa bao giờ tôi thấy mình an bình và hạnh phúc đến thế. Sự giản dị và nguyên sơ trong nhận thức tôi về hiện tại mới trong lành làm sao. Tôi không còn băn khoăn mình có được yêu hay không. Cũng không bận tâm mình sẽ phải làm gì. Tôi đang bước đi như một kẻ sống sót sau một suy tàn tận diệt của những điều đã cũ. Tôi nghe tiếng thác đổ và tôi biết cuộc sống vẫn huy hoàng và mạnh mẽ, như tôi, như Đồng Xanh, như ông thày và ông bà lão kia. 

Tôi nhìn qua Đồng Xanh và Đồng Xanh cũng nhìn tôi. Mỉm cười với nhau, tôi biết một cách nào đó, chúng tôi đang hòa vào nhau như sự thấu hiểu. Sự kiêu hãnh lạnh lùng vốn dĩ trong nỗi cô đơn tuyệt đỉnh của Đồng Xanh đã trở nên khoan hòa và nhân hậu. 

Tôi nói với Đồng Xanh, em như một người mẹ của những đứa trẻ mồ côi. 

Không. Đồng Xanh bảo, em chỉ là một đứa trẻ con háo thắng nhưng không biết giữ gìn chiến thắng, cũng như chiến lợi phẩm. Em sẽ mất anh, ngay sau khi em thuộc về anh. Em không muốn mất anh, anh hiểu không? 

Tôi gật đầu. Anh sẽ coi như em chưa nói gì. 

17.

Trở lại Mỹ, em như được sống lại thuở mười tám, hai mươi. Party, drinking và hút cỏ. Gặp lại mấy đứa bạn cũ ở Hongkong, cũng như em, cảm giác về sự bế tắc thật sự không chịu nổi. Tụi nó bỏ chạy. Em cũng không muốn trở về nữa. Đồng Cỏ nhắn cho tôi sau một tuần im lặng. Nàng không bị covid. 

Tôi yên tâm. 

Đồng Cỏ nói, có thể em sẽ phải tìm một thằng nó nào đó ngủ cho đỡ buồn. Sự trống trải dày vò em. 

Cũng tốt thôi, tôi bảo. 

Tuy nói thế nhưng tôi vẫn buồn, dù chúng tôi không còn thuộc về nhau. Tôi biết cũng không dễ để Đồng Cỏ tìm kiếm một tình yêu mới, nhưng để giải trí thì không quá khó, nhất là với một phụ nữ không xấu. Quả thật, chẳng bao lâu sau đó, Đồng Cỏ khoe, em mới gặp một thằng Pakistan khá hay. Chỉ có thế. Tôi không muốn suy đoán thêm về sự gặp gỡ ấy của Đồng Cỏ. Tôi chúc mừng và cố gắng quên Đồng Cỏ. 

Trời vẫn xanh thẳm và mùi của đồng cỏ vẫn mênh mang. 

Đồng Cỏ nói, em mong anh sẽ tìm được một người mới, đàng hoàng hơn em. 

Tôi tự hỏi, thế nào là đàng hoàng? Đó có phải là điều cốt yếu không? Chẳng phải tôi đã yêu Đồng Cỏ vì một dáng vẻ phóng túng, bạt mạng ngay khi mới gặp sau một buổi xem phim của người bạn? Hôm đó, có phải Đồng Cỏ đã tự gởi gấm mình trong vòng tay ôm của tôi lúc chia tay? Không see you again, nhưng định mệnh đã xô đẩy chúng tôi vào nhau, như một tất yếu, để đắm say và để đau khổ. 

Đồng Cỏ nhắn, Alexis giống anh, một cách kỳ lạ. Anh ổn không?

Anh ổn, tôi trả lời, anh cũng mới gặp một người, đại thể rất khác em, nhưng anh có cảm nhận, cô ấy chỉ là một phiên bản khác của em, như mặt trái với mặt phải của cùng một con người. Nói một cách khác, cô ấy mới là bản gốc, em là một phóng ảnh. Có thể anh nói điều này sẽ làm em buồn và cô ấy đau. Nhưng với anh, em và cô ấy là một, không sau không trước. Đồng cỏ hay đồng xanh cũng chỉ là một cánh đồng. Trên cánh đồng ấy, anh là mù sương buổi sáng. 

Chúc mừng anh, Đồng Cỏ nói, cô ấy là gì với em không quan trọng. Mong anh vui.

Tôi nói, cũng không có gì vui. Cô ấy không yêu anh. Tuy nhiên, anh vẫn coi cô ấy là một người yêu. Tìm được một người để ngưỡng vọng cũng đủ hạnh phúc. 

Nhưng với em, Đồng Cỏ nói, dường như chỉ có xác thịt? 

Tôi nói, em là hiện thực. Cô ấy là giấc mơ. Trần gian mộng ảo là em và cô ấy đồng hiện trong đời anh như một giấc mơ tìm thấy. Và anh cảm thấy mình trọn vẹn. 

Đồng Cỏ nói, anh là một người ích kỷ điển hình mang tính đực. 

Tôi bảo, ai cũng ích kỷ theo cách của mình. Nếu không ích kỷ, làm sao chúng ta có thể tồn tại như một cá thể? 

Người ta vẫn có thể có những chọn lựa khác, Đồng Cỏ nói. Khi em yêu một người khác, ngoài anh, chỉ có nghĩa em vẫn cô đơn. Và em biết rằng, đàn ông không phải là cái để lấp đầy cô đơn. Nhưng em biết phải làm sao? Đừng tìm cách trả thù em. 

Anh vẫn yêu em, tôi nói, anh không trả thù em. Yêu một người khác, cũng chỉ có nghĩa anh tự yêu mình. Em nói anh ích kỷ, anh đồng ý. Một người khác là một người khác, không chính/phụ. Người khác ấy, họ cũng chỉ sống đời họ. Biết đâu, anh cũng chỉ là trò chơi của họ. 

Ừ, Đồng Cỏ nói, chúng ta là trò chơi của nhau. 

18.

Tôi về Sài Gòn, lòng nặng trĩu.

Cảm giác về sự thất bại làm tôi ê chề. Đồng Xanh và Đồng Cỏ không bao giờ thuộc về tôi. Cà phê với Văn, tôi cũng không cảm thấy thoải mái. Tuy nhiên, tôi vẫn có nhu cầu chia sẻ, tôi không thể đơn độc, mặc dù tôi luôn đơn độc. Tôi đến chơi với Mi. Mi nấu cơm chay, chúng tôi ăn giữa những câu thần chú về niềm tin của sức mạnh mật tông. Mi cũng chia sẻ với tôi về sự an lạc từ các thày Tây Tạng, sư phụ của cô. Nhưng tôi chỉ thấy vẻ đẹp hùng tráng của trí tuệ và thể chất nơi các thày mà tôi từng gặp. Và nó là một vọng động khác. Tôi thích sự chăm sóc của Mi, điều đó mang an lạc đến cho tôi còn hơn bất cứ một kinh tụng nào. Tôi thân với Mi từ rất lâu đến nỗi tôi không còn nhớ tình thân ấy đã bắt đầu như thế nào. 

Mi nói, tự do là một điều kiện. Nhưng nếu cụ biết buông bỏ, thì tự do ấy mới trở thành vô điều kiện.

Tự do là tự tâm, tôi nói. Kiến tánh thành Phật, đó là tự do. Nhưng dù kiến tánh, anh vẫn bi lụy. Giữa biết và thành là chấp. Anh vẫn luôn là kẻ tìm kiếm. Và chấp vào sự tìm kiếm như một ý nghĩa, dù biết đích đến cũng chỉ là vô nghĩa. 

Còn yêu được thì cứ yêu, Mi bảo, nhưng tình yêu của cụ giống như một thứ sát sinh. Cũng oan nghiệt đấy.

Thật ra, tôi đính chính, anh chỉ tự hủy. Chết đi và sống lại, anh không biết đã đi đến tận cùng của sự sống và cái chết chưa, nhưng dù sao, tận hiến vẫn là một cách sống mà anh chọn lựa.

Mi bảo, chúng ta như những kẻ đi tìm bóng. 

Tôi nhún vai, lắc đầu. Đành thế. Liệu chúng ta có thể uống một ly cà phê, nhìn đời đi qua và không nghĩ gì cả được không. 

Mi pha cho tôi một ly kỳ tử và tặng tôi một viên thuốc nhỏ của các thày Tây Tạng ban. Mi bảo thần lực của chư Phật nằm trong đó. Tôi nghĩ, đây là một liệu pháp tinh thần hơn là công dụng thực tế. Tuy nhiên, tôi vẫn uống với lòng biết ơn. Bản thân tôi kính ngưỡng Milarepa như một con người ngoại hạng, từ cuộc đời đến thi ca. Vì thế, tôi cũng kính ngưỡng mật tông như một con đường ngắn nhất đi đến tuyệt đối. 

Tháng sáu Saigon đã mưa nhiều, nhưng vẫn còn những ngày nắng nóng như điên dại. Mi nói vô phòng Mi ngủ một giấc chờ trời mát rồi hẵng về. Mi làm việc. Tôi để nguyên quần áo nằm xuống giường. Mùi đàn bà phảng phất. Tuy buồn ngủ, nhưng tôi không ngủ được. Nghĩ ngợi lan man. Một phụ nữ sắc sảo khôn ngoan như Mi không yêu đương bừa phứa. Tôi chỉ ngạc nhiên sao cô có thể chịu đựng được sự cô đơn một cách bình thản đến vậy. Việc ăn chay trường của cô là từ tâm với các sinh linh hay chỉ là cách trấn an với những xao xuyến trong lòng? Không bao giờ hỏi Mi về con đường tu tập của cô vì tôi xem đó một thầm kín riêng. 

Tôi như kẻ đã xa lìa thế giới rồi đột nhiên trở về, xa lạ với cuộc sống và không ngớt ngạc nhiên về phụ nữ. Quả thật, tôi chưa bao giờ hiểu được phụ nữ, tôi không có bất cứ một trải nghiệm nào với họ. Phụ nữ bí ẩn và những suy đoán của tôi về họ thường sai. Tôi vụng về và nhiều khi ngây ngô. Đồng Xanh hay Đồng Cỏ có thể đã rất thất vọng về tôi, cho dù tôi đã chân thành trong mọi sự. Tôi không có gì để áy náy hay hối tiếc. 

Buổi chiều, Mi và tôi thả bộ dọc theo bờ sông. Mi nói, cụ thả lỏng đi. Đừng đăm đăm như thế, khó coi. Tôi bật cười. Khó chịu quạu quọ, đấy là tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy những cô gái đang tập thể dục quanh đây đều đẹp, khỏe mạnh. Dường như họ cũng đang chiến đấu cho một điều gì đó. 

Tôi như kẻ đứng ngoài thế giới. Xâm nhập vào cuộc đời, tôi chỉ có mỗi cách chọn một cô gái nào đó dẫn đường. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn là kẻ lạc đường. 

Đồng Cỏ bảo tội nghiệp anh.

Đồng Xanh nói anh có đi đâu mà bị lạc.  

Mi bảo cụ gặp toàn ma nữ. 

19.

Đồng Xanh bất ngờ nhắn cho tôi, em đang trên xe vào Sài Gòn. 

Tôi ồ lên, vui quá. 

Đồng Xanh nói, cho đến khi đã ngồi trên xe, em mới chắc chắn là mình đi đâu. 

Tôi đùa, ngẫu hứng muốn kiếm một đứa con à? Nói xong tôi biết mình lỡ lời, vô duyên.

Em không thích có con. Giả dụ em muốn có con thì anh cũng không phải bố của con em. 

Em đi công việc hay đi chơi? 

Em đi không vì điều gì cả. Tự dưng em thấy cần phải đi đâu đó thôi. Và cũng không chắc em sẽ gặp anh. 

Tôi nghĩ, phụ nữ rắc rối. Giấc mơ làm mẹ có phải là khao khát lớn nhất của phụ nữ không? Tôi không biết. Nhưng tôi tin mọi thứ lý tưởng như làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, hay ý nghĩa hơn cũng không đi xa hơn mối quan hệ căn bản nam nữ và con cái, xét trên bình diện tổng quát. 

Thành phố chật chội. Và Đồng Xanh cũng không muốn cho tôi biết nàng ở đâu. Tôi hẹn Đồng Xanh ở một quán cà phê đường Hàn Thuyên, ở đây có view đẹp. Đồng Xanh cũng không nói có đến hay không. Tuy nhiên, nàng đã đến đúng giờ. 

Tôi muốn ôm nàng. Nhưng sợ sẽ bị từ chối, tôi chỉ đứng lên kéo ghế cho nàng. Tôi nói, em đẹp. Thật ra, tôi đã nhìn thấy đôi mắt phấn khích và một ý chí bất chấp của nàng. 

Đồng Xanh cười nhẹ, anh khỏe?

Anh đủ khỏe để yêu em.

Tán gái cũng cần có sức, Đồng Xanh nói. 

Tôi gật đầu, nhất là với một người như em.

Một khởi đầu vui vẻ. Công viên thơ mộng hơn với những phụ nữ mặc áo dài làm dáng chụp hình. Cà phê cũng ngon hơn, tôi nhấm nháp niềm vui như thể Đồng Xanh đã thuộc về mình. Mặc dù, tôi biết Đồng Xanh luôn giữ một khoảng cách để  quan sát và phòng thủ. Tuy nhiên, tôi đã đang phơi bày mình như lộn trái cả bản thân. 

Anh tưởng sẽ không còn cơ hội gặp em nữa, tôi nói. 

Sao anh lại tưởng vậy? Đồng Xanh hỏi. 

Ngay sau khi chia tay em ở Đà Lạt, anh nghĩ câu chuyện của chúng ta đã chấm dứt. Bởi vì, em không cho anh một niềm hy vọng nào. Cho dù em vào Sài Gòn về bất cứ lý do gì, anh cũng bất ngờ và vui.

Đồng Xanh nói, em vào đây chắc chắn không phải để tìm anh. Nhưng nếu không có anh thì chưa chắc em đã đi. Thật đấy.

Cám ơn em. Hình như vẫn có điều gì đó mà chúng ta không vượt qua được, tôi nói.

Có phải vì mất Đồng Cỏ mà anh tìm đến em không? Bất chợt Đồng Xanh hỏi.

Không, anh không tầm thường đến thế. Sự hấp dẫn nội tại của em lôi cuốn anh mà không cần phải có bất cứ lý do nào. Và anh biết anh không cưỡng được sự lôi cuốn ấy, nếu em muốn. 

Em không quan tâm Đồng Cỏ là người thế nào, nhưng em muốn biết anh có quên được Đồng Cỏ không? 

Anh không quên. Nhưng đấy là một thế giới khác. Em là một thế giới khác. 

Đồng Xanh cười, cứ như là thế giới song song ấy nhỉ. Em không phải là phiên bản của một ai khác, hay một thế giới khác. Chúng ta chỉ có một thực tại. 

Tôi cũng cười, em là thực tại duy nhất.

Nhưng dưới mắt anh, em không phải là em như đúng là em, mà em chỉ là thứ anh tô vẽ cho ước mơ của anh. 

Em đã không cho anh cơ hội để yêu em như đúng là em, vì thế, anh đã yêu em như một giấc mơ. 

Anh không biết em nghĩ gì, khao khát điều gì. Liệu thế có phải là yêu không? 

Quả thật, tôi vẫn như người đứng ngoài cuộc đời Đồng Xanh. Tôi có thể làm gì hơn? Tôi không biết gì hết. Cánh cửa đã đóng lại. Tiếng đập cửa của tôi vô vọng. 

Tôi hỏi Đồng Xanh muốn ăn gì, Tây Tàu Nhật Bản Hàn Quốc hay Ấn Độ. Đồng Xanh bảo em đang ăn kiêng. Tôi đưa Đồng Xanh đến một nhà hàng chay. Chúng tôi không nói gì hơn ngoài những câu chuyện vu vơ về sở thích ăn uống và một vài cuốn sách đang được công chúng yêu thích. Tôi nhận ra sở thích ăn uống của Đồng Xanh rất khác tôi, nhưng lại giống nhau trong việc đánh giá về một số tác phẩm và tác giả. Thậm chí, tôi thấy Đồng Xanh sắc sảo và uy lực trong những nhận định của mình. Nàng yêu chữ nghĩa và khắt khe với văn chương.  

Câu chuyện giữa chúng tôi trở nên thoải mái hơn. Và tôi biết, cho dù Đồng Xanh không yêu tôi như tôi mong ước, nhưng chúng tôi cũng sẽ không thể xa nhau. 

Mỗi ngày tôi đều đến đón Đồng Xanh đi ăn tối. Tôi không thích tranh luận khi ngồi với phụ nữ nên tôi đã không rủ Văn. Bởi Văn vẫn thích tranh cãi như thể không tranh cãi thì không tồn tại. Tôi không coi chuyện thắng/thua, hay đúng/sai là quan trọng. Sự dấn thân thật sự và nỗi cô đơn của mỗi con người không phải là cái để bàn luận. Sống và hành động là chọn lựa cách thế ở đời của mình, tôi không có nhu cầu giãi bày hay chia sẻ. Tôi sống cho tôi và không vì một điều gì khác. 

Cũng như Đồng Cỏ, có thể Đồng Xanh thấy tôi là người ích kỷ hay chỉ biết nghĩ về mình. Và Văn không đồng ý với tôi nhiều điều. Cũng không hề chi. Tôi vẫn lao về phía trước như một mũi tên không đắn đo. 

Hôm sau, tôi chọn một nhà hàng Pháp ẩn khuất trong hẻm giữa khu trung tâm để nhớ lại lần gặp đầu tiên với Đồng Xanh ở Đà Lạt, cũng là một nhà hàng Pháp cầu kỳ và tinh tế, thêu dệt một chút lãng mạn.

Đồng Xanh hỏi, anh đang nghĩ gì?  

Tôi nói, anh đang âm mưu làm thế nào để hôn được em và uống lấy mùi miệng em. 

Anh cứ mơ những gì anh muốn. 

Quán vắng. Tôi nhìn ngắm Đồng Xanh và tôi muốn nói những lời điên dại, mê cuồng từ sâu kín lòng tôi khao khát, nhưng tôi kìm chế. Đây là lúc không cần phải hoa mỹ. Đây là lúc của ngôn từ chân thật. Của cảm xúc giản dị nhưng lớn lao từ bản năng và trái tim. Của mê vọng tận hiến và tự hủy. Tôi yêu Đồng Xanh như sự sống và nỗi chết của tôi. 

Giấc mơ của tôi tự bôi xóa. Và giấc mơ của tôi cũng tự vun trồng những mầm xanh mới. Tôi sống giữa tuyệt vọng và hy vọng, giữa hư ảo và hiện thực. 

Gặp nhau mỗi ngày, nhưng tôi vẫn như ở ngoài Đồng Xanh. Khoảng cách của sự thấu hiểu dường như tôi vẫn không vượt qua được. Tôi không thật sự biết Đồng Xanh mong mỏi điều gì và nàng muốn tôi làm gì. Tôi chỉ biết yêu nàng theo cách của tôi, ngưỡng vọng và bộc trực nỗi niềm như tôi là thế.

20.

Giữa lúc tưởng như Đồng Cỏ đã quên, tôi nhận được một tin nhắn vỏn vẹn chỉ có hai từ của nàng, “em buồn”. Tôi nhắn lại hỏi thăm, nhưng Đồng Cỏ không trả lời. Tôi cũng không liên lạc với Tấn để xem mối quan hệ của họ còn không. Tôi không coi Tấn là bạn nữa. 

(còn nữa)

Nguyễn Viện (Trích CÕI NGƯỜI Ở LẠI, NXB Nhân Ảnh 2024)

*Tiểu thuyết của Nguyễn Viện: Những con mèo lang chạ giữa lưng chừng ngọn gió (Chương 1–5)

* Tiểu thuyết của Nguyễn Viện: Những con mèo lang chạ giữa lưng chừng ngọn gió (Chương 6–10)

*Tiểu thuyết của Nguyễn Viện: Những con mèo lang chạ giữa lưng chừng ngọn gió (Chương 11–15)