Trần Trung Đạo: Nguồn gốc của khẩu hiệu “Chung vận mệnh” hay “Chung tương lai” của Trung Cộng
Hai biến cố có tầm quan trọng với chính sách đối ngoại của Cộng sản Việt Nam trong năm 2023 là chuyến viếng thăm của Tổng thống Joe Biden và của lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nỗi lo lớn nhất của các nhà lãnh đạo Trung Cộng từ thời Mao đến nay là nỗi lo bị bao vây. Để làm nhẹ mối lo, họ đã tìm mọi cách để tạo thế liên minh với các quốc gia cùng chia sẻ quyền lợi. Một quốc gia, vừa là nạn nhân, vừa là đồng minh ý thức hệ và cũng có thể là một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của họ là Việt Nam.
Ngày 11 tháng 9, 2023, Tổng thống Mỹ viếng thăm Việt Nam. Đây là chuyến viếng thăm ngắn nhưng rõ ràng là một bước chiến lược nhằm lôi kéo Việt Nam về gần với Mỹ. Cộng sản Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên hàng “đối tác chiến lược toàn diện”, ngang tầm với Trung Cộng, Nga, Ấn Độ và Nam Hàn.
Việt Nam, với vị trí chiến lược quan trọng trong vùng Nam Á Châu, là đầu cầu quan trọng Mỹ muốn đặt chân trở lại và Trung Cộng bằng mọi giá muốn giữ.
Trước khi viếng thăm Việt Nam, ngày 1 tháng 5, 2023 Joe Biden đã tiếp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Tòa Bạch Ốc. Hai Tổng thống cam kết mở rộng mối quan hệ mật thiết vốn có và bày tỏ mối quan tâm trước chủ trương gây hấn của Trung Cộng. Tổng thống Biden cam kết “Hoa Kỳ cũng giữ vững cam kết bảo vệ Philippines, kể cả ở Biển Đông, và sẽ tiếp tục hỗ trợ việc hiện đại hóa quân đội của Philippines.”
Trước đó một tuần, Tổng thống Biden tiếp Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol để thảo luận kế hoạch đối phó với Bắc Hàn.
Trong dịp viếng thăm Ấn Độ tháng 9, 2023, ngoài hợp tác kinh tế, Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh đến yếu tố “tự do dân chủ” như là một nền tảng để phát triển quốc gia. Trong thông cáo chung, lãnh đạo hai quốc gia “tái nhấn mạnh rằng các giá trị chung về tự do, dân chủ, nhân quyền, hòa nhập, đa nguyên và cơ hội bình đẳng cho mọi công dân là rất quan trọng đối với sự thành công mà hai nước chúng ta đạt được và rằng những giá trị này củng cố mối quan hệ của chúng ta.”
Trong chuyến viếng thăm Việt Nam, mặc dầu Tổng thống Biden bác bỏ quan điểm cho rằng một “chiến tranh lạnh” khác đang diễn ra tại Á Châu, những ai am tường chính trị đều biết đó chỉ là một cách rào đón ngoại giao. Thực tế, khi Tổng thống Biden đang phát biểu, các liên minh chính trị quân sự đã hình thành.
Nam Hàn, Nhật Bản, Philippines, Thái, Úc, Tân Tây Lan đã là những quốc gia có liên minh quân sự với Mỹ. Đó là chưa tính việc liên kết với các tổ chức có khuynh hướng bước gần tới Mỹ như Quad (Thảo luận an ninh bốn nước Mỹ, Ấn, Úc, Nhật), AUKUS (liên minh Mỹ, Anh, Úc) và cả một số nước ASEAN. Các liên minh này cho thấy Mỹ đang siết chặt vòng vây an ninh và kinh tế quanh Trung Cộng. Nam Dương, dân số 275 triệu người, do dự vì đang làm ăn buôn bán với Trung Cộng nhưng một khi xung đột đến gần với “điểm vỡ”, quốc gia dân chủ đa đảng này sẽ chọn Mỹ.
Định nghĩa của chiến lược Indo-Pacific trên trang nhà của Tòa Bạch Ốc khẳng định: “Hoa Kỳ cam kết về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở, kết nối, thịnh vượng, an toàn và bền vững. Để hiện thực hóa tương lai đó, Hoa Kỳ sẽ tăng cường vai trò của chính mình đồng thời củng cố khu vực chính nó.”
Cục diện thế giới đã đổi thay nhiều chỉ trong vòng mười năm qua.
Nếu cuộc hội kiến Việt Mỹ tương tự diễn ra vào đầu thập niên 2010, phản ứng của Trung Cộng đã khác.
Nhắc lại. Hơn bảy năm trước, 2016, Trung Cộng đã phản ứng giận dữ khi Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam. Tân Hoa Xã trong bản tin ngày 17 tháng 5, 2016 đã cho rằng chuyến viếng thăm của Tổng thống Obama chỉ nhằm “củng cố liên minh chống Trung Quốc”. Bản tin Tân Hoa Xã viết tiếp: “Tính đến cuối năm ngoái, trong 9 năm đứng đầu Nhà Trắng ông Obama đã thăm Đông Nam Á 9 lần để thúc đẩy chiến lược xoay trục sang khu vực. Trong số này có 3 nước ASEAN ông thăm 1 lần: Singapore, Campuchia, Thái Lan; Có 4 nước ASEAN ông thăm 2 lần hoặc sẽ thăm 2 lần: Indonesia, Myanmar, Malaysia và Philippines; 3 nước ông chưa đến thăm có Việt Nam, Brunei và Lào.”
Theo Washington Post, 24 tháng 5, 2016, Trung Cộng cảnh cáo Hoa Kỳ “không nên châm ngòi lửa Á Châu”.
Cuối năm 2023, thái độ hung hăng và phản ứng bằng lời lẽ giận dữ của Trung Cộng hoàn toàn thay đổi.
Sau nhiều tháng suy nghĩ, Tập Cận Bình chấp nhận thực tế chính trị thế giới. Nhưng để gỡ thể diện, họ Tập tạo ra một mẫu quan hệ mới, chưa từng có giữa hai quốc gia. Họ Tập gọi đó là quan hệ “Cộng đồng chung vận mệnh” và vài hôm sau đổi thành “Cộng đồng chung một tương lai”. Khẩu hiệu “chung vận mệnh” hay “chung tương lai” là sản phẩm của bộ máy tuyên truyền Trung Cộng, Cộng sản Việt Nam không biết gì cho đến giờ phút chót.
Trong thông cáo chung giữa hai đảng, khẩu hiệu “chung vận mệnh” được Trung Cộng sửa lại thành “cộng đồng chia sẻ tương lai” nhưng chỉ là cách dùng chữ cho dễ đọc dễ nghe, nội dung không thay đổi gì.
Lý do của sự thay đổi khẩu hiệu, mặc dù không được giải thích, khái niệm “chia sẻ tương lai” có vẻ văn chương và tích cực hơn là “chung vận mệnh”. Khi nghĩ đến “vận mệnh” người ta thường liên tưởng một ngày tàn không tránh khỏi như người đời thường diễn tả qua thành ngữ “vận mệnh đã an bài”.
Cả hai “chung vận mệnh” và “chia sẻ tương lai” không phải là mới mà có một nguồn gốc khá xa trong lịch sử đối ngoại của Trung Cộng trong một hoàn cảnh chính trị thế giới khá giống hôm nay.
Nguồn gốc của khái niệm này bắt nguồn từ Hội Nghị Bandung (Bandung Conference 1955).
Hôm đó là ngày 19 tháng 4 năm 1955 tại Bandung, thủ phủ của tỉnh Tây Java, Nam Dương.
Trong một diễn văn không dài nhưng chữ “vận mệnh” đã được lập lại nhiều lần. Họ Chu phát biểu: “Thời mà các cường quốc phương Tây kiểm soát vận mệnh của chúng ta đã qua rồi. Vận mệnh của các nước châu Á và châu Phi phải được đặt vào tay chính các dân tộc. Chúng tôi cố gắng hiện thực hóa sự độc lập về kinh tế của mình; điều đó cũng không có nghĩa là từ chối hợp tác kinh tế với bất kỳ quốc gia nào ngoài khu vực Á-Phi. Tuy nhiên, chúng ta mong muốn xóa bỏ sự bóc lột của các nước thực dân phương Tây ở các nước lạc hậu ở phương Đông và muốn phát triển nền kinh tế độc lập, chủ quyền của nước ta. Độc lập hoàn toàn là mục tiêu mà đại đa số các nước châu Á và châu Phi phải đấu tranh lâu dài…”
Dù sao, trong thời điểm đó, chính sách “cùng chung định mệnh” đã lừa được nhiều lãnh đạo các nước Á Phi và người bị lừa cay đắng nhất là Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru. Nehru là một chính khách Ấn Độ nhân cách, đức độ, yêu nước, yêu hòa bình và yêu dân chủ, nhưng có quan điểm đối ngoại đầy hoang tưởng, khuynh tả, đặc biệt qua lập trường đối với Trung Cộng.
Những sai lầm chính trị của Jawaharlal Nehru không những để lại hậu quả thua trận trong chiến tranh với Trung Cộng năm 1962, xung đột biên giới còn kéo dài từ đó cho tới hôm nay, số phận đau thương của Tây Tạng và nhất là mất đi cơ hội ngàn năm một thuở để Ấn Độ trở thành hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sau khi Trung Cộng chiếm toàn lục địa.
Năm nguyên tắc “Sống chung hòa bình” được Mao và Chu đề ra gồm: (1) tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, (2) không xâm lược nhau, (3) không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, (4) bình đẳng và cùng có lợi, (5) cùng chung sống hòa bình.
Nehru dễ dàng rơi vào “cùng chung định mệnh” của Mao Trạch Đông. Nehru ký hỏa hiệp Năm Nguyên Tắc Sống Chung Hòa Bình với Trung Cộng 1954, tức khắc theo sau đó Ấn Độ công nhận chủ quyền Tây Tạng thuộc về Trung Cộng. Đó là cây đinh cuối cùng đóng xuống quan tài của quốc gia nhỏ bé vùng Hy Mã Lạp Sơn. Nehru đã dập tắt mọi cơ hội đứng lên của Tây Tạng trong thời kỳ đó.
Nỗi lo bị bao vây của họ Chu năm 1955 cũng là nỗi lo bị bao vây của họ Tập năm 2023. Do đó thay vì phẫn nộ, cảnh cáo, khiển trách nước Cộng sản đàn em, Tập Cận Bình chọn viếng thăm với một thái độ nhún nhường và lấy lòng hơn là thái độ kẻ cả của một đàn anh Cộng sản.
Các liên minh quân sự đang ngày càng siết chặt chung quanh Trung Cộng.
Trong thời đại ngày nay, các mối quan hệ kinh tế thế giới đa phương và có tính phụ thuộc sẽ làm chậm sự bùng vỡ của các mâu thuẫn chính trị nhưng một điều chắc chắn các mâu thuẫn mang tính triệt tiêu sẽ sớm hay muộn phải diễn ra dưới một hình thức nào đó.
Bài học sụp đổ của các đế quốc từ La Mã đến Ottoman cho thấy, một đế quốc tan vỡ cũng là cơ hội phục hưng của nhiều dân tộc nhỏ bị áp bức nhiều năm và cũng là cơ hội ra đời của nhiều nước khác.
Nỗi sợ của đảng Cộng sản Việt Nam không phải là vì sợ Trung Cộng quá mạnh nhưng sợ mất quyền lực của đảng.
Trần Trung Đạo