Trần Lệ Bình: Rò rỉ chuyện của nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc tại mật nghị Bắc Đới Hà 2024?
Bắc Đới Hà là một khu nghỉ dưỡng sang trọng bên bờ biển thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc Trung Quốc, chỉ giành riêng cho các quan chức hàng đầu đương nhiệm và đã về hưu của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Rất hiếm có được hình ảnh bên trong khu nghỉ dưỡng đó, người ta chỉ thấy từ xa những trạm lính gác và những tấm biển như “Không phận sự miễn đến gần”, “Đề nghị đi vòng đường khác” … những điều đó tạo nên sự huyền bí. Cũng từ đấy thế giới còn biết đến cụm từ “Hội nghị Bắc Đới Hà”, mặc dù được coi là hội nghị phi chính thức, nhưng chính những cuộc họp trong thời gian nghỉ dưỡng vào mùa hè tại đây đã đưa ra những quốc sách quan trọng, mang tính tranh giành quyền lực hơn cả những hội nghị chính thức.
Khởi đầu vào hè 1953, Mao triệu tập tất cả các thành viên ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về đấy nghỉ hè, vừa nghỉ vừa bàn các vấn đề quốc sách, và chính tại Hội nghị Bắc Đới Hà lần đầu này Mao đã đưa ra những quốc sách tai hại mà không ai dám lên tiếng. Sau cuộc Cách mạng văn hóa 1968, hội nghị này bị hủy bỏ. Năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền đã cho khôi phục lại. Chính tại đây vào năm 1987, Đặng Tiểu Bình được cho là đã quyết định ai là chủ tịch đảng tiếp theo. Người kế nhiệm ông là Giang Trạch Dân đã từng công khai gặp gỡ các chính trị gia nước ngoài tại Bắc Đới Hà.
Tuy nhiên, vào năm 2003, khi Hồ Cẩm Đào làm chủ tịch Quân ủy trung ương đã cho giải tán hội nghị này. Các quan chức mới và cũ vẫn được đến đấy để nghỉ dưỡng, nhưng không còn hội họp nữa. Không có bằng chứng nào cho thấy người kế nhiệm ông là Tập Cận Bình đã đảo ngược lệnh này.
Nhưng, vẫn có những thông tin nơi này nơi kia về “mật nghị Bắc Đới Hà” hằng năm. Mới đây là những thông tin về hội nghị Bắc Đới Hà mùa hè 2024.
Theo đó, cuối tháng 7 năm 2024, ủy viên ban thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ đã thay mặt Tập Cận Bình mời tất cả các quan chức đương nhiệm và các trưởng lão đã nghỉ hưu đến Bắc Đới Hà nghỉ hè và tổ chức lại Hội nghị Bắc Đới Hà với chuyên đề: “Ái quốc phấn đấu”. Ngày 15 tháng 8, hội nghị kết thúc.
Từ cuối tháng 7 Tập đã không xuất hiện trước công chúng trong nước cũng như quốc tế, cùng với những hiện tượng ảnh của Tập bị xóa khỏi trên những tấm áp phích…Đã dấy lên những đồn đoán về số phận của Tập. Nhưng đến ngày 17/8 thì báo chí quốc tế và hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã đưa tin Tập Cận Bình đã đến thăm tỉnh Liêu Ninh ở đông bắc vào thứ Ba 16/8, khi ông và các nhà lãnh đạo khác xuất hiện sau hai tuần vắng bóng khỏi các hoạt động công cộng.
Trước đó, không có báo cáo nào của phương tiện truyền thông nhà nước về các hoạt động của Tập Cận Bình trong hai tuần – thông thường các hoạt động của ông được đưa tin gần như hàng ngày – một dấu hiệu cho thấy ông và các nhà lãnh đạo cấp cao khác đã tổ chức cuộc họp bí mật mùa hè theo truyền thống của họ tại Bắc Đới Hà.
Cũng theo bài báo trên, hội nghị Bắc Đới Hà năm nay sẽ đặc biệt quan trọng, vì các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về các động thái nhân sự trước đại hội Đảng Cộng sản cầm quyền được tổ chức một lần trong năm năm vào cuối năm nay.
Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ đảm bảo nhiệm kỳ lãnh đạo năm năm thứ ba phá vỡ tiền lệ tại đại hội đảng sắp tới.
Tuy nhiên, lại có những thông tin khác hẳn về tương lai của Tập Cận Bình.
Ngày 17/ 8, một học giả chính trị Trung Quốc tại Hoa Kỳ, Wu Zuolai, đã đăng trên X bài tiếng Trung về phát biểu của các quan chức đương nhiệm và trưởng lão trong Hội nghị Bắc Đới Hà trước đó, đã phần nào giải thích về sự vắng bóng của Tập trong mấy tuần qua. Theo tác giả nội dung chủ yếu của những lời phát biểu đó, chỉ ra rằng “Đồng chí Tập Cận Bình đã quá đề cao quyền lực cốt lõi và mắc sai lầm nghiêm trọng trong các quyết định lớn của đảng, nhà nước, đã gây ảnh hưởng tai hại về chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự cho đảng và đất nước, cần phải xem xét lại sâu sắc” v.v., nhưng không yêu cầu ông Tập từ chức. Wu Zuolai nói với độc giả rằng khi đọc bài đó nên “Đọc thêm về nội dung, truyền bá rộng rãi và đừng hỏi về tính xác thực. Trong thời điểm lịch sử vĩ đại chuyển biến này, sự thật và tin đồn cùng tồn tại.”
Ngày 17/8 People’s Daily News tiếng Trung cũng đã đăng nguyên văn bài của Wu Zuolai.
Tôi xin tóm lược một phần bài của Wu Zuolai đăng trên X, về vài lời phát biểu của các thành viên tham dự trong Hội nghị Bắc Đới Hà từ 1-15/8 vừa qua. Nhìn chung các nhân vật lão thành này đều phê bình Tập Cận Bình coi trọng sùng bái cá nhân, và có những sai lầm trong nhiều chính sách về kinh tế lẫn đối ngoại.
Hồ Cẩm Đào (từng giữ chức Tổng Bí thư đảng, Chủ tịch nước) cho rằng: “…việc Tập Cận Bình liên kết với Nga và các nước Trung Đông về việc liên quan đến chiến tranh gây bất lợi lớn cho mối quan hệ giữa Trung Quốc với phương Tây, và không có lợi cho việc mở cửa và xây dựng kinh tế…” Hồ Cẩm Đào cũng cho rằng Tập Cận Bình không nên thực hiện chế độ cá nhân toàn trị và chế độ giữ chức suốt đời, những điều đó chỉ mang đến trăm điều hại mà không một điều lợi nào cho đảng và đất nước.
Vương Hỗ Ninh (đương kim Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc): “Hội nghị hiệp thương chính trị quả thực đã trở thành cái lọ hoa của đảng và chính phủ. Chính hiệp là nền tảng của nền Cộng hòa. Kể từ khi đồng chí Mao Trạch Đông phá bỏ nó, sau cải cách và mở cửa vẫn chưa có sự tái thiết đáng kể nào. Nếu có một hội nghị hiệp thương chính trị và một đại hội nhân dân thực sự, thì Ban Chấp hành Trung ương Đảng hiện nay không chỉ khó phạm sai lầm mà đồng chí Mao Trạch Đông thời đó cũng khó mắc phải những sai lầm hình sự lớn. Hiện nay chúng ta đang chống tham nhũng thông qua kiểm tra, giám sát kỷ luật. Hàng năm có hàng trăm nghìn đảng viên, cán bộ phạm tội. Đây là một tổn thất rất lớn cho đảng và đất nước. Vấn đề nằm ở thể chế. Là một học giả và một đảng viên, tôi hy vọng đồng chí Cận Bình sẽ lãnh đạo chúng ta xây dựng lại thể chế (…) Sau khi Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư, tôi đề xuất hơn 30 kế hoạch có chủ đề chính trị, nhưng cuối cùng đều bị bác bỏ, tôi chỉ có thể đề xuất Giấc mơ Trung Hoa, tương ứng với Giấc mơ Mỹ…”
Chu Dung Cơ (từng làm Thủ tướng Quốc vụ viện) thì phát biểu: “Tôi đồng tình với đồng chí Hỗ Ninh. Đồng chí Cận Bình phải chịu trách nhiệm chính về những vấn đề tai hại nảy sinh hiện nay, nhưng mỗi người chúng ta ngồi đây cũng có một phần trách nhiệm không thể trốn tránh. Khi lẽ ra chúng ta phải xây dựng thể chế, coi thể chế là lực lượng sản xuất số một, thì chúng ta đã không làm điều đó. Chúng ta luôn tin rằng thế hệ sau sẽ mạnh hơn thế hệ trước, đất nước sẽ cởi mở và thịnh vượng hơn. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không ngờ rằng tình trạng nghèo đói sẽ quay trở lại chỉ sau một đêm, những thành tựu cải cách và mở cửa sẽ bị xóa bỏ, cả nước sẽ bắt đầu phá sản…”
Theo Chu Dung Cơ, nguyên nhân là do không có “cơ chế giải trình trách nhiệm đối với người lãnh đạo cao nhất hay lãnh đạo nòng cốt” từ Mao Trạch Đông cho tới Đặng Tiểu Bình, Lão Giang (Giang Trạch Dân), Lão Hồ (Hồ Cẩm Đào).
Và Chu Dung Cơ băn khoăn:
“Vấn đề bây giờ là nếu đồng chí Tập Cận Bình thực sự từ chức thì ai có thể lên tiếp quản, tôi nghĩ không có ai có thể tiếp quản được. Tôi đề nghị chúng ta hãy thực tế một chút, nhiệm kỳ Trung ương này hãy sửa đổi những sai lầm, và xin lỗi về những sai lầm đó. Lập công chuộc tội, không nên tiếp tục sùng bái cá nhân nữa.
Hiện nay người mà còn có đầu óc tỉnh táo một chút, ai còn đi sùng bái Mao Chủ tịch nữa? Ông Cận Bình, đừng bắt chước Mao, đừng làm con trai ông ấy, nếu muốn làm thì hãy làm con trai của Tập Trung Huân (bố đẻ của Tập Cận Bình). Nếu đi theo con đường của Mao, nhất định sẽ trở thành một tội nhân của lịch sử (…) Hệ thống hiện tại sẽ không hoạt động nếu không có những thay đổi mang tính thể chế. Thay đổi thế nào thì các vị tự biết”.
Ôn Gia Bảo: “Nhiều người biết Cách mạng Văn hóa đã thất bại, nhưng ít người nhận ra rằng cải cách cũng thất bại, bởi nếu không cải cách chính trị, cải cách kinh tế tất yếu sẽ thất bại và bị đặt lại về con số 0. Đồng chí Tập Cận Bình thực ra có hai lựa chọn, nhưng ông chọn cách tập trung quyền lực để trừng phạt mạnh mẽ nạn tham nhũng. Nếu đất nước được cai trị bằng dân chủ và thể chế pháp luật thì hiệu quả sẽ chậm hơn nhưng sẽ không gây ra hậu quả tai hại như hiện nay. Nguyên nhân không phải do chống tham nhũng quyết liệt mà do cải cách chính trị đảo ngược, tập trung quyền lực dẫn đến chuyên chế, sai lầm trong quyết định chính sách lớn của quốc gia, không có cơ chế sửa lỗi (…) Hiện nay vấn đề lạm dụng quyền lực đã dẫn tới những cuộc khủng hoảng lớn trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao và quân sự. Mọi người phải khôi phục lại hệ thống lãnh đạo tập thể.
Ôn Gia Bảo cũng nói “… Tập Cận Bình nói rằng ông ấy không muốn làm việc nữa. Ông ấy phải chịu áp lực rất lớn về thể chất và tinh thần và đang trong tình trạng suy sụp. Tôi hiểu điều đó. Điều chúng ta có thể làm bây giờ là các thành viên Thường vụ phải lo làm tốt công việc của mình trước. Mỗi người phải có chính kiến của mình. Trong lúc ổn định tình hình, thì chúng ta phải bắt tay vào việc hoàn thiện và cải cách hệ thống chính trị. Đồng chí Vương Hỗ Ninh đã thực hiện nghiên cứu sâu sắc về nền dân chủ lập hiến của Mỹ. Tôi tin rằng có thể kết hợp nó với thực tế của Trung Quốc để thành lập nhóm nghiên cứu, nhóm cải cách chính trị, và nhóm lãnh đạo để hoàn thiện bản thiết kế chi tiết trong nhiệm kỳ này…” Ôn Gia Bảo cảnh báo nếu Tập Cận Bình không chấm dứt suy nghĩ về nhiệm kỳ chung thân, ngừng cổ vũ sùng bái cá nhân, và không cam kết cải cách chính trị phù hợp với các giá trị phổ quát, thì lịch sử sẽ buộc đồng chí phải chịu trách nhiệm.
Vương Kỳ Sơn (từng làm Phó Chủ tịch nước và đại diện của Tập Cận Bình trên trường quốc tế) nói về việc mình đang ở vị trí cao, nhưng đã bị mất tự do cá nhân trá hình, đang bị quản thúc tại gia, tất cả các nhân viên bảo vệ và phục vụ trong nhà đều do trung ương cử tới, phải khai báo khi rời Bắc Kinh và lập biên bản khi gặp một người bạn cũ.
Vương Kỳ Sơn:
“…Dưới thời Đặng Tiểu Bình, các đồng chí cũ tham gia chính trị, một bộ phận lớn những người già cực tả đã can thiệp để ngăn cản cải cách chính trị và phản đối mở cửa, nhưng giờ đây tình hình đã đảo ngược. Các đồng chí trong triều muốn nối lại Cách mạng Văn hóa, tôi nghĩ đi nghĩ lại cũng có lý. thế hệ chúng tôi sinh ra vào những năm 1950 đều là con của Mao Trạch Đông, thế hệ thứ hai của phe Đỏ, lớn lên trong thời kỳ Văn hóa Cách mạng. Chỉ khi tiếp tục tham gia Cách mạng Văn hóa, chúng ta mới cảm thấy hạnh phúc trong lòng, cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa và có những ước mơ, lý tưởng trong cuộc sống. Mao Trạch Đông đã thành công trong việc trau dồi nhân cách, đồng chí vẫn chiếm giữ Quảng trường Thiên An Môn, dù đồng chí Cận Bình có làm gì thì cũng không thể chiếm được một chỗ đứng trên quảng trường. Vì vậy, tôi đề nghị Tập Cận Bình nên thực tế hơn và trở thành một con người thực sự như cha mình, phe cải cách và mở cửa…”
Vương Kỳ Sơn cũng cảnh báo: “Tất nhiên, chúng ta cũng phải chuẩn bị sẵn sàng. Khi các cuộc khủng hoảng khác nhau nổ ra, hãy cố gắng tránh đổ máu càng nhiều càng tốt. Nếu xảy ra đàn áp lớn, người dân cả nước căm ghét chúng ta, quân đội đã chứng minh điều đó từ lâu. Liên Xô và Đông Âu cũng đã chứng minh điều đó từ lâu. Đã có sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho nhà Thanh, và Viên Thế Khải 袁世凯 về cơ bản đã đảm bảo tài sản và sự an toàn cá nhân của hoàng gia và các hoàng tử. Quân đội của chúng ta có thể đạt tới trình độ này hay không, ta nghĩ cũng khó, bởi vì quân đội không có tinh thần lãnh đạo của mình, Trương Hữu Hạ có thể ổn định quân đội hay không? Sẽ có một cuộc nội chiến? Tôi không biết. Tập Cận Bình không có tư cách như Lão Mao, không thể vừa là nhà lãnh đạo tư tưởng, nhà lãnh đạo chính trị, vừa là nhà lãnh đạo quân sự …”
Bài viết cũng đưa ra phát biểu của Tập Cận Bình, qua đó Tập Cận Bình tiếp thu những lời chỉ trích về việc tuyên truyền cá nhân và tôn sùng cá nhân; thừa nhận những sai lầm nghiêm trọng về chính sách ngoại giao nước lớn—từ việc ủng hộ Nga chiến tranh với Ukraina dẫn đến việc Hoa Kỳ và các nước phương Tây coi Trung Quốc là kẻ thù công khai, ảnh hưởng trực tiếp đến việc mở cửa với thế giới bên ngoài của Trung Quốc và cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế; vấn đề Đài Loan, việc gây xung đột, mâu thuẫn gia tăng với các nước láng giềng, và chính sách ngoại giao Chiến binh Sói phải dừng lại. Về kinh tế, qúa coi trọng doanh nghiệp quốc doanh mà lu mờ kinh tế tư nhân. Quyết sách gõ vào trán (dựa vào chủ quan suy nghĩ) đã trực tiếp can thiệp vào công việc của Quốc vụ viện và các cơ quan khác, dẫn đến nhiều dự án chưa hoàn thành, dự án Tân khu Hùng An, dự án Một vành đai, Một con đường v.v. và nhiều sai lầm khác. Tập Cận Bình cũng nói rằng không bao giờ tham quyền cố vị, sẽ chính thức nghỉ hưu sau khi hết nhiệm kỳ này. Rằng trong ba năm tới, Tập sẽ tìm kiếm một thế hệ lãnh đạo mới và đảm bảo rằng họ sẽ được lựa chọn thông qua nền dân chủ trong nội bộ đảng.
Có bao nhiêu phần trăm sự thực trong những thông tin rò rỉ này? Rằng bản thân Tập Cận Bình cũng bị các nhân vật lão thành chỉ trích, cho dù quyền lực của Tập vẫn vững như bàn thạch? Và có thật là Tập sẽ nghỉ hưu sau khi hết nhiệm kỳ chứ không phải sẽ làm Chủ tịch cả đời như lâu nay dư luận vẫn cho là vậy, dựa trên thực tế Tập đã sửa Hiến pháp để có thể ngồi cả đời? Liệu tất cả những điều đó có đáng tin hay chỉ là lời đồn, hoặc nếu có thật thì những thông tin được lộ ra với mục đích gì?
Đây chỉ là để mọi người tham khảo, xin mượn lời của chính tác giả Wu Zuolai gửi tới độc giả: “… Trong thời điểm lịch sử vĩ đại chuyển biến này, sự thật và tin đồn cùng tồn tại.”
Chuyện chính trường của các chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản lãnh đạo như Trung Quốc, Việt Nam luôn luôn rất bí mật, không ai biết chuyện gì thực sự xảy ra phía sau, còn những “thông tin nội bộ” nếu có rò rỉ thì cũng là do phe này đánh phe kia tuồn ra hoặc có mục đích dọn đường dư luận chẳng hạn. Tình trạng bưng bít này tuy có lợi cho các đảng Cộng sản nhưng rõ ràng là có hại cho đất nước, nhân dân vì mọi quyết sách lớn của đất nước cho tới việc bầu chọn người ở cấp cao hay thanh trừng lẫn nhau chỉ do một nhúm người quyết định mà thôi.
Trần Lệ Bình