Trần Doãn Nho: Tình bạn trong văn chương
Nói đến bạn, ta có “bạn tình”: hai người yêu nhau, “bạn học”: bạn cùng lớp hay cùng trường, “bạn đồng nghiệp”: bạn cùng một nghề, “bạn đồng khóa”: bạn cùng một khóa học (sư phạm, y tá, bác sĩ…), “bạn đồng ngũ”: bạn trong quân ngũ (bạn lính); “bạn vong niên”: bạn với người lớn tuổi; ngoài ra, còn có “bạn cà phê”: bạn đấu láo trong quán cà phê, “bạn cờ tướng”: bạn cùng chơi cờ tướng, vân vân và cuối cùng, “bạn văn”: bạn có cùng sở thích viết lách.
Người thường hay sử dụng chữ “bạn văn” này, theo tôi biết, là nhà văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012), mỗi khi ông có dịp đề cập đến những người làm thơ, viết văn hay biên khảo văn học quen biết, nhất là những người cộng tác với tạp chí Văn Học hải ngoại (California, Hoa Kỳ) mà ông làm chủ bút trong một thời gian dài. Về sau, ông đã dùng nó làm tựa đề cho tập tạp bút, qua đó, ông giới thiệu hàng chục tác phẩm của những “bạn văn” của ông: “Bạn Văn, Một Thuở…” (2005). Một tác giả khác, nhà văn Nguyễn Quang Lập (còn được gọi một cách thân mật là Bọ Lập), cũng sử dụng hai chữ này làm tựa đề cho tập tạp bút “Bạn Văn I” (2011), “viết về chân dung các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, diễn viên… mà tác giả từng gặp gỡ, chuyện trò, nhậu nhẹt, tri âm, ân oán… ngoài đời thường.”
Nói chung, hai chữ “bạn văn” nghe tích cực, về chữ cũng như về nghĩa. Nó gợi lên thứ tình bạn trong văn chương, là mối quan hệ thân thiết, ngọt ngào, phản ảnh những nét đẹp nào đó giữa những người chuyên môn tạo ra thế giới hư cấu. Có lẽ vì thế mà trang mạng “Encyclopedia.com” dùng chữ “literary friendships” (tình bạn văn chương),[1] thay vì “literary friends”, dịch từng chữ một của “bạn văn” trong tiếng Việt. Tuy hành vi sáng tác, trong bản chất, là một công việc cô lập – tự mình mình biết tự mình mình hay – hiểu trên cả hai ý nghĩa tinh thần và vật chất, người viết luôn luôn cần bạn văn để có thể hoàn tất tác phẩm của mình.
Có nhiều loại “bạn văn”.
Trước hết, “bạn văn” đầu tiên của bất cứ người cầm bút nào, chính là các tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ tên tuổi được đăng tải trên sách vở, báo chí. Dù chỉ là những con chữ câm lặng trên giấy hay trên màn hình, đó là những người bạn chân tình, lý thú, luôn sẵn sàng trợ giúp người viết hoàn toàn miễn phí, khi cần. Không ai, kể cả những thiên tài, có thể tự mình tạo ra được một tác phẩm. Để viết được, trước hết, họ phải học bằng cách đọc, đọc thật nhiều. Đọc, tập tễnh viết và rồi từ đó, mới tìm ra con đường viết lách của riêng mình. Với tôi, kinh nghiệm viết cũng chính là kinh nghiệm “bắt chước”: bắt chước cách hành văn, bắt chước cấu trúc cốt truyện, bắt chước hình thức đối thoại; bắt chước cách cấu tạo vần, điệu, bắt chước cách diễn tả hay cách sử dụng ngôn ngữ; bắt chước cách lập luận, cách sưu khảo tài liệu. Vân vân và vân vân.
“Bạn văn” còn là những người phụ trách biên tập của các nhà xuất bản hay chủ bút của các tạp chí văn chương. Họ có thể là nhà văn, nhưng đôi khi, có người chẳng hề viết văn. Họ là độc giả, một loại độc giả đặc biệt, độc giả đầu tiên của một tác phẩm mới. Họ vừa đọc như một độc giả bình thường lại vừa đọc như một nhà nghiên cứu và phê bình văn chương nghiêm túc. Từ đó, họ đưa ra những nhận xét, những góp ý và đề nghị các sửa chữa cần thiết, giúp tác giả khắc phục khuyết điểm và phát huy ưu điểm của tác phẩm của mình. Không những thế, họ còn là những người khuyến khích, thúc đẩy tinh thần sáng tạo và cho ra đời những tác phẩm mới. Nhiều “tác giả lớn” cũng như nhiều “tác phẩm lớn” là thành quả của những “bạn văn” ít ai biết đến như thế. Chẳng hạn như Jérôme Lindon, giám đốc điều hành của “Minuit”, một trong những nhà xuất bản lớn ở Pháp. Tuy không phải là nhà văn, nhưng ông là người hộ sinh cho những thiên tài (un accoucheur de génie), theo cách gọi của văn giới Pháp. Ông được xem như người đã “phát hiện” ra trào lưu Tiểu Thuyết Mới (Nouveau Roman) ở Pháp gồm những tác giả một thời đình đám như Alain Robbe-Grillet, Samuel Beckett, Nathalie Sarraute, Michel Butor, Claude Ollier, Jean Ricardou, Claude Simon, trong số đó, có hai tác giả đoạt giải Nobel văn chương: Samuel Beckett và Claude Simon. Ngoài ra, ông cũng là người đã xuất bản tác phẩm tạo nên một trong những thành công lớn nhất của ngành xuất bản Pháp: “L’Amant” (Ngưòi Tình) của Marguerite Duras, với số bán được lên đến 1,2 triệu ấn bản. Ở Việt Nam, tôi nghĩ đến hai khuôn mặt: một là ông Lê Ngộ Châu, chủ nhiệm nguyệt san Bách Khoa – người không hề viết văn – và người kia là Trần Phong Giao, thư ký tòa soạn tạp chí “Văn”. Với tư cách là người chăm sóc, điều hành hai tạp chí văn chương lớn ở Sài Gòn trước 1975, cả hai đều là những người đã góp công sức rất nhiều tạo ra một số khá nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng một thời của Văn Học Miền Nam, như Nguyễn Thị Hoàng, Hoàng Ngọc Tuấn, Trần Hoài Thư, Y Uyên…
“Bạn văn” còn có thể là những bậc “đàn anh” (về tuổi tác cũng như về tay nghề), những người đã thành đạt trên đường văn chương hay nếu không, cũng là những người đã có nhiều kinh nghiệm viết lách, sẵn sàng giúp đỡ cho “đàn em” mới chân ướt chân ráo bước vào con đường sáng tác bằng cách hướng dẫn hay góp ý, đề nghị những chỉnh sửa cần thiết cho những tác phẩm còn non tay, tạo cơ hội cho chúng góp mặt với văn đàn.
Và cuối cùng, “bạn văn” cụ thể nhất chính là những người trực tiếp viết văn, có tác phẩm xuất hiện đều đặn trên các tạp chí. Tác phẩm là trung gian móc nối quan hệ giữa nhà văn này và nhà văn khác. Quan hệ đó được hình thành không phải bằng những kỷ niệm ngoài đời, mà bằng thế giới hư cấu. Họ đọc nhau, họ hiểu nhau, chia xẻ tâm tình, quan điểm cũng như các thủ pháp nghệ thuật của nhau để cùng góp phần làm cho thế giới văn chương trở nên đa dạng và phong phú. Hầu hết những “bạn văn” của tôi đều là những người tôi kết bạn với tác phẩm của họ trước khi gặp nhau và trở thành bạn thật, thậm chí là bạn rất thân. Tôi đã từng tiếp đón nhiều bạn văn (cũ cũng như mới) như thế tại nhà mình. Ngược lại, tôi cũng đã từng được nhiều bạn văn tiếp đón một cách thân tình tại nhà họ khi tôi có dịp ghé qua thành phố nơi họ cư ngụ. Điều thú vị nhất là, dù mới tiếp xúc lần đầu tiên trong đời, chúng tôi đều có cảm giác như đã thân nhau từ trước. Một sự chan hòa thú vị: “bạn” là “văn” mà “văn” cũng là “bạn”.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã từng gọi hiện tượng đó cái “lộc văn chương”.
Chắc chắn bất cứ người viết lách nào cũng đều đã từng được hưởng thứ lộc trời cho đó, theo tôi!
*
Nhưng bạn văn không luôn luôn mang tính cách tích cực như thế.
Vì sao? Bất chấp phẩm chất cao quý mà các tác phẩm của họ mang lại, vẫn tồn tại một hiện tượng đáng buồn giữa một số nhà văn: sự đố kỵ hay hiềm khích lẫn nhau về quan điểm, về tài năng, về danh tiếng và về những chuyện linh tinh lỉnh kỉnh khác. Có khi đó chỉ là mối bất bình ngấm ngầm, nhưng cũng có khi, nó bùng nổ, đưa đến chỗ nhà văn này bôi bác nhà văn kia một cách công khai trên văn đàn. Chẳng hạn, Ernest Hemingway rủa sả F. Scott Fitzgerald sau khi ông này chết: “Tôi chả bao giờ có chút kính trọng nào đối với ông ta, ngoại trừ thứ tài năng đáng yêu, quý giá và lãng phí của ông ấy.” William Faulkner thì chê Hemingway là không biết dùng chữ độc đáo, mới mẻ để tạo sự ngạc nhiên cho độc giả. Không những chê, có lúc họ còn “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” với nhau, chẳng hạn như giữa Hemingway và Gore Vidal hay giữa Mario Vargas Llosa và Gabriel Garcia Marquez. Vân vân.
Nhưng có lẽ không có đôi bạn văn nào mà tình bạn cũng như sự hiềm khích giữa họ với nhau để lại một dấu ấn khó phai mờ trong văn giới như Jean-Paul Sartre (1905-1980) và Albert Camus (1913-1960).
Sartre, triết gia và nhà văn, Camus, nhà văn và nhà tư tưởng, là hai “siêu sao” của văn chương Pháp và văn chương thế giới vào giữa thế kỷ thứ 20. Cả hai đều đã từng đoạt giải Nobel văn chương, Camus vào năm 1957 và Sartre vào năm 1964. Hai người gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1943 tại Paris – lúc đó đang nằm dưới quyền cai trị của Đức Quốc Xã – trong buổi trình diễn vở kịch “Những Ruồi” (Les mouches) của Sartre. Sartre đã là một triết gia vang danh từ lâu; còn Camus thì là một ngôi sao vừa xuất hiện trên bầu trời văn chương với hai tác phẩm ngoại hạng ra đời một năm trước đó (1942): “L’étranger” (Người Xa Lạ), tiểu thuyết, và “Le mythe de Sisyphe” (Huyền Thoại Sisyphe), tập tiểu luận. Theo lời kể của Simone de Beauvoir – người yêu của Sartre -, khi Sartre đang đứng ở phòng đợi, thì một thanh niên da ngăm ngăm tiến đến và tự giới thiệu mình là Camus. Đã từng đọc nhau nên vừa gặp nhau là cả hai quấn lấy nhau và rồi trở thành đôi bạn văn thân thiết, thân thiết đến độ Beauvoir phải ganh tỵ. Theo bà, Camus và bà như “hai con chó giành nhau một miếng xương,” là Sartre.
Sartre và Camus là một cặp đôi trái ngược (an odd-looking pair). Về thể hình, Sartre thì thấp, mập, mắt vảy cá (wall-eye), nói chung là xấu trai, trong lúc Camus thì cao, thon thả, đẹp trai như tài tử xi nê. Trong lúc đó, về gia thế, Sartre xuất thân từ một gia đình trung lưu, tốt nghiệp từ Sorbonne, ngôi trường danh giá nhất nước Pháp; còn Camus thuộc thế hệ thứ ba của một gia đình thợ thuyền định cư ở Algeria, bị gọi một cách mỉa mai là dân “pieds-noirs”, cha mất sớm, sống với một bà mẹ điếc lác. Tuy vậy, trọng tài nhau, hai người bạn văn này tích cực hỗ trợ lẫn nhau trong các sinh hoạt văn chương. Sartre mời Camus dàn dựng và đóng vai diễn trong vở kịch “Huis Clos” (Kín Cửa) của mình. Camus thì mời Sartre đi Mỹ để viết bài cho “Combat”, tờ báo do Camus chủ trương. Sartre đánh giá cao văn chương Camus. Theo Sartre, tuy nói lên những điều u ám, các tác phẩm của Camus “cố gắng khắc họa thân phận siêu hình của con người trong khi tham gia đầy đủ vào các phong trào của xã hội”, do đó, chứa đựng những nét chính của văn học Pháp trong tương lai.
Một mối giao tình bền vững!
Ấy thế mà, sau một thời gian thân thiết, hai người quay sang đánh phá lẫn nhau, khiến tình bạn đổ vỡ, tạo nên một cơn địa chấn văn hóa trong dư luận thời bấy giờ. Mối hiềm khích giữa hai người không xuất phát từ những mâu thuẫn lặt vặt trong đời sống, nhưng là một cuộc tranh cãi gay gắt về triết lý liên quan đến hai xu thế chính của thời đại, về văn chương cũng như về xã hội và chính trị. Thực ra, từ lâu trước đó, bên ngoài những lời ngợi khen nhau, đã có chỉ dấu cho thấy sự bất đồng quan điểm giữa hai nhà tư tưởng. Cả hai đều thuộc xu hướng hiện sinh, nhưng Camus phủ nhận mình thuộc vào thứ “chủ nghĩa hiện sinh” (existentialism) của Sartre. Người ta thường mệnh danh tư tưởng của ông là “chủ nghĩa phi lý” (absurdism), xuất phát từ những ý tưởng nòng cốt được diễn tả trong “Le mythe de Sisiphe”; và Camus không hề bài bác cách gọi này. Khi viết bài điểm sách “Le mythe de sisiphe”, Sartre xem tác phẩm của Camus nằm trong truyền thống của những nhà luân lý kiểu Pháp, thứ truyền thống mà Sartre cực lực phê phán. Còn Camus, trong một lá thư gửi cho một người bạn vào thời gian này, cho rằng, dù hầu hết những lời bình phẩm của Sartre về tác phẩm của mình đều công minh, nhưng ông không thích cái giọng văn “chua chát” (acid tone) trong cách viết của Sartre. Camus cho biết ông có nhiều quan điểm khác biệt với Sartre, nhưng vẫn bênh vực Sartre chỉ vì không thể chấp nhận cách mà những người khác chống lại Sartre.
Tuy nhiên, sự bất đồng chính giữa hai người nằm ở xu hướng chính trị. Đúng hơn là ở tương quan giữa đạo đức và chính trị. Với Camus, chính trị lệ thuộc vào đạo đức, trong lúc với Sartre, đạo đức lệ thuộc vào chính trị. Sự khác biệt giữa hai bên càng ngày càng chồng chất, mà ngòi nổ đầu tiên nằm ở tác phẩm “L’homme révolté” (Con Người Nổi Loạn) của Camus, xuất bản vào năm 1951. Sự xuất hiện của tác phẩm này như một trái bom tấn cuối cùng ném xuống, chấm dứt vĩnh viễn tình bạn giữa hai người. Trong tác phẩm này, Camus phân biệt giữa “người nổi loạn” (révolté) và “người cách mạng” (revolutionaire). Theo ông, làm cách mạng tất yếu sẽ dẫn đến chế độ độc tài toàn trị, và sự chuyên quyền của nhà nước sẽ đưa đến chính sách khủng bố và đày đọa người dân. Chế độ khủng bố của nhóm Robespierre thời cách mạng Pháp và nhà tù của chính quyền Nga Sô Viết không phải là ngẫu nhiên mà là hậu quả của ý thức hệ cách mạng. Trong lúc đó, nổi loạn là sự bùng nổ ngẫu nhiên bắt nguồn từ sự phản kháng bất công, đòi hỏi thay đổi, chứ không nằm trong một kế hoạch tiền định. Qua tác phẩm, Camus bày tỏ thẳng thắng quan điểm chống chủ nghĩa cộng sản của mình.
Trong lúc đó, Sartre ca ngợi chế độ Stalin của Liên Xô. Sartre tấn công một cách quyết liệt “L’homme révolté” trên tờ “Les temps Modernes” của mình. Trái hẳn với Camus, Sartre quả quyết rằng cách mạng phải đi đôi với bạo lực. Cách mạng cần bạo lực để hoàn thành mục tiêu của nó. Do đó, bạo lực là công cụ cần thiết và hợp lý của chính nghĩa. Ngược lại, Camus cho rằng, thay vì cứu giúp nhân loại, cái gọi là ý thức hệ bạo lực cách mạng sẽ đưa nhân loại đến chỗ chịu nhiều khổ đau hơn. Người nổi loạn là người chống bất công, đòi hỏi cải cách, thay vì xây dựng một chế độ toàn trị. Camus chế giễu Sartre là loại trí thức cách biệt (detached intellectual), sống trong tháp ngà. Còn Sartre thì chê Camus không đủ trình độ để đọc “Tồn tại và hư vô” (L’être et le néant), là tác phẩm triết lý chuyên sâu của Sartre. Không những thế, ở chỗ riêng tư, Sartre xem Camus chỉ là một thứ “thầy giáo làng” (schoolteacher), chẳng biết gì triết lý. Nói chung, Sartre luôn cảm thấy mình là người cao hơn Camus, về cả học vấn lẫn gốc gác và sự tinh tế, thông thái.
Có lẽ cuộc tranh cãi của hai “siêu sao” này sẽ vẫn còn tiếp diễn, nếu không có một biến cố bi thảm xảy ra vào ngày 4 tháng 1 năm 1960: Albert Camus bị tai nạn xe hơi, chết, lúc đó, ông mới 46 tuổi.
Trong lời ai điếu công bố trên tờ France Observateur ba ngày sau đó (7/1/1960), Jean-Paul Sartre cho rằng, dù hai người đã cãi vã nhau dữ dội, nhưng “cuộc cãi vã của chúng tôi chỉ là một cách khác để chung sống và không đánh mất nhau trong thế giới nhỏ bé, chật hẹp được trao cho chúng tôi.” [2] Ông nhấn mạnh Albert Camus là một trong những nhà trí thức vĩ đại nhất của thế kỷ 20, có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các nhà tư tưởng khác cùng thời. “Chúng ta đã hoặc ủng hộ hoặc chống lại tư tưởng của ông, nhưng luôn luôn sống thông qua nó,” [3] theo Sartre.
Xem như tình bạn Sartre-Camus đã được phục hồi. Dẫu quá muộn!
Trần Doãn Nho
(10/2024)
——————-
[1] Encyclopedia.com
[2] Notre querelle était tout juste une autre manière de vivre ensemble et sans se perdre de vue dans le petit monde étroit qui nous est donné.
[3] On vivait pour ou contre sa pensée, mais toujours à travers elle.
Tham khảo:
– Encyclopedia: Literary Frienships
– Albert Camus vs. Jean-Paul Sartre: Their Friendship and the Bitter Feud That Ended It:
– Greg Stone: Why Camus Was Not An Existentialist
– Jérôme Lindon, qua các nhật báo Le Monde các ngày 12,13 và 14/4/2001
– Tribute To Albert Camus By Jean-Paul Sartre From Camus: A Collection Of Critical Essays