Trần Thị Diệu Tâm : Sân Khấu Paris với Đờn Ca Tài Tử

Tôi nhận được giấy mời đi xem vở diễn Đoạn Tuyệt do nhóm Cội Nguồn (Source de la Culture Vietnamienne, coinguon.asso@orange.fr ) trình diễn ngày 21 tháng 4 / 2024. Địa điểm tổ chức tại Théâtre Jacques- Higelin /Saint- Germain. Quận 6 Paris.

Đã lâu rồi tôi không còn lui tới ở khu phố nổi tiếng này, một quận Paris sang trọng đầy du khách thăm viếng, gồm nhiều di tích lịch sử văn hóa Pháp và những quán cà-phê ấm cúng. Quán cà-phê lịch sử « Les deux magots » trước đây là nơi gặp gỡ, trao đổi những trào lưu nghệ thuật văn hóa tư tưởng của thế giới hiện đại. Cô Trúc Tiên, trưởng nhóm Cội Nguồn chắc hẳn là một người can đảm, chịu chi chịu chơi, khi dùng sân khấu kịch nghệ tại khu phố Paris quận 6 này để phổ biển kịch bản Đoạn Tuyệt theo dòng nghệ thuât Đàn Ca Tài Tử (Đờn Ca Tài Tử ).

 Vào trong rạp, điều làm cho tôi hết sức ngạc nhiên, rạp đầy kín người. Đó là hiện tượng hiếm khi thấy, với 350 ghế ngồi, không còn một chỗ trống. Nghe nói vé bán hết sạch, người mua chậm không thể. Lại thêm một số bạn Pháp cũng có mặt. Theo trí nhớ, Đoạn Tuyệt là một tác phẩm nổi tiếng của Nhất Linh viết khoảng năm 1934, với nội dung phá bỏ những hủ tục phong kiến, để cải tiến một cách sống mới, tự do lựa chọn cho bản thân một cuộc đời theo ý muốn và có trách nhiêm. Loan là nhân vật chính cho cuốn truyện này.

   Với dàn diễn viên tài tử, không chuyên nghiệp, có người mới lên sân khấu lần đầu, có người đôi ba lần, nhưng họ nhập vai tròn đầy, vai nào cũng đậm kịch tính, khán giả khó mà quên. Riêng cặp đôi Minh Tâm –Tài Lương là hai nghệ sĩ chuyên nghiệp Cải Lương, đã cho khán giả nghe những câu ca não nùng. Vai chính Loan do cô Trúc Tiên đảm nhận, lối diễn và giọng ca sắc nét. Khi tấm màn sân khấu khép lại chuyển qua một phân cảnh khác, tiếng vỗ tay nồng nhiệt khích lệ. Với dòng nhạc Đờn Ca Tài Tử (ĐCTT), ban nhạc chính là linh hồn chủ đạo, gồm có đàn Tranh do Thu Thảo, đàn Ghi-ta phím lõm (guitare modifiée) do Văn Môn, đàn Kìm (luth) do Huỳnh Tuấn, 2 nghệ sĩ này mời từ Viet Nam qua. Ngoài ra thêm phần phụ diễn tân nhạc của những ngón tay tài hoa Vỹ cầm (violon) Vinh Phạm, và Anh Thư, Dương cầm (piano) với Juilie Nguyễn, Trang Thanh Trúc. Đơn ca với Mộng Trang, Đình Đại, Tố Lan. Tuy vở Đoạn Tuyệt được chuyển thể theo thể loại nhạc kịch ĐCTT với phương tiện hạn chế, nhưng nhờ có thêm các bản tân nhạc phụ diễn, nên khán giả lớn tuổi thế hệ thứ nhất hay thế hệ thứ hai đều vô cùng hoan hỉ. Trên màn hình có phần phụ đề, và dẫn chương trình bằng Pháp ngữ khá rõ ràng chi tiết, do đó dù thứ nhất hay thứ hai, cha mẹ hay con cái, và cả người Pháp đều vỗ tay tán thưỏng không ngớt.

Trúc Tiên trong vai diễn cô Loan tân thời (Đoạn Tuyệt) phải nghe theo lời mẹ lấy một người chồng cô không yêu.

  Cùng với sự hỗ trợ của hội Le Cercle Premier (Art culture musique Vietnam France  Monde) do ông Bùi Xuân Quang chủ nhiệm, ĐCTT lại xuất hiện trên sân khấu quận Paris 13, trung tâm sinh hoạt chính của cộng đồng Châu Á, vào ngày 27 tháng 4. Dù chân cẳng hay bị tê đau, tôi cũng bất chấp, gắng đến tham dự sớm cho có chỗ (lần này không bán vé, khán giả ủng hộ tùy tâm). Như được quyến rũ bởi nghệ thuật ĐCTT, sân khấu lần này cũng không đủ chỗ cho những ai đến chậm, do một cơn mưa xuân bất ngờ kéo đến, không ướt người cũng ướt áo.

 Lần đầu tiên, tôi đi tìm hiểu thế nào là ĐCTT. Loại nghệ thuật ca hát này có nguồn gốc từ Nhã Nhạc Cung Đình Huế, rồi theo đoàn người xuôi Nam, đi đến địa phương nào lại biến tấu theo âm giọng địa phương đó, trở thành dòng nhạc có tính dân gian, được phổ biến nhiều trong dân chúng miền Nam. Giữa cảnh trời sông nước xinh đẹp thơm mùi lúa chín, người nghệ sĩ chỉ cần một cây đờn, và một giọng ca cất lên thánh thót, là đủ làm say đắm lòng người. Chỉ cần một khung cảnh hẹp trên chiếc thuyền nan, hoặc trên một giải chiếu, hay trong một mái tranh hiền hòa, ĐCTT có thể tạo thành một giai điệu hòa tấu réo rắt. Giữa Trời và Đất là âm thanh trầm bổng của Người, cả ba tương tác với nhau Thiên Địa Nhân tạo ra một chốn thần tiên có thật. Thiên nhiên hữu tình của sông nước miền Tây là những tấm phông sân khấu tuyệt đẹp mà không một nhà thiết kế nào có thể xây dựng. Đồng bằng sông Cửu Long chính là cái nôi nuôi dưỡng và phát triển cho ĐCTT.

  Dần theo thời gian, ĐCTT được cải cách và lương truyền sâu rộng trong quần chúng, biết dùng sân khấu để trình diễn và có tuồng tích truyện hẳn hoi, thu hút rất đông người đi xem. Gánh hát Cải Lương ra đời. Qua những năm 60, dòng nhạc Cải Lương phát triển rầm rộ tại miền Nam, để theo kịp thị hiếu thời đại, các màn Cải Lương được phụ tấu thêm tân nhạcgọi là « Tân Cổ Giao Duyên ». Tôi nhớ lúc còn bé theo má đi xem hát Cải Lương, mỗi lần diễn viên ca cuối câu, thả chữ xuống giọng trầm, là khán giả ngồi ở dưới vỗ tay ào ào, vậy mới gọi là biết nghe, biết thưởng thức Cải Lương ! Tuy Cải Lương phát triển rộng trên địa bàn sân khấu, nhưng dòng nghệ thuật ĐCTT vẫn luôn giữ gìn được bản sắc độc đáo của riêng mình, lời ca đơn giản bình dị, mà thấm sâu vào lòng người nghe. Nghệ thuật Đờn Ca Tài Tử xứng đáng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Trong buổi trình diễn tại sân khấu quận 13, chương trình nói về lịch sử của nghệ thuật ĐCTT, và trình tấu nhiều đoạn ca cổ, trong đó có bản Dạ Cổ Hoài Lang (của nhạc sĩ Cao văn Lầu) rất nổi tiếng. Khán giả được nghe tiếng ca của Trúc Tiên rất mùi qua điệu Xàng Xê trong bản Trưng Vương nước Việt làm cho khán giả biết bao nao lòng. Đặc biệt màn Tân Cổ Giao Duyên Xin Trả Tôi Về do cô Kim Hoa gây nhiều xúc động.  Giờ đây, ngồi trên ghế một rạp hát Paris quận 13, tuổi đã xế chiều, mắt đã mờ chân đã mỏi, tai lắng nghe đoạn ca Xin Trả Tôi Về, sao thấy lòng rưng rưng, tưởng rằng mình đã quên mọi chuyện xa xưa, nhưng không. Xin trả tôi về với quá khứ dù biết rằng không bao giờ còn có thể !

 Trong việc tái hiện dòng nhạc Đờn Ca Tài Tử trên sân khấu Paris, công lao chính là Trúc Tiên, một cô gái duyên dáng, thuộc thế hệ thứ hai. Cô qua Pháp cùng cha mẹ năm cô 10 tuổi. Trưởng thành trên xứ người, nhưng cô có hoài bão làm sống lại dòng nhac cổ tưởng chừng như đã bị quyên lãng, mai một theo năm tháng nơi này.  Lúc còn ở quê nhà, Trúc Tiên dưới 10 tuổi, vậy từ bao giờ cô bé yêu lời ca tiếng hát này ?

    Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi / Thoát ngàn năm thành tiếng lòng tôi (Phạm Duy) .

Để kết thúc bài viết này, với sự cảm nhận của một khán giả, tôi hoan nghênh và quý trọng tấm lòng của nhóm Cội Nguồn trong công cuộc Gìn Vàng Giữ Ngọc văn hóa quê hương của chúng ta và cả thế giới.

Trần Thị Diệu Tâm

Paris, Xuân 2024