Trần Hữu Thục: Annie Ernaux – viết cái sống, sống cái viết
– Écrire sa vie, vivre son écriture.
(Viết cái [mình] sống, sống cái [mình] viết)- J’écris mes histoires d’amour et je vis mes livres.
(Tôi viết chuyện tình tôi và tôi sống tác phẩm tôi)
Annie Ernaux
Annie Ernaux, Nobel Văn Chương 2022!
Với vinh dự này, Ernaux trở thành nhà văn nữ đầu tiên trong số 16 nhà văn Pháp, và là nhà văn nữ thứ 17 trên toàn thế giới, đoạt giải thưởng này. Nhận định về sự nghiệp văn chương của Ernaux, Ban Giám Khảo Hàn Lâm Viện Thụy Điển cho rằng nhờ “sự nhạy bén trực tiếp” (clinical acuity) từ nhiều góc độ khác nhau, nhà văn Ernaux đã khám phá ra “gốc rễ, sự cách biệt và những hạn chế tập thể của ký ức cá nhân” và từ đó, bà “khảo sát cuộc đời đầy dấu ấn của những cách biệt mạnh mẽ về phái tính, ngôn ngữ và giai cấp.” [1]
Khác với mọi năm trước, giải Nobel văn chương năm nay không gây ra những tranh cãi gay gắt. Dư luận khắp nơi gần như lặng lẽ tán thành quyết định của Hàn Lâm Viện Thụy Điển. Tạp chí “The New Yorker” cho đi một bài viết ca ngợi tài năng của Ernaux với tựa đề: “Annie Ernaux’s Justly Deserved Nobel” (Annie Ernaux hoàn toàn xứng đáng đoạt giải Nobel). [2] Nhà văn Jacques Testard, giám đốc nhà xuất bản Fitzcarraldo Editions, chuyên xuất bản những tác phẩm dịch ra tiếng Anh, xem bà là một nhà văn “ngoại hạng và độc đáo” và là “một nhà văn nữ quyền đương đại quan trọng.” Riêng Ernaux, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Thụy Điển không lâu sau khi nhận được tin đoạt giải, bà cho biết, “Tôi xem đây là một vinh dự lớn lao mà Hàn Lâm Viện dành cho tôi và đồng thời, đối với tôi, cũng là trao cho tôi một trách nhiệm lớn lao. Đó là làm chứng nhân cho công bằng, cho công lý, đối với thế giới.”
Annie Thérèse Blanche Ernaux sinh ngày 1/9/1940 tại Lillebonne trong một gia đình công nhân. Bà trải qua thời thơ ấu và trưởng thành tại Yvetot, thuộc vùng Haute-Normandie, Pháp. Ở đây, cha mẹ bà mở một tiệm tạp hóa-cà phê nhỏ với một lợi tức khiêm nhường vừa đủ sống và đủ tài trợ cho đứa con gái duy nhất trong gia đình, theo học cấp 2 ở một trường tư thục Công giáo, nơi mà sau này khi nhớ lại, bà không quên cảm giác hổ thẹn vì mặc cảm thua kém những học sinh khác thuộc các gia đình trung lưu. Sau khi tốt nghiệp trung học, bà theo học tại đại học Rouen rồi sau đó là đại học Bordeaux, tốt nghiệp thạc sĩ ngành văn học hiện đại vào năm 1971. Ra trường, bà lần lượt giảng dạy tại trường trung học Bonneville, trường đại học Évire ở Annecy-le-Vieux rồi ở Pontoise, trước khi chuyển về “National Centre for Distance Education”, một trung tâm giáo dục dạy từ xa. Năm 1964, bà lấy Philippe Ernaux, một công chức cao cấp và có với nhau hai người con. Họ ly dị vào năm 1981. Từ năm 1994 đến 1997, bà dan díu tình ái với một sinh viên kém hơn bà đến 30 tuổi. Đề cập đến mối tình so le này, bà cho biết, “Với chồng tôi ngày xưa, tôi chỉ là một cô gái dân dã, lần này, đối với chàng sinh viên này, tôi là một kẻ trưởng giả.”
Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, ngay từ nhỏ, bà đã chứng kiến đủ mọi loại sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của tầng lớp người nghèo khổ; điều này giúp bà ý thức sâu sắc về sự phân chia giai cấp trong xã hội. Nhưng lớn lên, do được học hành tới nơi tới chốn và cũng do hôn nhân (lấy một người chồng có địa vị), rồi trở thành nhà giáo và nhà văn nổi tiếng, từ giai cấp bị trị bà leo dần lên giai cấp thống trị. Quá trình thay đổi đó khiến bà vừa thích thú lại vừa hổ thẹn, cảm thấy mình như một “kẻ đào ngũ giai cấp” (transfuge de classe)[3]. Cảm giác mất gốc, lưu vong và bội phản đeo đẳng khiến cho bà, một mặt luôn luôn sống trong tình trạng căng thẳng, xung đột, nhưng mặt khác, lại là động lực thúc đẩy cảm hứng văn chương. Với hàng chục tác phẩm gồm truyện dài, truyện ngắn, kịch, truyện phim cũng như tiểu luận, Annie Ernaux đã góp phần lớn lao thúc đẩy sự tiến triển của văn chương Pháp và văn chương thế giới, theo nhận định chung của các nhà nghiên cứu văn học.
Sau đây là vài nét tiêu biểu về sự nghiệp cũng như quan niệm của Annie Ernaux về văn chương.
Tác phẩm
Ernaux là nhà văn nổi tiếng, được đọc và được nghiên cứu từ rất lâu ở Pháp. Một số tác phẩm của bà đã được dịch sang tiếng Anh và được nghiên cứu từ những thập niên 1980, 1990 ở trong giới đại học Hoa Kỳ, nhưng mãi đến khi phiên bản tiếng Anh “The Years” (Les années) xuất bản vào năm 2017 và sau đó, lọt vào vòng sơ kết giải “International Man Booker” 2019, tên tuổi của bà mới có cơ hội phổ biến ở Hoa Kỳ, Anh và nhiều nước khác trên thế giới.
Tiểu thuyết đầu tay “Les armoires vides” (Những chiếc tủ trống không, 1974), đề cập đến chuyện phá thai vào thời điểm phá thai vẫn còn bất hợp pháp ở Pháp, không gây được tiếng vang nào. Hai tác phẩm kế tiếp, “Ce qu’ils disent ou rien” (Hoặc nói hoặc chẳng nói gì, 1977), diễn tả những cảm giác vu vơ thời mới lớn của một thiếu nữ và “La femme gelée” (Người đàn bà đóng băng, 1981), mô tả sự bận rộn của người phụ nữ ba mươi tuổi bị “đóng băng” trong đủ thứ công việc hàng ngày: làm vợ, làm mẹ, soạn bài đi dạy…, cũng cùng chung số phận. Phải đến tác phẩm thứ tư, “La place” (Nơi chốn, 1983), dựng lại chân dung chân thực của người cha ít học, đã từng đi chăn bò rồi làm công nhân trước khi mở một cửa hàng nho nhỏ, bà mới có một chỗ đứng trên văn đàn. Tác phẩm được độc giả và giới phê bình nồng nhiệt ca ngợi, đoạt giải Renaudot, một giải văn chương Pháp dành cho các tác phẩm độc đáo và sáng tạo. Về nội dung, tác phẩm chứa đựng những đề tài cốt yếu, sẽ được dần dần phát triển trong những sáng tác về sau; và về hình thức, nó đánh dấu một sự thay đổi trong cách viết: từ hư cấu sang tự truyện.
Năm 1987, “Une femme” (Chuyện một người phụ nữ) ra đời, viết về người mẹ bị bệnh suy khờ, và qua đó, đề cập đến sự khác biệt về tình dục giữa hai thế hệ. Năm 1991, “Passion simple” mô tả nỗi ám ảnh của một chuyện tình mà bà có với một nhà ngoại giao, nhiều năm sau khi cuộc hôn nhân riêng của bà chấm dứt. Tác phẩm này được ca ngợi vì lối diễn tả tinh tế về sự căng thẳng giữa những gì người ta ước muốn và những gì người ta hiện có. Năm 1996, “La honte” xuất hiện, soi rõ nỗi thống khổ mà bà chịu đựng trong quá khứ qua hình ảnh nóng giận bất thường của cha bà đối với mẹ bà. Giới phê bình tìm thấy trong tác phẩm này một điểm khá lý thú. Dòng đầu tiên, “Mon père a voulu tuer ma mère un dimanche de juin, au début de l’après-midi” (Cha tôi đã muốn giết mẹ tôi vào vào đầu giờ chiều một ngày chủ nhật tháng Sáu) mang lại cảm giác dửng dưng, có chút tương tự với dòng đầu tiên trong “L’étranger” (Kẻ xa lạ), tác phẩm nổi tiếng của Albert Camus: “Aujourd’hui, maman est morte. Ou peut-être hier, je ne sais pas” (Hôm nay, mẹ chết. Cũng có thể là hôm qua, tôi chẳng biết).[4]
Với “L’événement” (Biến cố, 2003), bà trở lại với đề tài phá thai, nhưng được khai triển trên một nhãn quan khác, vì lúc đó phá thai đã đuợc hợp pháp hóa ở Pháp từ năm 1975. Tác phẩm này được dựng thành phim, đoạt giải “Golden Lion” tại “Venice International Film Festival” lần thứ 78 (2021).
Sau hàng thập niên khai quật quá khứ cá nhân trong nhiều tác phẩm khác nhau, năm 2008, Ernaux xuất bản “Les années” (Theo dòng năm tháng) được nhiều nhà phê bình xem là một kiệt tác. Tác phẩm đưa ra một cái nhìn mở rộng vào khung cảnh xã hội đã tạo nên bản thân bà: lịch sử cá nhân và tập thể đan bện vào nhau trong một nước Pháp hậu chiến, được viết theo lối tự sự từng năm từ 1940 đến 2006. “Les années” đoạt giải “Marguerite Duras” và giải “François Mauriac” và năm 2019, được tạp chí “Le Monde” xếp vào danh mục 100 tác phẩm văn chương sáng giá nhất của văn học Pháp. Đặc biệt, qua tác phẩm này, bà sáng tạo ra một thể loại văn chương mới: “tự truyện tập thể” (autobiographie collective).
Năm 2011, ba tác phẩm nối tiếp nhau ra đời: “L’autre fille” (Đứa con gái khác) dưới hình thức một lá thư mà Ernaux gửi đến người em gái (chết lúc mới 6 tuổi) của mình; “L’atelier noir” (Xưởng đen), tập hợp những ghi chép, dự định, suy tưởng về sự nghiệp viết văn và sáng tác; và “Ecrire la vie” (Viết về cuộc đời) tổng hợp hầu hết các bài viết cá nhân, sổ nhật ký và nhiều hình ảnh chưa từng công bố trước đó. Năm năm sau, 2016, Annie Ernaux xuất bản “Mémoire de fille” (Ký ức thiếu nữ), kể lại những kỷ niệm thời thiếu nữ, trong đó, kinh nghiệm tình dục đầu đời để lại một vết thương dậy thì sâu sắc khiến bà day dứt, hổ thẹn một thời gian dài về sau.
Tác phẩm mới nhất, “Le jeune homme” (Chàng trẻ tuổi), xuất bản năm 2022, đưa bà trở lại với mối tình với chàng sinh viên trẻ hơn bà 30 tuổi hàng chục năm trước, trong một ấn tượng mới mẻ: được sống trong cảm thức “vĩnh cửu và tàn tạ cùng một lúc.”[5]
Nhiều tác phẩm của Ernaux đã được dịch sang tiếng Anh, trong đó có: “A Woman’s Story” (Une femme), Cleaned Out (Les armoires vides), A Man’s Place (La place), Simple Passion (Passion simple), A Frozen Woman (La femme gelée), Shame (La honte), Happening (L’événement), The Years (Les années), Do What They Say or Else (Ce qu’ils disent ou rien)…
Hai tác phẩm của Ernaux đã được dịch sang tiếng Việt: “Một chỗ trong đời” (La place) do Nguyễn Thị Thúy An dịch (2015) và “Hồi ức thiếu nữ” (Mémoire de fille) do Bảo Chân dịch (2021).
Hư cấu, tự truyện và tự truyện tập thể
Có một sự tiến triển về cách viết trong sự nghiệp của Ernaux. Trước khi “Les années” ra đời với một kỹ thuật viết mới, Ernaux cho biết bà có hai hình thức viết: hư cấu và tự truyện.[6] Hai tác phẩm đầu, “Les armoires vides” và “Ce qu’ils disent ou rien”, dù chứa đựng rất nhiều những kỷ niệm cá nhân, nhưng vẫn là sản phẩm của hư cấu; tác phẩm thứ ba, “La femme gelée” mang tính cách chuyển tiếp: vừa hư cấu vừa tự truyện. Nói chung, trong cả ba, bà “phi hiện thực hóa” (s’irréaliser)[7] câu chuyện. Nhưng bắt đầu từ “La place”, bà thay đổi cách viết: mọi hư cấu đều bị gạt bỏ, tất cả các sự kiện đều được mô tả xác thực đến từng chi tiết [8], trong một cấu trúc phức tạp, qua đó, bà vừa viết vừa giải thích về cái viết (écriture). Nội dung diễn tả chi li về nguồn gốc xuất thân hèn kém của bà, điển hình là người cha ít học, cố gắng nuôi con thành đạt, thoát khỏi cuộc sống nghèo hèn, nhưng đồng thời lại mặc cảm khi thấy con mình trở thành người giàu sang thuộc một giai cấp xã hội đã từng khinh miệt ông. Đề tài này được tái hiện rải rác trong các tác phẩm sau, nhất là “Une femme” và “ La honte”.
Tiến trình viết, với Ernaux, trước hết, là tiến trình lục lọi ký ức. Ký ức hoạt động bằng cách tích lũy những biến cố gắn liền với chủ thể, phản chiếu một cách rõ ràng bản thân chủ thể đó. Bà cho rằng “Ký ức được truyền lại không chỉ xuyên qua những câu chuyện nhưng còn qua cách đi đứng, cách ngồi, cách nói chuyện, cách cười, cách ăn, cách ra dấu cho người khác, cách nắm giữ đồ vật, là một kho lưu giữ những thói quen, và cử chỉ được hình thành thời thơ ấu trên những cánh đồng và thời niên thiếu trong các hãng xưởng…”[9] Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh: Ernaux không xem ký ức chỉ là những hoài niệm để ta đi tìm dư vị và tiếc nuối vẩn vơ. Bà quan tâm đến kỷ niệm chỉ vì chúng là những bằng chứng cho những biến cố như thế đã xảy ra. Viết lại chúng một cách chi li, cụ thể cho phép người ta biến những kinh nghiệm sống động của quá khứ thành những điều có thể nhìn thấy và cảm thấy, nhất là kinh nghiệm đặc thù của người phụ nữ, thứ kinh nghiệm vốn bị cấm kỵ, bị dồn ép vào im lặng.
Thực ra, các tác phẩm của bà, kể cả ba tác phẩm đầu tiên, là một trộn lẫn giữa hồi ký và hư cấu. Đọc bà, thật khó mà phân biệt rõ giữa hư cấu và phi hư cấu, vì cả hai được bà cố tình tận dụng để tạo thành một đường biên nhập nhòe. Bà thử nghiệm giới hạn của việc viết bằng cách đẩy ngòi bút đến gần hiện thực được chừng nào hay chừng nấy, từ chuyện phá thai bất hợp pháp, hôn nhân bất ổn cho đến bệnh suy khờ, bệnh ung thư, chuyện ngoại tình, vân vân. Các đề tài được lặp đi lặp lại hay được tái cấu trúc trong các tác phẩm sau, qua đó, để lộ dần ra những kỹ xảo về mặt thể loại của riêng bà. Tham vọng xé toạc bức màn hư cấu dẫn bà đến chỗ sử dụng một lối văn xuôi không gọt giũa dưới hình thức nhật ký ghi lại những biến cố ngoại giới, đặc biệt được thể hiện qua các tác phẩm “Journal du dehors” (1993) và “La vie extérieure 1993–1999” (2000). Bà tự nhận mình là một “nhà dân tộc học về chính mình” (ethnologist of herself) hơn là một nhà văn hư cấu. Anders Olsson, Chủ tịch Ban Giám Khảo giải, cho rằng bà thường cố tránh hình thức “tô vẽ ký ức” (poetry of memory), một lối viết màu mè về những gì đã xảy ra trong đời mình. Điều này, theo ông, đưa cách viết của bà đến gần với ý niệm “độ không của lối viết” (zero degree of writing) của Roland Barthes. [10]
Ngoài ra, tác phẩm của bà pha trộn, không những giữa hư cấu và tự truyện, mà còn là giữa hư cấu, xã hội học và lịch sử. Lối viết này xuất hiện trong tác phẩm “Une femme”, dựng lại chân dung của mẹ bà: đó không chỉ là hình ảnh riêng biệt của một người sinh ra và nuôi dưỡng bà, mà còn là chân dung điển hình của người phụ nữ thuộc giai tầng nghèo khổ xuất hiện trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Thủ pháp nghệ thuật này cũng được sử dụng trong các tác phẩm kế tiếp:“La honte”, “L’événement” rồi “L’occupation” và được triển khai hoàn chỉnh trong một tác phẩm khác nhiều năm về sau, “Les années”, trở thành một trong những đặc điểm gắn liền với tên tuổi của bà: “tự truyện tập thể” (collective autobiography).
Là một kết hợp giữa tự truyện và quan sát xã hội học (observations sociologiques), “tự truyện tập thể” kể lại kinh nghiệm cá nhân trên cái nền của lịch sử, một thứ lịch sử vừa trong chính tính cách chính trị của nó, và vừa trong tiến trình chuyển đổi tập quán và quan niệm sống của xã hội. Lịch sử thời hậu chiến Pháp qua lăng kính chủ quan của bà, được kể, không phải bằng ngôi thứ nhất, “je”, mà là bằng những đại từ “người ta” (on), “chúng ta” (nous), và thỉnh thoảng “bà/cô ta” (elle) y như thế bà quan sát câu chuyện của một người khác. Nói khác đi, Ernaux thăm dò ký ức của bà không những từ cảm thức cá nhân mà còn từ những thay đổi lịch sử. Bà mang cả cái riêng và cái chung vào trong một tự truyện phi cá nhân. Chẳng hạn như những kỷ niệm gợi nên từ các bức ảnh trong cuốn album gia đình: chúng không chỉ nói về những riêng tư của một gia đình, mà còn về các câu chuyện xã hội và lịch sử được bàn tán trong các bữa ăn gia đình. Từ đó, bà đưa ra những suy tưởng của mình về các hoàn cảnh khác nhau mà bà đã sống qua, dưới hình thức của một tiểu luận xã hội (essai sociétal).[11]
Lối kể chuyện này không theo quy ước truyền thống xuyên qua dòng lịch sử, mà là bản liệt kê những chuyện bình thường, vặt vãnh hàng ngày: các chương trình truyền hình, các quảng cáo, những khuôn mặt nổi tiếng địa phương, vân vân. Cách kể này khiến độc giả có phần bối rối, nhưng theo các nhà nghiên cứu, quả thật là nó có hiệu quả. Nó cho thấy cái mà ta tưởng là của chỉ một cá nhân nào đó, thực ra, cũng là câu chuyện của cộng đồng, của những người cùng thế hệ đã sống và cùng chia xẻ những biến cố xã hội, chính trị, kinh tế diễn ra trong đời họ. Cái “tôi” mang tính cách “chúng ta”, vì các sự kiện diễn ra, dù lớn dù nhỏ, đều ảnh hưởng đến mọi người như nhau, chứ không chỉ cho riêng ai.[12] Bà viết về cá nhân bà với cái nhìn vô tư y như thể bà đang viết về một ai khác, y như thể đó là một nhân vật hư cấu. “Tự truyện tập thể”, như thế, là một hình thức khách-quan-hóa bản thân, đưa ra một cái nhìn kép: vừa chính mình, vừa không phải là mình.
Cách viết này nhắc tôi đến một vài cây bút nữ Việt Nam. Chẳng hạn truyện ngắn “Mataco, Ltd” [13] của Trần Thị NgH. Bằng một giọng văn tỉnh queo, truyện mô tả đám tang của bà mẹ già thượng thọ của mình mà trông như một hoạt cảnh xã hội bát nháo và từ đó, để lộ ra những nét bi, hài rất điển hình của cuộc nhân sinh. Hay truyện dài “Âm vọng”[14] của Lê Thị Thấm Vân. Trong một cấu trúc khá phức tạp, vừa tự truyện vừa nhật ký vừa hư cấu, Lê Thị Thấm Vân dựng lại chân dung của bốn người phụ nữ Việt Nam khác nhau vượt biển sang sinh sống ở Hoa Kỳ sau biến cố tháng 4/1975. Mỗi một người tự “lột trần” mình đến chỗ hầu như chẳng còn gì để lột thêm. Nói chung, đó là một thế giới rất riêng tư, rất đàn bà, rất sỗ sàng và phức tạp. Riêng tư trong từng góc hẹp, từng kẽ nứt của cuộc sống và của tâm hồn. Riêng tư đến nỗi, lẽ ra, nó chỉ nên được kể cho chính mình và suy gẫm hơn là đưa ra ngoài công chúng. Đó là một thế giới mà mọi thứ được lộn trái ra ngoài; một thể giới thật đến nỗi chỉ còn một cách là quay lưng, không nhìn nhận nó. Bốn người nhưng lại là một: thân phận của người phụ nữ trong cuộc biển dâu; mà cũng là thân phận của những người Việt Nam vật vã mưu sinh trong quá trình hội nhập đầy gian khổ và cay đắng vào xã hội Mỹ. Trong những điều hết sức riêng, Lê Thị Thấm Vân đã nêu bật nhiều cái rất chung.
Trở lại với “Les années”. Dưới một hình thức rất mới, nhưng cuối cùng, tác phẩm này mang lại một cảm thức rất cũ: thời gian. Tác phẩm mở đầu:
“Tất cả mọi hình ảnh rồi sẽ biến mất”;
và kết thúc:
“Sau khi chết, chúng ta sẽ chẳng còn gì ngoài một cái tên [thường được nhắc quanh bàn ăn ngày nghỉ lễ] cho đến khi chúng biến mất vào cái nặc danh mênh mông của một thế hệ xa xưa.” (…) “Bây giờ là lúc mang cho sự vắng mặt tương lai của nàng xuyên qua việc bắt đầu viết một tác phẩm, vẫn còn nằm trong dạng bản thảo của hàng ngàn ghi chú, đã sống cùng lúc với hiện hữu của nàng trong hai mươi năm qua và đã buộc nàng trải thời gian ra càng lúc càng dài.” Bà mong tác phẩm này sẽ lưu giữ được một chút gì để “vớt vát đôi điều từ giòng thời gian, nơi mà người ta sẽ không bao giờ tìm lại được.”
Nhà thơ Đức Durs Grünbein ca ngợi tác phẩm là một “thiên sử thi xã hội học” (sociological epic), qua đó, đời sống được hình thành bởi những câu chuyện được nghe, những bài ca được hát và những điều đã biến thành quy luật bất thành văn. Azarin Sadegh, trong một bài điểm sách đi trên “Los Angeles Review of Books”, nhận xét: “Đối với người đọc, những hình ảnh quá khứ tự chúng tiết lộ ra thành những hình thù gãy khúc, vụn vỡ với vô số lổ hổng trên chúng. Ta nhìn lướt qua đống hình ảnh và văn bản và cảm thấy bị chìm ngập trong quá khứ. Năm tháng cứ đến rồi trôi qua, và hầu hết những lúc sống động nhất – chỉ được bắt gặp trong các bức ảnh và từng phần trong ký ức – đã biến mất.” [15]
Cái “tôi”
Trong suốt năm thập niên với trên 20 tác phẩm, Ernaux viết về cha mẹ, về gốc gác gia đình, về các liên hệ xã hội, về ngôi nhà, cửa tiệm, về sự phá thai, về cuộc hành trình đời mình qua nhiều giai đoạn khác nhau một cách vừa kiêu hãnh, vừa đau đớn, giận dỗi, lại vừa hổ thẹn. Bằng văn chương, hầu hết đều dưới hình thức tự truyện kiểu này hay kiểu khác, bà đã chia xẻ tất cả những bí ẩn sâu kín nhất của đời bà với tất cả mọi người. Do đó, một trong những khía cạnh nổi bật trong các tác phẩm của Ernaux là vai trò của cái “tôi”. Bằng cách tập trung quanh cái “tôi”, Ernaux đã thực hiện “sự thánh hóa cái tự ngã” (sacralization of the self) [16], theo cách nói bóng bẩy của Jonathan Clarke.
Hai tác giả Nasim Khaghani & Neda Atash Vahidi, trong tiểu luận “Annie Ernaux à la recherche de son moi” (Annie Ernaux trên đường đi tìm chính mình) [17], nghiên cứu quá trình đi tìm lại cái tôi thất lạc của bà trong quá khứ, đặt vấn đề: cái tôi được sử dụng trong tác phẩm, “cái tôi văn bản” (le moi textuel), có liên hệ và liên hệ như thế nào với “cái tôi thực sự” (le moi réel) của tác giả ngoài đời?
Theo hai ông, nói chung, cái tôi thực sự của tác giả không thể tiếp cận với độc giả, vì đó là một thực thể siêu hình nằm ngoài văn bản. Mặt khác, về phương diện tâm lý, cái tôi của một cá nhân là một cấu trúc riêng biệt diễn ra trong một thế giới thực được ký ức tiếp sức. Trong tự truyện, cái tôi được xây dựng bằng ký ức vốn đã là một nghịch lý: nó không tách khỏi kỷ niệm, nhưng cùng lúc đó, nó không còn là người đã sống nội dung của những kỷ niệm này nữa. Do đó, người ta không thể tìm thấy cội nguồn của cái tôi thực sự trong “hiện thực tuyến tính” (réalité linéaire), tức là văn bản. Hai ông đồng ý với Ivan Jablonka, khi nhà văn này cho rằng “bảng kê khai về bản thân là một văn bản suy gẫm (texte réflexif), dưới hình thức một chứng nhân, nhằm soi sáng một hành trình, thuật lại một kinh nghiệm, làm sáng tỏ chuyện riêng tư, khởi đầu từ chính mình.”
Đây cũng chính là quan điểm của Ernaux. Bà khẳng định, “Cái ‘tôi’ mà tôi sử dụng là một hình thức phi cá nhân. Nó không là một phương tiện để tôi xây dựng căn cước của tôi xuyên qua văn bản, để tôi tự hư cấu mình, mà là để nắm bắt, bằng kinh nghiệm của mình, những dấu hiệu của một hiện thực gia đình, xã hội hay đam mê.” [18]
Cái tôi phi cá nhân (impersonnel) hoặc xuyên cá nhân (transpersonnel) hiện hữu vì công việc viết văn không phải nhằm khôi phục một cuộc đời mà là chuyển tải kinh nghiệm cá nhân đến mọi người. Tất cả mọi biến cố đau thương mà bà đã sống qua cũng đều được những phụ nữ khác sống qua, đó là hiện thực tập thể. Vì thế, tác giả khước từ chủ thể tính và quyết định hư vô hóa cái “tôi” bằng cách sử dụng cái “tôi nặc danh” (le je anonyme). Cái “tôi nặc danh” này là một cân bằng giữa cá nhân và cộng đồng. Tóm lại, theo hai tác giả, “cái tôi văn bản”, một cấu trúc văn chương bên trong các tác phẩm của Annie Ernaux, không gắn liền với “cái tôi thực sự” của bà. Bà nói rất nhiều về bản thân bà, nhưng thực sự, tác phẩm của bà là tác phẩm của thời đại bà. Bằng cách đào xới những kỷ niệm cá nhân, bà không có ý định giúp độc giả khám phá cái quá khứ rất riêng tư của mình, nhưng khi lặn sâu vào đó, và nhờ sự giúp đỡ của nó, bà có thể đi xa hơn, không những chỉ để có kiến thức về mình, mà hầu như kiến thức về thế giới. Chúng chứa đựng chân dung sắc nét của một cá nhân đồng thời cũng là chân dung của cả thời đại mà bà sống trong và sống với.
Cách viết
Annie Ernaux rất xem trọng văn phong, hay sử dụng chữ bà thường dùng, “cái viết”/“cách viết” (écriture). Bà đề cập đến cách viết rải rác trong các tác phẩm của mình và đặc biệt, trong một cuộc trò chuyện dài hơi với nhà văn Mexico gốc Pháp Frédéric-Yves Jeannet, về sau, năm 2022, in thành tác phẩm “L’écriture comme un couteau” (Viết như một con dao). [19]
Ernaux tập trung cái viết trên từng mảnh đời sống rời rạc, bình thường được tìm thấy trong các sinh hoạt xã hội: trong nhà, trên tàu điện, trong cửa hàng bình dân, hay trên những chuyển tàu qua lại hàng ngày…Đó là những kinh nghiệm cụ thể, sống động và để giữ được cái cụ thể và sống động đó, ta phải viết bằng một lời văn giản dị, không kiểu cách, không trau chuốt cầu kỳ, một thứ “văn phong phẳng” (écriture plate), liệt kê ra bề mặt của sự vật, ngay cả trong những lúc phẫn nộ, phũ phàng nhất của cuộc sống. Ngôn ngữ, theo bà, phải được sử dụng như một con dao để “xé toạc những bức màn chắn của tưởng tượng” và “mở mắt” người khác nhìn vào những bất bình đẳng xã hội. Do đó, bà không tìm cách tiếp cận chúng về mặt thẩm mỹ nghệ thuật. “Không hồi tưởng trữ tình, không mỉa mai trào phúng giễu cợt. Cách viết trung tính này đến với tôi một cách tự nhiên. Đó cũng là phong cách mà tôi đã sử dụng khi viết thư về nhà để kể cho cha mẹ những tin tức mới nhất” (La place). Bà cho biết, “Hư cấu là một hình thức. Viết là một hình thức. Theo thời gian, những hình thức mới xuất hiện…nhưng sự thật thì không thay đổi.”[20]
Bà đầu tư và sử dụng hình ảnh như là một nguồn thông tin đáng tin cậy của ý nghĩa hơn là mang vào những cảm xúc có tính cách quy ước. Bà “cố gắng nhìn đi nhìn lại từng hình ảnh một cho đến khi cảm thấy mình gắn chặt một cách cụ thể với nó, cho đến khi một vài chữ nhảy vọt ra, từ đó, tôi nói, ‘đấy đấy, đúng là nó rồi.” (…) “Tôi cố gắng làm hiện ra mỗi một trong những câu văn đã khắc sâu vào ký ức tôi, hoặc là quá sức chịu đựng hoặc quá dễ chịu, đến nỗi hôm nay chỉ mới nghĩ về chúng thôi cũng đã nhấn chìm tôi vào trong một đợt sóng khủng khiếp hay ngọt ngào.” [21]
Theo bà, “Căn bản mà nói, mục đích cuối cùng của cách viết, lý tưởng mà tôi khao khát, chính là suy tưởng và cảm nhận trong những người khác, như những người khác – những nhà văn, nhưng không chỉ nhà văn – đã suy nghĩ và được cảm nhận trong tôi.” [22] Vì thế, “viết là một đòi hỏi không thể ngừng nghỉ. Là sự ràng buộc hết câu này sang câu khác, hết tác phẩm này đến tác phẩm khác, nhằm soi rõ hiện thực, vươn tới chỗ hiểu biết và diễn đạt chân lý cuộc tồn sinh vốn khó có thể đạt được bằng phương cách khác.”[23] Chân lý là “danh từ dành cho cái ta tìm thấy, và là cái không ngừng tự che giấu mình.” Viết, do đó, là “khám phá những điều vốn không có đó trước khi viết.” Viết như là một dụng cụ của kiến thức và nghiên cứu, thoát thai từ một khao khát thúc đẩy bà thăm dò hiện thực bằng cách lột trần, xé toạc chúng một cách phũ phàng, không thương tiếc. Người ta thường tìm cách che đậy cái tục tĩu, cái tầm thường, cái bẩn thỉu. Còn theo bà, “Sống một sự vật, dù nó là thế nào chăng nữa, cho ta cái quyền bất khả xâm phạm để viết ra nó. Không có cái gì gọi là chân lý hạ đẳng cả. Và nếu tôi không đi đến tận cùng mối quan hệ của kinh nghiệm này, tôi sẽ góp phần làm lu mờ thực tế của phụ nữ và đứng về phía thống trị thế giới là đàn ông.”[24]
Quan niệm này làm tôi nhớ đến một đoạn đề cập đến chuyện viết trong “Âm vọng” của Lê Thị Thấm Vân:
“Viết, là tự khẳng định, xác nhận. Viết là khám phá. Viết, cần sự an ủi, chia sẻ. Viết, mong muốn được tự do. Viết, là niềm cảm khoái. Viết, tranh giành sự độc lập, tự quyết. Viết, trong thời cảnh hiện nay hiếm hoi nghĩ đến sư đền đáp. Viết, một ám ảnh lớn lao. Viết, là một cách nhận ra khả năng giới hạn của nhận thức, nhưng tưởng tượng thì không bao giờ cạn kiệt. Viết, nói lên sự chọn lựa cách thế sống, thái độ sống. Nhà văn, người sử dụng tiếng nói, ngôn ngữ. Ngôn ngữ là ma lực quyến rũ. Viết, chấp nhận nghịch lý. Viết, say mê tìm kiếm cái mất mát khi không thể mất mát. Viết, trò chuyện với bóng mình. Viết, đi tìm giọng nói của nữ giới. Viết, là rị mọ, lục lọi, tìm tòi, khám phá. Viết, tham lam sự có mặt của mình sau khi đã chết. Viết, cách thức tâm phân trị liệu. Viết, tìm lại ý nghĩa sự hiện hữu của mình trước những điều thiếu hụt. Viết, cũng là một cách tự huy diệt, bôi xóa. Viết, lựa chọn sự khó khăn, đồng thời không kém phần buồn tủi.” [25]
Trở lại với Ernaux.
Khi viết, “Tôi không thấy chữ, mà chỉ thấy sự vật.” [26]
“Viết là một hoạt động chính trị (activité politique), nó góp phần vào sự vạch trần bất công, tạo nên thay đổi.” Vì sao? Bà cho biết, “Tôi xuất thân từ môi trường bị trị, nhưng rồi sống trong thế giới thống trị, mà lại viết về cha tôi và về thế giới bị trị. Ngay trong sâu xa của quan niệm bảo thủ luôn luôn chứa đựng sự bất bình đẳng, luật mạnh được yếu thua và sự chọn lọc tự nhiên.”
“Tôi cảm thấy viết như là một con dao, hầu như là một vũ khí mà tôi cần.” [27]
Bà cho biết, bà bị truyền thông, dưới sự chi phối của đàn ông và những người sống ở Paris, lên án là tục tĩu hai lần (double obscénité): tục tĩu về tình dục và tục tĩu về phương diện xã hội. Bởi vì “tôi đã diễn tả những ham muốn của đàn bà một cách trần trụi, có tính tự truyện, chứ không hư cấu, lại không lãng mạn, nghĩa là không tìm cách che giấu một cách khôn khéo, cả về văn phong lẫn nội dung.”
Viết và sống liên hệ mật thiết với nhau. Viết là chuyển những gì thuộc về cái sống (le vécu) hay về cái tôi thành một cái gì hoàn toàn nằm ngoài cá nhân mà bà gọi là “transsubstantiation” (xuyên chất). Khi viết về ghen tuông chẳng hạn, bà không viết về “cái ghen của tôi” (ma jalousie) và là về “cái ghen” nói chung (de la jalousie).
Theo Annie Ernaux, chính sự kiện viết mang lại sự hiện hữu của hình thức viết. Vì khi viết, “tôi có ấn tượng sống trên hai bình diện cùng một lúc: bình diện sống và bình diện viết.”
Chẳng thế mà, bà không ngần ngại quả quyết:
“Viết cái [mình] sống và sống cái [mình] viết.” [28]
“Tôi viết chuyện tình tôi và tôi sống tác phẩm tôi.” [29] (người viết nhấn mạnh)
THT
(11/2022)
__________________
Tham khảo:
- Trang mạng “Nobel Prize”,
https://www.nobelprize.org/prizes/literature/2022/bio-bibliography
- Adam Gopnik, Annie Ernaux’s Justly Deserved Nobel,
https://www.newyorker.com/culture/cultural-comment/annie-ernauxs-justly-deserved-nobel
- Raphaëlle Leyris, Le prix Nobel de littérature 2022 attribué à l’écrivaine française Annie Ernaux,
- Jonathan Clarke, All Ego, No Boundaries,
https://www.city-journal.org/annie-ernaux-all-ego-no-boundaries
- Annie Ernaux, L’écriture comme un couteau, Entretiens avec Frédéric-Yves Jeannet (2003) (Amazon Kindle)
- Racha Mohamed Hassan El Enany, Stratégies d’écriture dans ”Les Années” d’Annie Ernaux
https://aafu.journals.ekb.eg/article_29834_f0b225b9bf3ccb9fa9c3db7649ad8fad.pdf
- Terry, The “Impersonal Autobiography” of Annie Ernaux
- Andrew Limbong (NPR), French writer Annie Ernaux wins 2022 Nobel Prize in literature
https://www.opb.org/article/2022/10/06/french-writer-annie-ernaux-wins-2022-nobel-prize-literature
- Nasim Khaghani & Neda Atash Vahidi, Annie Ernaux, A la recherche de son moi.
https://relf.ui.ac.ir/article_25025.html
- Dawn M. Cornelio, Towards a transpersonal ‘I’,
- Sam Sacks, Fiction: Annie Ernaux, An Ethnologist of Herself,
- Le Monde, Le prix Nobel de littérature 2022 attribué à l’écrivaine française Annie Ernaux,
https://www.lemonde.fr/international/article/2022/10/06/le-prix-nobel-de-litterature-attribue-a-la-romanciere-francaise-annie-ernaux_6144694_3210.htmlNathalie Crom, A E, Écrire la Vérité, Revue de deux mondes, Avril 2003, 165-113. Nathalie Crom, A E,Écrire la Vérité, Revue de deux mondes, Avril 2003, 165-168 (Jstor)__________________Ghi chú
[1] Trang mạng “Nobel Prize”, https://www.nobelprize.org/prizes/literature/2022/bio-bibliography/
[2]Adam Gopnik, Annie Ernaux’s Justly Deserved Nobel, https://www.newyorker.com/culture/cultural-comment/annie-ernauxs-justly-deserved-nobel
[3] Raphaëlle Leyris, Le prix Nobel de littérature 2022 attribué à l’écrivaine française Annie Ernaux
https://www.lemonde.fr/international/article/2022/10/06/le-prix-nobel-de-litterature-attribue-a-la-romanciere-francaise-annie-ernaux_6144694_3210.html
Jonathan Clarke, All Ego, No Boundaries,
https://www.city-journal.org/annie-ernaux-all-ego-no-boundaries
[4] Dẫn theo Jonathan Clarke, bđd.
[5] J’avais l’impression d’être éternelle et morte à la fois.
[6] Annie Ernaux, L’écriture comme un couteau, Entretiens avec Frédéric-Yves Jeannet (2003) (Amazon Kindle)tiểu mục L’écriture a deux formes pour moi.
[7] Annie Ernaux, sđd, tiểu mục “Dans le mot roman, je mettais littérature”.
[8]Annie Ernaux, sđd, (…) toute fictionnalisation des événements est écartée et que, sauf erreur de mémoire, ceux-ci sont véridiques dans tous leurs détails.
[9]Dẫn lại theo Alison L. Strayer (bản dịch Anh), trang mạng Vertigo:
https://sebald.wordpress.com/2020/02/24/the-impersonal-autobiography-of-annie-ernaux/
[10]Anders Olsson, trang mạng Nobel Prize. Về ý niệm “Độ không của lối viết”, xem bản dịch của Nguyên Ngọc:
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=2586&rb=08
[11] Xem Racha Mohamed Hassan El Enany, Stratégies d’écriture dans ”Les Années” d’Annie Ernaux
https://aafu.journals.ekb.eg/article_29834_f0b225b9bf3ccb9fa9c3db7649ad8fad.pdf
[12]Xem Terry, The “Impersonal Autobiography” of Annie Ernaux
https://sebald.wordpress.com/2020/02/24/the-impersonal-autobiography-of-annie-ernaux/
[13] Xem: https://vietmessenger.com/books/?title=mataco%20ltd
[14] Xem: https://vietmessenger.com/books/?title=am%20vong
[15] Dẫn theo Andrew Limbong (NPR), French writer Annie Ernaux wins 2022 Nobel Prize in literature
https://www.opb.org/article/2022/10/06/french-writer-annie-ernaux-wins-2022-nobel-prize-literature/
[16] Dẫn theo Jonathan Clarke, All Ego, No Boundaries,
[17] Dẫn theo Nasim Khaghani & Neda Atash Vahidi, Annie Ernaux, A la recherche de son moi.
[18] Dawn M. Cornelio, Towards a transpersonal ‘I’,
https://www.annie-ernaux.org/texts/vers-un-je-transpersonnel-2/
[19] Annie Ernaux, L’écriture comme un couteau. Entretiens avec Frédéric-Yves Jeannet (2003) (Amazon Kindle)
[20]Sam Sacks, Fiction: Annie Ernaux, An Ethnologist of Herself,
https://www.wsj.com/articles/fiction-review-annie-ernaux-an-ethnologist-of-herself-nobel-prize-2022-11665757518
[21] Dẫn theo Adam Gopnik, Annie Ernaux’s Justly Deserved Nobel
[22] Tôi nhấn mạnh chữ “trong”. Annie Ernaux, L’écriture comme un couteau.
[23]Dẫn theo Le Monde, Le prix Nobel de littérature 2022 attribué à l’écrivaine française Annie Ernaux,
https://www.lemonde.fr/international/article/2022/10/06/le-prix-nobel-de-litterature-attribue-a-la-romanciere-francaise-annie-ernaux_6144694_3210.html
[24] Nathalie Crom, A E, Écrire la Vérité, Revue de deux mondes, Avril 2003, 165-168 (Jstor)
[25] Lê Thị Thấm Vân, Âm vọng.
[26] Nguyên văn: Je ne vois pas les mots, je vois les choses.
[27] Nguyên văn: Je la sens comme un couteau, l’arme presque, donc j’ai besoin.
[28] Nguyên văn: Écrire sa vie, vivre son écriture.
[29] Nguyên văn: J’écris mes histoires d’amour et je vis mes livres.