Trần Mộng Tú: Tháng Tư đọc thơ của người di tản
LTS- Những câu Thơ trích ra từ những bài Thơ của những người di tản. Kẻ đi trước, người đi sau và đi như thế nào thì cũng bỏ lại cả một quê hương yêu dấu sau lưng. Hai chữ “Quê Hương” không có phần đất hạnh phúc nào có thể thay thế được.
Hãy tưởng tượng ra em
Ở một căn nhà lạ
Mình em một ngôn ngữ
Mình em một mầu da
Mình em một mầu mắt
Mình em một lệ nhòa
(Trần Mộng Tú)
Ghé thân lữ khách trăm miền
Nhớ thương nào cũng mang tên Sài Gòn
(Thanh Nam)
Chia tay miếng bánh tay người
Niềm đau giữ kín tiếng cười phô ra
Chia nhau những kẻ không nhà
Em đêm mắt nhớ ta thờ thẫn hôm
(Du Tử Lê)
Trong ví ta này chứng chỉ tại ngũ
Mất nước rồi còn hiệu lực hơi lâu
Chiều lưu lạc chợt thương tờ giấy cũ
Tái tê cười: giờ gia hạn nơi đâu
(Cao Tần)
Có buồn không hỡi những ngôi làng
Lá thắm ngày nao lá đã vàng
Anh lính chiến nay không về nữa
Nắng chiều ở đó chắc mong manh
(Giang Hữu Tuyên)
Còn đó tin xa thư em nước mắt
Anh cất trong hồn hiu hắt xa quê
Muốn uống thật say quên đời tẻ ngắt
Có được vơi sầu năm tháng lê thê
(Nguyễn Nam An)
Tháng Tư cây bút và thơ
Ta ngơ ngẩn đứng bên bờ nhớ thương
Dăm câu vụng dại bên đường
Gửi em hồn nắng lòng sương xứ người
Gửi em mắt khóc môi cười
(Trịnh Gia Mỹ)
Lũ chúng ta mười phương trời hoạn nạn
Lìa quê cha như thú chạy cháy rừng
Chân vẫn nặng những con đường cũ
Mắt vẫn còn tưởng nhớ gió trăng xưa
(Hoàng Khởi Phong)
Chúng tôi tách ra từ đất
gieo những hạt khô lăn lóc trong gió trời
lòng rối mù trăm ngàn lý luận
chưa biết tin gì vào hạnh phúc tương lai
(Nguyễn Bá Trạc)
Tổ quốc cứ đầy đôi mắt ướt
máu đào xương trắng của ai phơi
rừng Nam núi Bắc thôi đừng nhắc
cuống rốn chùm nhau đã rã rời
(Trần Tú Uyên)
Bây chừ con chưa chào đời
Quê hương nào biết tả tơi điêu tàn
Nội, dì, cô, dượng hiên ngang
Còn bên nước Việt tiếp đường đấu tranh
Cha vì một phút mong manh
Ðã quên đất nước mà đành ra đi
(Lê Hoài An)
Ðêm nay thức gọi qua sông mộng
bóng ai về rũ áo đâu đây
hỏi quê xa có cùng sao đó
áo mầu xưa thêm lạnh trời tây
(Lê Tôn)
Bỗng dưng chim cũng lìa đàn
Vách nghiêng bóng nhớ, nhớ đàn lời ru
Tôi thân ngựa giữa sa mù
Vó xuôi nhịp mỏi buồn thu dáng ngồi
(Ngô Xuân Hậu)
Sớm nay trời đổ sương mù
Ðồi cao ngó xuống thấy mờ biển khơi
Bỗng dưng lòng thoáng bồi hồi
Tưởng đâu Phú Quốc đêm rời quê hương
(Thanh Nam)
Ta ngồi một mình
ly cà phê cạn
lòng như tháng Tư
đứt ra từng đoạn
(Trần Mộng Tú)
Gọi tôi trên bến đò này
Sông kia núi nọ chia tay thủa nào
Sàigòn, còn đó chiêm bao
Gọi lên một tiếng, ngọt ngào nghìn năm
(Huyền Không)
Thương mình lưu lạc phương trời
Không ngày hạnh phúc không người tri âm
Một mình một bóng âm thầm
Cười cười nói nói trong lòng đớn đau
(Trần Hoàng Anh)
Một chín bẩy lăm
Không phải riêng đời tôi sụp đổ
Không phải riêng con tôi không có miếng ăn
Tất cả chúng ta tự mất chính mình
Dù chịu đóng đinh
Cũng không thể nào cứu chuộc
(Dương Kiền)
Năm năm những khuya những sớm
Ta nằm sao được trọn lưng
Bản đồ Việt Nam trên đầu
Hình đất nước như chiếc đinh giáng xuống!
(Ðỗ Quyên)
Anh ạ tháng Tư sương mỏng lắm
Sao em nhìn mãi chẳng thấy quê
Hay sương thành lệ tra vào mắt
Mờ khuất trong em mọi nẻo về
(Trần Mộng Tú)
Về đâu thì cũng về đâu đó
biển đông mù khói sóng bao la
đợi rằm đến một vầng trăng tỏ
chép lại bài thơ nhớ nước nhà
(Nguyễn Mạnh Trinh)
Ngày ra đi cha ẵm trên tay
Con mới khôn ba tháng một ngày
Con không biết nhà tan nước mất
Không biết mình sao lạc phương Tây
(Trang Châu)
Có khi nỗi nhớ như đất cát
Cứ mãi đùn lên những mảng buồn
Có khi lòng yêu là sóng vỗ
Rì rào quanh bờ bãi quê hương
(Phạm Ðình Cường)
Chén nâng ngang mặt khóc mời
Những hồn phiêu dạt những đời thiếu quê
Cạn thêm chén đắng não nề
Tay ôm vầng trán nghiêng che nỗi buồn
(Hà Huyền Chi)
Ngày con cất tiếng chào đời
cha thân biệt xứ sống đời oan khiênru con trôi dạt mấy miền
núi trơ vơ núi sông biền biệt sông
(Nguyễn Ðức Bạt Ngàn)