Trần Nam Anh: Có thể nào bước vào kỷ nguyên mới với những cung cách làm ăn chụp giựt, gian dối như thế này?*

CẦU HÒA BÌNH – “CHÀO MỪNG” BẰNG MỒM, XÂY DỰNG BẰNG GIAN DỐI

Vừa mới khánh thành chưa đầy tháng, cầu Hòa Bình – biểu tượng “chào mừng giải phóng” ở Tây Ninh – đã… tự giải phóng luôn một phần đường dẫn, kéo theo xe cộ rơi thẳng xuống hố. Nếu không phải trời còn thương dân, hẳn chúng ta đang nói về đám tang thay vì… vài vết xây xát.

450 mét đường mà cũng không làm nổi, vậy mà dám gọi là công trình trọng điểm, lại còn gắn mác chào mừng 50 năm thống nhất đất nước và đại hội Đảng bộ. Thử hỏi, còn gì chua chát hơn khi một biểu tượng “vinh danh” nhân dân lại suýt giết dân chỉ vì sự gian dối trắng trợn?

Cầu chỉ dài 39 mét – còn lại hơn 400 mét là… đường dẫn. Và chính cái đường dẫn ấy vừa “dẫn” một ô tô 5 chỗ và hai xe máy xuống hố. Vậy thì đây là cầu Hòa Bình hay bẫy tử thần mang tên “ăn thật làm giả”?

Không phải động đất. Không phải bom đạn. Không có thiên tai. Chỉ có “nhân tai” – tai họa do lòng tham và sự bất lương của những kẻ được giao xây dựng bằng tiền thuế của dân.

Gọi thẳng tên: Đây là sự sụp đổ của đạo đức nghề nghiệp, của giám sát, của kiểm tra, nghiệm thu – và của cả lương tâm. Người ta làm thật – nhưng chỉ thật ở phần… khánh thành. Còn vật liệu, móng, nền – tất cả đều có thể cắt bớt, rút ruột, ăn xén. Miễn là lên hình long trọng, băng rôn rực rỡ và vài bài phát biểu hoa mỹ.

Nguyên nhân ban đầu? “Sụt lún cục bộ.” Vâng, cái cụm từ mơ hồ ấy giờ trở thành bình phong cho vô số công trình gian dối khắp nước. Khi cầu sập thì đổ cho “nền đất yếu”, khi đường nứt thì nói do “biến đổi khí hậu”, khi dân chết thì xin “chia buồn sâu sắc”.

Nhưng không ai chịu trách nhiệm. Không nhà thầu nào bị nêu tên. Không cán bộ nào bị truy xét trách nhiệm. Không đồng tiền nào bị thu hồi.

Cái “Hòa Bình” mà dân cần không phải ở băng rôn đỏ, mà là sự an toàn khi đi lại, sự minh bạch trong đấu thầu, và công lý khi có sai phạm.

Cầu Hòa Bình sập. Danh dự chính quyền cũng theo đó mà lún. Và nếu không truy đến cùng, thì ngày mai có thể là một cầu Hòa Bình khác, một đường cao tốc nào đó, một chung cư, một bệnh viện, một trường học – tiếp tục biến thành nấm mồ cho những người dân vô tội.

Tran NamAnh

***

VINFAST – TỪ “ĐỐI THỦ CỦA TESLA” ĐẾN “ĐỐI THỦ CỦA ĐÓNG CỬA”

Khi một công ty còn chưa học đi đã muốn chạy marathon ở châu Âu và Mỹ, kết cục dễ đoán là… gãy giò. VinFast, thương hiệu từng được truyền thông trong nước tung hô như biểu tượng công nghiệp “vươn ra biển lớn”, giờ đang lặng lẽ… dạt vào bờ, co ro đóng cửa từng showroom một, như thể chưa từng hứa hẹn gì hoành tráng.

Từng tuyên bố sẽ “làm Tesla Việt Nam”, VinFast nay chuyển từ “bán hàng trực tiếp như Tesla” sang “chuyển nhượng quyền phân phối như… hàng tạp hóa khu chợ huyện”. Đóng showroom nhưng gọi đó là “đổi chiến lược”, sa thải nhân viên thì nói là “mở rộng khả năng phục vụ”. Quả thật, ngôn ngữ truyền thông của VinFast nên được giảng dạy trong các lớp “spin chính sách 101”.

Thống kê không biết nói dối: chỉ có 65 xe đăng ký trong cả quý đầu 2025 tại châu Âu – chưa bằng số xe một đại lý Peugeot bán trong… tuần lễ vàng. Riêng ở Pháp, 3 chiếc VF8 được đăng ký – một con số vừa đáng thương vừa hài hước đến mức tưởng là lỗi đánh máy.

Chiến lược của VinFast có thể tóm gọn trong một câu: “trình diễn thì nhiều, sản phẩm thì ít; quảng bá thì rầm rộ, nội dung thì rỗng tuếch.” Bỏ tiền cho KOL review xe thay vì để báo chí phỏng vấn chính thức – là cách làm của những thương hiệu ngại thật thà, sợ sự thật. Nếu xe tốt, hà cớ gì phải tránh né giới chuyên môn?

Khởi đầu bằng tham vọng “công phá” thị trường cao cấp, VinFast giờ đây quay xe về Đông Nam Á – nơi kỳ vọng người tiêu dùng ít khắt khe hơn, và báo chí cũng ít hỏi câu khó. Thế nhưng câu hỏi không dễ tránh: Làm sao người ta tin vào một thương hiệu chỉ sau vài năm đã rút chân khỏi các thị trường trọng yếu như chạy giặc?

Không phải sản phẩm Việt nào cũng phải thành công quốc tế. Nhưng thất bại của VinFast là bài học đắt giá về sự kiêu ngạo khởi đầu, sự thiếu trung thực truyền thông, và sự xa rời thực tế thị trường. Từ chỗ muốn thành biểu tượng “công nghiệp hóa hiện đại hóa”, VinFast đang trở thành ví dụ kinh điển cho câu: “Làm thương hiệu không chỉ bằng tuyên bố, mà bằng sản phẩm thật, khách hàng thật và niềm tin thật.

Trần Nam Anh 

*Tựa do DĐTK đặt.