Tóc rơi tờ lịch cũ. Thơ Ngu Yên

Tóc rơi tờ lịch cũ

Sớm đó, cha xé tờ lịch, biết hôm qua vừa hết.

Chưa biết đời mỏi mệt khi hồn treo cổ nhìn qua song tù.

Tờ lịch xé để trên đầu tủ, cơn gió thổi qua, bay lên la đà diễn nghĩa Xuân Thu.

Từ đó, tờ đó, ngày đó không bao giờ trở lại.

Tờ lịch cũ đáng giá bao nhiêu?

Sao lòng quay quắt giai điệu bùi ngùi. Nhiều mất mát trên mặt tờ giấy nhỏ.

Không có lịch, có lẽ, ít ai nhớ. Hoặc nhớ không rõ, những chuyện buồn do đó mơ hồ.

Cha mất con, bốn đứa trai đi lính ra thẳng mộ.

Một gái lấy chồng số khổ mất chồng.

Thành phố chiến tranh không lãng mạn như tiểu thuyết “Một thời để yêu…” nhưng chắc chắn đúng “Một đời để chết.”

Người trong chiến tranh, bầy thú bất hạnh điên cuồng giữa núi rừng động đất, đang mất trí giết nhau trong bất tận thảm sầu.

Một tờ lịch tầm thường để mỗi ngày mỗi xé. Một con người tầm thường để mỗi ngày mỗi sống. Dính líu nhau như sợi tóc rơi.

Ai biết được ngày nào trong đời cần giữ lại sợi tóc?

Sớm đó, cha xé tờ lịch nào biết nghe nó khóc, mất một ngày nhỏ mọn rồi mất luôn những to tát mai sau, để tiếp tục héo đau mất ngủ.

Sớm đó, cha xé tờ lịch cũ, xé luôn thịt xương, đứt máu mủ yêu thương, mẹ từ đó ủ rũ, cha từ đó trong tù treo cổ những niềm vui.

Quá khứ xum vầy hạnh phúc con mắt đui tìm ánh sáng.

Mỗi năm, ngày này, tờ lịch mới chịu tang tờ lịch cũ.

Rồi xé bay vèo 30 tháng 4,

Từ da thịt rụng thêm một sợi tóc.

 Tranh Đinh Trường Chinh

***

Truyện một con cá

Tôi là con cá sinh ra trong dòng sông Bến Hải

Buổi sáng bơi qua bờ bắc tìm ăn tránh bộ đội lưỡi câu

Buổi chiều về ngủ bờ nam trốn lính rình giăng lưới

Ngày ngày lính bờ bắc mệt mỏi chán chường chửi lính bờ nam

Lính bờ nam mệt mỏi chán chường chửi lính bờ bắc

Nhiều đêm nhìn sao trời thao thức Tôi tự hỏi lòng

Họ làm người có vui sướng hay không?

Dòng sông tôi lớn khôn

Người ở hai bờ đua nhau phóng uế

Có chú Ba Tàu, bác Nga La Tư đến bỏ đồ dơ

Có cậu Mỹ dượng Pháp anh hai Đại Hàn đến xả rác

Gia đình tôi và triệu ngàn con cá khác

Uống nước dơ thương khó sống qua ngày

Ăn đồ bẩn cam lòng đã quen số mạng

Trên bàn đại tiệc hòa bình tự do hiệp ước

Bà con bạn bè tôi hiến mình vô số những món ăn

Người ngoại quốc, người Việt Nam mút xương, gặm đầu, nhai mắt cá

Họ chúc mừng trên dòng sông ly tán những linh hồn

Một hôm

Lính bờ bắc tràn qua sông nam tiến

Khuấy động phù sa đỏ máu cả dòng sông

Hai bên lính gục ngã

Xương trắng đầu lâu giống hệt như anh em

Hồn oan khiên không phân biệt nam bắc Người cũng chết

Cá cũng chết

Chỉ có Trời còn sống

Sống để ghi công trạng kẻ sát nhân.

Quí vị, những người ở hai bên bờ Bến Hải

Có bao giờ nghĩ đến loài cá chúng tôi? 

Mất nước quí vị vẫn sống

Không có nước chúng tôi bất động

 Chỉ có trời mới hiểu

Cá và người ai cần nước hơn ai?

Tôi là con cá rời dòng sông Bến Hải 

Vượt biển đông đến mắc cạn nơi đây 

Trái tim ướp đầy gia vị tiền tài của cải

Trí óc mưu toan ám ảnh chuyện mánh mung

Tấm lòng chật ước mơ vinh hoa phú quí 

Chợt đêm qua nhìn sao trời thao thức

Tôi tự nhủ lòng ước gì con cá được làm người?

Quí vị đọc bài thơ này Có bao giờ tự hỏi:

Ước gì con người được làm cá?

(20-06-1997 tái tạo 2025.)

***

Tô phở việt nam

Tôi đói bụng

Lòng cồn cào trong chuyến đi xa

20 năm lạc giữa đất trời phố phường xứ lạ

Hamburger, fried chicken, pizza 

Thèm quá

Miếng ăn quê nhà.

Ngửi xa xa tiệm phở

Hương bốc thơm lồng lộng mấy blốc đường.

Gọi tô phở đặc biệt 

Chín quá khứ

Tái hiện tại 

Gân tương lai 

Nạm thân thế

Ớt vẫn cay đỏ mắt chuyện tang thương

Chanh vẫn chua rùng mình chuyện chết chóc.

Tô phở Việt Nam

Có rau Quế lấy giống từ Bắc Việt 

Có rau thơm rễ tận miền Trung 

Có giá ngon gốc từ Lục Tỉnh

Có ông bà cha mẹ anh em ăn húp sáng chiều.

Em viễn xứ bưng tô phở ấm bàn tay lạnh

Tôi húp nước lèo ấm áp tình quê nhà 

Tô phở Việt Nam

Ăn lúc đói lòng

Tưởng không gì bằng ăn lúc đường xa.

Quí vị nào sống no mà lòng đói 

Xin mời một tô phở Việt Nam.

Quí vị sẽ thấy

Nước sông Hồng sông Cửu Long chảy trong dòng máu

Bánh gạo ba miền nuôi lớn thịt xương 

Tô phở Việt Nam

Ăn lúc đói lòng

Tưởng không gì bằng ăn buổi tha hương.

(Thơ 2017 tái tạo 2025)

*** 

Tuổi cấp cứu 

Tuổi trẻ Việt ít quan tâm cấp cứu quê hương, 

vì lớn lên ở Mỹ. 

Tuổi già Việt ít quan tâm cấp cứu quê hương, 

vì lớn lên ở Việt Nam.

Lý luận không bao giờ giải thích những thầm bí trong lòng.

Bề ngoài không bao giờ dám nhận những hổ thẹn lương tâm. 

Thời gian trôi đi. 

Tuổi đời chôn. 

Lưu vong phai lòng. 

Chỉ còn tấm thân mượt mà đốt vào dĩ vãng. 

Dân thế giới lưu vong có nhiều chiến sĩ nổi tiếng toàn cầu. 

Dân Việt lưu vong: 

30 tháng 4 mỗi năm, khóc. 

Mồng một tháng năm, quên.

 Tuổi trẻ luận tuổi già ngớ ngẩn. 

Tuổi ông luận tuổi trẻ hồ đồ. 

Tuổi bà mong nuôi cháu mau lớn. 

Tuổi nào quan tâm cấp cứu quê hương? 

Tuổi nào thương tâm cấp cứu quê hương? 

(2019 tái tạo 2025.)

***

Mẹ ơi, con hút

3 giờ sáng thức dậy làm gì? Này cái xác mỏi mệt.

Chuột rút bắp chân. Lấy gân.

Đạp không rớt nỗi niềm.

Điếu thuốc hút nửa chừng trong mơ nhắc điềm nhớ lần mẹ cấm hút thuốc.

Con bỏ thuốc lâu rồi nhưng hút trong chiêm bao.

Hơi thở tình nhà đã ám sâu trong phổi.

Những tối chờ khuya, chờ mẹ ngủ, mẹ chê khói hôi, thơm đến hồn.

Mẹ dạy mười điều con chỉ làm được một.

Rồi đột nhiên tách biệt xa cách cả đại dương.

Ra biển, chiều tà, thấy mẹ ngồi trên sóng.

Tiếng hải âu kêu thê thiết nát lòng, mẹ ơi, mẹ phải sống, trong mênh mông mẹ dặn, bỏ hút thuốc đi con.

Ở Mỹ thuốc nhiều hơn đạn dượt. Đã lâu rồi con không còn tự bắn mình.

Không thể đếm được, bên trong đầy thương tích.

Nhớ bắn trúng nơi này, thương bắn trúng nơi kia.

Dĩ vãng tung lựu đạn nổ gần kho trí nhớ.

Con vẫn đào hầm, pháo kích vẫn kinh sợ, tấu vẫn đợi chờ, thần kinh vẫn căng thẳng, đời vẫn hững hờ mưa mồ hôi.

Kẻ thù năm xưa chết gần hết. Chỉ bóng ma gọi thằng hồn, kêu réo.

Chiến tranh tan hàng, vẫn đánh đấm bản thân.

4 giờ sáng ra biển, mẹ đi rồi, không còn cưỡi sóng.

Nhìn ra khơi, trí nghĩ mịt mờ.

Gió cát khóc con hải âu ngày cũ. Trên đầu con tóc cưỡi sóng bạc màu.

Mẹ à, mười điều mẹ dạy con làm được một:

Bỏ thuốc lâu rồi, con chỉ hút chiêm bao.

(2023.)

Ngu Yên

Trích trong “Năm 1975 không có tháng Tư. Thơ Ngu Yên.”

Tuyển tập Thơ đặc biệt 30 tháng Tư

Kỷ niệm 50 năm 1975-2025