Trần Trung Đạo: Hoàng Sa sẽ trở về với dân tộc Việt Nam

Ba điều kiện tiên quyết để một dân tộc tồn tại và phục hồi những lãnh thổ đã bị xâm chiếm bằng võ lực bởi một nước mạnh láng giềng là (1) niềm tin vào sự trường tồn của lịch sử dân tộc, (2) phát huy nội lực và (3) tận dụng mọi cơ hội quốc tế thuận tiện để giành lại chủ quyền. Đó không phải là những lời an ủi suông mà là những yếu tố quyết định. 

Nhờ nuôi dưỡng ý chí và đấu tranh cho lý tưởng phục hưng dân tộc mà thế giới ngày nay có thêm những nước thịnh vượng như Ba Lan, Tiệp Khắc, Latvia, Estonia, Lithuania, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và khá nhiều quốc gia khác. Những quốc gia này thoạt nghe tưởng đã có mặt từ xa xưa lắm, không, dân tộc họ có từ mấy ngàn năm nhưng chỉ chính thức hiện diện như những nước cộng hòa sau khi Đế quốc Nga, Đế quốc Đức và Đế quốc Ottoman tan rã. 

Các thành phố Wrocław (trước đây là Breslau), Szczecin (trước đây là Stettin), Gdańsk (trước đây là Danzig) là những lãnh thổ bị Đức chiếm và sau Thế Chiến Thứ Hai đã được trả về Ba Lan. Nhiều nước gần với Việt Nam bị thực dân cưỡng chiếm đã được trả về cho dân tộc họ như Nam Dương (1945), Philippines (1946), Miến Điện (1948), Sri Lanka (1948). 

Dù là đế quốc Akkadian (2300 BC) hay đế quốc Cộng sản Liên Xô (1917) đều dẫn đến sụp đổ. Nhưng lý do gì làm một đế quốc phải sụp đổ? Câu trả lời là (1) không thể bành trướng thêm và (2) rạn nứt dần do các mâu thuẫn không thể hóa giải từ bên trong. 

Bành trướng là một đặc điểm có tính bản chất của mọi đế quốc dù Mông Cổ hay Mughal ở Á Châu, Roman hay Ottoman ở Âu Châu. Nhưng mọi chủ nghĩa bành trướng đều có giới hạn. 

Đế quốc Trung Cộng dưới thời Tập Cận Bình ngoài việc mang đầy đủ các đặc tính của các đế quốc đi trước còn phải đương đầu những mâu thuẫn mang tính triệt tiêu từ bên trong. Hiện nay Trung Cộng là xã hội tiêu thụ nhưng ít trẻ hơn người già. Theo thống kê của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO): “Trung Quốc là một trong những quốc gia có dân số già đi nhanh nhất thế giới. Dân số trên 60 tuổi ở Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 28% vào năm 2040 do tuổi thọ cao hơn và tỷ lệ sinh giảm. Sự thay đổi nhân khẩu học to lớn này đặt ra nhiều thách thức và cơ hội mới cho phát triển y tế công cộng và kinh tế xã hội – đặc biệt là sự phát triển của một hệ thống tích hợp phục vụ nhu cầu sức khỏe và xã hội của người cao tuổi, với khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bình đẳng bất kể khu vực địa lý.” (WHO, Ageing and health in China)

Tham nhũng xảy ra ở mọi quốc gia trên thế giới nhưng tại các nước do đảng Cộng sản   cai trị căn bệnh truyền nhiễm này không chỉ trầm trọng mà còn có tính đảng. “Tính đảng” là một khái niệm do chính đảng Cộng sản đặt ra. Gọi là tính đảng bởi vì tình trạng tham nhũng phát sinh ngay trong lòng cơ chế chính trị Cộng sản, do cơ chế Cộng sản nuôi dưỡng, tràn lan sang các bộ phận khác của hệ thống và dần dần làm hư thối toàn xã hội. Các quốc gia khác cũng từng bị tham nhũng hoành hành, chiến đấu chống tham nhũng và đang từng bước thành công nhờ cơ chế dân chủ như Moldova, Fiji và Nam Phi. (12 Countries To Watch On The 2023 Corruption Perceptions Index, Transparency International 2023)

Tại Trung Cộng quyền con người không tồn tại ngay cả trong lý thuyết chứ đừng nói chi là thực tế. Mọi quyền hạn đều tập trung trong tay đảng Cộng sản nhưng không ai bầu đảng Cộng sản, không ai trao cho đảng Cộng sản quyền lãnh đạo. Trong thời kỳ mới mở cửa, người dân tập trung xây dựng cuộc sống sau khi vừa bước ra khỏi thời tem phiếu nên có khuynh hướng chấp nhận hay không quá quan tâm đến việc ai lãnh đạo mình nhưng thái độ đó đã thay đổi (Thiên An Môn 1989) và sẽ thay đổi nữa theo đà phát triển của văn minh nhân loại. 

Quan điểm cho rằng người Á Đông không thích hợp với dân chủ Tây Phương là luận điệu của tuyên giáo và ngụy biện. Có thể khác nhau về hình thức, tốc độ thực hiện nhưng tự do dân chủ là quyền bẩm sinh của con người, như chim bay, cá lội, không phân biệt Âu, Á hay Phi. 

Theo Gini Index, tiêu chuẩn dùng để đo lường mức độ mất cân xứng trong việc phân phối lợi tức gia đình, Trung Cộng là một trong số mười phần trăm mất cân xứng nhất trên thế giới. Xã hội bưng bít Trung Cộng không thể thích nghi với thế giới luôn đổi thay và sinh động. Các chính sách tự diễn biến (đổi mới kinh tế) đều có tính cách chiến thuật, phòng thủ, vá víu từng giai đoạn. Trung Cộng là một quốc gia kỹ nghệ giữ kỷ lục ô nhiễm môi trường sống hàng đầu thế giới. (Caroline Garrett, Most polluted countries in the world: 2022 ranking, Climate Consulting) 

Các tiên đoán về thời điểm sụp đổ của Trung Cộng không chính xác vì các chính sách tự diễn biến của giới cầm quyền Trung Cộng đang giúp kéo dài sự sống của chế độ, tuy nhiên, các mâu thuẫn đối kháng bên trong Trung Cộng là đúng và đang dần dần hiện rõ nét. 

Đừng nói chi các tư tưởng tự do, bình đẳng của Jean-Jacques Rousseau, Montesquieu, hay Voltaire là nguồn thôi thúc của cách mạng Pháp 1789 mà ngay cả Các Mác trong Tư Bản Luận và Mao trong Mâu Thuẫn Luận (các bài giảng tại Trường Đại học Quân chính kháng Nhật ở Diên An) cũng thừa nhận quy luật mâu thuẫn triệt tiêu giữa hạ tầng cơ sở (kinh tế) và thượng tầng kiến trúc (chính trị) sẽ dẫn tới cách mạng. Mao Trạch Đông phát biểu: “Theo quan điểm của phép duy vật biện chứng thì sự biến đổi của giới tự nhiên chủ yếu là do sự phát triển của mâu thuẫn bên trong nó. Sự biến đổi của xã hội chủ yếu là do sự phát triển của mâu thuẫn bên trong nó, tức là sự mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, mâu thuẫn giữa các giai cấp, mâu thuẫn giữa cái mới và cái cũ; sự phát triển của những mâu thuẫn đó đã đẩy xã hội tiến lên, đã đẩy xã hội mới thay thế xã hội cũ.” (Mao Trạch Đông, Bàn Về Mâu Thuẫn, Nhà xuất bản Tháng Tám, 2024)

Để ngăn chặn, đúng ra là làm chậm, các mâu thuẫn đối kháng phát triển nhanh, về nội bộ, Trung Cộng áp dụng các kỹ thuật tuyên truyền phản nhân tính nhất, đặc biệt trong Thời Đại Số (The Digital Age) để “thuần hóa lịch sử”, để làm tê liệt mọi khả năng đối kháng của người dân, và để biến con người thành những động vật chỉ biết sống theo bản năng. 

Nhưng một chế độ chà đạp lên quyền con người sớm hay muộn phải sụp đổ, chỉ chưa biết chính xác sẽ đổ cách nào và khi nào. Một ngày, khi đứng trước cơn bão thời đại, Trung Cộng buộc phải chọn một trong hai, (1) giảm cường độ các xung đột và tranh chấp với các nước láng giềng để tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ như Gorbachev đã làm, (2) hay sẽ phát động chiến tranh khu vực để có lý do củng cố quyền cai trị như Mao và Đặng Tiểu Bình đã làm.

Cả hai kịch bản đều là cơ hội cho các nước láng giềng dân chủ có chân trong các liên minh để đương đầu với Trung Cộng trong thế mạnh và qua đó phục hồi hay ít nhất quốc tế hóa các lãnh thổ đã bị Trung Cộng cưỡng đoạt, trường hợp của Việt Nam là Hoàng Sa.

Cục diện Châu Á đang diễn ra có nhiều nét giống với cục diện Châu Âu trước Thế Chiến Thứ Nhất, ở đó các liên minh đang dần dần hình thành và kết hợp. Những ai có đầu óc Lê Chiêu Thống hay Trần Ích Tắc cho rằng Trung Cộng không bao giờ đổ thì không nói làm gì, tuy nhiên, nếu đồng ý Trung Cộng sẽ đổ thì việc giành lại Hoàng Sa không phải là ảo tưởng. 

Đừng sợ Trung Cộng. Bản đồ châu Âu được vẽ đi vẽ lại nhiều lần và nhiều vùng đất được trả lại cho chủ cũ do công pháp quốc tế, thỏa hiệp, nhượng bộ, áp lực hay trong nhiều trường hợp những kẻ cướp không có chọn lựa nào khác là trả lại những gì họ đã cướp. Đối với Trung Cộng, Hoàng Sa quan trọng nhưng không quan trọng bằng Mãn Châu, Nội Mông, Tây Tạng. Bảo vệ trung tâm là chính sách truyền thống của mọi đế quốc độc tài. 

Các công ước quốc tế có tính thời đại và tính lịch sử. Không thể tiên đoán những biến cố chưa xảy ra nhưng một lãnh đạo có tầm nhìn xa phải biết chuẩn bị cho mọi tình huống kể cả chiến tranh. Việc mất đất và lấy lại đất có khi diễn ra nhanh chóng ngoài tiên liệu. Tháng 3, 1918, phe Bolshevik còn yếu và để bảo vệ các thành quả của “Cách mạng tháng Mười Nga” Lenin ký thỏa hiệp Brest-Litovsk với Đức, qua đó Nga nhường phần lớn lãnh thổ thuộc các quốc gia Ba Lan, Phần Lan, Lithuania Estonia, Latvia, Belarus, Ukraine cho Đức để được rút ra khỏi Thế Chiến Thứ Nhất. Tuy nhiên chỉ tám tháng sau Đức bại trận, Hiệp ước Versailles buộc Đức phải trả lại quyền sở hữu trên các lãnh thổ này. Tất cả chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Người dân Đức chưa kịp định cư lập nghiệp trên vùng đất mới chiếm được lại phải lo khăn gói dọn về quê.

Công pháp quốc tế không chỉ nhằm bảo vệ bên đúng mà quan trọng hơn bên đúng đó đứng về phe nào trong các xung đột quốc tế. Việt Nam có đúng về mặt pháp lý quốc tế đi nữa nhưng vì đứng về phía Trung Cộng nên sẽ không có nhiều quốc gia bênh vực. 

Đi với Mỹ không phải là đi với nước Mỹ mà là đi với xu hướng phát triển của thời đại. Nếu lãnh đạo các nước Hungary, Ba Lan, Tiệp Khắc cứ khư khư ôm mối hận lòng và không hợp tác với Mỹ vì đã từng bị Anh, Mỹ bỏ rơi sau 1945 thì hôm nay các quốc gia trên cũng cam chịu chung số phận của Ukraine hay nằm trong quỷ đạo của Putin. Nhưng không, lịch sử là lịch sử. Nhờ lãnh đạo sáng suốt và biết nhìn xa, Ba Lan, Hung và Tiệp đi gần với Mỹ và là ba nước đầu tiên trong Khối Warsaw tham gia NATO 1999. Sau Thế Chiến Thứ Hai, Liên Xô lớn hơn, đông hơn và vũ khí nhiều hơn Thổ Nhĩ Kỳ gấp nhiều lần nhưng không chia phần kiểm soát Eo Biển Thổ Nhĩ Kỳ được chỉ vì có Hoa Kỳ đứng sau lưng Thổ. Ngày 14 tháng 5, 1948 quốc gia Do Thái được thành lập với dân số chỉ 806,000 người nhờ có Mỹ bảo vệ, trong khi đó, dân tộc Kurds với dân số ước lượng từ 20 triệu đến 30 triệu sống rải rác khắp Châu Âu, Châu Phi và Trung Á nhưng cho đến nay vẫn không có một miếng đất cắm ngọn cờ gọi là chủ quyền của dân tộc Kurds. 

Yếu tố có ảnh hưởng quyết định cho một thỏa hiệp đa phương hay song phương không hẳn là luật quốc tế thôi mà là thực tế chính trị thế giới, vị trí của mỗi bên trên bang giao quốc tế và áp lực quốc tế ảnh hưởng đến cuộc tranh chấp tại thời điểm đó. 

Những phân tích hay bàn cãi ngày nay chỉ dựa trên các điều kiện bang giao quốc tế ngày nay và ngày nay là một Trung Cộng bành trướng hung bạo. Tuy nhiên thực tế chính trị và quân sự của thế giới và của Trung Cộng có thể sẽ khác hẳn trong tương lai. Những nhà lãnh đạo quốc gia khôn ngoan không chỉ nhìn xa trông rộng mà còn phải có những chính sách cụ thể hướng đến các trường hợp có thể xảy ra trong tương lai.

Trung Cộng đã qua đỉnh cao nhất của phát biển kinh tế và đang đứng trước viễn ảnh không mấy sáng sủa trong tương lai. Mức GDP gia tăng 15.2% năm 1984 không bao giờ trở lại. Bên trong, các thất bại kinh tế của Trung Cộng mang tính hệ thống và bên ngoài biên giới bị bao vây bởi 14 nước phần đông không thân thiện. Ngoài ra, nhiều cường quốc không thân thiện như Mỹ, Nhật, Nam Hàn v.v.. chỉ cách lục địa một vùng biển hẹp. Trung Cộng nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. 

Mọi người Việt quan tâm đến vận mệnh đất nước trong thời điểm vô cùng khó khăn và phức tạp này đừng nên gieo rắc các ý tưởng đầu hàng Trung Cộng và cũng không nên lấy chiều dài của đời mình để đo dòng lịch sử. Nhiều dân tộc chỉ bị thực dân chiếm đóng một trăm năm đã mất gốc, nói tiếng Anh, tiếng Pháp như trường hợp các nước Phi Châu, hay tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha như ở Nam Mỹ nhưng tổ tiên chúng ta chịu đựng hàng ngàn năm Bắc thuộc với bao cực hình đày đọa vẫn giữ được núi sông, giọng nói, tiếng cười và cả tiếng khóc Việt Nam. 

Hãy cùng nhau kiên trì tranh đấu vì tương lai tự do, dân chủ và thịnh vượng cho con cháu mai sau. Hoàng Sa sẽ trở về với dân tộc Việt Nam.

Trần Trung Đạo