Tiểu thuyết của Nguyễn Viện: Ở phía đông âm phủ (Một phiên bản khác). Kỳ 1.

Ở nơi không bao giờ có mưa và thời tiết chỉ là khí sắc của ngọn lửa trên gương mặt thời gian, linh hồn con người trong suốt nhưng ký ức của nó là một ngọn lửa không bao giờ tắt tự thiêu đốt và tồn tại bởi chính sự thiêu đốt ấy. Bởi là một ký ức và trong suốt, sự tồn tại của những linh hồn chồng lấn vào nhau và níu giữ nhau tạo nên hỏa ngục. 

1.

Chân của ông minh gác lên đùi ông diệm. Họ nằm hút thuốc. Ông minh hút thuốc philip morris hân thưởng cuộc chiến thắng chống đế quốc xâm lược. Ông diệm hút bastos xanh sản xuất ở khánh hội, trầm tư về sự thất bại của chính nghĩa quốc gia. 

Khuất sau bức tranh sơn mài “vườn xuân trung nam bắc” của họa sĩ trí, ông huệ ngồi đánh cờ tướng với ông ánh. Họ im lặng như cái chiều sâu của những gia phả đã tàn tạ. Nhưng hồi quang của hoàng bào mà họ đang mặc vẫn ánh lên cái lấp lánh của máu me đang chảy dưới ánh sáng ngọn lửa vĩnh cửu. 

Cả sông gianh và sông bến hải nước đã cạn. Những đứa bé đi nhặt xương người về làm đồ lưu niệm bán cho du khách. Đặc biệt, những mảnh xương khắc hình trái tim rất được các chính trị gia khắp thế giới ưa chuộng. Họ dùng mảnh xương ấy để cầu cơ. Sự linh ứng mà theo họ, chỉ có thể tìm thấy miếng cơ như thế ở việt nam. 

Ông minh mơ màng nói:

-Cả maotrạchđông, stalin và mấy đời tổng thống mỹ đều bị tôi lừa. 

Ông diệm bật người dậy, giọng nghi ngờ:

-Không, tôi nghĩ cụ mới bị chúng nó lừa. 

Ông minh cười lớn:

-Cả thế giới đều nghĩ như cụ. Nhưng tôi là con kiến cắn mù mắt con voi. Chiến thắng là một bí mật của số phận. Cụ là con của chúa, cụ không bao giờ hiểu được sự khôn ngoan của satan. Và cụ cũng không bao giờ biết được sức mạnh của thù hận. 

Ông diệm từ tốn:

-Tôi biết sự đè nén của thù hận trong lòng cụ từ khi cụ nhận biết thân thế mình. Tôi cũng biết cụ vay mượn và xiển dương thù hận của người khác để tăng cường sức mạnh bản thân như thế nào. Nhưng tôi không sử dụng thù hận bởi tôi không thù hận. Tôi là ý của chúa. Sự man dã là của thế gian. Tôi là người thua cuộc, nhưng tôi vẫn tin ngày chúa chiến thắng thế gian. 

Ông minh thuận hòa:

-Đức tin có thể cứu rỗi ông, nhưng không cứu rỗi được dân tộc này.

Ông diệm xác tín:

-Chúa ban cho con người tự do và dùng tự do đó để thử thách con người.

Ông minh có lẽ hiểu điều đó hơn ông diệm, nhưng chỉ cười: 

-Chúng ta đều là những kẻ độc tài, vì chúng ta biết tự do có nghĩa gì.

Ông diệm im lặng. Tay ông xoa nhẹ lên những vết sẹo dao đâm. Xin chúa tha thứ cho những kẻ không biết việc chúng làm. Điều gì khiến sự thù hận đến nỗi ông phải bị đâm hơn ba mươi nhát dao? 

Ông minh ân cần:

-Vẫn còn đau à? 

Ông diệm không trả lời. 

Ông minh:

-Ngày cụ chết, tôi buồn. Ít nhiều, cái chết ấy cũng nằm trong kế hoạch của tôi. Một trả thù cho mặc cảm xuất thân yếu kém của tôi với cụ. Người mỹ hay đám tay sai của họ trong câu chuyện này chỉ là một chi tiết tệ hại mà tôi không nghĩ người mỹ có thể làm. Lẽ ra, họ phải tử tế hơn trong sự ra đi của cụ. 

Ông diệm:

– Quả thật, rất khó quên. Một ký ức cay đắng. 

Ông minh:

-Tôi cũng mắc một sai lầm như cụ. 

Ông diệm: 

-Chúng ta đều sai lầm khi tin vào sự trung thành. 

Ông minh đốt điếu thuốc mới. Một nỗi cay đắng khác tràn qua mắt ông như cái ảm đạm hoang vu của chiều tà. Ông minh không bị phản bội, nhưng chính sự trung thành của các đồng chí ông đã treo ông lên thập giá của đấng cứu thế. Ông bị giết trên bàn thờ và sự sống của ông chỉ là một biểu tượng. 

Ông minh:

-Tôi bị sập bẫy bởi chính cái ảo vọng thần thánh của mình. 

Ông diệm: 

-Phải, chúng ta đã đi một nước bài sai. Sự suy tôn hủy diệt chúng ta.

Ông minh:

-Dẫu sao thì cũng nhờ cái chết của cụ mà chúng tôi chiến thắng. 

Ông diệm:

-Cớ sự đều do cụ cả. Người mỹ ngây thơ và cả những kẻ chống đối tôi cũng ngây thơ. 

Ông minh:

-Thì tôi cũng thế thôi. Cụ nhìn xem, đám hậu bối của chúng ta đang làm gì. Chúng ta quá tin vào con người. 

Ông diệm:

-Cụ cũng tin vào con người sao?

Ông minh:

-Đôi khi người ta cũng không tránh được yếu đuối. 

Ông diệm:

-Sa ngã là một thuộc tính của con người. Nhưng đấy cũng là một trạng thái có thể đưa con người đến gần thượng đế nhất. 

Ông minh:

-Thời tôi còn lang thang ở paris, chắc cụ còn nhớ cục gạch mà tôi vẫn ôm hằng đêm, khi ấy cụ đã hỏi tôi, sao không kiếm một cô để ôm lại đi ôm cục gạch? Tôi đã nói với cụ thế nào cụ còn nhớ không?

Ông diệm:

-Sao tôi quên được. Cụ đã diễn ngay từ hồi đó. 

Ông minh cười nhạt:

-Sẽ không ai tin. Nhưng chính đó là cục gạch trong bếp của mẹ tôi. Đi bất cứ đâu, tôi cũng bỏ vào túi xách mang theo. Đấy là quê hương. 

Ông diệm:

-Khi nằm trong âm phủ này, nhiều lúc tôi nghĩ, có thật chúng ta đã sống và chết vì quê hương không? 

Ông minh cười lớn:

-Khổng tử có sống và chết vì quê hương không?

Ông diệm:

-Thế thì sứ mệnh của chúng ta là gì?

Ông minh trầm giọng, chắc nịch:

-Thực hiện sử mệnh của mình. 

Ông diệm:

-Ôi, ý chúa. 

Ngọn lửa bừng lên ở góc ngã tư đường phan đình phùng và lê văn duyệt. Xác nhà sư như ngọn đuốc. Cả thành phố bùng cháy. Rồi cả thành phố xuống đường, họ mang theo ngọn lửa của nhà sư và họ đốt những lá cờ, đốt những khẩu hiệu. Và họ mở ra một thời kỳ mới của một tín ngưỡng vốn trầm lặng trở thành một phong trào. Một thần tượng mới xuất hiện và dẫn dắt chúng sanh đi tìm quyền lực. 

Thần tượng ấy mang linh hồn của ông minh và được người mỹ bảo trợ. Vì thế, ngài ấy đi giữa hai làn đạn của chiến tranh mà không chết. Không chỉ đi tìm quyền lực, ngài ấy dẫn dắt chúng sanh vào sự hỗn loạn của quyền lực. Và quyền lực xâu xé họ giữa phong ba của thời đại. 

Ông diệm bị giết. Ông minh thở phào nhẹ nhõm. Người mỹ rửa tay vô can như tổng trấn philatô xưa kia trong cái chết của chúa. Cục diện thay đổi, người mỹ tuyên chiến với ông minh bằng việc đổ hơn nửa triệu lính vào vùng đất oan nghiệt này và biến cuộc chiến tranh việt nam thành cuộc chiến của chính họ.

Cái chết của ông diệm cũng chôn vùi chính nghĩa của những người theo đuổi lý tưởng tự do. 

Ông diệm hồi tưởng:

-Khi vua bảo đại bổ nhiệm tôi làm thủ tướng, tôi biết tình bạn giữa tôi với cụ coi như chấm dứt. Tình thế buộc chúng ta phải một mất một còn. Nhưng khi người mỹ muốn đưa quân vào việt nam và tìm cách lật đổ tôi, lúc ấy tôi thật sự muốn hòa giải với cụ. Rất tiếc, chúa muốn dân tộc này phải đổ máu. 

Ông minh tỏ ra hối tiếc:

-Thật ra, chính tôi muốn cụ phải chết. Tôi không biết đấy có phải là khôn ngoan hay không. Nhưng tôi không tin người mỹ. Tôi cũng không tin người nga hay người tàu. Vì thế, tôi phải chủ động dẫn dắt chiến tranh. 

Ông diệm nghẹn ngào:

-Có nhất thiết tôi phải chết không?

Ông minh xoay người ôm lấy ông diệm:

-Có, vì cụ quá giỏi. Tôi đã không dám tin một hủ nho như cụ lại có thể làm nên những kỳ tích đáng ngưỡng mộ như vậy chỉ trong một thời gian ngắn – một quốc gia với đầy đủ ý nghĩa của nó từ một vũng lầy, chướng khí và hoang dã. 

Ông diệm thở dài.

Ông minh nói tiếp:

-Cũng giống như lýđônga. Ông ấy là một con người lớn lao. Một người có tư tưởng nhất trong số các đảng phái quốc gia. Một đối thủ đích thực. Vì thế, tôi phải giết ông ấy. 

Ông diệm:

-Chúa đã để cho cain giết abel như một tiền lệ của lịch sử con người. Và con người sẽ mãi mãi giết nhau như một động lực của tồn tại. Làm thế nào thoát được cái oan nghiệt này?

Ông minh bóp vai ông diệm thì thầm:

-Cụ phải giết chúa. Như giuđa. Như philatô. 

Ông diệm trầm lặng cúi xuống nhìn vào bên trong, ngọn lửa vĩnh cửu phừng phừng thiêu đốt ông. Ông cảm thấy ngạt thở. Những nhát dao oán thù tiếp tục đâm vào ông. Oằn người đau đớn, ông thét lên nỗi trầm thống từ vực sâu. Viên đạn kết liễu ông. Chúa đã lên trời. Ông gục xuống. 

Mặt đất mọc lên cỏ gai. Bọn âm binh vũ trang bằng đầu lâu, chúng hò hét cách mạng và lùng sục vào mọi ngõ ngách. Bọn địa chủ bị chôn sống. Kẻ giàu có bị tịch thu tài sản và đuổi ra khỏi nhà. Giới tu sĩ và trí thức bị diễu cợt bởi những trò mê tín. Con người chạy xuống biển. Và biển dìm chết mọi khát vọng.

Tiếng ông minh âm vang như tiếng sóng. 

Ông diệm:

-Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi mọi đàng.

Trong lòng chiếc xe tăng chật hẹp. Bên cạnh ông diệm, xác ông nhu máu vẫn chảy. Phía bên ngoài, một người em khác của ông diệm, hắclongcẩn cũng bị tòa án quân đội đảo chánh xử bắn. Ông cẩn muốn mở mắt nhìn cái chết của mình, nhưng những kẻ giết ông sợ hãi sự dũng cảm ấy, họ bịt mắt ông như thông lệ. 

Trước đó, cha con ông khôi, anh cả của ông diệm cũng đã bị việt minh xử bắn vào mùa thu cách mạng. 

Bốn anh em ông diệm và một người cháu đều bị giết bằng súng.

Ông minh:

-Máu của con người làm vẻ vang cho ý nghĩa sự sống. 

Ông diệm: 

-Không, máu của con người làm cho sự sống bị ô uế. 

Ông minh:

-Máu của con người hiến tế cho sự vĩnh cửu của chân lý. 

Ông diệm:

-Bởi cụ là cộng sản.

Ông minh:

-Thật ra, cộng sản không phải là một bản chất. Tôi là kẻ báo thù của số phận. 

Ông diệm:

-Có phải vì cái lý lịch họ hồ bất minh của cụ không?

Ông minh:

-Trong lòng tôi lúc nào cũng sôi sục một ý chí báo thù. Cho tôi hay cha tôi. Cho dòng họ hồ hay họ nguyễn. Cho dân tộc này hay tham vọng của chính tôi. Tôi cũng không chắc nữa.

Ông diệm:

-Cộng sản đã làm hỏng cụ.

Ông minh:

-Cụ sẽ không bao giờ hiểu được tôi. Có thể chủ nghĩa nhân vị của cụ đã giúp cụ trở nên cao thượng hơn. Nhưng chủ nghĩa cộng sản chưa bao giờ làm tôi tha hóa. Mọi thứ chủ nghĩa đều là phương tiện. Chỉ có con người mới là chính nó. 

Ông diệm:

-Đúng là sau ngần ấy việc cụ đã làm, tôi không hiểu được cái ác đã trở nên trong sạch như thế nào. 

Ông minh:

-Cụ đã đọc bhagavad gita chưa?

Ông diệm:

-Chưa. Nhưng tôi tin vào lòng nhân từ của chúa. Tội lỗi được tha thứ và máu con người có thể trở nên lành thánh để hiến dâng. 

Trận đánh cuối cùng ở xuân lộc. Khoảng 14 ngàn lính cộng hòa đối đầu với cuộc tấn công của 40 ngàn quân cộng sản khiến hơn 4 ngàn người thương vong cho cả hai bên đã kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 20 năm. Nhưng hòa bình vẫn chỉ là một giấc mơ huyễn hoặc. Lòng hận thù được lưu truyền từ đời này sang đời kia. Hơn nửa thế kỷ sau, vết thương chưa hết rỉ máu. 

Ông minh:

-Tôi tiếc là đã không biết bhagavad gita lúc còn sống. Thủ tướng nehru đã không nói gì với tôi về cuốn sách này. Chỉ đến khi nằm trong mộ kính, tôi mới được đọc nó thì đã quá muộn. Chúng ta phải trả giá về cái nghiệp đã làm. 

Ông diệm:

-Cụ có ân hận không?

Ông minh:

-Tại sao tôi phải ân hận? Người lẽ ra phải ân hận là cụ chứ không phải tôi. Bởi vì tôi là người chiến thắng. 

Ông diệm:

-Cụ không thấy mình cũng thất bại sao?

Ông minh:

-Mãi mãi tôi là người chiến thắng, bất kể đất nước này đi về đâu, bất kể nhân dân như thế nào. Bởi vì tôi là kẻ thống trị và là sự thống trị. Đừng lầm lẫn tôi là hồ chí minh của sử sách, mà tôi là minh –  một cái bóng của con người, không dòng dõi. Tôi không có linh hồn. Tôi là biện chứng duy vật. Bọn mang tôi vào đình chùa thờ cúng là bọn ngu xuẩn. 

Ông diệm:

-Chính nhờ sự ngu xuẩn ấy mà cụ tồn tại và chiến thắng. 

Ông minh:

-Đấy là sự trớ trêu nhất của lịch sử. Bọn ngu xuẩn ấy biến tôi thành duy tâm.

Ông diệm:

-Từ người dẫn dắt, chúng ta trở thành kẻ bị dẫn dắt. Nhị nguyên và hai mặt là một thứ song trùng nhị bội bi kịch của ý chí anh hùng. 

Ông minh:

-Anh hùng chỉ là bọn tốt thí. Không phải chúng ta. 

Ông diệm:

-Phải. Bọn cừu thích làm anh hùng. 

Ông minh:

-Không hèn hạ thì không thể làm lãnh tụ anh minh. 

“Chúa là mục tử nhân lành. Người đưa tôi đến đồng cỏ để tôi được no nê. Bên dòng suối mát, người cho tôi được nghỉ ngơi. Người là thành trì bảo vệ tôi khỏi quân thù ám hại.” 

Ông diệm làm dấu thánh giá. Khắp người ông đau đớn. 

2.

Không phải chỉ có ông diệm bị giết, mà có hàng triệu người đã bị giết để chứng minh cho chân lý của kẻ thắng. Bà xuân, cô em dâu của ông diệm đã thoát chết nhờ chuyến đi giải độc dư luận của bà trên đất mỹ. Nhưng bà xuân chỉ có thể giải độc cho thanh danh của gia đình chồng bà bằng sự im lặng cho đến chết. Sự im lặng trở thành một vũ khí tối thượng và bất khả chiến bại của sự khinh bỉ trước những tâm địa độc ác. 

Còn nhớ đêm ở paris, lúc ấy họ còn trẻ. Trong căn gác trọ sơ sài, họ nằm bên nhau trên chiếc nệm rách và cùng mơ một giấc mơ độc lập cho quê hương. Ông minh hồ hởi nói, “Tôi sẽ đi mạc tư khoa.” Ông diệm băn khoăn, “Chủ nghĩa đấu tranh giai cấp của mác-lê có thể phù hợp với những nước nghèo như mình, nhưng tôi sợ rằng lý tưởng duy vật ấy sẽ phá vỡ mọi nền tảng tốt đẹp của dân tộc.” Nhưng ông minh vẫn quả quyết, “Không có giải pháp nào khác có thể giúp chúng ta vừa giải phóng dân tộc vừa mang lại công bằng xã hội như chủ nghĩa cộng sản.” Ông diệm vẫn nghi ngại, “Tôi e rằng cái vỏ bọc quốc tế vô sản cũng chỉ là một hình thái đế quốc, mà một nước nhỏ như việt nam sẽ không thoát được số phận làm tốt thí.” Ông minh tỏ ra tin tưởng, “Những người cộng sản chân chính sẽ mang lại sự khác biệt cho thế giới đã tàn tạ bởi bọn tư bản bóc lột.” Ông diệm điềm tĩnh, “Chúng ta không thay đổi được bản chất xã hội con người cho dù có cái gọi là tiến bộ hay cách mạng.” Ông minh chỉ vào mặt người bạn, “Ông sẽ thấy ai thắng ai.” 

Một đêm trắng để hai người thanh niên vạch ra lằn ranh ý thức hệ sẽ chia cắt con người, chia cắt đất nước. Và họ sẽ không bao giờ quên được cái mùi nách của nhau mà số phận sẽ gắn kết họ mãi mãi. 

Ông minh rời bỏ paris, để lại cục gạch gối đầu cho giai thoại. Cứ như thế, cuộc đời ông được tạo dựng bởi giai thoại. Và giai thoại biến ông thành thần thánh.  

Ông diệm cũng từ bỏ mẫu quốc để hoài thai một đất nước mới. 

Dưới âm phủ. Ông minh tiếp tục khẳng định chiến thắng vinh quang của mình khi viết lên quan tài ông diệm ba chữ “tay sai mỹ”, mà quên rằng, chính ông cũng sẽ chỉ là tốt thí cho bọn quốc tế vô sản như ông diệm đã nói trong cái đêm trắng ở paris. 

Trong quan tài, ông diệm nói nhỏ vừa đủ cho ông minh nghe:

-Thật ra, mỹ không chọn cụ vì họ không tin cụ.

Cả ông diệm và ông minh đều mắc kẹt giữa tham vọng của các nước lớn. 

(còn nữa)

Nguyễn Viện