Trần Doãn Nho: Chùm bài viết về mùa hè

Hè về, nắng. 

Cùng phát xuất từ mặt trời, nhưng nắng không những mỗi mùa một khác, mà mỗi nơi cũng một khác. Khác thế nào? 

Qua những trang văn, chúng ta hãy cùng thưởng thức hai thứ nắng hè: “nắng (trong) vườn” của Thạch Lam; và “nắng (trong) phố” của Đặng Thơ Thơ. Hai cái nắng cách nhau đến…hơn 60 năm: nắng của Thạch Lam diễn ra vào cuối thập niên 1930 ở Hà Nội, Việt Nam và nắng của Đặng Thơ Thơ diễn ra vào đầu thiên niên kỷ thứ ba ở California, Hoa Kỳ. Hai tác giả này thuộc hai thế hệ khác nhau, nhưng xuất thân từ cùng một gia tộc văn chương: Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân) là em ruột của Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long); Đặng Thơ Thơ là cháu ngoại của  Hoàng Đạo, do đó, cũng (xem) như là cháu ngoại của Thạch Lam.  

Trong truyện ngắn “Nắng Trong Vườn” của Thạch Lam, nhân vật (xưng “tôi”) là một học sinh Hà Nội, về nghỉ hè ở đồn điền trồng chè của một người bạn thân của cha chàng, nơi hồi còn nhỏ chàng thường tới chơi. Trong những ngày ở đây, chàng có dịp thưởng thức đủ thứ nắng trong khung cảnh bao la bát ngát của thiên nhiên cùng với cô con gái của chủ nhà. Nắng không chỉ là nắng. Nắng chan hòa cùng với vườn tược, cây cỏ, núi đồi. Nắng là một không gian, một cảnh trí và cũng từ đó, một…cuộc tình. 

Trên đường đi bộ về nhà của chủ nhà sau khi rời sân ga, trước hết, chàng bắt gặp nắng chiều. “Về phía tây, mây trời rực rỡ những mầu sáng lạn và ánh nắng chiều loang một khúc sông, trông như một giải vàng nổi lên giữa đồi ruộng đã bắt đầu tím lại.” Sáng hôm sau, thức dậy, chàng thấy nắng buổi sáng. “Mặt trời còn khuất sau quả đồi, ánh một vùng hồn lên nền trời xanh biếc. Bên kia sông, rừng cây từng lớp nhiều mầu còn mờ lẩn trong màn sương trắng.” (…) “Khi nắng bắt đầu gay gắt, và cỏ đã mềm nóng dưới gót chân, tôi thong thả xuống, đi len lỏi vào các vườn chè, sầu, rồi đến bờ sông Cống, tìm một chỗ bóng mát nghỉ ngơi. Tôi ngả người trên cỏ nằm mơ mộng, đếm tiếng kêu của chim gáy ở tận đâu xa xa. Tất cả buổi, tôi chỉ quanh quẩn ở ngoài đồi, trông và nghe không biết mỏi.”

Nhưng thú vị nhất là nắng buổi trưa: “Những buổi trưa nắng, tôi tìm chỗ có bóng mát, phanh áo nằm trên cỏ thiu thiu ngủ. Những mộng đẹp đến ám ảnh tôi, những mộng mà trong ấy tôi mơ màng khoác tay một cô gái cùng đi len lỏi trong vườn chè.” Không những thú vị mà còn xôn xao hơn vì giấc mộng của chàng, chỉ ít ngày sau đó, biến thành sự thật: chàng được sống những buổi trưa nắng cùng với Hậu, cô con gái vừa mới lớn của ông chủ nhà. Cả hai chia xẻ những buổi trưa tràn đầy kỷ niệm:

Những buổi trưa, tôi rủ Hậu ra bờ sông Cống. Chúng tôi bỏ giầy ngồi trên cỏ ẩm, dưới bóng mát của một cày tràm cành lá um tùm. Trước mặt chúng tôi, dãy đồi đất tím loè trong ánh nắng, trời xanh thẳm và sáng như tấm gương. Một vài đám mây trắng thong thả đi ngang trên đỉnh đồi. Chúng tôi nghe ngóng cái yên lặng của buổi trưa, hình như theo giòng nước chói ánh nắng đi xa. Thỉnh thoảng, một bóng cá nổi trong cành lau sậy, lờ dờ lên gần mặt nước như nhìn trộm hai chúng tôi, rồi lại vùng quẫy đuôi chìm mất.” (…) “Có khi Hậu và tôi cùng ngả mình dưới bóng cây, nằm thiêm thiếp trong cái nắng của buổi trưa. Một con chim ở đâu đến khẽ hót trong bụi, tiếng ríu rít như vướng vào cành lá, hoà một bản đàn rực rỡ để ru hai chúng tôi trong những giấc mộng êm đềm.”

Nhờ nắng mà hai người yêu nhau. “Tôi cũng bắt đầu yêu Hậu; tình yêu của nàng vừa làm tôi say sưa vừa làm tôi kỳ dị, như người đầu tiên bước vào một mảnh vườn đầy hoa cỏ lạ. Những cái hôn tha thiết và vụng về của Hậu có một hương vị mới mà tôi chưa từng được hưởng, hương vị đượm ngát của một bông hoa dại. Vì Hậu, tuy đã đi học ở trường tỉnh, vẫn hãy còn ngây thơ; nhưng nàng không chất phác như một cô gái quê, không mộc mạc những người quanh nàng. Tôi thấy trong Hậu những của quý vô ngần của một tâm hồn vừa trong sáng vừa mê mải.

Nhưng mối tình bồng bột không kéo dài. Khi những ngày hè sắp hết, tâm tình chàng thay đổi:

Một cảm giác dịu buồn thấm vào lòng; nhưng một đằng tôi cũng ao ước được chóng lên Hà Nội, để thấy căn buồng học cũ ở nhà trọ, những anh em, chị em bạn thân ở nhà trường. Cánh đồi ruộng đối với tôi bây giờ đã mất cái vẻ thú vị mới mẻ khi xưa, tôi muốn nói chuyện với những người khác, nhìn những phong cảnh khác.”

Thế là đã rõ: chỉ có Hậu buồn, vì nàng nghĩ đến lúc xa chàng. Còn chàng, khi nghĩ đến cái vui của phố phường náo nhiệt, chàng không bận lòng mấy với chuyện chia tay. Chẳng thế mà, hết hè, trở lại trường, chàng quên hẳn cô bạn gái chốn thôn dã. Nhiều năm sau, khi gặp lại thì nàng đã có chồng. “Ngậm ngùi, tôi nghĩ đến cuộc ái ân ngắn ngủi của Hậu với tôi trong mấy tháng hè; cái tình yêu ấy biết đâu vẫn còn để lại trong lòng một vẻ rực rỡ như ánh nắng trong vườn.”

Quá muộn! Nắng trong vườn của Thạch Lam, tuy rực rỡ, nhưng không đủ mãnh lực giữ chàng thanh niên ở lại với mối tình thôn dã.

Cô cháu Đặng Thơ Thơ, qua truyện ngắn “Một Nơi Để Viết”, cho ta một cái nắng hoàn toàn khác. Nhân vật (cũng xưng tôi) là một nhà văn. Bị mất cảm hứng khiến một truyện (ngắn) đang sáng tác bị kẹt giữa chừng không thể hoàn tất được, nhà văn chẳng thèm đi đâu cả, cũng chẳng muốn làm quen với ai mà  tự nhốt trong căn phòng tưởng tượng của mình, đợi chờ “nhân vật” bước vào trang chữ. Đúng lúc đó, “một vệt nóng dán lên bàn chân làm tôi nhìn xuống.” Thì ra là nắng. Nó không chan hòa, không rực rỡ, mà chỉ là một vật thể nhỏ nhoi: tia, sợi, vệt. Dẫu vậy, khác với cái nắng thụ động của Thạch Lam, nắng của Đặng Thơ Thơ hoàn toàn chủ động. 

Nắng ở ngạch cửa, đã bò vào tận giữa phòng, luồn dưới bàn viết. Tôi đu đưa chân qua lại giữa luồng nắng, những sợi nắng không chịu nằm yên trên sàn, chúng bám vào chân tôi như muốn lôi kéo. Tôi nhìn ra ngoài, xem nó đến từ đâu: nắng ở đằng sau rặng cây sát bao lơn, trong vòm cây gió đang thì thầm, bầy chim đang hát đồng ca, những âm thanh tạt qua theo luồng gió như đang rủ rê, đang hứa hẹn nhiều điều. Tôi lại nhìn xuống chân, nắng vẫn ở đấy, không chịu đi xa nữa, cũng không chịu lùi bước, quấn quít, níu kéo, rủ rê. Tôi dứng dậy, theo vạch nắng nối từ chân ra cửa. Cũng có thể những sợi nắng cuốn lấy tôi kéo băng ra ngoài. Tôi muốn quay lại nhìn, xem nắng có còn nằm đó không, hay đang cuốn lại như một tấm thảm dưới bước đi… Nhưng không kịp, một mãnh lực đẩy tôi ra khỏi phòng, tuột theo cầu thang, thả tôi xuống giữa hè phố.”

Sự khác nhau giữa hai thứ nắng thật rõ rệt. Trong lúc nắng vườn của Thạch Lam là khung cảnh thiên nhiên hiện ra một cách hồn nhiên dưới ánh sáng mặt trời, thì nắng phố – mà lại phố ở Hoa Kỳ – của Đặng Thơ Thơ biết “bò”, “luồn”, “bám”, “quấn quít”, “níu kéo”, “rủ rê” và “cuốn lấy” tác giả lôi ra ngoài…phố. Cách diễn đạt của cô cháu nghe “hiện đại” hơn ông ngoại và chính vì thế, cô đã làm cho nắng cũng “hiện đại” hơn. Khung cảnh khác, nắng khác theo. Nắng Thạch Lam dịu dàng, tràn trề không gian và dù có tiếng động đâu đó ở chung quanh, nhưng vẫn lặng lẽ. Nắng Đặng Thơ Thơ thiếu không gian nhưng đầy người, đầy âm thanh và tuy chậm rãi, nhưng lại rất vội vàng. Không gian Thạch Lam là của thị giác (chỉ để nhìn) trong lúc không gian của Đặng Thơ Thơ là của thính giác (chỉ để nghe). Không gian nắng của Thạch Lam tĩnh trong lúc không gian nắng của Đặng Thơ Thơ động, vì thế, vào lúc cao điểm là nắng trưa, mọi sinh hoạt trên đường phố trở nên nhộn nhịp và rộn ràng.

Nắng mở ra một con đường mới giữa con đường của phố xá. Đường hẹp và chạy xiên xiên, xe cộ thả từ từ, từng đoàn người kéo ra từ một phòng tranh, dừng lại ở những cửa sổ của tiệm nữ trang và quần áo, đổ xuống những bãi cỏ và những quầy bán kem, rồi lại kéo vào một phòng triển lãm khác. Họ đi vừa vội vã vừa chậm rãi, và tôi nhận ra mình cũng đang chậm rãi trong sự vội vàng. Cứ như tất cả đang xảy ra cùng một nhịp độ, trong con phố này, vào giờ khắc này, như tất cả những bè của một bản nhạc, bè nhanh và bè chậm, dòng chẩy và dấu lặng, hòa hợp và đối chỏi…., tất cả cùng tấu lên những âm sắc riêng theo một tiếp điệu chung. Chỉ có những thằng bé trượt ván gỗ trên hè là đi lạc ngoài tiết tấu, nghe như tiếng lướt của dây đàn tây ban cầm…

Ở chốn đô thị, nắng có vẻ như hiếm hoi hơn, không bao la như ở chốn thôn dã. Nhân vật trong truyện bị nắng kéo đi, và thỉnh thoảng nó bị mất hút giữa những khối nhà, khiến nhân vật bối rối. “Tôi muốn tránh và tìm một lối đi khác, nhưng nắng lại đang trải qua lối đó, và bắt buộc nếu muốn đi theo nắng tôi phải đi ngang qua tiệm cà phê này.” (…) “Ánh nắng trở nên dịu nhạt khi có tiếng đàn luồn vào không khí, đoàn xe chuyển động rất chậm chạp- hầu như ứ đọng, những âm thanh khác như lùi lại thật xa phía sau lưng. Một nỗi buồn khôn tả dâng lên làm người tôi nao nao, xáo trộn.”

Nhưng rồi nắng từ từ bỏ đi: 

Con đường nắng mờ dần. Nắng lúc này đã chạy ra tuốt ngoài khơi, lấp lánh trên đường chân trời. Có lẽ nào nắng lừa tôi đến đây, rồi bỏ rơi tôi, để đi rong chơi trên biển? Hy vọng rằng nắng có thể kéo tôi ra khỏi tiếng đàn, dù rất mong manh, cũng bắt tôi tưởng tượng ra một cách đi theo nắng. Tôi ngửa mặt lên và nhắm hờ mắt lại, cuối cùng nắng chỉ còn là một sợi chỉ vàng óng vắt ngang, một sợi tơ nóng rực đè nặng lên mi. Trong khoảnh khắc này, sợi nắng chồng khít với đường chân trời, và chân trời cụ thể như một sợi dây nối đầu này với đầu kia của tầm mắt…”

Lại nắng chiều! Chẳng chút gì giống với nắng chiều của Thạch Lam.

Và cuối cùng, nắng biến mất. “Nắng đã tan biến hoàn toàn khi tôi về đến nhà, nhưng ảo ảnh của nắng vẫn còn vướng vất trong đầu.”  

*

Nắng là nắng, ở đâu và lúc nào cũng thế thôi. Ấy thế mà, khi đọc, ta có cảm tưởng như hai tác giả mô tả hai cái nắng khác nhau. Thạch Lam nói về nắng, thực ra, ông chỉ dùng nắng như là bối cảnh cho một mối tình nho nhỏ thoáng qua trong tuổi học trò. Đặng Thơ Thơ nói về nắng, thực ra, chỉ là nói về cái ảo ảnh của nhà văn trong quá trình xây dựng nhân vật hư cấu của một cấu trúc văn chương.

Y như thể cả hai nhà văn đang đánh lừa những người đọc chúng ta.

Nhưng văn chương là thế. Một sự đánh lừa thú vị!

(5/2023)

***

Hạ chí – đọc thơ hè

Ngày 20 hay 21/6 hàng năm là ngày “Hạ chí” (Summer solstice hay estival solstice), ngày mặt trời hiện diện trên bầu trời dài nhất trong năm ở Bắc bán cầu, báo hiệu lúc chuyển mùa. Hè về! 

Chẳng thế mà trong “Ngày hạ chí” của Trần Mộng Tú, những con chữ hớn hở reo vui:                   

ngày hạ chí như có ngàn nến thắp

soi buổi chiều trong suốt hồn em

anh đứng đó như mặt trời không tắt

tự nhóm than nung đỏ đời mình

Nhà thơ chào mặt trời, chào nắng và chào …người tình từ xa trở về. “Anh” là mặt trời, là nắng. Cả hai tự “nung đỏ đời mình” trong tình yêu ngay vào ngày đầu tiên, và có lẽ đi xuyên suốt hết, của mùa hè…2006. 

            Hè chan hòa nắng. Tia nắng, sợi nắng, ánh nắng, hoa nắng, làn nắng, màu nắng, nắng vàng, nắng tươi, nắng hồng, nắng ửng, nắng cựa, nắng xôn xao, nắng rung, nắng sáng, nắng lóa, nắng trong, nắng vui…Hình ảnh nắng hè vốn cũng đã đi vào thi ca tiến chiến. 

“Hè” của Đoàn Văn Cừ là một bức tranh vui:

Trưa hè nắng rọi vàng hoe
Nhà tranh khói bám, cổng tre gió lùa
Tàu cau xanh dưới trời lơ
Ngọn rơm vàng ánh gương hồ long lanh
Nước mưa trong, nước chum sành
Vườn cây lủng liểng bòng xanh, ổi hồng
(…) Trưa ngồi nghỉ bóng đa xanh
Sớm ra chợ đón gặt quanh các làng
Đêm thanh đập lúa, trăng vàng
Nến sao thắp trắng trên màn trời xanh

Hè, với nhà thơ này, ngày nắng đẹp, đêm trăng thanh. Trưa hè đã vui nhộn, êm đềm, thì “Trăng hè”, lại càng êm đềm hơn: từ con chó ngủ lơ mơ đến bóng cây bên hàng dậu; từ ông lão nằm giữa sân đến thằng cu đứng bên thành chõng, từ con mèo quyện dưới chân đến mấy cô gái gánh nước đêm, tất cả tạo thành một cảnh làng quê thanh bình, nhàn nhã: 

Tiếng võng trong nhà kẽo kẹt đưa,
Đầu thềm con chó ngủ lơ mơ,
Bóng cây lơi lả bên hàng dậu,
Đêm vắng, người im, cảnh lặng tờ.

Ông lão nằm chơi ở giữa sân,
Tàu cau lấp loáng ánh trăng ngân.
Thằng cu đứng vịn bên thành chõng,
Ngắm bóng con mèo quyện dưới chân.

Bên giếng, dăm cô gái xứ quê
Từng đàn vui vẻ rủ nhau về,
Trên vai nặng trĩu đôi thùng nước,
Kĩu kịt đi vào lối cổng tre.

Nhưng, khác với thứ nắng và trăng đáng yêu của nhà thơ họ Đoàn, nắng của Anh Thơ và Bàng Bá Lân đồng nghĩa với nóng. Cả hai nhà thơ này đều mô tả “Trưa hè” bằng những hình ảnh tiêu cực. Trước hết là Anh Thơ:

Trời trong biếc không qua mây gợn trắng,
Gió nồm nam lộng thổi cánh diều xa;
Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng,
Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua.

Trong thôn vắng, tiếng gà xao xác gáy,
Các bà già đưa võng hát, thiu thiu…
Những đĩ con ngồi buồn lê bắt chấy
Bên đàn ruồi rạc nắng hết hơi kêu. 

Không thấy nắng, chỉ thấy nóng. Dù khéo giấu, nhưng rõ ràng, nhà thơ không mặn mà gì với nắng (trưa) hè: lơ đãng, xao xác, thiu thiu, buồn lê, rời rạc. Cái gì trông cũng phờ phạc, mệt nhọc, chán nản, luời biếng. Không kém gì Anh Thơ, “Trưa hè” của Bàng Bá Lân, từ cái quán cũ, cánh diều cho đến chim chóc, cây trái và người đều rã rời, buồn bã:

Quán cũ nằm lười trong sóng nắng,
Bà hàng thưa khách ngủ thiu thiu
Nghe mồ hôi chảy đầm như tắm…
Đứng lặng trong mây một cánh diều.

Cành thưa, nắng tưới, chim không đứng;
Quả chín bâng khuâng rụng trước hè.
Vài cô về chợ buông quang thúng
Sửa lại vành khăn dưới bóng tre.

Thời gian dừng bước trên đồng vắng;
Lá ngập ngừng sa nhẹ lướt ao.
Như mơ đường khói lên trời nắng;
Trường học làng kia tiếng trống vào.

Nếu những nhà thơ chỉ bày tỏ tình cảm của mình chỉ bằng chữ, thì ở một lãnh vực nghệ thuật khác, âm nhạc, Hùng Lân pha âm thanh vào chữ. Cũng như Đoàn Văn Cừ, người nhạc sĩ này yêu nắng hè. Chả thế mà, giai điệu vui nhộn, phấn khởi của ca khúc “Hè về” đã gieo một không khí rộn ràng, lạc quan, yêu đời vào ký ức của hàng bao nhiêu thế hệ học sinh miền Nam ngày trước và tiếp tục kéo dài đến bây giờ. Câu hát khởi đầu “Trời hồng hồng sáng trong trong” vang vang trên đài phát thanh hồi đó nghe như khúc “điểm mùa”, báo hiệu những ngày nắng hè rực rỡ. Nếu đọc kỹ lời ca, ta thấy hiếm có ai ca ngợi nắng hè một cách dồi dào và hào phóng bằng nhạc sĩ Hùng Lân qua một ngôn ngữ khá trau chuốt và đẹp, đẹp hơn cả…thơ! Hùng Lân vừa viết nhạc, vừa làm thơ và vừa vẽ. “Hè về” là một bức tranh rạng rỡ, chứa chan hiện thực với cách dùng chữ gây nhiều ấn tượng: phượng “rung” nắng, gió “lọc” mầu mây, cánh chim “đo” bầu trời, lúa vàng “leo” dốc đồi, hương sen “ướp” gió:

Trời hồng hồng sáng trong trong
Ngàn phượng rung nắng ngoài song
Cành mềm mềm gió ru êm
lọc mầu mây bích
ngọc qua mầu duyên
(…) Bâng khuâng nghe nắng đùa mây trắng
đàn chim cánh đo trời

Phân vân đôi mái chèo lữ thứ
            thuyền ai biếng trôi
            Xa xa lớp lúa dồn cao sóng vàng
            leo dốc chân đồi
            Thanh thanh hương sen nồng
            ướp gió trắng khi chiều rơi
            Chắc không mấy ai lưu ý đến một chữ khá lạ trong ca khúc này: “trắng”. Tôi không rõ tác giả muốn nói cái gì trắng? Hương sen hay gió hay nắng hay buổi chiều, hay là tất cả tổng hợp lại?

Sau này, một nhạc sĩ khác, Trịnh Công Sơn, chính thức gọi mùa hè là “hạ trắng”.  Nắng làm trắng cả mùa hè và hè làm trắng cả mùa nắng. Trong thơ Trần Mộng Tú, nắng là “Anh” thì ở Trịnh Công Sơn, nắng là Em. Ông lên tiếng da diết gọi nắng và gọi em suốt cả mùa hè: 

Gọi nắng!
Trên vai em gầy
Đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn
Lòng hoa bướm say
Lối em đi về
Trời không có mây
Đường đi suốt mùa
Nắng lên thắp đầy
Gọi nắng!
Cho cơn mê chiều
Nhiều hoa trắng bay
Cho tay em dài
Gầy thêm nắng mai
Bước chân em về
Nào anh có hay
Gọi tên cho nắng
Chết trên sông dài

Nắng hè ấy thế mà khác nhau. Nắng Trần Mộng Tú nồng nàn; nắng Hùng Lân khỏe khoắn, tự tin, yêu đời, thứ nắng của đất trời vạn vật, hồn nhiên, vô tư và là “nắng thật”; còn nắng của Trịnh Công Sơn bâng khuâng, lãng đãng, chập chờn y như “nắng giả”, thứ nắng chỉ quấn quýt theo một hình bóng: nắng đậu trên vai gầy, nắng đuổi theo tà áo, nắng len qua mắt, nắng thắp đường đi, nắng rơi trên tay và nắng lịm chết trên sông dài. Trịnh Công Sơn còn có một thứ nắng khác, không phải nắng hè, mà là nắng thu: nắng thủy tinh. Rốt cuộc, nắng nào, với ông, cũng chỉ là người tình.

Khác với tất cả những nhà thơ và nhạc sĩ trên, Tô Thùy Yên đến với mùa hè bằng những hình ảnh khác, thấm đẫm cuộc nhân sinh. Qua “Vườn hạ”, ông mô tả buổi trưa hè bằng một thứ ngôn ngữ tân kỳ:

Trời cao mỏi mắt, chòm mây bạc
Thăm thẳm trưa, thời gian chết xanh
Ngoài quãng chói chang hư ảo múa
Dường như ai gọi ấu danh anh
Hàng cây đứng bóng ôm tròn gốc
Đất ẩm vương hương, cỏ trở màu

Thì cũng nắng và nóng trưa đó thôi, nhưng cách diễn đạt khiến cho ta cảm thấy bỡ ngỡ, y như được sống trong một khung cảnh xa lạ. Thăm thẳm trưa, thời gian chết xanh! Một câu thơ đẹp cả lời lẫn ý. Mùa hạ, với ông, là dịp đánh thức trong lòng những ký ức xa xôi thời còn trẻ dại. Suốt cả bài thơ là nỗi nhớ về những “hồn mùa cũ đọng xanh xao”, về “u minh ngày tháng, bóng lao đao”: cơn mưa, chú dế, con chó, tiếng ve, khúc hát, tiếng mõ…Cuối cùng, tất cả đều là nỗi tiếc nuối mênh mông:
            Em có tìm không mùa hạ trước?
            Chiếc vành xưa đánh lạc về đâu?
            Đám tranh thuở ấy cao là vậy
            Vành lạc, chân không, ngại bước vào…
          (Có thể có người không biết “chiếc vành” mà Tô Thùy Yên mô tả. Đó là một đồ chơi tự chế đơn giản làm bằng một thanh tre vót đều uốn thành một cái vành rồi cột hai đầu lại với nhau trông giống như bánh xe; trẻ con sử dụng một thanh tre khác, đẩy chiếc vành chạy quanh bằng cách cho nó tựa vào một sợi thép uốn thành hình chữ U cột ở phía đầu kia của thanh tre). Chiếc vành là hình ảnh sống động của tuổi thơ.

Đó là một mùa hè bình thường. Tô Thùy Yên còn có một mùa hè hết sức khác thường: Mùa hạn. Đó là tựa đề của một bài thơ làm ở trong nhà tù. Trong cơn hạn, nắng và nóng tịch thu hết cả sinh khí đất trời. 

  • Nắng kim khí chảy, đá rạn nứt
    Gió táp, rừng khô rụm, cát tràn
  • Sông hồ nẻ đáy, giếng vô vọng
  • Côn trùng kiệt sức lìa hang ổ
  • Cây đa râu tóc già thiên cổ
    Trụi lá, trơ cành, xương nám đen

Tất cả, không còn gì, chỉ là cõi Chết! Mùa hạn của trời đất mà cũng là mùa hạn nhân sinh, hạn đổi đời, hạn thịnh suy, hạn thay ngôi đổi chủ. Dẫu vậy, những tù nhân vẫn không nguôi mơ ước. Mơ về “miền xanh bóng cây”, “nước giếng khơi”, “suối thần tiên”, “bóng chim huyền diệu”, “cụm mây hư ảo”, “trận gió thênh thang”…với tấm lòng bao la của những người không xem hận thù là dưỡng chất trần gian:

Những ai hôm trước từng gây tội
Hãy lắng tâm tha lấy lỗi mình
Tự tại, thời gian chôn chính nó
Đời lên lại mãi tựa bình minh

Trần Doãn Nho