Trần Trung Đạo: Thái độ chính trị của Andrei Sakharov sau khi ra khỏi nhà tù
Đầu tháng 12, 1986, một nhân viên KGB vào căn phòng nhỏ ở thành phố Gorky, nơi nhà vật lý nguyên tử Andrei Sakharov và vợ đang bị giam giữ từ 1980 để nối lại đường dây điện thoại.
Tiến sĩ Sakharov bị bắt sáng ngày 22 tháng Giêng 1980 khi đang trên đường đến sở làm ở Moscow và bị đưa đi biệt giam trong một căn phòng nhỏ, thực chất là một nhà tù, ở Gorky, vì tội phê bình cuộc chiến tranh xâm lược Afghanistan của Liên Xô và kêu gọi thế giới lên án cuộc chiến tranh xâm lược này.
Suốt gần bảy năm bị giam giữ, ông bà Sakharov phải sống trong điều kiện tệ hại. Máy nghe lén đặt trong phòng 24 giờ mỗi ngày. Mọi tin tức từ thế giới bên ngoài bị ngăn chặn. Theo lời ông kể trong hồi ký, trước phòng bao giờ cũng có một công an ngồi ngay trước cửa ra vào suốt bảy năm. Chỗ ở bị lục soát thường xuyên đến nỗi ông bà để sẵn chìa trong ổ khóa bên ngoài để khỏi bị công an đập ổ khóa. Sakharov tuyệt thực đến chết hai lần, nhưng được đưa vào bệnh viện để cưỡng bách tiêm thức ăn vào người.
Nhân viên an ninh bắt điện thoại xong, hôm sau, 19 tháng 12, 1986 một người gọi đến. Người đó là Tổng Bí Thư đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Dưới chế độ Cộng sản, việc tổng bí thư đảng đích thân gọi điện thoại để trả tự do cho một tù nhân chính trị là việc khó tin. Nhưng đó là tin thật. Andrei Sakharov không phải là một tù nhân chính trị bình thường. Ông là một nhà vật lý nguyên tử nổi tiếng của Liên Xô và là một nhà tranh đấu vì hòa bình, tự do, nhân quyền được cả thế giới kính trọng với bề dày gần 30 năm từ thời Leonid Brezhnev. Sakharov là một trong những người thành lập nhóm quan sát Thỏa Hiệp Helsinki về nhân quyền 1975 và là công dân Liên Xô đầu tiên được trao tặng giải Nobel Hòa Bình.
Mikhail Gorbachev vừa phát động chính sách Công khai hóa (Glasnost) và Cải cách (Perestroika) và muốn chứng minh ông đang theo đuổi hai chính sách đó một cách nghiêm túc, nhưng quan trọng hơn muốn lôi kéo Sakharov, một lãnh tụ đấu tranh có ảnh hưởng quốc tế đứng về phía mình. Tên tuổi của Sakharov được biết bên ngoài Liên Xô còn nhiều hơn tại Liên Xô. Không chỉ nhiều giải thưởng khoa học và nhân quyền mang tên Sakharov mà tại Mỹ cả phim ảnh cũng được dựng để vinh danh ông.
Nhưng Sakharov không phải là con chốt trong bàn cờ chính trị của Gorbachev. Andrei Sakharov biết hành động của Mikhail Gorbachev không phải vì lòng tốt mà thuần túy chính trị. Mikhail Gorbachev nắm chức tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô gần hai năm chứ không phải mới lên tháng này hay tháng trước. Khi nhậm chức tổng bí thư Gorbachev vẫn giữ Sakharov ở Gorky vì lúc đó chưa có nhu cầu thả.
Năm 1986 Gorbachev đang gặp khó khăn và cần Sakharov để giúp mở rộng vây cánh trong giới trí thức ngoài đảng. Viện Hàn Lâm Khoa Học vẫn dành cho Sakharov một chỗ ngồi đầy trọng vọng với tất cả đặc quyền mà ông được hưởng trước ngày bị bắt. Nhắc lại, tiến sĩ Andrei Sakharov từng được tưởng thưởng ba lần danh hiệu “Anh hùng Lao Động”, bốn lần “Huân Chương Lenin”, “Giải thưởng Lenin”, “Giải thưởng Stalin”. Mỗi giải thưởng đều kèm theo các giá trị vật chất lớn hàng năm. Tuy nhiên, khi về lại Moscow, ngoài tư cách hội viên Viện Hàn Lâm Khoa Học, ông đã từ chối nhận lại các giải thưởng hay huy chương Cộng sản.
Trước khi gọi phone, Gorbachev hẳn đã nghĩ tiến sĩ Sakharov sẽ vui mừng xúc động khi được một lãnh đạo cao cấp nhất trong đảng gọi để báo tin ông được trả tự do. Không. Giống như Nelson Mandela ở Nam Phi sau đó, Sakharov đòi hỏi Gorbachev phải cam kết thả hết tù chính trị đang bị giam giữ mà ông đã nêu trong lá thư gởi Gorbachev trước đó. Gorbachev trả lời là ông đã trả tự do cho một số người trong danh sách và còn đang tiếp tục. Như Sakharov nhắc lại trong hồi ký, họ tranh luận về các bản án phi lý mà nhà nước Cộng sản dành cho tù nhân chính trị. Sakharov cũng là người “Goodbye” trước để chấm dứt buổi điện đàm chứ không phải Gorbachev. (Andrei Sakharov, Memoirs, First American Edition, First Printing 1990)
Điều đó cho thấy tù đày không làm ông suy chuyển ý chí, bổng lộc không mua được ông và danh vọng không làm ông thay đổi.
Dù sao, lúc gần nửa khuya ngày 22 tháng 12, 1986 ông bà Andrei Sakharov đáp chuyến tàu đêm khởi hành từ ga Gorky đi Moscow. Đoạn đường chỉ dài 250 cây số và dù rời Gorky 11 giờ đêm, bảy giờ sáng hôm sau tàu mới đến Moscow. Chuyến tàu đêm phải dừng lại ở nhiều ga nên chắc là Sakharov không ngủ được. Nhiều câu hỏi dội lại trong ý thức ông và nhắc nhở ông chặng đường còn lại của đời mình. Con đường của ông hơn hai mươi năm qua, hôm nay và ngày mai vẫn là con đường dân chủ hóa nước Nga.
Trước đó hai mươi năm, trong lá thư Kêu Gọi Dân Chủ Hóa Tuần Tự (Appeal for Gradual Democratization), ba trí thức Liên Xô trong đó có tiến sĩ Andrei D. Sakharov, đã kêu gọi đảng Cộng sản Liên Xô, đứng đầu là Leonid Brezhnev, thực hiện các cải cách kinh tế chính trị. Theo nhóm ba trí thức này, nếu Liên Xô không đem lại cho người dân các quyền tự do chính trị, Nga sẽ trở thành một “quyền lực cấp tỉnh hạng hai”. (James F. Clarity, Appeal in Soviet Asks for Gradual Democratization, The New York Times, April 3, 1970)
Trong thời điểm 1986, dù hình thức nào chưa biết, các điều kiện chính trị đã chín muồi cho một cuộc cách mạng dân chủ. Hung thần Leonid Brezhnev đã qua đời. “Đao thủ phủ Hungary” Yuri Andropov, người chịu trách nhiệm cho việc đàn áp cuộc nổi dậy của người dân Hungary 1856, bị đột quỵ và chết sau khi ngồi trên ghế tổng bí thư chỉ hơn một năm. Khuôn mặt mới Mikhail Gorbachev có khuynh hướng cải cách vì đó là chọn lựa thích hợp nhất với dòng chảy của văn minh nhân loại.
Sakharov không chủ trương cải cách hay đổi mới. Xã hội Liên Xô đang cần một cuộc thay đổi tận căn bản.
Các nhà quan sát kinh tế chính trị Liên Xô đều thấy các mâu thuẫn đối kháng giữa hạ tầng cơ sở kinh tế và thượng tầng kiến trúc chính trị phát xuất từ bản chất của chế độ Cộng sản đang dần dần hiện rõ.
Năm 1986, Liên Xô có kho nguyên tử gồm 45 ngàn đầu đạn nhưng cũng năm 1986 người dân Liên Xô phải sắp hàng dài cả cây số để mua một cuộn giấy vệ sinh. Nhà máy đúc tượng các lãnh tụ Cộng sản nhằm mục đích tuyên truyền tẩy não được thành lập từ 1922 khi Lenin còn sống nhưng mãi tới năm 1969 Liên Xô mới có nhà máy sản xuất giấy toilet đầu tiên và với số lượng rất hạn chế. Trước đó nhà nước Cộng sản phải nhập cảng giấy toilet từ các nước Châu Âu nhưng chỉ ưu tiên dành cho cán bộ ưu tú của đảng. Hàng hóa sang và hiếm tại Liên Xô không phải vàng bạc hay xe hơi mà cả chuối, cam, quýt và dưa hấu. Năm 1990, sau thỏa hiệp kinh tế với Gorbachev được ký kết, Tổng thống George H. W. Bush cho phép xuất cảng ồ ạt đùi gà đông lạnh sang Liên Xô. Mặc dù đây là một món thịt dư thừa và rất rẻ tại Mỹ, đùi gà lại rất hiếm tại Liên Xô. Dân Liên Xô rất thích và đặt tên cho những đùi thịt gà này là “đùi Bush”. Đó không phải là chuyện cười trong các quán nhậu ở Moscow mà là chuyện thật. (Kirill Tšernov, Back in the USSR: The Art of Soviet Queues)
Tháng 4, 1989 Andrei Sakharov được bầu vào Đại hội Đại biểu Nhân dân Nga Khóa I (the First Congress of People’s Deputies), danh xưng của Quốc hội Nga.
Là một người dấn thân tranh đấu cho các quyền sống căn bản của con người, hơn ai hết Andrei Sakharov chứng kiến thực tế băng hoại và tham nhũng mục nát của chế độ Cộng sản Liên Xô. Đồng thời, ông cũng nhận ra bức tường độc tài chuyên chính thời Gorbachev đã mỏng nhiều so với thời Stalin và nếu những người tâm huyết không cần nhiều mà chỉ cần tập trung ý chí để xô bức tường sẽ đổ. Do đó thay vì tiếp tay với Gorbachev để kéo dài sự sống của chế độ Cộng sản ông đã tiếp tay với những người chống Gorbachev để thay đổi nó.
Sakharov không dùng thời gian để viết bài cổ võ các chính sách kinh tế và văn hóa xã hội của Gorbachev. Ông, bằng hành động, đã hợp tác tích cực với những người đang đối lập với Gorbachev như cựu ủy viên Bộ Chính Trị Boris Yeltsin, sử gia Yuri Afanasyev, Thị trưởng Moscow Gavril Popov, học giả Viktor Palm để thành lập một liên minh đối lập. Năm người này có quá khứ, nghề nghiệp, tham vọng và ngay cả cá tính khác nhau. Chẳng hạn Yuri Afanasyev là nhà nghiên cứu sử, Boris Yeltsin là cựu đảng viên Cộng sản cao cấp, Viktor Palm là học giả người Estonia và Sakharov là nhà vật lý nguyên tử. Họ lãnh đạo khối chống độc tài Cộng sản gồm 566 đại biểu gồm nhiều thành phần trong Đại hội Đại biểu Nhân dân Nga vừa được bầu.
Mục tiêu duy nhất, trước mắt và cụ thể của nhóm năm người này là giới hạn độc quyền lãnh đạo đất nước của đảng Cộng sản Liên Xô bắt đầu bằng việc xóa bỏ Điều 6 Hiến Pháp (Điều 4 trong hiến pháp Cộng Hòa XHCN Việt Nam). Sau đó nhóm lãnh đạo cánh đối lập với đảng Cộng sản có thể lập đảng chính trị riêng và thậm chí chống nhau nhưng trong thời điểm 1988, họ rất đoàn kết. Họ biết rằng chỉ có đoàn kết và dứt khoát bám lấy những mục tiêu cụ thể mới thắng được bộ máy cai trị Cộng sản được tổ chức tinh vi với hàng ngũ cán bộ đầy kinh nghiệm sau bảy chục năm cầm quyền.
Ngày 9 tháng 6, 1989, Đại biểu Nhân Dân Andrei Sakharov đọc diễn văn nổi tiếng Nghị định về Quyền lực (Decree on Power) kêu gọi hủy bỏ Điều 6 Hiến Pháp.
Mặc dù chỉ được phát biểu 5 phút, Andrei Sakharov nói lớn: “Tôi đề xuất thành lập một hệ thống hiến pháp mới dựa trên chế độ liên bang theo chiều ngang.” Một trong những người phản đối diễn văn của Sakharov là Gorbachev và cũng chính Gorbachev đã tắt “micro” của Sakharov với lý do “hết giờ phát biểu”. (Katerina Belenkina, Remembering Andrei Sakharov: The Truth of One Man, 13/12/2022)
Công bằng mà nói Gorbachev cũng muốn cải tổ nhưng không muốn xóa bỏ hẳn chế độ Cộng sản Liên Xô.
Khác Gorbachev, Andrei Sakharov, với tư cách đồng chủ tịch của Khối Liên Vùng (the Interregional Deputies’ Group (IDG)) gồm 388 đại biểu trong Quốc hội Nga chủ trương thực hiện dân chủ hóa cấp bách. Ngày 12 tháng 12, 1989, trong phiên họp của Quốc hội Nga lần thứ hai, Andrei Sakharov lần nữa đề nghị xóa bỏ Điều 6 Hiến Pháp. Đề nghị của ông chưa được biểu quyết thông qua vì cánh cực đoan Cộng sản bảo thủ và cánh chủ trương thay đổi từng bước còn chiếm số đông.
Cuộc đấu tranh trong giai đoạn cam go, tiếc thay, hai ngày sau tiến sĩ Andrei Sakharov qua đời.
Nhà vật lý nguyên tử và nhà tranh đấu cho quyền làm người Andrei Sakharov qua đời tối ngày 14 tháng 12, 1989 thọ 68 tuổi nhưng tiếng nói của ông vẫn tiếp tục vang lên trong các cuộc biểu tình đòi dân chủ tại các thành phố lớn nổ ra sau đó. Cuối cùng, các nguyên tắc đa nguyên chính trị một thời cấm kỵ đã xuất hiện trong hiến pháp Nga. Điều Một “Liên bang Nga là một nhà nước liên bang dân chủ, cộng hòa” trong Hiến Pháp Nga 1993 có được là nhờ công lớn của Đại biểu Quốc Hội Andrei Sakharov. Hàng trăm ngàn người dân Nga đã đến tiễn đưa ông. Mikhail Gorbachev và toàn bộ Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Liên Xô đến cúi đầu trước linh cửu ông.
Andrei D. Sakharov ra đi nhưng để lại cho các phong trào dân chủ tại các nước độc tài Cộng sản còn lại nhiều bài học lớn về thái độ và phương pháp đấu tranh. Các thế hệ sau ông có thể rút ra bốn bài học: (1) đoàn kết qua hành động, (2) có thái độ chính trị dứt khoát, (3) có mục đích đấu tranh cụ thể và (4) theo đuổi lý tưởng phụng sự nhân quyền.
Không phải dưới thời Gorbachev khi chế độ đang trên đà tan vỡ mà hơn 20 năm trước đó dưới thời hung thần Leonid Brezhnev, Sakharov đã nghĩ chỉ có dân chủ mới thật sự là lối thoát của Liên Xô.
Chọn lựa của Andrei Sakharov là chọn lựa con đường dân chủ hóa và thái độ của Andrei Sakharov là thái độ dứt khoát không khoan nhượng với thế lực cầm quyền, bởi vì thỏa hiệp với tội ác là một tội ác.
Trần Trung Đạo