Tiểu thuyết của Nguyễn Viện: Ở phía đông âm phủ (Một phiên bản khác). Kỳ 2

3.

Ở phía sau bức bình phong vườn xuân trung nam bắc, ông huệ tức tối hất tung bàn cờ, đứng lên. Tiếng gầm gừ thoát ra từ miệng ông như tiếng nghiến răng của sư tử. Lần nào đánh cờ với ông ánh, ông huệ cũng thua. 

Vừa lúc ấy, ông minh bước vào. 

Ông huệ hỏi cộc lốc:

-Thế nào?

Ông minh:

-Chết rồi. 

Ông huệ, người nông dân nổi dậy mắt rực lửa căm thù:

-Bọn khoa bảng ấy cần phải giết, nhiều kiếp. 

Ông minh:

-Tôi sẽ truy đuổi ba đời bọn chúng. 

Ông ánh đột ngột lên tiếng:

-Các ông có nghe thấy tiếng chuông chùa không?

Ông minh:

-Đấy là tiếng chuông nhà thờ chiêu hồn ông diệm.

Ông ánh:

-Không phải, dường như là tiếng chuông của thày quảng đức ở chùa thiên mụ.

Ông huệ:

-Đó chỉ là tiếng chuông gió ở núi thiên nhẫn của la sơn phu tử thôi. 

Không ai dám cãi lời ông huệ. 

Ông ánh trầm giọng:

-Cả thế giới này, giờ đây chỉ còn tiếng chuông thu không buồn bã. 

Ông minh:

-Không, vẫn còn tiếng reo hò ngày vui đại thắng. 

Ông huệ:

-Vẫn còn tiếng quân hành, ngựa hí. 

Ông ánh:

-La sơn phu tử đâu rồi nhỉ?

Ông huệ:

-Vẫn ở núi thiên nhẫn.

Ông ánh:

-Có lẽ chúng ta cần tìm ông ấy. 

Ông huệ:

-Chẳng để làm gì. Cũng không thay đổi được gì. 

Ông diệm tự mở nắp quan tài đứng dậy. Ông ta vuốt quần áo cho thẳng thắn rồi khoan thai bước đến chỗ mấy ông kia đang nói chuyện. 

Ông diệm:

-Tôi sẽ đi tìm la sơn phu tử. Chỉ có ông ấy mới hóa giải được oán thù. 

Đúng lúc ấy la sơn phu tử tất tả từ ngoài bước vào. 

Ông ánh hỏi: 

-Bấy lâu nay cụ ở đâu?

La sơn phu tử quen miệng: 

-Thưa bệ hạ, tôi ở tầng trên. 

Mọi người nhao lên:

-Trên ấy có tự do không?

La sơn phu tử chậm rãi:

-Có lẽ ở đâu có con người, ở đó mất tự do. 

Bất ngờ, im lặng phủ chụp xuống như bóng tối. Không một ai phản biện. 

La sơn phu tử nói tiếp:

-Và chúng ta chỉ có thể hóa giải oán thù bằng cái chết. 

Mỗi người quay mặt về một hướng. Không ai nhìn ai. Địa ngục vẫn là địa ngục. La sơn phu tử quay ra, lặng lẽ như khi ông đến. 

Ông ánh lui vào một góc, ngồi xuống tập trung thiền định. Ông diệm quỳ xuống, ngước mắt lên trời cầu nguyện. Chỉ còn hai ông huệ và minh đi tới đi lui. 

Một thời kỳ mới của đất nước bắt đầu, những người cộng sản và quốc gia tìm cách tiêu diệt lẫn nhau. Ở miền bắc từ 1945 đến 1954, tất cả những người quốc gia đều lần lượt bị cộng sản giết hoặc phải chạy trốn vào nam. Từ phạm vi nhỏ giữa các đảng phái, cuộc chiến đấu để tồn tại và giành quyền cai trị ấy đã dẫn đến cuộc nội chiến chia đôi đất nước với sự hỗ trợ của ngoại bang kéo dài đến 1975.  

Ông diệm:

-Khi tiếp quản miền nam từ tay người pháp, họ đã đặt tôi vào gọng kìm của các phe phái võ trang. Tôi giống như vật tế thần của một mụ phù thủy đã hết quyền phép. Người pháp muốn tôi quị lụy họ. Họ quên rằng chủ nghĩa thực dân đã vĩnh viễn chấm dứt. 

Ông minh:

-Bọn pháp ngoan cố. Lẽ ra, họ phải thức thời sau khi thất bại thảm hại ở điện biên phủ. 

Ông diệm:

-Cục diện thế giới đã thay đổi, mà người pháp vẫn ngủ quên trong hào quang của thế kỷ 19. Nhưng cũng phải thành thật nhìn nhận, nếu không có người mỹ trợ giúp thì tôi cũng khó dẹp được tàn dư của thực dân và các lãnh chúa địa phương, đặc biệt là bọn đánh tổ tôm làm chính trị của các đảng phái đối lập. 

Ông minh:

-Cuộc khởi nghiệp của cụ ngoạn mục. Chúng ta là những bậc chân đế và chúng ta phải dùng roi sắt mà cai trị. 

Ông diệm:

-Cũng may, lúc đó cụ còn bận rộn với cải cách ruộng đất và đám văn nghệ sĩ trí thức gàn bướng. 

Ông minh: 

-Ừ, nếu tôi rảnh tay thì cụ cũng khó đấy. Dẫu sao, tôi đánh giá cụ rất cao trong việc phế truất bảo đại. Quyết đoán và chuyên nghiệp. 

Ông diệm:

-Những việc này tôi trông cậy vào chú nhu cả. 

Ông minh:

-Anh em nhà cụ khoa bảng, nhưng hành xử cũng đảm lược. Tôi vui vì có một đối thủ xứng đáng. 

Ông diệm:

-Cũng là thế cuộc bắt buộc thôi. Vả lại, cụ cũng biết bọn võ biền như tướng hinh, ba cụt, bảy viễn… xét cho cùng khác chi phường thảo khấu, mà bọn quân sư của chúng cũng chỉ là lũ xôi thịt, háo danh. Chỉ có bảo đại mới đủ tư cách lãnh đạo, nhưng bảo đại lại chỉ là một cậu ấm trong sự bảo bọc của pháp. Vì thế, việc anh em chúng tôi thu tóm quyền lực là tất yếu. Ngoài cụ, không ai làm chúng tôi bận tâm. 

Ông minh:

-Cuối cùng thì chúng ta cũng phải chết. Cụ chết trong xe bọc thép. Tôi chết trên bàn thờ.

Ông diệm:

-Nhiều lúc tôi nghĩ, sự phản bội cũng cần thiết vào một thời điểm nào đó thích hợp. 

Ông minh:

-Đôi khi trung thành quá cũng là phản bội. Đây là cú phản đòn đau nhất mà bọn trung thành ngu muội dành cho tôi.

Ông diệm cười lớn:

-Nhờ thế, cụ sống mãi còn gì.

Ông minh cũng cười. 

Ông diệm:

-Bọn chúng muốn ăn oản của cụ đến muôn đời sau. 

Ông minh:

-Oản của tôi nhuốm máu nhân dân. 

Ông diệm: 

-Tôi vẫn tự hỏi, nếu tôi có một chọn lựa khác, thì tình thế có thay đổi không?

Ông minh:

-Không có cụ diệm thì có cụ khác. Chẳng có gì thay đổi. 

Ông diệm:

-Ý tôi là nếu bảo đại vẫn làm vua thì có thể chúng ta đã không phải giết nhau. 

Ông minh:

-Chúa đã chọn nơi đây là chiến trường. Dân tộc này đã được chọn để hiến tế cho lịch sử nhân loại. Cả cụ và tôi chẳng phải đã nắm được cơ hội cho mình sao?

Ông diệm ưu tư:

-Lẽ ra tôi phải vào tu viện. 

Ông minh:

-Không, cụ đã để lại một di sản có thể cứu thoát dân tộc này. Tôi nói chân thành đấy. Tôi thắng cụ, nhưng tôi cũng là kẻ có tội. Nhưng những kẻ ăn oản của tôi sẽ giết tôi, nếu tôi tái thế. Tôi phải chết vĩnh viễn và được tôn thờ mãi mãi. 

Ông diệm:

-Đúng vậy, nếu chúng ta tái sinh. Chúng ta sẽ tiếp tục phải làm cách mạng. 

Ông minh:

-Nếu thế, tôi sẽ chính thức lấy vợ. 

Ông diệm:

-Tôi cũng sẽ lấy vợ.

Họ cùng cười lớn. 

Ông minh nhìn ông diệm dịu dàng:

-Để cho thế giới hòa bình, cụ phải về sống với tôi. 

Ông diệm:

-Không. Tôi sẽ lấy một phụ nữ mạnh mẽ như em dâu tôi. Chúng ta cần có một gia đình lành mạnh để làm giềng mối cho xã hội.

Ông minh:

-Cụ sẽ vẫn thuộc về tôi. Bởi cụ cần tôi. 

Ông diệm:

-Đúng, cụ là phần tôi thiếu thốn. Có cụ, tôi sẽ trở nên hoàn hảo. Nhưng tình yêu hình như không nhất thiết phải là cái tương thích, hợp lý. Tôi cũng không rõ lắm.

Ông minh:

-Chúng ta đều là những người không có kinh nghiệm về tình yêu đôi lứa. Nhưng tôi quả quyết rằng đối tượng của tình yêu là người ta khao khát. 

Ông diệm:

-Cả trong cái có vẻ như phổ quát này, tôi và cụ cũng khác nhau. 

Ông minh: 

-Tôi không đi tìm cái giống mình. 

Ông diệm:

-Tôi cũng thế thôi. Nhưng chúng ta vẫn luôn ngược chiều nhau. 

Ông minh:

-Hóa ra, chiến tranh hay chiếm đoạt cũng là một hình thái của tình yêu. 

Ông diệm: 

-Con người chém giết nhau cũng là một hiện tượng tự nhiên trong trời đất. Đôi khi tôi không hiểu được ý chúa. 

Đột nhiên, ông Diệm ngã xuống oằn người đau đớn.

Giữa trùng vây của các đối thủ như bọn thân pháp trong hàng ngũ quân đội, các lực lượng kháng chiến ly khai như hòa hảo, cao đài, bình xuyên và các đảng phái đối lập khác, ông diệm đã bình định được nam phần và xây dựng thành công một nhà nước non trẻ. 

Các chiến khu của đảng đại việt bị tiêu diệt hoặc cho giải tán.

Tướng hinh, một kẻ trung thành với quan thày cũ, nắm giữ quân đội, âm mưu đảo chánh nhưng thất bại phải lưu vong ở pháp.

Tướng bảy viễn của lực lượng bình xuyên cũng phải chạy trốn sang pháp mới thoát chết.

Tướng thế của giáo phái cao đài quy thuận chính phủ nhưng sau đó đã tử vong giữa những nghi vấn bị thủ tiêu trong lúc giao tranh với quân bình xuyên ở cầu tân thuận.

Tướng ba cụt của giáo phái hòa hảo được chiêu dụ hợp tác nhưng cuối cùng cũng bị chính quyền ông diệm chém đầu thị chúng.

Được lệnh của tướng minh lớn (chỉ huy trưởng chiến dịch hoàng diệu tảo thanh quân phiến loạn bình xuyên và sau này lãnh đạo hội đồng quân nhân đảo chánh ông diệm), một sĩ quan tên nhung đã đào mồ ba cụt lên và bằm xác ông ta thành nhiều mảnh nhằm phi tang mồ mả của ông. Cũng sĩ quan máu lạnh này, bảy năm sau theo lệnh tướng minh lớn giết anh em ông diệm bằng nhiều nhát dao, trước khi bắn họ trong xe tăng. 

Ông minh vỗ về ông diệm:

-Lịch sử đã qua rồi. 

Những vết dao đâm trên người ông diệm sưng tấy và đỏ mọng như muốn bật máu. 

Ông minh ngậm ngùi:

-Chúng ta đã phải giết quá nhiều người.

Ông diệm:

-Xin chúa thương xót chúng con. 

Ông minh:

-Chúa không có lòng thương xót. 

Ông diệm:

-Xin chúa thương xót chúng con.

Ông minh:

-Chúng ta chỉ làm những việc cần làm.

Ông diệm:

-Chúng ta không được chúa soi sáng.

Ông minh:

-Lịch sử do chúng ta dẫn dắt. Và chúng ta phải chịu trách nhiệm về nó. Tôi đã làm đúng, một cách tất yếu. Không hối tiếc điều gì.

Ông diệm:

-Chúng ta đã gây ra những nỗi thống khổ. 

Ông minh:

-Thống khổ là cái giá của hạnh phúc.

Ông diệm:

-Cụ vẫn tin nhân dân hạnh phúc sao?

Ông minh:

-Cụ hãy mở mắt và nhìn. Có bao giờ đất nước được như hôm nay không?

Ông diệm:

-Bất công và đau khổ không những không thể chấm dứt, mà nó còn trở nên trầm trọng tàn nhẫn hơn. 

Ông minh cáu:

-Chúa của cụ có làm cho bất công và đau khổ chấm dứt không?

Ông diệm:

-Chúa lòng lành và yêu thương con người. Chúng ta không hiểu được ý chúa.

Ông minh cười gằn:

-Vì thế, tôi làm mọi việc theo ý tôi.

Ông diệm:

-Không, cụ đã mất tự do. Cụ hành động theo ý ma quỉ.

Ông minh:

-Cả chúa và ma quỉ đều là giả định. Ngay bây giờ, nếu tôi bóp cổ cụ, thì đấy là vì tôi muốn thế. Tôi muốn cụ thuộc về tôi vĩnh viễn. Cả chúa hay ma quỉ đều không thể can thiệp. 

Ông diệm:

-Lòng cụ đầy bóng tối. Và ma quỉ ngự trị trong lòng cụ. 

Ông minh cười khẩy:

-Nhân chi sơ tính bản ác. Có thể tôi là thế đấy. Nhưng nếu tôi là thế, thì chúa phải chịu trách nhiệm chứ không phải tôi. 

Ông diệm:

-Chúa tha thứ cho cụ. Điều quí giá nhất mà thượng đế ban tặng cho con người là tự do. Thế giới này tồn tại được bởi vì chúng ta có tự do. Nhưng cụ đã tước đoạt tự do của người khác, đồng thời đánh mất tự do của mình.

Ông minh:

-Không ai lấy được tự do của người khác, trừ khi chính anh ta từ khước nó vì một lý do nào đó.

Ông diệm:

-Cụ tước đoạt sự lựa chọn của người khác. Và cũng đánh mất lựa chọn của mình. 

Ông minh:

-Tự do hay sự lựa chọn là một khả tính có điều kiện. Tôi tạo ra các điều kiện. Điều kiện là luật lệ của xã hội cũng giống như bối cảnh hay hoàn cảnh mà chúa của cụ đặt ra cho mỗi con người. Cũng như tạo hóa, tôi chẳng có lỗi gì cả. 

Ông diệm buồn bã:

-Chúng ta chỉ là một chi tiết trong vũ trụ này. Có hay không có chúng ta, vũ trụ cũng không có gì thay đổi. 

Ông minh:

-Ừ, con người đã tự đề cao mình quá đáng. 

Ông diệm:

-Nhưng sự thống khổ này vẫn đeo bám chúng ta. Bởi vì chúng ta tạo ra nó.  

Trên chiến trường miền nam, phe cộng sản càng ngày càng thắng thế, gần như họ đã kiểm soát được nông thôn. Trong thành phố, chính trị hỗn loạn. Những cuộc xuống đường biểu tình của các lực lượng tranh đấu lan rộng và trở nên thường xuyên hơn. Phật giáo và các đảng phái đều chống chính quyền. Người ta nhìn thấy phía sau của sự hỗn loạn đó là mỹ và cộng sản. Những kẻ giấu mặt này biến những tham vọng thành con rối. Người quốc gia đơn độc và thối rữa. Chính quyền từ ông diệm đến ông thiệu trở thành kẻ hiến tế cho những toan tính của các đại cường. 

Ở phía bên kia vĩ tuyến, độc dược của tình hữu nghị quốc tế vô sản thấm xuống lòng đất và nó biến đất ấy thành đất chết. Con người phải khóc lóc và nghiến răng. 

Mỹ dội bom miền bắc, nhưng sự tàn phá và cái chết không khuất phục được con người. Mỹ buộc phải đàm phán để chấm dứt chiến tranh. 

Ông huệ ngồi uống rượu với ông ánh nhìn ngắm bức tranh “vườn xuân trung nam bắc”. 

Ông huệ:

-Tôi nhớ hân công chúa. Không biết giờ nàng ở đâu. 

Ông ánh:

-Có thể bà ấy đã lên phía bắc. Ở đấy có nhiều hội hè.

Ông huệ:

-Có dịp, tôi với ông đi thử một chuyến xem sao. 

Ông ánh:

-Tôi không thích vùng đất ấy. Nhiều âm khí quá. 

Ông huệ:

-Tôi lại thích cái sự bất trắc ấy. Tôi tìm thấy niềm vui ở đó. Tình yêu và sự vinh quang của tôi.

Ông ánh:

-Tôi chỉ yêu cái miệt vườn sông nước hiền hòa ở phía nam. Những cô gái tắm sông là một cảnh tượng hoàn hảo nhất về sự thuận hòa giữa con người và thiên nhiên. 

Ông huệ:

-Tôi lại thích nhìn ngắm phụ nữ múa hát. Đó là bản năng sự sống. 

Bất chợt, ông huệ đổi giọng ngâm nga theo điệu hồ quảng:

“Thiên thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian

Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần

Thiên tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm

Khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn.” (Văn Cao)

Ông ánh thích chí cười lớn. 

Ông huệ nghiêm túc trở lại:

-Trút bỏ cái thân thế hoàng gia để hòa nhập vào cái thân phận dân dã có lẽ đã là một phép màu giúp ông phục hồi cơ nghiệp tổ tiên. Cái sai lầm của tôi là đã làm ngược lại. 

Ông ánh:

-Việc ông truy sát tôi trên từng tấc đất đã khiến tôi nhận ra sự lưu lạc của kiếp người, đồng thời tôi thức ngộ được bản thể của mình trong cõi nhân sinh trầm luân này. 

Ông huệ:

-Theo cách nào đó, chúng ta đều sẽ nhận ra cái chân mệnh của mình. 

Ông ánh:

-Và chúng ta sẽ thoát khỏi đau khổ?

Ông huệ:

-Chúng ta sẽ không bao giờ thoát được đau khổ, nhưng chúng ta cần biết cách chấp nhận nó. Cũng như chúng ta biết cách chấp nhận người khác. 

Ông ánh:

-Chúng ta có hòa bình chưa?

Ông huệ:

-Nó tùy thuộc vào con cháu chúng ta. 

Ông ánh:

-Tôi thù hận ông bao nhiêu thì tôi cũng thù hận minh, diệm bấy nhiêu. Ông làm cho tôi khốn khổ, nhưng cũng là cơ hội để tôi thống nhất sơn hà và vinh quang như một hoàng đế đích thực, còn minh và diệm là những kẻ bất trung phản nghịch đã kết liễu vương triều nhà nguyễn tôi. 

Ông huệ:

-Thành trụ hoại diệt là lẽ thường. Tôi không bao giờ tiếc mấy đứa con của mình đã không làm nên cơm cháo gì. Vì thế, tôi cũng không oán trách gì ông, cho dù ông đã trả thù tôi một cách đê tiện nhất. 

Ông ánh:

-Chung qui vì chúng ta ích kỷ. Trần gian này không thuộc về ai. Kẻ nào muốn chiếm giữ nó, kẻ ấy tự kết án mình. 

Ông huệ:

-Con người lầm lạc. Khi anh em tôi tranh chấp quyền lực, tôi đã biết tôi rơi vào một vòng xoáy không lối thoát. 

Ông ánh:

-Quyền lực là một cám dỗ không thể chối từ. Nó cũng giải thích sự thành công của tôi. 

Ông huệ:

-Và rồi tất cả cơ nghiệp của chúng ta bị chôn vùi, chúng ta nhận ra chỉ có cái chết là vĩnh cửu. 

Ông ánh:

-Thời gian là địa ngục của chúng ta. 

Ông huệ:

-Vì thế, cái chết không phải là giải thoát. 

Ông ánh:

-Cái chết là sự phán xử của chân lý.

Ông huệ:

-Cái chết là sự công bằng của số phận.

4.

Rơi xuống một vực thẳm hoang vu mà thời gian thì diệu vợi, ông minh hốt hoảng:

-Con tôi… con tôi…  

Ông huệ:

-Sẽ không một ai nghe thấy tiếng gọi của ông. Tất cả mọi linh hồn đều tự tại không huyết thống. 

Ông minh:

-Dòng máu họ nhà ta về đâu?

Ông huệ:

-Đó chỉ là nhân duyên hư ảo. 

Ông minh:

-Không, con tôi… tôi vẫn nghe tiếng kêu vô vọng của nó. Tôi muốn đưa nó về. 

Ông huệ:

-Nó mãi mãi là những đứa trẻ vô thừa nhận. 

Ông minh:

-Không, các con của tôi… 

Ông huệ thì thầm:

-Những cánh chim bay đi không để lại dấu vết. 

Ông minh:

-Tôi đã sai lầm. 

Rồi ông minh khóc. Tiếng khóc của người đàn ông ai oán. 

Ông minh:

-Tôi đã tự tẩy não tôi. Tẩy não các con tôi. Tự bôi xóa tôi trong ký ức của các con. Tôi sập bẫy tôi. 

Ông huệ:

-Chúng ta không thể làm lại. Không thể thay đổi bất cứ điều gì.

Ông minh càng khóc to:

-Những đứa con lưu lạc của tôi giờ chúng ra sao?

Ông huệ:

-Chúng có cuộc sống của chúng. Khi còn sống, tôi cũng có làm gì được với những đứa con bất tài của mình. 

Ông minh:

-Tôi đã vì điều gì mà trở nên một người cha bất nhân thế?

Ông huệ:

-Ông còn phải đặt câu hỏi sao?

Ông minh:

-Phải, có điều gì lớn hơn tình phụ tử chăng?

Ông huệ:

-Không có gì lớn hơn tình phụ tử bằng chính sự ích kỷ và sai lầm của mình. 

Ông minh bỗng tỉnh táo:

-Không. Tôi không ích kỷ và không bao giờ sai lầm. Tôi là chân lý. Tình yêu của tôi lớn lao hơn tất cả mọi thứ. 

Ông huệ cười đểu:

-Vâng, đã nghị quyết rồi. 

Ông minh chợt như đốn ngộ, nói lớn:

-Chúng ta phải tìm cách đầu thai.

Ông diệm:

-Phải đấy. Tôi sẽ tái sinh như đấng cứu thế. 

Ông ánh cười lớn:

-Các ông tuyệt tự rồi. 

Ông minh:

-Không, tôi sống mãi. Những kẻ truyền thừa tôi vẫn quang vinh. 

Ông huệ:

-Bọn ăn bám ấy biết gì vinh với nhục. 

Ông minh:

-Chúng tôi vẫn là chân lý. 

Ông huệ:

-Chân lý là một khái niệm hàm hồ trá ngụy. Không ai có thẩm quyền để nói về chân lý. 

Ông diệm tỏ ý hài lòng về câu nói của ông huệ.

Ông ánh:

-Tôi đã nhìn thấy oán khí ngập tràn trên những vùng đất mà ông huệ đã đi qua.

Ông huệ:

-Tôi biết. Tôi bắt lính không sót một mống. Nếu tôi không làm thế, họ cũng sẽ bị ông cưỡng bức theo mình. Họ được sinh ra để phục vụ cho vinh quang của chúng ta. 

Ông diệm:

-Con người không có quyền chọn lựa, ngay cả lẽ phải. 

Ông minh:

-Lịch sử xô đẩy và chúng ta buộc phải chấp nhận chỗ đứng tồn tại của mình như một chọn lựa. Cái bi kịch là chúng ta không thể chối từ chỗ đứng định mệnh ấy.

Tiếng của ông minh rơi xuống thăm thẳm. Không ai muốn nói gì nữa. Ở nơi, không có thời gian, sự im lặng vĩnh cửu. Ở nơi, không có không gian mà hiện tồn là mãi mãi. Vô vọng và bất tín. 

Tiếng ông huệ bay đi như cơn gió:

-Nhận biết được chỗ đứng của mình và hành động, đó là anh hùng. 

5.

Cơn mơ và cơn điên là bên nớ và bên ni của một dòng sông. 

Có một cây cầu bắc từ bên này qua bên kia sông, nhưng cây cầu ấy không dùng để qua sông mà chỉ là một biểu tượng của một cơn mơ và một cơn điên. 

Ông huệ:

-Chúng ta đã để lại điều gì?

Ông minh:

-Sự bất khuất cho một dân tộc.

Ông ánh:

-Hòa bình và thịnh vượng.

Ông diệm:

-Công lý và nhân vị. 

Ông huệ chỉ tay về phía trước:

-Có phải con người đang chạy trốn không? 

Ông minh:

-Đó là ảo ảnh. 

Ông diệm:

-Hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Ông ánh:

-Bọn phản nghịch. 

Ông huệ:

-Không có ai trong các ông muốn hỏi tại sao ư?

Mọi người im lặng. 

Ông huệ:

-Các ông là một lũ giả nhân giả nghĩa.

Vẫn không ai nói gì.

Ông minh dẫn ông diệm ra chỗ khác.

Ông minh:

-Ông huệ chỉ là dân võ biền. 

Ông diệm: 

-Tuy nhiên, ông ấy nguy hiểm. 

Ông minh:

-Tôi biết chứ. Ông ấy cũng nói đúng. Nhưng nói đúng và làm đúng là hai việc rất khác nhau. Và không nên nhầm lẫn. Đấy cũng là lý do khiến cụ bị giết. 

Ông diệm:

-Giết tôi mới là nhầm lẫn. 

Ông minh:

-Kẻ sát nhân cũng có lý của họ. 

Ông diệm:

-Bất kể vì lý do gì đều không thể chấp nhận.

Ông minh nhìn ông diệm trìu mến:

-Cụ rất đáng yêu. 

Ông diệm:

-Lẽ ra tôi phải cứng rắn như cụ. 

Ông minh nhìn xa xăm:

-Có những cái thuộc về căn cốt không thay đổi được. 

Ông diệm gật gù:

-Có những sai lầm hoặc yếu đuối mà nếu phải quyết định lại có lẽ chúng ta vẫn cứ sai lầm và yếu đuối.

Ông minh:

-Nếu ngày ấy, chúng ta bắt tay với nhau hoặc tôi giết cụ sớm hơn thì chắc chắn tôi vẫn thắng nhưng sẽ ít đổ vỡ hơn. Trong sâu thẳm, tôi vẫn thấy có những giới hạn của số phận mà chúng ta không vượt qua được. Điều ấy không có nghĩa là tôi tin do tạo hóa hay ý chúa của cụ. 

Ông diệm:

-Ngay cả giấc mơ hay cơn điên của chúng ta cũng là ý chúa. Nhưng quả thật, tôi không hiểu được sự lòng lành của thiên chúa. Khi nghĩ đến những điều ấy, tôi rất đau khổ. 

Ông minh:

-Việc chúng ta phải ở đây, với nhau và mãi mãi, không giải thích được điều gì về sự lòng lành ấy. Con người, phải tự giải quyết những vấn đề của mình. 

Ông diệm:

-Tôi phó thác linh hồn tôi trong tay chúa. 

Ông minh:

-Tôi chán cái đức tin của cụ quá. Sống hay chết, phù du hay vĩnh cửu vẫn là của chúng ta và do chúng ta quyết định. 

Ông diệm:

-Chúng ta không quyết định được điều gì, kể cả một nỗi buồn bất chợt.

Ông minh nắm tay ông diệm: 

-Cụ đa cảm quá.

Ông diệm khóc. 

Ông minh:

-Sao thế?

Ông diệm:

-Không có gì. Tôi nhớ chú nhu. Không biết chú ấy ở đâu. 

Ông minh:

-Ai có cõi của người ấy. Sống là một số phận. Chết là một số phận khác. Đôi khi tôi nghĩ, nghiệp chính là thượng đế. Vì thế, số phận là của chính chúng ta, không thuộc về bất cứ điều gì. 

Ông diệm:

-Tôi thương chú ấy. Hồi trước, chú ấy luôn ở bên tôi, kể cả lúc chết. Thế mà bây giờ… 

Ông minh:

-Dường như con người luôn bị thất lạc điều gì đó. Con người cũng luôn bị phân rẽ. Chúng ta luôn phải sống trong sự bất toàn. 

Ông diệm:

-Dường như đấy là điều thượng đế muốn nhắc nhở chúng ta. Cũng là cách để chúng ta nhận biết người. 

Ông minh:

-Con người chỉ tự tìm cách trấn an mình thôi. 

Ông diệm lại khóc: 

-Anh em tôi đâu? 

Ông minh quay đi. 

Ông diệm:

-Tại sao lại giết chúng tôi?

Ông minh:

-Không phải cụ cũng giết người sao?

Ông diệm không khóc nữa. Họ nhìn nhau hằn học. 

Không biết từ chỗ nào, tiếng ông huệ vang rền như sấm:

-Giết. Cần phải giết hết.

Tiếng ông ánh cũng đầy nộ khí:

-Tru di tam tộc. Voi giày ngựa xéo. 

6.

Ông minh bóp cổ ông diệm:

-Chính trị là cái nhất thiết của cuộc sống. Và cốt lõi của nó là niềm tin. Kẻ nào trung thành với ta thì kẻ ấy được sống. Kẻ nào phản bội hay chống đối ta, kẻ ấy phải chết. 

Ông diệm đấm ngực ba lần thống hối. Máu từ những vết thương ứa ra. Ông minh buông tay khỏi cổ ông diệm và lau những vết máu ấy với một niềm thiết tha khôn tả.

Ông diệm:

-Phản bội hay trung thành cũng chỉ là một nỗi mơ hồ của cơn gió. Cả đến mặt trời và mặt trăng cũng lừa mị chúng ta về sự sáng. 

Ông minh:

-Cụ vẫn cầu cạnh cái nhất nguyên tuyệt đối để an ủi mình sao?

Ông diệm:

-Tôi còn biết làm gì để vượt qua cơn hoạn nạn này. 

Ông minh:

-Tôi chỉ tin tôi. 

Ông diệm:

-Thật ra, tôi không tìm sự an ủi, mà tôi truy tìm cái nguyên ủy và cứu cánh của sự sống để thấu hiểu và chấp nhận. 

Ông minh:

-Hãy chiến đấu như tôi. Chân lý ở đầu mũi dao. Sử mệnh là giết chết kẻ thù.

Ông diệm:

-Cụ vẫn còn muốn giết tôi sao?

Ông minh:

-Cho đến khi cụ thuộc về tôi.

Ông minh vuốt mắt ông diệm. Và nhẹ nhàng đặt lên trán ông diệm một nụ hôn đằm thắm. 

Hết

Nguyễn Viện 

3/2025

*Tiểu thuyết của Nguyễn Viện: Ở phía đông âm phủ (Một phiên bản khác). Kỳ 1.