Tiểu thuyết của Nguyễn Viện: Những khoảng tối có ma (Kỳ 3)

Nhà văn Nguyễn Viện, họa sĩ Bảo Huân vẽ theo ảnh chụp của Phùng Thương

TÔI KHÔNG VÀNG, KHÔNG ĐỎ.

Và tôi thấy mình là một thằng Bờm, đứa con hoang của nhân dân, mạnh mẽ và mong manh. Tôi cũng thấy mình là đứa con vô thừa nhận của Phú ông, Quan cụ và chị Dậu. Nạn nhân của quyền lực và nghèo khó. 

Trong phòng trưng bày của Lý Hoàng Hoa, có cả hai tranh cổ động tôi minh họa trong câu chuyện trên. Tôi hỏi Hoa, “Em có sưu tập những ký họa thời chiến tranh không?” 

Cô nói, “Dạ có ạ.” 

Tôi bảo, “Đó là những tư liệu quí. Cũng như tất cả những tranh cổ động tuyên truyền khác, nó đánh dấu một thời kỳ đặc biệt không những của lịch sử đất nước mà còn là lịch sử mỹ thuật, tâm thức cộng đồng cũng như mưu đồ chính trị.” 

Cô chỉ cười, “Tiền không đó.” 

Quả thế, xương máu con người đến lúc có thể qui ra tiền. 

Mr. Thời Vụ cầm ly rượu đến chỗ tôi và Lý Hoàng Hoa, hỏi “Hai người quen nhau trước à?” 

Cô nhanh nhảu đáp, “Anh hai của em đó.” 

Thời Vụ cụng ly với tôi, giả lả “Càng có lý do để tôi quý ông.” 

Hắn quay qua nhìn Lý Hoàng Hoa, cười bằng mắt, nói tiếp với tôi “Sẽ tạ ơn ông bữa khác. Hôm nay là ngày của Lý Hoàng Hoa.” 

Tôi biết thêm một điều về Thời Vụ, hắn đỡ đầu cho Lý Hoàng Hoa. Và tôi cũng biết chắc chắn rằng, hắn còn là người đỡ đít cho cô. Tôi ở giữa hai trạng thái, vừa muốn chúc mừng cô, vừa e ngại cho cô. Tôi thật sự không biết thế nào là tốt cho cô. 

Ra về, tôi không tránh khỏi hoang mang, buồn buồn. Cô vẫn là kẻ bị thất lạc.

Một buổi sáng, tôi đọc được tin trên tờ báo có lượng phát hành lớn nhất nước, tít nhỏ: “Một phát hiện chấn động của các nhà khảo cổ Việt Nam”, tít lớn: “Đã tìm thấy bia mộ Vua Hùng”, không phải tại khu vực núi Nghĩa Lĩnh, mà trong rừng của vườn quốc gia Xuân Sơn. Theo hướng dẫn của một cụ ông người Mường, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một tảng đá có hình chóp, nằm sâu trong hang núi đá vôi, mặt trước khắc chữ “Hùng Vương chi mộ”, mặt sau khắc họa tiết con chim Lạc. 

Tôi cười thầm. 

Khi gặp Thời Vụ, tôi hỏi “Dự án của ông có được tăng ngân sách không?” 

Hắn cười khoái trá. Gật đầu. Tôi không thể biết đó là bao nhiêu tỉ. Nhưng tôi biết hắn đang muốn mua nhà cho Lý Hoàng Hoa khoảng 20 tỉ. 

Mr. Thời Vụ nói, theo cách của một cuộc họp báo, “Chúng tôi hy vọng sẽ tìm thấy đầy đủ hài cốt của 18 vị Vua Hùng trong thời gian tới.”

Một ủy ban trực thuộc Hội đồng Lý luận Trung ương được gấp rút thành lập với mục đích xây dựng luận cương về chủng tộc người Việt như một dân tộc bản địa và thuần chủng. Dự kiến công trình biên soạn này có chi phí lớn gấp ba lần ngân sách tìm kiếm hài cốt các Vua Hùng. Đây sẽ là nền tảng cho một ý hệ dân tộc, nhằm thay thế cho chủ nghĩa Mác – Lê đã không còn phù hợp trong tình hình mới. 

Thời Vụ hỏi tôi, “Ông có muốn tham gia một chân không?” 

Tôi cười lắc đầu. Tôi không phải là kẻ lừa đảo. 

Thời Vụ bảo “Ông không cần phải làm gì. Nếu ông đồng ý, tôi sẽ ghi tên ông. Và ông sẽ nhận được một số tiền không nhỏ. Bạn bè chỉ có thể giúp nhau thế thôi.”

Tôi gạt đi, “Tôi không thể nhận tiền mà không làm gì.” 

Bữa đó, tôi không đi nhậu, chỉ uống cà phê rồi về. 

Tôi biết thêm một chút nữa về Mr. Thời Vụ. Với tư cách tổng biên tập một tờ báo, hắn đã rất thành công trong việc làm trung gian kết nối giữa chính quyền với các công ty bất động sản. Những dự án đô thị hóa trên cơ sở đất nông nghiệp đã biến đổi bộ mặt đất nước từng ngày. Hào nhoáng và hỗn loạn. Phía sau sự giàu có bất thường của một số người là một tầng lớp dân oan bị cướp đất, cùng cực bởi sự bất nhân. Và một đất nước bị chiếm đoạt, chia chác. 

Cùng với quyền lực trong bóng tối, Mr. Thời Vụ cũng giàu lên ở mức độ khó tưởng tượng đối với một nhà báo của tờ báo phải sống bằng tiền trợ cấp của nhà nước và một nhà văn mà sách chỉ trông chờ vào lòng hảo tâm của các đại gia. 

Tôi không còn hứng thú để đi chơi với Thời Vụ nữa, mặc dù hắn vẫn rất tốt với tôi. 

Tôi nói với cô, “Anh muốn dành tất cả thời gian có được cho em.” 

Tuy nhiên, thời gian của tôi cũng như cô, chỉ có nghĩa là “tranh thủ”. Và không gian của nó chỉ là cái giường. Chúng tôi tận hưởng nhau mỗi khi có thể.

Cô lao vào những dự phóng cho bản thân. Những dự án nghệ thuật có tính đường phố và cộng đồng hơn. Cũng như cuộc sống của cô, nghệ thuật không phải là câu chuyện được kể lại, mà chính là những thực thể, đang là. Vì thế, nó đầy ngẫu hứng cũng như rủi ro. Cô nói, “Em không biết những gì em làm có là một thứ hậu hiện sinh như anh mong muốn không. Nhưng chắc chắn rằng, em muốn lý giải mình như một tình huống dấn thân của khát vọng phiêu lưu đến một thế giới chưa biết. Nó có thể trở nên vớ vẩn hay vô nghĩa, nhưng nó khẳng định một điều, chúng ta có thể làm thay đổi thế giới.” 

Đồng ý với cô, tôi không muốn lịch sử của mình được nhào nặn bởi một kẻ khác. 

Những ngày đầu tháng 5, trời nắng như thiêu đốt. Cuộc triển lãm của cô diễn ra trong một vuông sân nhỏ phủ đầy cát, một vài cây xương rồng khô được cắm dưới đất. Một cơn khát sa mạc. Những lon bia hết nước lăn lóc. Một vài mặt nạ biến dạng như di chỉ của một nền văn hóa. Giữa âm thanh của gió hú là những tiếng thở dồn dập, ú ớ trong một vụ hiếp dâm. Dưới sức ép 39 độ C của cơn nắng giữa ngọ, khán giả được mời thể nghiệm với đôi chân trần bước qua vuông sân cát nóng. Mỗi người có một cơn khát khác. Những dấu chân đè lên nhau.

Khuôn mặt cô căng thẳng, vật vã. Tiếng rên vừa như sướng khoái vừa như đớn đau. Tôi chợt thấu cảm cái nghịch thường, mâu thuẫn trong chủ đề của cô. Chợt nghi ngờ sự hiểu biết của mình. Lặng lẽ nhìn ngắm cô, tôi cũng chợt nhận ra những dấu chân đang đè lên nhau trong vuông sân cát nóng kia mới chính là trọng tâm biểu đạt của cô, cái đang hình thành. Tôi muốn ôm cô để giữ lại cái khoảnh khắc đang tan biến này. Nhưng liệu tôi có thể giữ lại được gì, thân xác cô, linh hồn cô, cơn khát của cô? Tôi không thể nào không nghĩ đến những khái niệm, rất cũ, về thời tính và hữu thể, như thể tôi chỉ là một người dưng, một kẻ đứng bên lề. Một cảm giác thời tính hóa dẫn đến hư vô trĩu nặng lòng tôi. Và điều cuối cùng tôi có thể làm được là nắm chặt bàn tay cô. Giữa hố thẳm. Như hố thẳm. Một hố thẳm.

Cô ứa nước mắt. Tôi không biết phải làm sao. Bóp chặt bàn tay cô rịn nước, tôi nói “Những dấu chân sẽ mờ dần, anh nghĩ cuộc trưng bày này coi như đã kết thúc ở đây, và có thể em đang có ý tưởng cho một show khác, anh mong rằng không bao giờ chúng ta nguôi niềm hy vọng.” 

Cô ngậm ngùi nói, “Vâng, em phải từ bỏ nó để bắt đầu với một cái khác, ngay bây giờ.”

Tôi dẫn cô đi uống rượu. Chỉ để nhìn cô. 

Mr. Thời Vụ gọi cho tôi, hỏi “Ông đang ở đâu?” 

Tôi nói ở quán rượu. Thời Vụ bảo “Ông cứ ngồi đó chờ nhé, tôi đến ngay.”

Cũng lâu, tôi không gặp Thời Vụ. Sau này, Thời Vụ có một số thay đổi rất đáng ngạc nhiên. Hắn có những bài viết tố cáo tham nhũng với những cứ liệu như của một cơ quan điều tra. Hắn cũng có những bài viết phản biện với một số chính sách của nhà nước, như một kẻ có lương tri.  

Hắn chào cô, hỏi “Cô này là thế nào?” 

Tôi bảo “Lượm được ngoài đường.” 

Cô bật cười thích thú. 

Hắn biết là không nên thắc mắc. Khui chai Hibiki 21 năm mang theo, hắn bảo “Để cô thử.” 

Cô nói “Đa tạ”.  

Thời Vụ hỏi “Chúng ta có thể nói mọi chuyện chứ?” 

Tôi bảo “Không có vấn đề gì.” 

Thời Vụ hắng giọng một cách khác thường, “Thật ra, cũng chẳng có gì bí mật, chỉ là một số anh em muốn thành lập hội những người sáng tạo tự do, gồm cả nhà báo và các anh em văn nghệ sĩ. Tôi muốn mời ông tham gia.” 

Tôi hỏi “Cụ thể là cái gì?” 

Thời Vụ giải thích ngắn gọn, “Như ông biết, những người viết ở Việt Nam hoàn toàn thiếu tự do biểu đạt chính kiến cũng như phổ biến tác phẩm. Vì thế, đây sẽ là một tổ chức thuần túy nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện cho anh em hoạt động một cách tốt nhất.” 

Tôi hỏi, “Gió đã đổi chiều à?” 

Thời Vụ nói, “Gió chưa đổi chiều, nhưng mình cần làm cho nó đổi chiều.” 

Tôi hỏi tiếp, “Ông không sợ tù?” 

Thời Vụ cười, “Nếu cứ sợ tù mãi thì chúng ta sẽ không làm được cái gì ra hồn.”

Tôi bảo, “Vậy thì tốt.” 

Thời Vụ nói, “Tôi ghi tên ông vào ban vận động thành lập nhé?” 

Tôi nhìn thẳng mắt Thời Vụ, lắc đầu. Tôi không tin Thời Vụ đã phản tỉnh. Tôi nói, “Tôi không phải là người của hội hè.” 

Thời Vụ cố thuyết phục, “Nền kinh tế của chúng ta đã được xã hội hóa, một số loại hình văn hóa cũng đã được xã hội hóa, giáo dục cũng đã được xã hội hóa và chứng tỏ sự thành công của nó là cần thiết. Vì thế, tôi nghĩ, đến lúc chính trị cũng cần được xã hội hóa.” 

Tôi nói, “Không có tôi trong cái chúng ta ở đây.” 

Thời Vụ lườm tôi, “Ông cẩn thận đấy.” 

Tôi cười. Tôi biết Thời Vụ rất khốn nạn, nhưng với tôi, hắn luôn tỏ ra tử tế. Có thể, tôi là chỗ để hắn cảm thấy mình còn là người. Tôi vừa thương vừa ghét hắn. 

Trong suốt buổi gặp mặt, cô không nói tiếng nào, chỉ uống. Cô thích rượu. 

Tổ chức xã hội dân sự “Hội Sáng tạo tự do” ra đời. Hắn trở thành nhà đấu tranh dân chủ. Đình đám. Một số người tham gia bị an ninh mời làm việc. Một số người vội vã tuyên bố rút lui. Tuy nhiên, Mr. Thời Vụ vẫn là Phó Chủ tịch Hội thường trực một cách kiên cường. 

Dẫu sao, nhìn ở bất cứ góc độ nào, sự ra đời của các tổ chức xã hội dân sự cũng là một tín hiệu đáng khích lệ. Không phải trường hợp “cò mồi” nào cũng xấu. Tôi nói với Thời Vụ, “Chúc mừng ông.” 

Hắn bảo, “Chúng ta cần một lộ trình dân chủ lành mạnh.” 

Tôi nói, “Nhưng đừng để ai bị tù oan.” 

Thời Vụ bảo, “Đôi khi, tù oan cũng là một cần thiết.” 

Những án tù dành cho những người đấu tranh dân chủ càng ngày càng nặng. Tôi không hiểu hết những gì Thời Vụ làm, cũng không biết hắn thuộc phe cánh nào. Hắn kết bạn với tất cả mọi đối tượng “phản động”, kể cả những nhân vật chưa có thành tích gì đáng kể, không phân biệt già trẻ. Có thể hiểu đó là cách tập hợp lực lượng của nhà đấu tranh, cũng có thể hiểu đó là cách thu gom của an ninh. 

Thời Vụ trở thành người biết tuốt. Đa năng và đa nhiệm.

Tuy không làm gì, nhưng tôi cũng không phải là người thờ ơ với thời cuộc, vì thế tôi vẫn được hắn quan tâm mời nhậu. Và tôi cũng ít khi từ chối, bởi tôi cũng là kẻ tò mò thế sự. 

Người biết tuốt Thời Vụ hỏi tôi, “Ông có nghĩ Việt Nam sẽ có thay đổi không? Và thay đổi như thế nào?” 

Tôi cười cười, “Việt Nam còn những nhân vật như ông thì sẽ không bao giờ có thay đổi.” 

Hắn cũng cười, “Nhưng tôi đang thay đổi đó thôi.” 

Tôi nói “Và ông tin chế độ cũng sẽ thay đổi à?” 

Hắn khẳng định chắc nịch, “Không còn cách nào khác. Tôi tin là sẽ có một kịch bản hòa bình.” 

Tôi nhìn hắn, “Tôi cũng mong được như vậy.” 

Tuy nói thế, tôi không tin sẽ có bất cứ một thay đổi nào, ngoại trừ bạo loạn. 

Trước khi có thể có bạo loạn xã hội hay chính trị, tình trạng bạo loạn ngôn ngữ đã xảy ra, quy mô và sự tục tĩu có chiều hướng phát triển không giới hạn, trên mọi bàn nhậu và không gian mạng. Văng tục là một thứ văn hóa mới, nó giải phóng mọi ức chế, cần thiết nhưng cũng không phải dễ thực hành, khi cái văn hóa truyền thống đã nghiễm nhiên trở thành một thứ đạo đức giả. 

Tôi nói với cô, “Trong trường hợp của anh, văng tục là một cuộc cách mạng bản thân.” 

Trên mạng xã hội, văng tục có hai khuynh hướng rõ rệt, một là biểu hiện của sự phản tỉnh và ức chế trước những thối nát, bất công và sai lầm của chế độ. Ở phía bên kia, văng tục là cách bảo vệ chế độ bất chấp đúng sai. 

Cô nhìn tôi cười, “Em cũng thích nghe anh văng tục.”

Tôi bảo “Ừ, nó còn sướng hơn cả sự cưỡng hiếp.” 

Cô tiếp, “Tuy nhiên, em thích cách anh dâm đãng. Rất thần thánh.” 

Mr. Thời Vụ khoe, “Tôi vừa thành lập một nhóm nghiên cứu về lịch sử tranh cổ động tại Việt Nam. À, chắc ông chưa biết bộ sưu tập tranh cổ động triển lãm tại gallery của Lý Hoàng Hoa là của tôi?” 

Tôi lắc đầu không biết. 

Hắn nói tiếp, “Vụ này trúng lớn ông ạ. Một bảo tàng ở Mỹ muốn mua lại bộ sưu tập đó. Nhưng tôi chưa bán. Tôi muốn có hẳn một công trình nghiên cứu về nó trước khi định giá.” 

Tôi cười, “Và ông định sưu tập thêm bao nhiêu cô nữa?” 

Hắn cũng cười, “Lòng tham thì vô đáy, nhưng sức người có hạn.” Hắn tiếp, “Nếu ông muốn, tôi tặng ông một chân dài giải trí.” 

Tôi bảo, “Kham không nổi.” 

Hắn nhẹ nhàng, tỉnh rụi “Mọi chi phí đính kèm tôi lo.” 

Tôi bảo “Cám ơn sự hào phóng của đại nhân. Nhưng thôi, mệt.” 

Tôi không muốn vất vả hay bận tâm điều gì. Nhưng thật bất ngờ, khi tôi biết cô đã nhận lời tham gia nhóm nghiên cứu về tranh cổ động của Thời Vụ. Cô nói, “Không kể chuyện công cán rất hậu hĩ, em thích vì đề tài quá hay.” 

Tôi cũng phải công nhận Thời Vụ giỏi. Hắn ranh ma đến từng chi tiết. 

Cô có nhiều cơ hội đi lại giữa Sài Gòn và Hà Nội hơn. Mặc dù thời gian xa nhau không nhiều, nhưng vắng cô, tôi biết tôi cần cô đến dường nào. Chúng tôi bù đắp cho nhau nhiều hơn những khi gần gũi. 

Cô cho tôi xem bức tranh này:

Cô nói, “Đây là một trong những bức tranh em rất thích, nó là một câu chuyện hấp dẫn. Một quá khứ không xa, nhưng rất lạ.”

Tôi cũng muốn nói, nó là sản phẩm tuyên truyền mang bản chất chuyên chế. Nhưng tôi chỉ nói “Với xã hội đương đại, nó cũng không có gì khác. Tuy nó mang một vẻ đẹp cổ điển.”

Cô nói, “Bản chất của tuyên truyền là chuyên chế. Vì thế, chúng ta chỉ có thể nhìn nó như một thứ di sản văn hóa, không chỉ là của một chế độ, mà chính là của xã hội loài người.” 

Tôi cảm thấy ngột ngạt. Như những con chó trong cũi, tiếng sủa của nó không có tác dụng gì, ngoài việc khẳng định sự tồn tại của kiếp chó. Tôi nói với cô, “Có lẽ chỉ có tình yêu mới cứu vớt được con người.”

Cô cười, “Vì điều đó mà anh yêu em chăng?”

Tôi cũng cười, “Khi yêu em, anh không tìm kiếm lý do.”

Với cô, quả thật, thay vì một cảm giác bị ràng buộc, tôi thấy mình được giải phóng. Thanh thản. Khi yêu cô, tôi không e ngại điều gì. Tôi làm tất cả mọi điều tôi thích. Và cô cũng thích như thế.

Do bị đàn áp, phong trào xã hội dân sự không phát triển được, nhưng cũng không bị xóa sổ. Tuy nhiên, giới trí thức vẫn kiên trì với giải pháp khai dân trí, vừa an toàn vừa có khả năng mở rộng thông tin. Họ liên tiếp đưa ra các kiến nghị, tuyên cáo về tình hình đất nước, thực thi công lý, hay nguyện vọng chung của nhân dân. Và kêu gọi dân chúng tham gia. Mặc dù đã trở thành một tên tuổi trong phong trào đấu tranh dân chủ, nhưng Mr. Thời Vụ không bao giờ ký tên vào bất cứ kiến nghị, tuyên cáo nào với tư cách cá nhân. Lý giải với mọi người, hắn cho rằng tổ chức của hắn đứng ký tên là đủ. 

Mr. Thời Vụ không muốn trở thành người đối đầu trực tiếp với chính quyền trên danh nghĩa. Hắn cần cân bằng quyền lợi của mình trong hệ thống cai trị với sự danh giá đứng bên lề trái của những người đấu tranh. Tôi cũng nghĩ, ở thế hàng hai đó, hắn nói được nhiều hơn, nhất là với những người còn chưa “tự diễn biến”, bởi cơ hội xuất hiện trước công chúng của hắn còn được chế độ cho phép. 

Thời Vụ nói với tôi, “Có một điều chắc chắn, ông chỉ biết về tôi trên bề mặt. Nhưng ông có tin rằng, tôi biết về ông tất cả, từ hành động đến tâm tư?” 

Điều này không có gì để bàn cãi. Vì tôi là một hồ sơ. Hắn nói tiếp, “Tôi quý ông, vì ông chân thành. Những người như ông đang tuyệt chủng. Đấy là chuyện riêng, còn chuyện chung thì… thôi.”

Tôi hiểu chuyện chung, tôi là một con bài có cũng được, không có cũng không sao. Tôi cười, “Đôi khi con tốt cũng giá trị, phải không?”

Hắn nói, “Tôi coi ông là bạn.” Ngữ điệu có chút cảm động.

Có lẽ, đó cũng là lý do tôi vẫn giữ mối quan hệ với Thời Vụ. 

Một dòng nước ngọt tứa ra từ triền cát, tạo thành con suối nhỏ, uốn lượn quanh khoảng đất rộng. Vườn rau xum xuê và những trảng hoa tươi mát, nhiệm màu phủ tràn tới mép đìa. Trong đìa, sen xanh cũng khoe sức sống bằng những búp hồng đang nhú. Đấy là trang trại của Lý Hoàng Hoa ở Phan Thiết do Thời Vụ mua cho cô, khi nó còn là một đồi hoang. 

Tôi hỏi Lý Hoàng Hoa, “Làm sao em có thể trồng cây tươi tốt được trên cát?” 

Thời Vụ xen ngang, “Tôi cũng không tưởng tượng được.”

Lý Hoàng Hoa tươi cười, “Khi đại nhân này (chỉ Thời Vụ) dẫn em lên đây xem đất, mặc dù nó chỉ là một đồi cát khô cằn, nhưng em thích ngay. Em có cảm giác, đây sẽ là chỗ của em. Một cách nào đó, không phải chỉ là chỗ dừng chân, mà là chỗ quay về, như thể đây là quê hương em.”

Khu vực trang trại cách Mũi Né không xa và dự kiến sẽ có một con đường đi ngang dẫn từ Mũi Né tới sân bay. Tất nhiên bí mật này chỉ có thể là Thời Vụ mới biết. Hắn mua cho Lý Hoàng Hoa 20 mẫu với giá đất hoang. Rẻ mạt. Lý Hoàng Hoa cho cải tạo trước hai mẫu để làm khu du lịch dã ngoại, khi cô phát hiện ra có nước rỉ ra từ triền cát. 

Cô cho đào một con suối. Nguồn nước từ triền cát đủ để con suối nhỏ có nước chảy. Ngọt mát. Cô dự kiến đây sẽ là khu cho bọn con nít bơi, tắm. 

Trong khu đất cũng có vài cái ao lớn, sen mọc rải rác. Cô biết dưới ao có bùn. Dưới con mắt thẩm mỹ và một ít kiến thức nông nghiệp, cô biết sẽ phải làm gì. Cô cho đào các hố để lấy đất san đường. Rồi vét bùn dưới ao đổ vào các hố đó, cô trồng hoa, rau trái. Dưới ao, cô thả cá và trồng sen. Cô cũng khoanh một vài khu đất nuôi heo mọi, gà vịt. Chỉ trong vòng nửa năm, cô đã làm cho mọi người kinh ngạc. 

Thực phẩm sạch, thiên nhiên thơ mộng. Cô đặt tên cho trang trại của mình là Khu Du lịch dịch vụ dã ngoại Ngàn Hoa. Tôi và Thời Vụ đến để chuẩn bị cho ngày khai trương. 

Giờ đây, cô có thể đãi chúng tôi với đặc sản nhà nuôi trồng.

Lý Hoàng Hoa nói, “Em sẽ làm cho anh một cái cốc bằng gỗ, toàn phần, kể cả mái. Chờ đón anh lên tu cho… thành người.”

Tôi cười, “Anh không tu, mà anh muốn hú thì sao?”

Lý Hoàng Hoa bảo, “Anh muốn hú thì cứ tự nhiên, chim trời có sẵn, em mua thêm cho anh mấy con đười ươi, khỉ đột. Tha hồ hú hí.”

Tôi hoang dã và tầm phào. “Anh thích mấy con giống đười ươi, khỉ đột thôi. Chứ bọn khỉ đột, đười ươi thật hôi lắm.” 

Lý Hoàng Hoa nói, “Anh muốn gì em chiều hết, miễn là anh lên đây sống.”

Tôi bảo “Okie, anh sẽ lên đây để tu, khi cần.”

Lý Hoàng Hoa ra vẻ giận dỗi, “Khi nào anh mới cần? Làm sao anh bỏ được Sài Gòn Chợ Lớn.” 

Tôi ậm ừ…

Lý Hoàng Hoa nói, “Anh không xa cô ấy được, phải không?”

“Đó cũng là một phần. Chỉ ở Sài Gòn Chợ Lớn, anh mới cảm thấy quê nhà. Ngoài ra, ở đâu cũng là lưu đày.”

Tôi không muốn phải yêu xa. 

Ở Phan Thiết, tôi nhớ cô da diết. Theo chương trình, tôi và Thời Vụ sẽ ở ít nhất một tuần để tắm biển cho đã và hỗ trợ khí thế cho Lý Hoàng Hoa dịp khai trương, nhưng mới ba ngày, tôi đòi về. Thời Vụ cho tài xế đưa tôi trở lại Sài Gòn. 

Gặp cô, tôi nằm sấp xuống hôn hai bàn chân cô. Tôi nói, “Em đừng bỏ anh.” 

Cô khóc.

Thời gian không là vĩnh cửu. Thời gian hay thời tính của nó là điều gì đó hết sức mong manh. Và cũng có điều gì đó tôi không vượt qua được trên cái ngưỡng của không và có. Mọi chuyện với tôi trở thành mù mịt. 

Một trong số những người bạn vẫn uống cà phê với tôi phải nhập viện. Anh bị ung thư tụy. Có nghĩa là chờ chết giữa những cơn đau. Chết chùm với vô số người đang chết vì ung thư. Gặp anh trong bệnh viện, thấy anh bình thản đón nhận cái kết thúc của mình, tôi cũng bớt ái ngại. Anh không hỏi, chúng ta “phải làm gì bây giờ?” nữa. Mà anh nói, “Điều gì có thể làm, tôi cũng đã làm. Cho dù có những sai lầm và không thay đổi được, nhưng dẫu sao, tôi không phải hối tiếc.” 

Tôi cho rằng, khi người ta không cảm thấy phải hối tiếc, nghĩa là vẫn không chấp nhận sai lầm. Nhưng tôi không muốn nói gì thêm với anh, vì cảm thấy thừa thãi. Anh từng là một người nổi tiếng trong phong trào sinh viên tranh đấu thời trước 1975. Anh cũng nổi tiếng trong số những người phản tỉnh. Cuộc sống dù tồi tệ hay tươi sáng, nó vẫn đi về phía trước. Tôi nắm tay anh, chỉ mong anh thanh thản. Rồi cũng đến lúc tới phiên tôi phải từ giã cuộc đời, cách này hay cách khác. 

Anh sống thêm được một tháng. Đám tang anh, công an canh chừng dày đặc. Một số vòng hoa phúng điếu bị giật mất tên tổ chức kính viếng, cũng giống như đám tang người bạn đã chết trước. Ở phía bên này, anh là người phản bội. Ở phía bên kia, anh là người thức thời. Nhân dân là một đám đông vô nghĩa. 

Tôi về nằm sõng soài. Cô massage bấm huyệt cho tôi. Bàn tay cô dịu dàng. Tuy không chuyên nghiệp, nhưng cũng đủ để tôi thư giãn. Tôi nói, “Anh cảm thấy nhẹ tênh.”

Cô bảo, “Tốt.”

Tôi hỏi, “Sao em giỏi vậy?”

“Nhờ học võ. Sư phụ dạy.”

“Cũng may, tại hạ chưa làm điều gì thất thố với cô nương.”

Cô cười, “Anh phải đối xử tử tế với em. Không thì coi chừng.”

Tôi cũng cười, “Cùng lắm thì anh nằm xuống cho em… hiếp là xong chứ gì.”

Cô vít đầu tôi vào giữa ngực cô, cú. Như đánh trống.

Tôi cắn vú cô. Thế là, tôi bị hiếp thật. Cả cô và tôi đều thích cảm giác bị hiếp.

Mr. Thời Vụ nói với tôi, “Tình hình hiện nay rất phức tạp. Ông phải cẩn thận. Lỡ có chuyện gì với ông, tôi không cứu được đâu.”

Tôi biết, tất cả những người được gọi là “đồng chí”, họ sợ nhất đụng chạm tới các vấn đề chính trị, hiểu theo một thái độ hay quan điểm độc lập trước những vấn đề của xã hội, đất nước. Khi trở thành “đồng chí” họ cũng trở thành kẻ đồng thuận tuyệt đối với chính quyền, dù muốn hay không. Họ tự phủ nhận cá nhân mình. Hoặc họ là những kẻ hèn hạ chỉ biết bảo vệ quyền lợi của mình, hoặc đánh đĩ với quyền lực để mưu đoạt quyền lợi. 

Tôi nói với Thời Vụ, “Ông không phải lo. Tôi biết ông quí tôi, nhưng tôi tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình.” 

Hình như Thời Vụ cũng có điều gì lo lắng. Tôi nghĩ, đi đêm có ngày gặp ma. Tôi nói, “Ông nên lo cho ông thì hơn. Tôi có vấn đề đếch gì.” 

Mặc dù nói thế, tôi vẫn biết tất cả những ai có chính kiến khác biệt đều có thể chịu rất nhiều rủi ro. Cả trong công việc làm ăn bình thường đến các rắc rối pháp luật. 

Thời Vụ bảo, “Tôi chỉ chết khi những kẻ khác chết trước.” 

Tôi nói, “Cái này thì ông hơi ngây thơ. Ai cũng có thể là tốt thí, khi cần.”

Một số nhân vật tưởng như bất khả xâm phạm bị bắt. Dư luận cho rằng đó chỉ là cuộc thanh trừng phe phái, không có ý nghĩa gì cho việc chống tham nhũng, hay làm trong sạch bộ máy chính quyền. Tuy nhiên, Thời Vụ cũng bắt đầu cảnh giác hơn. Hắn nhờ một công ty chuyên làm dịch vụ định cư ở nước ngoài xúc tiến thủ tục, dọn đường cho việc chạy trốn, sau này.  Dù thế, Thời Vụ vẫn không ngừng phô trương thanh thế trên mặt trận văn hóa. Tôi không biết đấy là nghi binh hay một âm mưu gì khác. 

Cô gọi điện thoại cho tôi, hỏi “Anh biết gì chưa?”

Tôi hỏi lại, “Vụ gì?”

Sáng nay ở Hà Nội, Bộ Văn hóa và Mr. Thời Vụ đã chủ trì cuộc họp báo giới thiệu bộ hài cốt hóa thạch tìm thấy ở Phú Thọ được cho là của Hùng Vương thứ 18, cùng với một vài di vật khác chôn chung trong hang đá vôi, gồm đầu voi chín ngà và chân gà chín cựa, đây là hai trong số những lễ vật xin cưới Mỵ nương Ngọc Hoa của Sơn Tinh.

Việc công bố kết quả khai quật này làm hồi sinh niềm tự hào dân tộc vốn đã tan rữa trong đầm lầy kiệt quệ của nền kinh tế vá víu định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mr. Thời Vụ được vinh danh như một anh hùng dân tộc. 

Các nhà ngoại cảm Phan Bích Tiên và Trần Nhân Tiên cũng được tri ân bằng những bằng khen cấp nhà nước. Nhân dân cũng trả ơn họ bằng cách sẵn sàng chờ cả năm để được hướng dẫn tìm kiếm hài cốt thân nhân. 

Tuy nhiên, không một ai trừ Thời Vụ biết được hài cốt vua Hùng thứ 18 và đầu voi chín ngà, chân gà chín cựa ấy thực sự được tìm thấy ở đâu và như thế nào. Nhưng tôi có thể đoán được, bởi tôi là người được Thời Vụ rủ đi Trung Quốc chơi và áp tải những thùng hàng bí mật về nước. 

Thật ra, tôi cũng chẳng có bằng chứng gì cụ thể về việc các di vật khảo cổ được làm giả tại Trung Quốc. Chỉ một điều duy nhất chắc chắn, Thời Vụ có tiền và hắn có thể làm được tất cả. Chính quyền có thật sự tin công trình của hắn nghiêm túc hay giả vờ tin là một việc khác. Dẫu sao, hắn cũng đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của nhà nước về khả năng cứu vãn sự chính danh của chế độ.  

Dự án xây dựng bản sắc Việt của Thời Vụ được rót thêm kinh phí. 

Bộ hài cốt hóa thạch Hùng Vương thứ 18 được các nhà khoa học trong nước xác nhận đúng niên đại. Các nhà nhân chủng học tuyên bố, bộ hài cốt tìm thấy có nguồn gốc dân tộc bản địa. Xác quyết này đưa đến kết luận người Việt không đến từ Động Đình Hồ, hay gốc gác Mã Lai, Indonesien. Người Việt là dân tộc tự sinh trên vùng đất của mình. 

Lời hịch “Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Tịch nhiên định phận tại thiên thư…” của Lý Thường Kiệt trở thành cơ sở lý luận nền tảng cho luận cương “Việt Nam, dân tộc tự sinh và tự cường” do Ban Lý luận Trung ương soạn thảo. Đúng lúc thành lũy cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc tan rã. Và không còn gì hay hơn, “Việt Nam, dân tộc tự sinh và tự cường” được điền vào khoảng trống lý thuyết trong việc kiến tạo một Việt Nam mới, độc tài phi cộng sản. 

Vua Hùng và Hồ Chí Minh được đưa vào thờ kính trong tất cả đình chùa miếu mạo. 

Để phi tang cho hành vi gian dối của mình, Mr. Thời Vụ đưa một đề xuất mới, cho tán nhỏ hài cốt hóa thạch của Hùng Vương và các linh vật voi chín ngà, gà chín cựa như một thứ xá lợi và cung thỉnh vào các đình chùa, rải đều anh linh đến mọi miền đất nước, nhằm tạo nên một sinh khí mới cho dân tộc, cụ thể và đặc trưng hơn, gọi là “khí lực Hùng Vương” trong các văn bản chính thức. 

Quốc hội thảo luận và tán thành ý kiến kiệt xuất này cùng với việc đưa luận cương “Việt Nam, dân tộc tự sinh và tự cường” vào chương trình giáo khoa cũng như làm chủ thuyết cho đường lối phát triển đất nước. 

Cũng trong thời gian đó, Mr. Thời Vụ tung tin tấm bia mộ Hùng Vương đã bị đánh cắp.

(còn tiếp)

Nguyễn Viện 

* Tiểu thuyết của Nguyễn Viện: Những khoảng tối có ma (Kỳ 1)

*Tiểu thuyết của Nguyễn Viện: Những khoảng tối có ma (Kỳ 2)