Tiểu thuyết của Nguyễn Viện: Những con mèo lang chạ giữa lưng chừng ngọn gió (Chương 21–28)

21.

Đồng Xanh hỏi, có thứ gì kích thích đủ để bứng chúng ta khỏi mặt đất này?

Chỉ có một thứ duy nhất có thể bứng chúng ta khỏi mặt đất này là tình yêu, tôi nói. Và tình yêu cũng là lý do tối hậu để chúng ta bám vào mặt đất này. Anh sẽ không biết phải sống thế nào, nếu không có em.

Tôi không nói để tán tỉnh Đồng Xanh. Tôi muốn ôm Đồng Xanh vào lòng, nhưng tôi như con chuồn chuồn vỗ cánh giữa lưng chừng ngọn gió, dự báo thời tiết những ngày ảm đạm. Có phải nỗi cô đơn của Đồng Xanh đã loại bỏ tôi bên ngoài những khát khao của nàng? 

Em không mường tượng được, Đồng Xanh nói, có ngày em lại ngồi cạnh một người như anh.

“Ngồi cạnh” là một nan đề triết học. “Một người như anh” lại là một vấn nạn xã hội. Tôi hỏi, “một người như anh” là sao? 

Đồng Xanh bảo, anh là một thế giới khác mà em không thuộc về. Em chưa bao giờ nghĩ tới việc em sẽ bước vào thế giới ấy, huống chi lại ở bên anh, theo một cách nào đó. 

Tôi cười, anh hiểu. Nhưng chính em là người đã đến và mở cửa bước vào thế giới ấy. 

Đến giờ, em cũng không hiểu tại sao lúc ấy em lại làm thế, Đồng Xanh nói.

Anh cảm nhận được từ sâu thẳm mối quan hệ này như một sự sắp đặt bí ẩn của số phận, mà chúng ta ngộ nạn. 

Nhìn thẳng vào tôi, Đồng Xanh hỏi, sao không phải hạnh ngộ mà lại là ngộ nạn?

Điều này thật sự anh cũng không hiểu, anh nói như một dự cảm thôi. 

Kệ, Đồng Xanh nói.

Ừ, kệ. 

22.

Đồng Cỏ nhắn tin hỏi, cô gái của anh thế nào rồi?

Tôi trả lời, cô ấy vẫn không yêu anh. 

Em tưởng anh là người bất khả chiến bại.

Không. Với em, chẳng phải anh cũng đã là người thất bại sao? 

Anh tìm người khác đi. Đừng mất công tán tỉnh. Ở đây em cũng chơi banh xác. Em bỏ thằng Pakistan rồi. Bữa giờ, bụp toàn bọn da trắng. Chút nữa em sẽ gặp một thằng đen. 

Cẩn thận, coi chừng vỡ tử cung đấy.

Ừ, em cũng hơi ớn. 

Tuy nói chuyện như không có gì, nhưng tôi không tránh khỏi buồn chán. Đồng Cỏ đang hủy hoại mình. Nàng không đủ tự tại để vượt qua sự khắc nghiệt của cô đơn, mặc dù Đồng Cỏ vẫn yêu nỗi cô đơn của mình và khinh miệt sự tầm thường của con người. 

23.

Tôi hỏi Đồng Xanh, em có ý định gặp Văn không?

Em nghĩ là không cần thiết, Đồng Xanh nói.

Tuy nhiên, ngày cuối cùng ở Sài Gòn, Đồng Xanh đã gặp Văn và họ có một tối uống rượu với nhau. Tôi không hỏi Văn hay Đồng Xanh có vui không. Tôi cũng không quan tâm việc Văn có thích Đồng Xanh hay không. 

24. 

Đồng Cỏ hoang đàng và bất chấp. Đồng Xanh lạnh lùng và bất cần. Tôi rủ Văn đi Bangkok chơi, nhưng Văn không đi. Lấy lý do bận, dường như Văn e ngại hay lấn cấn gì đó trong mối quan hệ chung giữa hai chúng tôi và Đồng Xanh. Một mình, tôi vác nỗi chán chường đi Bangkok. 

Khu đèn đỏ trên đường Sukhumvit tấp nập gái đứng đường. Nhưng tôi không giải quyết nỗi buồn của mình bằng gái. Tôi lang thang trong các con hẻm tìm kiếm sự khác biệt với Sài Gòn. 

Mi nhắn tin cho tôi, cụ hãy đến bất cứ một ngôi chùa nào, càng vắng càng tốt. Ngồi xuống và để lòng thinh lặng. 

Tôi bảo, lòng anh đã là một ngôi chùa rồi.

Nhưng chùa thì phải có Phật, Mi nói, mà cụ không cần Phật đúng không? Vì thế, lòng cụ không thể là chùa. Nếu cụ có là chùa thì hãy phá nó đi. Cụ đang chấp vào chính cụ đấy. 

Anh không chấp vào anh nữa thì anh phải chấp vào em thôi.

Mi cười ha ha. Em không cứu rỗi được cụ đâu. Thà là cụ cứ đi chơi đĩ đi. 

Chỉ có một gái đĩ là Madalena cứu rỗi được anh thôi, tôi nói, nhưng cô ấy đã thuộc về Chúa rồi.

Mi nhắn, cụ cứ ở đó đi. Em sẽ qua. 

Hai ngày sau, Mi và một cô bạn nhỏ tìm tôi trong khách sạn. Tôi như sống lại sau một cơn bạo bệnh. 

Mi bảo, em sẽ là quan âm cứu khổ cứu nạn cho cụ. 

Anh cần một Madalena, tôi nói, không cần quan âm thị Mi. 

Mi dùng một ngón tay gõ vào trán tôi nói, cứng đầu.

Dẫn tôi đi chùa thiền định, Mi bắt tôi ngồi cạnh để cô truyền năng lượng vũ trụ cho tôi. Tất nhiên tôi không thể thiền, mặc dù tôi vẫn ngoan ngoãn ngồi bên cô. Lòng tôi vọng động đến ba ngàn thế giới. Thế giới nào tôi cũng chỉ nhìn thấy đồng xanh trên đồng cỏ và con chuồn chuồn đơn độc giữa lưng chừng ngọn gió. 

Ngày nào cơm cũng chay. Tình cũng chay như cơm. Tôi hao mòn sinh lực. Tôi nói với Mi, anh chết mất.

Mi bảo, cụ chết được là hồng phúc không chỉ cho cụ mà còn cho bá tánh. Hãy giải nghiệp bằng việc không sát sinh và tĩnh lặng trong chánh niệm.

Điều gì đang xảy ra thế này? Tôi hoang mang. 

Cô bạn đi với Mi chỉ nhìn tôi cười. Thùy trong trắng như hoa sen. Thùy long lanh như mặt nước. Và Thùy nhu mì như muôn thuở màu xanh của lá cây. 

Tôi hỏi Thùy, chánh niệm với em là gì? 

Rất dịu dàng Thùy nói, em chỉ yêu một người thôi. Và người ấy đã mang linh hồn em đi sang bên kia thế giới. Em không còn chánh niệm hay tà niệm. 

Hơi bị bất ngờ, tôi hỏi, thế em sống bằng gì? 

Em sống không bởi cơm bánh của trần gian, Thùy cười, cũng không bởi bánh hằng sống của Chúa. Em sống bằng khí trời. 

Con bé này rỡn mặt tôi. 

Thùy hỏi, anh sống bằng gì? 

Anh sống bằng máu và thịt của chính anh, tôi trả lời. 

Thùy le lưỡi, ghê quá. Nhưng uống máu có pha rượu không? 

Tôi cười, đàn bà là rượu.  

Thùy chắp tay, Mô Phật. 

Tôi cũng chắp tay và xá Thùy một xá, Mô Phật. 

Tôi phạm tội sát sinh với phụ nữ, vô độ và oan khiên với chính mình. 

Chúng tôi cũng có những thời khắc thư thái và khoan hòa với bá tánh. Ở trong một khu phố đậm đặc màu sắc Ả Rập, chúng tôi đi dạo như những kẻ nhàn tản và tôi nghĩ đến nền văn minh mang tính đực của nhân loại trong thế giới Ả Rập này như một ví dụ cho sự lầm than của con người về văn hóa. Phần thưởng cho đàn ông hay đọa đày với đàn bà cũng chỉ là một cách tuyên xưng sự lầm lạc của chân lý. 

Dẫu thế nào, ăn uống vẫn là một lạc thú trần gian cho mọi dân tộc. Mi cho phép chúng tôi được ăn món Ả Rập cũng vì tò mò. Lạ và ngon. Không bõ công phá giới sát sinh. 

Tôi nói với hai cô bạn, lập ra giới luật là việc của các nhà tu hành. Phá giới là việc của chúng sinh. Chúng ta cứ làm những gì cần làm. 

Mi lườm tôi, Thùy cũng liếc xéo tôi. 

Tôi hỏi, ngon không?

Hai cô cùng gật đầu. Chân lý thì phổ quát. Buổi tối, chúng tôi đi dọc theo những con phố đầy gái đứng đường. Cái nghèo cũng phổ quát và bán thân là một trong những thứ phổ quát nhất của nhân loại. Bất tận và vô lượng, hình thái và nội dung. 

Tôi nhớ đến Văn như một người đàn ông từ hành tinh khác. Nơi mà sự nghèo khó và đĩ điếm không tồn tại. 

Tôi nhớ đến Đồng Xanh như một cô gái vô nhiễm với dục tính trong một thế giới tinh thần mang tên Platon. 

Tôi nhớ đến Đồng Cỏ như phụ nữ của một hiện tại duy nhất, không quá khứ không tương lai. 

Tôi nhớ đến Mi và Thùy bên cạnh tôi nhưng không cùng một cảnh giới tâm thức và sự giác ngộ tâm linh về bản chất cuộc sống. 

Sự khác biệt của tôi trong thế giới này, thật ra chỉ là chỗ đứng. 

Rồi Mi và Thùy bỏ lại tôi giữa khu đèn đỏ, họ đi hành hương lên phía bắc nước Thái. 

25.

Một hôm Tấn đến tìm tôi báo tin, Đồng Cỏ mất tích. Tôi hỏi, sao biết? Tấn nói những người bạn Hongkong của Đồng Cỏ cho biết và cảnh sát đang truy tìm tông tích cô ấy. 

Tôi không muốn suy đoán Đồng Cỏ tự sát hay bị giết, bị bắt cóc. Tôi tự huyễn hoặc rằng Đồng Cỏ muốn ẩn giấu mình ở đâu đó như cách để xóa bỏ. Không tăm tích. 

Tôi nhớ đến câu nói của Đồng Cỏ với mẹ nàng, “nếu con chết thì cứ bó chiếu vất vào bãi rác.”

26.

Đồng cỏ đã là hư vô, nhưng tôi còn hấp hối. 

Đồng Xanh nhắn tin cho tôi, anh có sao không?

Tôi hỏi, tại sao em lại hỏi vậy?

Em cũng không biết, Đồng Xanh nói, tự dưng em cảm thấy bất an về anh. 

Anh không sao cả, tôi nói vu vơ, có một đồng cỏ không bao giờ xanh nữa. 

Em biết rồi, Đồng Xanh bảo, em chia buồn với anh. 

Tôi chảy nước mắt. Lặng lẽ. Tôi không muốn gì nữa. 

Cũng không bao lâu nữa, Đồng Xanh nói, đồng xanh sẽ chỉ còn là cái xanh thẳm của bầu trời.

Không, tôi nói, em không được chết. 

Đồng xanh hay đồng cỏ cũng chỉ là một, anh không thấy sao. Đồng Xanh nói. 

Bồn chồn lo lắng, ngay đêm đó tôi mua vé xe giường nằm đi Đà Lạt.

27.

Vào khách sạn vệ sinh tắm rửa rồi tôi lao thẳng đến chỗ ở của Đồng Xanh. Nàng cũng chuẩn bị xong, chúng tôi đi cà phê ăn sáng. 

Khuôn mặt Đồng Xanh vốn lạnh, giờ đây trở nên bình thản khác thường. Trực giác của tôi thường đúng, và tôi nghĩ đã có điều gì trong Đồng Xanh chín rục. 

Anh đến kịp lúc đó, nàng nói, em đã thấy cái xanh thẳm của bầu trời đẹp như thế nào. 

Ừ, bầu trời xanh thẳm bao giờ cũng đẹp một cách xao xuyến, tôi nói, và nó làm cho chúng ta có thể sống trong niềm hy vọng và hân hoan.  

Không, chính vì cái đẹp đó em sẽ sống khác. Em đã không yêu anh, em xin lỗi. Cũng như em đã không thể yêu ai, ngay cả khi có người úp mặt vào giữa hai đùi em, thì em cũng chỉ thấy một cái đẹp khác, một nỗi xao xuyến khác của hư vô. Thế giới này, hình như không thuộc về em. 

Tôi cầm tay Đồng Xanh đưa lên miệng hôn, chúng ta chỉ có một thực tại duy nhất, trong thực tại ấy, em là tình yêu của anh. 

Em không biết yêu, Đồng Xanh bảo. 

Đồng Cỏ cũng đã nói như thế với tôi trước khi biến mất. Tôi còn biết nói gì. Cuộc sống của tôi đang dần bị xóa trắng. Đồng Xanh đang từ giã tôi. Giấc mơ của tôi vỡ tan. 

Trên đường về, cả hai chúng tôi nắm tay nhau. Và tôi biết điều ấy chỉ có nghĩa là cách nàng muốn chúc lành cho tôi. 

Rồi, Đồng Xanh khuất sau khung cửa. 

Tôi đứng lặng rất lâu. Và tôi chờ đợi. 

Khi vừa quay đi, tôi nghe một tiếng rơi rất nặng phía sau lưng. 

28.

Tôi báo tin cho Văn biết Đồng Xanh đã chết. Ngày hôm sau Văn cũng có mặt ở Đà Lạt. 

Chúng tôi cùng đến bệnh viện để tiễn đưa Đồng Xanh về quê. Khi ôm và an ủi bà mẹ, tôi nghĩ là mình sẽ phải săn sóc bà ấy. 

Tôi nói, tôi sẽ thăm chị sau.

Cám ơn anh, bà mẹ bảo, tôi có lỗi với con.

Không, tôi bảo, cô ấy đã biết tự chọn cách sống và chết của mình như một người dũng cảm.

Dầu gì thì Đồng Xanh cũng không còn nữa, sự bất hòa của chúng tôi sẽ chấm dứt. Tôi chỉ mong con tha thứ cho mình. 

Tôi nói, cái chết hòa giải chúng ta chị ạ. 

Buổi tối, tôi và Văn đi uống rượu ở chỗ chúng tôi đã cùng ngồi với Đồng Xanh trước đây. 

Tôi nói với Văn, bầu trời xanh thẳm có phải là một nỗi chết mà con người hướng tới?

Văn nói, cái chết là một bầu trời mà màu xanh của nó là niềm hy vọng.

Hết. 

Nguyễn Viện (Trích CÕI NGƯỜI Ở LẠI, NXB Nhân Ảnh 2024)

*Tiểu thuyết của Nguyễn Viện: Những con mèo lang chạ giữa lưng chừng ngọn gió (Chương 1–5)

* Tiểu thuyết của Nguyễn Viện: Những con mèo lang chạ giữa lưng chừng ngọn gió (Chương 6–10)

*Tiểu thuyết của Nguyễn Viện: Những con mèo lang chạ giữa lưng chừng ngọn gió (Chương 11–15)

*Tiểu thuyết của Nguyễn Viện: Những con mèo lang chạ giữa lưng chừng ngọn gió (Chương 16–20)