Hoàng Đình Tạo: Tình trạng tỵ nạn trên toàn thế giới

Người tị nạn Ukraine ở Kraków phản đối chiến tranh

(AFP) – Liên Hiệp Quốc: 114 triệu người bị buộc di tản. Cơ quan Người Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) trong thông cáo hôm nay, 25/10/2023, cho biết hiện trên thế giới có hơn 114 triệu người buộc phải di tản. Chiến tranh, bị truy bức, bạo lực và vi phạm nhân quyền là những nguyên nhân chính dẫn đến con số cao kỷ lục này. 

Trên đây là bản tin của RFI đăng tải, dựa vào AFP cho biết con số người tỵ nạn trên toàn thế giới. Quả là một bản tin buồn, vì trái đất và con người vẫn còn nhiều hằng số bất định. Giữa những phát minh và phát triển tích cực đã mang lại cho con người trên toàn thế giới gần nhau hơn, tiến bộ hơn; giải quyết nhiều vấn đề khoa học kỹ thuật. Nhưng mặt trái của nó là vấn đề chính trị thì con người vẫn còn nhiều chiến tranh và xung đột, đã gây ra nhiều thảm cảnh qua các trại tỵ nạn. Cùng sống với nhau trên quả đất, nhưng chúng ta không đồng lòng giữ gìn và xây dựng, kết quả là thiên nhiên quay ngược với chúng  ta. Còn về tự do dân chủ thì hầu như những nhà cầm quyền phần lớn dùng nhà tù để giải quyết bất đồng, nếu là trong nước. Và dùng chiến tranh nếu là ngoài nước.  Do đó hậu quả là dòng người tỵ nạn ngày càng cao, trong khi lòng nhân của con người không theo kịp để giúp đỡ.

 

  1. ĐỊNH NGHĨA NGƯỜI TỴ NẠN 

  1.  TỴ NẠN CHÍNH TRỊ 

Là một người di chuyển từ quốc gia này sang biên giới quốc gia khác vì chạy trốn truy nã chính trị; mà không thể hay không muốn trở về vì lý do quan điểm/ tư tưởng chính trị, tôn giáo, chủng tộc, quốc tịch hay hội viên một xã hội dân sự.

Quyền tự do cư trú an toàn cũng được đề cập trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. 

Điều 13 quy định về quyền tự do cư trú trong một quốc gia.

Điều 14 quy định: khi bị truy tầm vì lý do chính trị, mọi người đều có quyền tìm đất tạm dung.

Điều 15: mọi người đều có quyền có quốc tịch. Không ai có quyền tước đoạt quốc tịch, khước từ hay thay đổi quốc tịch mà không có sự ưng thuận của đương sự.

Điều 18, 19 quy định về tự do tư tưởng.

Điều 17 quy định về quyền sở hữu nhà đất.

Số người trốn chạy, chiếm 1,2% dân số thế giới. Trong đó 32,5 triệu người tỵ nạn “vô tổ quốc”. Và 100 triệu người phái bỏ nhà cửa để đi đến miền đất tạm dung khác.

Hiện nay có khoảng 500 trại tỵ nạn trên toàn thế giới. Và trung bình một người sống ở đó từ 10 đến 15 năm để được định cư ở nước thứ 3.

NHỮNG QUỐC GIA KHỦNG HOẢNG VỀ VẤN ĐỀ NGƯỜI TỴ NẠN TRẦM TRỌNG NHẤT.

Dòng người tị nạn Syria vượt biên giới Hungary và Áo để tới Đức. Hungary, Trung Âu, ngày 6 tháng 9 năm 2015.

1/ Eritrea 

Theo thống kê năm 2022, có 500 ngàn dân tỵ nạn, chiếm 14% dân số. Bị rời bỏ nơi cư trú vì bạo lực hay chính trị.

2/  Cộng Hòa Trung Phi

Gần 1 triệu người rời bỏ chỗ cư trú; 738 ngàn tỵ nạn.

Kể từ ngày độc lập năm 1960, Cộng Hoà Trung Phi sống trong bạo lực. Ngày càng gia tăng sự nguy hiểm, ngay cả các nhân viên cứu trợ nhân đạo từ 2014 phải hoãn cho đến nay vì lý do an ninh. Cao điểm bạo lực là 2017, càng gia tăng sự thống khổ và bất ổn trong kỳ bầu cử 2020.

Năm 2022 có đến 737 ngàn người tỵ nạn, tăng 16% so với 2020. Cao Ủy Tỵ Nạn (UNHCR) ước tính 3,1 triệu người dân đòi hỏi cứu trợ. Và là quốc gia luôn luôn đứng cuối bảng lợi tức đầu người của Liên Hiệp Quốc. 

Khoảng 2012, một số nhóm võ trang ở miền Bắc kết hợp với nhau làm cuộc đảo chánh. Nhưng cũng có một số nhóm võ trang khác cũng tập họp chống lại.

Chiến tranh bùng nổ khắp nơi, năm 2013 dưới áp lực quốc tế, Tổng thống Cộng Hoà Trung Phi từ chức để thành lập chính phủ chuyển tiếp.

Đến 2016 tình hình có vẻ ổn định. Ký kết hiệp ước giữa 13 trong 14 nhóm võ trang. Tuy nhiên năm 2017 bạo lực lại nổi dậy ở miền Nam Trung Phi. Tiếp đến là bầu cử 2020, dẫn đến bạo lực toàn cõi quốc gia năm 2021 (1)

Tình trạng tôn giáo cũng là nguồn gốc của bạo lực tại Sudan. Sudan không may mắn xung đột kéo dài 60 năm, ngày nay nó biến thể dưới khía cạnh mới. 

Cộng Hoà Trung Phi là nơi Kitô giáo và Hồi giáo sống chung rất hài hòa từ khi độc lập. Nhiều làng xóm hỗn hợp. Nhiều thanh niên lập gia đình đan chéo tôn giáo với nhau. Nhưng khi độc lập thì quyền kinh tế và chính trị do cộng đồng Kitô giáo nắm giữ. 

Hai bên ký kết hiệp ước để chia quyền lợi và được đại diện trong chánh phủ nhiều hơn. Nhưng hiệp ước không được thi hành nghiêm chỉnh. Năm 2012 Séléka (tên phong trào nổi dậy của miền Bắc), vì lo sợ các khoáng sản bị mất vì nước ngoài hỗ trợ cho miền Nam. 

Dân chúng phải trốn trong rừng. Nhà cửa bị đốt sạch. Nước nhiễm độc. Phân nửa dân số phải di dời chỗ ở vì an ninh. Thiếu nguồn sống, y tế, thiên tai, đe dọa trầm trọng. Dịch đậu mùa, sốt rét, giáo dục trẻ em không được vì không còn trường. Tóm lại trẻ em và phụ nữ là nhóm người thiệt thòi nhiều nhất khi bạo lực xảy ra. (1)

Thống kê khoảng 890/100 ngàn số bà mẹ chết. Và trẻ em tử vong cao nhất thế giới.

Dịch đậu mùa từ 2020, sốt rét, y tế, giáo dục và lợi tức luôn ở mức tồi tệ.

2021, nạn tấn công tình dục và bạo lực gia đình bộc phát. Tỷ lệ nam nữ không đồng đều do chiến tranh cũng phát sinh tình trạng xấu trong xã hội.

LHQ đã phải cung cấp giống, dụng cụ canh tác, phân bón. Hướng dẫn trồng trọt hoa màu từ trường học, gia đình. Đào giếng, hướng dẫn vệ sinh, và điều trị suy dinh dưỡng.

3/ Somalia 

Năm 2017 số người tỵ nạn là 986 ngàn người. Là trung tâm của vùng Sừng Châu Phi; vừa hạn hán, vừa chiến tranh, vừa đói kém. Đến năm 2022 xuống òon 799 ngàn người.

4/ Sudan 

Vừa là dân chúng di dời trong nội địa, vừa là đất tạm dung cho các xung đột lân bang, khoảng 1,1 triệu tỵ nạn trú ẩn; trong đó khoảng 844 ngàn là người Sudan.

5/ Công Hoà Dân Chủ Congo

Quốc gia này bị cơ quan cứu trợ bỏ quên. Hiện nay khoảng 909 ngàn người tỵ nạn. Tăng 45 ngàn so với 2022.

6/ Rohingya 

Là nhóm sắc dân theo Hồi giáo, sống ở Myanma qua nhiều thế hệ quanh vùng Bengal. Họ tập trung trong tiểu bang Rakhine. Nhưng không được Myanma cấp thẻ căn cước. Họ là người dân “vô tổ quốc”. Chính vậy, họ bị hạn chế nghề nghiệp, giáo dục, y tế; hậu quả là sống luôn ở mức nghèo khổ và cơ cực. Vài thập niên thế kỷ trước, bạo lực nhắm vào phụ nữ và các em gái Rohingya, nên họ đã có những cuộc di dân khổng lồ 

(năm 1978, 1991-1992, và 2016). Tháng 7 năm 2022 WHO (World Health Organization) ước tính khoảng 925 ngàn người Rohingya sống ở trại tỵ nạn Cox’s Bazar (Bangladesh). Khoảng 90 ngàn chạy sang Thái Lan, và khoảng 70 ngàn chạy sang Ấn Độ. Một số ít sang Nam Dương và Nepal. Hơn 1,1 triệu người rời bỏ nhà cửa đi tìm đất tạm dung.

7/ Nam Sudan

Kể từ khi độc lập, 2011; là quốc gia non trẻ nhất nhưng khủng hoảng tỵ nạn và phải cưu mang cho các quốc gia lân bang nhiều nhất thế giới. 

 

4 triệu người bị dồn ra khỏi nhà. 2,3 triệu người bị truy bức rời bỏ quê hương.

 

Nam Sudan cũng tiếp nhận người tỵ nạn từ các quốc gia kế cận như Sudan, Ethiopia, Kenya, và Cộng Hoà Dân Chủ Congo.

 

Mặc dù giàu có về đâu thô, nhưng xung đột đã tạo ra những hậu quả khắc nghiệt về phát triển, con người, xã hội luôn bị xếp vào những quốc gia tệ hại nhất trên thế giới.

 

8/ A Phú Hãn (Afghanistan)

1/10 dân A Phú Hãn được sinh ra trong trại tỵ nạn, khoảng 2,8 triệu người. 88% tạm trú tại các quốc gia Iran, Hồi quốc.

 

9/ Ukraine

Theo thống kê năm 2022 thì khoảng 5,4 triệu người tỵ nạn; 16% dân tỵ nạn thế giới; 10% dân số Ukraine.

 

10/ Syria 

Chiếm 25% dân số tỵ nạn thế giới trong vòng 10 năm chiến tranh. Năm 2022 có khoảng 6,8 triệu người tỵ nạn Syria. Phần lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ: 3,8 triệu. Jordan: 675 ngàn. Liban: 840 ngàn. Iraq: 250 ngàn. 

 

6,6 triệu người đã được định cư, còn khoảng 3 triệu người không thể liên lạc vì bị bao vây. Chừng 13 triệu người Syrian bị “bứng gốc”. 

So sánh năm 2022 thì tăng 20%.

 

6 triệu trẻ em cần giúp đỡ; trong đó, 4,5 triệu trẻ em không đến trường, vì 40% trường bị phá hủy.  Các nhà chuyên môn cho rằng Syria đã mất một thế hệ.

 

NHỮNG TRẠI TỴ NẠN LỚN NHẤT 

 

Theo UNHCR, năm 2023 trên toàn thế giới có 500 trại tỵ nạn; trung bình mỗi trại 11,500 ngàn người. Trung bình ở đó 10-15 năm để được định cư.

 

5 /. Um Rakuba (Sudan) 16 ngàn người 

4/.  Za’atari (Jordan) 80 ngàn người 

3 /. Kakuma (Keny) 180 ngàn người 

2/.  Dadaab Complex (Kenya) 230 ngàn người (đa số là dân Somalia bị chiến tranh, hạn hán, đói kém)

1/. Kutupalong (Bangladesh) 800 ngàn người. (dự trù 860 ngàn người, có 270 trường tiểu học và cấp 2).

 

NHỮNG TRẠI TỴ NẠN LÂU ĐỜI NHẤT 

 

1/ Trại tỵ nạn đầu tiên 

Thành lập 9/1900, khi bắt đầu cuộc chiến Anh – Boer lần hai. Những người Boer tự ý đầu hàng, lính Anh tập trung họ lại trong 2 trại tỵ nạn ở Pretoria và Bloemfontein,  nhằm bảo vệ sự trả thù từ lính Boers. Nhưng người lính Boers vẫn thường được người dân tiếp tế lương thực. Đến khi Lord Kitchener lãnh đạo quân Anh, thì mới đề ra chính sách “vườn không nhà trống” hầu cắt đứt các cuộc tiếp tế từ người dân. Ông ta đã cho phá hủy, đốt tất cả làng mạc, khoảng 30 ngàn nông trang. Và giết tất cả gia súc, gia cầm.  Ông ta còn ra lệnh giết khoảng 5 ngàn phụ nữ, 22 ngàn trẻ em, và 1 ngàn 600 bô lão ở 2 trại tỵ nạn ban đầu. Và ông ta đổi tình trạng trại tỵ nạn thành trại tập trung. Khi chiến tranh chấm dứt, có khoảng 40 trại tập trung 116 ngàn phụ nữ và trẻ em da trắng. Và 60 trại tập trung 115 ngàn phụ nữ và trẻ em da màu (2)

 

2/ Trại tỵ nạn lâu đời nhất 

Đó là trại Cooper’s Camp ở Tây Bengal (Bangladesh), thành lập năm 1947. Khi một số lớn người Hindu sống lọt giữa lòng người Hồi giáo, chưa vượt kịp qua biên giới về Ấn Độ. Ở đó nay là nhà khoảng 7 ngàn dân; không hàng rào, không cảnh sát, không cơ quan hành chánh. Tuy nhiên cho đến bây giờ, họ vẫn chưa được cấp giấy căn cước Ấn Độ. Nên không thể sở hữu nhà đất, hay làm việc, giáo dục, y tế, cũng như các quyền lợi khác của người dân (3)

 

3/ UNRWA

       (UN Relief and Work Agency)

Được thành lập năm 1948, cơ quan đặc biệt cho người tỵ nạn Palestine. Khoảng 750 ngàn người ghi tên. Đến nay thì con số này nhảy vọt lên 5,9 triệu. 40 % sống ở Jordan; 10% ở Syria; 26 % ở Gaza; 15 % ở West Bank; 8% ở Liban.

 

Sở dĩ người Palestine sống ở Jordan nhiều vì Jordan hợp thức hoá quyền công dân, cho nhập tịch. Các nước khác trong khối Ả Rập không muốn nhận người Palestine vì sợ nếu nhận tất cả qua Cao Uỷ Tỵ Nạn thì người Palestine sẽ mất đất, và Do Thái sẽ hưởng lợi. Ai Cập cũng thế, không muốn nhượng bán đảo Sinai cho Palestine vì cho rằng sự thù nghịch với Do Thái sẽ tăng lên vì những cuộc đụng độ giữa Palestine và Do Thái ảnh hưởng đến an ninh của Ai Cập. Do đó, người Palestine chỉ được phép ghi danh qua UNRWA mà không qua Cao Uỷ Tỵ Nạn. Chỉ giúp đỡ việc làm, y tế, điện nước, phân phối, giáo dục và một số phúc lợi xã hội nhỏ khác, chứ không giúp đỡ định cư ở nước thứ 3. Tuy nhiên, phải chịu dưới sự kiểm soát an ninh và cảnh sát của Do Thái.

 

Chừng 1,5 triệu người Palestine sống rải rác trong 58 trại ở Jordan, Liban, Syria, Gaza, West Bank và Đông Jerusalem.

 

Tuy nhiên, chiến tranh lan sang Syria năm 2011, khoảng 450 ngàn đến 600 ngàn sống ở đó, tất cả trại tỵ nạn phải dẹp bỏ. Từ 250 ngàn đến 300 ngàn chạy sang các nước lân cận. Jordan cũng bị loại ra khỏi UNHCR, nên những người dân Palestine phải trở lại ghi tên vào UN RWA.

 

Là nhóm người “vô tổ quốc” lớn nhất trên thế giới.

 

Khi Hamas kiểm soát Gaza, 2007, thì Do Thái đã cắt các nguồn tiếp tế và phong toả. 80 % dân chúng dựa vào cứu trợ nhân đạo. Thất nghiệp và nghèo đói lan tràn.

 

West Bank thì đỡ hơn, vì người Palestine ở đây không chủ trương tiêu diệt Do Thái như Hamas. Tuy nhiên hai bên vẫn còn nhiều nghi kỵ, không tin tưởng vào nhau. Trung bình có 14 vụ phá hoại nhà cửa người Palestine mỗi tuần. Quấy nhiễu cư dân, hạn chế việc làm, giáo dục, y tế …. Một người Palestine than thở với nhà báo rằng: “Từ lúc sinh ra cho đến lúc chết vẫn còn ở trong trại tỵ nạn vô tổ quốc”.

 

Bấy lâu nay, Hoa Kỳ giúp đỡ hàng năm khoảng 300 triệu mỹ kim. Nhưng bị cắt dưới thời Tổng Thống Trump. Nay thì có lại viện trợ (4)

 

NHỮNG BẤT ỔN ĐỊNH VỀ TÂM LÝ 

 

Vì sống trong trại tỵ nạn quá lâu, nên tình trạng tâm lý rất bất thường. Rất nhiều lo lắng để làm sao hội nhập vào quốc gia tiếp nhận. Khác biệt ngôn ngữ và văn hoá, mất căn tính. Việc làm bị giới hạn. Phương tiện di chuyển khó khăn. Bị kỳ thị và khinh khi. Cảm thấy mình vô dụng. Mất ngủ, biếng ăn, sụt giảm cân. Dễ dàng đưa đến trầm cảm, hay PTSD. Vị trí gia đình bị đảo lộn, mặc cảm tự tôn nên dễ dàng vũ phu với vợ và con….

 

B. TỴ NẠN KINH TẾ 

 

Do sống trong một quốc gia hiếm hoi cơ hội để vượt qua sự nghèo đói, và muốn gây dựng lại tại  một quốc gia mới để có hy vọng may mắn hơn.

 

Tỵ nạn kinh tế thường thì người dân buộc phải từ bỏ tất cả sau lưng, và làm lại cuộc đời mới ở một nơi có nhiều cơ hội phát triển và tiến thân.

 

Tỵ nạn kinh tế, không được xem là tỵ nạn chính thống, dành cho những ai trong vùng chiến tranh hay bạo lực hay bị truy bức. Theo truyền thống thì danh xưng “tỵ nạn” sử dụng cho ai mà tánh mạng bị đe dọa vì chính trị hay tôn giáo hay tư tưởng tại quốc gia mình.

 

Những người ủng hộ thì cho rằng đây là vấn đề “nhân đạo”, vì mọi người đều có quyền an toàn cư trú, giáo dục, nghề nghiệp để mưu cầu hạnh phúc nơi vùng đất mới mà quốc gia cũ không có điều kiện và đang trong khủng hoảng sinh tồn. Ví dụ như Starbucks thuê khoảng 10 ngàn nhân viên tỵ nạn trên toàn thế giới. Năm 1990 người dân El Salvador chạy trốn nội chiến, và 2001 bị động đất nặng nề được sang Hoa Kỳ làm việc. Năm 1990, vài quốc gia Châu Âu cho phép nạn nhân vùng Balkans được phép làm việc. 2021, chính phủ Colombia cho người dân Venezuela được làm việc 10 năm. Thổ Nhĩ Kỳ có chính sách bảo vệ tạm thời cho dân Syria làm việc.

 

Lý do khác mà bên ủng hộ đưa ra, là tỵ nạn kinh tế mang lại sắc thái “đa văn hóa” cho quốc gia hội nhập như văn hóa, thực phẩm, phong tục.

 

Ngược lại, bên chống cho rằng tỵ nạn kinh tế sẽ làm mất việc làm, thất nghiệp tăng và lương thấp.

 

Khuynh hướng nay còn cho rằng, tỵ nạn kinh tế, “thiếu sự hội nhập”, không chịu đồng hoá hay tiếp nhận truyền thống, văn hoá với quốc gia sở tại. Dễ bị cám dỗ và lợi dụng bởi hệ thống phúc lợi xã hội.

 

Và họ còn cho rằng, tỵ nạn kinh tế thiếu ý thức nên dễ dàng phát sinh tội phạm, dính dáng đến hình sự. (5)

 

  1. TỴ NẠN VÌ MÔI TRƯỜNG VÀ KHÍ HẬU 

 

Là do biến đổi khí hậu, (trái đất ấm dần hay thiên tai như động đất, núi lửa, lũ lụt, hạn hán, sóng thần) khiến cho dân chúng phải rời bỏ nơi cư trú hay cộng đồng của mình để tìm đến nơi an toàn.

 

Theo thống kê của Liện Hiệp Quốc, thì từ 2008 đến 2022 có khoảng 21 triệu người phải dời chỗ ở vì biến đổi khí hậu hay môi trường. Như năm 2010, núi lửa ở Mount Marapi (Nam Dương) phải di chuyển khoảng 250 ngàn người đến vùng đất mới.

 

Vì nhu cầu xây dựng, con người phá rừng nhanh hơn trồng lại, và khai thác dầu hoá thạch; đã phát sinh ra tầng lớp nhà kiếng giữ nóng lại trên thượng tầng không khí. Trái đất ấm dần, tăng nhiệt độ; làm cho băng ở Bắc Cực tan dần và là nguyên nhân làm mực nước biển dâng cao. 

 

Hội Hồng Thập Tự dự đoán sẽ còn có rất nhiều tỵ nạn về khí hậu và môi giới nhiều hơn tỵ nạn chiến tranh và chính trị. Cho đến 2009, đã có 36 triệu người phải di chuyển chỗ ở. Theo Ngân Hàng Thế Giới thẩm định, thì cho đến năm 2050 sẽ có 200 triệu người tỵ nạn bởi môi trường và khí hậu. Nhưng theo Viện Kinh Tế Và Hoà Bình dự đoán, thì đến năm 2050 có đến 1 tỷ người tỵ nạn môi trường và khí hậu. Riêng Phi Châu có đến 100 triệu.

 

Nhiều thành phố có hải cảng như Nữu Ước, Bangkok, Thượng Hải, Djakarta, Hamburg, Luân Đôn, Mumbai, Manila, Sai Gon, Venice, Bangladesh …. sẽ bị chìm dưới biển.

 

Mặt khác, trái đất ấm dần, đã sa mạc hóa nhiều nơi trên thế giới.  Như sa mạc Gobie đã lấn thêm 3,600 km2. Morocco, Tunisia, Lybia mỗi quốc gia mất 1,000 km2 cho sa mạc Sahara. Vùng Sừng Phi Châu thì hạn hán đói kém.

 

Chẳng hạn như trường hợp Nam Sudan, do ít mưa, nhiệt độ tăng từ 33*F lên 35*F, một trong vài quốc gia chịu hậu quả nặng nề của biển đổi khí hậu. Vừa lụt, vừa hạn hán thường xuyên xảy ra trong vòng 60 năm nay. Và từ đó, sự xung đột xoay quanh nguồn nước và thổ nhưỡng; vì 86% dân số sống về nghề nông, chăn nuôi và lâm nghiệp. Trận lụt năm 2020 ảnh hưởng 8/10 tiểu bang. 800 ngàn người phải di chuyển chỗ cư trú. Trước đó, 2017, Nam Sudan phải chịu nạn đói. 

 

Thiếu lương thực cũng là lý do phát sinh bạo lực, chiến tranh. Và chiến tranh lại càng không sản xuất được. Nạn đói cứ xoay trong vòng lẩn quẩn. Nạn trộm cắp gia súc tăng, giá dầu thô giảm, Covid 19 … khiến Nam Sudan càng đói kém.

 

Ảnh hưởng xã hội cũng chẳng tốt đẹp gì. 45% phụ nữ lập gia đình trước 18 tuổi. 7% lập gia đình trước 15 tuổi. 14 % phụ nữ chết khi lâm bồn. 82% đàn ông và 81% đàn bà đều cho rằng phụ nữ phải chịu đựng để bảo vệ hạnh phúc gia đình.

 

Thăm dò năm 2017 của “Concern Worldwide”: nếu không có cứu trợ thì Nam Sudan không còn dân số.

 

Thường thì tỵ nạn môi trường, khí hậu, UNHCR đưa người dân về lại nguyên quán dễ dàng ổn định hơn. Với sở trường về nông nghiệp tại quốc gia nguyên quán, chỉ cần giúp đỡ phương tiện thì mau hồi phục đời sống hơn là đưa sang một môi trường khác biệt về ăn ở, sống, làm việc, chuyên môn, ngôn ngữ….(6)

 

  1. TÌNH TRẠNG BẢO VỆ TẠM THỜI 

          (Temporary Protect Status)

 

Tình trạng này là một chính sách nhân đạo để tìm ra lối thoát cho những người dân có thể sinh tồn vì cuộc sống bị bế tắc về kinh tế, hay môi trường.  Nó thể hiện lòng thiện tâm của Hoa Kỳ hay các quốc gia rộng lòng trắc ẩn đối với các quốc gia khác trên thế giới, và đa ra tay cứu giúp họ khi khốn khó. Như đã nói sơ qua vài trường hợp của vài quốc gia ở phần B, thì Tình trạng Bảo vệ Tạm thời:

 

– khi một khu vực nào đó đang xung đột chiến tranh, mà người dân muốn tìm nơi an toàn lánh nạn.

– khi thảm họa môi trường và biến đổi khí hậu xảy ra mà con người bất lực,

– và những trường hợp đặc biệt khác khiến cho người dân không cảm thấy an ninh.

 

Chương trình này, Hoa Kỳ đã nhận:

     – Venezuela.    201,9 ngàn

     – El Salvador.    188, 7 ngàn

     – Haiti.               116, 5 ngàn

     – Honduras.      56,8 ngàn

     – Ukraine.          22, 5 ngàn …..

 

Có người đã sống ở Hoa Kỳ hơn 20 năm với tình trạng này, đến khi đáo hạn thì quốc hội phê chuẩn tiếp. Các chuyên viên ước tính, nếu trả về số di dân 3 quốc gia Nam và Trung Mỹ là Venezuela, Honduras, El Salvador thì thiệt hại mỗi năm là 1 tỷ đô la cho nền kinh tế Mỹ (7)

 

  1. NGÂN SÁCH

 

Ngân sách của UNHCR năm 2022, chừng 10 tỷ 660 triệu. Đến từ sự đóng góp nhân đạo nhiều quốc gia; hàng trăm công ty, tồ hợp, phức hợp cùng nhân viên của họ. Và hàng triệu cá nhân trên toàn thế giới. Lòng tốt của họ, đã đóng góp  đến 69 % ngân sách của Cao Uỷ Tỵ Nạn.

 

Theo thống kê năm 2022, đóng góp từ:

   Hoa Kỳ   : 2 tỷ và 300 triệu du di 

   EU          : 427 triệu 

   Đức        : 302 triệu 

   Nhật       : 152 triệu 

   Thuỵ Điển: 105 triệu 

   Canada   : 79 triệu 

   Na Uy      : 78 triệu 

   Hoà Lan  : 56 triệu 

   Anh          : 54 triệu 

   Đan Mạch  : 52 triệu …..

 

Điều mà Cao Ủy sợ nhất là giá sinh hoạt ngày càng tang (8)

 

  1. ĐỊNH CƯ 

 

  1. ĐỊNH CƯ

 

Tính từ hai thập niên, 20012019, Hoa Kỳ đã cho định cư: 

    Burma :  177 ngàn 700 người 

    Iraq     :    144 ngàn 400 người 

    Somalia: 104 ngàn 100 người … 

 

Theo năm tài khóa 2022, thì người tỵ nạn được phân phối:

 

     – California :  108,600 ngàn 

     – Texas        :  88,300 ngàn 

     – New York  : 58, 500 ngàn

     – Florida       : 48,700 ngàn……

 

Trong hai thập niên, Oct. 2001 đến Oct. 2019 thì Hoa Kỳ cho định cư:

 

     – 464, 700 Christian

     – 310,700 Muslim

 

Những quốc gia hiện nay đang đứng đầu tiếp nhận, trong vòng 10 năm qua:

 

     Iran  :  3,4 triệu 

     Thổ   : 3,4 triệu 

      Đức  : 2,5 triệu 

     Columbia: 2, 5 triệu

     Hồi Quốc: 2,1 triệu 

 

Những quốc gia có số dân đứng đầu xin tỵ nạn:

 

     – Syria      :   6,5 triệu 

     – Ukraine  :   5,7 triệu 

     – A Phú Hãn: 5, 7 triệu 

     – Venezuela: 5,4 triệu 

     – Myanma  :  1,2 triệu …..

 

Trong khi đó, các quốc gia thuộc Nam Tư cũ như North Macedonia, Croatia, Herzegovina, Montenegro, Bosnia, Serbia, Hung Gia Lợi thì không nhận tỵ nạn.

 

Trong thập niên 1980 thì Hoa Kỳ nhận định cư:

     – 55% là Châu Á 

     – 28 % là Châu Âu 

     – 13 % là Châu Phi 

     – 4 % là Châu Mỹ La Tinh 

 

Nhưng trong năm tài khóa 2023, thì Hoa Kỳ nhận định cư:

 

     – 43 % là từ Châu Phi 

     – 28 % là từ Trung Đông và Nam Á

     – 11 % là từ Caribbean và Châu Mỹ La Tinh 

     – 4 % là từ Châu Âu và Trung Á.

 

Những quốc gia có chính sách tỵ nạn tốt nhất là: Thuỵ Điển, Phần Lan, Hoà Lan, Canada, và Bồ Đào Nha (9 a).

 

Từ năm 1975 đến 1980, Hoa Kỳ đã nhận 300 ngàn người tỵ nạn từ Đông Dương. Từ năm 1991 đến 1995, Hoa Kỳ trung bình nhận tỵ nạn mỗi năm là 116 ngàn người. Từ 2008 đến 2017 trung bình mỗi năm nhận 67 ngàn người. Tính từ 1975 cho đến 2022, Hoa Kỳ  nhận 3,5 triệu người tỵ nạn.

 

  1. BIÊN NIÊN 

 

Được thành lập từ năm 1891, Bureau of Immigration; rồi chuyển qua INS 

(Immigration and Naturalization Service) đến 2003, lại chuyển sang US CIS (US Citizenship and Immigration Service). Mở rộng thời gian cư trú tạm thời trước khi được hợp thức hóa quyền công dân.

 

*** 1910 – 1920 trong cuộc cách mạng của Mexico, vì lý do nhân đạo Hoa Kỳ đã nhận dân Mễ Tây Cơ về vùng Marfa của Texas.

 

*** 1917 Immigration Act 1917 buộc từ 16 tuổi trở lên phải biết đọc, nếu muốn định cư.

 

*** 1921 – 1924 The Quota Act ấn định số lượng từ Châu Âu, Bắc Âu vào Hoa Kỳ. Nhưng gây khó khăn cho các vùng còn lại của thế giới.

 

***1939 – 1945: sau thế chiến thứ hai, nhận nhiều Do Thái và các sắc tộc thiểu số khác. Và Tổng Thống Truman chấp nhận nạn nhân của các cuộc truy bức, và chuyển dời chỗ ở trong luật tỵ nạn.

 

*** 1948 Displace Person Act of 1948 nhận khoảng 350 ngàn người.

 

*** 1950 – 1951 thành lập Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UN HCR).

 

*** 1953: Refugee Relief Act of 1953. Nhận 200 ngàn không quota cho người tỵ nạn Trung Hoa CS và Triều Tiên.

 

*** 1956 – 1958: Hungaria Escapee Program nhận khoảng 30 ngàn người.

 

*** 1958 Azorean Refugee Act, Hoa Kỳ nhận 20 ngàn người là nạn nhân núi lửa.

 

*** 1959 – 1962 Cuban Refugees, Hoa Kỳ nhận 58 ngàn người.

 

*** 1962 nhận 15 ngàn người Trung Hoa chạy sang tỵ nạn Hồng Kông. Immigration and Refugee Assistance Act of 1962, giúp trợ cấp khoảng 20 ngàn người tỵ nạn.

 

*** 1965 Cuban Airlift mang thân nhân còn ở lại sang định cư Hoa Kỳ. Hoa Kỳ  đã huy động 3 ngàn chuyến bay để đưa người Cuban khoảng 200 ngàn người sang Hoa Kỳ .

 

*** 1975 Indochine Immigration and Refugee Act 1975. Từ 1975 đến 1980 Hoa Kỳ  nhận 300 ngàn người tỵ nạn Đông Dương.

 

*** 1980 Refugee Act of 1980. Bãi bỏ giới hạn về địa lý, ý thức hệ để định nghĩa “tỵ nạn”, và dùng định nghĩa của Liên Hiệp Quốc. Xin Quốc hội chấp thuận gia tăng tỵ nạn hàng năm. Và thành lập văn phòng Tỵ Nạn và Định Cư. Từ 1975 đến 1980 Hoa Kỳ đã nhận định cư khoảng 300 ngàn người Đông Dương.

 

*** 1980 The Mariel Boatlift. Castro cho phép người dân Cuba tình nguyện sang Hoa Kỳ, nhưng phải đến cảng Mariel để được vận chuyển sang Florida. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1980. Đã có khoảng 125 ngàn người Cuban sang Florida. Nhưng chính phủ Carter không xếp vào loại “tỵ nạn”, mà xếp vào “tạm thời“ của bộ Tư Pháp 

( parole), để thanh lọc hình sự.

 

Đến năm 1984, một số được điều chỉnh tình trạng theo luật Cuban Adjustment Act of 1966. Và luật Immigration Reform and Control Act ban hành năm 1986 sau đó.

 

*** 1990 The Lautenberg Amendment. Vị Thượng nghị sĩ này đề nghị giảm bằng chứng trong hồ sơ một số loại người, như Do Thái, Christian trong Liên Xô cũ, Việt Nam, Lào, Cambodia.

 

*** 1997 Nicaraguan Adjustment and Central American Relief Act (NARCARA). Cho phép người Nicaragua, Cuba sống ở Hoa Kỳ mà chưa được thường trú, nay được hợp lệ thường trú (dĩ nhiên phải hội đủ một số điều kiện).

 

Cho phép một số cá nhân người Nicaragua, El Salvador, và Liên Xô cũ được huỷ bỏ lệnh trục xuất.

 

*** 1998 Haiitian Refugee Immigration Fairness Act. Do bị chỉ trích là thiếu sự công bằng giữa các quốc gia Trung Mỹ, nên đạo luật này nhằm nâng đỡ người Haiiti và một số quốc gia vùng Trung Mỹ khác.

 

*** 2003 Thành lập USCIS.

(không có hồ sơ cập nhật) 9 b)

 

Gần như là chỗ nào có chiến tranh thì chỗ đó có quân đội Hoa Kỳ. Và nơi nào có khủng hoảng nhân đạo, thì có sở Di Trú Hoa Kỳ. Một mặt là bình định; một mặt là nhân đạo giúp cư dân ổn định cuộc sống. Thanh kiếm và lá chắn luôn luôn song hành trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Nói một cách khác là sức mạnh và tình người.

 

  1. VẤN ĐỀ LIÊM CHÍNH 

 

Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc có thẩm quyền quốc tế cao nhất để xác nhận ai là trong tình trạng tỵ nạn sẽ được định cư ở nước thứ 3. Định cư hợp pháp là chuyển người tỵ nạn từ quốc gia tạm dung đến một quốc gia khác, đã đồng ý cho định cư, và cho phép cư trú thường trực, kể cả quyền công dân. Có tất cả 29 quốc gia đồng ý với Cao Ủy Tỵ Nạn qua chương trình định cư, mà Hoa Kỳ là quốc gia tiếp nhận cao nhất.

 

Vì định cư là giá trị hữu dụng đặc biệt, mà trong những quốc gia nghèo, ở đó sự cám dỗ làm tiền với bất cứ biện pháp nào rất cao. Do đó, việc định cư rất dễ bị lợi dụng nếu muốn, kể cả tình dục, truy bức, đe dọa, áp lực do vị trí bất bình đẳng hai bên.

 

Gian lận từ bên ngoài: do khai sai giấy tờ, sai căn cước, đánh tráo….

 

Gian lận từ bên trong: như từ nhân viên của Cao Uỷ, kê khai gian, mớm câu trả lời trước hay đang phỏng vấn, kê khai sai chứng thư y tế. Tất cả là miễn phí, nhưng nhân viên tự đặt ra phí tổn, quà, …..

 

Những vi phạm sự liêm chính của nhân viên Cao Uỷ, không giới hạn ở một người, hay một chỗ; mà là lan rộng khắp nơi. Nhưng trại tỵ nạn càng lớn thì càng nhiều vi phạm.  Nhân viên đòi hỏi hối lộ đủ mọi thứ. Từ thuốc men y tế, đến khẩu phần, liên hệ cảnh sát…. Nó có thể tốn kém đến $5,000 cho một gia đình, hoặc 4 con bò. Tinh dục cùng là một hình thức trả nợ hay trao đổi dịch vụ của phụ nữ và các bé gái. Một người tỵ nạn Kenya cho biết, nếu muốn, thì trả tiền mua căn cước từ $30,000 đến $70,000 vào giai đoạn cuối cùng của phỏng vấn. Người tỵ nạn trình bày lên Cao Uỷ, phần lớn không được giải quyết; ngược lại làm cho tình trạng của họ dễ bị trả thù hay đe dọa. Và nhân viên chỉ bị hoán chuyển sang chức vụ cao hơn hay sang quốc gia khác. 

 

Bản phúc trình của NBC sau khi trải qua 5 trại tỵ nạn ở Kenya, Uganda, Yemen, Lybia và Ethiopia, đã phanh phui ra sự hối lộ lan rộng ra trong UNHCR. Nhân viên nhận hối lộ để đề nghị định cư ở phương Tây.

 

Trong năm tài chính 2019, Hoa Kỳ tiếp nhận định cư 2,756 người từ 5 quốc gia trên. Tổng số nhân viên của Cao Uỷ là 1,914 người. Thì 79% (1,506) là công dân của quốc gia nguyên thuỷ. Và 21% (408) là nhân viên quốc tế.

 

Trong khi đó, sự liêm chính của 5 quốc gia này đứng hạng 150.6/ 180 quốc gia. Và chỉ số là 23.6/100 (Hoa Kỳ 22/180 quốc gia; và chỉ số là 71/100)

 

Tồng số nhân viên của UNHCR trên toàn thế giới là 16,765 cho 138 quốc gia; nhưng 90% là nhân viên địa phương. (10)

 

Theo một nghiên cứu mới được công bố hôm thứ Năm bởi một nhóm vận động chính trị Thụy Điển, tình trạng dân chủ đang suy giảm trên toàn cầu khi hàng chục quốc gia gần đây trải qua sự suy giảm các giá trị dân chủ, bao gồm cả các cuộc bầu cử gian lận và các hạn chế đối với quyền tự do cá nhân. Phân tích của Viện Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử Quốc tế (International Institute for Democracy and Electoral Assistance) cho biết các tiêu chuẩn dân chủ đang suy yếu ở gần một nửa trong số 173 quốc gia mà họ khảo sát do cơ chế kiểm tra và cân bằng của chính phủ suy yếu, tham nhũng, bầu cử gian lận và sự thiếu trách nhiệm chung của các nhà lãnh đạo coi thường pháp luật.


Phúc trình cảnh báo rằng việc tập trung vào các cuộc khủng hoảng lớn, bao gồm lạm phát, biến đổi khí hậu và các cuộc chiến tranh đồng thời ở Ukraine và Israel, đang làm chệch hướng sự chú ý khỏi tình trạng suy yếu của các nguyên tắc dân chủ trên toàn thế giới. Báo cáo cho biết, trong 5 năm qua, 85 quốc gia được khảo sát trong nghiên cứu đã chứng kiến nền dân chủ bị xói mòn trong các lĩnh vực như tự do dân sự và độc lập tư pháp, đánh dấu sự suy giảm liên tục dài nhất về các giá trị dân chủ kể từ năm 1975.

 

Với phúc trình trên chúng ta thấy được tình trạng chính trị ổn định ít hơn là bất ổn và chiến tranh. Những tham vọng của nhà lãnh đạo hay tôn giáo, chủng tộc muốn ưu thế hơn, đã lôi kéo cả quốc gia lâm vào chiến tranh. Từ đó, kéo cả nước và lân bang lậm chìm trong nghèo đói, chiến tranh, và bên bờ vực sụp đổ. Bao năm công trình xây dựng, chỉ trong khoảnh khắc chỉ còn là đống đổ nát. Còn lại người dân là khổ. Phải xốc vai nách mang cả gia đình, con thơ tìm một nơi chốn yên bình để dừng chân tạm trú. Từ 1950 đến nay, có 62,5 triệu người phải di chuyển chỗ ở. 36, 4 triệu người tỵ nạn. 43 triệu trẻ em. 1,9 triệu bé sơ sinh trong trai tỵ nạn. 464 ngàn người trở về quê hương. 75 % tạm dung tại các quốc gia nghèo hay được quốc tế bảo vệ.

 

Với khung cảnh xã hội và quốc gia rộng mở ngày nay, người dân cũng thay đổi quan niệm. Đất lành chim đậu. Nơi nào ổn định đời sống, và bảo vệ được gia đình, thì nơi ấy chính là tổ quốc.  Dù cho số phận hẩm hiu còn ở trong các lán trại tỵ nạn, nhưng hoà bình. Còn về cố quốc chỉ là nơi du lịch, và thăm viếng. 

 

Hoàng Đình Tạo

 

Tham khảo:   

  1. The Central African Republic crisis, explained, Concern USA

  1. British establish first ‘refugee’ camps during the South African War, SAHO

  1. In limbo in world’s oldest refugee camps: Where 10 million people can spend years, or even decades, Sage Journals

  1. Generations of Palestinian Refugees Face Protracted Displacement and Dispossession, MPI

  1. Economic Refugee: What it is, Pros and Cons, Investopedia.

  1. Environmental Refugee, National Geographic

  1. What Is Temporary Protected Status?, Council on Foreign Relations

  1. Which Countries Donate The Most To The UN Refugee Agency?, World Atlas

(9a) Key facts about refugees to the U.S, Pew Research Center

(9b) Refugee Timeline, USCIS

  1. UNHCR Corruption: Resettlement Spots for a Price, Center For Immigration Studies